CHƯƠNG 7

TỪ KHI KÝ VÀO CHIẾU CẦU HIỀN VÀ SAI Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng hội quân ở kinh sư trừ gian đảng, thượng hoàng Lý Huệ tôn không có hồi âm gì của quan thừa chỉ, ruột ngài nóng như đang ủ một lò lửa. Ngài linh cảm như có một tai hoạ gì lớn sắp xảy ra. Chiều chiều, ngài thường đi dạo trên quãng đường quen thuộc trong khuôn viên xem có thấy tên thị nữ, người của quan thừa chỉ, thường hay lui tới, báo tin. Nhưng tuyệt vô âm tín. Ngài cũng không được biết tí gì về công việc ở trong triều, mà con gái ngài được người ta đặt vào ngôi quân trưởng, đang làm cái trò trống gì. Ngài muốn gặp vợ con quá chừng, nhưng không thể nào vượt qua được khu cấm địa này. Ngay cả Trần Thủ Độ, ngài cũng mong ông ta đến. Bây giờ ngài không sợ nữa. Người ta đã tước hết thảy quyền bính của ngài rồi, còn gì nữa để mà mất. Ngài ao ước gặp Trần Thủ Độ để xỉ mắng ông ta một trận, cho bõ sự căm hờn chất chứa trong lòng ngài từ bấy lâu nay. Nhưng nghĩ lại, Huệ tôn tự nhủ: “Có lẽ mình phải cầu xin ông ta, để có cơ may còn được gặp con cái. Nếu không, chết thối rữa ra ở chốn lãnh cung này cũng không ai biết”. Ngài lại nghĩ: “Trăm điều chỉ tại con mụ vợ ta thôi. Nó thông đồng với anh em chú cháu nhà nó để hại ta. Nếu không có nó làm nội ứng, ngày đêm năn nỉ với ta, thì làm sao ta ưng thuận để cho Trần Tự Khánh rước xa giá về cung, từ mùa xuân năm Bính tí (1216) ở Cứu Liên(1). Cũng từ đấy, quyền hành ta lại trao vào tay thằng anh ruột nó. Trần Tự Khánh được ta cho làm thái uý phụ chính. Lão anh cả Trần Thừa cũng được giao làm nội thị phán thủ. Thế là công việc trong ngoài triều chính đã lọt vào tay anh em nhà nó. Vây cánh nhà nó càng ngày càng lớn, lấn át cả ta để sai khiến thiên hạ”.
Lý Huệ tôn cứ dằn vặt mình tại sao bỏ đường sáng, nhảy vào đường tối. Ông tiếc, cái năm Quí Dậu (1213), rồi lại năm Giáp Tuất (1214), hai lần Trần Tự Khánh đến cửa khuyết tạ tội xin đón xa giá, ông đều chối từ. Lần thứ nhất ông đã giáng Trần Thị Dung từ nguyên phi xuống hàng ngự nữ. “Lúc ấy ta đã thấy có điều đáng ngờ: xa giá đi về nẻo nào rồi bọn Trần Tự Khánh cũng tìm ra. Vậy thời chỉ có Ngự nữ - người vợ yêu của ta vẫn lén lút thông tin cho cánh họ Trần, nên chúng mới biết”. Nhà vua chép miệng “Tiếc thay, hồi ấy nếu ta cứ nghe thái hậu, dụ cho Trần Tự Khánh đến, rồi giết đi thì đâu còn tai hoạ lớn cho ngày nay”. Càng nghĩ, máu trong người càng uất lên. Huệ tôn tự thấy mình có tội với các tiên đế. “Vậy là ta đã đem cả cơ nghiệp của tổ tông xây đắp nên, trao vào tay một lũ quyền gian. Mà kẻ môi giới lại chính là mụ vợ ta. Chao ôi, lịch sử khéo lặp lại. Sự nghiêng đổ thành trì, ai ngờ lại chính do tay một mụ đàn bà. Nhà Đinh mất nghiệp cũng chỉ một tay Dương thị tư thông với Lê Hoàn. Xa nữa, nhà Hán, nhà Đường bên Trung Quốc, suýt mất nghiệp lớn, cũng chỉ do mấy con mụ Lữ Hậu, Võ Tắc Thiên gây nên. “Bây giờ lại đến lượt ta!”.
Huệ tôn cứ ngày đêm nguyền rủa mình mãi không thôi. Cuối cùng, nhà vua nghĩ, phải làm thế nào thoát ra khỏi cảnh sống dở chết dở này. Nhà vua chợt nhớ tới lời dặn của quan thừa chỉ qua con thị tì bữa trước: “ Bệ hạ nên sớm dứt bỏ chốn cung cấm thâm nghiêm. Bệ hạ hãy tỏ ra thối chí…”
Nghĩ vậy, nhà vua bèn viết mấy chữ gửi cho Trần Thủ Độ. Sau vài dòng thăm hỏi chiếu lệ, Huệ tôn viết:
“Ta vốn chuộng cảnh nhàn, lại không đủ sức đi đó đây. Nghĩ mãi, chỉ có gửi thân nơi cửa Phật là hợp với sở nguyện của ta. Vậy ta mong nhà ngươi nghĩ đến chút tình ưu nghĩa xưa ta đối với thái hậu Trần thị, cũng như mấy anh em khanh được cất nhắc chầu hầu. Hãy gia ân yới ngày đại cát này, cho ta vào làm lễ tế cáo trong điện chí kính(2), trong nhà thái miếu(3), rồi vĩnh biệt các con ta. Sau đó ta cũng xin trụ trì tại chùa Kim Liên, là ngôi chùa mà các tiên đế đã tạo dựng”.
Viết xong, Lý Huệ tôn ôm mặy khóc hu hu.
Mơ về một ngôi chùa sắp tới, nhà vua sẽ trụ trì với các đấng thiền sư mà trước đây nhà vua đã đôi lần lui tới viếng thăm.
Bỗng Huệ tôn nhớ lại gần chục năm trước, thấy tình cảnh đất nước bê bối, ngổn ngang, nhà vua muốn chấn hưng, đã toan mời một vị thiền sư lỗi lạc, thông hiểu cả tam giáo(4), về triều làm quốc sư. Nghe danh Hiện Quang thiền sư, năm mười tuổi một đã xuất gia, ở chùa Lục Tổ, được ngài Thường Chiếu thu nạp làm đệ tử, nay nổi tiếng khắp nước. Huệ tôn phái người đem lễ vật tới cầu hai ba lần, nhà sư đều lánh mặt, không tiếp. Tới lần thứ năm, ngài sai thị giả trả lời:
“Xin sứ giả về tâu lại với nhà vua, bần đạo hiện nay sinh trưởng ở đất nhà vua, ăn lộc của nhà vua, ở trong núi làm chùa thờ Phật trong bao năm rồi, công đức còn chưa được bao nhiêu, rất đỗi thẹn thùng. Nếu nay về hầu cận đức vua, không những chẳng được ích gì, lại sao nhãng trong việc tu hành, như thế chỉ để mọi người chê bai mà thôi. Phương chi hiện nay Phật pháp có bề hưng thịnh, các bậc Sư, Tượng đầy dẫy đang hành hoá tại nơi điện các, cớ chi đức vua lại cứ đoái đến một kẻ thô lậu, bần hàn, mặc manh áo vá đi kiếm ăn trong núi sâu này làm chi?”.
Nhớ lại, Huệ tôn càng buồn. Ngài cho rằng vận số nhà Lý đã hết, nên chẳng cầu được người hiền. Âu cũng là do tiên đế để lại. Ngay thời tiên đế đã có việc bắt các nhà sư phải hoàn tục(5). Hẳn rằng các thuyền sư vẫn chưa nguôi oán giận? Nghe nói, Tăng phó Nguyễn Thường đã từng can phụ vương: “Chúa thượng chơi bời không điều độ, chính sự của triều đình thì rối loạn, lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong”. Tiếc thay, phụ hoàng đã chẳng nghe. Tăng phó liền bỏ đi. Còn ta, cầu mãi chẳng được người tài. Cho đến bây giờ, sự sụp đổ sờ sờ ra trước mắt. Biết đấy, mà khoanh tay thúc thủ.
Nhận được thư của Lý Huệ tôn, Trần Thủ Độ mừng lắm. Chính ông cũng băn khoăn không biết phế Huệ tôn bằng cách nào. Giam lỏng mãi như thế cũng không được. Lỡ đang thiết triều, Chiêu Hoàng đòi đi thăm phụ vương thì sao? Ăn nói thế nào với các bậc đại thần. Nay Huệ tôn lại tự khơi đúng ý ta. Vậy là trời giúp ta. Ta tránh được tiếng ác. Nhưng tại sao ông ta lại cứ khăng khăng muốn ở chùa Kim Liên? Chùa nào mà chẳng do các tiên đế nhà Lý xây cất. Nói cho đúng, không có nhà Lý thì làm gì có chuyện chùa chiền, thờ tự sùng thịnh như ngày nay.
Dù Huệ tôn đòi hỏi không có gì quá đáng, Trần Thủ Độ vẫn cứ còn phải cân nhắc. Ông ngờ trong việc này, còn dính dáng tới một vị đại thần nào chăng? Về phần quan thừa chỉ, ông đã dùng kế điệu hổ ly sơn, sai giữ chức an phủ sứ Nghệ An. Ông cũng ngầm gài người theo dõi các hành vi của quan thừa chỉ.
Rồi cái ngày đại cát mà Lý Huệ tôn mong mỏi cũng đã đến. Ông chỉ được tới điện chí kính, chứ không được tới nhà thái miếu. Trần Thủ Độ lấy cớ rằng, nhà thái miếu chỉ mở cửa khi làm lễ Hiến phù(6), cùng các ngày lễ tế Giao(7), ngày tết Nguyên đán, ngày vua mới đăng quang(8).
Ngôi chùa mà Huệ tôn tự chọn cũng không được. Thay vì chùa Kim Liên nằm mãi ven bờ hồ Dâm Đàm(9), Huệ tôn được nhận vào chùa Chân Giáo - ngôi chùa nằm ngay trong hoàng thành. Trần Thủ Độ viện rằng, sức nhà vua yếu, không nên đi xa kinh thành, ngự y khó bề săn sóc. Vả lại Chân Giáo là ngôi chùa do Thái tổ nhà Lý lập ra từ năm Giáp tí (1024) để nhà vua tiện ra vào lễ Phật. Nay Huệ tôn vào tu ở đó là hợp hơn cả. Chẳng biết Huệ tôn có kịp nghĩ ra, chứ việc Trần Thủ Độ ngăn không cho ông viếng nhà thái miếu, xét về lý, quả là như vậy. Nhưng ẩn ý Trần Thủ Độ không muốn nhân dịp này, các đại thần lại lũ lượt theo hầu vua cũ. Biết đâu chẳng có người bầy cho Huệ tôn nhân đó mà tập hợp bè đảng, chiêu nhóm những người có lòng hướng về nhà Lý. Còn như lễ tế trong điện chí kính, đó là việc riêng của hoàng gia, triều đình không can dự. Huệ tôn chẳng còn kiếm được cớ gì để gặp các đại thần. Ngay cả việc giữ nhà vua trong ngôi chùa Chân Giáo, cũng không ngoài ngụ ý quản thúc. Thủ Độ hiểu rằng từ chùa Kim Liên, có thể xuống thuyền ra sông Cái rồi đi các ngả; Huệ tôn dễ dàng rơi vào tay các thế lực khác đang kình chống với ông.
Buổi lễ tế cáo ở điện chí kính diễn ra thật buồn tẻ. Mãi xế chiều mới có kiệu đến rước nhà vua. Trước đấy, người ta bàn đến nát nước, dùng lễ nghi gì đối với Huệ tôn. Cuối cùng, người ta phải chấp nhận, coi Huệ tôn như một đấng đương kim hoàng thượng. Phẩm phục của Huệ tôn vẫn không có gì thay đổi.
Nom nhà vua mặt buồn thiu. Tới lúc này, ngài không còn hy vọng gặp lại các con. Bởi từ tảng sáng, ngài đã dậy chờ người ta đến rước đi. Hoặc nói cho đúng là chờ người ta mở cửa cho đi. Suốt một đêm dài thức trắng, ngài nghĩ về các con. Ngài ao ước thấy mặt Chiêu Thánh, Thuận Thiên hai nàng công chúa yêu mà gần trọn một năm ngài không được gặp. Thật tình, đôi lúc nhà vua cũng có ý muốn gặp cả “người kia” nữa. Nhưng cứ nghĩ đến cách xử bạc của bà ta, nhà vua lại nổi uất lên.
Sai quan nội hầu dẫn kiệu tới rước Huệ tôn, còn Trần Thủ Độ đón xa giá của Lý Chiêu Hoàng từ phía điện Thiên An. Kiệu của Chiêu Hoàng tới trước cung Ngoạn Thiềm, thì gặp kiệu của Huệ tôn cũng vừa tới. Chiêu Hoàng xuống kiệu, lon ton chạy tới trước kiệu vua cha, vừa thét gọi lạc cả giọng, vừa phủ phục xuống lễ thượng hoàng. Kiệu của bà thái hậu Trần Thị Dung và công chúa Thuận Thiên cũng vừa tới.
Nhìn nét mặt sầu khổ cùng tấm thân héo úa của vua cha, Chiêu Hoàng bật khóc nức nở. Thuận Thiên cũng níu lấy vua cha mà khóc.
Bà thái hậu chợt thấy chồng, đã giọt ngắn giọt dài. Bà vội lấy chéo khăn lau nước mắt, rồi nhón một khẩu trầu bỏ vào miệng nhai cho đỡ xúc động.
Huệ tôn cố ngăn, dù chỉ một lần, không để cho tình cảm lấn át, ông khuyên các con hãy bình tâm. Ông biết cái bóng lờ mờ đứng phía sau kia là ai rồi. Nhưng ông không hề ngoảnh lại phía đó. Đỡ Chiêu Thánh dậy, ông vỗ về khuyên bảo hai chị em phải gắng gỏi lên, rồi ông dẫn các con đi bộ vào điện chí kính.
Thượng hoàng và nhà vua đã dẫn bộ, nên Trần Thủ Độ và bà thái hậu cùng các quan nội hầu, cũng phải xuống kiệu đi theo. Trần Thủ Độ tỏ ra bực bội trước sự mềm yếu của mẹ con bà thái hậu, và vẻ cứng cỏi chưa từng thấy ở Huệ tôn.
Đèn nhang và các vật hiếu kính, đã bầy sẵn trên các mâm thờ trong điện. Mấy đỉnh trầm cũng vừa nhen đốt toả hương thơm ngào ngạt. Lý Huệ tôn tự tay thỉnh một hồi ba tiếng chuông, ông lầm rầm khấn vái. Chiêu Hoàng, Thuận Thiên bám riết hai bên tả hữu vua cha. Bà thái hậu vẫn giữ một khoảng cách ở phía sau. Nếu như lúc này Huệ tôn ngoảnh lại, nhìn thấu tâm can bà qua khuôn mặt đau đớn kia, chắc những nỗi oán giận chất chứa bấy lâu trong lòng ngài, cũng sẽ vơi nguôi ngay. Nhưng ông đã không ngoảnh lại. Huệ tôn khấn lễ khá lâu. Khi tới trước bàn thờ vua cha và mẫu hậu, Huệ tôn nấc lên. Ông nói giọng đẫm đầy nước mắt: “Trăm lạy mẫu hậu, ngàn lạy mẫu hậu hãy tha thứ cho con. Con đã không nghe mẫu hậu, để con yêu nghiệt nó dẫn cả dòng họ nhà nó vào áp chế triều đình. Cơ đồ nhà Lý hầu tan nát, tội lớn tại con. Con xin vua cha, mẫu hậu cùng tiên tổ hãy cáo cấp trước hoàng thiên hậu thổ, về tội soán đoạt của anh em chú cháu nhà nó. Hãy vì trăm họ mà tru diệt hết cả cánh họ Trần nhà chúng nó, thì dù thân con có vùi nơi chín suối cũng được hả hê lòng dạ…”.
Chiêu Hoàng, Thuận Thiên ngơ ngác không hiểu vua cha nguyền rủa ai. Nhưng lọt tai thái hậu từng lời; từng lời như những mũi tên thuốc độc bắn vào trái tim tan nát của bà. Người bà như hụt hẫng. Trước mắt bà như có trăm ngàn ngọn bạch lạp lung linh, bay nhảy hỗn loạn. Mắt hoa lên, bà lịm đi rồi khuỵu xuống. Trước khi ngã, bà còn kêu được mấy lời: “Bệ hạ! Bệ hạ, oan cho thiếp!”
Biết có thái hậu ở phía sau, nghe rõ cả lời kêu than của bà, Huệ tôn vẫn không thèm ngoảnh lại. Trong khi đó, Thuận Thiên, Chiêu Thánh vẫn chăm chú theo dõi vua cha, không hề biết ở phía sau, mẫu hậu vừa lịm ngất, Huệ tôn ghé tai nói nhỏ với Chiêu Hoàng: “Nếu Trời - Phật độ trì, lớn lên con khôi phục được kỷ cương sáng rõ. Con nhớ trừ hết phe đảng họ Trần”. Xong, ông trút bỏ lớp áo ngự, để lộ ra tấm áo hoà thượng và nếp mũ nhà sư. Huệ tôn giơ một bàn tay lên đặt trước ngực, tay kia ông xoa đầu vĩnh biệt các con. Rồi ông đi thẳng về chùa Chân Giáo. Từ nay ông mang pháp hiệu: Huệ quang thuyền sư.
============
1. Khoảng phía nam sông Thiên Đức, nay thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên.
2. Điện chí kính: Nơi thờ phụng tổ tiên của nhà vua từ năm đời trở lại.
3. Nhà thái miếu: Nơi thờ phụng từ khởi tổ họ nhà vua trở đi.
4. Tam giáo gồm: Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo.
5. Nghe lời tâu của Thái phó Đàm Dĩ Mộng, năm Mậu ngọ (1198), Cao tôn xuống chiếu thải bớt nhà sư, bắt phải hoàn tục, hạn chế việc cấp độ tiệp cho những kẻ muốn xuất gia.
6. Hiến phù: lễ thắng trận, đem tù binh về dâng trước nhà thái miếu.
7. Lễ tế trời đất thường vào dịp đầu năm.
8. Đăng quang: Ngày lễ vua mới lên nối ngôi.
9. Dâm Đàm: tên cũ của Hồ Tây.