Chương 8

Tưởng là không ngủ được, nhưng tôi vẫn đánh một giấc cho đến chín giờ sáng hôm sau. Nghĩ đến ba đang ở trên công an mà héo cả ruột gan. Không biết họ có cho ba ăn sáng không? Nhớ ba ghê mà chả biết làm sao.
Thôi, quên đi, quên đi. Tôi chạy xuống nhà tập đàn, đến khi ngồi vào đàn, tôi lại không nhấc nổi bàn tay. Đôi mắt nghiêm nghị của cô Nguyệt Hằng hiện ra, Thảo Phương, sao em lười thế, không cô ơi, em đang tập đây nè, một hai, tiếng đàn vang lên trong phòng vắng. Bác Chopin ơi, bác tha lỗi cho cháu nhé, lần đầu tiên cháu diễn tả tác phẩm của bác một cách vô trật tự, bác thông cảm cho cháu nha, chả biết chuyện gì sẽ xảy đến cho gia đình cháu đây?
Chị Hai từ ngoài cổng chạy vào:
--Cô Phương, cô Phương.
--Làm gì kêu ỏm tỏi vậy?
--Ủa, cô đang học đàn hả?
--Nói gì nói ngay đi, hỏi hoài.
Chị Hai đến gần:
--Hồi nãy anh Văn công an có tới nhắn đem cho ông hai bộ quần áo và đồ vệ sinh cá nhân.
Rồi chị bật khóc:
--Cô Phương ơi, rứa là ông bị bắt thiệt rồi.
Tôi cảm động, nắm tay chị:
--Thôi chị nín đi, chị làm em muốn khóc theo đây nè.
Chị Hai kéo vạt áo chấm nước mắt:
--Rứa thì chừ tôi thu xếp quần áo đem lên quận cho ông nhen.
--Chị có biết đường đi không đấy?
--Khỏi cần, anh Văn nói cứ đưa cho ảnh, ảnh đem lên giùm cho.
Tôi đứng dậy:
--Chị trông nhà đi, để em lên sửa soạn áo quần cho ba em.
Tôi mở cửa bước vào phòng ba, ngày xưa là phòng của ba má, không có gì thay đổi ngoài tấm hình của má không được đặt cạnh cái chụp đèn trên bàn viết của ba nữa, ba đã thay vào đó bằng tấm hình của tôi. Có một lần ba nói với tôi, tôi là hình ảnh thanh xuân của má, vậy mỗi khi ngồi làm việc, nhìn vào mắt con ba có nhớ đến má hồi còn trẻ không hở ba? Tôi đến bên giường ba, nửa chiếc chăn còn sa xuống đất, chắc tại đêm qua nghe tiếng kêu cửa ba đã hoảng hốt chạy vội xuống lầu, để bừa bãi ra như vậy. Nhớ lại gương mặt thất sắc của ba khi ba bước ra khỏi nhà không một lời từ giã, sao tôi lo quá. Tôi lại nghĩ đến má, nếu hai người không giận nhau thì có phải bây giờ tôi có má bên cạnh rồi không? Nỗi lo của tôi cũng được má chia sẻ, hai má con sẽ cùng lên quận xin được gặp ba, ngồi bên ba và cứ ngồi hoài vậy cho đến khi người ta thả ba về. Tôi kéo chiếc chăn lên xếp vuông vắn, sửa lại gối, tấm drap hoa trên giường ba, rồi thẫn thờ gieo mình xuống chiếc ghế đệm, lớp nhung dày êm ái ôm lấy hình tôi nhưng không xoa dịu được nỗi xót xa.
--Cô Phương ơi, mau lên.
--Ờ, chờ em chút xíu.
Tôi chạy đến mở tủ, lấy chiếc xắc du lịch bỏ vào đó mấy bộ đồ, kem đánh răng, bàn chải, và khăn lau mặt, xong chạy xuống lầu đưa cho chị Hai. Thấy chị cầm giỏ trên tay, tôi hỏi:
--Chị đi đâu nữa đó?
--Tôi ghé phường đưa đồ cho anh Văn, xong còn đi chợ, nhà hết thức ăn rồi.
--Em không ăn gì đâu, chị đừng nấu mất công.
Chị Hai nhìn tôi âu yếm:
--Nói bậy đi, ăn có sức mà học chớ, trông cô giống như con nộm.
Tôi kéo tay chị:
--Em nói thiệt đó, chị qua phường mau rồi về với em, em không thích chị đi chợ đâu, em ở nhà một mình buồn lắm.
Chị Hai nâng cằm tôi:
--Lớn rồi mà còn làm nớt chưa!
Tôi phụng phịu:
--Em không chịu đâu, chị ở nhà với em nha.
Chị Hai đưa ngón tay chỉ vào mặt tôi:
--Nhưng cô phải hứa với tôi một điều đã.
--Em hứa mà.
--Cô phải ăn hết chiếc bánh sandwich và uống hết ly sữa tươi trên bàn kia.
Tôi nhăn mặt nhưng cũng ráng gật đầu. Được dịp chị Hai càng bắt nạt:
--Chưa hết đâu, trưa nay cô phải ăn đủ ba chén cơm.
Tôi ngoan ngoãn:
--Em ăn cơm với xì dầu cũng được, chị đừng đi chợ nha.
--Nhà còn chục hột gà, tôi sẽ làm ốp la cho cô ăn. Tôi đi đây.
Tôi lại ngồi một mình bên những phím đàn trắng muốt, nghĩ vẩn vơ. Nghe cô Nguyệt Hằng bảo, qua tháng chín sẽ có một buổi tổng duyệt để chọn những học sinh chính thức ra Hà Nội dự thi "Tài Năng Trẻ", kỳ thi này được đặt tên là "Mùa Thu". Ôi, Hà Nội Mùa Thu chắc phải đẹp lắm. Tôi chưa bao giờ ra đấy nên vẫn hằng ao ước được một lần trông thấy nhành liễu rũ bên hồ Tây hay một đêm trăng nào đó được đi trên con đường đầy hương hoa sữa (như trong các bài thơ tôi đã từng đọc). Tôi có được chọn đi thi không? Cô Nguyệt Hằng rất tin tôi nhưng lòng tôi thì vẫn bất an làm sao. Mỗi lần lên trường trông thấy chúng nó tập mà khiếp, toàn là những "cao thủ võ lâm", nhất là các bạn sắp dự thi môn violon, luyện tập muốn trẹo cả cần cổ. Tôi lại lan man nghĩ đến Tuấn, không biết Tuấn đã tập xong bài thi chưa?
--Thảo Phương.
Tiếng gọi nhẹ nhưng quen thuộc và đầy thương yêu. Tôi quay lại:
--Má.
Má đứng bên ngưỡng cửa, ăn mặc giản dị nhưng đẹp hơn bao giờ hết. Má bước tới, tôi đứng dậy, hai má con ôm chầm lấy nhau cùng ngồi xuống salon. Tôi thì thầm:
--Má ơi, ba bị bắt rồi.
--Má cũng đoán vậy. Sáng sớm nay cô Hoa đến tìm má cho má hay bác Trân đã bị bắt cùng với một xe chở đầy hàng, nghe vậy má hoảng quá, má lên xem thử ba ra sao.
--Công an mời ba lên quận từ hồi khuya cơ.
--Họ có khám nhà không?
Tôi gật đầu, nói nhỏ:
--Có, nhưng không thấy gì cả, bác Trân chở đi mất rồi.
Má thở phào:
--Vậy cũng may.
Rồi má lo lắng hỏi:
--Trên quận có nhắn gì xuống không?
--Có, họ nhắn đem áo quần lên cho ba, chị Hai mang đi rồi.
Má tựa lưng vào ghế, lẩm bẩm:
--Không biết người ta giữ ba lại lâu hay mau đây.
Tôi nhìn vào mắt má và đọc được trong đó một nỗi lo lắng thật sự, má ơi, má đã quan tâm đến ba rồi sao. Tôi gợi ý:
--Má ơi, trên đó người ta có cho ba ăn cơm không hả má?
Má bật cười:
--Con nhỏ này, sao lại không cho.
--Nhưng chắc là không ngon đâu má há.
Má cúi xuống lục giỏ xách:
--Má cũng nghĩ vậy nên hồi này má có ghé chợ mua một bộ tim cật, má định nấu cháo mang vô cho ba.
Tôi vỗ tay:
--Hay quá!
Giọng má lo lắng:
--Chả biết người ta có cho người nha bới xách không?
--Má khỏi lo, để con nhờ anh Văn đem vào cho ba.
Chị Hai về, thấy má, reo lên:
--A, bà lên.
Má nhìn chị:
--Sao? Đem áo quần lên cho ông rồi à, ông có dặn gì không?
--Dạ người ta không cho vô, con nhờ anh Văn chuyển lại thôi.
Chị nhìn vào cái gói trong tay má:
--Bà mua gì đó, đưa con nấu cho.
Má đứng dậy đi xuống bếp:
--Vào phụ tôi nấu cho ông một tô cháo, nhanh lên.
Chị Hai lăng xăng chạy đến bên tôi chọc quê:
--Má lên rồi, hết làm nớt chưa cô công chúa của tui?
Rồi chị nói nhỏ:
--Nì, lần này là trăng soi duyên lành, châu về hiệp phố rồi đó nghe. Thấy bà bước vào ngôi nhà ni là tôi nghe lòng khỏe re, giống như vừa uống xong mười thang thuốc bổ.
Tôi tròn xoe mắt trước giọng điệu sặc mùi cải lương của chị, lòng không khỏi nao nao. Thương chị Hai ghê, hẳn chị cũng như tôi, luôn ao ước ngày về của má, luôn mong chờ đám mây hạnh phúc trở lại tỏa ánh hào quang lên mái ấm gia đình này. Đã tự lúc nào chị đã trở nên thành viên trong gia đình tôi, chị đã chiếm trọn sự tin cẩn nơi ba má và tình thương yêu của tôi. Tôi thường nghĩ đến một ngày kia chị Hai đi lấy chồng, chắc là tôi buồn nhớ chị lắm. Đôi lúc tôi lại nghĩ khác, tôi lạy trời cho chị Hai đừng có chồng để ba má nuôi chị mãi mãi, để chị luôn ở bên tôi, hát ru tôi ngủ bằng những bài hát nói về quê hương của chị.. "Miền Trung vọng tiếng... em xinh em bé tên là Hương Giang đêm đêm soi ánh trăng vàng mà than.. Hò ơi... Đêm Đông Ba buồn qua cửa chợ, bến Vân Lâu thuyền vó đông sầu.. ơ hò...".
Suốt một tháng má ở bên tôi. Hình như tôi thấy khỏe hơn trước, tôi ăn được, ngủ ngon và những giờ tập đàn cũng đầy hứng khởi. Hàng ngày, má làm thức ăn nhờ anh Văn đem vào cho ba, những món ăn đơn giản nhưng ba rất thích như cá kho tộ, mắm chưng... Thoạt đầu, anh Văn không nhận. Anh bảo ba đâu có bị tù tội gì mà phải bày vẽ như vậy, chính quyền chỉ giữ ba lại một thời gian để lấy cung về một vụ buôn lậu lớn xảy ra trong công ty của bác Trân mà thôi. Nhưng sau thấy má và tôi năn nỉ quá, anh đành nhận, có thể là anh đã biết tình trạng rạn nứt của ba má nên cố giúp tôi để hàn gắn lại chăng? Anh Văn đúng là một người tốt, một anh công an khu vực gương mẫu luôn luôn muốn đem lại niềm vui cho mọi người.
Tôi đã thuộc các bài thi, ngoài các bản bắt buộc, hai tác phẩm của cô Nguyệt Hằng chọn cho tôi đều của nhạc sĩ thiên tài Ba Lan: F. Chopin. Từ ngày má trở về nhà, mặc dù ba vẫn còn trong vòng lao lý, tôi vẫn tập đàn một cách hăng say. Cô Nguyệt Hằng rất bằng lòng, cô thường ghé nhà tôi để thăm má và cô thường nói riêng với tôi rằng, đây là dấu hiệu rất tốt đẹp giữa ba má cho nên việc ba bị bắt chưa hẳn là điều không may. Cô ví má như một cánh chim, sau bao nhiêu ngày tung cánh giữa bầu trời lồng lộng, nay đã biết nhớ tổ quay về, tôi và ba nên sẵn sàng dang rộng đôi tay. Ba đã biết điều này, có thể do anh Văn nói lại, nên trong một lần duy nhất tôi được phép vào gặp ba, ba đã cầm bàn tay tôi với đôi tay run run của ba, giọng ba cũng run run:
--Thảo Phương, má đã trở về, phải không con?
--Sao ba biết?
--Những món ăn đem vào không thể của con Hai nấu được, ba đã thuộc lòng hơi hướng và gia vị của má, không thể nhận lầm được.
Tôi ôm lấy ba:
--Đúng rồi ba ơi, má đã trở về, ba đừng giận má nữa nghe ba.
Lời ba ôn tồn:
--Ba rất mong má về, con ạ.
Tôi nghe lòng rộn rã:
--Ba ơi, lần này gia đình mình đừng chia cách nữa nghe ba.
Ba chậm rãi gật đầu, đôi mắt nửa buồn nửa vui.
Tôi càng cố gắng tập đàn. Ngày ba về với má là ngày tôi bước lên đài vinh quang, tôi sẽ được chọn đi dự thi, tôi sẽ làm rạng danh cô Nguyệt Hằng và giải thưởng tôi giành được sẽ là quà tặng ba má nhân ngày tái ngộ đáng trân trọng này. Tuấn cũng đang tập đàn ráo riết, vậy mà anh chàng đã bỏ nhiều thì giờ đến thăm tôi rất thường. Tội Tuấn ghê, thấy có má lên ở với tôi, Tuấn mừng ra mặt, Tuấn cũng mong chờ ngày về của ba với một tâm trạng nao nức y như tôi. Tuấn bảo dù có bận đến đâu, Tuấn cũng sẽ kéo bài "La Vie En Rose", tôi sẽ lãnh phần đệm, hai đứa nhất quyết tổ chức một buổi lễ thật xôm tụ chào đón ba má. Tôi sẽ nói chị Hai trổ tài làm một cái bánh thật lớn, cho rất nhiều đậu phọng và mặt trên là một lớp kem trắng chạy chữ tên ba má màu xanh, màu của tình yêu hạnh phúc. Chị Hai sẽ được thưởng công bằng những bản đàn của Minh Châu, những bài dân ca nói về quê hương thơ mộng của chị, về tình cảm thiêng liêng gắn bó giữa đất nước con người... Tôi lại nghĩ đến Minh Châu, và tôi sẽ trách nó mãi cho đến hết Hè nếu hôm nay tôi không nhận đựơc thư nó:
"Mỹ Tho, ngày...
Thảo Phương thân yêu,
Tao đang rửa lỗ tai để nghe mày chửi đây, nhưng Phương ơi, chớ trách tao mà tội, mưu sự tại nhân thành sự tại thiên mày ạ. Cách đây một tháng, sửa soạn lên thăm mày thì bỗng tao bị đau bụng và ói dữ dội, tưởng chết rồi chớ, ba má chở tao vào bệnh viện mới biết bị đau ruột thừa phải mổ mày ạ. Tao vừa mới xuất viện là đòi lên mày ngay nhưng ba má không cho vì tao còn yếu lắm, phải tẩm bổ thật nhiều mới lấy lại được tình trạng cũ. Tuấn có viết thư kể chuyện gia đình mày, tao lo lắm, hôm đọc báo thấy có tên bác trai, tao càng lo thêm, cầu trời cho bác tai qua nạn khỏi. Sắp hết hè rồi, hẹn gặp lại mày, đừng giận tao nha.
Thương,
Minh Châu"
Tôi nhìn lên tấm lịch treo tường, còn hai tuần nữa là khai giảng. Lại một năm học đã qua với bao vui buồn kỷ niệm, những gương mặt bạn bè thân quen từ bốn phương trời hội tụ về đây, Hùng Sông bé, Tuyết Vũng Tàu, Châu Mỹ Tho.. Chúng tôi như đàn chim nhỏ cùng ca hát trong một tổ ấm chung, cùng sinh hoạt nghệ thuật dưới mái trường khang trang trên con đường Nguyễn Du quanh năm xanh ngời bóng lá, những hàng me thẳng tắp suốt ngày chụm đầu vào nhau tâm sự rì rào.
Má đi chợ về mua cho tôi một bịch sâm bổ lượng:
--Con tập đàn chưa?
Tôi nhõng nhẽo:
--Ăn xong con sẽ tập má ạ.
--Ờ, gắng lên con, má nghe cô Nguyệt Hằng bảo, tháng mười này là thi đấy.
Tôi ôm má:
--Con biết rồi mà, má khỏi lo, con sẽ dành cho ba má một món quà bất ngờ.
Rồi tôi đỡ chiếc giỏ xách:
--Con phụ má nấu món ăn cho ba nha.
--Để đấy chị Hai làm được rồi, con tập đàn đi.
Ngồi vào đàn, chưa kịp mở nắp đã nghe tiếng chân người reo trên lối sỏi. Tôi nhìn ra, anh Văn đang bước vào nhà:
--Thảo Phương, từ nay bảo má đừng bới xách cho ba nữa.
Tôi tái mặt:
--Sao vậy anh Văn?
--Tuần sau tòa xử vụ công ty của ba em nên từ bây giờ người ta không cho gặp người nhà nữa.
Tôi ngập ngừng:
--Nhưng anh...
--Anh cũng vậy, anh không được quyền gặp ba em nữa.
Má đã ra đến bên tôi:
--Anh Văn nè, vậy thì hôm nào nhóm tòa?
--Tôi cũng chưa biết chính xác, có lẽ tuần sau, mai tôi sẽ cho bà biết ngày giờ cụ thể.
--Liệu... có sao không?
--Cái đó tôi không biết được, chào bà.
Tuy lo, nhưng tôi vẫn tập đàn đều đặn, say sưa. Việc gì đến sẽ đến. Thôi thì cứ đem ra xét xử công minh, có thể ba sẽ chịu một hình phạt nào đó, tù tội hay bồi thường? Dù sao đi nữa, ba cũng chỉ là một trong những tòng phạm với bác Trân. Tôi chỉ biết vái trời cho ba chịu tội nhè nhẹ, để còn về bên tôi chứ, à quên, cả bên má nữa, lần này thì gia đình tôi vui thật là vui. Tôi lại ngồi vào đàn, đánh một bản nhạc, lần này tôi chơi tùy hứng và có cảm tưởng như bao nhiêu chim chóc trong vườn bay vào nhà nhảy nhót chung quanh tôi, chúng đậu trên vai, trên tóc, trên những phím đàn cùng réo rắt lên những âm thanh rộn rã.
Và ngày ba về là một ngày đáng nhớ nhất trong đời. Sau khi tòa tuyên án, tôi đã đến gặp ba, ba không gầy đi bao nhiêu nhưng nước da xanh mét, ba bảo bệnh tim của ba nay tái phát, thỉnh thoảng hay lên cơn mệt, nhưng bây giờ thì khỏe rồi, dù sao cũng đã có một kết luận. Ba được hưởng án treo nhưng phải bồi thường một số tiền rất lớn, theo ba, chắc là phải bán cái biệt thự chúng tôi đang ở mới đủ để trang trải nợ nần.
Tôi thì không màng việc đó, chỉ mong ba trở về bên tôi, bên má...
Sáng nay, tôi mặc đồ thật đẹp đi đón ba, năn nỉ mãi, má vẫn không chịu đi với tôi:
--Con cứ đi đi, má ở nhà đợi ba cũng được.
--Má ơi, má nhớ làm thức ăn thật ngon để chiêu đãi ba nha má.
--Ờ.
--Má nhớ mua hoa thật đẹp để chưng phòng khách nghe má, ba rất thích hoa.
Má ngắt lời:
--Hoa hồng vàng, má biết rồi.
Tôi ôm vai má:
--Má ơi, con mừng quá.
Má vuốt tóc tôi:
--Thôi con đi nhanh lên kẻo ba chờ.
Sao trong đôi mắt má vẫn ánh lên một niềm vui không trọn vẹn, má còn giận ba chăng? Thôi khỏi lo, chốc nữa, có mặt ba má, tôi sẽ đóng vai người hòa giải cuối cùng, tôi sẽ cầm bàn tay búp măng bé nhỏ của má đặt vào lòng bàn tay rắn rỏi của ba, tôi sẽ cười vui, sẽ ca hát và có thể tôi sẽ khóc thật ngon lành nếu ba má vẫn chưa chịu làm lành với nhau. Minh Châu đã lên từ hôm qua. Chiều nay hai đứa tôi và Tuấn sẽ dành cho ba má nhiều sự bất ngờ. Những kỷ niệm ngày xưa của ba má sẽ được chúng tôi làm sống lại qua tiếng nhạc lời ca. Đầu tiên, tôi sẽ độc tấu tặng ba má bản " When we were young"... Ngày ấy khi xuân ra đời, một trời bình minh có lũ chim vui, có lứa đôi yêu nhau rồi, ngày nào tuổi mới đôi mươi.....
Tuấn sẽ kéo violon bản "La vie en rose" trong tiếng đệm đàn của tôi...em luôn vì anh, anh vì em, suốt cuộc đời, ta luôn gần nhau trong tình yêu...
Và Minh Châu sẽ độc tấu đàn tranh bản "Tiếng sáo thiên thai"...Trời cao xanh ngắt ô kìa, hai con hạc trắng bay về bồng lai...
Chị hai cũng xin hát một bài tặng ba má, tuy bài hát hơi "sến" một chút nhưng không sao vì nó rất hợp với chương trình tạp lục của chúng tôi. Đó là bài "Ngày hạnh phúc"... Trời hôm nay thanh thanh gió đưa cành mơn man tà áo, làn mây xanh vây quanh ánh vầng hồng chiếu xuống niềm tin...
Tôi và ba bước vào nhà khi nắng đã lên cao. Bình hoa hồng màu vàng nổi bật bên những tấm màn cửa xanh lơ làm gian phòng khách trở nên dịu mát... Mùi xào nấu thơm tho từ bếp thoảng lên khiến tôi cảm thấy đói bụng cồn cào. Chị Hai chạy ra mặt mày rạng rỡ:
--Ồ, ông đã về.
Ba cười hiền lành:
--Khá lắm, sao, chị định làm món gì chiêu đãi tôi đây?
Ba tránh hỏi đến má. Tôi chạy vào bếp, chả thấy má đâu, mở tung các cửa phòng, la toáng lên:
--Chị Hai ơi, má em đâu rồi?
Ô kìa, một lá thư để trên bàn học của tôi, vỏn vẹn hàng chữ:
"Thảo Phương, má về ngoại, thỉnh thoảng hãy lên thăm má, má sẽ nói chuyện với con nhiều".
Ba đã đứng sau lưng tôi:
--Chị Hai bảo má ra chợ mua trái cây con ạ.
Tôi gục đầu vào ngực ba, tuyệt vọng:
--Không ba ơi, má đi rồi!
Ba giật mình:
--Con nói sao?
Tôi đưa lá thư cho ba, hai cha con ngồi lặng lẽ bên nhau, miệng khô đắng. Một lát ba nói:
--Con xuống bảo chị Hai cứ dọn cơm như thường lệ, ba cảm thấy cần nằm nghỉ, con cứ ăn trước đi.
Tôi rũ người xuống nệm và cảm thấy các khớp xương mệt mỏi rã rời. Tôi như một vận động viên chạy bộ trên con đường mịt mù gió cát mà đích đến cứ thụt lùi cách xa mãi tầm tay. Hơi tôi đã tàn, sức tôi đã kiệt, tôi gục ngã rồi, không có ai ở bên tôi sao, ba ơi, má ơi. Thân hình gầy ốm của tôi chao đảo, bềnh bồng trong không khí, chóng mặt quá, tôi nhắm nghiền mắt nhưng vẫn thấy ba má quay lưng đi, mỗi người một phía xa dần... để tôi một mình bơ vơ trong bóng đêm dài thăm thẳm, tiếng đàn vang lên xoáy động buồng tim, cô Nguyệt Hằng đang nhìn tôi bằng ánh mắt nghiêm nghị, cô ơi, cô ơi!
--Thảo Phương, Thảo Phương!
Có ai lay vai tôi thật mạnh. Tôi mở choàng mắt, Minh Châu đang nhìn tôi ái ngại, sau vai nó là gương mặt buồn buồn của Tuấn:
--Thảo Phương tỉnh chưa?
Chị Hai đang quì bên chân giường:
--Lạy bà, lạy mụ, cô Phương ơi, có các bạn đến thăm cô nì.
Tôi gượng ngồi dậy:
--Châu, Tuấn đã tới rồi à.
Minh Châu đỡ tôi:
--Mày cứ nằm xuống nghỉ đi.
Tôi nhìn sang bàn viết, chúng nó đã đem đàn đến nhưng giấc mơ của tôi sẽ không bao giờ thực hiện được, tôi để mặc cho những giọt nước mắt chảy tràn trên má:
--Má của Phương về ngoại rồi.
Minh Châu vuốt tóc tôi:
--Thôi, mày đừng buồn nữa, rồi chúng ta sẽ tìm cách khác.
Nhìn sang Tuấn, Châu nói:
--Phải không Tuấn, chúng ta sẽ luôn luôn ở bên cạnh Thảo Phương nhé.
Tuấn gật đầu:
--Đúng rồi, sắp bước vào năm học mới. Chúng mình lại gặp nhau hàng ngày.
Chị Hai bảo tôi:
--Chiều rồi đó, tôi dọn cơm ra hành lang, cả nhà ngồi ăn cho mát nghe.
Tôi cố làm vẻ mặt vui:
--Chị vào mời ba em ra ăn nữa nha.
Chị Hai mau mắn đi sang phòng ba, bỗng nghe tiếng chị rú lên:
--Ới, ông ơi là ông ơi...
Tôi tung chăn ngồi dậy, cả Minh Châu cùng Tuấn chạy theo tôi. Ba đang ngồi trên chiếc ghế bành, mặt tái mét, hai tay ôm lấy ngực, thở rất nặng nhọc. Tôi cuống quít nói với hai bạn:
--Bệnh tim của ba Phương tái phát, làm sao bây giờ.
Châu bàn:
--Gọi xích lô chở bác vào bệnh viện.
Tuấn chạy xuống nhà:
--Khỏi cần, để Tuấn gọi điện mời ba Tuấn đến.
Nơi làm việc của ba Tuấn cũng gần, nên chỉ trong một lát, ba Tuấn đến với đầy đủ dụng cụ thuốc men. Sau khi khám và chích thuốc trợ tim, ba đã bớt, ba bắt tay ba Tuấn ngỏ lời cám ơn. Ba Tuấn khuyên ba:
--Anh nên tránh những cơn xúc động mạnh. Bất cứ gặp chuyện gì cũng đừng nên xem là quan trọng lắm. Cháu Tuấn đã cho tôi biết rất nhiều về cháu Thảo Phương, một cô bé hiền lành và nhân hậu như vậy chắc chắn sẽ tìm thấy hạnh phúc. Xin cầu chúc anh chị chóng sum họp.
Ba siết chặt tay ba Tuấn:
--Xin cám ơn anh, mời anh ở lại dùng cơm chiều với tôi cùng đám trẻ.
--Rất tiếc, hôm nay nhằm phiên trực của tôi, anh để cho khi khác.