Truyền thuyết Tết
Tương truyền thời
Trung Quốc cổ đại có một loài quái vật đầu dài sừng nhọn, hung dữ đáng sợ tên
gọi là "Tết". "Tết" sống ở đáy biển, cứ đến giao thừa, con quái vật này lại lên
bờ phá làng phá xóm, ăn thú giết người, chính vì vậy hễ đến giao thừa là người
dân trong làng, già trẻ gái trai dắt díu nhau trốn vào rừng sâu để tránh con
quái vật ấy.
Giao thừa năm nọ, dân làng đang thu dọn những thứ cần thiết
để trốn vào rừng thì có một ông lão đầu tóc bạc phơ xuất hiện. Ông lão nói với
một bà lão trong làng rằng, hãy để ông ta ngủ lại nhà của bà ấy một đêm, ông hứa
sẽ đuổi được con quái vật ấy. Mọi người không tin và khuyên ông ta đừng nên mạo
hiểm làm gì mà hãy theo họ trốn vào rừng sâu. Ngăn cản không được, thế là mọi
người bỏ vào rừng để lại một mình ông lão.
Nửa đêm, con quái vật xuất
hiện. Nó phát hiện có điều bất thường vì nhà của bà lão dán giấy đỏ trước cửa,
trong nhà lại thắp đèn sáng trưng. Con quái vật giật mình và thét lên một tiếng.
Ngay lúc đó, đột nhiên tiếng pháo nổ vang, ông lão xuất hiện với chiếc áo khoác
màu đỏ, thấy vậy con quái vật vội bỏ chạy một mạch.
Ngày hôm sau, khi mọi
người từ rừng sâu trở về mới vỡ lẽ ra rằng ông lão kia chính là một ông tiên đến
giúp dân làng xua đuổi quái vật. Đồng thời họ cũng phát hiện ra ba thứ bảo bối
mà ông tiên đã sử dụng để xua đuổi con quái vật ấy. Từ đó, cứ đến giao thừa, nhà
nào cũng dán câu đối bằng giấy đỏ ngay trước cửa nhà, đốt pháo và thắp đèn sáng
trưng. Phong tục này truyền từ đời này sang đời khác và dần dần "Tết" trở thành
ngày lễ truyền thống long trọng nhất của dân gian Trung Quốc.