Truyện Cổ Tích Xâu ngọc. . . nước - Truyện cổ Phật Giáo - Etruyen.com

Xâu Ngọc… Nước

Bên trời sương mù đã tan hẳn.

Vầng thái dương ẩn hiện sau áng mây thua, chiếu ánh sáng huy hoàng trong khoảng không gian trong tạnh.

Từng cơn gió mát lạnh từ phương nam thổi về làm rơi những hạt nước trong suốt như pha lê còn đọng ở đầu cỏ lá cây.

Cảnh vật nơi vườn Ngự sau một trận mưa mai vừa tàn, càng đượm vẻ thanh tân tươi thắm.

Nơi thềm cao của một ngôi đền vàng, một nàng công chúa tuổi còn thơ bé, ngồi trên chiếc cẩm đôn, đưa mắt thẩn thờ nhìn ngắm cỏ hoa trong thượng uyển.

Bên này nơi hồ bán nguyệt những đóa hoa sen trắng, đỏ, tươi, đẹp mịn màng xen lẫn thấp cao trên mặt nước.

Ðàng kia, chung quanh hòn giả sơn, những thứ hoa quý lạ từ bốn phương gởi về, hương sắc thanh kỳ, phô vẻ nghìn hồng muôn tía, như mỉm cười duyên dáng trước ngọn gió mai.

Xa xa, mấy gốc thùy dương dịu dàng nghiêng mình soi bóng bên dòng suối nhỏ.

Khung cảnh tuy đẹp nhưng không gợi được niềm vui cho Công chúa, vì nó đã thường với mắt nàng lắm, rồi nàng mơ mộng vơ vẩn và ước mong một cái gì khác lạ hơn nữa…

Nắng vàng nhẹ phủ lên hoàng cung.

Cảnh vật nơi vườn ngự tắm nắng triêu dương, rung động chập chờn trong làn gió sớm.

Công chúa đang thơ thẩn ngồi trông xa gần, bỗng đôi mắt nàng chăm chú vào một cảnh tượng. Từ trên mái ngói tráng men xanh, nước mưa còn đọng lại rơi xuống từng giọt đều đều, nối thành những bóng nước tròn, trôi lăn theo rãnh đá hoa trắng.

Dưới ánh chiêu dương, những bóng nước ấy lấp lánh, nổi nhiều màu sắc kỳ xảo, xinh đẹp lạ thường như những hạt ngọc tuyệt trần vô giá! Nét mặt công chúa sáng lên, nàng mỉm cười và thầm nghĩ: “Chà! những hạt ngọc kia sao mà đẹp thế! Ta đã có nhiều châu báu, nhưng chưa thấy thứ ngọc nào quý lạ bằng loại này.

Giá ta có một tràng chuỗi ngọc như thế để quàng nơi cổ thì thích biết bao!”.

Nghĩ xong, như thâu thần, công chúa lại thừ người ra nhìn ngắm say sưa quên hẳn bao nhiêu vẻ   tươi thắm quanh mình, mặc cho ngọn gió nam cợt đùa cùng cảnh vật.

Giọt mưa đá dứt từ trên mái ngói.

Nơi lòng rãnh đá hoa, hình dáng những viên ngọc vô giá không còn nữa.

Ðâu đây, vài tiếng chim ríu rít điểm thưa thớt, đứt khoảng trong mấy tàn cây rậm.

Vầng thái dương lên đã hơi cao, ánh vàn xiên xiên rọi nữa thềm vàng, mà công chúa vẫn còn ngồi ngơ ngẩn, tâm hồn như phiêu dạt tận nơi nào! Một tên cung nữ từ phía trong đi ra, se sẽ đến gần, cung kính thưa: có lệnh mẫu hoàng gọi.

Như chợt bình tĩnh, công chúa không đáp, nặng nề bước thẳng vào phòng rồi lên giường nằm.

Cung nữ ngạc nhiên chạy vào phía trong.

Một lát, Hoàng hậu đến phòng con, thấy trên mặt ngây thơ có vẻ bơ phờ ủ dột, tưởng rằng đứa con yêu cảm nhiễm phong hàn, nên dịu dàng han hỏi.

Vốn là con một, hằng được nuông chiều, công chúa như có dịp để nhỏng nhẽo cùng mẹ.

Vì vậy tuy biết hoàng hậu đến thăm, nhưng nàng vẫn nằm xây mặt vào trong im lặng.

Hoàng hậu lại càng hốt hoảng kịp báo tin cho đức vua. Nghe tin con bất thường, đức vua vội vàng đến thăm hỏi, công chúa cũng vẫn im lặng không đáp. Sau khi vua và hoàng hậu dỗ dành, khuyên lơn mãi, nàng công chúa thơ ngây ấy mới thuật chuyện những viên ngọc quý và nói chỗ ước vọng của mình. Nghe xong, đứa vua cười vui vẻ và bảo: Ồ! Con ta khéo vớ vẩn thì thôi! Những hạt ngọc mà con nói đó, chỉ là những bóng nước, làm sao kết được tràng chuỗi? Nhưng thôi, con hãy yên lòng, các thứ ngọc quý giá ấy ở trong kho tàng không thiếu gì, cha sẽ cho con tùy ý lựa chọn. Nói đoạn, Vua sai quan giữ kho lựa những thứ ngọc thật đẹp đem đến cho công chúa. Nhưng sau khi xem xong từ thứ ngọc này đến thứ ngọc khác, công chúa vẫn không vừa ý, nhất định đòi cho được thứ hạt ngọc mà mình đã trông thấy.

Ước vọng không thành, lòng mơ tưởng những viên ngọc tuyệt đẹp làm cho công chúa âu sầu rã rượi, không còn biết đến bao nhiêu thức ngon, vật lạ.

Bệnh của công chúa mỗi ngày mỗi nặng. Ðức Vua và Hoàng hậu vô cùng lo lắng, vì vậy thấy sự tưởng nhớ có thể làm gầy mòn và cướp mất đứa con yêu của mình.

Một buổi chầu đức vua phán hỏi các quan làm thế nào cho công chúa hết bệnh? Tất cả triều thần đều nhìn nhau lặng thinh. Ngài lại hạ chiếu cho đòi những người thợ chuốt ngọc tài giỏi vào triều và hỏi có thứ ngọc nào như những bóng nước lấp lánh ngũ sắc để làm tràng chuỗi cho công chúa?

Tất cả thợ ngọc đều tâu không thể nào tìm được thứ ngọc như thế. Sau cùng, đức vua cho truyền rao khắp trong nước: Nếu người nào làm cho công chúa hết bệnh, sẽ được thưởng nghìn vàng.

Trong khi giờ khắc lặng lẽ trôi qua mà cứu tinh vẫn vắng bóng, vì lòng thương con, người cha hiền ngồi đứng không yên, muôn phần áo não.

Một buổi sáng tinh sương, có người thợ chuốt ngọc tuổi già, râu tóc bạc phơ; xin vào ra mắt, sau khi bái yết xong người thợ già quỳ xuống tâu: “Muôn tâu Hoàng thượng! Bệnh của công chúa là một tâm bệnh, không thể dùng thuốc thang điều trị.

Muốn cho hết bệnh lành, tất phải làm thỏa nguyện vọng của người ốm. Nhưng có điều khó: bóng nước không thể kết làm tràng chuỗi được.

Tuy nhiên, thần đã có phương chước làm cho công chúa hết bệnh. Như trút được gánh nặng, đức vua vô cùng mừng rỡ, liền đến phòng con âu yếm bảo: “Hôm nay có người thợ già hứa sẽ xỏ được xâu chuỗi ngọc ấy cho con. Thôi, con đừng buồn rầu nữa”. Lời nói ấy quả có một hiệu lực phi thường: trên gương mặt xanh xao tiều tụy của người bệnh nở nụ cười và cơn trầm kha bỗng dưng như tiêu tan đi đâu mất.

Một dịp may, sáng hôm sau, trời vần vũ đổ mưa xuống. Khi trận mưa vừa tạnh, những bóng nước cũng trôi nơi lòng rãnh đá hoa như hôm nào.

Người thợ già tâu vua xin mời công chúa ra trước thềm điệu vàng và thưa: “Tôi tuổi già, đôi mắt đã mờ, không phân biệt được vẻ tốt xấu.

Xin công chúa tuỳ ý lựa hạt ngọc nào đẹp nhất, tôi sẽ xỏ cho”. Nhưng bóng nước vẫn là chất mong manh, vừa chạm đến liền tan ngay, công chúa hết vớ bóng này đến bóng khác, kết cuộc đã mệt nhọc mà chẳng được chi cả.

Người thợ già hỏi: “Thế nào? Những hạt ngọc ấy ở đâu?”. Công chúa ngẩng lên nhìn người thợ, rồi quay lại nhìn vua cha, đáp: “Xin phụ vương ban cho con tràng chuỗi bằng tử kim, vì thứ ấy rất chắc rơi xuống gạch đá không vỡ.

Còn những thứ này chỉ có dáng bên ngoài, nhưng lại giả dối mong manh, con không thể lấy được và không còn thấy ưa thích nữa”.

Ðức vua dịu dàng bảo: Thì nó chỉ là những bóng nước thôi con ạ”. Như tỉnh ngộ ra, công chúa lộ vẻ e thẹn cúi đầu giữa nụ cười kín đáo của đoàn cung nữ…

Ðức Phật bảo A Nan và đại chúng:

“Tất cả pháp hữu vi đều vô thường, không thật như bóng nước chóng tan, như ánh nắng chập chờn giữa trời mưa mà loài nai khao khát lầm tưởng là nước cứ đuổi theo mãi. Sắc thân ngũ ấm cũng như thế chính tự thân còn không giữ được, huống là cảnh vật bên ngoài. Phàm phu trong lúc vì tự thân đi tìm hạnh phúc, chỉ đuổi theo bóng hình giả dối, mong manh, sống mãi trong vòng ước vọng, kết cuộc không được sự vui chơn thật, lại phải chịu bao nhiêu điều thống khổ, không khác chi trường hợp của nàng công chúa. Nếu chúng sanh nào xét biết ấm thân vô thường, dứt trừ phiền não huyễn tưởng, tất sẽ chứng được tánh thể vắng lặng, yên vui, không còn xoay lăn trong vòng sinh tử nữa!”. Ðoạn đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Nên quán tưởng bóng nước,

Và ánh nắng chập chờn

Như thế quán tưởng thân,

Sẽ thoát vòng sanh tử.

Mục Lục Cổ Tích Bính và Đinh Cây tre trăm đốt Anh em họ Điền Ăn Trầu Ngắt Đuôi Hai Con Vật Có Nghĩa Anh Nông Dân Và Thần Núi Thần Giữ Của Trạng lợn Truyện nàng Pha-ta-ma Sơn Tinh - Thủy Tinh Ngưu Lang Chức Nữ Con cóc là cậu ông Trời Mẹ Chồng Buộc Tội Nàng Dâu Cổ tích cho người đời sau Nàng Hạt Tra tấn hòn đá Nữ thần mặt trời và mặt trăng Sinh con rồi mới sinh cha Sự tích con cào cào Cái cân thủy ngân Truyền thuyết Tết Con chim xanh Một người nghèo lạ - Truyện cổ Phật Giáo Bố thí bất nghịch ý - Truyện cổ Phật Giáo Họa tùng khẩu xuất - Truyện cổ Phật Giáo Người mẹ - Truyện cổ Phật Giáo Ðời người trong một câu - Truyện cổ Phật Giáo Vua cò trắng - Truyện cổ Phật Giáo Nàng Ưu Ðà Di - Truyện cổ Phật Giáo Tại sao phải niệm Phật - Truyện cổ Phật Giáo Tình ái là gốc của sự sanh tử - Truyện cổ Phật Giáo Nắm hạt trai - Truyện cổ Phật Giáo Xâu ngọc. . . nước - Truyện cổ Phật Giáo Tiếng đàn ai oán - Truyện cổ Phật Giáo Kẻ bỏn sẻn bị phạt - Truyện cổ Phật Giáo Vàng hay Rắn - Truyện cổ Phật Giáo Phước báo hiện tiền - Truyện cổ Phật Giáo Con dao trong tâm - Truyện cổ Phật Giáo Người học trò bị thầy gạt được Phật độ - Truyện cổ Phật Giáo Công chúa Thuần Nhẫn - Truyện cổ Phật Giáo Tỉnh giấc mơ hoa - Truyện cổ Phật Giáo Cứu vật, vật trả ơn - Cứu nhân, nhân trả oán - Truyện cổ Phật Giáo Ðâu nguồn hạnh phúc - Truyện cổ Phật Giáo Cặp mắt Thái tử Câu Na La - Truyện cổ Phật Giáo Một câu đáng giá nghìn vàng - Truyện cổ Phật Giáo Gương bố thí - Truyện cổ Phật Giáo Tình thương và thù hận - Truyện cổ Phật Giáo Lòng ngưỡng mộ Phật Pháp của vua A Dục - Truyện cổ Phật Giáo Tịnh xá Kỳ Hoàn - Truyện cổ Phật Giáo Hoàng tử hiếu thảo - Truyện cổ Phật Giáo

Xem Tiếp Trang 10