ĂN TRỘM CỦA TRỜI

 

Họ Quốc ở nước Tề rất giàu, họ Hướng ở nước Tống rất nghèo. Họ Hướng bèn sang nước Tề hỏi Quốc cách làm giàu.

Quốc bảo:

– Ta chỉ khéo ăn trộm thôi. Thoạt đầu ta ăn trộm một năm thì đủ dùng, hai năm thì thừa ăn, ba năm thì giàu to. Từ đó trở đi tài sản ta có đến cả làng, cả tỉnh không so được.

Hướng nghe xong mừng lắm, nhưng mới chỉ hiểu câu chuyện ăn trộm, chứ không hiểu cái lối ăn trộm ra sao.

Về nước, Hướng lần tới các nhà, đào tường, khoét vách phàm cái gì trông thấy, tay cầm được là lấy tất. Chưa được bao lâu thì Hướng bị bắt quả tang, thành ra phải tội, bao nhiêu của cảikbiếm ra đều bị tịch thu sạch. Hướng tìm tới Quốc và trách họ Quốc đánh lừa mình.

Quốc hỏi:

– Ăn trộm như thế nào?

Hướng thuật lại cung cách ăn trộm. Nghe xong Quốc bảo:

– Chết thật! Lối ăn trộm của anh rất sai lầm. Nay tôi bảo cho anh rõ. Trời có thời tiết, đất có hoa lợi. Ta ăn trộm của Trời, lợi của đất, sự thuận hòa của mưa gió, những sản vật của non sông để ta cấy lúa, trồng cây, xây tường, làm nhà. Trên cạn thì ta ăn trộm giống Chim Muông, dưới nước ta ăn trộm Tôm Cá. Những cái ấy không có cái gì là không phải của ăn trộm cả. Này lúa mạ, đất cát, cây cời, Chim Muông, Cá, Ba Ba… đều là của Trời sinh ra cả, há có phải của ta đâu. Song ta ăn trộm của Trời nên không tai vạ gì.

Còn như vàng, ngọc, châu báu, thóc lúa, của cải đều là người ta kiếm ra mới có, há có phải là của Trời đâu. Nên anh ăn trộm những của ấy mà phải tự tội là phải lắm, còn trách ai nữa.

Hướng nghe nói càng nghi hoặc, cho là Quốc nói dối mình một lần nữa, bèn qua nhà Đông Quách, đem câu chuyện hỏi lại.

Đông Quách nói:

– Chính cả cái thân anh cũng là của ăn trộm nữa, nghĩa là trộm cái khí âm, khí dương mà hòa hợp lại mới thành cái đời, mới có cái xác anh, huống chi ngoại vật, cái gì mà chẳng là của ăn trộm hay sao. Người ta mà cái gì cũng nhận là của mình có, đều là nhầm cả.