CÂN VOI

 

Ở Ấn Độ có một ông vua rất giàu và quyền thế. Một lần Vua lâm bệnh và càng ngày càng nặng chắc khó qua khỏi. Danh y khắp nước được mời tới cung điện để chữa cho Vua, nhưng xem ra tất cả đều bất lực. Quan Tể Tướng bèn truyền lệnh Vua, ai chữa cho Vua khỏi bệnh sẽ được điều ước. Một nhà hiền triết xa xôi tới kinh thành và đến gặp Vua, tâu lên:

– Thưa bệ hạ? Thần nhất định chữa khỏi cho bệ hạ, chỉ xin bệ hạ cho thần một số vàng nặng cân bằng con Voi lớn nhất của bệ hạ.

Nhà Vua ưng thuận.

Mười ngày sau, nhờ thuốc của nhà Hiền Triết, Vua khỏi bệnh. Cần phải trả số vàng cho nhà Hiền Triết, nhưng cả triều đình lúc đó không tìm đâu ra một cái cân lớn có thể cân được con Voi to nhất của Nhà Vua. Quần Thần nghĩ mãi không ra cách nào có thể cân được con Voi to lớn, Vua đành ra lệnh triệu tập tất cả các bậc học giả giỏi nhất trong nước tới cung điện để tìm cách cân. Vua hứa trọng thưởng ai nghĩ ra được cái cân cân đủ số vàng đúng như con Voi.

Mấy ngày đêm trôi qua mà các học giả uyên bác trong cả nước vẫn chẳng nghĩ ra cách nào. Bỗng nhiên, trong lúc bế tắc nhất, có một người lái đò ăn mặc rách rưới, tới xin gặp Nhà Vua và nói rằng anh ta có thể cân được con Voi. Tên quan coi thành đuổi thẳng người lái đò đi, cho là kẻ nói láo vì các học giả cả nước hàng trăm người đang bó tay.

Tin đến ta Nhà Vua và Nhà Vua lập tức cho vời người lái đò vào.

– Ngươi là ai và có cách gì cân được Voi? – Vua hỏi.

Anh lái đò trả lời:

– Muôn tâu bệ hạ? Thần dân là kẻ lái đò trên sông Hằng, vẫn chở mọi thứ cho người qua sông. Tôi có thể cân được con Voi lớn của bệ hạ và cũng dễ dàng như thế cân được số vàng nặng bằng con Voi.

– Hãy nói cách cân cho Trẫm nghe – Nhà Vua hỏi.

– Tâu bệ hạ! – Người lái đò đáp – Bệ hạ đợi lát nữa ra chứng kiến sẽ rõ cả. Xin bệ hạ truyền đưa con Voi lớn nhất của bệ hạ ra bến đò chỗ tôi vẫn chở đò.

Quản tượng dẫn Voi ra bến đò. Vua, Quần Thần và các học giả đi ra bến đò xem chuyện kỳ lạ.

Voi được dẫn xuống bến. Người lái đò dẫn tiếp Voi xuống một chiếc thuyền lớn. Chiếc thuyền chìm dần trước sức nặng của Voi, nước tới mấp mé mạn thuyền. Người lái đò đánh dấu chỗ ngấn nước mà thuyền chìm xuống, sau đó anh ta bắt Voi lên bờ và sai quân lính Vua khuân vàng xuống thuyền. Vàng khuân và xếp mãi xuống thuyền cho tới khi mực ngấn nước được đánh dấu khi Voi xuống thuyền ngang bằng mực ngấn nước sông đánh dấu mấp mé mạn thuyền, anh lái đò hô “Thôi!”.

– Bây giờ thì số vàng đã nặng bằng Voi, tâu bệ hạ! – Người lái đò nói

Vua, Quần Thần và các học giả cùng mọi người đứng xem đều khâm phục tài trí người lái đò:

– Thực tiễn biết đúc kết hơn là lí thuyết xuống.