ĐEM ĐỨC BÁO OÁN
Tống Tựu làm quan đầu một huyện gần biên thùy của nước Lương tiếp giáp với nước Sở.
Người đình trưởng ở biên thùy nước Lương và dân biên giới nước Lương cùng người đình trưởng ở biên thùy nước Sở và dân biên giới nước Sở đều cùng trông dưa. Người nước Lương chăm làm và tưới luôn nên dưa rất tốt. Người nước Sở biếng làm ít tưới nên cây dưa khô héo, xấu.
Quan Huyện ở biên thùy nước Sở thấy dưa bên Lương tốt, bên mình xấu, lấy làm tức lắm. Người đình trưởng bên nước Sở do đó cũng sinh ra ghen ghét, tức tối, cứ đêm đêm lẻn sang cào vò dưa bên nước Lương, làm dập nát và héo chột rất nhiều.
Người đình trưởng nước Lương dò biết mới trình bày lại với Quan lại trong huyện, ý muốn cũng lẻn sang nước Sở, cào nát ruộng dưa nước Sở. Quan lại trong huyện bẩm lên Tống Tựu.
Tống Tựu bảo rằng:
– Sao lại làm thế! Làm như vậy chỉ gây thù chuốc oán mà thôi. Ta bảo ngươi, chớ sang cào dập dưa của người ta, mà đêm đêm lẻn sang tưới dưa cho người ta, giữ đừng để cho người ta biết.
Người đình trưởng nước Lương tuân lệnh làm theo.
Dưa nước Sở cứ mỗi ngày một tươi tốt hơn xưa. Người đình trưởng nước Sở lấy làm lạ, tìm xét mãi mới biết người bên nước Lương sang tưới nước dưa giúp.
Quan huyện nước Sở biết rõ chuyện này, bèn tâu lên Vua Sở! Vua Sở biết chuyện thấy buồn và hổ thẹn cho dân nước mình, nghĩ: “Hẳn ngoài tội đi cào phá dưa của người ta ở nước khác, chắc còn làm nhiều chuyện đáng tội với người ta nữa”.
Vua bèn lấy nhiều của đưa sang tạ tội Vua Lương và xin giao hiếu. Từ đó hai nước giao hòa với nhau được lâu.
Lời cổ có câu: “Chuyển bại nhi vị công, nhân họa nhi vi phúc”, nghĩa là: Xoay chuyển cái bại thành ra công trạng, nhân cái họa làm thành cái phúc. Lão Tử cũng nói: “Báo oán dĩ đức” nghĩa là: đem đức để báo lại oán.
Ôi! Người ta đã làm điều không phải, sao ta lại còn làm bắt chước người ta!