Chương 1
CHẠY TRỐN

Trời mưa tầm tã. Chiếc xe xà lim hết bò lên dốc rồi lại bò xuống dốc chậm chạp trên con đường trơn ngoằn ngoèo uốn lượn theo sườn đồi. Xe chỉ chở một tù nhân tên là Gerbier, cùng với hai viên sen đầm. Một người làm nhiệm vụ canh gác Gerbier, còn người kia lái xe. Viên sen đầm canh chừng Gerbier có khuôn mặt chất phác của một bác nông dân và tỏa ra một thứ mùi khá nặng.
Khi xe chuẩn bị đi vào đoạn đường vòng, người này lên tiếng:
- Chúng ta phải đi ngược lại mất một đoạn, nhưng tôi nghĩ chắc là anh cũng không có gì phải vội.
- Đúng vậy, tôi chẳng có việc gì mà phải vội cả, Gerbier nói với nụ cười nửa miệng.
Chiếc xe xà lim đã dừng lại trước khu trại duy nhất giữa một vùng đồi hẻo lánh. Qua ô cửa chắn bằng lưới sắt, Gerbier nhìn thấy một khoảng trời nho nhỏ và một góc của cánh đồng cỏ. Anh nghe thấy tiếng người lái xe rời cabin.
- Không phải đợi lâu đâu, người canh gác Gerbier nói. Ông bạn tôi chạy đi mua ít thức ăn dự trữ. Gặp cảnh thời tiết chó đẻ như thế này, cái gì cũng phải phòng bị.
- Vâng, ông nói phải. Gerbier nói. Viên sen đầm vừa quan sát Gerbier vừa lắc đầu. Con người này ăn mặc thật chỉn chu. Giọng nói rõ ràng, rành mạch. Khuôn mặt mới đẹp làm sao! Thời tiết quái quỉ... Đây không phải là lần đầu tiên viên sen đầm cảm thấy tiếc cho một con người như vậy mà lại bị còng số tám xiết tay.
- Sống trong khu trại này cũng không đến nỗi tệ đâu. Tất nhiên là tôi không nói đến chuyện ăn uống. Trước chiến tranh, đến chó cũng chẳng thèm những thức ăn như thế. Ngoài điều ấy ra, thì khu trại tập trung này được coi là tốt nhất nước Pháp đấy, vì đây là trại của những người Đức mà.
- Tôi chẳng hiểu biết gì mấy về chuyện này, Gerbier nói.
- Tôi nghĩ, trong cuộc chiến tranh kỳ cục này, người ta mong sẽ bắt được thật nhiều tù binh, viên sen đầm giải thích. Một khu trại tập trung cực kỳ lớn đã được xây dựng ở nước ta. Dĩ nhiên là, chẳng bao giờ lại có chuyện một khu trại tập trung lại chỉ nhốt duy nhất có một tù binh mà thôi. Bây giờ những khu trại này cũng được việc ra trò.
- Thế thì cũng hay đấy chứ, Gerbier nhận xét.
- Hay - là anh nói thế, viên sen đầm kêu lên, là anh nói thế.
Người lái xe đã quay trở lại. Chiếc xe xà lim lại bắt đầu lên đường. Mưa vẫn tiếp tục rơi, trùm kín vùng quê Limôgiơ trong màn nước trắng xóa.

*

Gerbier đã được tháo còng tay. Anh đứng chờ lệnh ông trưởng trại, trong khi ông này đang chăm chú đọc hồ sơ của Gerbier. Thỉnh thoảng, ông lại dùng ngón tay trỏ bàn tay phải ấn sâu vào má rồi từ từ thả lỏng ra. Ngón tay trỏ để lại một vết hõm sâu màu trắng trên làn da dầu mềm nhũn. Chỗ da đó thật khó mà lại phồng lên như bình thường vì nó đã như một miếng bọt biển cũ kỹ đã bị xẹp. Mỗi khi ông trại trưởng làm động tác ấy tức là ông ta đang suy nghĩ lung lắm.
- "Lần nào cũng thế, ông nghĩ, người ta không bao giờ nói rõ cho mình biết phải đón nhận ai và đối xử với họ như thế nào".
Ông thở dài đánh thượt một cái vì bỗng nhớ lại hồi trước chiến tranh, thời mà ông còn làm giám đốc nhà lao. Hồi đó, việc khó khăn duy nhất là phải tính toán thật cẩn thận thì mới mong kiếm được chút tiền lời do bớt xén thực phẩm của tù nhân, còn lại thì ông chẳng thấy có điều gì gọi là khó khăn trong công việc nữa cả. Chính tù nhân tự xếp loại mình theo thứ hạng đã định, và đối với mỗi một thứ hạng đó, ông đã có sẵn một chế độ đối xử. Bây giờ thì mọi chuyện đều đảo lộn. Người ta có thể bớt xén những khẩu phần ăn của tù nhân bao nhiêu tùy thích (chẳng có ai quản lý việc này cả). Nhưng còn việc sắp xếp, phân loại tù nhân thì lại là một chuyện đau đầu. Có những người bị giải đến đây mà chưa được xét xử, không bị kết tội gì cả. Họ bị giam ở đây và cầm chắc là sẽ không bao giờ được thả tự do. Trái lại, có một số người có hồ sơ thật là khinh khủng, nhưng lại được thả ra rất nhanh chóng và hơn thế, họ còn được phân bổ cho giữ những trọng trách ở huyện, ở tỉnh, mà thậm chí là cả ở Vichy nữa chứ.
Ông trại trưởng không nhìn Gerbier. Ông hoàn toàn không thích việc đánh giá con người căn cứ vào khuôn mặt và quần áo. Ông đang cố gắng nắm bắt người tù nhân này qua những dòng chữ ghi chú của cảnh sát mà hồi nãy họ đã giao cho ông.
"Tính cách độc lập, đầu óc nhạy bén, hoạt bát; thái độ mỉa mai, giữ khoảng cách trong quan hệ" - ông trại trưởng đọc. Lập tức ông đưa ra cách đối xử: "cần phải khuất phục". Ông đọc tiếp "kỹ sư lành nghề về cầu đường", rồi lại ấn ngón tay trỏ vào má, và nghĩ "cần phải khéo léo".
"Bị nghi ngờ có tư tưởng Đờ Gôn" - "phải trị, phải trị" - và tiếp: "không bao giờ được thả tự do" - "gây ảnh hưởng, gây ảnh hưởng... cần phải trừng trị".
Vết lõm trên lớp da đầy mỡ bây giờ còn sâu hơn lúc ban đầu. Gerbier có cảm giác là má bên phải của ông chắc không bao giờ được ở trạng thái bình thường. Dầu vậy, cũng đến lúc vết lõm trên má của ông căng lên trở lại. Đó là lúc ông trại trưởng tuyên bố có phần trịnh trọng:
- Tôi sẽ để cho anh ở trong khu trại mà người ta dự định dành cho sĩ quan Đức.
- Tôi cảm động quá vì có được vinh dự này, Gerbier nói.
Chỉ khi đó, lần đầu tiên ông trại trưởng mới đưa ánh mắt nặng nề và đục ngầu của một người đã đánh chén quá nhiều, nhìn thẳng vào khuôn mặt người tù nhân mới.
Người tù nhân cười, nhưng đó chỉ là một nụ cười mỉm, đôi môi mỏng khép kín.
"Cần phải trị, chắc chắn là phải trị" - ông trại trưởng nghĩ "nhưng phải dè chừng".

*

Người coi gian hàng đưa cho Gerbier một đôi giày và một bộ quần áo bảo hộ lao động màu đỏ.
- Nhất loạt như vậy, người này nói, đối với tất cả các tù nhân...
- Tất cả các tù nhân Đức, tôi biết rồi, Gerbier nói.
Anh trút bỏ bộ quần áo đang mặc và chui vào bộ bảo hộ. Lát sau, đứng trên khoảng sân trước cửa hàng, anh phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ khu trại. Đây là một cao nguyên trơ trụi, mọc toàn cỏ dại. Xung quanh có những dẻo đất nhấp nhô bao bọc và không hề có cư dân. Mưa vẫn trút nước không ngừng từ vòm trời thấp tè như gần sát mặt đất. Trên những hàng rào thép gai và trên những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, tất cả các bóng đèn điện đã được thắp lên, chiếu sáng chói lóa. Nhưng ở khu lán trại, cái to cái bé, thì vẫn cứ tối om. Gerbier tiến về một trong những khu lán nhỏ nhất.

*

Đã có năm người mặc đồng phục bảo hộ lao động màu đỏ ở trong căn lán nhỏ tồi tàn này.
Viên thiếu úy, viên dược sĩ làm nghề bán thuốc và gã nhân viên thương mại, ngồi trên chiếc ghế dài kê trước cửa, đang chơi trò đôminô bằng những mẩu bìa xếp trên cái ga men ăn cơm của tù nhân. Hai người còn lại ở trong lán vừa quan sát cuộc chơi vừa thì thầm to nhỏ.
Armel nằm cuộn tròn trong chiếc chăn mỏng độc nhất mà người ta phát cho tù nhân. Legrain đắp thêm chăn của mình lên người Armel. Nhưng hai chiếc chăn mỏng không làm cho Armel đỡ rét, anh run lên bần bật. Lúc chiều Armel vẫn liên tục bị thổ ra rất nhiều máu. Anh lại lên cơn sốt. Những sợi tóc vàng của anh bết lại vì mồ hôi đang túa ra đầm đìa trên trán. Trên khuôn mặt tiều tụy của Armel có thoáng một nét gì đó hiền lành nhưng kiên định.
- Mình cam đoan với cậu đấy. Roger, mình cam đoan với cậu rằng nếu có niềm tin, cậu sẽ không bao giờ phải chịu bất hạnh; bởi vì cậu sẽ không bao giờ nổi loạn - Armel thì thầm.
- Nhưng em lại muốn như vậy, muốn được như vậy. Legrain nói rồi nắm chặt bàn tay xương xẩu, thở hắt mạnh ra từ sâu trong lồng ngực suy sụp. Cậu nói tiếp bằng một giọng hùng hồn:
- Anh đã đến đây khi anh hai mươi, còn em mười bảy tuổi. Chúng ta đều mạnh khỏe, không ác với ai. Chúng ta chỉ muốn sống. Còn bây giờ thử nhìn lại mình mà xem. Hãy nhìn tất cả những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta nữa! Sao lại thế cơ chứ? Không thể nào hiểu nổi.
Armel nhắm mắt lại. Các đường nét của anh dường như đang bị bệnh tật xóa mờ dần đi và cũng còn bởi bóng tối trong căn lán mỗi lúc một dày thêm.
- Chỉ đến khi đã ở bên Thượng đế chúng ta mới hiểu hết mọi chuyện. Armel trả lời.
Armel và Legrain là hai trong số những người đầu tiên bị giam trong khu trại này. Ngoài Armel ra, Legrain chẳng còn ai là bạn nữa. Cậu muốn làm tất cả mọi điều miễn sao Armel có thể tĩnh tâm nghỉ ngơi. Khuôn mặt hiền hậu, nhợt nhạt vì mất máu của Armel gợi lên trong Legrain lòng thương xót, sự dịu dàng - là những mắt xích duy nhất làm Legrain có thể gắn bó với mọi người. Nhưng trong lòng cậu còn đang nung nấu một tình cảm khác, mạnh mẽ đến nỗi làm cho cậu không thể chăm chú lắng nghe những lời nói của Armel.
- Không thể được, em không còn tin vào Thượng đế nữa. Legrain nói. Đợi sang đến thế giới bên kia bọn đểu cáng mới phải trả nợ thì thật là quá lợi cho chúng quá. Em muốn được thấy công lý ngay trên mảnh đất này. Em muốn...
Ngoài cửa xuất hiện một người cũng trong bộ đồng phục bảo hộ lao động làm ngắt quãng lời nói của Legrain.
- Tôi tên là Philippe Gerbier, người mới vào giới thiệu.
Thiếu úy Jarret du Plessis, dược sĩ Aubert và Octave Bonafous - nhân viên thương mại lần lượt tự giới thiệu.
- Chẳng hiểu làm sao mà anh phải vào đây. Viên thiếu uý nói.
- Tôi cũng chả biết nữa, Gerbier vừa nói vừa cười nửa miệng.
- Nhưng tôi có thể nói ngay cho anh biết tại làm sao tôi lại ở trong này. Viên thiếu úy nói tiếp. Một lần, trong một quán cà phê, tôi đã bảo đô đốc Darlan là một tên khốn nạn. Phải, một tên khốn nạn.
Ngừng một chút để nhấn mạnh lời mình nói, viên thiếu uý lại tiếp tục rất hùng hồn:
- Còn bây giờ tôi muốn nói thêm rằng nguyên soái Pétain cũng là một tên khốn nạn vì hắn đã để cho hải quân ăn hiếp lính bộ. Chính thế đấy.
- Thì ít ra, ông cũng phải trả giá vì tư tưởng của ông, thưa ông thiếu úy! Viên nhân viên thương mại kêu lên. Còn tôi, chỉ vì tình cờ đi ngang qua một cuộc biểu tình ủng hộ chủ nghĩa Đờ Gôn...
- Với tôi, dược sĩ Aubert ngắt lời, nguyên do lại còn kỳ cục hơn. Rồi đột ngột quay sang Gerbier, Aubert hỏi:
- Anh có biết trái phá Malher không? - Không, Gerbier nói.
- Chính sự ngây thơ như thế đã giết tôi đấy. Aubert nói tiếp. Trái phá Malher, thưa ông, là một vật hình ô van, dùng để gây ra các phản ứng hóa học dưới tác động của áp lực. Tôi là một nhà hóa học, ông ạ. Vậy thì dứt khoát tôi phải có một trái phá Malher giấu đâu đó. Tôi không làm sao mà thanh minh được sự vô lý này với các nhà chức trách.
- Chẳng có nhà chức trách nào cả, chỉ có một lũ khốn nạn! Viên thiếu úy nói, chúng ăn cướp chế độ nghỉ hưu của tôi.
Gerbier nhận ra rằng có thể anh sẽ phải nghe cả trăm lần những câu chuyện kiểu này. Bởi vậy, anh nhã nhặn hỏi chỗ nằm dành cho mình. Viên thiếu úy, người được mọi người bầu làm trưởng lán, chỉ cho anh một chiếc nệm rơm còn trống. Xách vali tiến sâu vào phía trong, Gerbier đi tới chỗ hai tù nhân còn lại. Anh chìa tay ra cho Legrain bắt. Legrain xưng tên và nói:
- Cộng sản. - Thế cơ à? Gerbier hỏi.
Legrain đỏ bừng mặt và trả lời rất nhanh: - Đúng là ở tuổi tôi mà đã có thẻ cộng sản là quá sớm. Nhưng có hay không thì cũng thế cả. Tôi bị bắt cùng một lượt với bố tôi và mấy người lính khác nữa. Họ đều bị giam ở những chỗ khác vì ở đây đối với họ chế độ đối xử còn quá mềm. Tôi đòi đi theo nhưng người ta không cho.
- Đã lâu chưa? Gerbier hỏi tiếp. - Ngay sau khi đình chiến.
- Thế là một năm rồi, Gerbier nói. - Tôi là người sống lâu nhất trong trại, Roger Legrain nói.
- Phải nói là có thâm niên lâu nhất trong trại chứ, Gerbier chữa lại và mỉm cười.
- Sau tôi là anh Armel, Legrain nói tiếp... là giáo viên cấp một, đang nằm kia.
- Anh ấy ngủ à? Gerbier hỏi. - Không, anh ấy bị ốm nặng lắm, Legrain thì thầm. Bị lỵ.
- Sao không đưa đến trạm xá? Gerbier hỏi. - Không còn chỗ, Legrain trả lời.
Gerbier quay bước, đi lại phía Armel, anh còn nghe thấy Legrain nói tiếp, giọng rất nhỏ và mệt mỏi:
- Chết ở chỗ nào mà chẳng được. - Tại sao anh lại phải vào trong này? Gerbier cúi xuống hỏi Armel.
- Vì tôi không thể dạy cho bọn trẻ con căm thù người Do thái và người Anh. Armel trả lời, chẳng có đủ sức để mở nổi đôi mắt nhắm nghiền.
Gerbier đứng thẳng dậy. Anh không hề biểu lộ một cảm xúc nhỏ, chỉ có đôi môi bỗng tím ngắt lại.
Gerbier đặt chiếc valy hành lý lên cuối đuôi giường mà thiếu uý Jarret đã chỉ. Cả căn lán trống rỗng, hoàn toàn không có một thứ đồ gỗ hay một vận dụng nào, trừ ở giữa phòng có một chiếc thùng nhỏ làm nơi để đi vệ sinh vào ban đêm.
- Mọi thứ đều là dành cho những sĩ quan Đức không bao giờ đặt chân đến đây, viên thiếu uý nói. Cho nên, ông giám đốc và bọn lính gác đã chiếm dụng gần hết những thứ đó. Chút gì còn lại thì đã được cho ra chợ đen thanh toán.
- Anh có biết chơi đôminô không? Viên dược sĩ hỏi. - Không, rất tiếc, Gerbier nói.
- Chúng tôi sẽ dạy anh cách chơi, nhân viên thương mại nói.
- Cám ơn ông nhiều, nhưng thực sự là tôi không có hứng thú, Gerbier nói.
- Không việc gì phải lịch sự như thế! Viên thiếu uý gắt lên. Chỉ còn đủ thời gian để chơi đúng một ván nữa trước khi trời tối thôi đấy.
Trời đã tối om. Người ta đi điểm danh các tù nhân, rồi khóa hết tất cả các cửa lán lại. Bên trong lán không hề có một chút ánh sáng nào. Nghe rõ tiếng thở khò khè của Legrain như rít lên từng hồi tắc nghẹn. Trong góc lán, thày giáo bé nhỏ Armel ú ớ mê sảng. Gerbier nghĩ: "trại trưởng không phải là một tay vụng về. Hắn muốn bóp cho ta chết ngạt giữa ba thằng ngố và hai đứa trẻ con lạc mẹ này".

*

Ngày hôm sau, lúc Roger Legrain bước ra ngoài lán thì trời vẫn đang mưa. Dưới trời mưa, bất chấp cái lạnh như cắt da cắt thịt của buổi sáng sớm tháng tư trên cao nguyên trơ trụi hứng trọn một luồng gió thổi tới từ bốn phương, Gerbier vẫn cởi trần, đi giày, cuốn một chiếc khăn quanh ngực, tập bài thể dục buổi sáng như thường lệ. Gerbier không trắng, da khô nhưng săn chắc. Các cơ bắp không nổi rõ lên thành từng cuộn nhưng săn lẳn. Legrain buồn rầu ngắm nhìn Gerbier thực hiện các động tác. Không có gì tốt hơn là thở thật sâu, bắt phổi phải co bóp thật mạnh giống như một quả bóng bay đang căng bỗng bị thủng một lỗ... Gerbier kêu to lên giữa hai động tác:
- Đã đi dạo rồi cơ à?
- Tôi đến trạm điện làm việc, Legrain nói.
Gerbier kết thúc bài tập, tiến lại gần Legrain.
- Chỗ làm ấy tốt đấy chứ? Gerbier hỏi.
Đôi má gầy sâu hoắm của Legrain bỗng bừng đỏ. Đó là biểu hiện duy nhất về tuổi thanh xuân tươi trẻ ở Legrain. Sự thiếu thốn, chế độ lao tù, nhất là công việc khổ sai, nặng nhọc và nỗi day dứt uất hận bên trong đã biến chàng trai Legrain sớm trở nên già dặn trước tuổi, từ nét mặt cho đến cách cư xử.
- Chỗ làm này chẳng mang lại cho tôi một mẩu nhỏ bánh mì nào hết, Legrain nói. Nhưng tôi yêu thích cái nghề ấy, mà cũng chẳng muốn trở thành một thằng cụt chân, cụt tay. Chỉ có thế thôi.
Ngay từ bé, cái mũi khoằm của Gerbier đã rất thon. Cho nên nom đôi mắt như sát lại gần nhau. Khi Gerbier chăm chú nhìn ai đó, giống như lúc này anh đang nhìn Legrain, nụ cười nửa miệng thường trực của anh vẽ nên một nét nhăn nghiêm nghị trên khóe miệng, còn đôi mắt thì, như người ta vẫn nhận xét, trở thành một điểm sáng đen duy nhất. Không thấy Gerbier nói gì thêm, Legrain quay gót lê đôi giày tù nhân bước đi. Khi đó, Gerbier mới nói khẽ:
- Tạm biệt đồng chí.
Legrain giật mình quay lại, nhìn thẳng vào Gerbier, sửng sốt như phải lửa:
- Anh là... anh là... cộng sản à? Legrain lắp bắp.
- Không, tôi không phải là cộng sản, Gerbier nói. Anh ngừng lại một giây rồi vừa mỉm cười vừa nói thêm:
- Nhưng chẳng sao cả. Chả nhẽ cứ là cộng sản thì mới có đồng chí hay sao?
Gerbier thắt chặt lại chiếc khăn cuốn quanh ngực rồi lại tập thể dục. Legrain quay đi và rảo bước. Bóng dáng bộ đồng phục đỏ của Legrain mờ dần rồi mất hút giữa màn mưa cao nguyên.

*

Buổi chiều, trời trở nên sáng sủa hơn đôi chút. Gerbier đang đi dạo vòng quanh khu trại. Thường mỗi vòng, anh phải đi mất một giờ đồng hồ. Cao nguyên thì rộng mà khắp trên cao nguyên không có chỗ nào là trống lán trại. Các khu lán trại cứ phình dần ra một cách vô tổ chức bởi vì số lượng những người bị bắt bớ giải về giam ở đây ngày một gia tăng theo mệnh lệnh từ Vichy. Khu giữa cao nguyên là trụ sở được xây dựng trước tiên và là để dành cho tù nhân Đức. Lán trại ở đây được xây dựng tương đối vững chắc. Trong số đó, khu nhà dành cho bộ máy cai quản khu trại có chất lượng tốt nhất. Tiếp đến là các khu lán dựng bằng ván, tôn múi và bìa các tông quét hắc ín. Chúng nối đuôi nhau, lán nọ tiếp lán kia trải ra tít tầm mắt. Khu này tựa như những khu nhà tồi tàn ở ngoại ô bao quanh thành phố lớn, lúc nào cũng cần được mở rộng, mở rộng thêm ra, và thêm ra mãi.
Cần phải mở rộng để dành chỗ cho những người ngoại quốc. Dành cho con phe. Cho các tay thợ nề. Người Kabyles. Cho những kẻ phản nghịch đội quân lê dương. Cho người Do Thái. Dành cho những nông dân trốn quân dịch. Cho những người du cư Bôhem. Cho những tên tái tội phạm. Cho những kẻ bị tình nghi chính trị, bị tình nghi mưu phản. Những kẻ quấy rối chính phủ. Dành cho những người có thể có ảnh hưởng nào đó đến quần chúng. Cho những người bị tố cáo nhưng không có chứng cớ. Cho những kẻ đã mãn hạn tù nhưng người ta vẫn chưa thích thả chúng ra. Cho những kẻ mà tòa án từ chối không xét xử, không kết tội. Cho những kẻ mắc tội không biết gì...
Có hàng trăm người phải xa lìa gia đình, lìa bỏ công ăn việc làm, lìa bỏ thành phố quê hương, từ bỏ bản tính chân thực của họ và bị giam cầm ở đây với một lý do ngớ ngẩn nhất trong một thời gian vô hạn định. Họ vất vưởng như những thứ đồ phế thải trôi dạt ngoài bãi biển, bị sóng đánh lên bờ và nằm lại mãi ở đó bởi sẽ không bao giờ những ngọn sóng biển có thể chạm được tới chúng được nữa.
Để canh gác đám đông bị giam cầm không ngừng tăng lên này, người ta lại phải cần một đám đông khác nữa và cũng như thế, loại người này càng ngày càng đông hơn. Đó là những tên lính gác được tuyển dụng một cách vô thưởng vô phạt trong số những kẻ thất nghiệp nghèo đói nhất xã hội, những kẻ vô tích sự, những kẻ nghiện ngập, thoái hóa. Tất cả bọn họ vẫn vận những bộ quần áo bẩn thỉu của mình, chỉ khác là họ đều đội mũ nồi và đeo băng tay được phân phát để gọi là đồng phục. Công xá thì vô cùng rẻ mạt. Những con người tưởng đã ở ngoài lề của xã hội thì nay bỗng dưng lại trở nên có quyền lực. Bởi vậy, họ cực kỳ tàn bạo. Họ làm tiền bằng mọi cách: ăn bớt đến phân nửa khẩu phần ăn của tù nhân, nâng giá đến mức cắt cổ từ bao thuốc lá, cho đến những bánh xà phòng, đồ dùng vệ sinh... Đút lót là biện pháp ứng xử duy nhất với bọn lính canh gác.
Khi đi dạo, Gerbier nhìn thấy hai tên gác loại ấy thường bán đồ dùng cho tù nhân; Gerbier cũng nói chuyện với vài ba người tù đang nằm dài trước lán. Anh có cảm giác như mình đang cận kề với một thứ giống như mối mọt, một loại nấm màu đỏ có vóc dáng của loài người. Những con người ăn không đủ no này lùng thùng di động trong những bộ đồng phục bằng len bua màu đỏ, vô công rồi nghề, râu ria lởm chởm, bẩn thỉu, lúc nào cũng giương những cặp mắt đục mờ và trống rỗng, uể oải và vô hồn. Gerbier nghĩ, sự tồn tại vô nghĩa lý ở chốn này cũng là tự nhiên thôi. Những người khởi nghĩa chân chính khi bị bắt, họ vẫn giữ được phong thái thản nhiên dù cho có bị nhốt trong những ngục sâu tăm tối và câm lặng hay bị giao cho quân Gestapo. Chắc chắn rằng phải có, mà thậm chí là ngay trong khu trại này, một số người bất khuất không chịu lùi bước trước những hoàn cảnh tệ hại. Chỉ cần có thời gian là có thể tìm ra họ giữa đám đông đang rối loạn lên vì sự thù địch. Gerbier lại nghĩ đến Roger Legrain, nhớ những nét tiều tuỵ vì mệt mỏi nhưng thái độ vẫn rất kiên định, đôi vai gầy gò mà vẫn toát lên sự dũng cảm. Vậy mà anh ta chính là người đã ở trong trại lâu nhất. Gerbier tiến về phía trạm điện ở khu trại trung tâm mà mọi người vẫn gọi là khu quân Đức. Gerbier đi qua một hàng người Kabyles gầy trơ gọng, đang đẩy những chiếc xe cút kít chất đầy thùng rác nhỏ. Đôi tay yếu ớt xương xẩu của họ tưởng như sắp rơi ra từng khúc một bíu chặt lấy xe đẩy. Đầu họ trở nên quá to và nặng đè lên trên những cái cổ ngẳng như cổ cò đang bị quá tải. Một trong số họ bỗng chệnh choạng, làm cho chiếc xe cút kít nghiêng đi và một thùng rác bị rớt xuống. Rác rưởi và những thứ bẩn thỉu đổ tràn ra mặt đất. Trước khi Gerbier kịp hiểu ra sự việc thì anh đã thấy một lũ người giống như một lũ chó dại hung dữ xông đến đoàn người đổ rác. Rồi lại một lũ chó dại khác kéo đến. Đó chính là bọn lính gác. Chúng bắt đầu đấm đá, phang dùi cui, quật roi da túi bụi vào đám người đáng thương. Thoạt tiên, chúng đấm đá chỉ để lập lại trật tự bình thường của những người đi đổ rác và để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng chúng nhanh chóng tìm thấy một niềm hứng thú và đánh đập tựa những thằng say. Chúng nhè đúng vào chỗ yếu, dễ bị tổn thương của người này mà thẳng tay đánh: vào bụng, vào ngực, vào phổi và vào chỗ kín. Khi nạn nhân đã bất tỉnh, chúng mới chịu ngừng tay.
Bất chợt Gerbier nghe thấy giọng nói nhỏ, nghe như tiếng gió của Legrain:
- Tôi phát điên lên khi nghĩ rằng chúng đã sang tận châu Mỹ để lùng sục những con người bất hạnh này. Chúng đã nói với họ về nước Pháp, về nước Pháp tươi đẹp, về vị Thống chế giống như ông nội hiền lành. Chúng hứa sẽ trả cho họ mười phrăng mội ngày; nhưng trên thực tế, họ chỉ được nhận có một nửa số tiền đó. Họ hỏi chúng tại sao lại như vậy. Thế là chúng bắt họ giam vào đây. Họ chết như loài ruồi. Khi còn chưa được chết, thì đấy, họ còn phải chịu đựng như vậy đấy.
Legrain dừng lại để thở và lại bắt đầu ho. Cơn ho kéo dài tưởng đến nổ cả cổ họng.
- Nợ nào thì rồi cũng phải trả, Gerbier nói.
Nụ cười nửa miệng của Gerbier biểu lộ sự căm thù cực kỳ dữ dội. Phần lớn mọi người đều cảm thấy lúng túng khi nhìn thấy nét mặt của Gerbier trong trạng thái như thế. Nhưng kể từ lúc đó, Gerbier cảm thấy tin tưởng vững chắc vào Legrain.

*

Vào khoảng giữa tháng năm, thời tiết trở nên vô cùng dễ chịu và cứ kéo dài như vậy. Mùa xuân muộn mằn chợt đến, phô bày tất cả vẻ đẹp rực rỡ của nó. Hàng nghìn bông hoa nhỏ li ti nở bung ra, chen lẫn trong các cây cỏ của khu trại. Tù nhân bắt đầu ra ngoài trời để tắm nắng. Những chiếc xương sườn, xương hông của họ nhọn hoắt cứ như muốn xuyên thủng lớp da để tròi ra ngoài. Thịt da nhão nhoét, các cánh tay chỉ còn lại một ống xương dài phơi đè lên trên những bông hoa mới nở còn tươi rói. Suốt cả ngày Gerbier sải những bước dài đi dạo trên cao nguyên. Anh không ngừng bị tình cảm giằng xé trước những con người tội nghiệp mà mùa xuân tươi đẹp đã làm cho những điểm đáng thương trên cơ thể họ phơi bày ra hết. Không ai thực sự hiểu rõ được Gerbier đang cảm thấy chán ngán, thương hại hay thờ ơ trước quang cảnh như vậy. Chính bản thân Gerbier cũng không rõ nữa. Khoảng mười hai giờ trưa, khi thấy Legrain cũng bắt đầu sưởi nắng như những người tù khác, Gerbier hăm hở đi lại phía cậu.
- Đừng làm thế, đối với cậu tốt nhất là nên đứng dậy mà chạy đi, Gerbier nói.
Legrain không nghe theo. Gerbier liền quẳng bộ quần áo bảo hộ lao động lên bộ ngực đáng thương của cậu thanh niên.
- Tôi nghe thấy cậu thở khò khè và ho trong khi ngủ, Gerbier nói. Chắc chắn phổi cậu có vấn đề rồi. Nắng trời không có lợi cho cậu đâu.
Chưa bao giờ Gerbier lại tỏ ra quan tâm đến Legrain nhiều hơn ông dược sĩ hay viên thiếu uý cùng lán.
- Anh chẳng có vẻ gì là giống bác sĩ cả, Legrain nói với điệu bộ rất ngạc nhiên.
- Bởi vì tôi đâu có phải là bác sĩ, Gerbier nói. Nhưng tôi đã từng tổ chức một trung tâm phục hồi sức khỏe ở Savoie cơ đấy. Tôi có cả một khu dành riêng cho người bị lao phổi và cũng đã trò chuyện nhiều với các bác sĩ chuyên khoa.
Đôi mắt Legrain bắt đầu ánh lên những tia sáng vui tươi, cậu hỏi:
- Anh có làm việc trong ngành điện lực không? - Cũng như cậu thôi, Gerbier vui vẻ nói.
- Ô, không. Tôi nghĩ hẳn anh phải là người có chuyên môn cao trong lĩnh vực điện, Legrain nói. Nhưng dù sao thì chúng ta cũng có thể cùng trò chuyện với nhau về cái nghề này.
Liền lúc đó, Legrain ngại rằng Gerbier có thể cho rằng cậu là người không được kín đáo cho lắm nên nói thêm:
- Thỉnh thoảng thôi.
- Nếu như cậu muốn thì là ngay bây giờ cũng được, Gerbier nói.
Rồi anh nằm xoài ra ngay cạnh Legrain, vừa nhai nhai những cọng cỏ non vừa nghe chàng trai trẻ kể chuyện về nhóm thợ điện nơi cậu ta làm việc.
- Anh có muốn tôi dẫn anh tới đó không? Cuối cùng Legrain hỏi.
Gerbier thấy đó là một cái trạm điện khá đơn sơ nhưng được bố trí hết sức hợp lý. Gerbier cũng gặp người trợ lý của Legrain. Đó là một kỹ sư già người Áo, gốc Do Thái. Ông đã phải chạy trốn từ Viên tới Prague, rồi từ Prague tới Pháp. Ông là người nhút nhát và lúc nào cũng cố gắng thu mình, làm cho mình trở thành một con người bé nhỏ. Sau chừng ấy cuộc trốn chạy và lo sợ, cuối cùng thì ông cũng đành bằng lòng với số phận.

*

Tất cả những gì mà Gerbier đã biết về ông kỹ sư già qua lần gặp gỡ ở trạm điện là những chi tiết quý báu giúp cho anh đánh giá hết được một sự kiện xảy ra sau đó ít lâu.
Một chiếc xe ôtô quân cảnh Đức - Gestapo - dừng lại trước lối vào của khu trại tập trung. Các thanh chắn được kéo lên. Vài tên lính gác đội mũ bêrê và đeo băng tay nhảy lên đứng trên bậc cửa xe, rồi chiếc ôtô màu xám lại từ từ lăn bánh nhằm hướng khu trại quân Đức. Khi nó tiến tới gần đến trạm điện thì một viên sĩ quan quốc xã nhảy xuống khỏi ôtô và ra hiệu cho bọn lính gác đi theo vào sâu phía trong khu trại. Lúc đó đang là giờ tắm nắng của tù nhân. Rất nhiều người tiến sát lại gần chiếc ôtô. Tên lái xe trong bộ đồng phục, phì phèo một điếu xì gà và phả khói qua hai lỗ mũi - một chiếc mũi to, ngắn mà lại tẹt dí. Hắn chẳng thèm nhìn đến hàng người trơ xương, hốc hác, ở trần đang lặng thinh vây xung quanh. Giữa không gian im lìm ấy bỗng có một tiếng kêu, rồi một tiếng kêu khác và thêm một tiếng kêu khác nữa. Thế rồi tất cả những tiếng kêu hòa trộn vào với nhau thành một chuỗi rền rĩ, oán thán, rất giống như tiếng rền rĩ của loài vật. Những con người ở trần này có vẻ như lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên, sự ghê tởm ở họ còn mạnh mẽ hơn cả sự sợ hãi. Họ đứng im chờ đợi. Bọn lính gác kéo ra từ trong khu trại một người đàn ông tóc đã bạc trắng. Người kỹ sư già vừa gào thét, vừa giãy giụa, vật lộn trong tay bọn lính gác. Bỗng nhiên, ông nhận ra hàng rào người ở trần xanh xám và lặng thinh. Ông bắt đầu thốt ra những lời lẽ không ăn nhập gì với nhau. Người ta chỉ nghe được: "Đất Pháp... chính phủ Pháp... vùng tự do... lưu đày..."
Mới đầu, Gerbier còn đứng cách xa nơi cảnh tượng trên đang diễn ra. Dần dần anh tiến gần lại phía đám đông mà không hề nhận ra. Anh lách qua hàng rào người ngoài cùng, rồi đến hàng tiếp theo, tiến đến hàng đầu tiên, và anh còn tiếp tục tiến lên thêm nữa. Một bàn tay run run và ấm nóng đặt lên trên ngực anh. Cơ thể Gerbier bỗng nhiên như trùng xuống và đôi mắt của anh trở nên vô hồn.
- Cám ơn, anh nói với Legrain.
Gerbier thở hắt ra thật mạnh. Đôi mắt anh bắn ra những ánh nhìn khinh ghét dữ dội trước cảnh tượng người kỹ sư già bị bọn lính gác quẳng lên ôtô, và tên lái xe vẫn thả khói qua hai lỗ mũi to tướng thành những vòng tròn bay lượn.
- Cám ơn, Gerbier lại nói.
Anh mỉm cười với Legrain, nhưng đôi mắt của anh vẫn nhìn đi đâu đó vô định.
Buổi tối, khi đã ở trong lán, Legrain rất muốn nhắc lại sự kiện vừa xảy ra nhưng Gerbier thì cố tình lẩn tránh. Những ngày tiếp theo anh vẫn giữ nguyên thái độ như vậy. Còn thày giáo Armel thì mỗi ngày một yếu hơn. Legrain chẳng còn quan tâm đến chuyện gì khác ngoài người bạn Armel của mình.

*

Vào một buổi tối, người thày giáo bé nhỏ chẳng còn mê sảng như thường lệ nữa, anh đã trút hơi thở cuối cùng. Từ sáng sớm tinh mơ, những người Kabyles đã đến mang xác anh đi. Legrain đến trạm điện. Một ngày trôi qua tựa như không có gì khác so với ngày hôm trước. Khi Legrain quay trở về lán thì viên thiếu uý, người bán thuốc và nhân viên thương mại bỏ dở ván đôminô để cùng an ủi Legrain.
- Tôi không buồn đâu, Legrain nói. Như thế lại tốt hơn cho Armel đấy.
Gerbier chẳng nói gì với Legrain. Anh để gần Legrain gói thuốc lá mà buổi chiều mua được của một tên lính gác. Legrain hút liền ba điếu, mặc kệ cho cơn ho làm cho cậu co dúm cả người lại. Bóng tối tràn xuống. Người ta lại điểm danh. Rồi đóng cửa. Viên thiếu uý, nhân viên thương mại, người bán thuốc lần lượt chìm vào giấc ngủ. Legrain có vẻ rất điềm tĩnh. Đến lượt Gerbier cũng ngủ nốt.
Gerbier chợt thức giấc bởi một tiếng động quen thuộc. Đó là tiếng ho của Legrain. Thế rồi Gerbier cũng chẳng ngủ lại được nữa. Anh bắt đầu lắng nghe chăm chú hơn. Và rồi anh đã hiểu ra tất cả. Legrain cố gắng ho để át đi những tiếng khóc thổn thức đang bóp nghẹt lồng ngực. Gerbier lần tìm và nắm chặt đôi tay của Legrain, nói thật nhỏ:
- Anh đây, Legrain.
Trong một vài giây, tất cả đều im lặng. "Cậu bé đang đấu tranh để giữ thể diện cho mình", Gerbier nghĩ. Anh đã đoán đúng. Dù sao Legrain cũng không còn là một đứa trẻ nữa. Gerbier bỗng cảm thấy một cơ thể nhẹ tênh với đôi vai xương xẩu đè lên người mình. Anh nghe thấy một tiếng rên rất nhỏ.
- Em chẳng còn có ai trên đời này nữa... Anh Armel đã bỏ em mà đi. Bây giờ anh ấy đã được ở bên cạnh đức Chúa nhân từ của anh ấy rồi. Anh ấy đã tin vào điều đó biết bao. Nhưng còn em, làm sao mà em có thể gặp được Chúa đây... Bởi vì em không tin. Anh Gerbier ơi... Em xin anh tha thứ cho em... nhưng em không thể làm cách nào khác được. Em chẳng còn có ai trên đời này làm bạn nữa. Thỉnh thoảng hãy nói chuyện với em nhé, anh Gerbier. Hãy nói là anh cũng muốn nói chuyện với em đi, anh Gerbier!
Gerbier liền thì thầm vào tai Legrain:
- Trong cuộc kháng chiến, người ta không bao giờ bỏ rơi đồng đội của mình.
Legrain lặng im.
- Kháng chiến. Em nghe rõ chưa? Gerbier nói tiếp. Để hai chữ ấy nhập tâm mà ngủ yên em nhé. Hiện giờ đó là hai từ đẹp nhất của tiếng Pháp đấy. Em không thể biết được đâu. Kháng chiến đang lan rộng. Vậy mà người ta chôn vùi em ở chốn này. Anh hứa sẽ chỉ bảo cho em nhiều điều.

*

Gerbier đưa Legrain đến nơi làm. Họ đi rất chậm. Gerbier nói:
- Em có biết không, bọn chúng cưỡi xe tăng đến đây. Mắt chúng trống rỗng. Chúng muốn dùng xích xe tăng để viết cho các dân tộc những luật lệ mới. Chúng chế tạo vô khối xe tăng và yên tâm rằng, sứ mệnh của chúng trên cõi đời này là viết ra luật lệ. Cái mà chúng sợ nhất là tự do và những bộ óc biết suy nghĩ. Chúng nổi lửa chiến tranh chỉ là để đem cái chết đến cho những con người tự do, biết suy nghĩ bằng bộ óc của mình. Tất cả những ai không có cặp mắt trống rỗng đều bị chúng giết sạch. Chúng tìm thấy ở nước Pháp những người hợp với chúng và sử dụng họ như một thứ công cụ. Họ chính là những người Pháp đã nhốt em, để em chết dần chết mòn ở đây mà chẳng cần biết rằng em còn chưa bắt đầu cuộc sống. Họ cũng chính là những kẻ giết chết Armel nhỏ bé của chúng ta. Em cũng đã tận mắt trông thấy họ làm gì với ông già khốn khổ khi ông tưởng được yên thân nơi tù đày này. Vậy mà họ vẫn ra rả tuyên truyền rằng những kẻ xâm lược là những con người cao thượng. Có một tên khọm già bẩn thỉu đã cố gắng dụ dỗ cả dân chúng nước ta. "Hãy trở nên khôn ngoan! Chớ có liều lĩnh", hắn giảng giải. "Hãy quên đi rằng các bạn là những con người đáng tự hào, vui vẻ và tự do. Nên vâng lời và mỉm cười với người chiến thắng. Chúng tôi sẽ để cho các bạn được sống yên ổn". Bọn người xung quanh tên khọm già ấy đồn rằng Pháp là một nước cả tin, dịu dàng và hiền lành. Nước Pháp biết ứng xử đúng mực và ưa sự cân bằng. "Pháp là một nước vô cùng văn minh, vô cùng mềm yếu", chúng nghĩ. "Đất nước này đã mất đi ý thức chiến đấu và hy sinh thầm lặng. Nước Pháp sẽ cam phận, sẽ ngủ yên. Và trong giấc ngủ mê man ấy, chúng ta sẽ biến nước Pháp thành đất nước của những con người có đôi mắt trống rỗng, vô hồn". Chúng còn nghĩ rằng: "Chúng ta chẳng thèm chấp lũ người điên dại không thể liên kết với nhau, cũng không có vũ khí. Còn chúng ta, chúng ta có tất thảy các binh đoàn lính Đức hùng hậu bảo vệ". Giữa lúc bọn chúng đang mừng vui hỉ hả như vậy thì cuộc kháng chiến đã và đang dần dần được hình thành.
Roger Legrain bước đi mà không dám quay đầu lại nhìn Gerbier. Hình như cậu sợ làm như vậy sẽ ngắt quãng mạch chảy của một điều huyền diệu. Một người đàn ông có vẻ lạnh lùng đến thế, kiệm lời đến thế, mà nay lại bất ngờ tuôn ra những lời nói như có lửa... Cả vũ trụ bất ngờ trở thành một vũ trụ hoàn toàn khác trước.... Legrain nhìn thấy cỏ xanh non, các khu lán trại, những bộ đồng phục bảo hộ lao động và bóng dáng đói khát của những người Kabyles đang lê lết làm lao dịch. Nhưng tất cả những hình ảnh đó đã thay đổi cả dáng vẻ lẫn nghĩa lý. Cuộc sống ở đây không còn bó hẹp trong phạm vi của những hàng rào dây thép gai, mà nó đã trải rộng ra trên phạm vi cả đất nước. Một cuộc sống đang tỏa sáng, đang ngày một trở nên có ý nghĩa hơn. Những người Kabyles, Armel và ngay cả bản thân Legrain đang bước vào một trật tự vĩ đại của nhân loại. Legrain cảm thấy mình dần dần dấn thân vào một cuộc nổi dậy mù quáng, dai dẳng, liên kết, lộn xộn, mù mờ, không có lối ra. Cuộc nổi dậy ấy diễn ra ngay trong bản thân Legrain, giày vò và giằng xé từng thớ thịt. Cậu có cảm giác được tiến tới gần một điều bí ẩn lớn lao. Chính Gerbier là người đang vén bức màn bí ẩn đó cho cậu.
Bên Gerbier, Legrain tự cảm thấy còn quá ngây thơ, quá ốm yếu và bé nhỏ.
- Kháng chiến được hình thành cụ thể như thế nào thì anh cũng không rõ. Gerbier nói. Anh nghĩ sẽ chẳng bao giờ người ta biết được điều đó. Chỉ thấy rằng có một người nông dân đã cắt đường dây điện thoại trong làng. Có một bà lão đã phang chiếc gậy của cụ vào chân tên lính Đức. Truyền đơn được rải ở khắp nơi. Anh hàng thịt ở La Villette đã ném một tên thiếu uý vào tủ đông lạnh bởi vì hắn đã tỏ ra quá hống hách khi trưng thu thịt. Một người tư sản đã đưa địa chỉ sai cho bọn xâm lược khi chúng hỏi đường. Công nhân đường sắt, thày tu, ngư dân, nhân viên ngân hàng đã giúp hàng trăm người tù vượt ngục. Có những trang trại nuôi giấu binh lính Anh. Một cô gái điếm đã từ chối ngủ với bọn xâm lược. Có những sĩ quan, những binh lính Pháp, những người thợ nề, các họa sĩ cất giấu vũ khí. Em chẳng biết gì về những chuyện này đâu. Vì em đang ở đây. Còn đối với những ai hiểu được sự giác ngộ, những phản ứng đầu tiên ấy, thì thấy đó là những việc làm cảm động nhất. Đó chính là nhựa sống của cây tự do đang trào ra trên đất Pháp. Trước tình hình trên, bọn Đức cùng những tên tay sai của chúng và cả lão già nữa muốn trừ tận gốc loài cây dại này. Nhưng chúng càng nhổ thì cây dại lại càng mọc lên tươi tốt hơn, mạnh mẽ hơn.
Chúng bắt bớ dữ dội, chất đầy tù nhân trong các nhà lao. Chúng mở thêm nhiều khu trại giam. Bọn chúng lồng lộn điên cuồng. Chúng bỏ tù viên thiếu uý, nhân viên thương mại, người bán thuốc. Người căm thù chúng mỗi ngày một thêm đông. Bọn chúng đã xử bắn hàng loạt. Thế mà máu lại là thứ dinh dưỡng để nuôi sống và làm cho thứ cây dại ấy phát triển, lớn mạnh và lan rộng mãi ra. Máu đã chảy. Máu đang chảy. Và máu sẽ chảy thành thác. Và cây sẽ trở thành rừng.
Gerbier và Legrain đi một vòng quanh trạm điện. Gerbier còn nói thêm:
- Người đi theo kháng chiến chống lại bọn Đức cũng chính là người đánh lại Vichy và lão già của Vichy, đánh lại cả những kẻ cuồng tín của lão khọm già và tên trại trưởng ở khu trại của chúng ta, cả những tên lính gác mà em vẫn thấy hàng ngày ở đây. Kháng chiến bao gồm tất cả những công dân Pháp không muốn người ta biến nước Pháp thành đất nước của những đôi mắt chết, những đôi mắt trống rỗng, vô hồn.

*

Legrain và Gerbier ngồi xuống giữa bãi cỏ. Gió từ những sườn đồi thổi tới mát lạnh. Bóng tối buông xuống; Gerbier kể cho chàng thanh niên trẻ nghe chuyện về những tờ báo kháng chiến.
- Những người kháng chiến dám viết ra cả những gì mà họ nghĩ sao? Legrain hỏi, đôi má bừng đỏ.
- Chẳng có gì là họ không dám. Họ không bị luật lệ trói buộc, không chịu sự chi phối bởi bất kỳ điều gì ngoài lý tưởng của họ, Gerbier nói. Với họ, lý tưởng còn mạnh mẽ hơn cả cuộc sống. Những người xuất bản các tờ báo kháng chiến là những con người vô danh, không được ai biết đến cả. Nhưng sẽ có một ngày nào đó, người ta sẽ dựng tượng đài để ghi nhớ công ơn của họ. Người nào kiếm giấy để viết báo có thể bị giết chết. Người nào đóng giấy thành các trang báo có thể bị giết chết. Những người viết bài lại càng có thể bị giết chết. Và những người chuyên chở những tờ báo cũng có thể bị mất mạng. Nhưng có gì ngăn cản được họ đâu. Chẳng có gì chặn được tiếng kêu phát ra từ những chiếc máy in Rônêô cũ kỹ giấu trong các căn buồng nghèo khổ. Chính những chiếc máy này đã in ra những tờ báo được cất giấu nơi tận cùng trong các căn hầm. Đừng tưởng rằng những tờ báo này có hình thức giống như những tờ báo bày bán giữa ban ngày. Đây là những tờ giấy hình vuông nhỏ xíu, bẩn thỉu. Các trang được gắn lại với nhau rất tồi. Còn chữ được in, hoặc đánh máy nhưng đều rất mờ và khó đọc. Mực thường hay bị nhòe. Đề mục các bài viết bằng cỡ chữ nhỏ. Người ta làm báo ra tùy vào khả năng có thể. Một tuần làm ở thành phố này rồi đến tuần sau lại phải chuyển đến làm ở thành phố khác. Tư liệu viết bài là tất cả những gì mà người ta có trong tay. Rồi cuối cùng thì tờ báo cũng ra đời. Các bài báo được chuyển đi theo những con đường bí mật. Một người nào đó bí mật đứng ra tập hợp bài, một người khác lại bí mật sắp xếp lại. Có những nhóm lén lút lên trang. Cảnh sát, tình báo, mật thám, gián điệp, chỉ điểm ra sức mà rình rập, theo dõi, lùng sục, đánh hơi, tìm kiếm. Tờ báo vẫn được phát hành trên khắp mọi nẻo đường của nước Pháp. Nó không to, nó cũng chẳng đẹp. Nhưng mỗi một dòng của nó là một dòng vàng. Một dòng của lý tưởng tự do.
- Bố em là thợ in tipô... cho nên em cũng có thể biết, Legrain nói. Chắc là số lượng những tờ báo như thế không thể nhiều được.
- Có vô khối, Gerbier nói. Mỗi một phong trào quan trọng của cuộc kháng chiến đều có một tờ báo riêng và mỗi một số, người ta có thể in ra tới hàng chục nghìn tờ. Ngay cả những nhóm hoạt động ở những vùng xa xôi, hẻo lánh cũng viết và in báo. Rồi mỗi tỉnh lại có một tờ báo riêng. Còn có cả những tờ báo riêng của các bác sĩ, những người nhạc sĩ, của sinh viên, của giáo viên, của các trường đại học, của họa sĩ, của nhà văn, của kỹ sư.
- Thế còn những người cộng sản? Legrain hỏi nhỏ.
- Tất nhiên rồi, họ có tờ "Nhân đạo". Cũng giống như trước đây.
- "Nhân đạo", Legrain nói, "Nhân đạo"...
Đôi mắt trũng sâu của Legrain tràn đầy một vẻ ngây ngất, say sưa. Cậu còn muốn nói tiếp nữa nhưng không thể vì một cơn ho bất ngờ nổ ra.

*

Buổi trưa. Những người trong trại uống nước từ chiếc gamen bẩn đựng khẩu phần cơm rồi nằm dài bất động dưới ánh nắng mặt trời. Legrain và Gerbier nằm bên nhau, dưới bóng của căn lán.
- Chết cho kháng chiến thật là một cái chết hữu ích, Gerbier nói. Đội quân cảnh sát quốc gia Đức - Gestapo đã kết án con gái của một nhà công nghiệp vì cô không chịu tiết lộ tin tức gì về tổ chức của mình. Ông được phép đến thăm con và nhân cơ hội này đã van nài con khai báo. Lúc đó, cô gái đã phải xúc phạm bố mình và ra lệnh cho một viên sĩ quan Đức đang ngồi giám sát gần đó dẫn ông đi... Có một quân nhân trong nghiệp đoàn tín đồ đạo cơ đốc do yếu đuối và vì một chút ít quyền lợi cá nhân mà tỏ ra thân mật với bọn Đức nên bị vợ đuổi đi. Cậu con trai mới lớn của vợ chồng này gia nhập một đội quân tình nguyện. Cậu tham gia vào công việc phá hoại ngầm lực lượng của giặc và tiêu diệt bọn lính gác. Khi bị bắt, cậu đã viết thư cho mẹ rằng: "Tất cả đã được rửa sạch. Con chết với danh nghĩa là một người Pháp chân chính, một con chiên ngoan đạo của Chúa". Chính anh cũng được xem bức thư đó... Có một giáo sư rất nổi tiếng bị bắt. Bọn Gestapo quẳng ông ấy vào xà lim ở Fresnes. Chúng bóp cổ ông, bắt ông khai ra tên những người trong tổ chức... Ông chống cự lại... chống cự lại... Nhưng cuối cùng thì cũng kiệt sức. Ông sợ hãi ngay cả chính bản thân mình. Ông xé toạc chiếc áo sơ mi đang mặc làm dây tự treo cổ... Sau vụ bạo động đẫm máu xảy ra ở Paris, có hàng chục người bị kết án tử hình. Họ sẽ bị bắn vào sáng sớm ngày hôm sau. Họ hiểu rất rõ điều đó chứ. Và thế là có một người trong số họ, một người công nhân, bắt đầu kể chuyện cười. Suốt đêm, anh ta làm cho cả nhóm bạn cười hả hê. Chính cha tuyên uý người Đức trong nhà tù ấy về sau đã thuật lại với gia đình người công nhân này như vậy.
Legrain đưa mắt do dự hỏi: - Có phải... anh Gerbier này... trong số những người tham gia vào cuộc biểu tình ấy, không có ai là cộng sản chứ?
- Họ đều là cộng sản, Gerbier trả lời. Một người cộng sản tên là Gabriel Péri trước khi chết còn để lại một câu nói mà có lẽ đó là câu nói đẹp nhất của cuộc kháng chiến. Anh ta đã nói: "Tôi rất hài lòng. Chúng ta đang chuẩn bị cho những ngày mai tràn đầy hạnh phúc".
Gerbier nắm cổ tay bé nhỏ của Legrain, nhẹ nhàng nói:
- Anh muốn em hiểu anh lấy một lần để rồi mãi mãi đinh ninh như thế. Không có hận thù, không có ngờ vực và cũng không hề có bất kỳ một ngăn cách nào giữa người cộng sản và những người Pháp ngày nay. Tất cả chúng ta đứng trên cùng một trận tuyến và trong số đó, cộng sản là đối tượng tấn công hàng đầu của kẻ thù. Chúng ta đều biết rằng chính họ là những người dũng cảm nhất, là những người có tổ chức tốt nhất. Họ giúp đỡ chúng ta và ngược lại, chúng ta cũng giúp đỡ họ. Họ yêu quý chúng ta và chúng ta thương yêu họ. Tất cả đều trở nên rất đơn giản.
- Nói đi, anh Gerbier, nói nữa đi, Legrain thầm thì.

*

Buổi tối là lúc Gerbier có nhiều thời gian nhất để nói.
Căn lán bé nhỏ bị đóng chặt càng làm tăng thêm cái bức bối đã tích tụ trong suốt cả ngày. Những chiếc nệm cỏ đốt nóng ran cả vùng thắt lưng người nằm. Bóng tối lại càng làm cho không gian trở nên ngột ngạt hơn. Những người bạn tù trằn trọc không yên trong giấc ngủ. Nhưng tất cả những cái đó chẳng có ý nghĩa gì đối với Legrain, thậm chí cả tiếng thở khò khè dồn dập từ hai lá phổi đã hỏng nặng và thỉnh thoảng những cơn ho kéo gập cả người lại cũng không làm cho Legrain mảy may bận tâm. Trong khi đó, Gerbier vẫn không ngừng kể về những trạm điện đài được giấu giếm ở các thành phố, các thôn ấp mà nhờ nó người ta có thể nói chuyện được với bạn bè tự do trên toàn thế giới. Anh kể về công việc của những người thợ bí mật, về những mưu mẹo, về sự kiên nhẫn của họ, về mối nguy hiểm đe dọa họ và về cả những đoạn nhạc huyền diệu do những bản tin được số hóa phát ra. Anh còn chỉ ra cả những hệ thống nghe tin và theo dõi rộng lớn có khả năng thâu tóm và hiểu thấu toàn bộ những tài liệu của kẻ thù, tính được toàn bộ số lượng các trung đoàn, các đội quân phòng ngự của chúng. Gerbier còn nói rằng mùa đông cũng như mùa hè, vào bất kỳ giờ giấc nào, liên lạc viên lúc đi, lúc chạy, len lỏi đưa tin khắp nước Pháp. Anh miêu tả một nước Pháp bí mật, một nước Pháp với vô số hầm vũ khí giấu kín, những ban tham mưu, bộ chỉ huy lưu động từ nơi ẩn náu này đến nơi ẩn náu khác. Nước Pháp của những người chỉ huy vô danh, của những người đàn ông và những người phụ nữ không ngừng thay họ đổi tên, liên tục cải trang cả gương mặt lẫn hình dạng.
- Những người này, Gerbier nói, lẽ ra có thể giữ thái độ thờ ơ, lãnh đạm. Không có gì buộc họ phải hành động. Sự khôn ngoan và lương tri khuyên họ nên ăn ngon, ngủ yên dưới bóng lê của quân Đức mà ngắm nhìn gia sản sinh lợi, vợ đẹp vui cười, con cái khôn lớn. Những lợi ích về vật chất, sự yên ấm trong gia đình họ khi đó được bảo đảm. Thậm chí họ có thể trở nên ôn hòa và tự ru ngủ ý thức của mình bằng các ơn phước của vị thống chế già của Vichy. Thật sự, chẳng có bất kỳ lý do gì buộc họ phải chiến đấu ngoại trừ tâm hồn tự do của họ.
- Cậu có biết rằng cuộc sống của một con người ngoài vòng pháp luật là như thế nào không? Gerbier nói. Cuộc sống của người tham gia kháng chiến ấy? Anh ta chẳng có đến cái thẻ chứng minh thư nữa, hoặc lại có nhiều đến nỗi quên đi mất cái nào là cái thực của mình. Anh ta không có phiếu thực phẩm, phải chịu đói khát triền miên. Anh ta phải ngủ trong những căn gác xép, trong gầm cầu thang, trong phòng gái điếm, hay trong những kho thóc bỏ hoang, hoặc trên ghế ở nhà ga. Anh ta không thể gặp gỡ một cách đàng hoàng những người ruột thịt bởi lúc nào cũng bị cảnh sát vây bủa. Nếu như vợ của anh ta cũng tham gia kháng chiến, mà thông thường là như vậy, thì con cái sẽ bị bỏ bê chẳng ai chăm sóc. Nguy cơ bị bắt lúc nào cũng bám theo anh ta như hình với bóng. Ngày nào cũng có những người bạn bị mất tích, bị treo cổ hay xử bắn. Anh ta phải lẩn trốn từ những chỗ bất ổn này sang những chỗ bất ổn khác, không có lửa, tối tăm, bị tấn công, vây dồn, không có chỗ trú thân nhất định. Anh ta trở thành một cái bóng ma của chính bản thân mình.
Gerbier nói tiếp:
- Nhưng anh ta không bao giờ đơn độc. Anh cảm thấy trong mình tràn đầy một niềm tin phơi phới, là tình cảm thân thương, gắn bó đậm đà với quần chúng, với nhân dân. Những người đồng tình với anh ở khắp nơi, bạn bè của anh từ nhà máy ra tới ngoài cánh đồng. Từ những lâu đài sang trọng cho đến những khu lao động nghèo vùng ngoại ô. Đó có thể là viên sen đầm, là công nhân hỏa xa, kẻ gian thương, hay vị thày tu. Là viên thư lại già cho tới những cô gái trẻ. Kẻ nghèo khổ nhất cũng sẵn lòng chia xẻ với anh một khẩu phần bánh mì nhỏ bé. Anh ấy, người thậm chí chẳng có được cái quyền bước chân vào một cửa hàng bánh mì, lại chiến đấu cho những mùa màng bội thu của nước Pháp.
Gerbier đã nói như vậy. Legrain nằm trên chiếc giường tồi tàn nóng hầm hập, trong bóng tối đến nghẹt thở mà khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới, đang hừng hực ngọn lửa chiến đấu. Nơi đó có vô vàn những đội quân không có vũ khí, là thế giới của một tình bạn cao cả, đẹp nhất như chưa từng có trên trái đất này. Kháng chiến chính là một thế giới như vậy.

*

Vào một buổi sáng, trên đường đi làm, Legrain bất chợt hỏi Gerbier:
- Trong kháng chiến anh có làm chỉ huy không?
Bằng ánh mắt có thể nói là dữ dằn, Gerbier chăm chú nhìn khuôn mặt bị tàn phá đang đỏ ửng lên của Legrain. Anh thấy trên khuôn mặt cậu bé toát lên vẻ thật thà và thành khẩn vô bờ bến. Anh trả lời:
- Anh có tham gia vào chỉ huy một nhóm. Không ai ở đây biết điều này đâu. Anh đi từ Paris đến Toulouse thì bị bắt. Chắc có ai đó đã tố cáo nhưng không có bằng chứng nên anh còn chưa bị kết tội. Thế là anh bị giam ở đây.
- Trong bao lâu? Legrain hỏi.
Gerbier nhún vai và mỉm cười: - Tới chừng nào người ta muốn! Chính cậu là người biết rõ điều này hơn ai hết.
Legrain dừng bước. Cậu nhìn dán xuống mặt đất, rồi cất giọng nghèn nghẹn nhưng chắc nịch:
- Anh Gerbier, anh cần phải đi khỏi đây. Legrain dừng lại, ngẩng đầu lên và nói tiếp: - Ngoài kia, mọi người rất cần đến anh. Không thấy Gerbier trả lời gì nên Legrain nói thêm:
- Em nghĩ... em nghĩ từ lâu rồi... tối nay em sẽ kể cho anh nghe.
Họ chia tay nhau. Gerbier mua thuốc lá của một tên lính gác đồng. Gerbier dạo một vòng quanh cao nguyên, nụ cười mỉm quen thuộc lúc nào cũng thường trực trên môi. Cuối cùng, bằng các câu chuyện và những hình ảnh mà anh đã rất kiên nhẫn kể lại cho Legrain nghe, anh cũng đạt được mục đích bấy lâu theo đuổi.

*

- Bây giờ em sẽ nói cho anh nghe ý nghĩ của em, Legrain thì thào khi cậu tin chắc rằng viên thiếu úy, gã nhân viên thương mại và viên dược sĩ đều đã ngủ say.
Legrain yên lặng một lúc để lựa lời rồi nói:
- Cái gì ngăn cản trốn khỏi đây? Có hai cái, một là bọn lính tuần tra và hai là hàng rào dây thép gai. Với hàng rào dây thép gai, em thấy đất ở đây không bằng phẳng, có nhiều chỗ lõm xuống mà một người gầy như anh có thể chui qua được. Anh Gerbier, anh hoàn toàn có thể chui qua rào ở những chỗ đất trũng ấy, cùng lắm là bị xước chút ít thôi.
- Mình biết tất cả những chỗ đất như thế, Gerbier nói.
- Đối với hàng rào dây thép gai thì ta xử lý như vậy, Legrain nói. Chỉ còn lại bọn lính tuần tra. Anh cần mấy phút để chạy đến chỗ đường vòng?
- Mười hai... cùng lắm là mười lăm phút, Gerbier nói.
- Thế thì được, em có cách bịt mắt bọn lính gác còn lâu hơn nữa kia, Legrain nói.
- Anh cũng nghĩ thế, Gerbier nói với vẻ hiền lành. Một người thợ khéo léo như em thì tạo ra một vụ hỏng điện không phải là việc khó.
- Anh đã tính tất cả mọi chuyện, Legrain thì thào. Thế mà anh chưa bao giờ hé ra nửa lời.
- Anh biết ra lệnh hoặc chấp thuận. Nhưng anh không biết đòi hỏi, Gerbier nói. Anh muốn việc này do em tự nói ra.
Gerbier tựa hẳn người lên trên khuỷu tay như đang cố gắng nhìn xuyên qua bóng tối để thấy rõ hơn gương mặt của người bạn cùng cảnh ngộ. Rồi nói:
- Anh thường tự hỏi ở vị trí của em, em hoàn toàn có thể thoát khỏi đây, tại sao em không lợi dụng thuận lợi ấy.
Legrain bỗng nổ ra một tràng ho làm cậu không thể trả lời ngay được:
- Mới đầu, em cũng bàn với anh Armel điều này. Nhưng anh ấy không đồng ý. Có thể vì anh ấy là người quá dễ chịu đựng nhẫn nhục. Nhưng ở một khía cạnh nào đó thì anh ấy cũng có lý. Tức là, với bộ đồng phục bảo hộ lao động này và không có giấy tờ tùy thân, rồi cả phiếu thực phẩm cũng không có nốt, có ra được khỏi đây thì cũng chẳng đi đâu được xa. Rồi sau đó anh ấy bị ốm. Em không thể đành lòng bỏ mặc. Ngay cả bản thân em nữa, em cũng chẳng phải là người mạnh mẽ cho lắm. Anh thì lại khác. Anh còn có bạn bè trong kháng chiến...
- Anh đã bắt quan hệ được với một tên lính gác, cái thằng bán thuốc lá cho anh ấy, Gerbier nói.
Rồi anh nói thêm, giọng không thay đổi:
- Khoảng một, chậm nhất là hai tuần nữa, chúng ta có thể bỏ trốn.
Tất cả rơi vào im lặng. Trong bộ ngực gày gò, quả tim Legrain đập mạnh đến nỗi Gerbier nghe thấy rõ từng tiếng một. Chàng trai trẻ thầm thì:
- Đúng là anh hứa là "chúng ta" chứ, anh Gerbier?
- Tất nhiên rồi, Gerbier nói. Thế em nghĩ sao?
- Em nghĩ rằng anh sẽ cho em đi theo. Nhưng em không dám chắc, Legrain nói.
Gerbier hỏi một cách chậm rãi và nhấn mạnh từng từ:
- Có nghĩa là em đã sẵn sàng yên tâm chuẩn bị cho anh thoát khỏi đây còn em thì vẫn ở lại sao?
- Em tự nhủ như vậy, Legrain nói.
- Và em sẽ làm đúng như thế chứ?
- Người ta cần đến anh, anh Gerbier, kháng chiến đang cần anh.
Mấy phút vừa rồi, Gerbier rất thèm được hút một điếu thuốc. Tuy nhiên anh cố kiềm chế. Anh không thích người khác nhìn thấy cảm xúc bộc lộ trên khuôn mặt mình.

*

Lúc bắt đầu ván đôminô, thiếu uý Jarret du Plessis nhận xét:
- Cậu bé cộng sản có vẻ như tươi tỉnh lại rồi đấy. Sáng nào đi làm cậu ta cũng hát ư ử.
- Nhờ tiết xuân ấm áp mà ra cả, gã nhân viên thương mại nói.
- Chẳng phải, do con người ta ai cũng có khả năng thích nghi với hoàn cảnh, viên dược sĩ thở dài. Cậu ta cũng giống như mọi người khác, đều thế cả thôi. Thật là đáng thương.
Cả ba người đàn ông không hề có một ý nghĩ oán ghét hay chống lại Legrain. Trái ngược với lứa tuổi còn quá trẻ, với nỗi bất hạnh và tình trạng sức khỏe suy nhược, ở Legrain vẫn toát ra đức tính hiền từ hồn nhiên. Họ đề nghị thay phiên nhau cùng chăm sóc cho Armel. Nhưng việc đó lại làm cho Legrain cảm thấy ghen nên cậu không cho. Mỗi khi nhận được tiếp tế do người thân gửi vào, họ đều muốn chia xẻ với Legrain. Thế nhưng, họ cũng chẳng bao giờ có được cơ hội làm điều tốt này vì Legrain kiên quyết từ chối mọi sự giúp đỡ. Dần dần, do cách cư xử lạnh lùng ấy mà những người ham chơi đôminô này quên bẵng sự có mặt của Legrain. Cho nên, khi Legrain thay đổi thái độ thì ai cũng phải chú ý. Đó là vào một buổi tối, khi viên dược sĩ chìa ra mời mọi người những thanh sôcôla mà ông ta vừa nhận được trong một gói quà do người nhà gửi vào, Legrain cũng giơ tay cầm một thanh.
- Hoan hô! Viên thiếu úy Jarret du Plessis kêu lên. Ông cộng sản nhỏ trở nên thuần tính rồi đây.
Nói rồi viên thiếu úy quay về phía Gerbier: - Anh bạn có ảnh hưởng tốt đấy. Xin chúc mừng anh.
- Tôi lại cho rằng đó là vì những thanh sôcôla ngọt ngào của ông dược sĩ, Gerbier nói.
Vài giờ đồng hồ sau, khi chỉ còn lại hai người là chưa ngủ, Gerbier nói với Legrain:
- Em chọn thời điểm để cho người ta bàn tán về tính tham ăn của em chẳng đúng lúc chút nào.
- Em nghĩ... em nghĩ em sắp có thể gửi lại cho ông ấy một thứ gì đó.
- Có thể họ cũng nghĩ giống em. Không bao giờ được cho rằng mọi người ngốc hơn mình, Gerbier nói.
Thế rồi cả hai cùng lặng im. Một lúc sau, Legrain hỏi với giọng nhún nhường:
- Anh giận em đấy à, anh Gerbier? - Ồ không, quên chuyện này đi, Gerbier nói. - Thế thì bây giờ nói cho em nghe sự việc sẽ xảy ra sau khi có sự cố điện đi, Legrain nằn nì.
- Anh đã giải thích rất chi tiết chuyện này hôm qua và hôm kia rồi, Gerbier nói.
- Nếu anh không nhắc lại thì em không dám tin đâu, Legrain nói, và em sẽ không tài nào ngủ được đâu... Thế, chắc chắn ôtô sẽ đến chứ?
- Một chiếc xe ga, Gerbier nói. Anh nghĩ chính tay anh Guillaume sẽ lái chiếc xe đó.
- Có phải anh ấy trước là trung sĩ của đội lính lê dương(1) không? Anh ấy là tay rắn nhất đúng không? Hình như người ta còn gọi anh ấy là Le Bison nữa hay sao ấy? Legrain thì thào.
- Trong ôtô có sẵn hai bộ quần áo dân sự, Gerbier nói tiếp. Chúng ta sẽ được chở tới nhà cha xứ. Đến đó chúng ta mới biết phải làm gì tiếp theo.
- Các bạn kháng chiến sẽ cho chúng ta giấy tờ tùy thân giả à? Legrain hỏi.
- Cả phiếu ăn nữa. - Rồi anh giới thiệu em với những người cộng sản nhé, anh Gerbier? Em sẽ được cùng làm việc với họ để phục vụ kháng chiến chứ?
- Nếu em làm liên lạc viên. - Thật tuyệt vời, anh Gerbier. - Những đêm sau đó, đêm nào Legrain cũng đòi: - Kể cho em nghe về anh Guillaume Le Bison đi anh Gerbier, kể tất cả cho em nghe.

*

Gerbier tìm thấy trong số những gói thuốc lá đã mua, có một bao bên trong có một tờ giấy pơluya. Anh mang vào buồng vệ sinh, chăm chú đọc mẩu tin viết trên tờ giấy rồi đốt đi. Sau đó, anh đi dạo như thường lệ. Cuối buổi chiều ngày hôm đó, anh nói với Legrain:
- Tất cả đúng như sắp đặt, chúng ta sẽ bỏ trốn vào thứ bảy.
- Ba ngày nữa, Legrain ấp úng nói.
Gương mặt Legrain như cắt không còn một giọt máu, rồi lại đỏ ửng lên vì máu bất ngờ đổ dồn thật mạnh về đôi má trũng sâu, rồi lại trở nên trắng bệch trở lại. Legrain phải dựa cả người vào Gerbier mà nói:
- Em xin lỗi... em chóng mặt quá. Vì hạnh phúc. Legrain từ từ đứng thẳng người lên. Gerbier nhận thấy tuần lễ cuối cùng quả tình rất căng thẳng đối với Legrain. Khuôn mặt cậu bỗng tọp hẳn đi làm đôi mắt như to hơn. Sống mũi cậu mảnh như một chiếc xương cá. Quả táo Adam nơi cổ họng tự nhiên lồi hẳn lên.
- Em phải bình tĩnh và kiềm chế cảm xúc, Gerbier nghiêm nghị nói. Từ giờ đến ngày thứ bảy, em phải lấy lại sức khỏe. Chúng ta sẽ phải chạy bộ ít nhất là năm kilômét. Em phải ăn phần súp trưa của anh, rõ chưa?
- Em sẽ làm theo lời anh, anh Gerbier. - Mà em ngủ chưa đủ đâu. Ngày mai, phải đến trạm xá xin thuốc ngủ về mà uống.
- Mai em sẽ đi, anh Gerbier.
Legrain đi làm sớm hơn thương lệ. Gerbier tiễn Legrain ra đến tận ngoài sân.
- Thêm ba đêm ở đây nữa thôi là xe của Bison sẽ đến, Legrain nói.
Nói rồi Legrain chạy như bay đến chỗ làm. Gerbier dõi theo Legrain và nghĩ bụng: "cậu ta còn trẻ quá, rồi cậu ấy sẽ chín chắn hơn".
Đến bữa ăn trưa, Gerbier đưa cho Legrain chiếc gamen đựng khẩu phần ăn của mình nhưng Legrain lắc đầu.
- Em biết chúng ta đã thống nhất với nhau như vậy nhưng em không thể, nó làm tim em đau nhói, Legrain nói.
- Vậy thì cầm lấy phần bánh mì của anh, Gerbier nói. Để đến lúc làm việc mà ăn.
Legrain ngượng ngập, luống cuống đút miếng bánh mì đen vào trong túi áo đồng phục. Mặt cậu ngây thộn ra.
- Làm sao em có vẻ rầu rĩ thế, Gerbier nhận xét. Legrain không trả lời mà đi thẳng về trạm điện. Buổi tối, cũng không thấy cậu đòi Gerbier kể về Bison và những tấm gương anh hùng khác.
- Em đã đến trạm xá lấy thuốc chưa? Gerbier hỏi. - Em lấy và uống rồi. Chắc là ngủ được ngay bây giờ đây, Legrain nói.
Ngày thứ năm, cách cư xử của Legrain còn kỳ lạ hơn. Cậu không ăn trưa mà ở lỳ trong lán đợi trời tối. Cậu không trò chuyện với Gerbier như mọi hôm mà lại chăm chú theo dõi nhóm người chơi đôminô. Thế rồi cậu chìm ngay vào giấc ngủ rất say.
Thứ sáu, Legrain cãi nhau với viên dược sĩ vì một lý do không đâu. Cậu chửi viên dược sĩ là tên tư sản bẩn thỉu. Lúc đó, Gerbier chẳng nói gì hết. Nhưng khi tất cả đã chìm vào bóng đêm tĩnh mịch, Legrain thì có vẻ như đã ngủ, Gerbier nắm chặt tay Legrain và hỏi:
- Có cái gì không ổn hả Legrain? - Không... không có gì hết, anh Gerbier ạ, Legrain đáp.
- Hãy trả lời anh đi, Gerbier nói. Em không còn tin nữa à? Em bị căng thẳng quá rồi sao? Anh cam đoan với em là về phần anh, tất cả đều đúng như chúng ta đã bàn.
- Em biết, anh Gerbier. - Thế còn về phía em?
- Mọi việc sẽ êm thấm, anh có thể hoàn toàn yên tâm.
- Thế thì còn chuyện gì nữa vậy?
- Em không biết, anh Gerbier, thật mà... Em đau đầu. Tim em đập loạn xạ.
Gerbier nhíu đôi lông mày lại giống như ban ngày anh vẫn làm khi muốn nhìn thẳng vào mặt ai đó mà khám phá ra điều bí mật họ cố tình giấu. Nhưng trong màn đêm đen như mực, anh đành chịu bất lực.
- Chắc tại em đã uống quá nhiều thuốc ngủ, Gerbier nói.
- Chắc thế, Legrain nói.
- Ngày mai khi nhìn thấy ôtô của anh Le Bison, em sẽ khỏe thôi, Gerbier nói.
- Le Bison, Legrain lắp lại.
Nhưng rồi mọi chuyện đã chấm dứt tại đó.
Về sau này, Gerbier rất hay nhớ lại tính chất dữ dằn và sự vô thức của cuộc đối thoại trong đêm ấy.

*

Sáng thứ bảy trên đường đi dạo như thường lệ, Gerbier đi ngang qua trạm điện. Từ ngày người kỹ sư già người Áo bị bọn lính bắt đi, tại đây chỉ có một mình Legrain làm việc. Gerbier rất hài lòng khi thấy Legrain có vẻ bình tĩnh.
- Tất cả đã sẵn sàng, chàng trai trẻ nói.
Gerbier kiểm tra lại công trình của Legrain. Hệ thống đồng hồ tính thời điểm ngắt điện được thiết kế với sự thông minh và độ khéo léo đến hoàn hảo. Dòng điện sẽ ngắt vào đúng giờ đã định.
- Yên tâm đi, Legrain nói, bọn lính trực đêm ngu dốt cần ít nhất bốn mươi phút mới chữa được sự cố này.
- Không ai làm việc này cừ hơn em. Cứ như thể là chúng ta đã ở bên ngoài rồi ấy, Gerbier nói.
- Cám ơn anh Gerbier, chàng trai trẻ thì thầm.
Đôi mắt cậu rực sáng.

*

Khi tia nắng cùng tắt ngấm thì cũng là lúc viên thiếu úy, viên dược sĩ và gã nhân viên thương mại kết thúc ván chơi đôminô cuối cùng. Thời khắc nhá nhem dồn về trên cao nguyên từng đụn mây xám ngoét. Duy chỉ có thứ ánh sáng dữ dằn, hắt ra từ những ngọn đèn đường, tạo thành một đường tròn cố định bao bọc quanh cao nguyên như muốn nhốt buổi chiều tàn vào trong khu trại. Con đường nhỏ giữa những hàng rào dây thép gai được thứ ánh sáng gay gắt ấy soi rọi nổi bật hẳn lên. Đằng sau vành đai ánh sáng là một quang cảnh tương phản hoàn toàn, đó là nơi bóng đêm đã ngự trị. Trước căn lán, Gerbier và Legrain ngồi im ngắm những ngọn đèn lặng lẽ sáng trên hàng rào dây thép gai. Thỉnh thoảng Gerbier lại lần sờ trong đáy túi quần của mình một dụng cụ mà Legrain đã lấy ở xưởng về để chốc nữa uốn cong dây thép gai lên phía trên. Một tên lính gác đội bêrê kêu to:
- Điểm danh.
Legrain và Gerbier bước vào lán. Tên lính gác đếm số người trong lán rồi đóng cửa. Bóng tối lại càng dày đặc hơn. Mọi người mò mẫm, sờ soạng lần tìm về chỗ nằm. Viên thiếu úy, gã nhiên viên thương mại và viên dược sĩ thỉnh thoảng trao đổi với nhau một vài câu. Chuyện trò mỗi lúc một rời rạc dần. Gerbier và Legrain lặng im. Những người nằm xung quanh đã chìm vào giấc ngủ, thở ra những tiếng phì phò đều đều quen thuộc. Gerbier và Legrain vẫn im lặng.
Gerbier cảm thấy hài lòng về sự im lặng của Legrain. Anh đã lo Legrain không thể chịu đựng được sự chờ đợi này. Legrain đặt máy hẹn giờ xảy ra sự cố vào lúc đúng nửa đêm. Còn phải đợi khoảng một giờ đồng hồ nữa. Gerbier hút liền mấy điếu thuốc lá rồi đi lại phía cửa ra vào, dùng cái móc mở khóa không một tiếng động nhỏ. Anh đẩy cửa, nhìn vòng ánh sáng mạnh mẽ bao bọc cao nguyên. Gerbier quay trở về chỗ nằm và nhắc:
- Chuẩn bị sẵn sàng đi, Roger. Không còn lâu nữa đâu.
Gerbier nghe rõ nhịp tim hối hả đập thình thịch trong lồng ngực Legrain.
- Anh Gerbier, em phải nói với anh một điều, Legrain thì thào một cách khó khăn.
Cậu cố gắng lấy lại nhịp thở bình thường: - Em không đi với anh đâu.
Mặc dù Gerbier là người rất tự chủ nhưng lúc đó cũng không thể kiềm chế được. Anh phát ra một tiếng kêu to bất cẩn. Một lúc sau, Gerbier mới bình tĩnh lại và nói bằng âm vực quen thuộc mà hai người vẫn thường nói trong bóng tối.
- Em sợ à? Anh hỏi nhỏ. - Ôi, anh Gerbier! Legrain rên rỉ. Gerbier cũng dám chắc Legrain không sợ. Anh dám chắc như đinh đóng cột dù không nhìn thấy gương mặt của Legrain.
- Hay em nghĩ không đủ sức chạy? Gerbier nói. Anh sẽ cõng em nếu cần.
- Em chạy được. Thậm chí em có thể chạy xa nữa, Legrain nói.
Gerbier cũng cảm đúng là như vậy. - Em sẽ giải thích cho anh, anh Gerbier, chỉ cần anh đừng nói gì hết, Legrain nói. Em phải giải thích thật nhanh, mà em thấy khó quá.
Phổi Legrain phát ra những tiếng khò khè. Cậu ho xong, nói tiếp:
- Theo lời anh, em đến gặp bác sĩ để xin thuốc về uống. Ông bác sĩ thật tốt bụng và là người hiểu biết. Chính ông đã sắp xếp cho em ở cùng với Armel vì khi trời mưa cái lán này không bị dột nên sàn nhà luôn luôn khô. Ông ấy không thể làm gì hơn được nữa. Nói vậy để anh hiểu rằng ông ấy là người có thể trò chuyện được. Thấy sắc mặt của em không tốt nên ông ấy đã nghe bệnh cho em. Em không hiểu hết tất cả những điều ông ấy nói... chỉ biết rằng một lá phổi của em đã bị hỏng hoàn toàn, lá còn lại cũng nặng. Ông tỏ ra rất ái ngại cho em vì bị nhốt ở đây mà chẳng có hy vọng gì được thả tự do. Nhân đó, em hỏi nếu được tự do ở bên ngoài thì triển vọng sức khỏe của em sẽ như thế nào. Ông ấy trả lời nếu nghỉ ngơi tại nhà điều dưỡng trong hai năm thì em có thể bình phục. Nếu không, em chỉ còn là người bỏ đi. Em bước ra khỏi phòng khám như người chết rồi. Anh cũng thấy đấy... Lúc nào em cũng nghĩ về những điều anh kể với em về kháng chiến. Cho đến tận sáng ngày hôm nay em mới hiểu ra rằng em không thể bỏ trốn cùng với anh.
Gerbier thấy mọi chuyện thật khó tin, nhưng đó lại chính là sự thực. Anh những tưởng không bao giờ lại hành động thiếu suy nghĩ. Thế mà điều đó đã xảy ra. Anh đốt cháy lên trong Legrain một ngọn lửa bằng những câu chuyện kháng chiến chỉ nhằm mục đích duy nhất là chinh phục hoàn toàn Legrain. Đó là việc làm mù quáng mà anh không hề tính toán. Anh không ngờ lại thu được một kết quả như vậy. Gerbier nói:
- Anh không đời nào bỏ rơi em. Anh có tiền và sẽ tìm thêm cách khác nữa. Em sẽ được che chở và chăm sóc. Em sẽ bình phục hoàn toàn.
- Không phải là vì điều đó mà em muốn đi với anh, anh Gerbier. Chàng trai bình tĩnh nói rành rọt trong bóng tối. Em muốn trở thành liên lạc viên. Em không muốn giành lấy phiếu ăn của bạn bè để chăm sóc cho một chút sức khỏe cá nhân. Em không muốn làm gánh nặng cho kháng chiến. Anh đã cho em hiểu quá rõ kháng chiến là như thế nào rồi.
Gerbier thấy không còn đủ sức để trả lời Legrain. Legrain nói tiếp:
- Dù sao em cũng rất hài lòng vì đã hiểu kháng chiến. Em không bất hạnh nữa đâu. Em hiểu cuộc sống và em yêu nó vô cùng. Bây giờ em cũng được giống như anh Armel rồi. Em đã có lòng tin.
Chàng trai có vẻ phấn chấn lên đôi chút, còn giọng nói bỗng trở nên dữ dằn:
- Nhưng em không chờ đợi công lý ở thế giới bên kia, anh Gerbier à. A giục bạn bè trên toàn thế gới hãy khẩn trương lên. Em muốn được chứng kiến cái chết của bọn người có đôi mắt trống rỗng.
Legrain dừng lời. Im lặng bao trùm không gian tĩnh mịch. Không ai để ý thời gian bao lâu đã trôi qua. Cả hai ngồi bất động chăm chú nhìn qua khe cửa. Họ thấy những chùm sáng rọi ra từ những ngọn đèn đường. Bỗng ánh sáng nhất loạt tắt phụt. Họ cùng đứng bật dậy. Bóng tối của tự do bên ngoài tràn vào hòa lẫn cùng với bóng tối nơi ngục tù. Gerbier và Legrain đi ra cửa lán.
Bất chấp nguy hiểm và mọi lời lẽ hợp lý của Legrain, Gerbier còn cố nói tiếp:
- Khi chúng phát hiện ra có phá hoại ngầm, lại thấy anh đã bỏ trốn, chúng sẽ điều tra và sẽ nghi cho em.
- Bọn chúng còn có thể làm gì với em hơn nữa? Legrain thầm thào.
Gerbier vẫn chưa chịu đi. - Em lại còn giúp thêm được cho anh nữa đấy. Chúng sẽ đến tìm em để nhờ sửa chữa sự cố. Em sẽ ra ngoài thật nhanh để chúng không kịp nhận thấy trên nệm của anh không có người. Em sẽ làm cho sự cố rối tung rối mù lên ít ra là thêm nửa giờ đồng hồ nữa. Lúc đó, anh đã đi thật xa cùng với anh Le Bison rồi.
Gerbier nhảy qua bậc cửa.
- Xin em hãy suy nghĩ lại lần cuối cùng, Gerbier nói gần như van nài.
- Làm gánh nặng cho người khác hoàn toàn không phải là bản tính của em, Legrain trả lời. Bắt đầu tham gia kháng chiến với việc làm như vậy thì lại càng không được.
Gerbier lách ra ngoài qua hai cánh cửa và không quay đầu lại. Anh chui qua một lỗ hõm lớn giữa dây thép gai và chỗ mặt đất trũng sâu nhất. Có đến hàng trăm bận anh đã mường tượng ra cảnh này nay mới thành hiện thực.
Legrain cẩn thận đóng chặt cửa, đi về chỗ nằm tồi tàn. Anh cắn chặt răng vào chiếc khăn phủ đệm, nằm im, ngoan ngoãn và căng thẳng.
-------
(1) Đội lính của Pháp nhưng gồm những thanh niên tình nguyện nước ngoài (ND).