Phê bình
L. M. CAO VĂN LUẬN
(Viện trưởng Viện Đại Học Huế Phê bình “SỐNG”)

SỐNG” quả là một tác phẩm “sống” rất linh động, sâu sắc, mà gần mười năm nay, mới thấy xuất hiện trên mảnh đất văn-nghệ hời hợt, giả tạo của chúng ta.
Tôi thường tự hỏi, thời đại chúng ta đày những quần quại, bi thương hoặc hùng tráng, mà tại sao chưa có một “chứng nhân” nào ghi chép, diễn tả một cách trung thực những băn khoăn của lớp người đang sống. Chu-Tử chính là “chứng nhân” mà ta đang tìm kiếm. Không biết Chu-Tử là một “chứng nhân” trung thực đến mực nào, nhưng ít nhất Chu-Tử là một “chứng nhân” có tâm hồn! Một tâm hồn ngang trái như thời đại ngang trái! Một tâm hồn quần quại, đầy mâu thuẫn, tàn bạo mà tha thiết, ngổ ngáo mà thâm trầm, cay độc mà vẫn xót thương đời, trào lộng mà cười ra nước mắt… Và nhất là đau khổ! Vì, cũng như văn hào Keats có thể sờ mó thấy sự đau khổ của nhân loại, Chu-Tử là nhà văn của Đau Khổ. Tất cả những nhân vật trong “SỐNG”: từ Huyền, Tuyết, Phi-Yến v.v… đến nhà trí thức chống Cộng Pháp, thích đàn bà và tiền, giáo sư long khừng Văn, thanh niên theo Việt-Cộng Thịnh v.v… tất cả đều là những kẻ đau khổ, đáng thương, nạn nhân của hoàn cảnh, hay của chính họ… Dưới ngòi bút của Chu-Tử, cả tội lỗi cũng đáng thương… Tuy nhiên, Chu-Tử cho ta niềm an ủi là, với Chu-Tử, sự đau khổ không phải sự tuyệt vọng, và cái bi quan của Chu-Tử bắt nguồn từ lòng tha thiết yêu đời, chứ không phải cái bi quan tuyệt vọng của kẻ không tìm thấy sự cứu rỗi, ở bất cứ đâu…
Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã so sánh Chu-Tử với J. P. Sartre và Dostoievsky, nhưng theo nhận định của tôi, những nhân vật của Chu-Tử không phải là những kẻ tuyệt đối phủ nhận luân lý theo thái độ “buồn nôn” của J. P. Sartre, hoặc hư vô “nihiliste” như các nhân vật của Dostoievskỵ Những nhân vật của Chu-Tử không thừa nhận nền luân lý hiện tại, nhưng vẫn tin là có thể có một nền luân lý—“une morale est possible”—như lời Camus. Những nhân vật của Chu Tử chưa tìm thấy sự cứu rỗi, nhưng vẫn tin là có sự “cứu rỗi”… Cũng như “SỐNG” không đề ra một triết lý nhân sinh, nhưng buộc người đọc phải tự tìm cho mình một nhân sinh quan.
Do đó, tôi nghĩ Chu-Tử là một nhà Văn đáng cho ta cảm mến, gửi nhiều tin tưởng nơi ông.

L.M. CAO VĂN LUẬN

Viện trưởng viện Đại Học Huế