Phần I
Chương 4

Văn đang dạy học thì có người tùy phái dẫn Lượng tới. Vừa nhìn thấy Lượng, Văn vội xin lỗi học sinh, ra ngoài hiên, hỏi Lượng:
- Cái gì đấy anh?
Lượng không bận đồ lớn như thói quen của chàng. Mặt chàng dài ra. Lượng nói nhỏ, chỉ đủ Văn nghe tiếng:
- Hổ bị bắt rồi!
Văn cau mặt:
- Bị bắt trong trường hợp nào? Thuốc phiện có mất không?
Mất tất cả 800 ký. Tôi cũng chưa được tin rõ rệt Hổ bị bắt ra sao. Chỉ biết xe vận tải thuốc phiện bị mất tích!
- Thế nghĩa là Hổ bị bắt một nơi, và thuốc phiện bị mất tích một nơi?
Lượng gật đầu, rồi nhìn Văn chăm chú:
- Tôi nghĩ có nội phản!
Văn cũng nhìn thẳng vào mắt Lượng:
- Anh nghĩ ai? Thảo chăng?
Lượng lắc đầu:
- Tôi biết Thảo. Nó vậy, nhưng không có lòng dạ nào.
Văn vẫn nhìn Lượng, giọng bình thản:
- Anh có ngờ tôi không?
Lượng cười:
- Thoạt đầu tôi có ngờ vực, nhưng suy nghĩ kỹ, thì tôi thấy anh không đủ thủ đoạn. Gặp anh, tôi lại càng tin chắc là anh không dính dáng gì tới!
- Vậy còn ai?
- Kha!
Tên “Kha” lòe như một tia sáng trong tâm trí Văn. Khi Lượng nói đến Kha, mặc dầu Lượng chưa đưa ra bằng chứng cụ thể nào, Văn đã tin như hai với hai là bốn rằng Kha là thủ phạm. Tuy nhiên, chàng vẫn hỏi:
- Anh căn cứ vào đâu mà nghi Kha?
- Tôi chưa có bằng chứng gì xác thực, nhưng hôm cưới con gái Thảo, tôi bắt gặp cái nhìn của thằng Kha, tôi hiểu Thảo đã nói hết chuyện với nó, và tôi nghi là thằng Kha đã bí mật giật day mọi việc, đã tổ chức “phỗng tay trên”, mà không cho Thảo biết. Ý anh thế nào?
Văn có vẻ đăm chiêu:
- Tôi cũng tin như anh, mặc dầu tôi chỉ mới có cái thư—chưa phải là bằng chứng này.
Rồi chàng lấy trong túi cái thư của Huyền mà chàng vừa nhận được buổi sáng, do Thuận mang lại. Thư như sau:
Thưa anh,
Hai hôm nay, em phải trở lại nhà ông Kha dạy học.
Không hiểu ông Kha đã được ai mách địa chỉ nhà em, mà ông ấy tìm đến nhà lúc em đi vắng, làm quen với mẹ em, cho mẹ em mượn 10.000$ tiền lương trước của em. Em không lên dạy học ở nhà ông Kha, cũng không yên được với mẹ em. Vì không vâng lời mẹ em, thì chỉ có việc bán sới khỏi nhà.
Cho nên em nhờ Thuận nó cầm thư này, lên thưa với anh làm cách nào xoay cho em xin số tiền 10.000$ trả lại ông Kha, vì mẹ em đã dùng món tiền của ông ta trả nợ hết rồi. Nhất là lên nhà ông Kha, em thấy thái độ Ông ta rất lạ, lịch sư không ra lịch sự, tử tế không ra tử tế. Em linh cảm hình như ông ta thù cái chuyện em tố cáo hành vi của hắn với anh, khiến ông ta đang tính chuyện trả “đũa” ghê gớm lắm. Em thưa vậy để anh biết mà đề phòng, và nhất là cố gắng cho em xin số tiền trả lại ông ta. Nếu lúc nào, anh có tiền thì hãy xuống nhà em, nếu chưa có tiền thì có nói với mẹ em cũng vô ích. Anh nhớ giúp em kẻo em lo lắm! Còn phải lên dạy học buổi nào, em càng cảm thấy cực tủi và đầu hàng hắn một cách nhục nhã quá.
Em.
Huyền
Đợi Lượng đọc hết thư, Văn kể qua loa mọi việc xảy ra cho Lượng hiểu, rồi bảo Lượng:
- Kha mới là đứa nguy hiểm! Tôi thấy trong vụ của chúng mình, phải có bàn tay của Kha dung vào. Tôi hẹn với anh chiều nay sẽ gặp nhau ở nhà Vinh. Anh tìm hiểu đích xác xem Hổ bị giữ ở đâu, và xe vận tải thuốc phiện đích thực mất tích ở đâu. Có đủ các yếu tố trên, chiều nay chúng mình mới tính kế hoạch đối phó được.
Văn bắt tay Lượng trở vào lớp.
Còn hơn một nửa giờ nữa mới tan lớp, Văn bèn bảo các học sinh ngồi yên để nghe chàng giảng nốt bài Việt Văn. Khi nào có điều gì buồn bực, Văn thường giảng thật hăng để khỏi phải nghĩ ngợi. Và nhất là lúc nào tức bực, chàng có tật giảng ngoài đề, và càng ra ngoài đề thì học sinh càng thích, vì chẳng hiểu chàng nói gì.
Lần này, Văn giảng tiếp về triết lý truyện Kiều. Văn đem cái thuyết “chiến thắng trong thất bại” của cá nhân vật trong tiểu thuyết của Hemingquay áp dụng vào nhân vật Kiều, và nói liên miên, khiến học sinh càng không hiểu, càng vỗ tay ran.
Nữ sinh Lan, vốn vẫn coi Văn như cha chú, thường móc túi Văn lấy tiền để mu kẹo, đứng dậy hỏi:
- Thưa thầy, nghe thì cũng hay hay, nhưng con vẫn không hiểu “thế nào là chiến thắng trong thất bại” cả!
Các nam sinh cũng hùa theo hưởng ứng để trêu Văn:
- Đúng! Đúng! Chúng con chả hiểu gì cả.
Văn phì cười:
- Thì thầy cũng không hiểu nốt nên mới giảng cho các anh, các chị nghe. Chứ nếu thầy hiểu thì thầy còn giảng làm gì cho mất công!
Cả lớp phá lên cười giữa lúc tiếng “kẻng” nổi lên chấm dứt buổi học. Các học sinh ồ ạt ra khỏi lớp.
Lan, vốn là đứa nữ sinh thông minh, tế nhị, đợi các bạn ra về gần hết, mới hỏi Văn như một đứa con săn sóc cha:
- Chắc thầy hôm nay có chuyện gì buồn?
Văn nhìn đứa học trò, tự nhiên thấy lòng bớt chán nản. Từ hai mươi năm, chàng theo đuổi cái nghề dạy học tư, nhiều lúc chàng thấy chán nghề ứ đến tận cổ, nhưng vẩn không thể bỏ được, chỉ vì một đôi khi, chàng thấy chỉ còn có lũ quỉ sứ học trò là hiểu nổi chàng, vì thật ra với bao nhiêu kinh nghiệm ê chề, trong thâm tâm, Văn vẫn là một đứa học trò, khờ dại... Chàng luôn luôn cảm thấy gần gũi bọn trẻ con, hơn là bọn người lớn khô cạn. Văn thương mến nhìn Lan, rút trong túi ra mấy chục, đưa cho Lan và nói đùa, để dấu sự cảm động:
- Mày luau lắm con ạ! Muốn xin tiền thầy mà còn vờ hỏi thăm săn sóc thầy. Ba chục đây. Về mà đi xi nê. Allez! Đi về con!
... Lan về rồi, Văn uể oải đứng dậy, đi ra cổng trường, thì đã có người phu xe xích lô, cha của nữ sinh Lê Chi Tuyết, đứng đợi ở đó. Văn chỉ mới gặp ông già xích lô có một lần, lại gặp lúc ban đêm, nên không còn nhận ra ông ta nữa, và khi ông già ấp úng tự giới thiệu, Văn mới chợt nhớ ra:
- Ồ! Ồ! Tôi nhớ rồi! Con Tuyết đi đâu mà tôi cho gọi, đều thấy nói là nó vắng mặt?
Ông già buồn rầu, nói với Văn:
- Từ tối hôm gặp ông, tôi về kể cho cháu nghe, ngờ đâu cháu lại rày la tôi, nó nói rằng nó đã dấu các thầy giáo về gia cảnh của nó, thế mà tôi lại đi nói hết với ông, khiến nó ngượng, nó không tới trường nữa, nó đi học trường khác. Và ít lâu nay, nó thường vắng nhà khiến tôi rất khổ sở lo lắng. Tôi đành đến nhờ ông, xin ông thương tôi, ông lại chơi, khuyên nhủ cháu một câu cho tôi nhờ, may ra cháu nó nghe lời ông thì phúc đức cho tôi quá.
Nhìn gương mặt sạm, đôi mắt sâu, đục lờ đờ, bộ râu muối tiêu, và nghe giọng nói nhát gừng, mệt mỏi của ông già, Văn ái ngại nói với ông:
- Tôi tiếc gì! Nhưng liệu tôi nói, nó có chịu nghe không?
Ông già có vẻ tin tưởng:
- Dạ! Tôi biết là cháu nó nghe lắm chứ. Xin mời ông lên xe, tôi xin đưa ông về.
- Lúc này thì tôi bận. Thôi để đến tói, ông cho tôi biết địa chỉ rồi tôi tới...
- Nhưng nhà khó tìm lắm, thưa ông. Chúng tôi ở xóm Đỏ Phú Nhuận, phải có người dẫn thì mới tới nhà được.
- Vậy ông đợi tôi tối nay ở đường Nguyễn Thiện Thuật, chỗ mà ông gặp tôi lần trước, ông nhớ không?
- Dạ, biết! Vậy khoảng chín giờ tối, tôi xin lại đón ông, ông nhớ cho.
- Tôi nhớ. Ông bảo con Tuyết nó chờ tôi ở nhà.
- Dạ!
Văn từ biệt ông già của Tuyết, đầu óc càng thấy nặng trình trịch vì bao nhiêu chuyện rồn rập xẩy ra cùng một lúc: Hổ bị bắt, thuốc phiện mất tích, Huyền phải trở lại nhà Kha dạy học, ông già thân sinh ra Tuyết đến cầu cứu...
- “Cầu cứu”—Văn lẩm bẩm—“thì ra những thằng không cứu nổi mình lại được người khác cầu cứu”!
... Văn để chân lên thềm nhà, thì đã thấy vợ Hổ ngồi ủ rũ ở phòng khách với hai đứa con, một đứa nhỏ đương bò lê la, một đứa khoảng năm tuổi nép mình, sợ sệt đứng bên cạnh mẹ, khiến Văn ngao ngán nhìn mẹ con vợ Hổ, tự nhủ: “Chỉ còn thiếu có cái cảnh này mới thực là đầy đủ”...
Nhưng vốn quen khổ và coi thường mọi chuyện ở đời, Văn cười vui vẻ hỏi vợ Hổ:
- Kìa chị! Chắc chị lên đây về tin anh bị giữ! Chị có tin tức gì rõ rệt về anh ấy chưa?
Vợ Hổ là một người đàn bà thuộc giới bình dân—gầy đét, vì sau khi sanh đứa con thứ tư, nàng bị “hậu sản”. Nhà nghèo, một nách bốn đứa con mọn, lại thiếu sức khoẻ, vợ Hổ chỉ biết trông cậy nơi chồng, mà Hổ thì sống vất vưởng, tháng nào trúng “áp phe” vớ vẩn, hoặc xin tiền được bạn bè thì mang về cho vợ một, hai, ba ngàn, nhưng cũng có tháng, Hổ vắng nhà biền biệt; vì không có tiền nên không về, để khỏi phải trông thấy cảnh nheo nhóc của gia đình. Vợ Hổ ở nhà, đói không biết làm gì, có khi bắt each, cóc, về nướng cho các con ăn, hoặc mượn gạo hàng xóm nấu cháo cho chúng tạm quên đói. Nàng yên lặng, chịu đựng, không bao giờ than phiền, đay nghiến chồng. Có khi Hổ về nhà, túi không một xu, cho con ăn quà, Hổ càng bực bội, uất ức, như chỉ chờ cơ hội sinh sự với mọi người. Vợ Hổ thương chồng, chạy đi mượn tiền bà con lối xóm, mua rượu “ba xi đế” về cho Hổ uống. Hổ uống thật say, ngủ vùi suốt ngày, suốt đêm, để khi tỉnh dậy, lại mặc quần áo ra đi.
Thấy Văn, vợ Hổ chưa nói đã nước mắt chảy vòng quanh. Không phải vì buồn hay uất ức, nhưng chỉ vì bệnh phổi của nàng đã tới thời kỳ mà mỗi cảm xúc hơi mạnh, đều làm cho nàng chảy nước mắt; vợ Hổ lau nước mắt, trả lời Văn:
- Thưa bác, em cũng chả biết rõ nhà em bị bắt ra sao. Chỉ mới nghe bác Châu nhắn, nên vội lên để hỏi bác sự thể ra sao.
- Vậy thì mới chỉ là tiếng đồn. Chị cứ yên tâm đưa các cháu về nhà. Rồi mai, tôi sẽ xuống thăm chị, cho chị biết tin đích xác, và tiện thể, mang ít tiền xuống chị dùng tạm, nuôi các cháu...
Văn hứa liều với vợ Hổ để vợ Hổ đỡ lo lắng; sự thực thì chàng cũng chưa biết tìm đâu ra tiền. Chàng trở vào nhà trong, bảo lũ con có bao nhiêu tiền riêng của chúng cho chàng mượn. Thu gom góp tiền của mình và của em được tám chục đưa cho Văn, cười với cha:
- Trả thành 100$ ba nhé!
Văn cầm 80$ ra dúi cho đứa con Hổ, và giục vợ Hổ về.
... Vợ Hổ về rồi, Văn ăn cơm vội vã qua loa, rồi bỏ cả ngủ trưa, chàng đến nhà Vinh.
Vừa thấy mặt Văn, Vinh đã giơ tay lên trời oán trách:
- Miệng thằng này nói có sai bao giờ đâu! Tôi đã bảo ông, thằng nào phỗng tay trên trước là thằng ấy khôn! Bây giờ thuốc phiện mất, thằng Hổ bị bắt, ông tính sao?
Văn im lặng một lát mới trả lời:
- Việc đã xảy ra rồi. Đừng kể lể như đàn bà nữa! Dù sao thì cũng phải đợi thằng Lượng lại xem sự thể rõ rệt ra sao mới tìm phương đối phó. Bây giờ thì mày hãy cho tao mượn quyển “Thủy Hử”. Tao cần xem sách để ngủ một giấc. Tao mệt quá!
Vinh không có tiền mua thuốc, thấy Văn cũng cạn túi, lại càng chán ngán, thở dài thườn thượt. Anh đưa sách cho Văn, rồi nằm đối diện Văn, thỉnh thoảng thốt lên một câu:
- Chó thật! Chó thật! Đến thế là cùng!
Hai người nằm yên như hai cái xác đợi chôn. Văn mải đọc rồi ngủ thiếp đi.
Mãi gần bảy giờ chiều, Lượng mới mò tới. Công việc đầu tiên của chàng là rút ở trong túi ra một lọ thuốc phiện đưa cho Vinh, khiến Vinh mắt sáng ngời, cười tình:
- Phải có đầy đủ thế này thì mới đủ tỉnh táo mà lo giải cứu thằng Hổ chứ. Tội nghiệp nó, chả biết lúc bị bắt có dắt chút sái nào trong người để mà nuốt không!
Văn mở mắt, thấy Lượng, vội ngồi nhổm dậy, hất hàm hỏi:
- Thế nào? Sự thể ra làm sao?
- Đúng là thằng Kha đã bố trí cướp tất cả. Khi xe áp tải thuốc phiện về tới Bà Quẹo, thì thằng Hảo, người của Thảo nhưng lại bị Kha bí mật chỉ huy, rủ Hổ vào một chỗ quen của hắn để hút vài điếu cho đỡ nghiền. Đang lúc ngáp ngắn, ngáp dài, lại có người mời hút, Hổ quên cả đề phòng, theo Hảo đi hút. Hổ vừa hút được hai điếu thì đã có lính ập tới bắt. Còn Hảo thì chuồn ra xe, phóng đi lúc nào không biết.
Văn cau mặt suy nghĩ:
- Vậy anh tính sao?
- Đối với thằng Kha thì không thể nói chuyện pháp lý hay điều đình gì cả. Tôi đã gặp luật sư Tháp, nhờ hắn xin cho Hổ tại ngoại, đợi Hổ ra rồi, Hổ sẽ “thanh toán” ngay câu chuyện này với Kha. Thằng Tháp nó là bạn tôi, có hẹn tôi khoảng chín giờ đêm nay, sẽ lại chỗ “gaconnière” của nó là nơi nó thuê riêng để tiếp các em bé. Tháp đã đưa chìa khóa cho tôi, dặn nếu nó chậm tới, thì mình cứ nằm đợi ở đó...
Văn nghĩ một lúc, rồi mới nói với Lượng:
- Anh tính sao thì tính. Tôi lúc này, đầu óc bối rối, không còn quyết định gì được nữa. Anh có tiền trong người và có đem xe theo không?
- Tiền thì có ít thôi. Xe thì sẵn sàng. Nhưng để làm gì?
- Tiền để cho vơ Hổ chút đỉnh nuôi con. Còn xe thì lát nữa nhờ anh đưa tôi đến xóm Đỏ ở Phú Nhuận...
Rồi Văn kể tóm tắt chuyện nữ sinh Lê Chi Tuyết và lời hứa của chàng với ông già đạp xe xích lô. Nghe Văn nói, Vinh vội lên tiếng rày la Văn:
- Ồ! Cái tật của ông là luôn luôn mua hơi mà thở! Học trò của ông làm đĩ thì nó kiếm ra tiền, nó nuôi thân nó, có liên can gì tới ông, mà ông cũng mò tới nhà. Trừ phi là ông định ngủ với nó một tối cho giải đen thì đó là chuyện khác!...
Lượng phì cười:
- Kể cũng là một ý hay! Để lát nữa, tôi đi với Văn, nếu con bé ngon lành thì xin giáo sư Văn khao cho anh em một chầu “giải đen”!
Văn thấy Vinh phê bình mình “mua hơi mà thở” rất đúng. Từ trước đến giờ, chàng luôn luôn luẩn quẩn, giải quyết dùm công việc người khác trong khi chính mình thì bế tắc hơn ai hết. Văn không hiểu sao chàng lại nhận lời xuống nhà Tuyết làm gì? Thấy Vinh và Lượng nói đùa trớt nhả, Văn gắt với Vinh:
- Chúng mày nói bậy quá! Nó là bạn học cùng lớp con gái tao mà!
Vinh vẫn còn muốn chọc tức Văn, để trả thù cái chuyện mất thuốc phiện mà Vinh coi như là do Văn nhu nhược:
- Thì nó là bạn với con mày, còn chúng tao là bạn với mày, thế là xứng đôi, vừa lứa rồi còn gì nữa!
Thôi ông im cái mồm cho tôi nhờ!
Vinh và Lượng cùng phá lên cười, quên cả việc mất thuốc phiện và Hổ bị bắt!
... Đúng giờ hẹn, ông già đạp xe xích lô đến đợi trước cửa nhà Vinh. Văn bèn xuống bảo ông già đạp xe về trước và đợi ông trước ngã ba vào Xóm Đỏ, Văn và bạn sẽ xuống gặp ông ở đó để ông dẫn về nhà. Ông già vâng vâng dạ dạ, hí hửng đạp xe về.
Vinh, vì luôn luôn “thủ lều” ở nhà, với bộ bàn đèn, ít khi chịu đi đâu, nên tái tam tái tứ dặn Lượng:
- Nếu con bé kháu, thì mang nó về đây tao huấn luyện cho nó tiêm thuốc phiện cho chúng mình hút, biết không?
Lượng nháy mắt, nhìn Văn, gật đầu...
... Phải theo Văn và ông già đi ngòng ngoèo hết ngõ này qua ngõ khác, Lượng càu nhàu, kêu khổ. Văn thì lùi lũi đi không nói gì. Nhưng vừa bước chân vào nhà Tuyết, Lượng im bặt, mắt sáng lên trước sắc đẹp của Tuyết. Văn cũng ngạc nhiên nhìn gương mặt đĩ thõa của Tuyết với đôi mắt một mí, dài và ướt, vành môi hơi cong theo kiểu Brigitte Bardot. Văn vẫn coi các nữ sinh như con, cũng phải lúng túng khi Tuyết chào: “Lạy thầy ạ”.
- Tuyết đấy à! Chắc là “cúp cua” vắng mặt luôn ở trường hay sao, mà bây giờ thầy mới biết mặt!
Lượng chừng như xúc động vì sắc đẹp của Tuyết, nên cứ đứng nhìn Tuyết trân trân, ông già của Tuyết mời ngồi hai ba lần, chàng mới chịu ngồi ghé xuống tấm bục.
Nhìn Tuyết đẹp khêu gợi, trong khung cảnh tồi tàn nhà Tuyết, Văn thấy bao nhiêu lời chàng định dùng để thuyết phục Tuyết thật là thừa, thật là ngớ ngẩn. Văn tự nhủ: “Giá đức Khổng Tử có sống lại, mang lời đạo đức chân thành để khuyên Tuyết an thân, an phận sống với hoàn cảnh nghèo nàn, bần tiện của gia đình mình, thì chắc cũng hoàn toàn là nước đổ lá khoai”.
Văn hỏi chuyện ông già, thì biết ông vốn là một ông phó lý ở một làng thuộc tỉnh Thái Bình. Ông ta đã bỏ tất cả sản nghiệp gồm hàng trăm mẫu ruộng, để tay trắng, di cư vào Nam với một mụn con gái độc nhất.
Ít học, lại không có nghề chuyên môn, ông đành đạp xe xích lô lấy tiền nuôi con ăn học. Văn nhìn người con gái, nhìn người cha già, và thấy tất cả cái thảm kịch của một người cha, đã mất hết, mất tất cả quá khứ lẫn tương lai, chỉ còn trông mong vào một người con gái, thì người con gái ấy cũng hoàn toàn xa lạ với ông, sắp sửa hay đang làm đĩ mà ông không biết, không can ngăn nổi.
Lượng khẽ bấm Văn, trước khi nói:
- Tiện tôi có xe, anh mời ông già và cô Tuyết ra ngoài phố, ta uống cái gì. Hay nếu ông già không đi được, thì cho cô Tuyết đi cùng anh Văn...
Ông già xích lô đon đả:
- Dạ dạ! Nếu ông Văn cho cháu đi chơi thì xin vâng. Tiện thể, ông khuyên răn dùm cháu vài câu cho tôi nhờ, kẻo cháu rắn đầu quá...
Rồi ông nói luôn với con:
- Con đi với thầy thì cứ đi!
Văn nghĩ đến những lời đùa cợt của Vinh và Lượng bèn nói với ông già và Tuyết:
- Thôi, chả cần phải đi đâu! Tôi đến đây chỉ có một mục đích là bão Tuyết phải trở lại trường, học hành cho ngoan, thầy sẽ liệu cách giúp đỡ. Nhất là đừng có đua chúng, đua bạn... Mình nghèo thì cam phận nghèo, phải không Tuyết? Nghèo thì có gì xấu hổ? Mà ông cụ làm nghề đạp xe xích lô lại càng không có gì đáng xấu hổ! Vậy sao Tuyết lại bỏ học, không đến trường?
Văn nói một thôi, một hồi... Chàng mang những câu đạo đức ra khuyên, khiến ông già, cha Tuyết gật gù tán thưởng, trong khi Lượng thỉnh thoảng mỉm cười. Còn Tuyết thì chỉ vân vê tà áo, nghe bằng một tai, làm ra vẻ chú ý, nhưng trong thâm tâm, Văn biết là Tuyết cũng như chàng, đều không tin ở những lời đẹp đẽ xuông của mình.
Tuyết đợi chàng nói xong một lúc, mới ngước mắt nhìn Văn:
- Thầy mắng con, con xin chịu, nhưng việc này, con sẽ thưa chuyện riêng với thầy. Bây giờ thì tiện thể có xe của ông đây, thầy cho con đi chơi với thầy ra bờ sông hóng mát, đi thầy. Thầy nhìn coi! Con đã vận quần áo sẵn sàng đợi thầy cho đi chơi!
Lượng nhìn Văn, cười đắc thắng. Ông già cũng hùa vào:
- Vâng! Hay ông cho cháu đi chơi. Và nhờ ông khuyên bảo cháu giùm. Con bé này nó bất trị lắm.
Văn biết là mình nhất định không cho Tuyết đi thì cũng vô lý, mà cho Tuyết đi, thì chỉ tổ cho Lượng lợi dụng cơ hội! Mà nhỡ hắn làm bậy, và Tuyết lại sẵn sàng cho hắn lợi dụng, thì chàng sẽ chịu trách nhiệm đối với ông già của Tuyết. Chàng đang lưỡng lự, thì Tuyết đã thân mật lôi tay chàng:
- Đi thầy! Hay thầy cho con lại nhà thầy, thăm chị Thu. À thầy có biết con và chị Thu giận nhau không? Chị ấy “trù” con ra mặt, thầy ạ!
- Trù làm sao?
- Chị ấy gọi tụi con là “đợt sống mới” đó thầy! Ước gì thầy nhận con làm con nuôi, thì con sẽ là chị của Thu, vì con nhiều tuổi hơn nó, con sẽ “trù” lại cho Thu biết tay con!
Văn vụng về gỡ tay Tuyết ra, miễn cưỡng nói:
- Ừ, đi thì đi!
Tuyết và Lượng nhìn nhau, mỉm cười. Ra đến đường, Tuyết ngó cái xe Dodge bề thế, bóng nhoáng của Lượng, lại càng cười tít, và Văn có cảm tưởng tức bực là Tuyết đã quên cả sự hiện diện của “thầy” đẻ chỉ nghĩ tiếp chuyện Lượng.
- Đi đâu bây giờ? Lượng hỏi.
Văn cau có trả lời:
- Đi đâu thì đi, nhưng chỉ hạn 30 phút phải trả Tuyết về nhà, đẻ tôi và anh đến nhà Tháp.
Tuyết lại thân mật cầm lấy tay Văn:
- Thì thầy đi đâu, cho con đi theo với.
Lượng thích chí, cười tủm tỉm:
- Hoan hô cô Tuyết! Mời cô Tuyết đến chơi Tháp cùng chúng mình cho vui, anh Văn ạ!
- Không được! Đến quán giải khát nào đó, rồi lát nữa về! Đưa nó tới nhà Tháp, đâu có tiện!
Lượng nhìn Văn, nhìn Tuyết, rồi đột nhiên hỏi Tuyết:
- Cô Tuyết có biết tiếng Pháp không nhỉ?
Tuyết lắc đầu:
- Không, em học sinh ngữ Anh, không biết tiếng Pháp.
Thấy Tuyết xưng “em” một cách ngon lành với Lượng, là người hơn tuổi Văn, còn đối với Văn, Tuyết vẫn lễ phép xưng “con”, tự nhiên Văn thấy ghét Tuyết, muốn tìm cách tống khứ Tuyết về cho sớm, thì Lượng đã dùng tiếng Pháp nói với Văn:
- Này! Tao xem thì học trò của mày chính cống làm đĩ thực. Nếu có làm đĩ với tao hôm nay, thì cũng không phải trách nhiệm ở mày. Vậy mày cứ cho nó đến nhà Tháp với tao hôm nay. Tao lạy mày!
Văn cũng dùng tiếng Pháp, trả lời Lượng:
- Mày muốn rủ nó đi đâu thì kệ xác mày, nhưng hôm nay thì không thể được. Để tao trả nó về với ông già nó đã; rồi mai mốt, mày muốn làm gì thì làm!
Lượng lại nhăn nhó, trả lời bằng tiếng Pháp:
- Sao hôm nay ông lại đổ đốn, lên giọng đạo đức như vậy? Mọi khi ông vẫn chửi rủa những thằng đạo đức cơ mà! Nếu nó không đi với tao hôm nay, thì ngày mai nó sẽ đi chơi với tao. Đằng nào cũng vẫn do ông “mối lái” cơ mà!
- Tao “mối lái” cái gì? Đồ tồi!
Tuyết nhìn hai người cãi nhau bằng tiếng Pháp, thấy Văn nổi nóng, bèn dịu dàng hỏi chàng:
- Hai thầy chửi con đấy à? Con biết hai thầy nói gì!
Lượng và Văn đều giật mình, Văn hỏi Tuyết:
- Con hiểu những điều ông Lượng vừa nói sao?
Tuyết cười hóm hỉnh:
- Con chả hiểu mô tê gì cả! Nhưng con đoán cũng hiểu.
- Con đoán thế nào?
Tuyết vẫn cười:
- Con chả nói. Để lúc nào con nói riêng với thầy.
Văn nhìn Tuyết chăm chú, trong lòng phân vân không biết Tuyết có hiểu không. Văn bèn nói tiếng Pháp với Lượng:
- Anh đưa chúng tôi tới cái quán nào. Rồi cho tôi 10 phút để tôi hỏi chuyện riêng nó, sau đó anh muốn đưa nó đi đâu thì đi.
- Linh ý!
Lượng lái xe tới đường Bonnard, dừng lại trước tiệm giải khát “Xuân Hương”, mở xe cho Văn và Tuyết xuống. Chàng vừa đóng cửa xe, vừa nói với Văn:
- 10 phút nữa, tôi trở lại nhé!
Quán Xuân Hương vào giờ này chỉ lơ thơ năm, sáu người khách hàng. Văn chọn một chỗ vắng. Người chiêu đãi viên tới bên cạnh Văn, không nhìn Văn, Tuyết, xem hai người là thế nào, nói như thói quen đối vời những đôi nam nữ đến quán:
- Ông bà dùng gì?
Tuyết không ngượng ngùng, nhìn Văn cười. Văn chỉ vào Tuyết, hất hàm nói với người chiêu đãi viên:
- Nó là con gái tôi. “Ông bà” vào cái “khổ” nào mà “ông bà”.
- Dạ, xin lỗi ông, vậy ông và cô dùng gì?
- Hai ly kem moka!
Tiếng âm nhạc vừa nổi. Văn nhìn Tuyết chăm chú, rồi nói:
- Thầy hỏi thực! Lúc nãy ông Lượng nói gì, Tuyết hiểu cả chứ?
Văn nói xong, thấy mình không gọi Tuyết bằng “con” nữa, thì vội nói thêm hình như cố ý nhắc nhủ mình và Tuyết hiểu rõ vị trí của hai người:
- “Con” hiểu ông ấy nói gì đấy chứ?
Tuyết lấy ngón tay xoay cái đĩa bánh ở trên bàn nhiều vòng, rồi một lúc sau, mới ngước mắt nhìn Văn:
- Trước khi con nói, con xin thầy tha lỗi cho, nếu có điều gì làm thầy phật lòng!
- Được, con cứ nói. Dĩ nhiên là thầy không bao giờ chấp nhất con!
Tuyết cười ranh mãnh:
- Vậy trước hết, con xin thưa với thầy một điều là thầy có cái thật coi chúng con như trẻ con, không biết gì. Sự thực thì chúng con không trẻ con như thầy tưởng. Cả đến chị Thu, con thầy, chị ấy tuy kém con nhiều tuổi, nhưng chắc chị ấy cũng không phải là trẻ con nữa!
Văn giật mình:
- Sao! Nó người lớn ỏ chỗ nào?
Tuyết vẫn bình thản:
- Đó là con nêu một tỷ dụ để thầy biết là cha mẹ thường không chịu tìm hiểu con, cứ cho con mình là không biết gì... Nhất là vào trường hợp con: không mẹ, không an hem quyến thuộc. Chỉ còn có một mình cha con, thì thầy thoáng trông, thầy cũng thừa hiểu đó là hai thế giới. Cha con có bao giờ hiểu cho những ý nghĩ của con. Con bị vất ra đời từ năm 15 tuổi. Trong bốn năm nay, con đã hiểu đời nhiều lắm, hiểu hơn là thầy tưởng. Con phải kèn cựa mà sống. Chả ai thương, chả ai cứu giúp mình cả! Đàn bà chúng con lại nhiều lòng tự ái, không chịu thua kém ai, cho nên nếu có hư hỏng, thì âu cũng là chuyện tất nhiên...
Giọng chán chường quá sớm, thốt ra ở miệng người con gái 19 tuổi, khiến Văn bàng hoàng, hỏi Tuyết:
- Thế nghĩa là...?
- Xin thầy yên tâm. Lúc nãy có phải ông Lượng dùng danh từ “prostituée” để bảo con là gái trụy lạc có phải không thầy?
Văn chưa biết trả lời sao, thì Tuyết đã tiếp:
- Ông Lượng hỏi con biết tiếng Pháp không? Con trả lời “không”, để xem ông ấy nói gì với thầy! Con chỉ hiểu lõm bõm những lời ông ta và thầy trao đổi với nhau; nhưng dù sao, con cũng đã hiểu. Chính vì con hiểu, mà bây giờ con mới nói thực tất cả với thầy, bởi vì, dù sao con cũng biết ơn thầy đã thực lòng thương con, nên không muốn con bị Ông ta lợi dụng. Nhưng con xin thầy tin ở con, con hiểu đàn ông lắm. Chưa chắc họ đã lợi dụng được con...
Lời Tuyết nói làm Văn lặng người, nghĩ đến Huyền, đến Thịnh: Huyền, Thịnh, Tuyết, ba đứa thiếu niên cùng ở trong hoàn cảnh nghèo, khổ, nhưng mỗi đứa có một đường lối riêng biệt: Tuyết thì tìm lối thoát bằng cách không ngần ngại đi sâu vào lối sống ồ ạt, sa đọa; Thịnh thì bằng cách gia nhập một tổ chức quá khích; Huyền bằng đường lối rụt rè, lương thiện.
Trong ba đứa, đứa nào đi đúng đường? Văn nhức óc, thấy mình khờ khạo đối với tâm trạng bọn thanh niên thời đại. Chàng hiểu tuy Tuyết là học trò mình, mà nắm được Tuyết, lái được nó theo ý muốn, thật là điều khó khăn. Chàng nghiêm nghị nói với Tuyết:
- Tại sao con lại có ý nghĩ kỳ lạ như vậy? Con có biết là con đi lầm đường không?
Tuyết rất thản nhiên:
- Thưa thầy, con biết lắm, nhưng con cũng không có đường nào hơn. Con thú thực với thầy, con không còn trong trắng như chị Thu ở nhà, con đã bị kẻ có tiền lợi dụng từ khi con mới 15 tuổi. Nhưng không phải vì thế mà con là một gái hư hỏng, một gái trụy lạc như ông Lượng tưởng, như thầy có thể ngờ...
Hình như đã lâu, chưa bao giờ được thổ lộ tâm tư, Tuyết nói không ngừng, để sau cùng, nước mắt chảy vòng quanh, tay mân mê đĩa bánh, nàng để yên cho nước mắt rơi xuống chiếc áo xanh màu da trời.
Văn khẽ lắc đầu, đặt tay lên vai Tuyết, như vỗ về một đứa con:
- Ồ! Con gái mà khóc thì xấu lắm!
Tuyết vội lấy khăn lau mặt, tô điểm sơ sơ lại bộ mặt đánh phấn kín đáo! Chỉ một thoáng sau, gương mặt Tuyết lại rạng rỡ, như không có chuyện gì xẩy ra. Nàng nói với Văn:
- Không phải con xấu hổ vì thầy biết cha con làm nghề đạp xích lô, mà bỏ học đâu. Sự thực, con phân biệt việc học của con và đời sống riêng tư con, là hai việc riêng rẽ. Cho nên khi con thấy thầy biết gia cảnh nhà con, thì con không thích đi học ở trường thầy nữa, có thế thôi! Nhưng bây giờ con đã nói hết với thầy rồi, thì con có trở lại trường của thầy cũng không sao! Miễn là lát nữa, thầy cho con di chơi với “lão” Lượng!
Văn cao mặt:
- Để làm gì hở con?
Gương mặt Tuyết trở nên lạnh lùng:
- Thầy cứ để mặc con. Con không quên những lời khinh bỉ của hắn nói về con lúc nãy! Và con cũng đã thưa với thầy là thầy đừng cho con là con nít nữa. Chúng con cũng biết trả thù chứ. Nhất là đối với bọn đi xe Hoa Kỳ, chúng vẫn đinh ninh là có tiền thì làm gì cũng được!
Văn phì cười:
- Thế con định làm gì hắn ta?
- Thì thầy cứ để mặc con. Con xin thầy cứ yên tâm. Chả ai lợi dụng được con đâu!
Văn nghiêm nét mặt:
- Không được con ạ! Thầy đã hứa với cha con, đưa con về trả, thì thầy sẽ đưa con về. Nếu hôm khác, con muốn đi chơi với ông ta là tùy ở con. Mà con có biết ông Lương định đưa con tới đâu không?
Tuyết tinh quái nhìn Văn, trả lời:
- Con biết từ trước khi lên xe, thầy ạ!
- Biết từ trước khi lên xe?
- Dạ! Thú thực với thầy, ngay cả đối với thầy, nếu vừa rồi, con không nghe thầy cãi nhau với ông Lượng thì chưa chắc con đã hoàn toàn tin cậy... Thầy tha lỗi cho con, con mới 19 tuổi, nhưng con hiểu đàn ông quá xá! Có ai là không muốn lợi dụng mình, ngay cả đến một vài ông giáo sư, thầy dạy học của con, họ lấm lét nhìn con, mặc dầu bề ngoài, họ làm ra vẻ đạo mạo, đứng đắn...
Văn giật mình, tự hỏi không hiểu lúc mới tới nhà Tuyết, chàng có “lấm lét” nhìn Tuyết không. Văn nhìn thẳng vào mặt Tuyết, tìm hiểu xem Tuyết có định ám chỉ mình không!
Chàng dịu dàng nói với Tuyết:
- Thầy không ngờ Tuyết lại khôn ngoan, hiểu đời quá như vậy! Một người con gái mà sớm biết, sớm hiểu đời, thì chỉ tổ là khổ sở con ạ!
Tuyết lại xoay cái đĩa bánh nhiều vòng, trước khi trả lời:
- Nhưng biết là thế nào, thưa thầy! Nếu con như đứa khác, ở vào hoàn cảnh con, một là con đã thành một con sen, con “ở” làm đày tớ cho người ta; hai là con đã thành một gái trụy lạc, mốt thứ “prostituée” như ông Lượng nói. Thế mà con vẫn chưa là gái điếm, kể như vậy cũng là... hơn đời có phải không thầy. Rồi thầy coi, con cũng sẽ giàu, sẽ có địa vị, có tương lại, cho đời họ biết tay học trò của thầy...
Văn im bặt... Chàng không biết nên nói với Tuyết, nên khuyên Tuyết thế nào. Vẫn biết là Tuyết đi lầm đường, nhưng trong thâm tâm, chàng thấy Tuyết cũng không thể tìm con đường nào khác được “Le salut est nulle part”, Văn nghĩ đến một câu mà chàng đã đọc trong tác phẩm nào đó, khiến chàng càng bứt rứt. Trước mặt chàng, Tuyết không còn là một nữ sinh, hoặc một gái điếm như chàng nghi ngờ lúc đầu, Tuyết chỉ là một tâm hồn quằn quại trong gió bụi cuộc đời...
Thấy Văn im lặng, Tuyết lên tiếng hỏi:
- Ông Lượng hẹn 10 phút mà sao chưa trở lại hở thầy? Ông ấy làm gì mà có xe Hoa Kỳ đường hoàng vậy?
- Ông ấy làm giám đốc đồn điền cao su và buôn lậu thuốc phiện với thầy!
Tuyết reo lên:
- Buôn thuốc phiện lậu hở thầy? Con thích lắm. Thầy cho con dự với nhé...
Giữa lúc đó, Lượng mở cửa, bước vào. Vừa nhìn thấy Lượng, Tuyết thì thầm với Văn:
- Thầy cứ cho con đi với ông ta một lát, thầy nhé!
Văn trợn mắt, lắc đầu luôn hai ba lần, khiến Lượng cười hỏi:
- Hai thầy trò nói chuyện gì mà xem có vẻ tương đắc thế?
Ra tới xe, Lượng cầm tay lái, hất hàm hỏi Văn:
- Lại nhà Tháp chứ?
Văn lắc đầu:
- Không! Đưa Tuyết nó về đã, rồi anh cho tôi lại đường Nguyễn Thiện Thuật với Vinh. Còn anh lên nhà Tháp một mình cũng chả sao.
Lượng tiu nghỉu:
- Thế là thế nào? Sao bảo mời cô Tuyết đi chơi cho vui? Cô Tuyết có đi không, cô Tuyết?
Tuyết nhìn Văn, khẩn khoản:
- Thầy cho con đi với ông Lượng một lát, rồi ông ấy đưa con về, thầy nhé! Như con đã nói với thầy lúc nãy, thầy đừng ngại gì, thầy ạ!
Văn lắc đầu không chịu. Còn Tuyết thì hình như đã có chủ ý, nhất định đòi đi với Lượng. Rốt cuộc, Lượng đề nghị:
- Thôi, không lên nhà Tháp thì thôi! Vậy tôi đưa anh Văn về nhà Vinh, rồi đưa cô Tuyết về Xóm Đỏ, đồng ý chưa?
Văn vẫn không đồng ý, buộc đưa Tuyết về nhà trước, rồi mới đưa Văn tới nhà Vinh. Tuyết phải năn nỉ với Văn:
- Ai bắt “cóc” được con mà thầy cứ sợ giùm con. Mà dù con có là gái “prostituée” như ông Lượng nói, thì chắc thầy cũng chả sợ giùm ông Lượng!
Lời nói đột ngột khiêu khích của Tuyết, khiến Lượng chỉ biết há hốc mồm nhìn Văn, rồi lại nhìn Tuyết. Văn cười bảo Lượng:
- Vậy thì anh đưa tôi lại “Nguyễn Thiện Thuật”, rồi anh đưa Tuyết về nhà. Sau đó, tôi và anh sẽ cùng lên Tháp. Anh đồng ý chưa? Này... lúc nãy anh nói gì, Tuyết nó hiểu cả đấy, liệu mà xin lỗi nó đị..
Tới đường Nguyễn Thiện Thuật, trước khi mở cửa xe, Văn căn dặn thêm một lần nữa:
- Trong vòng 20 phút, phải trở lại nhé. Nhớ đưa Tuyết về thẳng nhà, đừng la cà biết không?
- Biết lắm!
Lượng vừa nói dứt câu thì cái xe đã nhẹ nhàng vút đi, tuồng như Lượng sợ Văn thay đổi ý kiến, không để Lượng một mình đưa Tuyết về, nên vội vàng bout đi cho nhanh, mang theo tiếng cười ròn rã của Tuyết còn cố ngoảnh cổ lại nói với Văn:
- Lạy thầy ạ! Thầy ngủ ngon giấc thầy nhé.
Văn không trả lời, lừ lừ nhìn theo cái xe khuất dạng ở ngã ba, lững thững trèo lên gác nhà Vinh.
Vinh đang nằm một mình, lên giọng khàn khàn củ những anh nghiện, ca một bài hát chèo cổ, thấy Văn thất thểu đẩy cửa vào, thì vội nhỏm dậy:
- Lượng đâu? Bị học trò của ông quyến rũ mất rồi hay sao?
- Chừng như vậy... Nói đùa chứ nó đưa con bé về nhà, lát nữa sẽ quay lại!
- Chao ôi! Ông giao cho hắn đưa học trò của ông về thì đúng là đưa mỡ vào miệng mèo!
Văn cười:
- Biết ai là mỡ, ai là mèo?
Rồi hắn kể cho Vinh biết mọi việc xảy ra cùng cảm nghĩ của chàng đối với nữ sinh Tuyết, nửa lương thiện, nửa hư hỏng, khiến Vinh lên tiếng chế nhạo:
- Kể ra thì ông còn mơ mộng lắm! Theo ý tôi, thì cô ta chỉ là một cô gái điếm không hơn không kém, và muốn khỏi lôi thôi, thì chỉ có việc ngủ với nó một tối rồi cho tiền, thế là hết băn khoăn và còn để thời giờ lo tính việc khác, ông có cho như vậy là hơn cả không?
Văn biết Vinh đã 50 tuổi, không vợ, không con, tình cảm khô cạn đến mức ngoài thuốc phiện, chàng không còn thấy rung động vì bất cứ cái gì. Văn biết Vinh không thể nào ý thức được tâm lý những người như Tuyết, nên Văn không trả lời, nằm im suy nghĩ về cái “ca” Lê Chi Tuyết mà chàng vẫn chưa biết nên loại vào hạng người nào. Chàng cũng không hiểu cả tình cảm của mình đối với Tuyết ra sao, ghét hay yêu, khinh hay thương xót v.v...
Hai mươi phút đã qua, rồi một giờ! Lượng vẫn chưa trở về.
Văn bắt đầu sốt ruột. Chàng tự nhủ: “Nếu đem nay, Tuyết không về nhà thì đối với ông già của Tuyết, mình sẽ ăn nói thế nào?” một giờ đã quạ.. Văn càng thầy bồn chồn...
Có lúc, chàng đã định mặc quần áo, xuống Xóm Đỏ xem Tuyết về chưa, nhưng chàng sợ Vinh sỉ vả mình là “mua hơi mà thở” nên cứ nhấc nhổm, nửa định ra đi, nửa không muốn đi. Mãi tới 12 giờ đêm, Lượng mới lù lù trở về. Chàng huýt sáo miệng từ cầu thang như một chàng trai 20 tuổi, khiến Vinh phì cười:
- Đúng là cái điệu ăn no, nên phởn, huýt sáo miệng!
Văn vờ như không thèm để ý đến sự trở về của Lượng, nhưng trong thâm tâm, chàng muốn tát cho Lượng mấy tát cho bõ ghét.
Lượng tươi cười vái Văn một vái thật lễ phép:
- Thưa “thầy”, xin báo cáo: em Tuyết đã về nhà “bình yên vô sự”. Và cũng xin thưa với “thầy” là “con” đã ngỏ lời cầu hôn với học trò của thầy, và ông già của Tuyết đã chấp thuận.
Văn ngồi phắt lên. Không hiểu sao, chàng có linh tính không phải Lượng nói rỡn:
- Ông nói thực chứ?
- Thực, chứ sao lại không thực!
Vinh gật gù:
- Thế sao không thành hôn luôn đêm nay cho tiện việc?
Lượng lườm Vinh:
- Này! Đừng có nói nhảm, tao lấy nó thực đấy!
Văn chăm chú nhìn Lượng:
- Ừ thì cho là thực đi. Nhưng sao chóng quá vậy. Mới đi với nó được một giờ mà! Tiếng sét của ái tình à?
Tự nhiên Lượng nghiêm nét mặt, giọng nói không bỡn cợt như trước. Chàng vừa nói, vừa nhìn Văn, để dò phản ứng:
- Tôi định lấy Tuyết thực anh ạ! Một là... vì nó đẹp, hai là vì nó nghèo, ba là vì hoàn cảnh nó rất thương tâm, bốn là vì nó là học trò... thầy Văn, năm là tôi không có gia đình ở đây, tôi cũng cần có một V2 cho đỡ cô quạnh, sáu là vì nó thông minh và có thể giúp tôi được nhiều công việc khác... bảy là...
Vinh ngắt lời Lượng, chửi thề:
- Thật là họa vô đơn chí. Thuốc phiện mất, Hổ bị bắt và bây giờ ông lại tính củ V2! Tôi hỏi thực ông, ông không rỡn đâu chứ?
Lượng cau có nhìn Vinh:
- Mày hay nói tục quá! Tao không rỡn tí nào cả, chỉ còn đợi Văn đồng ý là mai một tôi sẽ cưới liền!
- Lạ thật! Can dự đếch gì tới thằng Văn này, anh lại bảo “đợi Văn đồng ý”!
Lượng phân trần:
- Không! Việc này có anh mới xong được. Chính Tuyết và ông già Tuyết cũng đều nói là sẽ hỏi ý kiến anh, rồi mới trả lời dứt khoát. Thôi trăm sự nhờ anh tác thành chọ.. Tôi yêu nó thực, chứ không phải đùa đâu!
- Thì có ai bảo “đùa”. Nhưng liệu ông hiểu rõ nó chưa?
Lượng lắc đầu:
- Tôi chưa hiểu nó một tí nào cả. Mà tôi cũng chả cần hiểu làm gì, chỉ biết là sau một nửa giờ nói chuyện riêng với nó, tôi “mê” nó thực tình và nhất định lấy nó làm vợ. Anh cũng biết tính tôi, khi tính chuyện gì thì tính tức khắc và làm cho bằng được. Thôi anh giúp tôi đi. Tôi hứa với anh là sẽ làm cho Tuyết sung sướng...
Văn biết Lượng quyết tâm, chàng tự hỏi không hiểu Tuyết đã dùng mánh khóe gì để chinh phục một anh chàng già dặn như Lượng một cách chóng vánh như vậy. Văn tò mò hỏi Lượng:
- Thế nó nói chuyện với anh những gì mà “cu cậu” mê ngay như vậy?
Lượng cười xòa:
- Chẳng có chuyện gì cả.
Vinh xen vào:
- Lạ gì các ông, các bà đến tuổi hồi xuân thì lại càng cay cú hơn ai hết! Hơn 40 tuổi, lấy con bé 19, thật là tốt đôi!
Lượng đỏ mặt, gắt với Vinh:
- Cái thằng này cổ hủ và chỉ phá đám hoài.
- Tôi có phá đám đâu! Tôi chỉ thấy xôm trò.
Văn cắt đứt câu chuyện:
- Anh muốn lấy ai thì mặc anh, nhưng đừng quên Hổ hiện đang bị giữ, và anh nhớ là đã hứa lại nhà luật sư Tháp tối hôm nay. Bây giờ đã quá 12 giờ đêm rồi. Còn đợi gì nữa?
- Quên làm sao được thằng Hổ! Anh nên nhớ... Tôi sở dĩ định lấy Tuyết cũng là vì “tổ chức”, vì Hổ...
Vinh bĩu môi:
- Vì Hổ? Thật ngon lành quá!
- Chứ sao! Tổ chức của chúng mình còn thiếu một người đàn bà tinh khôn, sắc sảo. Tuyết chính là người đàn bà đó...
Vinh lắc đầu:
- Không có đàn bà mà đã bị lộ, thêm người đàn bà nữa, thì chỉ còn việc đi tù cả nút!...
Lượng hăn hái ngụy biện:
- Đó là anh chưa gặp, chưa hiểu Tuyết, phải không anh Văn?... Nhưng thôi, bây giờ mời cả hai anh lại Tháp, tiện thể tôi khao một chầu.
- Chầu gì? Vinh hỏi.
- Bất cứ chầu gì. Chay, mặn, muốn cái gì cũng được. Dịp vui mừng mà! Đi anh Văn, mặc quần áo vào!
- Đi thì đi.
Văn uể oải mặc quần áo. Thực ra, từ lúc nghe Lượng tuyên bố ý định lấy Tuyết, Văn đâm ra nghĩ ngợi, bần thần. Văn cố phân tích lời nói, thái độ, bộ điệu của Lượng để khám phá những lý do nào đã khiến Lượng quyết định nhanh chóng như vậy, nhưng Văn càng suy nghĩ, càng phân vân, không hiểu. Trong thâm tâm, Văn thấy mình không thích thú gì khi nghe tin Lượng sẽ lấy Tuyết... Chàng không ích kỷ, những vẫn thích Tuyết cứ ở thình trạng khổ sở, nghèo đói như hiện nay, dù Văn có chạy ngược, chạy xuôi, lo lắng giùm Tuyết, để rút cuộc, chẳng giải quyết được cái gì. Nhưng có lo lắng như vậy, thì Văn mới tự thấy mình là quan trọng đối với Tuyết! Đằng này, Tuyết lại lấy một anh nhiều tiền, không cần gì tới Văn nữa, thì thực là... hỏng quá.
... Tới “garconnière” của Tháp, Tháp chưa về. Văn quen biết Tháp nhưng không thân như Lượng, nên chưa bao giờ được Tháp mời tới cái “tổ quỷ” của mình. Vốn quen sống giản dị, Văn không ưa sự xa hoa quá lố, cho nên cách bày biện trang hòng sang trọng, đĩ thõa trong nhà riêng của Tháp, khiến Văn phát tởm. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần bắt buộc phải đi dự một tiệc vui linh đình như chửi vào mặt người nghèo, Văn vẫn không ngăn cản nổi một mặc cảm chiến bại, đối với kẻ thù: “Sa lầy trong xa hoa và trụy lạc thì còn chống Cộng cái gì...”
Ý nghĩ đó vẫn ray rứt tâm hồn Văn, nên Văn thường cố tránh những cuộc vui ồn ào của những kẻ giàu sang, thừa tiền! Mà sự trang hoàng trong “tổ quỷ” của Tháp thật vượt ra ngoài tưởng tượng của Văn. Không kể những tiện nghi của đời sống vật chất mà tổ quỷ có thừa, không kể cái giường nằm, dĩ nhiên là khiêu dâm, cho đến cả cái ghế bành, cái đi- Văng cũng làm theo một kiểu đặc biệt, khiến người ngồi vào đó phải có những ý nghĩ dâm dục, bẩn thỉu. Văn đưa mắt nhìn khắp gian phòng, chàng thấy kính phục và ghê sợ cho tài của Tháp.
... Năm 1945, Tháp vừa được bổ đi tri huyện, thì Việt Minh cướp chính quyền. Mộng làm quan tan vỡ, Tháp cay cú lắm. Chàng lao đầu vào phụng sự Việt Minh để tiếp tục cái mộng “làm quan” với “Việt Minh”. Hiệp định Genèvẹ.. Chàng bỏ Việt Minh trở về Quốc gia, để thực hiện cái mộng “làm quan” dưới chính thể Cộng hòa... Chàng làm luật sư, nhưng mục tiêu cuối cùng của chàng vẫn là sân khấu chính trị. Chàng làm luật sư cốt là để tạo uy tín, sửa soạn bước đường tương lai. Chàng có nhiều tham vọng, nhiều nghị lực và khôn khéo, nên trong mọi giới, chàng vẫn nổi tiếng là có tài, có địa vị và cả “yêu nước” nữa! Cho nên, trong việc ăn chơi, trác táng, chàng bố trí rất kín đáo. Chàng thuê biệt thự này làm tổ quỷ, trả mỗi tháng hai chục ngàn, chỉ để tiếp bạn thân và mần “áp phe”.
Đối với các thân chủ, thỉnh thoảng Tháp cũng bào chữa không lấy tiền cho một vài người nghèo, để được nổi tiếng là có tinh thần xã hội, có lương tâm chức nghiệp v.v... Tháp rất thích thú khi, trong một vài vụ, chàng kịch liệt bênh vực một số thân chủ yếu thế, chàng “được” liệt vào thành phần khuynh tả, có đầu óc chống đối...
Nhưng đối với các thân chủ giàu sang, sẵn tiền, thì Tháp lại “khuynh hữa” và “chém” chết thôi. Nhất là trong những vụ mà thân chủ, ngoài cái tin tưởng ở tài hùng biện của Tháp, còn tin tưởng ở thế lực của Tháp có thể vận động ngầm giúp mình, thì Tháp lại càng “chém” không tiếc tay. Tóm lại, Tháp có đủ những đức tín, để tạo cho mình một địa vị, một thế lực, một “sự nghiệp”; và người ta tin rằng với uy tín, với đạo đức của Tháp, Tháp còn đi rất xa trên con đường công danh, sự nghiệp.
Vắng Tháp, Lượng đóng vai chủ nhà, mở tủ, lấy rượu cam, nho, táo ra tiếp khách.
Nằm dài trên đi- Văng, Văn trầm ngâm hút thuốc lá, ngắm gian phòng khách, coi tấm hình lõa thể do một họa sĩ trứ danh vẽ, treo trên tường, rồi đột nhiên cười khanh khách hô lớn:
- Hoan hô tinh thần chống Cộng của các vị trí thức!
Giữa lúc đó, cửa phòng sịch mở, và Tháp bước vào cũng với hai người đàn bà.
Vừa chợt nhìn thấy Văn, Tháp chau mày vì chàng không muốn Văn biết cái “tổ quỷ” của mình. Nhưng chàng là người lịch thiệp, nên cái cáu mày trên gương mặt chàng biến ngay thành một cái cười toét đến tận mang tai, rất niềm nở:
- Kìa Văn, kìa Vinh! Đã lâu không được gặp hai anh... Các anh vừa tới hay đã phải đợi lâu?
Rồi chàng chỉ vào hai thiếu phụ, giới thiệu với hai người. Đó là hai nữ nhân vật nổi tiếng trong chính giới, cũng như trong giới “áp phe”, và giới đổ bác: bà Phi Yến và bà Bạch Thủy. Đã nghe danh hai người đàn bà này từ lâu, nhưng chưa biết mặt, Văn bản tính bất lịch sự đối với đàn bà, nên chăm chú, tò mò nhìn hai người như nhìn hai nữ quái kiệt, và chàng tự hỏi tại sao vào lúc một, hai giờ khuya này, Tháp lại đưa hai người đàn bà có chồng con hẳn hòi tới đây. Chừng như đoán biết ý nghĩ của Văn, Tháp vội giải thích:
- Chả là hôm nay anh Lượng hẹn đến bàn công chuyện với tôi, rồi sau đó sẽ đánh “phé”, nên tôi mời hai chị yến và Thủy đến. Ai ngờ lại được tiếp cả hai anh Văn, Vinh. Đánh chơi cả cho vui nhé?
Vinh trâng tráo trả lời:
- Đánh với đấm gì bọn này. Lượng nó lôi lại đây để khao một chầu, theo lời nó hứa. Đối với “đệ” thì chỉ có “nàng tiên nâu”, vậy ở đây luật sư có cái khoản ấy hay không thì cho biết, nếu không thì để “đệ” về cho sớm.
Tháp cười xã giao:
- Làm gì mà nóng thế! Anh tới đây, anh muốn cái gì thì tất nhiên phải có. Lát nữa, tôi sẽ đưa anh lên cái “động” dành riêng cho công việc đi mây về gió, và tôi chắc anh sẽ hài lòng...
Rồi chàng lấy chìa khóa tủ, đưa cho Phi Yến, tự nhiên như đưa cho vợ:
- Chìa khóa tủ đây! Chị mở tủ lấy kimono để chị Thủy và chị thay đồ, cho thoải mái; rồi vài phút nữa, tôi và anh Lượng nói chuyện xong, chúng ta sẽ chơi “phé”.
Phi Yến và Bạch Thủy bước sang phòng bên. Lượng nheo mắt nhìn theo, hỏi Tháp:
- Hai mệ này trông cũng “văm” thật. Chịu cậu là tài! Làm sao cậu lôi được cả hai 'mệ” tới đây. Chia cho tớ mệ nào thì liệu bảo trước đi, để người ta còn bố trí!
Vẫn cái cười xã giao bất tuyệt trên miệng, Tháp nói nhỏ với mọi người:
- Khe khẽ chứ, kẻo họ mắc cỡ! Anh nào thích mệ nào thì cứ việc tán. Họ thường lui tới đây là để tính “áp phe” hoặc đánh bài, chức còn cái “món” kia thì không thành vấn đề đối với tôi.
Rồi chàng nhìn Văn, nửa đùa nửa thật:
- Riêng đối với anh Văn, lần đầu tiên tới đây, thì xin nhường Phi Yến, gọi là để hối lộ nhà báo đừng có phanh phui, tố cáo cái “tổ quỷ” này lên mặt báo đó!
Văn cười bí mật, cũng nửa đùa nửa thật:
- Đó là còn tùy ở cách đối xử, tiếp đãi của chủ nhân...
Rồi sực nhớ ra mình đến nhà Tháp là vì việc Hổ, chàng nói với Lượng và Tháp:
- Nhưng mà trước khi đánh bạc hay làm cái gì thì làm, anh Lượng cũng cần thảo luận dứt khoát với anh Tháp về việc xin tại ngoại cho Hổ đã!
Nét mặt Tháp tự nhiên đổ ra nghiêm trang, và giọng chàng có vẻ đắn đo:
- Tôi cũng định bàn với các anh về việc này. Câu chuyện thực ra rất phức tạp, chứ không đơn giản như các anh tưởng đâu!
- Phức tạp ở điểm nào?
- Ở điểm có bàn tay của Kha trong đó!
Nghê đến Kha, Văn đã thấy máu nóng đưa lên đầu:
- Kha thì có can chi đến việc xin tại ngoại cho Hổ?
Tháp bình tĩnh nhìn Văn, lắc đầu:
- Như thế là anh chưa hiểu gì về thế lực của Kha. Tôi không quen thân với Kha, chỉ biết hắn qua loa trong một vài cuộc gặp gỡ. Nhưng mặc dầu là rất quí các anh, rất có cảm tình đặc biệt với các anh, tôi thú thực với các anh, là tôi không muốn “rây” với Kha. Vậy nếu các anh thương tôi, xin các anh tìm luật sư khác cho Hổ, thì chính tôi là người biết ơn các anh...
Lượng kinh ngạc hỏi:
- Anh sợ Kha đến thế sao?
Tháp vội bào chữa:
- Sợ thì không sợ, nhưng cái nguyên tắc của tôi là không bao giờ gây thù oán với ai, nhất là người đó lại là Kha. Tôi đã tìm hiểu và biết rõ công việc này. Tôi nói thế này, anh Văn tha lỗi cho. Theo ý tôi, thì anh Văn chả nên “chọc” vào thằng cha Kha làm gì... và nếu anh bằng lòng, tôi sẵn lòng đứng trung gian để anh Văn gặp Kha, và chỉ cần anh Văn nói lại với Kha một câu thì tôi tin là Hổ sẽ được trả tự do và thuốc phiện của các anh sẽ được “châu về Hợp Phố”.
Văn tái mặt vì giận, nhưng chàng cũng cười nhạt, nói với Tháp:
- Nghĩa là anh khuyên tôi phải xin lỗi Kha?
Tháp ấp úng:
- Xin lỗi thì ai dám bảo anh xin lỗi. Nhưng ở đời “dĩ hòa vi quí” là hơn. Chỉ cần anh gặp hắn, giải thích cho hắn biết anh không cố tình bôi lọ hắn, thế là đâu vào đó, có phải không anh Lượng, anh Vinh?
Vinh hiểu tính nết Văn, nên chàng đưa mắt nhìn Văn, chia xẻ cái phẫn uất của bạn. Vinh cười gượng không nói gì, còn Lượng thì chỉ nghĩ đến cách giải quyết thế nào cho ổn thỏa, để lấy thuốc phiện về, nên ngập ngừng nói với Văn:
- Hay “toa” xin lỗi quách nó một câu cho êm đẹp cả! Mất gì một lời nói! “Toa” vì an hem mà hy sinh lòng tự ái chút xíu thì đã sao!
Văn cười gượng:
- Được! Nếu muốn tao xin lỗi thì tao sẽ xin lỗi! Nhưng hãy cất câu chuyện này đi, để cho Vinh hút thuốc phiện và các bà chơi bài. Còn tôi thì cho tôi về. Mai sẽ hay!
Lượng thấy Văn bỏ về, vội can:
- Không được, anh có ở lại thì chúng tôi mới ở lại. Về cùng về. Ở đánh bài một lúc rồi cùng về cũng không sao. Tao có tiền đây. Chả mấy khi có các bà ấy tới mà mình lại bỏ về thì e không tiện.
Vinh và Tháp cũng hùa theo, bắt Văn phải ở lại. Văn bị bọn Lượng lôi kéo, khẩn khoản nhiều quá, đành tặc lưỡi:
- Ừ! Chơi thì chơi!
Phi Yến và Bạch Thủy cũng vừa ở phòng bên, bước sang, xúng xính trong bộ Kim- Mô- Nô sặc sở, đắc tiền. Trạc ngoài ba mươi tuổi, cả hai người còn đẹp, mặc dầu những vết tàn phá quá sớm trên khuôn mặt tố cáo cả một dĩ vãng miệt mài trong ăn chơi, trác táng.
Có sắc, có tài, ham kinh doanh, buôn bán, Phi Yến lại vớ phải một ông chồng lành, hiền, nên trong gia đình, Phi Yến đóng vai chồng, lo toan, quyết định mọi việc, còn chồng nàng thì lủi thủi, lầm lì lo việc nội trợ. Phi Yến thường lợi dụng sắc đẹp của mình, “bắt” nhân tình với ông này, ông nọ để cho trôi chảy mọi điều. Chồng Phi Yến không phải là kẻ ngốc không biết vợ ngoại tình, ông ta cũng không phải là một triết nhân, không hèm ghen tuông. Nhưng sự thực thì ông ta không ngu ngốc, không triết nhân cũng không được với người vợ vừa đẹp, vừa đĩ, vừa giỏi giang, tháo vát của mình. Chàng đành đóng vai giả ngây, giả điếc, và sau một thời gian đóng vai đần độn, thì ông ta trở thành đần độn thực: ông để mặc vợ tự do muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, miễn là mỗi tháng Phi Yến mua thêm một tiệm cầm đồ, sắm thêm năm, bảy chục xe xích lô máy cho thuê, tậu thêm một vài cái biệt thự, xe hơi v.v...
Từ khi Phi Yến thường lăng nhăng với người này, người nọ, thì người chồng ở nhà—không biết có phải để trả thù vợ không—đâm ra thích chơi chim yến và nuôi tới trên 300 chim yến thuộc đủ 27 loại khác nhau trong nhà.
Ông đang lo gây thêm một loại “yến” thứ 28, loại yến màu bạch kim, thì Phi Yến cũng gây thêm được một người nhân tình thứ 28 thật sộp: Ông Phú Sơn là một nhân vật cao cấp thuộc nền hành chính trong nước. Phú Sơn là “quan to” nên thích ghen ngược, buộc Phi Yến phải thanh toán ông chồng cho khuất mắt.
Phi Yến bèn lấy cho chồng một người vợ trẻ, sạch sẽ; mua cho chồng một cái biệt thự Ở Đà Lạt, rồi tống khứ chồng lên cao nguyên sống cùng 300 chim yến và vợ mới cưới. Còn Phi Yến ở tại Thủ Đô, đường hoàng sống cùng Phú Sơn, như cặp vợ chồng chính thức. Vào những buổi Phú Sơn về với vợ lớn, thì Phi Yến tìm tới các hộp đêm, các “bạn” cũ, để khiêu vũ hoặc đánh bạc như đêm nay.
Trường hợp của Bạch Thủy cũng na ná như Phi Yến, cho nên hai người thường cặp kè đi với nhau. Bạch Thủy cũng theo chế độ đa phu như Phi Yến, nhưng khác một điều là người ta không biết gọi Bạch Thủy bằng bà Luật sư hay bà Chánh án, vì cả hai người chồng của Bạch Thủy—một ông “Tòa”, một ông luật sư—đều là chồng chính thức cả, và Bạch Thủy đã có con với cả hai người. Thú vị hơn nữa là hai người chồng là bạn thân, và không những họ chia vợ, họ còn chia nhau công việc ở pháp đình, đi đôi chặt chẽ như bóng với hình...
- Thôi khuya rồi, có đánh “phé” một lúc thì đánh luôn, chứ còn rềnh ràng bàn tán gì nữa, các cha nội!
Thấy Phi Yến thúc giục, Lượng vội mượn Tháp ba chục ngàn, dúi cho Văn 10 ngàn, bảo nhỏ Văn:
- Liệu mà đánh nhé! Chỉ mượn được của thằng Tháp có vậy thôi. Đừng “tố” bừa, cạn “láng” thì ệ trệ với bọn nữ quái đấy!
Văn cầm số tiền Lượng vừa trao, tự nhủ: “Lúc nãy, cần tiền giúp Hổ, bảo nó đưa, nó không chịu đưa; thế mà khi cần tiền đánh bạc, thì thằng cha rối rít chạy tiền cho mình”.
Văn nghĩ tới Huyền đang cầu cứu mình để lấy tiền trả lại Kha, nghĩ tới ông già thân sinh của Tuyết, hai giờ sáng vẫn còn đạp xe để kiếm thêm năm, 10 đồng... Cho nên khi ngồi vào bàn “phé”, chàng nhìn những con bạc khác như nhìn những mồi ngon, vì chàng vẫn tự hào là mình đánh “phé” cao, biến hóa khôn lường, đối với bọn đàn bà thì nhất định là chàng sẽ “bóp mũi” lấy tiền. Chàng tự nhủ: “Không 'thịt' bọn này thì còn 'thịt' bọn nào”!
Phi Yến vừa trang bài, vừa đưa mắt hỏi Tháp:
- Đánh “láng” bao nhiêu đây?
Lượng đỡ lời:
- Thôi đánh nhỏ lấy vui thôi. Láng năm ngàn!
Bạch Thủy ray nảy:
- Láng năm ngàn thì thà đi ngủ cho sướng mắt. Tối thiểu cũng phải 10 ngàn!
- Ừ thì 10 ngàn! Lượng trả lời.
Văn chỉ có 10 ngàn, mà họbắt đánh láng 10 ngàn! Nếu gặp một “quắn”, cả 10 ngàn của Văn có thể bay tiêu, lấy tiền đâu mà tiếp tục đánh! Văn thẳng thắn giao hẹn trước:
- Tôi chỉ có 10 ngàn, đánh một “láng”, nếu hết, thì nghỉ đấy nhé...
- Dạ! Ai muốn nghỉ lúc nào thì nghỉ.
Bạch Thủy tỏ vẻ khinh khỉnh:
- Nếu đánh một láng rồi nghỉ thì chán chết!
Để Văn khỏi ngượng, Tháp vội đỡ:
- Anh Văn cứ đánh, nếu cần tiền, có tôi tiếp tế.
Trong các trò “đổ bác”, Văn ưa đánh “phé” hơn cả, vì với bài phé, kẻ đánh bạc được sống những giờ phút căng thẳng, được hưởng những cảm giác hôài hộp, những xúc động mạnh mẽ, những bất ngờ lý thú nhất hoặc đau đớn nhất. Người chơi bài phé phải có thủ đoạn của một chính trị gia, đức tính kiên nhẫn của một triết gia, nhận định sâu sắc và từng trải của một nhà tâm lý học, để chỉ thoáng qua một tiếng cười, một cái nhìn, một giọng nói, một điệu “đi tiền” là có thể đoán trúng như nhìn thấy tận mắt “tẩy” “sất” hay “sì” của đối phương...
Văn thấy Bạch Thủy tỏ ý coi thường mình không có nhiều tiền, Văn bèn “trả đũa” bằng cách chọc tức Bạch Thủy, để dò xét tâm lý Bạch Thủy, và liệu bề áp dụng chiến thuật đối với nàng.
- Đánh phé với đàn bà thì cần gì phải nhiều tiền. Mà có thắng các bà cũng chả lấy gì làm thú, nên đánh nhỏ cho vui thôi!
Bạch Thủy bĩu môi:
- Ông khinh người quá! Chỉ tiếc ông không có đủ tiền để đánh lớn với tôi, chưa chắc ai đã “ăn” ai, ông Văn ạ!
- Thực tình tôi cũng không thích ăn bà. Vì “ăn” bà, cũng chả lấy gì làm ngon.
Phi Yến nhìn Văn, cười đồng lõa để tán thưởng câu nói hai nghĩa của Văn. Thấy Văn nói lỡm, khiêu khích Bạch Thủy, tự nhiên Phi Yến đâm có cảm tình với Văn và đứng ngay về phía ủng hộ Văn, còn Lượng thì mua chuộc Bạch Thủy bằng cách bênh vực Bạch Thủy để chống trả lại Văn.
Bàn “phé” ngay từ phút đầu, đã chia thành hai phe đối lập, còn Tháp thì khéo léo đóng vai chủ nhà, nhịn miệng tiếp khách, gán Phi Yến cho Văn, đẩy Bạch Thủy vào tay Lượng; Tháp thường vẫn có những cử chỉ “hy sinh vì bạn” như vậy, khiến bạn bè cảm kích. Nhưng sự thực thì Tháp đã ngủ cả với Phi Yến và Bạch Thủy, nên đẩy khéo họ vào tay người khác để khỏi bị quấy rầy sau này...
Mới vào cuộc, Văn đã gặp hên, nên thắng luôn Bạch Thủy và Lượng máy ván liền, nhưng chàng được của họ bao nhiêu thì lại thua về tay Phi Yến bấy nhiêu, khiến Bạch Thủy và Lượng tưởng nhầm là Văn cố tình đánh cho Phi Yến được.
Phi Yến cũng tưởng Văn có hảo ý “nịnh đầm” bằng cách đánh cho mình được, nên nhìn Văn trìu mến tỏ lòng biết ơn. Sự thực thì Văn cũng muốn “thịt” cả Phi Yến để lấy một món tiền mang về trang trải các khoản cần thiết, nhưng mỗi khi chàng đánh ván bài nào với Phi Yến thì bao giờ chàng cũng thua vào cây bài thứ năm!
Đánh được 20 phút, Lượng đã thua hai láng. Lượng xoay ra chung lưng đánh một chân cùng Bạch Thủy, để có cớ mà ngồi sát cạnh Bạch Thủy. Chỉ 15 phút, sau khi “công ty” của họ được thành lập, Lượng và Bạch Thủy đã thân mật nhau như đôi nhân tình cũ, bá vai bá cổ, chạm má nhau để cùng ghé mắt xem “tẩy”. Bạch Thủy vô tình hay hữu ý, để tuột cả khuy áo Kimono, phanh cả ngực nõn nà, khiến Phi Yến ngượng, phát vào đít Bạch Thủy:
- Ngồi chon gay ngắn lên một chút! Suồng sã quá, ông Văn ông ấy cười thối thây đó.
Bạch Thủy vẫn để Lượng quàng vai, trơ trẽn trả lời:
- Đừng có lên mặt đạo mạo! Đây sắp sửa gia nhập Câu lạc bộ những người khỏa thân của Bác sĩ “Sen Trần”, còn sợ gì ai cười?
- Bác sĩ Sen Trần là ai hở chị?
- Là bác sĩ chủ tịch cái đảng chuyên đi lùng những con sen nào sạch nước cản, ngon như “sen trần” để ngủ với chúng nó... Anh Tháp có biết bác sĩ đó là ai không?
Tháp cười tủm tỉm:
- Biết chứ làm sao không biết! Tôi không ngờ các bà lại biết cả cái tổ chức bí mật ấy nữa.
- Ai vậy? Văn tò mò hỏi.
- Thằng cha Thiên chứ còn ai nữa!
Nghe Tháp nói, Văn lặng người vì Văn biết Thiên là người đã từng tham gia cách mạng và đã hoạt động đắc lực cho xứ sở. Chàng hỏi lại Tháp:
- Anh nói sao? Chứ Thiên đâu đến nỗi đổ đốn như vậy?
- Chả Thiên thì còn ai nữa! Tôi không hiểu như vậy có phải là đổ đốn không, nhưng từ khi thất bại trong công cuộc, Thiên đã thiết lập đảng “sen trần”.
Văn thấy đau nhói ở ngực. Chàng bỏ luôn mấy ván bài, không đánh.
Thiên chính là một đồng chí cũ của Văn. Từ hai, ba năm nay, Văn ngán ngẩm chả buồn gặp bạn, mà Thiên cũng không tìm tới Văn. Văn không ngờ Thiên lại thay đổi lạ lùng như vậy...
Tới năm giờ sáng, các con bạc bắt đầu uể oải. Lượng và Bạch Thủy thì chỉ mải âu yếm nhau, không nghĩ gì đến ăn thua. Tháp liền đề nghị nghỉ đánh và mời mọi người lên lầu, hút thuốc phiện với Vinh, vì từ lúc bọn họ đánh bài, Vinh vẫn nằm lì trên lầu, hút liên miên...
Bạch Thủy cũng biết hút thuốc phiện, mặc dầu không ghiền. Nàng rủ Lượng và Tháp lên lầu, bỏ Phi Yến ở lại phòng khách với Văn.
Tuy bề ngoài Văn vẫn làm ra vẻ chán chường, lõi đời, nhưng bản chất chàng vẫn là người nhát gái, ngồi một mình với đàn bà thì hay cuống, không biết xoay sở cách nào. Nhìn Phi Yến dung dị và luôn luôn cười nụ, Văn thấy lúng túng, chưa biết nên nói cái gì.
- Chị có buồn ngủ không? Văn hỏi bâng quơ cho có chuyện...
- Cám ơn anh. Tôi thức đêm đã quen rồi. Bây giờ gần sáng, để lát nữa về nhà ngủ cho sướng mắt. Còn anh có cần ngủ không?
- Tôi đã quá giấc thì không sao ngủ được nữa. Tôi đợi sáng sẽ đi dạy học luôn!
- Đi dạy học luôn! Anh gầy ốm như vậy mà lại lao lực thì chịu sao nổi?
- Tôi có thức khuya như đêm nay bao giờ! Hôm nay là đặc biệt vui chơi, vì nhân dịp đến thăm Tháp để hỏi chút việc, lại được gặp chị và đánh bạc...
Phi Yến nhìn Văn như dò xét:
- Bọn Lượng, Thủy nghi anh cố ý đánh cho tôi được, điều đó có đúng không?
Văn lắc đầu:
- Làm gì có chuyện đó. Tôi có cảm tình với chị thực, nhưng đã đánh bạc thì ai mà không mong “thịt” người khác. Tôi thua chị là vì tôi thua đấy chứ!
Phi Yến vẫn quen giao thiệp với những người thở lợ, giả dối, nên thái độ thẳng thắn của Văn làm cho nàng có cảm tình với Văn. Hai người thân mật, cởi mở nói chuyện, hết chuyện kinh doanh, buôn bán, đến chuyện gia đình riêng tây. Phi Yến đem cuộc đời sóng gió của mình kể cho Văn nghe. Rồi nàng chậm rãi tiếp:
- Một người đàn bà có đôi chút sắc đẹp và vương nhiều tình cảm, có muốn yên thân cũng chả ai để cho mình yên thân. Mới 16 tuổi, toi chưa nếm mùi đời, thì đã bị hai ông anh rể tranh- Chấp—tranh chấp vì cô em vợ nõn nường—và dạy cho biết đời là thế nào. Từ đó ma đưa lối, quỉ dẫn đường, cuộc đời tôi đi từ rắc rối này đèn rắc rối khác. Có nhẽ vì tôi lẳng lơ, bất chính cũng có. Nhưng giá tôi không lẳng lơ thì họ cũng chả buông tha. Mà thử hỏi người đàn bà nào đứng trước một kẻ đàn ông mà chẳng nảy ý muốn chinh phục?
Văn cười chua chát:
- Người đàn ông cũng rứa đấy chị ạ! Nhưng tôi hỏi thực điều này, chị tha lỗi trước cho tôi thì tôi sẽ nói.
- Anh cứ nói.
Văn nhìn thẳng vào mặt Phi Yến:
- Tôi không động đến hai ông chồng hiện tại của Phi Yến, họ khổ hay sướng, nhục hay vinh thì mặc xác họ, họ có chết cũng không sao, nhưng về những đứa con riêng của Phi Yến thì chắc Phi Yến cũng thương xót con cái như tất cả các bà mẹ, vậy Phi Yến có nghĩ rằng hoàn cảnh ngang trái của mình có làm lũ con, thiệt hại cho tương lai và tình cảm của chúng không?
Câu hỏi của Văn khơi đúng mạch sầu của Phi Yến, khiến nàng sa sầm nét mặt:
- Anh quái ác quá! Anh hỏi về những chuyện đó làm gì?...
Nàng ngừng nói, đôi mắt chớp chớp. Chừng để che dấu sự xúc động, Phi Yến với hộp thuốc lá, lấy ra một điếu, châm lửa đốt, ngửa mặt lên nhìn trần nhà, cái miệng vừa chán chường, vừa đĩ thõa chúm lại, thở ra những vòng khói tròn, cái nọ tiếp cái kia, nhỏ dần, xa dần, rồi loãng ra không trung... Một lúc lâu, Phi Yến thở dài:
- Sống thật buồn và cô đơn anh nhỉ? Làm thế nào cho hết buồn hở anh?
Bàn tay của Phi Yến thẫn thờ đặt lên bàn tay Văn, không biết vô tình hay hữa ý. Có nhẽ vì Phi Yến vốn tính suồng sã lẳng lơ, nhưng cũng có lẽ vì lúc đó Phi Yến thấy cuộc đời mênh mông, xa vắng thực sự. Nếu Văn quàng tay ôm ngang lưng Phi Yến, thì chắc chắn Phi Yến khứng chịu. Văn biết vậy vì tâm trí Văn khi đó rất tỉnh táo như một học gia đang nghiên cứu những phản ứng tâm lý của đối phương. Văn cũng thuộc hạng dễ bốc lửa khi gần đàn bà, nhưng trong thâm tâm, Văn vốn thích những ảo ảnh mơ hồ, thích những hoàn cảnh ngang trái, lãng mạn, hơn là yêu đương ồ ạt, tục tĩu. Văn xiết chặt bàn tay Phi Yến trong thoáng giây, rồi vội buông ra. Một rung động, không hiểu là rung động của xác thịt bừng thức hay của tình thương xót, làm giọng Văn lạc đi:
- Tôi hỏi thực, Phi Yến đã thấy “ngấy” yêu đương chưa?
Phi Yến nhìn Văn, lắc đầu:
- Ngấy thế nào được. Tôi mà ngấy yêu thì còn sống để làm gì nữa?
- Nhưng Phi Yến thử tự hỏi xem tình yêu của Phi Yến hiện thời có thực là tình yêu không?
- Phi Yến tò mò nhìn Văn, đôi lông mày díu lại:
- Anh nói cỏ nhẽ đúng. Có nhẽ tôi chưa hề yêu bao giờ!
Rồi nàng ngây thơ hỏi Văn:
- Làm thế nào để yêu đương thật sự hở anh? Chán quá nhỉ?
Văn cũng cười:
- Tôi chắc ở trên lầu lúc này Lượng và bà Bạch Thủy đang ôm nhau hôn hít, nói với nhau những câu âu yếm, thương yêu, mặc dầu trong thâm tâm, họ đang mưu tính để cho đối phương sa bẫy ngon lành. Đại khái tình yêu của loài người đều như vậy. Sự thực thì chúng ta sống cũng chỉ có một mình, và chết cũng có một mình...
Văn ngừng một lát, rồi nhìn Phi Yến, nói tiếp:
- Chị vừa hỏi là làm thế nào để được yêu thực sự, vậy chị có muốn yêu thực sự không?
- Muốn lắm chứ?
- Vậy tôi khuyên chị nên đi tìm một gã nào vừa nghèo lõ đít, vừa không có danh vọng, không thế lực, mà “bao” nó như kiểu cô Thu Trâm—chắc chị biết tiếng nữ ca sĩ Thu Trâm—chỉ đi bòn rút tiền của những đứa mê say nàng, mang về “bao” một anh thất nghiệp. Nó vừa ăn, vừa hành hạ, đánh chửi, ghe bóng ghen gió, cực kỳ dã man, thế mà Thu Trâm vui lòng chịu đựng hết, chỉ vì thằng cha yêu cô ta thực tình, yêu một cách say xưa... Tình yêu là vậy đó. Kẻ si tình phải có ít nhiều máu điên trong huyết quản. Những người biết yêu thì khó mà biết cách làm giàu. Chị làm giàu tài lắm, cho nên yêu đương thì chị... chưa biết cách!
Nghe Văn phê bình mình chưa biết yêu, Phi Yến không giận, chỉ cười ngặt nghẽo. Rồi đột nhiên, Phi Yến hỏi Văn:
- Nghe nói anh túng và nợ nhiều lắm phải không?
Văn phì cười:
- Chị đừng hiểu nhầm những điều tô nói vừa rồi là có ý “tán” chị, để chị “bao” một thằng kiết xác như tôi đâu... Sự thực thì tôi vừa nảy ra ý định giới thiệu chị một người, mà tôi tin rằng sẽ là một người yêu xứng đáng, để chị “bao” và hắn sẽ yêu chị một cách chân thành.
Phi Yến tò mò hỏi Văn:
- Người như thế nào?
- Người đó nghèo lắm!
- Được rồi! Còn gì nữa?
- Người đó hiện nay đang bị bắt!
- Cũng chả sao! Tôi sẽ can thiệp cho anh ta ra!
- Người đó trụy lạc, và nghiền thuốc phiện!
Đến đây, thì Phi Yến phá lên cười:
- Cám ơn anh đã giới thiệu một ông bạn “quí hóa”! Đã nghèo, lại bị bắt, lại trụy lạc và hút thuốc phiện. Thật là một người yêu “lý tưởng” phải không anh?
Văn nghiêm nét mặt:
- Chị đừng có cười! Tôi nói đứng đắn mà. Yêu mà lười, không chịu tìm tòi, khám phá, thì đâu có phải là yêu. Yêu là một việc mất nhiều công phu, sáng tác. Như người thi sĩ sáng tác ra bài thơ của lòng mình, người viết tiểu thuyết sáng tác ra các nhân vật trong truyện của mình, người biết yêu cũng phải biết “sáng tác” ra con người thực của người yêu. Đàn ông, đàn bà, hàng vain, hàng triệu người, bề ngoài thì ai cũng tầm thường như ai, có gì là đặt biệt, là khác thường. Thế mà dưới con mắt kẻ được yêu và biết yêu, thì người mình yêu quả là độc nhất, vô nhị; cũng như mối tình của mình là mối tìnhh đẹp nhất, hi hữu nhất. Họ yêu say mê, đắm đuối, vì qua cái vỏ ngoằ của con người bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, kế mưu sinh của xã hội, họ đã tìm ra con người “thực”, mà con người thực bao giờ cũng đẹp!...
Cũng như người tôi định giới thiệu chị, bề ngoài chỉ là một anh chàng nghiện hút, hư hỏng, kiết xác, nhưng đó chỉ là cái vỏ xã hội, chứ con “người thực” của hắn thì thực đáng say mê, quyến rũ.
- Đáng say mê ở điểm nào?
- Ở điểm hắn sẽ yêu chị như chưa bao giờ chị được yêu! Hắn sẽ làm cho đời sống của chị thêm phong phú, thêm ý nghĩa. Vì chị sẽ được hưởng cái thú, cái hãnh diện vô song là “sáng tác”, phát minh ra con người thực của hắn đang bị xã hội tiêu hủy...
Sẵn cái đà “méo mó nghề nghiệp” của kẻ mô phạm, Văn giảng giải con cà con kê, một thôi một hồi mà vẫn tiếc rẻ, còn hỏi tiếp Phi Yến:
- Chị có biết hiện tượng tâm lý mà Stendhal gọi là “travail de cristallisation”, hiện tượng “pha lê hóa” không?
Phi Yến chẳng hiểu “pha lê hóa” là gì, nhưng cũng trả lời bừa:
- Hiểu lắm!
- Ấy đấy! Yêu thương tức là pha lê hóa, biến anh Kèo, anh Cột của xã hội, thành “hoàng tử của lòng em”. Nếu không có yêu đương giúp chúng ta pha lê hóa người yêu, thì xã hội chỉ nhung nhúc một lũ dòi, bọ, chó má, còn thú gì mà sống nữa hở chị?
Cái hăng hái của Văn làm cho Phi Yến thêm vui. Nàng hỏi Văn:
- Người anh định giới thiệu với tôi, tên là gì?
- Là Hổ. Hắn tợn như Hổ, trước kia đã từng ác bom đi ném vào nhà Hát Lớn khi họ Hồ giải thích về hiệp định Sainteny.
- Thế có ném được không?
- Không! Hắn quên bom ở nhà. Nhưng kể thế cũng là đẹp lắm!
Phi Yến cười ròn rã:
- Ném bom mà quên bom ở nhà thì còn đẹp cái gì nữa?
Văn cười bí mật:
- Chị không hiểu thuyết “chiến thắng trong thất bại” của Hemingquay hay sao? Ném bom hụt, hay ném bom mà quên bom ở nhà, mới là đẹp, mới là chiến thắng chứ!
Phi Yến đã bắt đầu quen với lối nói tối nghĩa của Văn, nên cũng gật đầu làm ra vẻ hiểu biết. Nàng nửa đùa, nửa thật hỏi Văn:
- Tỷ dụ bây giờ tôi bằng lòng yêu ông Hổ của anh, thì phải làm những gì?
- Trước hết là phải đưa tiền, nuôi vợ con Hổ hiện đang đói!
Phi Yến cau mặt:
- Lại cả cái khoản ấy nữa!
Văn cười:
- Chưa chi chị đã nhăn mặt. Tôi đã bảo “sáng tác” ra một người yêu là công phu lắm! Chị Hổ là một người đàn bà bị lao gần chết, thương chồng và con, chả biết nghen là gì. Chị cứ mang tiền xuống giúp chị ấy, chị sẽ được hưởng một niềm vui mà chưa bao giờ chị được biết.
- Được rồi! Còn gì nữa?
- Phải vận động cấp tốc cho Hổ được trả tự do!
- Cái này thì dễ! Tôi chỉ bảo “lão” Phú Sơn một câu là đâu có đó. Còn gì nữa?
- Và thuê một căn nhà, mang hắn ta về, nuôi cho béo để rồi yêu nhau!
Phi Yến lắc đầu, cười... Văn cũng cười, kể qua loa nội vụ Hổ bị bắt, rồi chọc tức Yến:
- Liệu chị có dám đương đầu với Kha không? Theo lời Tháp thì thằng cha này nguy hiểm và nhiều thế lực lắm!
- Anh cứ yêu tâm! Nó có ba đầu sau tay, tôi cũng trị nổi. Đã thế thì mai mốt, tôi sẽ “lấy” Hổ ra cho anh coi. Nhưng còn cái khoản nuôi ông ấy cho “béo” thì hãy màn màn...
Phi Yến có vẻ mệt mỏi, nằm ngả xuống đi- Văng. Khi giời đang oi bức, tự nhiên nổi gió như sắp có bão, và trận mưa đột ngột của miền nhiệt đới ào ào đổ xuống thành phố sắp bừng tỉnh. Gió lộng như xua tan mọi uế khí của ban đêm. Phi Yến rùng mình nói với Văn:
- Trời đổ lạnh. Anh xem có mền nào, lấy cho Phi Yến một cái...
Văn ngoan ngoãn lên lầu, vào phòng Tháp, thì Tháp và Vinh đã ngủ say; còn phòng Lượng và Bạch Thủy thì cửa đóng kín, ở trong đưa ra tiếng chí chóe, cười cợt. Văn tìm đượcmột tấm mền, vội mang xuống. Phi Yến co ro trên đi- Văng, đỡ lấy tấm mền, phủ lên người nàng. Văn nói với Yến:
- Chị nằm đây nhé. Tôi lên lầu ngả lưng một lát.
Phi Yến rẫy nảy:
- Ấy chết! Anh để tôi nằm một mình sao được! Tôi chịu thôi!
Văn cười:
- Làm thế nào? Ở trên lầu, Bạch Thủy đóng kín cửa phòng, nằm với Lượng trong đó.
- Con chết tiệt! Nó thật bừa bãi hết chỗ nói!
Rồi nàng thẳng thắn nói với Văn:
- Tôi không phải yêu tinh như nó đâu. Đi- Văng rộng, anh nằm tạm xuống đây, nói chuyện cho vui.
Văn ngồi ở phía đầu đi- Văng, nói với Yến:
- Yến cứ ngủ. Tôi ngồi cạnh nhìn Yến ngủ cũng chả sao. Chỉ còn nửa giờ nữa là sáng rõ!
... Ngoài trời mưa gió vẫn hoành hành không ngớt.
Yến nằm lim dim, tay để lên ngực. Năm phút sau, Văn nhìn Yến, tưởng Yến đã ngủ, Văn tự nhủ: “Con mẹ này vô tư, vô lự quá, chưa thể nào biết yêu được”, thì đột nhiên, Yến nói như trong giấc mơ:
- Này anh Văn! Lúc này anh có yêu ai không?
Văn phì cười:
- Tôi thì còn yêu “chó” ai nữa. Lúc này tôi chỉ yêu các chủ nợ của tôi thôi!
Yến nói giọng ngái ngủ:
- Nói đùa chứ, anh nằm xuống đây! Chúng mình nằm quay mặt mỗi người một phía, không ngại gì cả.
- Nằm thì nằm!
Văn đặt mình xuống bên cạnh yến. Chàng kéo cái mền đắp lên người và nằm quay về phía trong, theo đúng lời Yến bảo. Năm, bảy phút trôi qua, Văn thấy người nóng ran, máu chạy mạnh. Chàng thở dài, quay lại thì thì thấy yến đã ngủ thực sự. Văn lẩm bẩm:
- Đàn bà thế này thì lạ thật! Chả trách họ sung sướng.
Văn lưỡng lự không biết mình nên làm thế nào, ôm Phi Yến vào lòng, hay cứ để cho nàng ngủ. Văn tặc lưỡi một cái, rồi lại quay vào phía trong, cố ngủ. Chàng cũng không hiểu sao mình lại có thể ngớ ngẩn đến nỗi có đàn bà nằm bên cạnh mà không tìm cách lợi dụng! Tại sao vậy? Văn biết mình hơn ai hết, biết mình cũng trụy lạc như mọi người, chàng có cao thượng gì, cho cam!
... Có tiếng sét nổ làm rung chuyển cả cửa kính. Phi Yến ú ớ mấy tiếng, quàng tay thật chặt vào cổ Văn, Văn nằm yên không nhúc nhích, y như một cậu bé lo ngại một bà già đến tuổi hồi xuân hãm hiếp mình...
Bị nghe. thở, Văn se sẽ gỡ tay Phi Yến ra, rồi vuốt lên mái tóc Phi Yến, Văn nói nhỏ:
- Mê gì mà ú ớ ghê thế?
Đột nhiên, Phi Yến, mở choàng mắt, cười tinh quái:
- Anh giỏi lắm! Nằm bên cạnh đàn bà mà không tí toáy!...