Phần I
Chương 8

Huyền vừa bấm chuông, thì Tuyết vội vã từ trong nhà chạy ra, ăn mặc rất lộng lẫy. Nàng mở cửa, vui vẻ nói với Huyền:
- Đi luôn chứ! Em trang điểm từ lâu, chỉ sợ chị không tới!
- Đã hẹn thì phải lại chứ! Nhưng đi đâu mà vội. Cho Huyền vào uống chén nước, nghỉ một lát rồi hãy đi.
Tuyết nhìn gương mặt bơ phờ, làn tóc biếng chải của Huyền:
- Chị bị đau à?
- Không đau, nhưng từ hôm anh Văn tôi vị bắt, tôi mất hết tinh thần...
Tuyết vội hỏi:
- À quên! Chị có tin tức gì về ông Văn chưa?
- Bị đưa xuống khám Chí Hòa rồi. Tôi lo quá!
- Lo sao?
Hình như Kha định trả thù ai thì trả thù bằng được, mà hắn còn dọa bỏ tù cả tôi nữa.
- Bỏ tù cả chị?
- Nếu tôi không làm theo ý muốn hắn!
Vừa tới phòng khách, Huyền mệt mỏi ngồi xuống đi- Văng. Tuyết rót nước cho Huyền uống, hỏi Huyền:
- Thế còn Hải? Hắn không can thiệp dùm chị sao?
- Hải bị hắn tống sang Pháp. Không biết hải có chịu đi hay không. Mà Hải càng can thiệp thì càng nguy!
- Vì sao?
Huyền ấp úng:
- Vì hắn nghi là Hải và tôi có tình ý với nhau!
Tuyết cười:
- Còn nghi gì nữa! Sự thực là “có” đứt đuôi rồi.
Huyền lắc đầu, mệt mỏi:
- Tôi không giấu Tuyết đâu. Bảo rằng hai người không có “tình ý” thì không đúng, mà bảo rằng có “tình ý” cũng không đúng. Chúng tôi có trao đổi ý kiến về vấn đề hôn nhân, nhưng chưa đi tới đâu cả.
Rồi để đổi hướng câu chuyện, Huyền hỏi Tuyết:
- Mà chị muốn tôi đưa lên gặp Kha, chị nói là đã bố trí kế hoạch chu đáo! Vậy chị có kế hoạch ra sao?
- Có chứ! Kế hoạch chu đáo lắm!
Huyền vẫn tỏ vẻ hoài nghi:
- Tuyết đừng chủ quan. Tuyết có biết Kha là hạng người thế nào chưa?
- Nghe nói là hắn nguy hiểm lắm.
Huyền chậm rãi lấy ở trong “sắc” ra một cái thư, đưa cho Tuyết:
- Chị xem cái thư tôi vừa nhận được cách đây vài ngày, sẽ hiểu Kha thêm!
Tuyết đỡ lấy thư, nhẩm đọc:
Sàigòn...
Cô Huyền,
Tôi thấy cô thường lui tới nhà ông Kha dạy học, tôi biết trước là thế nào hắn cũng làm hại cuộc đời cô, nên nhân danh là một nạn nhân của Kha trước kia, và để cô biết bộ mặt thực của Kha, tôi cần nói để cô rõ, ngoài số thiếu phụ, vợ các ông có địa vị trong xã hội mà Kha đã phá hoại gia đình họ, không thiếu gì thiếu nữ đã tự vẫn vì bị Kha làm tan nát cuộc đời, hoắc có thai với Kha, đã được Kha gửi sang Pháp đẻ, rồi mất tích luôn, không thấy trở về nhà!
Nếu có muốn biết rõ chi tiếc, danh tánh những người đó, xin mời lại nhà tôi
Bà góa phụ.
Nguyễn Thị Bạch
Chú thích: Tôi sở dĩ trở thành góa phụ vì nhà tôi đã bị hắn làm nhục, không chịu được, nên lâm bệnh chết, còn tôi hiện thời bị hắn bỏ rơi.
Tuyết đọc lại một lần nữa, thở hắt ra như muốn trút hết tức bực:
- Chó má quá!
- Đấy chị xem. Kha không phải hạng thường đâu!
Gương mặt Tuyết vụt trở nên dữ dội, Tuyết nhớ lại cách đây bốn năm, Tuyết đã bị một người đàn ông lợi dụng sự nhây thơ của Tuyết, để thỏa mãn thú tính. Tuyết lùi lũi đi lại phía tủ, loay hoay mở tủ, lấy ra một khẩu súng lục, điềm nhiên nói với Huyền:
- Có khẩu súng của ông Lượng đây! Đối với bọn người như Kha, có nhẽ chỉ nên cho một phát đạn... Chị có dám không?
Huyền nhìn khẩu súng mà trong đời, nàng chưa hề cầm trong tay, Huyền lắc đầu:
- Tôi nhát lắm! Ở nhà, khi nào cắt tiết gà, tôi cũng không dám, phải nhờ người khác. Nói chi đến việc cầm súng giết người!
Tuyết lạnh lùng:
- Cắt tiết gà thì em cũng không dám, nhưng cầm súng giết người thì em dám! Em bắn tài lắm! Em bắn cho chị coi nhé.
Tưởng Tuyết nói đùa, Huyền chưa trả lời thì Tuyết đã nói:
- Chị nhìn đây này! Em bắn hình ông Lượng cho chị coi...
Huyền chưa kịp giơ tay thì “Đoàng! Đoàng!” Tuyết đã lên cò, ngắm bức hình của Lượng treo trên tường, bắn trúng luôn hai phát vào bức hình. Hai người làm ở dưới nhà không biết có chuyện gì xảy ra, hốt hoảng chạy lên ngơ ngác nhìn.
Huyền thất sắc nhìn Tuyết, không hiểu Tuyết điên khùng hay quá xúc động. Tuyết, không hiểu điên khùng hay quá xúc động. Tuyết bắn xong, vứt súng xuống bàn, đặt phịch người xống ghế, nước mắt chạy vòng quanh.
Huyền lo lắng hỏi;
- Chị làm sao thế?
Chỉ một giây lát sau, gương mặt Tuyết đã tươi tỉnh trở lại và Tuyết hồn nhiên nói với bạn:
- Không, em chả sao cả! Bắn mấy phát cho hả giận! Mà “hả” thực chị ạ. Bây giờ thì em thấy yêu đời, đủ sức đối phó với Kha lắm! Thôi đi chứ!
Và nàng nhặt cái súng, nhét luôn vào “sắc”.
Huyền ngơ ngác:
- Chết! Chị mang súng đi thực à?
Tuyết nửa đùa nửa thật:
- Mang đi để tự vệ chứ!
Huyền sợ sệt bảo Tuyết:
- Này, đừng có đùa! Mang đi, rồi nhỡ nóng, bắn thật thì chết cả lũ!
- Chị tưởng giết người dễ lắm sao! Bắn vào cái hình nọ thì ai mà chả bắng được! Chứ còn bắn vào người thực, thứ đàn bà nhát gan như tôi và chị mà dám bắn sao?
- Biết đâu đấy!
Huyền nhìn lên bức hình lớn của Lượng bị bắn thủng vào giữa mắt bên phải và trán, cháy sém một cách dễ sợ, và nàng lo lắng nói với Tuyết:
- Chết chửa! Tuyết bắn vào hình ông Lượng, lúc nào ông ấy về, ông ấy giận chết. Xé nó đi, Tuyết ạ!
Tuyết lạnh lùng:
- Cho hắn giận. Em cũng sắp bỏ hắn!
- Sao vậy?
- Hắn không cần thiết đối với mình nữa, chứ sao? Hai bên lợi dụng nhau như thế là đủ rồi.
Lời nói sống sượng của Tuyết làm Huyền kinh ngạc nhìn Tuyết. Huyền im lặng một lát, rồi dịu dàng nói với Tuyết:
- Chúng ta giận Kha vì Kha đểu cáng, bỏ rơi người khác, nhưng nếu Tuyết bỏ rơi Lượng, Tuyết nghĩ sao?
- Họ khác, mình khác. Họ có tiền, có thế, mình vừa nghèo, vừa cô thế... Vả lại trước khi về với Lượng, Tuyết đã thỏa thuận với Lượng là không có gì ràng buộc hai bên cả, và bất cứ lúc nào ai chán ai, người đó có thể ra đi mà không ai có thể trách ai. Nếu Tuyết không ra đi trước thì thế nào cũng có ngày Lượng chán em, bỏ đi, và lúc đó bao nhiêu nhục nhã, tủi cực sẽ về phần mình. Tốt hơn hết là tự ý ra đi sớm để cho họ phải thương nhớ mình. Đời là thế chị ạ! Sống là phải tranh thủ lấy vai trò chủ động, đừng làm cái bung xung cho ai, cả về phương diện tình cảm...
- Nhưng dù sao thì Tuyết đã chung sống với Lượng một thời gian và Lượng vẫn còn yêu Tuyết. Tuyết cũng nên thương hại Lượng mới phải...
Tuyết bĩu môi:
- Thương hại! Những kẻ giàu sang chả cần ai thương hại. Thú thực với chị, trong thời gian vừa qua, Tuyết chỉ thấy thương cho mình và nhất là lo cho mình.
- Tuyết lo cái gì?
Tuyết nhìn thẳng vào mặt Huyền:
- Chị có biết Tuyết lo cái gì không? Nói ra thêm buồn, nhưng cứ nói để chị biết. Tuyết lo sẽ có mang, sẽ “có bầu” với Lượng thì là “bế mạc” cuộc đời.
Nghe Tuyết nói, Huyền thấy ớn lạnh, nàng buồn rầu, hỏi Tuyết:
- Chị học cái giọng “gớm khiếp” đó ở đâu vậy?
- Ở cuộc đời chứ còn ở đâu! Nhưng thôi, hãy xếp xó những chuyện này lại, chúng ta đến thằng cha Kha thôi!
Huyền nhìn vào cái “sắc” của Tuyết, lắc đầu:
- Tuyết cất cái khẩu súng ở nhà thì tôi mới đưa Tuyết đi.
Thoạt đầu, Tuyết nhét cái súng vào “sắc” cũng chỉ là để trêu bạn, nhưng thấy Huyền nằng nặc đòi cất súng đi, tự nhiên Tuyết lại cố ý muốn mang súng theo. Nàng giải thích với Huyền:
- Chị cứ để Tuyết mang súng đi làm đồ trang sức cho thêm... can đảm. Hoặc nếu chị sợ Tuyết gây án mạng thì chị chỉ cần đưa Tuyết tới trước cửa nhà hắn, rồi để một mình Tuyết vào... Theo ý Tuyết thì như vậy có nhẽ tiện hơn, vì chỉ có một mình Tuyết, Tuyết mới có thể thi thố được “bản lãnh” đối với hắn. Chị có đồng ý như vậy không?
Huyền thấy lời bàn có lý, nhưng linh tính vẫn làm cho nàng phấp phỏng về khẩu súng:
- Như thế có nhẽ cũng tiện, nhưng Tuyết hãy bỏ cái súng ở nhà tôi mới để cho Tuyết đi một mình.
Tuyết lắc đầu:
- Chị lạ quá. Không có chị đi cùng, thì chị phải để cho Tuyết mang súng, tùy thân chứ! Đã đơn phương độc mã, vào hang cọp mà chị lại không cho Tuyết mang súng, thì thật chị bắt “ức” Tuyết quá. Thôi đi, ta đi thôi!
Rồi Tuyết cầm “sắc” đứng dậy... Huyền đành miễn cưỡng đi theo Tuyết ra đường. Xe của Lượng không có nhà, Tuyết vẫy “taxi”, vui vẻ mở cửa cho Huyền lên trước. Ngồi trên xe, Huyền vẫn có vẻ lo âu và khi gần đến nhà Kha, Huyền hỏi Tuyết:
- Nhưng chị chưa cho tôi biết kế hoạch của chị ra sao?
Tuyết mỉm cười bí mật:
- Nếu tiết lộ cho chị biết ngay thì sẽ mất thiêng. Nhưng chị cứ yên tâm. Miễn là ông Văn, Hổ, Thịnh được trả tự do, thuốc phiện lấy lại được, và chị cùng Hải... lấy nhau, là “chu” chứ gì?
Huyền lắc đầu:
- Tôi không cầu mong lấy được Hải, nhưng một chuyến đi “sứ” của chị mà đoạt được bằng ấy kết quả thì phục chị lắm. Thú thực với Tuyết là tôi lo lắm!... Tuyết đừng có chủ quan. Hay là thôi, đừng tới nhà hắn nữa!
Tuyết nổi cáu:
- Ồ! Chị lẩn thẩn quá! Nếu chị không chỉ nhà cho Tuyết thì Tuyết cũng có thể tìm ra! Vậy chị đừng cản trở Tuyết nữa. À mà chị cho Tuyết mượn cái thư bà “nạn nhân” của Kha gửi cho chị.
- Để làm gì?
- Để làm gì thì mặc Tuyết! Chị cứ cho Tuyết mượn, mai Tuyết sẽ trả...
Huyền lưỡng lự một lúc, mới rút cái thư đưa cho Tuyết, căn dặn:
- Nhớ đừng có sinh sự với hắn! Lúc này mình đang vận đen...
Tuyết gật gù:
- Chị cứ tin ở em đi!
Tới đường Thanh Quan, Huyền bảo xe dừng trước cổng một biệt thự lớn, chỉ cho biết đó là nhà của Kha. Tuyết mở cửa xe bước xuáng, nói với Huyền:
- Chị về nhé. Tối nay chị lên chơi em, em sẽ báo cáo công tác cho chị hay!
Xe rồ máy chạy. Tuyết tự tin, bình thản tiến tới phía cổng, bấm chuông. Một người đày tớ gái chạy ra. Tuyết cố làm ra vẻ hách, lên tiếng hỏi:
- Ông Kha có nhà không chị?
- Dạ, có! Thưa cô là ai? Để cháu vào thưa với ông cháu.
- Cứ nói là có một cô bạn với “cô giáo” Huyền, muốn gặp ông có việc gấp!
- Dạ!
Người đày tớ gái, mải gần năm phút sau, mới trở ra, mở cổng nói:
- Ông cháu vừa ngủ dậy. Đáng nhẽ thì ông cháu không tiếp ai vào giờ này, mhưng vì cô là bạn cô giáo, nên ông cháu mới bảo mời cô vào.
Người đày tớ gái đưa Tuyết vào phòng khách, để mặc Tuyết ngồi đó, bỏ đi. Một lúc sau, một người đày tớ khác bưng một khay nhỏ trên có một ly nước trà, nói với Tuyết:
- Ông cháu bảo mời cô ngồi chơi, ông cháu bận tắm, năm, mười phút nữa sẽ ra.
- Cũng không sao!
Tuyết nói vậy, nhưng đôi lông mày Tuyết hơi chau lại, và Tuyết nghĩ bụng: “Thằng cha thật kênh kiệu, đáng ghét”.
Mãi gần mười phút sau, người đày tớ mới trở ra nói:
- Ông cháu bảo mời cô vào phòng giấy!
Tuyết tự hỏi: “Sao lại không tiếp ở phòng khách mà lại mời vào phòng giấy! Nhưng đã vào hang hổ, sợ gì mà không vào bất cứ nơi nào”. Tuyết lẳng lặng theo người đày tớ gái vào phòng giấy. Người đày tớ gái vừa rút lui, thì Kha cũng từ nhà trong bước ra. Nhìn Kha súng sính và hỗn xược trong cái “robe de chamber”, Tuyết đã bắt đầu khó chịu. Nhất là Tuyết không khỏi bực tức thấy hình như Kha không để ý đến sắc đẹp của mình. Tuyết nhận xét ít khi nhầm: lần đầu tiên, gặp người đàn ông nào, Tuyết biết ngay người đó có choáng váng vì sắc đẹp của nàng hay không. Đằng này, Kha chỉ thoáng nhìn nàng, rồi nói:
- Mời cô ngồi! Cô là bạn của cô Huyền?
Tuyết ngồi xuống ghế, cố lấy giọng bình tĩnh, lịch sự:
- Dạ, tôi là Tuyết, bạn của Huyèn và học trò ông Văn.
Kha nhếch mép cười:
- À, ra bà Lượng! Hân hạnh được gặp bà.
Kha thốt ra hai tiếng “Bà Lượng”, khiến Tuyết tức uất. Máu nóng đưa lên mặt, Tuyết quên hết cả kế hoạch nàng trù liệu ở nhà, quên tất cả những điều mà Tuyết định nói với Kha. Tuyết chưa tìm được câu nào để trả “đũa” câu nói “móc” của Kha thì Kha đã hỏi:
- Cô đến chơi có việc chi ạ?
Không hiểu Tuyết nghĩ sao, nàng run run mở “sắc” lấy thư của “bà nạn nhân” đưa cho Kha, và trong lúc lục lọi tìm bức thư, Tuyết hoặc vô tình hay cố ý để lộ cái súng lục trong “sắc” cho Kha nhìn thấy.
- Ông đọc cái thư này, rồi tôi sẽ thưa chuyện.
...Tuyết khoanh tay lên ngực, rồi liếc mắt nhìn Tuyết. Trong lúc xuất kỳ bất ý, chàng đứng dậy, tiến hai bước lại phít Tuyết, giật lấy cái sắc bên cạnh Tuyết, và tát trái cho Tuyết một cái như trời giáng, làm Tuyết không kịp chống đỡ vì bất ngờ, ngã bổ nhào. Kha mở “sắc” của Tuyết, lấy ra cái súng lục, lên đạn rồi cười gằn, chỉ về phía Tuyết:
- Con khốn nạn! Đứa nào bảo mày đến làm tiền và ám sát tao?
Tuyết vừa loạng choạng đứng lên thì Kha lại bồi thêm một cái tát sấm sét, làm Tuyết sây sẩm mặt mày. Trong khi đó, Kha đi ba bước ra lối cửa, khóa cửa, rồi trở lại chìa súng vào mặt Tuyết, dằn từng tiếng:
- Hãy dóng tai mà nghe con ơi! Với cái súng mi mang tới và bức thư này, ta có thể bắn chết mi, lấy cớ là mi đến ám sát ta, ta phải tự vệ, thì dù ta có giết mi, ta cũng không có tội đối với pháp luật. Vậy mi muốn sống hay muốn chết, thì cho ta biết?
Tuyết nhìn Kha, thấy đôi mắt Kha đỏ, bừng bừng ánh sát nhân: Tuyêét hiểu Kha không dọa hão, mà Kha đủ tàn bạo để thủ tiêu Tuyết, thủ tiêu một cách vô tội vạ, hợp pháp, vì nàng đã mang súng từ nhà tới. Tuyết thầy lạnh khắp người, chân tay bủn rủn, mồ hôi toát ra như tắm.
Nàng định thốt ra một tiếng kêu hay một câu chửi, nhưng cổ họng nàng se lại và tiếng nói không thoát ra nổi.
- Vậy mi muốn sống hay muốn chết? Muốn chết thì mi gật đầu đi, ta sẽ cho mi một phát vào óc. Còn nếu mi cũng hèn nhát muốn sống như ai, thì mi phải tuân theo ý muốn của ta. Ta cần ngủ với mi để mi về, mi kể lại chuyện cho bạn mi là con Huyền biết, cho thầy mi là thằng cha Văn biết. Mi bằng lòng thì cởi quần áo ra. Ta sẽ đếm một, hai, bạ.. Hết tiếng điếm thứ ba mà mi không cởi quần áo thì ta sẽ gửi viên đạn này vào óc mi.
Tuyết mở hai mắt ngây dại, thao láo nhìn Kha. Lần đầu tiên, nàng cảm thấy thế nào là sợ chết, nhìn thấy cái chết trước mặt. Lý trí của Tuyết đi đâu mất, chỉ còn có bản năng sinh tồn, bản năng tham sống sợ chết ngự tri.... Tuyết không kịp nghĩ gì, suy xét gì, nàng cũng không thấy tủi nhục, và chỉ mơ hồ cảm thấy là phải sống, phải sống bằng bất cứ giá nào... Nàng không đợi Kha phải đếm đến tiếng “hai”, Kha vừa đếm được “một” thì, như cái máy tự động, Tuyết để tay lên mân mê khuy áo dài, khiến Kha nhếch mép cười nửa khinh bỉ, nửa bằng lòng:
- Ừ, có thế chứ!
Kha lầm lì ngó Tuyết cởi quần áo, Tuyết liếc nhìn Kha, và khi thấy cái ánh mắt sát nhân của Kha đã thay thế bằng tia lửa thèm muốn của nhục dục, thì nằng bắt đầu cảm thấy tủi thẹn, nhưng đã quá chậm! Kha một tay cầm súng, một tay dìu nàng về phía đi- Văng...
Cưỡng đoạt Tuyết xong, Kha định nói với Tuyết một câu âu yếm, nhưng không hiểu sao, Kha vẫn giữ nét mặt khinh bỉ cũ, nói với Tuyết:
- Thôi bây giờ thì cô mặc quần áo, mở cửa ra ma về... Tôi chắc cô cũng không dại gì mà kể chuyện cho Lượng biết. Riêng đối với Văn và Huyền, thì cô nên cho họ biết. Tôi mượn lại khẩu súng và bức thư để phòng xạ..
Rồi Kha đi thẳng vào nhà trong, Tuyết mở mắt thao láo ngó cái thân hình nhơ bẩn của mình, và mãi một lúc sau, nước mắt nàng mới ứa rạ.. Tuyết úp mặt vào gối khóc không thành tiếng. Nhưng Tuyết khóc không phải vì bị hãm hiếp! Tuyết cảm thấy tủi nhục, ghê tởm cho bản thân mình, không phải vì bị hãm hiếp, nhưng chính vì trong lúc nàng rãy rụa, dưới sức cuồng loạn của Kha, đã có một giây, mặc dầu căm hờn và đau khổ sôi sùng sục trong lòng, nàng vẫn không ngăn nổi một cảm giác khoái lạc...
Tuyết biết một cách thấm thía là từ nay cái cảm giác tủi hổ ngấm ngầm đó sẽ chi phối cuộc đời nàng, sẽ hướng dẫn mọi hành động của nàng, và trừ khi nàng thủ tiêu được Kha, để xóa bỏ cái cảm giác rùng rợn đó đi, nàng sẽ mãi mãi bị lương tâm ám ảnh, khinh nhờn. Đột nhiên, Tuyết ngừng khóc, vụt ngồi dậy, mặc quần áo, nét mặt nàng trở thành cứng rắn một cách dễ sợ: Tuyết vừa có một quyết định, quyết định giết Kha bằng bất cứ cách nào.
Tuyết không kịp chải đầu, không dám nhìn hình bóng mình trong (gương). Nàng mở khóa cửa, bước ra sa- Lông, lặng lẽ đi ra cổng. Người đày tớ gái chạy ra, vồn vã, tươi cười:
- Thưa cô đã gặp ông chủ con?
Tuyết nhìn đứa đày tớ gái trừng trừng, định nhắn nó mấy câu chửi Kha, nhưng nàng thấy càng chửi thì càng tỏ thêm sự hèn nhát của mình. Nàng im lìm không trả lời.
Ra tới đường, Tuyết nơm nớp sợ Huyền còn đứng đợi mình đâu đó, thì nàng sẽ tủi cực đến chết, vì nàng sực nhớ những lời nàng hứa với Huyền trước khi ra đi: “Văn và Hổ... được trả tự do vàHuyền lấy Hải...”
Vừa về tới nhà, Tuyết vội vã hỏi người đày tớ gái xem Lượng về chưa. Khi được biết Lượng chưa về, Tuyết thở dài như trút được gánh nặng vì nàng chỉ sợ gặp Lượng thì nàng sẽ không biết nên nói dối Lượng, hay nói sự thực cho Lượng biết, mà dù nói dối hay nói sự thực cũng đều là khổ tâm cho Tuyết.
Tuyến nhìn lại cái hình Lượng bị nàng bắn thủng trước khi ra đi, lương tâm càng bứt rứt, xấu hổ, và lần đầu tiên, nàng cảm thấy thương Lượng đã đối xử với nàng cực kỳ chu đáo.
Tuyết lấy cái hình xuống, xé vụn, đốt cháy, rồi nằm dài, mắt mở to nhìn trần nhà. Thời gian từ lúc nàng bắn cái hình đến lúc nàng ở nhà Kha trở về, mới vẻn vẹn có hơn hai tiếng đồng hồ, mà Tuyết tưởng dài dằng đặc, và đời Tuyết chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã bước sang một khúc rẽ chưa biết đưa tới đâu.
...Mười phút sau, Tuyết uể oải đứng dậy, bảo người làm sửa soạn buồng tắm để tắm... Tuyết rửa sạch hết những nhơ bẩn mà Kha đã để lại trên da thịt nàng, nhưng Tuyết không dám nhìn thân hình của mình trong buồng tắm vì cái cảm giác nhơ nhuốc lại dằn vặt lương tâm mình.
Tuyết vội vàng tắm qua loa, rồi trở ra, thu xếp quần áo nhét vào “valy”, lấy giấy bút biên thư cho Lượng. Trái với bản tính ngỗ ngược của Tuyết, lời lẽ trong thư Tuyết gửi cho Lượng là những lời khiêm nhượng, nhẫn nhục của một người đàn bà đã biết thế nào là đau khổ.
Anh Lượng...
Anh tha tội cho em. Em vĩnh biệt anh mà không thể—không dám thì đúng hơn—gặp anh một lần cuối.
Nếu anh thật tình thương em, xin anh đừng hỏi em, đừng tìm hiểu vì sao em bỏ đi, và cũng đừng tìm em vô ích (em không về với thầy đẻ ra em đâu, anh có xuống thăm thầy em, cũng đừng vội cho biết tin là em đị..)
Một ngày kia—đời dù sao cũng còn dài—em sẽ tái ngộ anh và nói anh hiểu rõ tại sao em có quyết định như hôm nay.
Trong thời gian chung sống với anh, anh đã đối với em rất quân tử, đã giúp đỡ em và gia đình em nhiều, em biết em có lỗi với anh lắm. Nhưng ở đời, thương nhau là hết có phải không anh.
Em,
LÊ CHI TUYẾT
Viết xong, Tuyết đọc đi đọc lại cái thư, lòng ngao ngán, nước mắt nàng lặng lẽ trào ra. Chưa bao giờ Tuyết thấy thương Lượng như trong giờ phút này, nhưng nàng thương Lượng mà biết là không thể nào ở lại với Lượng được nữa. Lương tâm và lòng tự ái bắt Tuyết phải đi.
Từ trước đến nay, Tuyết đã có một vài hành vi mà dư luận hoặc luân lý có thể kết án, nhưng Tuyết không cảm thấy xấu hổ. Tuyết vẫn ngang ngược, ngạo nghễ sống, vì Tuyết cho rằng, ở vào hoàn cảnh của Tuyết, nàng có quyền, có bổn phận phải tranh cướp để sống, “miễn là lương tâm mình không trách mắng mình là đủ”. Tuyết thường tự nhủ như vậy. Thế mà lần này, không những nàng xấu hổ với lương tâm, mà còn cảm thấy ghê tởm cho bản thân mình, ghê tởm vì trong giờ phút nhục nhã, nàng bị Kha coi khinh như thú vật, nàng không ngăn cản nổi những khoái cảm của xác thịt.
“Trời ơi! Ta thật vô liêm sỉ”. Tâm hồn Tuyết lồng lên trong ý nghĩ xót xa đó, và nước mắt Tuyết lại trào ra, Tuyết nhìn căn phòng ghi dấu quãng đời ngắn ngủi làm vợ tạm bợ của Lượng và thấy lưu luyến muốn ở lại một đêm nữa, nhưng nàng sợ Lượng về, sợ Huyền, chiều tối sẽ đến thăm, thì nàng sẽ “ăn làm sao nói làm sao” với Huyền? Nàng đành gọi người đày tớ gái lên, đưa cái thư, dặn:
- Tôi đi vắng, có việc gấp, ít ngày nữa mới về, lúc nào ông về thì chị đưa cái thư này. Bất cứ ai hỏi thì cứ trả lời là tôi đi Đà Lạt...
... Người đày tớ gái đã mang va- Ly ra tới đường cho Tuyết mà Tuyết vẫn chưa biết nên đi đâu. Về với cha già thì lúc này Tuyết chưa muốn. Tới các nhà bạn thì lũ bạn Tuyết phần đông là những nữ sinh ngây thơ, sống trong khuôn khổ gia đình, không hợp với Tuyết; đến nhà Huyền, là người có thể hiểu Tuyết, thì Tuyết lại ngượng với Huyền. Chả nhẽ bỏ nhà tới khách sạn nằm! Tuyết tần ngần trong giây phút, rồi không biết nghĩ thế nào, Tuyết vẫy xe taxi bảo đến đường Gia Long, văn phòng luật sư Tháp...
Vừa trông thấy Tuyết, Tháp vồn vã tươi cười:
- Kìa chị Lượng! Thật hân hạnh quá. Nhưng chị làm sao thế?
Tuyết giật mình, tưởng Tháp đã “đọc” cả tội lỗi trên gương mặt mình.
- Không có sao đâu!
- Trông chị bơ phờ, lại không đánh phấn gì cả. Âu cũng là điềm lạ! Có phải không chị?
Tuyết sực nhớ là trước khi đi, trái với lệ thường, nàng quên không trang điểm. Nàng gượng cười:
- Ừ! Tôi quên khuấy mất cả... Cái mặt không phấn áp của tôi liệu có 'xí” lắm không anh?
Tháp ngắm Tuyết, gật gù khen nịnh:
- Trái lại, chị càng có vẻ tươi mát.
Rồi chàng cười, nói bằng giọng nhà tâm lý học:
- Nhưng đàn bà các chị, mà quên đánh phấn, chắc phải có biến cố gì dữ dội lắm!
Câu phân tích tâm lý của Tháp làm Tuyết tự nhiên thấy ghét Tháp. Tuyết nghiêm nét mặt, nói:
- Anh nhận xét đúng lắm! Chính vì vậy mà tôi đến đây để nhờ anh một việc, à mà hai việc...
- Chị cứ dạy!
Tuyết điềm nhiên:
- Tôi vẫn nghe anh Lượng nói, anh có cái “villa” để dành riêng co bạn bè đến “du hí”. Vậy anh có thể cho tôi mượn tạm cái “villa” của anh một đêm để ngủ... một mình không?
Một tia sáng “lợi dụng” vừa loè trong óc Tháp, nhưng chàng cũng vờ dẫm chân, vò đầu, nói:
- Chết chửa, tổ chức “bí mật” của bọn đàn ông, mà Lượng cũng nói cho chị biết... Thật tệ quá! Dù sao, thì chị dạy, tất nhiên phải tuân theo, nhưng chị đến đó ngủ, vẫn biêt là một mình, liệu anh Lượng có bằng lòng không?
Tuyết vẫn thản nhiên:
- Chẳng nói giấu gì anh, hôm nay tôi vĩnh biệt Lượng... Tôi muốn ngủ nhờ “villa” của anh một đêm với điều kiện là anh đừng hỏi tại sao tôi lại bỏ Lượng, và nhất là đừng cho Lượng biết tôi ngủ nhờ “villa” anh.
Nghe Tuyết báo tin bỏ Lượng, Tháp phải vờ sa sầm nét mặt để khỏi lộ ra mặt niềm thích thú của mình. Chàng làm ra vẻ buồn rầu, nói:
- Chị đã cấm không cho hỏi tại sao thì tôi cũng phải tuân. Nhưng tôi nghe chị nói mà buồn quá!
Tuyết mỉa mai trả lời:
- Thì ra đàn bà chúng tôi ích kỷ và nhỏ nhen hơn đàn ông. Riêng tôi, mỗi khi thấy một con bạn bị thất tình, tôi vẫn giả vờ khuyên giải, trong khi tôi nghĩ bụng: “Cho đáng kiếp”. Đàn ông các anh tốt và quân tử thật...
Tháp sượng sùng, ngó Tuyết. Chàng mở ngăn kéo, lấy ra một chùm chìa khóa, đưa cho Tuyết:
- Chì khóa “villa” đấy. Xin giao chị. Thế là xong điều thứ nhất. Còn điều thứ hai?
- Chắc anh biết chuyện ông Văn bị bắt. Ông Văn là thầy dạy học tôi và cũng do ông Văn, tôi mới biết ông Lượng. Cho nên tôi muốn nhờ anh xin giùm giấy phép vào thăm ông Văn ở khám Chí Hòa. Tôi có nhiều việc cần gặp ông ấy.
Tháp vội xua tay:
- Cái này thì tôi xin chịu, không làm vừa lòng chị được. Một là tôi không phải luật sư của Văn, hai là chỉ thân nhân của bị can mới được phép vào thăm bị can.
- Hôm nọ, tôi có hỏi ông Lượng, ông cho biết là người ngoài có thể đặc biệt xin phép vào thăm một lần. Trăm sự nhờ anh, anh tìm xem luật sư nào biện hộ cho ông Văn lo liệu giùm.
Tuyết nói khéo quá, nằn nì hết mực, khiến Tháp không còn từ chối vào đâu được. Anh đành trả lời Tuyết:
- Vâng thì cũng đành phải cố gắng giúp chi....
- Xin anh cứ gọi tôi bằng cô, cô Tuyết, vì tôi hết là bà Lượng rồi.
Tháp sung sướng:
- Vâng “giúp” Tuyết!
Rồi Tháp tiếp luôn:
- Ừ, mà gọi thế này có vẻ tiện hơn, chứ Tuyết còn kém chúng tôi nhiều tuổi, gọi bằng “chị” nghe già quá!
Tuyết cay độc:
- Ít tuổi nhưng biết đâu chả nhiều kinh nghiệm hơn anh. Nói để anh biết, Tuyết đã ba “đời” chồng rồi, mà nghe chừng anh mới có một vơ....
Mắt Tháp trợn trừng:
- Thực không? Tuyết mà ba đời chồng rồi?
Tuyết lừ lừ nhìn Tháp, không trả lời. Nàng nghĩ tới người đàn ông đầu tiên đã lợi dụng sự ngây thơ của mình, đến Lượng, mà hoàn cảnh khiến nàng trở thành vợ tạm bợ, đến Kha đã “hiếp” nàng trong một trường hợp đặc biệt do nàng tạo ra: cộng tất cả là ba người mà Tuyết đã “biết”. “Ba người chồng”!
Tự nhiên Tuyết thấy bực bội muốn tát cho Tháp một tát, nhưng nghĩ đến cái hèn nhát của mình khi phải để cho Kha hiếp, Tuyết nguội lạnh ngay. Đột nhiên, Tuyết hỏi Tháp:
- Giết người, tội có to không hở anh?
Tháp phì cười:
- Giết người thì dĩ nhiên là tội to! “Sát nhân giả tử” mà ly.... Và cũng tùy trường hợp. Ngày xưa cô Cúc giết ông Huyện Trường mà được tha bổng... Nhưng Tuyết định giết ai mà lại “hỏi luật” như vậy?
Tuyết sợ Tháp khám phá ra bí mật của mình về Kha, bèn nói lảng:
- Không! Tôi nghĩ đến đứa bạn bị tình phụ đang hăm trả thù... Nhưng tôi đi nhé. Tuyết tới ngay chỗ đó được không?
- Sao lại không! Tuyết đã giữ chì khóa thì nhà đó là nhà Tuyết!
- Cám ơn anh.
Tháp đưa Tuyết ra cửa, hỏi Tuyết:
- Nhưng chiều tối, tôi có thể lại thăm Tuyết được chứ?
- Nhà của anh, sao anh lại không có quyền tới? Miễn là anh cho xin một phòng riêng để Tuyết ngủ là được. Còn anh muốn làm gì thì làm.
Sắp bước lên xe, Tuyết còn dặn Tháp:
- À, mà anh rủ mấy người bạn đến đánh phé cho đỡ buồn! Tuyết muốn đánh bạc giải đen, xem sao.
- Tuyết cũng biết đánh phé?
- Ông Lượng dạy! Mới tập đánh, nhưng cũng theo đòi được các anh!
- Thế thì càng hay! Tuyết muốn tôi mời bạn trai hay bạn gái?
- Trai thì hơn! Nhưng phải là những người có tư cách đôi chút, đừng có thấy đàn bà thì “mắt la mày lét”, chán lắm!
Tháp vội cãi:
- Chết! Bạn tôi toàn là những nhân vật trí thức trong các giới... Đâu có hạng bậy ba....
Môi Tuyết hơi trề ra:
- Trí thức! Tôi biết các ông trí thức lắm! Aáy chết xin lỗi anh...
Tháp cười:
- Không sao!
Ngồi trên xe, Tuyết nhớ lại bộ mặt hí hửng của Tháp, lúc này chắc đang suy tính kế hoạch để nuốt chửng miếng mỡ “Tuyết” vừa tự dâng tới miệng con mèo “Tháp”. Ý nghĩ đó làm Tuyết tự giận mình, luôn luôn “ma đưa lối quỉ dẫn đường”, chỉ tìm những trường hợp oái oăm để lăn vào. Tuyết tự hỏi tại sao mình không về với cha, lại mò đến ngủ nhờ “villa” của Tháp, để phải tìm cách đối phó với Tháp. Kinh nghiệm nhục nhã với Kha cách đây vài giờ đồng hồ chưa làm Tuyết mở mắt sao? Sự thực thì sau sự thất bại đau đớn với Kha, Tuyết đến nhà Tháp không phải vì “ma đưa lối quỉ dẫn đường”, mà chính là do sự phản ứng của một tâm hồn vẫn chưa chịu thua đời. Sau cái nhục ở Kha, Tuyết tìm đến nhà Tháp là vì nàng chưa chịu đầu hàng, muốn vật lộn ngay một “keo” khác... Cho nên khi nàng lưỡng lự, định không tới nhà Tháp nữa, thì lòng tự ái, bướng bỉnh của Tuyết lại trỗi dậy: Tuyết tự nhủ: “chả nhẽ một ngày mà bị hai lần hiếp. Mà nếu con Tuyết còn bị đàn ông làm nhục một lần nữa, thì chỉ nên tự vận mà chết”!
Nghĩ vậy, Tuyết hết lưỡng lự, bảo xe đưa nàng tới đường Công Lý.
Biệt thự Tháp thuê làm “garconnière” chỉ có một “ả Xẩm” ở đó coi nhà và sai vặt. Ả Xẩm này ăn ngủ ở một nhà phụ thuộc, chỉ khi nào bâm chuông gọi, ả mới lên nhà trên.
Như một người thông thạo, quen biết từ lâu, Tuyết xông xáo đi xem hết buồng này đên buồng khác. Nàng chọn một buồng trên gác, ấm cúng, có đủ tiện nghi và nhất là có chìa khóa chắc chắn. Nàng bảo ả Xẩm xếp vali vào phòng cho nàng, rồi cho ả rút lui. Tuyết cởi áo dài, xuống phòng khách, vớ mấy quyển tạp chí ngoại quốc, có tranh ảnh, mang lên trên phòng, khóa cửa lại, rồi nàng lên giường nằm, định ngủ một giấc, chờ bọn Tháp đến đánh bạc. Tâm trạng Tuyết lúc đó là tâm trạng một người không muốn gặp ai, tiếp xúc với ai, nhưng lại sợ cô đơn, sợ phải đối diện, một mình với lòng mình, với lương tâm mình, cho nên Tuyết chỉ mong có người lạ đến để đánh bạc cho quên thời giờ.
Tuyết nằm trên giường, giở mấy quyển tạp chí ra coi, thì là mấy quyển tạp chí khiêu dâm, bị cấm, không hiểu Tháp đã soay sở cách nào mua được.
Tuyết giở mấy trang, nhìn những hình lõa thể trong đó mà tưởng như hình ảnh của chính mình cách đây mấy tiếng đồng hồ, khiến nàng vứt mấy quyển tạp chí xuống sàn, nàng úp mặt vào gối, nước mắt lại trào rạ..
Tuyết ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Mãi lúc Tháp gõ cửa phòng, Tuyết mở choàng mắt, ngơ ngác, hốt hoảng, nhìn gian phòng xa lạ, không biết mình nằm ở đâu, Tuyết phải vận dụng ký ức mới nhớ ra là mình ngủ nhờ trong biệt thự của Tháp.
Nghe tiếng đập mạnh, Tuyết rón rén đi ra phía cửa, hỏi cẩn thận trước khi vặn khóa:
- Anh Tháp phải không?
Tiếng Tháp trả lời:
- Dạ, Tháp đây.
Cửa vừa mở, Tháp chăm chú, tò mò nhìn Tuyết, nói:
- Tôi đang định phá cửa vào!
Tuyết giật mình, liên tưởng tới Kha:
- Sao lại phá?
- Vì Tuyết ngủ say quá. Tôi gõ cửa hai lần không thấy động tịnh gì... Tôi sinh nghi, tưởng Tuyết mượn nhà tôi để tự vẫn...
Tuyết phì cười:
- Tại sao anh lại tưởng tượng là tôi định tự vẫn! Chỉ có những đứa dại như chó mới muốn chết phải không anh?... Mà không hiểu sao, tôi ngủ không biết trời đất là gì cả. Tôi cũng không hiểu tôi ngủ được lâu chưa, và bây giờ là sáng hay chiều, ngày hay đêm?
- Gần chín giờ tối rồi! Tôi đưa mấy người bạn lại đánh phé như lời Tuyết dặn.
- Thế à! Họ đã tới chưa? Mà những ai vậy anh?
- Họ đợi cả dưới phòng khách. Chỉ có hai người: Lưu và Công.
- Lưu, Giám đốc trường Lê Lợi, hở anh?
- Đúng! Tuyết có quen không?
Tuyết lắc đầu:
- Tuyết, trước kia là học trò, làm sao quen nổi ông ấy. Nhưng vẫn biết tiếng! Nhà mô phạm mà cũng đánh bạc hở anh?
Tháp cười:
- Càng mô phạm, càng thích “tứ đổ tường' chứ!
- Thế còn ông Công là người thế nào?
- Công, cựu Bộ trường, Tuyết không biết sao?...
- Làm sao Tuyết biết được những người đó! Chỉ nghe ông ấy lấy vợ năm vừa rồi, đào đúng một cái mỏ bảy mươi triệu hồi môn phải không anh?
- Đúng đấy, nhưng Tuyết sủa soạn xuống kẻo họ đợi.
- Anh cứ xuống trước. Tôi sẽ xuống ngay bây giờ!
Tháp xuống nhà dưới, Tuyết trang điểm qua loa, rồi nàng thất thểu đi xuống, nửa như một con mẹ dại chỉ mong gây sự với mọi người, nửa như một thiếu nữ thất vọng vì tình, không đếm xỉa gì đến dư luận.
Ai ngờ thái độ, cử chỉ bất chấp thiên hạ của Tuyết chỉ làm tăng vẻ độc đáo của Tuyết, khiến cả ba gã đàn ông đều ngó Tuyết, rồi nhìn nhau!
Tuyết gật đầu chào cả ba người, nói luôn:
- Xin nhập cuộc luôn chứ?
Rồi nàng quay lại phía Tháp:
- Nhưng tôi không có tiền mặt mang theo, chỉ có “chèque”. Anh có thể cho tôi ký “chèque” mượn tiền của anh được chứ?
Tháp gật đầu:
- Được, Tuyết muốn lầy bao nhiêu cũng được.
Tháp vứt hai cỗ bài lên bàn. Tuyết ngồi bên Công. Công lơ đãng hút thuốc lá, hình như không để ý tới Tuyết, nhưng Tuyết biết Công đặc biệt chú ý đến mình.
Công, trước kia là một chiến sĩ quốc gia đã từng tranh đấu chống Cộng. Nhưng từ khi chàng ra làm Bộ trưởng, lấy vợ giàu, trẻ và đẹp, thì có lẽ chàng cho là cách mạng đã thành công đối với chàng, nên sau khi có vợ đẹp, tiền nhiều, chàng xin từ chức và chàng chỉ còn mưu tính vận động lấy một chức ở ngoại quốc để mang vợ con đi. Trong khi chờ cơ hội “tếch” ra ngoài, Công mang vợ đi nghỉ mát ở Đà Lạt, đi đánh phé và dịch sách trinh thám ngoại quốc...
Công, trước kia mải mê hoạt động, ít kinh nghiệm về đàn bà, nên trước những tâm hồn hơi lạ như Tuyết, trí tò mò của Công bị kích thích chẳng khác trước kia chàng hăm hở tranh đấu chống Cộng. Làm chính trị, đàn bà, đánh bạc, đó là ba cái thú của đời Công. Chàng nghỉ hoạt động chính trị thì đi đánh bạc, và khi có người đàn bà xen vào cuộc đời chàng, thì chàng lại quên chính trị và cờ bạc.
... Họ đánh “láng” hai chục ngàn. Mới vào, Tuyết chỉ đánh cầm chừng và trong khi đánh bạc, nàng vẫn không ngớt nghĩ tới Kha, nên cử chỉ, lời nói của nàng không những không lịch sự, mềm mỏng, mà đầy vẻ khiêu khích. Có một ván, Tuyết rút bài mà tâm trí để đâu đâu, nàng rút được cây “sất”, cây “tẩy” của nàng là cây “bạt”.
Công rút được cây “tây” và Công “đi tiền”. Tuyết không biết nghĩ thế nào, không những “theo” tiền mà còn “tố” thêm. Công có đôi “tây” líp, cười với Tuyết:
- Chắc cô Tuyết tẩy “sì”?
Tuyết cười bí mật:
- Nếu không tẩy “sì” thì lấy gì mà tố!
Lá thứ ba, Công rút được cây “tây” và Tuyết rút cây “sì”. Thế là Công có ba “tây”, hai “tây” mặt, và một “tây” tẩy. Chàng vui mừng thấy Tuyết rút được “sì”, vì chàng chắc mẩm Tuyết đã có đôi “sì”. Chàng liền tìm cách “thoòng” để Tuyết đừng bỏ. Chàng “đi” một số tiền nhỏ, nói với Tuyết:
- Đôi tây “mặt” vẫn phải sợ đôi sì kín!
Tuyết không lưỡng lự, theo tiền và tố thêm mười ngàn. Công nhìn Tuyết, cười hỏi:
- Vẫn biết là cô đôi sì. Nhưng đôi sì cũng phải sợ ba “tây” chứ?
- Ba tây thì cứ việc ăn. Tôi chỉ có tẩy “bạt”, chẳng có gì cả!
Lưu đã “quay” ván đó, ngồi ngoài phê bình:
- Nếu tẩy “bạt” mà tố ba tây thì chỉ có thể là... điên! Đôi sì của cô Tuyết lộ quá!
Tuyết cười bí mật:
- Thỉnh thoảng cũng cần điên một chút cho đỡ buồn phải không anh Tháp?
Công nhìn Tuyết. Chàng theo mười ngàn và hỏi Tuyết:
- Cô còn bao nhiêu?
Tuyết lạnh lùng:
- Chỉ còn độ bốn chục ngàn là tận láng.
Công định tố lại cả bốn chục ngàn, nhưng chàng sợ Tuyết bỏ. Chàng giả vờ suy nghĩ lung, rồi tặc lưỡi chỉ “theo” mà không “tố” lại.
Chàng vứt tiền ra bàn, nói với Tuyết:
- Hãy thử “theo” đôi sì một lá nữa xem sao?
Lá thứ tư, Công được cây “sất” và Tuyết rút cây “sì”. Lưu thấy Tuyết rút được sì, reo lên:
- Thế là ba tây bị với ba sì. “Thoòng” mãi đi, bồ Công!
Công nhìn đôi sì mặt của Tuyết, lắc đầu thất vọng. Tuyết bình tĩnh đếm nốt số tiền còn lại, vứt ra giữa bàn, vờ uể oải nói với Công:
- Đây còn bốn mươi hai ngàn, cạn láng cho rồi!
Công đã có định kiến vững chắc “tẩy” của Tuyết phải là tẩy “sì”, nghĩa là Tuyết có ba sì, nên chàng lật ngay cây bài tẩy của mình lên, phân vua:
- Ba tây thực đây! Nhưng một cắc cũng bỏ. Thôi nhường ba sì ăn!
Và chàng vứt bài lên đĩa. Tuyết nhìn Công, hỏi lại:
- Ông bỏ thật à? Còn rút một cây nữa cơ mà!
Công cương quyết:
- Tiếc rẻ gì nữa mà chả bỏ...!
Tuyết điềm nhiên vơ tiền, thủng thẳng nói:
- Tôi chỉ có đôi sì mặt là đôi sì mặt. Tôi đã nói tẩy tôi là tẩy “bạt”. Tôi không biết nói dối bao giờ...
Rồi nàng từ từ lật cây tẩy “bạt” của mìnhlên trước cái miệng há hốc của Lưu, cái cười khoái trá của Tháp, vẻ tưng hửng, mắc cỡ của Công!
Lưu tò mò nhìn Tuyết, gật đầu lia lại:
- Chịu cô thật. Thì ra khi anh Công có ba tây, cô vẫn chưa có đôi gì mà vẫn tố, vẫn húc bừa. Thế mà lại thắng! Trời đất nào hiểu cái “jen” của cô ra sao!
Tuyết vẫn lạnh lùng:
- Thế nào gọi là đánh phé. Ai “trộ” tài thì ăn tiền...
Tháp tán thưởng:
- Sống ở đời cũng rứa đấy. Đứa nào “trộ” tài thì sống. Nhưng thú thực là ở địa vị tôi, tôi cũng phải bỏ ván bài đó... Bụng dạ đàn bà khó lường thực, có phải không cô Tuyết?
Tuyết trả lời Tháp, những cũng là để răn mình:
- Cái gì cũng có thể lường được! Miễn là đừng chủ quan khinh địch!
Lời Tuyết nói như một bài học cho Công, khiến chàng cười nhạt, lĩnh hội bài học. Công muốn để lộ sự mắc cỡ ra mặt, nhưng thực tình là chàng rất cay, vì đã “thấp cơ thua trí đàn bà”. Chàng rắp tâm phục hận, nên nói với Tháp:
- Tưởng là đánh nhỏ mua vui nên không mang tiền nhiều. Anh Tháp lấy cho tôi mượn ba trăm ngàn.
Tháp sung sướng được có dịp đưa tiền cho Công. Chàng vội vàng mở tủ lấy ra ba trăm ngàn trao ngay cho Công:
- Đây anh lấy ba trăm ngàn đánh cho “đã”.
Tuyết biết Công đã đến lúc cay, cay không phải vì thua, mà là vì bị Tuyết “tháu cáy”, và Tuyết biết là Công đã nóng mặt. Tuyết nhìn số bạc ba trăm ngàn của Công, tự nhủ:
- Ước gì ta đoạt được cả số tiền của thằng cha này...
Tuyết biết giá trị vạn năng của đồng tiền hơn ai hết: Ngay trước khi khởi sự đánh bài, Tuyết cũng có một trăm ngàn đồng trong “valy” là tiền nàng để dành được từ khi lấy Lượng, nhưng nàng nghĩ chẳng tội gì mang số tiền đó ra đánh bạc, cho nên nàng đã khéo léo hỏi mượn tiền Tháp, để nhỡ thua thì nàng sẽ lờ đi không trả, mà được thì càng thêm chút vốn để vật lộn với đời. Tuyết không thèm tiền, nhưng sau hai cái tát nảy lửa của Kha, Tuyết thấy chưa bao giờ nàng cần phải có tiền, phải thật giàu bằng lúc này.
... Cho nên từ lúc Tuyết đã “tháu cáy” thắng Công ván bài, Tuyết đã bắt đầu đánh cẩn thủ để khỏi sổng tiền ra. Và cũng bắt đầu từ ván đó, Tuyết đã “đỏ” lại càng đỏ như gấc và rút ài là trúng “đôi”, trúng “ba” luôn luôn. Còn Công thì đã đen càng đen thêm, Công quên mất một qui luật rất tầm thường mà chàng vẫn giảng cho các “đồng chí” là trên chiếu bạc cũng như trong đời sống, lúc thành công thì đùa bỡn cũng thành công, nhưng lúc xuống dốc thì không khác kẻ sa lầy bãi cát, càng cựa quạy, càng vùng vẫy, càng thêm chôn chặt, chôn sâu xuống bùn lầy. Cho nên Công đánh ván nào với Tuyết là thua ván đó, và trong không đầy một tiếng đồng hồ, số bạc ba trăm ngàn đồng của Tháp cho mượn đã lần lần từ phía Công chuyển sang phía Tuyết. Mà Tuyết càng đánh, càng sắc nước, càng tài hoa, bay bướm. Khiến Lưu vốn là một anh trí thức thèm tiền, thèm “ăn người”, nhưng nhát gan và bần tiện, cũng đâm hoảng Tuyết, hễ ván nào phải đương đầu với Tuyết thì chưa chi đã ba chân bốn cẳng chạy cho mau, làm Tuyết nhìn Lưu, cười mỉa mai:
- Ông Lưu đứng điều khiển cả một tư thục to lớn mà xem chừng dễ mất tinh thần quá nhỉ!
Lưu cao có trả lời:
- Dễ mất tinh thần mà tôi cũng thua gần năm mươi ngàn rồi đó... Nếu táo gan với cô để mang tiền bón vào miệng cô à!
Thấy không khí đã có vẻ căng thẳng, Tháp đóng vai hòa giải, nói đùa Tuyết:
- Kể cô Tuyết đánh hay thực. Nhưng cũng đừng quá ham thắng. “Heureux au jeu, malheureux en amour”. Được bạc, thì thất tình. Sấm dạy không sai đâu!
Không ngờ lời nói của Tháp chỉ làm Tuyết nổi nóng, mắt long sòng sọc:
- Tôi chỉ cần “được bạc”. Còn “thất tình” thì... càng hay.
Tuyết vừa nói dứt, đã nghe thấy Lưu lẩm bẩm:
- Tiếc rằng không có Kha ở đây!
Nghe nhắc đến tên Kha, Tuyết lặng người. Có tật giật mình, Tuyết đinh ninh là Lưu đã biết “chuyện” nàng. Tuyết không kịp suy xét để hiểu rằng trong thời gian ngắn ngủi vừa qua, chắc chắn là Kha chưa gặp Lưu để kể chuyện. Nhưng chỉ ghe đến tên Kha, Tuyết đã mất bình tĩnh, nàng sừng sộ hỏi Lưu:
- Ông nói sao?
- Tôi nói tiếc không có Kha trong canh bạc này. Nếu có Kha thì cô không thể tung hoành như bây giờ. Cô biết Kha chứ!
Lưu vô tình nhắc đến tên Kha vì Kha vẫn nổi tiếng về cái lối đánh thâm độc, táo tợn trên chiếu bạc. Nhưng Tuyết cho rằng Lưu chửi xỏ mình, nên nàng choáng váng mặt mày, nghĩ tới hai cái tát của Kha vẫn còn nóng bỏng trên má nàng. Mặt Tuyết tái đi: nàng tìm bất cứ câu gì để trả đũa Lưu. Tuyết sực nhớ đã có lần Lượng kể chuyện Lưu đã tìm cách “tán” Huyền, khiến Huyền phải bỏ trường Lưu. Tuyết liền nhìn xoáy vào mắt Lưu, hỏi:
- Có phải Kha là người đã bị cô bạn tôi là cô Huyền tát không? Huyền thì chắc ông biết lắm, có không ông Lưu? Ông đã từng cho chị Huyền miễn phí đó mà!
Nghe Tuyết nói, Lưu biết Tuyết gây sự. Thuộc hạng trí thức hiếu hòa và sợ “scandale”, Lưu hiểu là không nên trêu chọc Tuyết lúc này. Vì vậy, Lưu chỉ ấp úng trả lời:
- Biết... Tôi biết!
Nhưng Tuyết vẫn chưa hết tức bực. Nàng hiểu là nếu nàng còn tiếp tục đánh nữa thì thế nào nàng cũng sẽ mất tất cả số tiền đã được. Mà bốn trăm ngàn đồng đâu có phải là một số tiền bé nhỏ! Tuyết nghĩ đến cha nàng, giá có đi làm phu xích lô năm nghìn năm cũng chưa kiếm được số tiền đó. Nàng nghĩ đến cuộc đời của mình chung qui cũng chỉ khổ sở, điêu đứng vì tiền. Và nàng rắp tâm, kiếm cớ nghỉ đánh. Nàng lặng lẽ đánh hai ván nữa, rồi đến ván thứ ba, nàng đột nhiên đứng dậy, điềm nhiên tuyên bố:
- Thôi chả đánh nữa! Chán lắm rồi!
Rồi nàng loay hoay điếm tiền, xếp vào “sắc”.
Công chưa kịp nói gì, thì Lưu thua đau, tiếc tiền, bèn hỏi giật giọng:
- Cô nghỉ thật à! Đâu có được!
- Tôi không thích đánh nữa thì tôi nghỉ, tại sao lại không được?
Công nhìn Tuyết:
- Nghỉ thì nghỉ! Thua được không thành vấn đề! Nhưng không khí đã mất vui, nên nghỉ là hơn...
Rồi Công đứng lên vươn vai. Lưu thấy mọi người sắp đứng lên, thì không giữ được phép lịch sự nữa:
- Đánh bạc thế này thì đánh làm chó gì! Vừa mất tiền, vừa mua cái bực vào mình vì chơi với trẻ con, ăn non!
Phản ứng của Tuyết thật đột ngột, chính Tuyết cũng không thể ngờ mình lại có thể dữ tợn đến thế. Tiềm thức luôn luôn xúi giục Tuyết tát Lưu để gửi cái tát về cho Kha. Cho nên Lưu vừa thốt câu nói, thì Tuyết đã sấn sổ tiến lại phía Lưu, nắm lấy cái “cravate” của Lưu, vít đầu Lưu xuống. Nhưng Tháp và Công đã kịp can thiệp, mỗi người nắm lấy một tay Tuyết, trong khi Tuyết vùng vẫy, bám chặt “cravate” của Lưu làm Lưu hốt hoảng, vừa giằng co với Tuyết, vừa kêu:
- Ơ kìa! Ơ kìa! Con bé này quá quắt lắm, vừa đánh trống, vừa ăn cướp...
Lưu nói hăng vậy, nhưng khi chàng thoát khỏi tay Tuyết, Lưu có cảm tưởng khoan khoái như vừa thoát nạn, vội rảo bước đến bên đi- Văng, đặt phịch người xuống, thở dốc ra. Còn Tuyết không tát được Lưu, nàng thấy khí uất đưa lên, nước mắt nàng trào ra và Tuyết chỉ ngón tay xỉa xói Lưu:
- Chính anh mới là đứa khốn nạn! Chính bọn đàn ông các anh mới là lũ khốn nạn, lũ chó má, đểu cáng, mất dạy!...
Tuyết sài cả một tràng tĩnh từ, khiến Tháp và Công bật cười, lắc đầu nhìn nhau.
Tháp, Công đều biết là Tuyết trái và Lưu bị ức, nhưng họ không khỏi thích thú ngầm khi thấy Tuyết làm dữ, áp đảo Lưu. Tuy nhiên, Tháp cũng làm ra vẻ khách quan, vô tư, nói xúy xóa:
- Kể ra thì hai người cùng nóng, cùng trẻ con... có phải không cô Tuyết. Thôi tôi đề nghị “hòa cả làng”...
Tuyết thừa biết là mình vô lý. Nhưng kinh nghiệm đã dạy Tuyết ở đời, kẻ nào làm “già”, biết uy hiếp tinh thần đối phương, thường bao giờ cũng thắng, dù là trái. Cũng như trong vụ Tuyết bị Kha làm nhục, chưa chắc Kha đã thực sự dám bắn Tuyết, nhưng vì Kha bản lĩnh cao hơn, trộ giỏi hơn, lắm thủ đoạn hơn, nên Tuyết đành thúc thủ... Bài học của Kha, Tuyết không bỏ phí và đã áp dụng để đối xử với bọn Lưu, Công, Tháp... Bọn họ là ba đấng trí thức lọc lõi trường đời, Tuyết thì đơn phương độc mã với một nhúm tuổi. Thế mà nàng vừa đánh trống, vừa ăn cướp, vừa lấy tiền của họ, vừa chửi cả “bọn đàn ông mất dạy”, mà họ cũng chỉ cười xòa.
Cho nên khi thấy Tháp phê bình mình, Tuyết không những không phục thiện, còn làm “già” vu vạ mạnh hơn:
- Sao các ông cho tôi là trẻ con? Tôi đánh bạc, tôi được bạc, tôi có quyền nghỉ, như thế là trẻ con à! Đánh bạc được, mà không ăn” non” mới là ngốc, mới là trẻ con! Có phải thế không?
Tuyết cãi hăng quá, khiến Tháp, nổi tiếng là một luật sư có tài, lúc đầu còn cho Tuyết trái, rồi cho hai người đều trái, bây giờ nghe Tuyết nói, lại thấy là Tuyết có lý và người trái nhất định là Lưu. Chàng gật gù tán thành Tuyết:
- Ừ, mà anh Lưu vô lý thật... Có giao hẹn đánh đến giờ nào mới được nghỉ đâu! Ai muốn nghỉ lúc nào thì nghỉ chứ!
Tuyết đã hết giận từ lâu, nhưng nàng vẫn cố làm mặt giận đêå đóng cho trọn vẹn vai trò của mình. Nàng hầm hầm đếm đủ số tiền mượn của Tháp, đưa trả Tháp, nói một câu “cám ơn” gọn và khô, nhét tất cả số tiền thắng vào “sắc” rồi nàng chào chung:
- Thôi chào mọi người! Tôi xin phép đi ngủ.
Nàng đi những bước mạnh lên cầu thang, như người vẫn còn giận dỗi. Lên hết cầu thang, trước khi vào phòng, Tuyết đứng yên nghe ngóng xem bọn Tháp có nói gì nàng không, nàng nghe thấy tiếng cười của Công nổi lên và giọng pha trò gượng của Công:
- Tưởng là “bò lạc” như ông Tháp khoe, ai ngờ đụng phải nữ quái kiệt...
... Tuyết rón rén đóng cửa phòng, khóa cẩn thận... Những nét căng thẳng trên khuôn mặt nàng, lúc này mới rãn ra, biến thành một nụ cười đắc thắng. Nàng khoái trá đếm lại tiền một lần nữa, khoái trá tưởng tượng bộ mặt thộn của ba gã đàn ông vừa mất tiền, vừa tẽn! Nhưng nụ cười đắc thắng của Tuyết héo ngay, vì Tuyết sực nhớ đến Kha để tự hỏi, biết đâu sau khi Kha đã chiếm đoạt nàng, Kha chẳng bước vào nhà trong, nở một nụ cười đắc thắng như nàng lúc này! Mà cái “thắng” của Tuyết so với cái thắng của Kha có vẻ hời hợt làm sao! Cái thắng của Kha đã in dấu vết, in hằn trên da thịt nàng, trong tâm hồn nàng. Yù nghĩ này làm Tuyết liên tưởng tới một ý nghĩ khác, một ý nghĩ làm nàng xây xẩm mặt mày. Tuyết thấy mặt bừng bừng, vì Tuyết vừa tự hỏi: “Nếu ta có bầu với Kha”?
Ý nghĩ này vừa nảy nở đã choán hết tâm trí Tuyết, xoắn vào đầu óc Tuyết, trở thành một ám ảnh ray rức. Không hiểu sao, Tuyết lại tin chắc là vì nàng bị cưỡng hiếp trong một trường hợp đặc biệt, với những xúc cảm mãnh liệt, nàng rất có thể thụ thai với Kha. “Trời ơi! Thụ thai với thằng khốn kiếp”.
Không thể nằm yên được, nàng vùng dậy, đi đi, lại lại trong phòng. Chân Tuyết dẫm lên mấy quyển sách tạp chí khiêu dâm mà lúc nãy Tuyết đã vứt xuống sàn.
Không biết đập phá cái gì. Tuyết nhặt mấy quyển tạp chí, nghiến răng xé ngang dọc, và từng tấm hình khỏa thân, từng bộ ngực, từng bộ đùi, bay lả tả xuống sàn, tưởng chừng Tuyết đang hủy hoại cuộc đời mình, đang phanh thây lóc thịt mình... Rồi Tuyết cầm lấy cái “sắc” đựng tiền, không buồn thay bộ đồ ngủ, mở cửa phòng đi xuống dưới nhà.
Ba người đàn ông vẫn chưa ngủ, còn ngồi uống cà phê, tán róc. Thấy Tuyết trở xuống, họ ngơ ngác chưa hiểu Tuyết có ý định gì, thì Tuyết lầm lì đề nghị:
- Nào đánh nữa! Đánh cho tới sáng, kẻo các anh lại cho là “ăn non!”
Ba gã đàn ông nhìn nhau, rồi nhìn Tuyết. Trong giây phút thác loạn tinh thần, từ ánh mắt, từ khuôn mặt, từ bộ đồ ngủ suồng sả, từ dáng điệu, cử chỉ của Tuyết toát ra một vẻ man rợ, khiến Công—cũng là một thi sĩ vào những giờ phút chàng không nghĩ đến chính trị, tiền và cờ bạc—ngắm Tuyết không chớp mắt và chàng tự nhủ: “Nếu không ôm được cái hỏa diệm sơn vào lòng để ngủ thì đời cũng lạnh lẽo lắm sao!”
Nhưng Công biết đối với những tâm hồn ngang ngược như Tuyết, muốn cho họ để ý tới mình thì không nên chiều theo ý muốn họ, mà phải đi ngược lại ý muốn họ. Cho nên, khi thấy Tuyết đề nghị tiếp tục đánh phé, Công thủng thẳng lắc đầu:
- Giá cô có hoàn lại cho tôi tất cả số tiền tôi thua, tôi cũng không đánh nữa! Và chúng ta nên đi nghỉ là hơn. Và lại, tôi nói điều này cô Tuyết đừng giận, hôm nay có nhẽ cô có điều gì mà quá xúc động, nên hơi thiếu bình tĩnh... Cô cần đi ngủ là hơn. Ngày mai, nếu cô rỗi, chúng ta lại đánh...
Quả Công tính không sai! Thấy Công cương quyết không chịu tiếp tục đánh nữa, Tuyết đành phải “xuống nước” nằn nì Công. Nhưng Công đã có chủ định, Tuyết nằn nì cũng bằng thừa... Không lay chuyển nổi Công. Tuyết thêm cáu và nàng bèn đổi chiến thuật. Trong lúc tâm hồn dang bị những ý nghĩ hắc ám rày vò, Tuyết vẫn không quên mình là một thiếu nữ đẹp, đầy quyến rũ, đứng trước ba gã đàn ông, bên ngoài đạo mạo, nhưng bên trong đều thèm muốn nàng. Trong ba người, Lưu là kẻ không đáng kể. Chỉ còn có Công và Tháp. Nàng liền nảy dụng ý khiêu khích Công bằng cách tỏ ý vồ vập với Tháp. Nàng nói với Tháp:
- Không đánh nữa thì thôi! Nhưng anh Tháp là chủ nhà, anh phải thức suốt đêm với Tuyết đấy nhé!
- Tuyết phải đi ngủ chứ! Thức suốt đêm làm gì?
- Để Tuyết nói chuyện! Thú thực với anh... Tuyết có nhiều điều bực tức như anh Công nói... Nếu ngủ một mình trong gian phòng của anh, có nhẽ Tuyết tự vẫn mất!...
- Chết chửa! Nếu thế tôi đành phải canh gác suốt đêm nay để cô khỏi tự vẫn à?
Tuyết cười tủm tỉm:
- Có nhẽ vậy!
Công tuy thông minh, nhưng mắc ngay cái mưu nhỏ của Tuyết:
Thấy Tuyết và Tháp thân mật với nhau, Công không khỏi “phẫn” và chàng vùng vằng đứng dậy, rủ Lưu:
- Thôi ta về chứ, anh Lưu!
Lưu vươn vai đứng dậy:
- Về thì về!
Thấy hai người sửa soạn về, Tuyết buột miệng:
- Ô kìa! Sao hai ông lại về? Hai ông phải ở lại chứ!
Công phì cười:
- Chúng tôi không đánh nữa thì dĩ nhiên là về. Còn nhiệm vụ canh phòng để cô khỏi tự vẫn là nhiệm vụ Ông chủ nhà... Đâu có phải của những người... thua bạc.
Tuyết rãy nảy một cách vô lý:
- Không được! Không được! Ba người nếu về thì về cả; ở lại thì ở lại cả. Nếu hai ông về, thì cả anh Tháp cũng về đi!
Nghe Tuyết đuổi Tháp, Công khoan khoái nhìn Tháp:
- Bây giờ lại đến lượt ông chủ nhà bị đuổi nốt... Nhưng liệu cô Tuyết có dám ở lại một mình không?
Giọng Công đầy thách thức, khiến Tuyết cười nhạt:
- Được rồi! Ba ông về cả đi. Tuyết không phải là người biết sợ ma đâu. Thôi “bonne nuit” cả làng. Tuyết đi ngủ đây.
Và Tuyết cầm “sắc” đi thẳng lên gác. Tuyết lên gần hết cầu thang, quay cổ lại nhìn, thấy Tháp cũng vừa đặt chân lên bậc cùng. Tự nhiên Tuyết thấy sơ.... Nàng rảo bước gần như chạy, vào phòng, đóng cửa, khóa cẩn thận. Nàng vừa khóa xong thì có tiếng gõ cửa:
- Cô Tuyết mở cửa cho tôi với!
Tuyết đứng bên trong cửa, ngực đập mạnh, cố gắng cười thành tiếng:
- Anh Tháp phải không? Có chuyện gì đấy anh?
- Tuyết mở cửa, tôi sẽ nói chuyện cho mà nghe.
- Anh tha lỗi cho Tuyết! Có chuyện gì, cũng xin để đến ngày mai. Bây giờ khuya rồi, anh cho Tuyết đi ngủ.
Rồi đề khỏi làm buồn lòng Tháp vì Tuyết biết mình còn cần tới Tháp, Tuyết dỗ khéo Tháp:
- Anh đừng giận Tuyết nhé! Chóng ngoan! Chứ bây giờ anh vào phòng Tuyết, bọn Công, Lưu ở dưới nhà sẽ rêu rao ầm lên là giữa anh và Tuyết có điều ám muội. Anh phải giữ tiếng cho Tuyết chứ!
- Nếu Tuyết không mở cửa thì tôi phá cửa tôi vào!
Nghe Tháp dọa phá cửa, Tuyết giật mình. Nhưng nhìn cánh cửa vững chắc, Tuyết biết có mười Tháp cũng không phá nổi. Tuyết cười ròn rã, trảlời:
- Anh nghe Tuyết đi ngủ cho khoẻ đê sớm mai nhớ xin giấy phép vào khám thăm ông Văn cho Tuyết, và chiều đi xi- Nê với Tuyết.
- Nhưng muốn có giấp phép, phải có mốt tấm hình và tên tuổi... Vậy Tuyết mở cửa đưa hình cho tôi chứ! Tuyết sợ gì mà không mở cửa. Tôi có ăn thịt Tuyết đâu!
Nghe Tháp dùng hai chữ “ăn thịt”, Tuyết lại thấy máu nóng bừng bừng trong huyết quản, và nàng phải cố trấn tĩnh để khỏi thốt những lời hỗn xược đối với Tháp:
- Hình và tên tuổi thì sớm mai Tuyết đưa. Bây giờ thì Tuyết van anh, xin anh hãy đi về cùng bọn Công, Lưu đi.
- Đã thế, ngày mai, tôi cũng chả hơi đâu mà xin giấy phép cho Tuyết nữa.
Sau câu nói “đổ quạu” là tiếng giầy của Tháp nện mạnh trên sàn. Tuyết mỉm cười lặng lẽ, vì nàng thừa biết là Tháp sẽ không thoát khỏi sự chi phối của nàng, và sớm mai, chắc chắn thế nào Tháp cũng tới lấy hình, tên tuổi...
Tuyết vừa lên giường nằm thì nghe thấy động cơ xe nổ dưới sân. Tuyết lắng nghe, phân biệt đó là động cơ nhiều xe chứ không phải một xe, và Tuyết đoán có nhẽ tất cả ba người chứ không phải một xe, và Tuyết đoán có nhẽ tất cả ba người đều bỏ về. Tuyết đã nói với Công là nàng không sợ ma nhưng bây giờ cả ba người đã về rồi, còn lại một mình Tuyết trong cái biệt thự vắng vẻ, Tuyết mới bắt đầu thấy rằng, lúc vừa qua, cái sợ “người” đã át cái sợ “ma”, nhưng bây giờ “người” đã về hết thì cái sợ “ma” lại trở lại với nàng. Tuyết trở dậy, mở khóa, đi rón rén ra đầu thang gác, nhìn xuống thấy ả xẩm đang thu dọn đồ đạc...
Tuyết thủng thẳng đi xuống, hỏi ả xẩm:
- Các ông ấy về cả rồi?
- Dạ, ba ông vào Chợ Lớn ăn mỳ, chắc không trở lại nữa, vì đã bảo con khóa cổng.
Tuyết lấy vội một tờ giấy hai trăm trong “sắc”, đưa cho ả xẩm:
- Tôi vừa được bạc. Đây cho chị, mai ăn quà.
Rồi nàng bảo ả xẩm:
- Chị thu dọn xong, chị lên phòng tôi, ngủ với tôi cho vui, kẻo tôi nằm một mình, sợ lắm.
Người ả xẩm được tiền, hí hửng trả lời:
- Dạ! Dạ! Cháu xin lên ngay!
Tuyết trở lên phòng mình. Nàng tưởng lần này, nàng có thể yên tâm ngủ được, nhưng nàng vừa đặt mình xuống giường, thì cái gương mặt khinh bỉ, ngạo nghễ của Kha lại hiện ra trong trí tưởng tượng của nàng... Khi ả xẩm mở cửa phòng bước vào, tay vác một chiếc chiếu, ý chừng để giải xuống sàn nằm, thì Tuyết nhỏm ngay dậy, bảo ả xẩm:
- Chị vứt cái chiếu ấy đi. Chị nằm chung giường với tôi...
Ả xẩm đành xếp cái chiếu vào góc phòng, rón rén nằm bên Tuyết.
Tuyết hỏi ả xẩm:
- Chị làm ở đây từ bao giờ?
- Thưa cô, đã được bần một năm.
Tuyết nhìn thân hình đầy đặn; bộ ngực chắc và đôi mắt lim dim, dâm dật của ả xẩm, đột nhiên hỏi ả xẩm:
- Có phải chị đã bị hãm hiếp một lần rồi không?
Ả xẩm trố mắt, ngơ ngác hỏi Tuyết:
- Sao cô biết?
Tuyết vẫn điềm nhiên:
- Biết chứ! Thế Tháp hiếp chị trong trường hợp nào.
Ả xẩm vội cãi:
- Không! Không phải ông chủ này, ông chủ trước của cháu cơ!
Tuyết thở ra, nhưng nàng vẫn tiếp tục hỏi:
- Nhưng làm sao mà ông ấy hiếp nổi? Chắc chị bằng lòng thì người ta mới hiếp nổi chứ?
Tuyết hỏi ả xẩm, nhưng sự thực chỉ là tự hỏi mình, vì đối với lương tâm, nàng phải chứng minh trường hợp bất khả kháng của việc nàng bị cưỡng hiếp, thì lương tâm mới chịu buông tha nàng. Câu trả lời của ả xẩm như gáo nước lạnh đổ lên đầu Tuyết:
- Da.... Da.... Mình cũng phải khứng chịu thì người ta mới hiếp nổi được!...
Tuyết nổi nóng, sừng sộ với ả xẩm:
- Chị này ăn nói lẩn thẩn, ngu ngốc quá! Đã gọi là hãm hiếp thì còn khứng chịu ở chỗ nào? Mà đã khứng chịu thì sao gọi là hãm hiếp!
Ả xẩm thấy Tuyết cáu kỉnh thì hoảng sợ, không hiểu mình đã thất thố cái gì. Ả im bặt, liếc mắt nhìn khuôn mặt giận dữ của Tuyết, chưa biết nên nói thế nào, thì Tuyết đã hỏi tiếp:
- Thế ngộ bây giờ có đứa nó chĩa súng vào mặt chị, bắt chị phải cho nó ngủ với chị, nếu không nó bắn, thì liệu lúc đó, có phải hoàn toàn bị ép buộc không?
Ả xẩm vội nhanh nhẩu trả lời:
- Dạ! Da! Cái đó là ép buộc hoàn toàn...
Ả xẩm là đứa mát da mát thịt, vô tư lự, nằm xuống là ngủ liền... Tối hôm nay, chịu chuyện được với Tuyết cũng là sự hạn hữu, nhưng mới được vài câu, ả đã thấy Tuyết nổi cáu thì chị nơm nớp lọ.. Chị vừa “dạ dạ” xong, thì vội quay mặt ra phía ngoài, nhắm mắt lại để khỏi phải tiếp tục “hầu chuyện” Tuyết. Chưa đầy một phút sau, Tuyết lại cất tiếng hỏi: “Chị hãm hiếp mà không thụ thai với nó sao”? Thì chỉ thấy hơi thở đều hòa của ả xẩm trả lời, khiến Tuyết càu nhàu, nói một mình:
- Con béo đã ngủ say như chết rồi!
Còn một mình Tuyết trằn trọc, hết nằm nghiêng tay mặt, nằm nghiêng tay trái, đến nằm úp, nằm ngửa mà vẫn không tài nào chợp mắt được. Nàng cố nhắm mắt thì những hình ảnh cuồng loạn cuộc ái ân miễn cưỡng với Kha lại hiện lên. Nàng đành mở mắt thao láo nhìn lên trần và nước mắt nàng lặng lẽ trào ra, lăn xuống gối. Tuyết cảm thấy rõ rệt là nàng không đủ can đảm, mang một mình cái bí mật đang đè chĩu trên lương tâm nàng, nàng phải tự giải thoát bằng cách thổ lộ bí mật đó với một kẻ thứ hai thì nàng mới có thể ngủ được, ăn được, sống bình thường như mọi người.
Nàng thấy trong tất cả những người nàng quen biết, nàng chỉ có thể thổ lộ với Văn. Tại sao lại Văn? Có lẽ Văn hiện nay cũng bị Kha hãm hại như nàng, và thổ lộ với Văn tức là thổ lộ với người “cùng hội cùng thuyền”. Tuyết biết, đối với Văn, nàng có thể dám nói tất cả, cả những ý nghĩ rùng rợn nhất...
Mãi tới bốn giờ sáng, Tuyết mới thiếp đi, tâm trí nàng chập chờn, nửa tỉnh nửa mê. Lúc nàng mở choàng mắt thì ả xẩm đã dậy, xuống dưới nhà từ lúc nào, và bên cái ghế, kế đầu giường Tuyết, đã thấy Tháp ngồi hút thuốc lá, ngắm Tuyết. Thấy Tháp, Tuyết vùng ngồi dậy:
- Anh đến từ lúc nào vậy?
- Được độ nữa giờ. Vì chín giờ, tôi phải có mặt ở Tòa, nên tôi tạt qua lấy hình và tên tuổi của Tuyết để xin giấy phép cho Tuyết.
Tuyết vội vàng mở “vali” lấy ra một tập hình lớn, nhỏ, đủ các cỡ, các kiểu của Tuyết, đưa cho Tháp:
- Đây anh chọn dùm Tuyết. Và nếu anh thấy cái hình nào không đến nỗi “xí”, thì Tuyết xin tặng riêng anh một cái, để tạ lòng anh giúp đỡ Tuyết...
Tháp chọn một tấm hình mà Tháp thích thú hơn cả. Tuyết biên vào sau tấm hình mấy chữ để tặng cũng chả lấy gì là “âu yếm”, nhưng cũng đủ làm Tháp hí hửng xách cặp từ biệt Tuyết, ra Tòa, và hứa chỉ trong hai tiếng đồng hồ, sẽ mang giấy phép về cho Tuyết.
Tháp đi rồi, Tuyết trang điểm qua loa, xuống nhà dưới, dặn ả xẩm:
- Tôi đi chừng mười giờ sẽ về. Nếu ông Tháp về trước, thì bảo dùm đợi tôi một chút.
Rồi Tuyết gọi taxi đi thẳng ra Việt Nam Thương Tín, gửi số tiền được bạc. Ở ngân hàng ra, Tuyết thấy chưa đến mười giờ, liền tạt về thăm cha già.
Vừa nhìn thấy gương mặt hốc hác của ông Phó, Tuyết thương cảm, muốn khóc, nhưng Tuyết trấn tĩnh ngay: nàng sợ ngồi lâu nói chuyện với cha, thì cha nàng sẽ hỏi lôi thôi nhiều chuyện, cho nên Tuyết làm ra vẻ vội vàng, hấp tấp nói với cha:
- Con tạt qua đưa thầy mười ngàn, thầy tiêu. Ít ngày nữa, ông Lượng đi Cao- Miên, con sẽ về ở với thầy.
Nàng đưa tiền cho cha, hàn huyên thêm một vài câu, rồi kiếm cớ hấp tấp ra đi.
Khi nàng trở về biệt thự của Tháp, Tuyết đã thấy người tùy phái của Tháp đợi nàng ở đó, đưa cho nàng một bức thư có kèm theo tờ giấy phép vào khám thăm:
- Ông “Trạng” tôi mắc cãi, nên cho cầm giấy phép lại để cô khỏi trông đợi...
Thấy có giấy phép, Tuyết mừng quýnh, quên cả đọc thư Tháp. Nàng bảo người tùy phái:
- Bây giờ gần mười giờ. Tôi phải đi ngay kẻo không kịp thăm buổi sáng. Nhờ ông trở về thưa dùm luật sư Tháp là tôi rất biết ơn luật sư và chiều nay tôi sẽ trở lại đây!...
... Thân nhân những người bị giam giữ ở Chí Hòa, vào ngày thăm nuôi, thường đến khám Chí Hòa từ sáng sớm. Cho nên khi Tuyết tới nơi, những người đi thăm nuôi, đã lục đục ra về. Ở phòng nuôi chỉ còn năm, bảy người đến chậm, đang ngóng giám thị tới thâu giấy phép chuyển vào văn phòng. Thấy một thiếu phụ mang thai sắp tới ngày sinh, ngồi thở bên cái rỏ nuôi nặng chịch, đầy quà bánh, thức ăn v.v... cùng đứa con nhỏ lên năm, Tuyết bèn lân la làm quen, hỏi dò mọi cách thức để lát nữa vào thăm cho khỏi bỡ ngỡ... Thiếu phụ chăm chú nhìn Tuyết, hỏi:
- Chắc ông nhà bị giữ, nên bà đi thăm?...
- Không! Người bị bắt là thầy dạy học tôi.
Thiếu phụ vừa nói tới đây, thì một viên giám thị cao lớn xuất hiện, lầm lì thu nhận các đơn thăm nuôi, rồi trở vào.
Tuyết và thiếu phụ im lìm chờ đợi.
Một nửa giờ sau, một người giám thị khác trở ra, ra hiệu cho mọi người theo ông ta. Tuyết lặng lẽ đi sau thiếu phụ, xuyên qua một đường hành lang ngòng ngoèo, tới một phòng rộng rải, ở đó các bị can đã ngồi chờ đợi. Tuyết đảo mắt nhìn khắp gian phòng, đã thấy Văn ngồi ở một góc tay mặt, đương dung dị hút thuốc lá và giơ ngón tay ra hiệu cho Tuyết biết chỗ mình ngồi.
Thấy Văn không những ăn mặc sạch sẽ, mà còn có vẻ “làm đỏm”, chải đầu, thắt “cravate” đàng hoàng—trái với thói quen giản dị của Văn—gương mặt hồn nhiên đầy đặn hơn khi ở ngoài đời, Tuyết tự nhiên thấy lòng hết xôn xao và nàng cười bằng cái cười “nữ sinh” nhất của nàng, đi lại phía Văn:
- Thầy!
Nhưng Văn vừa nhìn thấy Tuyết, đã vội hỏi:
- Tuyết làm sao vậy?
Tuyết ngơ ngác:
- Thầy thấy Tuyết thế nào?
- Sắc diện của Tuyết thay đổi nhiều quá, thâm trầm và hơi buồn, khác xa những lần trước thầy gặp... Sao thế Tuyết?
Tuyết vẫn cố gượng cười, ngồi xuống bên Văn:
- Lát nữa, con sẽ nói rõ thầy hiểu.
Nhưng Văn vẫn nhìn chăm chú Tuyết. Ra điệu sành về tâm lý, Văn hỏi Tuyết:
- Nếu thầy đoán không lầm thì hình như Tuyết có tin mừng, phải không?
Lời nói vô tình của Văn như một mũi dao đâm vào trái tim Tuyết. Tuyết không thể kìm nén cảm xúc được nữa, đành nhìn Văn, lắc đầu, nước mắt trào ra, khiến Văn hốt hoảng, cầm bàn tay Tuyết, hỏi:
- Sao? Có việc gì lạ thế?
Tuyết vội lau nước mắt. Sau cơn xúc động nhất thời, bộ mặt Tuyết đã trở lại rắn rỏi, tàn nhẫn. Tuyết cười tê tái, nói với Văn:
- Thầy đừng nói đến “tin mừng” thầy ơi! Sự thực là con không còn chung sống với Lượng nữa, mà nếu có tin mừng thì chỉ là với... Kha!
Văn tưởng mình nghe không rõ. Văn trố mắt nhìn Tuyết, không dám hỏi lại có phải Tuyết vừa nói đến Kha, hay ai. Chàng yên lặng đợi, và Tuyết nhìn Văn, bình tĩnh nhắc lại:
- Vâng, nếu có tin mừng thì chỉ là với Kha vì chiều hôm qua, con đã bị Kha cưỡng hiếp ở nhà hắn...
Văn lặng người... Văn lặng người không phải vì cái tin đột ngột của Tuyết, nhưng chính vì Văn mơ hồ cảm thấy hình như chàng biết trước câu chuyện sẽ phải xảy ra nếu Tuyết tìm đến Kha. Cho nên, nghe Tuyết nói, Văn không lộ vẻ gì ngạc nhiên. Văn kiên nhẫn đợi Tuyết kể tiếp... Và khi Tuyết đã rành mạch kể không bỏ sót một chi tiết nào, Văn trầm ngâm một lát, rồi nhìn vào đôi mắt sâu thẳm của Tuyết:
- Kể thì cũng là một việc không may. Nhưng nghĩ lại, thì chỉ là một chuyện rất tầm thường, hắn cũng chẳng làm nhục được Tuyết vì hắn phải mượn tới sức mạnh của khẩu súng để thỏa dục vọng, thì ta cũng nên thương hại hắn.
Tuyết lắc đầu nhìn Văn, nàng thu hết can đảm nói với Văn, vì Tuyết biết nếu không nói lúc này thì không bao giờ nàng có thể nói được nữa để giải thoát lương tâm mình:
- Nhưng có một điều con muốn thưa với thầy, là con tự cảm thấy xấu hổ, ngượng với lương tâm mình, con thấy tự ghê tởm cho bản thân mình, không phải vì chuyện mình bị cưỡng hiếp, mà là vì những cảm giác của chính mình, những cảm giác mà chính mình không tự ngăn nổi... Con nói thế, chắc thầy thừa hiểu... Con đau khổ không phải vì hắn làm nhục nổi mình, nhưng chỉ vì mình đã tự cảm thấy đáng xấu, đáng tởm...
Văn hiểu ngay và chàng thấy đau nhói. Văn không tự lừa dối mình được nữa. Một sự thực tàn nhẫn vừa sáng lóe trong tâm hồn Văn. Văn không thể nhầm lẫn: Cái đau nhói đó chứng tỏ một điều giản dị là Văn yêu Tuyết và ghen với Kha!
Vẫn biết Văn gấp đôi tuổi Tuyết! Vẫn biết Văn là thầy dạy học của Tuyết, Văn là gã chán chường, không còn yêu nổi ai nữa. Nhưng sự thực Văn không có cách nào khác để cắt nghĩa cái đau nhói ở phía tim mình... Văn hiểu rõ rệt nếu chàng gác được lương tâm và tự ái ra một bên, để thú thực với Tuyết tất cả, ngủ với Tuyết một tối, thì tất cả những mặc cảm của chàng sẽ được giải thoát và chàng sẽ sống bình thường như mọi người. Nhưng Văn hiểu thấm thía là chàng sẽ không bao giờ đủ can đảm thú thực với Tuyết, và dù Tuyết có trở thành một con đĩ chính cống chăng nữa, Văn không thể không coi Tuyết là một người nữ sinh, học trò của mình. Không phải là chàng quân tử, cao thượng! Văn hiểu hơn ai hết từ trước đến nay, chàng thất bại liên miên chỉ vì chàng còn vướng mắc nhiều mặc cảm của tiềm thức, khiến bao nhiêu hành động của chàng, bề ngoài là hành động sáng sủa của lý trí, nhưng bên trong vẫn bắt nguồn từ cái sống âm u của tình cảm bị dồn ép... bị giằng xé, giữa bản năng và lý trí, Văn suy nghĩ với lý trí sắc bén của mình, nhưng khi hành động thì bản năng lại lấn át, khiến Văn chồng chất mặc cảm trên mặc cảm, thất bại trên thất bại...
Trong khung cảnh gian phòng trại giam, Văn nhìn Tuyết, như thấy dâng lên tất cả nỗi niềm cay đắng của cuộc đời. Văn chậm rãi nói để khuyên giải Tuyết, nhưng kỳ thực là để tự an ủi mình:
- Tuyết tự rày vò mình làm gì thêm vô ích. Xác thịt và tâm hồn chúng ta thường vẫn không đi đôi với nhau... Nếu tâm hồn chúng ta không chi phối được những rung cảm của xác thịt, thì đâu có phải lỗi ở chúng tạ..
Lời Văn nói như cởi mở cho Tuyết bao nhiêu thắc mắc và Tuyết nhìn Văn, trìu mến biết ơn. Nàng thấy thanh thỏa như vừa trút được gánh nặng đè chĩu lên lương tâm, nhưng Tuyết không ngờ cái gánh nặng, nàng vừa trút lên đầu Văn, bắt Văn gánh dùm, vì từ cái phút mà Tuyết tự giải thoát khỏi cái bí mật của nàng, thì Văn lại bị âm thầm, bị rày vò bởi những ý tưởng mà chàng biết rằng, chàng không thể nói với ai hay tự giải thoát bằng cách nào...
Đột nhiên, Văn nhớ lại, đã có lần Tuyết nói đùa với Huyền là Văn “sợ Tuyết” và Văn đã phải đem những lời nghiêm trang, thành khẩn, giải thích cho Tuyết hiểu tính cách thiêng liêng của tình thầy trò! Thì ra Tuyết là đàn bà, hiểu bằng trực giác, nên đã nhìn thấy rõ gan, ruột Văn từ lâu, trong lúc Văn vẫn ù ù cạc cạc, tự dối mình... Văn chua chát cảm thấy người ta sống ở đời chỉ là đóng một tấn kịch, thủ một vai trò cho hết lòng hết dạ, còn con “người thực” của mỗi người thì mọi người đều đồng lõa không muốn phanh phui ra, vì con người “thực” thê thảm hơn con người “kịch”.
Văn lặng lẽ nhìn Tuyết: Hình như sau kinh nghiệm bão táp với Kha, Tuyết lại càng đẹp hơn, một thứ sắc đẹp quằn quại, như một buổi chiều nắng quai, vân vũ huyền ảo, không biết là sắp nắng hay sắp mưa, đương chiều hay sắp sáng, sắp đổi đời hay đã đến giờ tận thế! Tự nhiên Văn thở dài hỏi Tuyết:
- Bây giờ Tuyết định sao?
Trong giây lát, đôi mắt Tuyết loé ra một tia sáng lạnh như thép:
- Nếu Kha còn sống, thì mình cũng nên chết đi, cho đỡ nhục... Mình không diệt nó thì nó cũng diệt mình. Cho nên con nghĩ lúc này, con chỉ có một nhiệm vụ là... trả thù.
- Bằng cách nào?
- Bằng bất cứ cách nào!
Nghe Tuyết nói, Văn im lìm... Từ trước đến nay, tuy bị Kha hãm hại, trong thâm tâm, Văn không thấy oán thù Kha. Chàng vẫn coi cuộc đấu trí với Kha như một cuộc tranh hùng về thể thao, không hơn không kém... Nhưng khi Tuyết thú thực với Văn những cảm giác đè nặng trên lương tâm Tuyết, thì ghen hờn thực sự bắt đầu nảy nở trong tâm trí Văn. Cho nên, khi người giám thị thổi lên một tiếng còi, báo cho mọi người biết ba mươi phút thăm viếng đã chấm dứt, Tuyết vui vẻ nắm lấy tay Văn từ biệt, còn Văn thì trừng trừng nhìn Tuyết, rồi Văn chậm chạp đi theo người giám thị trở lại phòng giam của mình, với những ý nghĩ sát nhân trong đầu óc: vì bắt đầu từ giờ phút này, torng cô tịch của nhà giam, Văn sẽ đem trí thông minh và óc tưởng tượng dồi dào để nghiền ngẫm một kế hoạch tiêu thử Kha; một kế hoạch của một anh trí thức nằm trong tù mà chỉ huy điều khiển Tuyết để Tuyết dùng sắc đẹp, sức quyến rũ của mình lợi dụng bọn Công, Tháp, Lượng để khử Kha.
Văn lúc này mới chợt hiểu là căm hờn của con người nhiều khi bắt nguồn từ những lý do thật bần tiện, nhỏ nhen, nhưng sâu sắc, mà chính ta, ta không dám tụ thú, cũng như Văn căm hờn Kha không phải vì Kha đểu, vì kha dã man, tàn ác, nhưng chính vì Kha đã gây cho Tuyết những cảm xúc đê mê khiến Văn ghen tức...