Chúng ta đã học đến câu 13 của chương 3 trong bài học vừa rồi và đã thấy Bô-ô thề rằng ông sẽ làm công việc của một người chuộc sản nghiệp cho Ru-tơ. Nếu người kia không làm công việc của người chuộc sản nghiệp thì ông sẽ làm việc ấy. Ðây là một bảo đảm lớn cho Ru-tơ cũng như cho gia đình Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn. Dù cho việc gì có xảy ra thì sản nghiệp của họ cũng được tồn tại. Chúng ta cũng đã thấy lời hứa của Ðức Chúa Trời sẽ được ứng nghiệm liên quan đến sự cứu rỗi khi chúng ta đọc trong Hê-bơ-rơ chương 6 và Lu-ca 1. Có nhiều người lý luận rằng Hê-bơ-rơ chương 6 chỉ liên quan đến lời hứa về đất hứa tại xứ Ca-na-an mà thôi. Tôi xin đọc vài câu trong Giô-suê 21 để khẳng định một lần nữa đối với những người nghĩ rằng Chúa còn những lời hứa cho nước Y-sơ-ra-ên. Ðức Chúa Trời thật sự hứa ban một xứ cho dân Y-sơ-ra-ên và Ngài đã thành tín với lời hứa nầy. Giô-suê 21:41-45, "Thế thì, Ðức Giê-hô-va ban cho Y-sơ-ra-ên cả xứ mà Ngài đã thề ban cho tổ phụ họ. Dân Y-sơ-ra-ên nhận làm sản nghiệp và ở tại đó. Ðức Giê-hô-va làm cho tứ phía đều được an nghỉ, y như Ngài đã thề cùng tổ phụ họ, chẳng có một kẻ thù nghịch nào còn đứng nổi trước mặt họ. Ðức Giê-hô-va phó hết thảy kẻ thù nghịch vào tay họ. Trong các lời lành mà Ðức Giê-hô-va đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào là không thành: thảy đều ứng nghiệm hết." Trong lời công bố nầy Ðức Chúa Trời đã chỉ rõ rằng mỗi phần trong lời hứa mà Ngài đã hứa với Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp hay dân Y-sơ-ra-ên liên quan đến xứ Ca-na-an hay phước hạnh trên quốc gia Y-sơ-ra-ên đã được Ngài làm thành cả. Ðáng buồn thay cho đến ngày hôm nay có nhiều người nói rằng Ðức Chúa Trời vẫn còn hành động qua nước Y-sơ-ra-ên. Nếu bạn đọc hầu hết những sách viết về vấn đề nầy thì sẽ không thấy họ đề cập đến Giô-suê 21:40-45. Ðức Chúa Trời rất cẩn thận chỉ rõ rằng Ngài đã làm thành tất cả những lời hứa mà Ngài hứa với dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, trong những lời hứa mà Ngài đã hứa với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp liên quan đến đất đai, liên quan đến phước hạnh cho dân Y-sơ-ra-ên thì cũng có một phần rất sâu sắc tuyệt vời về tâm linh vẫn chưa được ứng nghiệm. Khi Ngài nói với Áp-ra-ham rằng ông sẽ là cha của nhiều dân tộc. Thực tế điều nầy không thể được ứng nghiệm trên nước Y-sơ-ra-ên vì nước Y-sơ-ra-ên chỉ là một quốc gia. Ðiều nầy chỉ có thể được ứng nghiệm trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là dòng dõi của Áp-ra-ham và trong Ngài những dân tộc sẽ trở nên con cháu của Áp-ra-ham. Chúng ta đọc thấy điều nầy rất hay trong Ga-la-ti 3:6, "Như Áp-ra-ham tin Ðức Chúa Trời, thì đã kể là công bình cho người, vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham." Kinh Thánh cũng biết trước rằng Ðức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: "Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước." Và trong câu 29: "Lại nếu anh em thuộc về Ðấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa." Ðây là khía cạnh thuộc linh trong lời hứa mà Ðức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham và điều nầy chỉ có thể được ứng nghiệm trong Chúa Cứu Thế. Khi chúng ta nói về khía cạnh thuộc linh thì chúng ta cũng phải nhớ rằng theo nghĩa đen sự ứng nghiệm về những ơn phước trên dân Y-sơ-ra-ên như Ngài đã tuyên bố trong Giô-suê 21 đã được Ngài làm thành tất cả. Lời hứa về thuộc linh cho Áp-ra-ham nằm trong đặc tính của nghĩa đen. Có một dòng dõi của Áp-ra-ham theo nghĩa đen qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta không phải dòng dõi thuộc về thể xác nhưng dòng dõi về thuộc linh. Thực tế, những tín hữu thật sự được sanh lại là con cháu của Áp-ra-ham qua Chúa Giê-xu. Phần sau của lời thề liên quan đến Ðức Chúa Trời trong việc thực hiện lời hứa của Ngài được nhìn thấy trong Ru-tơ chương 3 khi Bô-ô nói: "Ta chỉ Ðức Giê-hô-va hằng sống thề rằng chắc sẽ chuộc sản nghiệp nàng lại." Ðây là điều mà Hê-bơ-rơ 6:13-17 chép về Ðức Chúa Trời chỉ chính mình Ngài mà thề rằng Ngài sẽ làm thành lời hứa của Ngài. Câu 14, "Chắc ta sẽ ban phước cho ngươi nhiều và khiến hậu tự ngươi sanh sản đông thêm." Lời tuyên bố nầy trong Tân Ước để chỉ rõ về tính chất thật của sự cứu rỗi. Tiếp tục Ru-tơ 3:14, "Vậy nàng ngủ ở nơi chân người cho đến sáng." Chúng ta đã thấy trong bài học vừa rồi, đây là hình bóng về những tín hữu bị đóng đinh trong Chúa Cứu Thế. Nghĩa là chúng ta dự phần với sự chết, sự chôn và đồng sống lại với Chúa bởi vì Ngài trở nên tội lỗi vì chúng ta. Chúng ta ở trong Ngài khi Ngài gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Chúa Giê-xu là ngôi sao mai, Ngài phục sinh vào sáng Chúa Nhật là trái đầu mùa của những ai tin cậy nơi Ngài. Trong Ê-phê-sô 2:5, Ðức Chúa Trời nói về tính chất sự cứu rỗi của chúng ta, "Nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Ðấng Christ ố ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu." Chúa Giê-xu là sao mai đã sống lại, chúng ta cũng sống lại trong Ngài như chúng ta đồng chết, đồng chôn với Ngài. Chúng ta nằm nơi chân Ngài trọn đêm cho đến sáng. Bây giờ chúng ta đến một chữ rất buồn cười theo ý nghĩa thuộc linh dầu theo sự kiện lịch sữ thì không có gì là buồn cười. Trong câu 14 chép rằng: "rồi dậy sớm, trước khi hai người có thế nhìn biết nhau; vì Bô-ô nói rằng: Chớ cho người ta biết rằng có một người nữ vào sân đạp lúa." Theo bối cảnh lịch sữ thì rất có lý. Ru-tơ là một người đàn bà đức hạnh và chắc chắn là Bô-ô cũng là một người đàn ông đạo đức. Họ biết có những trò bịp bợm, nhưng đây là một đề nghị hôn nhân đáng tôn kính. Mọi sự đều hoàn toàn thận trọng, nhưng Kinh Thánh chép, "Bất cứ việc gì tựa như điều ác thì phải tránh đi" (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:22). Cả Bô-ô và Ru-tơ không ai muốn tỏ ra điều gì giống như điều dữ. Vì vậy lúc sáng sớm, trước khi có ai đó biết được thì ông muốn Ru-tơ phải rời khỏi đó để người khác không biết được là nàng đang ở trong sân đạp lúa, là điều rất dễ bị hiểu lầm bởi những người tại Bết-lê-hem. Theo sự kiện lịch sữ thì rất có lý nhưng nếu suy nghĩ về áp dụng thuộc linh của câu nầy như chúng ta đã học trong những bài trước, là mỗi câu, mỗi chữ đều có ý nghĩa thuộc linh sâu sắc lạ lùng. Chúng ta tự hỏi, Ngài muốn nói gì ở đây? Nếu nàng cung kính đề nghị một cuộc hôn nhân; nàng là hình bóng về những người đến với Chúa Giê-xu để cầu xin sự cứu rỗi, là những người muốn được nhận diện với Ngài trong kinh nghiệm thập tự giá không lẽ họ không muốn cho ai biết sao? Nếu chúng ta đến cùng Chúa Giê-xu và trình dâng tất cả tấm lòng mình cho Ngài không lẽ chúng ta sợ sự hiểu lầm về điều ác nào đó sao? Việc nầy hình như mâu thuẫn về tính chất thuộc linh bình thường như đáng phải có. Thật ra, hãy xem xét về sự cứu rỗi một cách vô tư. Khi một người thật sự được sanh lại, được nhận diện ở với Chúa Giê-xu, ai thật sự biết được giây phút đó? Trong trường hợp của Ru-tơ và Bô-ô sau đó thì cả làng sẽ biết rằng họ có ý định lập gia đình với nhau, nhưng trong giây phút nàng nằm dưới chân ông thì không ai biết được. Nói về thuộc linh, khi chúng ta được cứu, nằm dưới chân Ngài tại thập tự giá, được nhận diện với Ngài khi Ngài gánh chịu cơn thạnh nộ vì cớ tội lỗi của chúng ta, có ai biết chính xác giây phút đó không? Vâng! sau đó thì chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của ân điển Ðức Chúa Trời trong lòng của những người tin. Chúng ta sẽ thấy rằng người đó bắt đầu yêu mến Chúa và muốn vâng phục Ngài. Chúng ta sẽ thấy người đó nói với những người khác rằng người đó yêu mến Chúa và làm chứng cho người khác về sự cứu rỗi của họ. Vâng điều đó sẽ đến sau nhưng chính xác giây phút nhận được sự cứu rỗi không ai biết được. Tôi đã thấy điều nầy xảy ra trong đời sống của nhiều người. Lần đầu tiên khi tôi gặp họ, họ rất hoang mang, sợ sệt không hiểu đâu là lẽ thật. Sau đó họ bắt đầu dốc đổ lòng của họ ra trước mặt Chúa. Họ bắt đầu học Kinh Thánh và thông công với những con cái của Chúa. Chừng một hay hai năm sau khi chúng ta nhìn những người nầy thì chúng ta có thể nói một cách tin tưởng rằng: Tôi biết anh đó đã được sanh lại, tôi biết cô đó yêu mến Chúa và đặt hết sự tin cậy của cô vào nơi Ngài. Nhưng giây phút chính xác khi họ được sanh lại, khi Ðức Chúa Trời thật ban cho họ tấm lòng mới thì không ai biết được. Ðó là công việc biến đổi của Ðức Chúa Trời. Một cách bí ẩn Ngài làm việc nầy bằng phép lạ của ân điển Ngài trong lòng của người được sanh lại và ban cho họ một tấm lòng mới. Ngay trong trường hợp của sứ đồ Phao-lô trên đường Ða-mách bị ngã xuống, ông đã hỏi rằng: Chúa là ai? Ba ngày sau đó ông cầu nguyện thống hối trước mặt Chúa nhưng ông vẫn chưa được sanh lại cho đến khi A-na-nia đến với ông. A-na-nia là một thầy giảng ở thành Ða-mách vẫn còn phải bảo Phao-lô: "Hãy chờ dậy, cầu khẩn danh Chúa mà chịu phép báp têm và làm sạch tội lỗi mình đi." Ông vẫn chưa được sanh lại, tội lỗi của ông vẫn chưa được rửa sạch mặc dầu ông bắt đầu đối diện với Ðấng mà cả cuộc đời ông trước đó chưa bao giờ đối diện. Một thực tế về sự cứu rỗi liên quan đến vấn đề ai biết ai được cứu. Chúng ta nhìn xem thế giới Cơ đốc giáo ngày hôm nay và thấy rằng nhiều người nói rằng họ là Cơ đốc nhân. Trong giáo hội mà bạn đang đi cũng như trong giáo hội của tôi có nhiều người tự cho rằng Chúa Cứu Thế là Cứu Chúa của họ. Họ dự tiệc thánh, công khai xưng nhận đức tin, tham dự những buổi nhóm và sinh hoạt đều đặn. Gần như chúng ta có thể nói rằng họ được cứu, thật ra chúng ta không thể biết được ai được sanh lại. Chúng ta tin rằng có một số người nào đó chắc đã được sanh lại, nhưng chúng ta không biết chắc thật sự ai được sanh lại bởi vì chúng ta không thể thấy được lòng của con người. Trong thế giới gọi là Cơ đốc giáo có nhiều "tin lành" khác hơn là Tin Lành thật. Họ cũng dùng chữ Cơ đốc nhân, họ cũng nói về huyết của Chúa Cứu Thế nhưng theo định nghĩa họ không phải là Tin Lành thật. Tin lành của họ có thẩm quyền khác hơn là Kinh Thánh. Họ dùng Kinh Thánh là một phần thẩm quyền của họ nhưng họ cũng có thẩm quyền khác, cách khác mà họ nghĩ rằng Ðức Chúa Trời phán với họ một cách thiêng liêng. Vì vậy họ có một thẩm quyền khác, nhưng thế gian nhìn vào những người nầy trông giống như những Cơ đốc nhân. Dù sao thì chỉ vào ngày phán xét, lúc được cất lên không trung chúng ta sẽ được chứng tỏ rằng chúng ta được sanh lại hay không. Chỉ đến lúc đó cả thế gian sẽ biết rằng ai thật sự được cứu. Trong Ma-thi-ơ 7, Chúa Giê-xu nói về những tiên tri giả, những người nầy nói với Chúa trong ngày phán xét rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm công gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!" Trong cuộc đời của họ, chắc chắn họ được trông thấy như những Cơ đốc nhân mạnh mẽ trong Chúa, nhưng ngày phán xét đến thì họ chưa phải là Cơ đốc nhân bao giờ. Vì vậy cô dâu của Chúa Cứu Thế là người thật sự được sanh lại và được nhìn nhận trong ngày sau rốt.Chúng ta đọc trong Rô-ma 8:19, "Thật thế, muôn vật ước ao nóng nảy mà trông đợi con cái Ðức Chúa Trời được tỏ ra." Bởi vì lúc đó vũ trụ nầy sẽ được chuộc khỏi sự rủa sả và trở nên trời mới đất mới như chúng ta đọc trong Rô-ma nói về tương lai lúc Chúa Cứu Thế trở lại một cách đầy vinh hiển để gom nhóm những tín hữu thật đến cùng Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ðó là lúc sẽ biết được ai đã đến sân đạp lúa, "chớ cho người ta biết rằng có một người nữ vào sân đạp lúa." Những ai thật sự được sanh lại, có sự gặp gỡ với Chúa Cứu Thế trong đời họ, bất cứ sống vào thời điểm nào, họ đã được sàng sảy. Họ là những hột lúa được gom vào vựa, được gom lại ở với Chúa Cứu Thế Giê-xu, nhưng họ là ai, chỉ được biết khi ngày sau rốt.Trong sự gặp gỡ với Chúa Giê-xu, chúng ta không biết được ai là người được cứu. Có một người mà chúng ta cần phải xét đoán xem có thật sự gặp gỡ Chúa Cứu Thế chưa đó là: "TÔI". Mỗi người chúng ta cần phải nhìn lại lòng của chính mình. Tôi đã được sanh lại chưa? Tôi có phải là con cái của Ðức Chúa Trời không? Ru-tơ đã gặp gỡ Bô-ô và biết rằng Bô-ô sẽ là người chuộc sản nghiệp nàng. Cũng vậy, khi chúng ta trở nên được cứu, chúng ta có thể biết được trong lòng của chúng ta. Chúng ta không phải đợi cho đến ngày tận thế mới biết được chúng ta được cứu hay không. Chúng ta có thể biết được một cách chắc chắn rằng chúng ta đã được sanh lại nếu chúng ta tìm đến Chúa là Ðấng Cứu Chuộc của chúng ta giống như Ru-tơ đã đến cùng Bô-ô. Trong bài học học tới chúng ta sẽ xem xét một câu rất khó là câu 15. Bô-ô làm một việc mà chúng ta không biết rằng ông đang nghĩ gì. "Người lại nói: Hãy giơ ra áo tơi của nàng mặc, rồi nắm nó cho chắc. Nàng bèn giơ ra; người trút cho sáu đấu lúa mạch, biểu nàng đem đi; đoạn người trở vào thành." Ông làm việc nầy có ý nghĩa gì?