Bác Ký nói với thầy tôi: - Trông máu mặt chú, tôi biết. Thím thì đần. Mới có bốn mụn con nhưng chả nuôi nổi đâu. Tìm nơi nào thân cận, khá giả, cho bớt người ta hai đứa. Những ngày đi cắt tóc ở thôn Lãm Dương, thầy tôi đã tìm được người tốt, ấy là ông Phò. Ông làm thợ may. Ông hiếm con. Thầy tôi dẫn người con cả sang cho ông. Đến đúng mồng một Tết, anh Thư về chơi nhà. Trông anh khác quá, chúng tôi quấn quít quanh anh. Anh béo hẳn, xênh xang trong bộ quần áo mới. Cái quần trúc bâu trắng, cái áo cánh vải tân thời có kẻ dọc. Anh đi guốc. Anh khoe với thầy tôi: - Con đã biết máy rồi thầy ạ. Còn cắt thì đang học. Thầy tôi gật đầu: "Ừ, tốt đấy! Con cố lên, sau có nghề mà kiếm ăn". Tết xong, bác Ký đi chữa máy khâu ở tỉnh về, nói: - Tôi đã tìm được nơi tốt, ấy là ông bà Phán Lĩnh. Tùy chú. Chú cho thằng Thả hay thằng Khán cũng được. Rồi một sớm, anh Thả mặc bộ quần áo vá ít nhất, mới giặt hôm qua, thơm phức, chân đất lũn cũn đi theo thầy tôi. Được lên tỉnh, ai mà chả thích! Tối, thầy tôi về một mình. Mặt Người rười rượi. Mới vắng anh một ngày mà tôi nhớ quá. Chắc anh Thả xa nhà, lạ nước lạ cái còn buồn hơn. Mỗi lần đi lĩnh chẩn, thầy đều rẽ qua thăm anh Thả. Lần nào về, thầy cũng nói: "Thằng Thả níu đến rách vạt áo, đòi về, khóc lắm. Chả biết nó có chịu ở không?". Nghe thế, tôi và cái Bảng cũng sụt sịt khóc. Rồi một trưa, bỗng thấy anh Thả chui từ cổng vườn về. Trông anh lạ quá. Chúng tôi ôm anh mừng mừng, tủi tủi, lo lo. Mừng vì được thấy anh. Tủi vì thương anh. Lo vì thầy sẽ mắng. Anh vẫn mặc nguyên bộ quần áo vá, vẫn đội cái mũ chào mào dạ Tây. Hai cái mào anh xoay ngang sang hai bên trán, giống như hai cái tai mèo. Cái mũ rộng làm anh đã gầy lại choắt thêm, nước da tái nhợt. Mẹ đang đun bếp chạy ra, ngơ ngác: - Sao con về thế? - Con thèm vào. Con trốn đấy! Anh quay sang nói với chúng tôi: - Tao đếch ở tỉnh! Tối, thầy về, anh Thả trốn vào góc ổ rơm. Tôi theo dõi mặt thầy. Cái Bảng nhanh nhảu đoảng: - Thầy ơi, anh Thả về. Dưới ánh đèn dầu, nét mặt thầy bình thường. Anh Thả khẽ ngóc đầu nhìn trộm thầy. Thấy thầy im lặng, anh Thả khẽ ngồi dậy. Sớm lắm, thầy tất bật đi đâu? Chắc là lại lên ông bà Phán Lĩnh. Rồi một ngày. Một ngày đẹp lắm. Nắng ấm. Gió như ai quạt vào các lá tre. Thầy dẫn tôi đi. Tôi mặc bộ áo quần lành nhất. Cái quần chỉ vá mỗi miếng đít. Lần đầu tiên tôi được đi xa, nhất là được lên tỉnh. Qua làng Chiều, qua làng Vân Hợp thì tôi quen, nhưng từ Vân Hợp trở đi tôi lạ. Tôi cứ hỏi thầy ríu rít. Thầy bảo: ''Núi Ba Huyện. Làng Đại Tráng và bắt đầu đến tỉnh". Tỉnh có khác! Đường rải nhựa. Bao nhiêu dây thép rất cao cứ reo vu vu. Đầy hàng ăn uống. - Mời ông đem cháu vào xơi quà! - Mời bác vào ăn quà! - Mời chú vào ăn qu... à...! Ui chao! Thiên hạ tốt đến thế! Nhưng lạ quá. Cả hai bố con đều đói, mà thầy cứ lắc đầu từ chối. Lần đầu tiên thầy mua cho tôi rất nhiều kẹo. Kẹo vừng đầy hai túi áo. Tôi nhẩm bụng: "Ăn ít thôi, còn phải để phần đem về cho anh Thả, cái Bảng".Đã đến cái cổng to tướng, có hai cánh sắt. Đã đến cái nhà, có cửa kính. Một ông béo lắm, mặt quần áo Tây, đi giày đỏ. Một bà béo lắm. Khăn vấn trần. áo lụa dài. Chắc là ông bà Phán Lĩnh đây rồi, vì tôi thấy thầy: "Chào ông Phán, chào bà Phán". Bà Phán kéo ngay tôi vào lòng: - Thằng này thứ ba phải không? Tên cháu là gì?... Đôi tay mũm mĩm của bà xoa mãi lên đầu tôi. Mùi hoa gì thơm lừng nhưng lại hăng hắc. Tôi khẽ khịt mũi. - Thôi, con ở lại với ông bà. Thầy vừa nói xong, nước mắt tôi chảy ròng ròng. Thầy về, tôi chạy ra cổng nhìn mãi, nhìn mãi. Bụi, ngựa, ô tô đầy đường đã che lấp bóng thầy. Nghe bà Phán gọi, tôi giật mình vào nhà, đã thấy ba dứa trẻ nhỏ như tôi đứng trước mặt bà Phán. Bà nói: - Đây là anh Chừng, bằng tuổi mày. Đây là chị Hiếu kém mày hai tuổi. Nhưng mày phải gọi Chừng là anh, Hiếu là chị. Còn đây là cái Liên, hơn mày hai tuổi, đứa ở, cũng là nhà quê như mày. Nó phải mặc rách, nhưng mày là con nuôi được mặc lành. Cái Liên vào mở tủ, tìm ngay bộ quần áo cũ nhất của Chừng rồi đem cho Khán thay ngay. Tôi giặt quần áo phơi riêng ra. Bộ quần áo anh Chừng tôi mặc vừa vặn nhưng cái mùi nó mông mốc như mùi quần áo tầm tầm, không chịu được. Bà cho tôi đi đôi guốc đã bong sơn của anh Chừng. Mùi xào xáo thơm lừng như hàng ăn. Tôi xuống bếp, một bà già, mắt kèm nhèm không nói không rằng đang còm lưng lủi thủi thổi cơm. Bữa cơm chiều thật ngon! Những đĩa thịt thái mỏng dính. Nồi đồng điếu xinh xắn. Cơm gạo tám trắng đến lóa mắt. Mọi người cứ đơm lưng bát một. Tôi được ăn ba lưng, rồi bần thần đứng dậy, bụng như chưa được ăn, phải ngoảnh mặt đi, không dám nhìn mâm cơm. Bà nấu cơm và chị Liên phải ăn ở dưới bếp. Một ngày đã qua. Anh Chừng bắt tôi ngủ chung giường với chị Liên. Đêm, nhớ nhà quá. Tôi khóc thầm. Chị Liên cũng sụt sịt. Gà gáy ran nhưng còn tối. Anh Chừng thức giấc: - Ngủ gì mà ngủ ghê thế! Gọi như gọi đò. Dậy đi. Hai đứa đi nhặt lá bàng không chúng nó nhặt hết. Tôi bắt đầu thấy sợ anh Chừng. Anh mới có mười tuổi mà ghê gớm thế! Ông bà Phán chả mấy khi dọa nạt quát mắng chúng tôi. Hai chị em mang hai cái rổ sề đi. Ánh đèn "bin" của đồn lính khố xanh quét loang loáng nhòe cả mắt. Lá bàng khô, lá bàng vàng rơi lả tả. Có chiếc lao thẳng vào đầu chúng tôi. - Chị Liên ơi, nhà họ giàu thế mà phải đun lá bàng? - Lá bàng để làm nòm cho củi đấy! Lá bàng đã được phơi đầy sân. Nắng khô cong. Mồ hôi chúng tôi ròng ròng vuốt mặt không kịp. Góc sân, một bác cũng đứng dậy vuốt mặt. Bác đang bổ củi. Quần áo bác vá chằng vá đụp. Tôi sán lại: - Nhà bác ở đâu? - Ở làng Chu Mẫu gần làng cháu. - Gọi bác thì gọi bác tên gì ạ? - Dao. Bác quen thầy cháu, biết cả nhà cháu. Từ lúc ấy tôi vui quá và cứ tưởng bác Dao như bác ruột mình. Chiều nào bác cũng vác búa, rìu về làng. Sớm tinh mơ đã thấy bác. Làng bác xa quá. Đêm ấy, mắt tôi cứ cay xè, mở thao láo cho đến sáng. Sớm dậy, tôi đi tắm, giặt bộ quần áo mượn. Tôi mặc bộ quần áo quen thuộc của tôi. Tôi chạy đến gặp bà Phán, đánh bạo xin về. Ngày một, ngày hai không được. Ngày ba, tự nhiên bác Dao bỏ búa, rìu, bỏ bổ củi: - Cháu ơi! Bà Phán cho về. Dưng mà nhà đói lắm đấy! Bác dắt tôi về. Tiền đâu mà bác mua cho tôi bao nhiêu kẹo? Ra khỏi tỉnh, đường khó đi, bác cõng gọn tôi trên lưng. Bước thấp bước cao, chân giời cứ rập rình lên xuống theo mỗi bước bác đi. Bác đến nhà tôi bao giờ mà thạo đường thế! Bác vừa đặt tôi xuống cái sân vôi "cóc gặm" thì đã thấy anh Thả ngồi vắt vẻo trên tường: - A, thằng Khán về. Nhớn như cái sào chọc cứt thế mà để bác phải cõng! - Anh vui ra mặt. Tay anh cầm một đùm rau má rất to. Lạ thế, tự nhiên tôi lại thèm một bữa cơm rau má. Rau má được băm ra. Một hạt cơm cõng bao rau má. Nồi cơm xanh. Cả nhà ăn ngon lành. Tiếc thật! U mời mãi, bác Dao không chịu ở lại ăn cơm. Chắc bác đói lắm! Tối, thầy đi cắt tóc về. Thế là cả nhà chỉ thiếu anh Thư. Thầy bảo anh Thư chóng lớn lắm, phổng phao lắm. Anh Thư cũng đang đi làm con nuôi. Anh Thả và tôi cũng đã từng làm con nuôi!