Dịch giả: Nguyễn Nam Trân

Nguyên Tác: Tanizaki Jun.ichirô

Lời Người Dịch:
Sắn Dây Núi Yoshino (1930) được xem như một truyện của Tanizaki mà độc giả ngoại quốc khó lòng tiếp thu và làm khổ tâm người dịch không ít vì nó đầy dẫy chi tiết lịch sử, dã sử truyền thuyết dân gian và tuồng kịch mà ngay dân bản xứ có khi còn không nắm vững. Dầu vậy, theo gương can đảm của Anthony H. Chambers, người đã chuyển ngữ nó sang tiếng Anh (Arrowroot, 1983, Secker & Warburg, UK), chúng tôi cũng xin táo bạo làm việc giới thiệu Sắn Dây Núi Yoshino đến bạn đọc Việt Nam, một tác phẩm quan trọng hàng đầu trong văn nghiệp của Tanizaki. Đây cũng là một trong những tác phẩm mà ông đắc ý đắc ý nhất.
Sắn Dây Núi Yoshino giống dây mơ rễ má, cái nhau núm ruột nối liền một cá nhân với quê hương và kỷ niệm luyến tiếc nhưng cũng là sợi dây dẫn đường cho cuộc hành trình đi vào chiều sâu tâm hồn con người Nhật Bản như một tập đoàn. Nó còn đánh dấu điểm khởi hành của giai đoạn thứ hai (1930-1965) trong đời sáng tác phong phú của Tanizaki, khi ông từ bỏ lối thuật truyện khách quan hầu hết dựa trên đối thoại, để sử dụng một cách viết mới, hầu như độc thoại, tinh tế và chủ quan hơn. Nhiều người bàn đến ở đây ảnh hưởng cách hành văn của "tiểu thuyết tùy bút" hay "tùy bút tiểu thuyết" kiểu Stendhal trong tác phẩm L'Abbesse de Castro ( trong tập Chroniques Italiennes) mà Tanizaki đã có cơ hội dịch sang Nhật ngữ.
Trong Sắn Dây Núi Yoshino, Tanizaki vẫn đeo đuổi việc đi tìm hình ảnh Người Đàn Bà Lý Tưởng và Nước Nhật Truyền Thống. Người đàn bà lý tưởng, vừa là người tình và người mẹ, đã bàng bạc khắp các tác phẩm của ông, nhất là trong Nhớ về mẹ thương (Hahawo kouru no ki ), Mộng phù kiều (Yume no ukihashi) và Người mẹ của Tướng Shigemoto (Shôshô Shigemoto no Haha ). Còn về hình ảnh của nước Nhật truyền thống, thì trong hồi ký viết năm 1964, ông có đưa ra một ví dụ: "Nếu chỉ nhấp trà, ăn bánh ngọt, khoai nướng và trứng luộc, uống sake Masamune mà ngắm hoa anh đào sau mành trúc ở giữa Tôkyo!...Ta không thể nào hiểu được cái đẹp của hoa khi không biết gì về sự tích danh tướng Yoshitsune, Wakaba-no-Naishi, phu nhân Shizuka, Tadanobu, con chồn Genkurô [i], cái trống Hatsune và bộ áo giáp Hiodoshi...Anh đào ở Tôkyo không có gì huyền ảo. Khi tôi đi ngắm hoa ở các nơi danh thắng miền Tây, đã có lúc tưởng gặp lại được hồn ma của Wakaba-no-Naishi, phu nhân Shizuka [ii]... và thấy mình biến thành con chồn hay thành anh chàng Gonta để mà mê man đuổi theo sau tiếng trống, hồi còi".
Hình ảnh con chồn trong Sắn Dây Núi Yoshino cũng là một biểu tượng thần bí thường thấy trong văn học truyền thống Trung Quốc, Nhật Bản và chỉ riêng trong văn, kịch... của Tanizaki, ta đã có thể gặp nó nhiều lần.Thần Inari là thần lúa gạo, đem đến tài lộc, đã được đội lốt chồn. Chồn là con vật thông minh, tinh quái và rất gần gũi với con người. Đặc biệt con chồn trắng hoá thân làm người con gái tên là Kuzu no Ha (Lá Sắn Dây) thấy trong tuồng Nô và tuồng múa rối jôruri cùng nhan đề, đã bỏ chồng con để đi biệt tích khi gốc gác bại lộ (lúc Kuzu no Ha thật xuất hiện). Con chồn Genkurô cũng đã giả dạng Tadanobu [iii], người hầu cận trung thành của danh tướng Yoshitsune [iv] trong vở tuồng Yoshitsune Senbonzakura (Nghìn cội anh đào Yoshitsune), để được gần gũi mẹ nó mà bộ da đã bị người ta lột để căng làm tang trống.
Rặng núi Yoshino với ngọn Yoshino (cao độ 858m) có thể xem như thánh địa của dân tộc Nhật. Tên tuổi của nó đã được chép lại từ thời Cổ Sự Ký (Kojiki) và Nhật Bản Thư Ký (Nihon Shoki), hai cuốn sử thư tối cổ. Mảnh đất nầy từng chứng kiến việc thiên hoàng Tenmu (?-686) lẩn lút trong vùng lúc mưu đồ đoạt ngôi của cháu, mối tình tuyệt vọng đưa đến tự sát của hai vợ chồng trên núi Imose, cuộc đời lưu lạc của danh tướng Yoshitsune (1159-1189), phu nhân Shizuka, ái thiếp của ông, cùng những dũng sĩ tùy tùng, sự tồn vong của triều đình phương Nam do thiên hoàng Go-Daigo (1288-1339) lập ra. Yoshino còn là sân khấu của sự tích con chồn trắng phải chia tay với chồng con đã nói ở trên, giống như cuộc chia ly của bà vú Shigenoi với chàng Sankichi [v] khi bị giằng co giữa tình mẹ con và bổn phận, thấy trong các vở tuồng kabuki và jôruri.
Qua Sắn Dây Núi Yoshino, ta thấy lịch sử không phải là những chi tiết cứng nhắc do các sử quan chép lại theo lối biên niên. Có một loại sử khác mà dân gian đã sáng chế theo cảm tính, sự tưởng tượng và cả những lầm lẫn, dựa theo tuồng hát nhiều hơn là sự thật. Nó đầy tính hoang đường, hư cấu nhưng cũng giàu chất thơ biết bao nhiêu.
Người đọc cũng có thể nhận ra dễ dàng ảnh hưởng sâu sắc của Truyện Genji đến phong cách viết văn của Tanizaki, người rất mê và đã dịch (2 lần) tác phẩm nầy sang kim văn. Tsumura, anh bạn của Tanizaki trong Sắn Dây Núi Yoshino đã cưới người vợ mang hình ảnh của mẹ mình, như thể đem những mảnh vỡ của quá khứ để chắp thành hiện tại. Trong Truyện Genji, tác giả Murasaki Shikibu cũng khéo léo sử dụng yếu tố thời gian để dẫn dắt câu chuyện như khi đem cái bóng quá khứ trùm lên cuộc sống hiện tại các nhân vật. Hoàng đế Kiritsubo yêu Fujitsubo vì nàng giống người vợ mệnh yểu của mình, Genji cũng yêu nàng vì nàng giống mẹ chàng. Genji bị Murasakino Ue thu hút vì nàng là hình ảnh của Fujitsubo. Chàng ta lại tiến gần đến với Tamazakura vì nàng là hiện thân của Yuugao, mẹ nàng và người yêu cũ của Genji. Kaoru yêu Uji no Ôgimi nên đến khi gặp cô em khác mẹ Ukifune của nàng thì lại yêu luôn....Những mối tình vượt không gian, thời gian và thông qua các " đại diện " như thế cho ta thấy quá khứ, hiện tại và tương lai như giao thoa với nhau làm cho câu chuyện được tiếp nối một cách sinh động.
Nguyên tác được sử dụng trích từ tuyển tập văn khổ bỏ túi Sắn Dây Núi Yoshino. Truyện Lão Mù (Yoshino Kuzu - Mômoku Monogatari), do Shinchô Bunko xuất bản lần thứ 23 năm 1971. Người dịch có tham khảo bản dịch sang Anh ngữ đã nói ở trên của Anthony H.Chambers cũng như bản dịch sang Pháp văn của René de Ceccaty và Nakamura Ryôji (Le lierre de Yoshino, trong La vie secrète du seigneur de Musashi, Gallimard, NRF, Paris, 1987).