Quốc gia nào cũng có Lịch Sử. Ghi lại biến cố, ngày tháng, là loại biên niên thuộc dòng chính sử. Chính sử chẳng phải lúc nào cũng được ghi nhận khách quan. Những biến cố thường được tô vẽ theo những quan điểm thế quyền đương đại một khi có lợi, và ngược lại, bị lờ đi một khi bất lợi.Ngoài dòng chính sử, còn có phần lịch sử hình thành qua trí tưởng tượng, óc phán đoán, và cao hơn là sự cảm nhận từ quá khứ những vấn đề của con người và xã hội hiện vẫn tồn tại. Ở đây, biến cố lịch sử trở thành đối tượng đem soi dưới lăng kính chủ quan, nhào nặn lại để rồi, qua ngòi bút người viết, thành tiểu thuyết dã sử. Hiểu như vậy, không ai phủ nhận được phần trách nhiệm của những tiểu thuyết dã sử. Soi rọi vào những vấn đề nhân quần xã hội và thân phận con người trong quá khứ là một cách đi tìm sự sống tàng ẩn trong lịch sử. Lịch sử đó là lịch sử sống. Nó tạo được khả năng nhìn vào tương lai dưới một góc độ nào đó. Chỉ kể ra những biến động và sự cố, loại chính sử biên niên đơn thuần ghi lại lịch sử chết. Nó thường bịt ít nhất là một trong hai con mắt ta lại. Thậm chí, như Tocqueville có nói, nó là một phòng triển lãm tranh phần lớn sao chép vì rất hiếm tranh nguyên bản.Trong Gió Lửa, không gian là nước Việt Nam, thời điểm là buổi Trịnh tàn-Lê mạt vào cuối thế kỷ 18. Mọi nhân vật, kể cả những nhân vật mang tên có thật trong chính sử, vẫn là những nhân vật hoàn toàn tiểu thuyết. Tiểu thuyết là cách tác giả đối thoại với lịch sử. Tất nhiên đối thoại đó chỉ một chiều và chủ quan. Thậm chí tác giả không câu nệ bất cứ điều gì, kể cả đôi khi cưỡng bức lịch sử để thai nghén ra tiểu thuyết. Liên tưởng đến một không gian khác, một thời điểm khác, hoặc những nhân vật có thật trong thời đại này hay thời đại kia, là thẩm quyền của độc giả. Ðọc tiểu thuyết, trước tiên là để mua vui. Sau, dẫu chỉ đôi khi,tiểu thuyết dã sử lại tạo dịp đào sâu một số suy tư về quá khứ, hoặc đã tiềm ẩn, hoặc đang xung động. Những trang sử Việt Nam trên dưới năm trăm năm qua phơi trải chiều dài một cuộc nội chiến vẫn ám ảnh đâu đó như một thứ ác nghiệp đang còn rình rập ẩn náu chỉ đợi cơ hội là lại làm cho lệ rơi máu đổ. Tại sao? Dĩ nhiên, yếu tố tình cờ có, yếu tố khách quan có. Nhưng lịch sử vẫn là, nói cho cùng, sản phẩm của những con người suy tư và hành động trong một mẫu hình văn hoá nhất định. Vậy thì yếu tố nào trong mẫu hình kia là nguồn căn của những cuộc nội chiến mà ta là nạn nhân của chính ta? Năïn đất sét làm tượng Thành Hoàng, phải chăng chúng ta đã quì lậy thì thụp đến độ mê mụ để trở thành nạn nhân của những quyền lực do chính chúng ta cùng dựng lên, một khi, theo qui luật tồn tại, những quyền lực đó xung đột với nhau? Tránh cho cảnh lệ lại rơi máu lại đổ, không thể không đặt cả cái mẫu hình văn hoá đó lên bàn giải phẫu để suy ngẫm, hội chẩn và rồi cắt bỏ những phần nhiễm độc trong tâm thức. Chỉ có như vậy, tương lai mới phần nào rõ nét ngõ hầu hiện tại cưu mang được hy vọng để tiếp tục sống còn.Về phần những vấn đề đặt ra để suy ngẫm, tác giả xin hoàn toàn trách nhiệm, và hy vọng độc giả ở mọi nơi có sự đồng cảm.
Nam Dao
Iles de la Madeleine 17-7-1997Québec 21-10-1998