Nhật khẽ đẩy cánh cổng, lẳng lặng bước vào, lòng bâng khuâng. Sân gạch đỏ ẩn nhẫn sóng xoài dưới những giọt mưa tí tách rỉ rả. Cỏ ven sân mọc cao, trĩu xuống ủng nước, nằm xòa ôm lấy những mấp mô. Bước vòng ra bờ ao, Nhật đến gốc cây sung, dựa lưng vào, lơ đãng nhìn những gợn nước thoắt hiện thoắt biến theo những giọt mưa, khi nhỏ khi to, khi thưa khi nhặt. Một chớp mắt, đã hơn hai năm. Dinh Khương Tả hầu tàn phế như một người già trước tuổi, mái ngói uốn lượn vòng vèo theo những vết rêu phong ảm đạm. Hoang vắng đè xuống đám kèo cột ngang dọc vô hồn, lạc lõng. Thở dài, Nhật kéo chiếc áo tơi, nhẹ bước về căn phòng chàng đã ăn ngủ suốt gần một năm, hồi tưởng đến nào là Thức, là Mai, là Du. Rồi Tế Lý, Ðăng Khoa, và nhất là lão Hài, người lính già đã bị voi quấn lên rồi quật xuống trong buổi loạn Kiêu binh. Nước mắt rưng rưng, Nhật cắn môi, tay bâng quơ vuốt nhẹ vào vách nhà như vuốt vào một sinh vật. Bỗng có tiếng khụt khịt sau lưng. Nhật quay lại, tay để lên đốc kiếm như một phản xạ. Hóa ra là lão bộc, xưa sống thui thủi với cái bóng của chính mình, công việc chính hàng ngày chỉ có đun nước pha trà. Ðến gần Nhật, lão đưa cặp mắt toét nhèm, hấp háy nhìn lên, rồi mũi lại khụt khịt như thể đánh hơi. Nhật vừa cất tiếng thì lão reo nho nhỏ:- À, thì ra là Võ tướng quân...Ở lại dinh để « giữ nhà » như lão kể, lão sống một mình đã cả gần một tháng nay. Vừa nắm lấy tay Nhật, vừa run run, lão bảo:- Khương Tả hầu mang cả gia đình chạy lên Sơn Tây rồi... Giặc Quảng đã vào, nó cướp nước mình, Võ tướng quân nay chạy đâu?Nhật không nói, nhưng lão đã thấy cái tua đỏ buộc ở đuôi kiếm để phân biệt quân Tây Sơn. Lão im bặt. Giọng như khóc, lão cất tiếng:- Võ tướng quân nay mang giặc vào Kinh à?Không biết trả lời thế nào, Nhật đành im lặng. Ấm nước sôi, vung rung lên như gặp cơn sốt. Nghẹn ngào, lão bộc lấy trà tra vào ấm, động tác như một cái máy, nước mắt ứa ra chảy dài trên má. Nhật để tay lên vai lão, nhẹ nhàng:- Lão trách tôi à?Giật phắt tay Nhật ra, lão bộc đứng lên, mắt lại hấp háy một lúc, miệng ấm ức một điều gì không nói được thành lời. Thảng thốt, Nhật nhẩm lại những biến cố vừa qua, nhớ lại bao nhiêu đưa đẩy khiến chàng trở thành chỉ huy của đội du binh Tiền kích. Ngạc nhiên, chàng ngẫm lại những biến cố xô chàng đi tới, đi khôngtự chủ, thậm chí không mục đích. Lão bộc lại khụt khịt, đầu cúi xuống, thở than:- Thằng cháu nội duy nhất của già này vừa chết trên bến Tây Long... Võ tướng quân nhìn mà xem, mộ nó còn tươi đất...Nhìn ra góc vườn, một mô đất mới đắp nhô lên khỏi đám có dại, trên có cắm vài cây hương đã rụi. Lão bộc rên lên nho nhỏ:- Cháu già chết cho ai, cho cái gì?-...- Ðất này lắm Chúa lắm Vua. Họ bắt binh bắt lính đánh nhau, độc chỉ làm có cái việc giật qua giành lại uy này quyền nọ. Sinh mạng người ở đây nào khác gì con rận con rệp! Ôm mặt hu hu khóc, lão nghẹn ngào rống lên từng chặp:- Ối giời ơi là giời!Trong đầu Nhật, hình ảnh Nguyễn Huệ lại hiện ra với cặp mắt tóe lửa, miệng vênh lên ngạo mạn thách thức. Hai hôm trước, một viên tả phiên lỡ nhếch cười trong tang lễ vua Hiển Tông. Huệ nhác thấy, bắt lôi ngay ra sân chém vì tội bất lễ, nhưng mục đích là ra oai dọa dẫm. Hoàng Tự Tôn Lê Duy Kỳ và đám quần thần, mặt cắt không còn máu, quì run rẩy trong điện Kính Thiên. Huệ vờ khiêm nhường, nói:- Kẻ này vâng mệnh Hoàng huynh mang quân ra làm việc tôn phù đã xong. Ngày mai, làm xong việc tang tế của con rể muốn tròn đạo với bố vợ, thế là trung hiếu vẹn cả hai bề, kẻ này sẽ rút quân về nước.Ðám triều thần gập đầu vâng dạ, nhưng bụng mừng như mở cờ, vội chọn ngày đưa hài vị của Hiển Tông xuống thuyền. Huệ cưỡi voi, dẫn ba nghìn quân đưa ra bến, chờ cho lễ rước tử cung về đất tắm gội xong, bảo công chúa Ngọc Hân:- Ngày nay báo hiếu lại là gái, trong khi Tiên Ðế có đến hơn mười người con trai. Thế có phải là « nữ tắc môn my » không?Khẽ nghiến răng, Hân dập đầu xuống đất lạy tạ ơn, nước mắt trào ra, lòng lại nghĩ về cơ nghiệp nhà Lê. Huệ đỡ lên, Hân nghẹn ngào:- Tục ngữ bảo « trai không ăn mày vợ, gái phải ăn mày chồng ». Tôi như hạt mưa bụi ngọc, bay ở giữa trời, may được sa vào hầu hạ khăn lược ông lớn, thế là đủ cho tôi lắm rồi...Nhìn vào mắt Hân, Huệ bỗng thấy mình lớn bổng lên như một tên khổng lồ, ngồi trên mình con voi co chân dẫm xuống cả kinh thành Thăng Long. Từ em một tên ấp trưởng buôn trầu nguồn, Huệ đã thành phò mã Vua Lê, mặc sức vần xoay cả một Ðế chế, và tha hồ dầy vò cô công chúa tài sắc đang yếu đuối nép vào lòng mình tìm che chở. Hân lại thủ thỉ:- Ngày ông lớn về, cho tôi theo với, đừng để tôi lại tôi không chịu được đâu!Huệ cảm động, vòng tay kéo Hân xuống. Nàng công chúa nhắm mắt lại, đầu ngật ra sau, lòng chỉ mơ ngày quân Tây Sơn rút về Nam, trả cho nhà Lê những tấc đất Ðàng Ngoài đang hoảng hốt oằn mình dưới bước chân võ dõng. Tiếng khóc của lão bộc lại bất ngờ vang lên như có cơn, kéo Nhật về thực tại. Chàng tự hỏi: « Ta đang về đâu, đi đâu? ». Nhẹ nhàng, Nhật nhìn lão bộc, nói khẽ như nhận lỗi:- Tây Sơn sắp rút về rồi…Ðâu sẽ lại đấy, chẳng mất mát gì.Lão bộc cứ lắc đầu quầy quậy. Nhật buồn bã ra khỏi dinh Khương Tả hầu.Hai hôm sau, Nhật nhét vào hầu bao bốn lạng bạc mang cho người lão bộc. Gọi lão, không thấy trả lời. Nhật đi quanh tìm. Bước đến cây cổ thụ bên cạnh nấm mộ mới đắp, Nhật nhìn lên chạc cao. Lão bộc đã xé quần áo làm giây treo cổ, thân thể như một cái cành mọc dọc khốn khổ tìm về nơi an nghỉ. Tai Nhật lại văng vẳng: «... Ối giời ơi, là giời! »°Tin thám mã báo vua Tây Sơn đang trên đường đến Kinh nổ như một cú sét làm choáng váng cả một triều đình đang chờ ngày lên đường của Uy-dực Quốc công Nguyễn Huệ. Cho yết bảng ở cửa Ðại Hưng để an lòng dân, Huệ nhắc Hoàng Tự tôn Lê duy Kỳ sắm sửa để đón tiếp Nguyễn Nhạc theo đúng nền nếp Ðế vương. Quần thần nhà Lê ngơ ngác, không hiểu ý tứ người Tây ra sao. Lúc đó, Chỉnh lại xin ra mắt Tự Tôn, bàn là dâng ngọc tỉ và thảo biểu xin hàng, khiến ai nấy đều nao núng, và có kẻ đã mang cả vợ con chạy trốn khỏi Thăng Long. Rắp tâm lập công để Nhạc tha cái tội xúi bẩy Huệ xua quân ra Ðàng Ngoài mà không có lệnh, Chỉnh định tâm thu ngay cả Bắc hà về một mối bằng đầu môi chót lưỡi, chẳng tốn đến một mũi tên hòn đạn. Trong đám thần tử nhà Lê, có kẻ chống lại ý hàng. Việc cứ chùng chình nên đến ngày Nhạc vào Thăng Long mà chưa viết cho xong tờ hàng biểu. Hoàng Tự tôn sợ quá, tự ra đón ở phía Nam Giao, sai hoàng thần quì bên đường chào Nhạc. Nhạc giục ngựa đi thẳng, nhắn lại là xin cứ ngự giá về cung, ngày khác thong thả sẽ đến gặp. Thấy yên, không còn ai bàn thêm về việc hàng, bọn quần thần bụng lại càng ghét Chỉnh.Huệ thân chinh ra cửa ô đón Nhạc, tạ tội đã tự chuyên kéo quân ra Thăng Long, nhưng không giấu nổi người anh ruột thịt sự kiêu ngạo, nhất là khi Huệ mang Ngọc Hân ra chào. Nhạc bảo:- Em vua Tây Sơn làm rể vua nước Nam, môn hộ kể là xứng, người thế này đáng là em dâu nhà ta.Ðến tối, Huệ sai quây màn ở điện Chính Tâm, còn tự mình lui xuống ngủ ở Lân Các. Nhạc gọi con rể là Tả quân Vũ Văn Nhậm vào hỏi riêng một số chuyện, miệng tấm tắc khen Huệ là quyền biến. Hôm sau, vừa gặp Huệ, Nhạc hỏi ngay, giọng cố làm ra tự nhiên:- Chú đưa nộp ta binh phù.Tia lửa trong mắt Huệ thoáng rực lên, nhưng tắt ngay khi Huệ cả cười, đáp:- Anh chẳng cần hỏi, Huệ này cũng đã nghĩ đến trước, sẵn đây xin dâng lại.Nhạc liền gọi cả Nhậm và Chỉnh vào hỏi việc quân. Cách sắp đặt cơ ngũ thay đổi quá nhiều, nhất là trong thủy binh dưới quyền Chỉnh. Nhạc cười xòa, lờ đi, nắm tay hai võ tướng khen ngợi không tiếc lời.Hôm sau, Huệ sai bầy phủ đường rước Hoàng Tự tôn sang. Ngồi ghế giữa, Nhạc nhìn vị Hoàng tôn, miệng hỏi:- Tự Hoàng xuân thu được bao nhiêu?Một viên trọng thần đáp, rồi nói tiếp:- Thánh thượng là bậc từ nhân, đại nghĩa đã vì đấng quốc quân chúng tôi chỉnh đốn lại nếp hoàng đồ. Nay, nước Nam là do ngài gây lại, nếu sẵn lòng thu nhậân một vài quận quốc để khao thưởng quân sĩ đã ra công hãn mã thì đấng quốc quân chúng tôi xin vâng mệnh.Nhạc trợn mắt, đáp ngay:- Tôi vì giận cường thần áp Vua, nên ra đây làm việc tôn phù. Nếu là đất của họ Trịnh, một tấc tôi cũng không để, nhưng là đất nhà Lê thì một tấc tôi cũng không lấy. Yên ả cho bốn phương bình định - quay sang nhìn Huệ, Nhạc rành mạnh - anh em tôi lại về nước tôi. Mong sao Tự hoàng nhức nhổ rường mối triều đình, để cùng nước tôi đời đời kết nghĩa láng giềng, thì đó là phúc của hai nước.Viên trọng thần rập đầu, thay Tự tôn, ấp úng nói:- Thánh thượng mở lòng giúp đỡ, ơn ban cho thật là vô cùng. Quốc quân chúng tôi xin giữ lễ lân bang không bao giờ dám sai trái.Lên kiệu về cung, Hoàng Tự tôn sai triều thần vào phủ Chúa chào Nhạc. Nhạc nhìn một lượt, hỏi:- Tôi đột nhiên ra đây, các ông có ai ngờ dạ tôi không?Không đợi trả lời, Nhạc tiếp:- Ai ngờ, kẻ ấy là ngu. Tôi nếu tham nước Nam, dẫu có lấy ngay, thì đến đời con cháu tôi liệu có giữ được không? Chẳng bao lâu, anh em tôi về. Các ông nên phò Vua, giữ yên bờ cõi, hai nước kết nghĩa láng giềng, cùng hưởng thái bình là phúc chung cho thiên hạ...Các quan lạy tạ, lại nghe Nhạc nói:- Tôi nghe nước ông có ông Nghè là quí lắm. Các ông có phải là ông Nghè không? Tôi sẽ xin với Tự hoàng cho năm ba ông theo tôi về dạy người nước tôi, các ông có đi không?Các quan lại phủ phục, lí nhí xin tuân mạng, không hiểu anh em Tây Sơn có ý định gì. Riêng Chỉnh, Chỉnh rất ngại vì biết rõ tâm địa Nhạc và tham vọng của Huệ. Nếu quả thật Nhạc về tay không, thì đó là cách Nhạc dùng để tước đoạt thắng lợi của Huệ, sợ cứ để thì uy thế của Huệ như nước vỡ bờ ào ra nhận chìm cái đế vị của Nhạc mà trên thực tế chỉ là làm chủ được thành Qui Nhơn. Trong trường hợp đó, Nhạc làm sao quên được Chỉnh đã xúi bẩy Huệ mang quân ra Bắc Hà? Còn phần Huệ, Huệ sẽ chẳng ngần ngại gì mà không thí Chỉnh cho Nhạc an lòng, thừa biết là dẫu có dùng Chỉnh, Nhạc xưa nay vẫn coi Chỉnh là kẻ giảo quyệt, lúc nào cũng để ý giá ngự. Và Nhạc sợ để Chỉnh dưới trướng Huệ, vì thế thì có khác gì vuốt móng cho cọp? Tối hôm đó, Chỉnh vào cung Vạn Thọ, tâu với Tự hoàng:- Tôi đem anh em hắn ra là chỉ để tôn phù, việc đã xong, nay tôi xin ở lại. Anh em hắn về, thì Nghệ An là phên dậu của xã tắc. Vậy xin bệ hạ cho tôi vào đó trấn thủ, mặt Nam tôi xin đương hết.Hoàng Tự tôn lẳng lặng nghe Chỉnh nói. Nghĩ đến việc Chỉnh giục triều đình thảo hàng biểu cách đây mới vài hôm, Tự tôn không dám trả lời, chỉ nói qua loa cho xong chuyện.Chỉnh ra khỏi điện Vạn Thọ. Ngửng lên nhìn bầu trời dày đặc những vì sao lóng lánh, Chỉnh căng mắt tìm ngôi bãn mệnh mình. Mím môi, Chỉnh lẫn vào trong bóng đêm, lặng lẽ dò dẫm như một con sói tìm đường sống trên bờ tai họa.°Ngọc Hân gọi nhũ mẫu vào Lân Các. Nhũ mẫu nuôi Hân từ ngày lọt lòng, đầu gối tay ấp thay cho mẹ đẻ ra Hân đã lìa dương gian khi Hân vừa dược năm tháng. Mắt nhìn van xin, miệng ngọt ngào, Hân nhắc đi nhắc lại:- Già vào với bé, bỏ bé một mình sao được? Phú Xuân nào có xa gì? Nhé, già nhé!Biết là nhũ mầu còn lo cho gia đình, Hân đưa vào tận tay một gói bạc bọc bằng lụa điều, tiếp:- Già mang về nhà, hôm sau già lại vào đây...Còn một mình, Hân đứng dựa song cửa, thẫn thờ nhìn xuống khu vườn sau Lượng Phủ. Những cành thược dược xưa nhởn nhơ nay sũng nước chúi đầu xuống đất, chẳng khác gì đám quan lại nhà Lê đang thấp thỏm đợi chờ một biến động chưa ai hình dung ra nổi. Tiếng trống điểm canh bỗng rền rĩ ngân lên ảo não, xua những con quạ giật mình quang quác kêu lên. Hân bồn chồn, chỉ muốn sang cung Vua. Nhưng Huệ đã dặn, cấm không cho đi đâu. Tại sao? Mấy hôm nay, quân « đầu đỏ » cấm trại, đường phố vắng hẳn, hàng dân xì xào to nhỏ. Ðúng là Huệ và Nhạc đang rục rịch lên đường. Ít ra anh em hắn cũng phải thông báo cho triều thần và Hoàng Tự tôn để sắp lễ tiễn hành cho đúng nghi thức. Lại nữa, chỉ hai ngày tới, Hoàng Tự tôn dự định đặt triều để giáng chiểu chỉ đổi niên hiệu là Chiêu Thống. Nhưng không hiểu sao Huệ và Nhạc vẫn im lìm. Riêng Vũ Văn Nhậm tất bật ở trại quân.Từ ngày Nhạc đến Thăng Long, Chỉnh không còn dính gì nhiều đến việc quân sự, hiện chỉ còn lũ người nhà cùng ở với mình ở chùa Thiên Tích. Sáng sớm hai ngày sau khi Chỉnh đưa Nhạc vào làm lễ trong Thái Miếu, Nhạc vời Chỉnh vào, bắt ngồi một bên. Nhạc hỏi:- Tây Sơn về, Bắc hà sẽ ra sao?- Bắc hà? Triều đình nhà Lê thành phỗng. Phỗng rỗng ruột, thưa Thánh thượng. -...- Ðầu tiên, bọn Dương Trọng Tế ở bên Gia Lâm sẽ mang quân về Kinh. Thứ là Trịnh Lệ ở Văn Giang sẽ kéo về cướp lại ngôi Chúa. Tế không thể chống nổi, sẽ hàng Lệ, lập công.- Rồi sao nữa?Chỉnh trầm ngâm:- Bọn Ðinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ cũng sẽ kéo vào Thăng Long. Chúng có phù Trịnh không, ta chưa thể biết.Cầm cái ống nhổ đưa lên, Nhạc thò mồm vào khạc đờm. Chiêu một hớp nước, Nhạc vu vơ:- Ðể ông bao nhiêu binh thì ông giữ được nước cho vua Lê? Chỉnh lòng rúng động, nhưng sợ, không dám trả lời ngay vì chưa rõ bụng Nhạc tính toán thế nào. Thật ra, Chỉnh nghĩ, chỉ với ba ngàn lính thì Chỉnh có thể dường hoàng chiếm Lượng Phủ, và ít thì cũng giữ được một năm, đủ thời giờ gây lực lượng. Nhạc lại nhìn, gặng:- Ðộ bao nhiêu?Vòng tay, Chỉnh nghiêm trang, giọng hơi run:- Chỉnh vào làm dưới trướng Thánh thượng, xin đi đâu cho Chỉnh theo, chẳng có lòng nào ở lại Bắc hà. Cho nên bao nhiêu lính, Chỉnh chưa hề nghĩ đến!Nhạc ôn tồn:- Ðấy là nói thế thôi. Có ở Bắc hà, ta giao cho Chiêu viễn hầu Vũ Văn Dũng, họ hàng bên ngoại nhà ta...Chỉnh mường tượng ra Dũng, năm nay độ trên ba mươi, kẻ từ Hải Dương về Kinh xin ra mắt Nguyễn Huệ. Xưng là cháu đích tôn của Nguyễn Hữu Cầu, tức là bác của anh em Tây Sơn, Dũng phải đổi họ để tránh sự truy nã của những đời chúa trước. Huệ mừng lắm, phong hầu cho Dũng, và thưởng cho đám quân do Dũng đưa về với Tây Sơn. Từ đó, chính Dũng đã dần dần thay thế Chỉnh, nay nắm gần như toàn bộ thủy binh. Chỉnh gật gù, nhưng lòng đau quặn lên, thưa:- Thánh thượng chọn thế là đúng lắm. Chiêu Viễn vừa dũng lực, vừa mưu trí...Nhạc cắt lời:- Chuyện đâu còn đó. Ta chưa định gì cả ngoài cái việc phải nhờ ông - Nhạc tươi cười, giọng cợt nhả - Ông lấy vợ cho Huệ, còn ta, ông nghĩ là ta già, không chiều đãi nổi gái Bắc hà hay sao mà ông để ta « phòng không, chiếc bóng » thế này?Chỉnh cung tay, miệng nói:- Thánh thượng không chê gái Bắc thì có khó gì. Ai lại chẳng đợi ơn mưa móc của « Long tòng Ðông Hải »...Phá lên cười, Nhạc thân mật vỗ vai Chỉnh, rồi bắt rót rượu ra, cứ thế chén tạc chén thù, cùng nhau ôn lại những lần công thành phá ải. Càng uống, Chỉnh càng yên lòng, rồi khi được phép, Chỉnh khật khưỡng bước khỏi điện Chính Tâm, thủ hạ phải dìu mới lên được ngựa.Trống canh một trong dinh trại Tây Sơn vang lên rộn rã khi Chỉnh về đến chùa Thiên Tích. Sang canh hai, trống chỉ thưa thớt. Lúc đó, Nhạc và Huệ cùng vào điện Vạn Thọ cáo từ Hoàng Tự tôn, rồi đi ra ngay trại quân, phát lệnh xuất hành. Người ngựa ngậm tăm, lẳng lặng kéo nhau đi ngay đêm đó, dân Kinh Kỳ không một ai hay.Nghe tiếng Huệ giục lên kiệu, giọng cợt nhả: «Bây giờ, công chúa về nhà chồng nhé! », Ngọc Hân đau thắt bụng lại, nhưng bề ngoài cố mỉm cười. Nàng lẳng lặng cắn răng, nước mắt ứa ra, khi bốn người phu nhắc bổng đòn kiệu để lên vai. Ðằng xa, những mái các của cung Kính Thiên vươn xa như để rồi mất cân bằng đổ xuống, gãy vụn dưới ánh trăng lạnh ngắt phủ lên dương gian màu lợt lạt của những xác chết sắp chôn. Kiệu đi, rập rình như thuyền trên sông. Vén bức mành lụa che cửa, Hân nhìn như chọc thủng đêm đen, khe khẽ rên: «... Nhũ mẫu ơi, già ơi, thế là bé phải đi một mình mất rồi! ». Hân biết thân mình nay là bèo bọt trôi dạt. Nhưng cái cơ nghiệp nhà Lê ở đằng sau kia vẫn còn đó, như mặt đất sũng nước của những trận bão bất thần ập xuống Bắc hà.Mím môi, Hân tự hứa sẽ không bao giờ nhỏ nước mắt khóc gì nữa. Vì mặt đất kia đã sũng nước. Và con cọp lưng vằn vện đã nhảy lên lưng nàng ngày hợp cẩn cũng chỉ là một loài động vật có thể dạy cho thuần. Như voi. Như ngựa. Miễn sao là cái mặt đất đó còn. Còn, rồi sẽ khô đi. Và sẽ vững chắc như mặt đất ngày đức Thái Tổ vừa đuổi được quân Minh ra khỏi Lạng Sơn. Ngọc Hân thấy miệng mằn mặn. Nàng thè lưỡi ra liếm đôi môi mím đến bật máu. Khi đó, ánh trăng Bắc hà đang chếch về phương Nam như bị nam châm hút đi, nhợt nhạt nhan sắc, không chống cự, mặc cho sức mạnh cường bạo đẩy sâu vào dốc gềnh định mệnh.°Một điệu hò Nam Ai vẳng lại từ đâu đó trên sông Hương mơ hồ sương đục buổi đầu đông. Giọng hò mang âm sắc Chiêm Thành, lê thê não nùng, ê a than kể, rồi trách móc, nguyền rủa và tan biến đi như những vạt áo Chàm chợt lẫn vào rừng sâu núi thẳm. Thành Phú Xuân chơ vơ trên cao, giấu sau những bức tường dày bao nhiêu cơn giận dữ đang làm nổi lên hàng đợt sóng đánh vào xé toạc mặt cát nằm xoài người nơi cửa biển. Huệ ra lệnh bắt lính từ mười sáu đến sáu mươi khắp Thuận Hóa, nghiến răng kèn kẹt, la hét như hóa dại khi thám mã về báo là Nhạc đã đưa quân đến Quảng Nam.Mẹ anh em nhà Tây Sơn và Chúa Út tất tưởi ra Phú Xuân tìm Huệ. Nguyễn-bà, năm nay thất tuần, vừa khóc vừa nói:- Bay làm sao mà nát cửa tan nhà, sự nghiệp chưa có gì đã tự mình phá nát ra? Nay còn thằng Toản, thằng Thùy ở Qui Nhơn, động tịnh gì thì nó giết cả...Toản và Thùy là con trai của Huệ. Tháng trước, Nhạc bắt vợ Huệ mang hai con lên, bảo:- Mi nói sao cho thằng Huệ nó về đây gặp ta. Của cải nhà Trịnh nó cướp được, cứ chia cho ta một nửa ta cũng ưng. Nó tham, giữ hết, mặc dầu ta đã hạ chỉ phong nó làm Bắc Bình Vương, cho nó đất từ Thuận Hóa trở ra. Bảo nó, nếu không nghe ta sẽ giết cả ba mẹ con bay!Run lên cầm cập, Phạm-thị ôm lấy hai đứa con, mếu máo:- Thánh thượng, tôi phận đàn bà làm sao bức bách được chồng. Thánh thượng là anh, biết tính chồng tôi...- Nó không còn là em ta. Hừ! Làm sao bức bách. Nhạc gầm lên, vẫy tay - Lại đây, lại đây ngay!Phạm-thị co rúm người lại, miệng van xin « Thánh thượng thương lấy người trong nhà.» Nhạc phẫn uất quát:- Trong nhà? Thằng nghịch tặc đó trong nhà ai?Nhạc hùng hổ nắm tóc Phạm-thị lôi xềnh xệch, tay phải rút đoản đao, thở khò khè. Mặc cho hai đưa bé khóc ré lên, Nhạc vòng tay ra sau lưng Phạm-thị, lách đao vào áo rạch xuống một đường dài, tay trái nắm xiêm xé ra, tiếng vải rách xoàng xoạc. Phạm-thị mình trần, hai tay để lên ngực, miệng rú lên. Cơn thú tính theo tiếng rú thức dậy khiến Nhạc như điên cuồng, mắt đỏ rừng rực, mồm chảy nhớt nhãi. Lao tới vật ngửa Phạm-thị ra, Nhạc nằm đè lên trên, vừa thúc hạ bộ vừa thét « Thằng nghịch tặc, thằng nghịch tặc! ».Sau hôm đó, Nguyễn-bà mang ba mẹ con Phạm-thị về nhà, dặn cứ thấy Nhạc đến là bà sẽ tự đâm dao vào cổ để chết. Mặt đanh lại như thép tôi, Huệ nghe mẹ nói, im lặng một lúc, rồi lạnh lùng:- Mạ đi, ba mẹ con nó chắc lại nguy. « Vua anh » loạn luân, không là Vua mà cũng chẳng còn là anh với con. Toản và Thùy cứ coi là chết rồi. Nhưng như vậy, kẻ phải chết sau đó là Nhạc!Ðêm hôm đó, Huệ ngồi tư lự cho đến sáng. Ngày từ Thăng Long về, Nhạc cử Nguyễn Văn Duệ ở lại trấn thủ đất Nghệ mặc dầu đã mạnh miệng nói một tấc đất nhà Lê cũng không lấy. Huệ gài Vũ Văn Dũng đóng quân ngay sau lưng trấn Nghệ, nhưng Nhạc lại sai Nhậm giữ Ðồng Hới, làm thành thế da beo. Duệ là tướng của Nhạc, cái đó đã chắc. Nhậm thế nào? Hắn là con rể của Nhạc, làm gì chẳng có lưu tình, dẫu hắn chẳng vừa lòng với cái tham vọng hạn hẹp của bố vợ.Bấy giờ Huệ mới thấy tiếc Chỉnh. Ngay sáng sớm ngày Tây Sơn rút vào Ðàng Trong, Chỉnh hoảng hốt cướp thuyền ở bến Thúy Ái, theo đường biển chạy theo. Khi Chỉnh đến Nghệ An, quân bộ Tây Sơn cũng lục đục kéo tới. Chỉnh xin ra mắt Huệ, nhưng không muốn vào chào Nhạc, biết rõ là Nhạc chẳng có lòng nào cưu mang mình. Huệ bảo:- Tướng quân ở Nghệ giúp Duệ, Bắc Hà còn Nhưỡng, Cơ là còn loạn.Nói xong, Huệ để súng ống, một trăm quân và hai mươi lạng vàng cho Chỉnh. Chỉnh lạy tạ, chỉ nhận vàng, giao lại quân cho Duệ nhưng Duệ lờ đi, không giao thiệp với Chỉnh. Chỉ tháng sau, Chỉnh lấy danh nghĩa phò vua Lê tự mình kéo được một vạn quân, về Thăng Long đuổi Ðinh Tích Nhưỡng và Trịnh Bồng. Nay Chỉnh đã thành Bình Chương Ðại tư đồ, tước Bằng Trung công, thực tế là có quyền như chúa Trịnh thuở trước.Nhưng dẫu tiếc Chỉnh, nay cũng đã quá muộn. Ðiều còn lại khiến Huệ băn khoăn là lá bài Nguyễn Lữ. Khi phong Vương cho Huệ, Nhạc cũng hạ chỉ cho Nguyễn Lữ làm Ðông Ðịnh Vương, cai quản từ ranh giới Bình Thuận cho đến Hà Tiên. Lữ vào Gia Ðịnh, cùng Ðặng Văn Chân lo ổn định an dân, nhưng vừa rồi lại đích thân dẫn thủy binh về đóng ở cửa Thị Nại. Huệ xưa nay tin Lữ, đứa em gần gũi mình, và thừa biết là Lữ dẫu đối xử có trên có dưới, lòng cũng không hẳn là phục Nhạc. Nhưng đó là khi thường. Lúc biến, liệu Lữ có thế chăng? Lẽ thường, không dụng khi biến. Và ngược lại. Huệ bóp trán, sai quân đi gọi Toàn Nhật vào. Thở dài, Huệ thầm nhủ, Lữ theo ai là người đó thắng. Và nếu Lữ án binh bất động, chỉ lúc cuối mới ra tay làm ngư ông, thì Lữ là người độc nhất thắng, vì cả Nhạc lẫn Huệ đầu là trai, là cò. Chúa Út dậy sớm, pha trà dâng vào, rồi khép nép ngồi xuống cạnh sập. Nàng đã thay đổi trang phục, nay mặc xiêm dài, tóc vấn lên cài trâm có đính một viên bích ngọc, không giắt roi đeo kiếm như ngày xưa. Huệ tủm tỉm cười, và dắt Ngọc Hân ra cho chị em chào nhau. Khi Toàn Nhật bước vào, chàng ngạc nhiên trước vẻ duyên dáng có hơi chút quê mùa của một tiểu thư mới biết trưng diện, chỉ cúi đầu thi lễ. Huệ đứng lên, đi về phía Nhật, vỗ vai nói thì thầm:- Chú em « rậm râu » mang đội Tiền Kích về Thị Nại, nơi Ðông Ðịnh Vương trú quân, và...°Hai ngày trước khi Nhật lên đường, Nguyễn-bà sai người đến vời vào đãi ăn. Ðến nơi, Nhật ngạc nhiên khi thấy mình là người khách duy nhất. Ngày trước, khi Huệ sai khênh Nhật về nhà Nguyễn-bà ở Qui Nhơn, chàng đã giả đau nằm dài cho đến tối. Chỉ hé mắt nhìn, nhưng Nhật vẫn nhớ giọng bà mắng kiểu Ðàng Ngoài: « Con gái con ghiếc, cứ huỳnh huỵch như trai. Mày thế thì ế chồng đấy con ạ! ». Ðăng Vân thút thít, bỗng òa lên khóc, miệng lập đi lập lại: « Con lỡ tay, liệu anh ấy có chết không mạ? » Bà lại la: « Chết được thế nào mà chết. Trẻ sức như voi, yên nào...». Ðến xế chiều, Nhật giả như tỉnh hẳn, Nguyễn -bà ra ngồi bên cạnh, hỏi gốc gác. Khi nghe Nhật kể mình xuất thân ở Bùi Phong xứ Nghệ, bà chớp chớp mắt, rồi bảo:- Thế cũng là chỗ tôi có chút giao tình. Các cụ khỏe cả chứ?Lúc ấy, Nhật lờ mờ đoán hiểu mối liên hệ của anh em Tây Sơn với gia đình Hà Công, kẻ đã lên Bùi Phong trên hai mươi năm trước rồi mới đi vào Ðàng Trong tìm đất đủ lửa cho rồng bay lên. Từ đó, Nhật vẫn để ý xem có ai là người có cái bớt đỏ sau gáy, nhưng tự mình không dám hỏi thẳng Nguyễn-bà về Thúc Khải.Vẫn cái giọng đặc sệt miền biển Hải Dương, Nguyễn- bà vẫy tay:- Tướng quân, xin mời tướng quân ngồi xuống cho già hỏi dăm câu chuyện.Ðăng Vân ra chắp tay đứng sau mẹ, mắt thẹn thùng nhìn xuống đất, chỉ thỉnh thoảng ngửng lên liếc nhanh Nhật. Nguyễn-bà xoay quanh mục đích Nhật mang du binh vào Thị Nại, nhưng Nhật không dám trả lời, chắp tay tạ lỗi, thưa rằng việc quân là việc thố lộ ra tức là bất trung, bất chính. Nguyễn-bà nói thẳng:- Nhà vô phúc, anh em mới tương tàn. Tướng quân có cứu vãn cho được không?Nhật cắn môi, im lặng. Nguyễn-bà lại tiếp:- Cản đừng để Lữ dây vào, rồi làm sao cho Huệ và Nhạc giảng hòa, ấy là cứu cơ nghiệp Tây Sơn. Tướng quân nghĩ thế nào?Nhật vẫn im lặng. Nguyễn-bà thấy không ép được, lại rơi nước mắt, than vãn, thở dài rồi đi vào chái nhà phía sau. Ðăng Vân bần thần nhìn theo mẹ, nét băn khoăn, không biết phải làm gì. Nàng lúng túng nói khẽ:- Hay là tướng quân ra vườn dạo mát?Nhật bấm bụng cười, nhắc Vân rằng trời đã vào đông, có dạo thì dạo, chứ mát thì không vì nay khá lạnh. Tưởng là Vân sẽ nổi giận, Nhật thích thú khi nàng chỉ cười xòa rồi bước ra.Hai người bước đi về phía góc vườn. Nhìn xuống dưới, dòng sông uốn quanh như một giải ngọc bích lượn lờ, rải rác điểm dăm ba cánh buồm nâu căng gió trôi xa. Trong màn sương, tháp chùa Thiên mụ khẳng khiu, cô quạnh, trông ngóng một điều gì mông lung bất trắc. Mưa bỗng rơi, dịu dàng và nhẫn nhục. Rơi đi, những giọt nước mắt kiếp đàn bà rõi chồng mang thân lính chiến. Rơi đi, những giọt nước mắt con trẻ hờn khóc đợi cha đi trận, mang về những vết đao kiếm trên da thịt làm quà hồi hương. Mưa bỗng nặng hột, cắm xuống đất như cắm chông, đổ vào lòng sông Hương đang tan thành những mảng nước chập chùng xô đẩy. Nhật kéo Ðăng Vân vào núp dưới tàn cây cổ thụ, đứng ra ngoài chắn những hạt mưa theo gió hắt vào người. Nhìn mắt Vân xa vắng, Nhật nói nhỏ:- Công nương đứng sát vào gốc, kẻo ướt...Rùng mình vì lạnh, Vân đáp:- Sao cứ một điều công nương, hai điều công nương? Gọi bằng tên Vân đi...Mùi hương trầm quyện trong tóc Vân thoảng cái ẩm ướt như vướng vào hơi thở, theo âm thanh bay đi, len lỏi vào tâm trí Nhật, đánh thức một phần linh hồn còn ẩn dưới sâu. Chàng bỗng bồi hồi, nhưng quay mặt nhìn về hướng núi Ngự, không nói gì. Mùi hương lại sực vào khứu giác Nhật, như mời mọc, như van xin. Cái thân thể tròn lẳn đúng tuổi dậy thì kia bỗng nép vào, mềm yếu, ngả ra tìm sự che chở, rồi giả như vô tình, buông xa nhưng không hẳn chia lìa, mà là vẫy gọi, chờ đón. Một động lực không biết từ đâu thúc đẩy khiến Nhật chợt nắm lấy tay Vân. Bàn tay đó cũng níu lấy tay chàng, hoảng hốt như sợ mất, rồi nhẹ nhàng để yên, hiền dịu đến mức thụ động. Nhìn sang, Nhật thấy Ðăng Vân ứa nước mắt, nhưng miệng thoáng một nét cười vì hạnh phúc.Ðến bữa, Nguyễn-bà ra cùng ăn, nhưng không dấu được sự ưu phiền đang gậm nhấm tâm can. Toàn Nhật thấy mình bất nhẫn, lựa lời nói cho bà yên lòng. Giữa bữa, Ðăng Vân bỗng thốt lên:- Con phải vào Qui Nhơn. Võ tướng quân cho tôi đi theo!Nhật giật mình, miệng ngập ngừng:- Công nương hỏi phép Vương thượng. Nếu được, tôi xin hộ giá cho đến chỗ Ðông Ðịnh Vương.Ngước mắt đăm đăm nhìn con gái, Nguyễn bà nhận ra cái nét quả quyết của người anh ruột mình. Quận He, tiếng dân ven biển gọi Nguyễn Hữu Cầu, cũng có cách nói như đinh đóng cột, và cái nhìn lên ngang tàng, kiêu hãnh như chim đại bàng trừng mắt trước con mồi. Thầm nhủ rằng Vân không còn bé bỏng gì, Nguyễn-bà lẳng lặng ra dấu ưng lòng, rồi lại nhớ đến những vần thơ trước khi Cầu ra pháp trường đã hát lên, vừa bi ai, vừa hùng tráng:« Hỏi sao, sao lụy cơ trầnBận tài bay nhảy xót thân tang bồngNào khi vỗ cánh rỉa lôngHót câu thiên túng trong vòng lao lung...»Hai ngày sau, khi đến Bồng Sơn, Nhật và đám Tiền Kích gồm năm trăm du binh gặp một người con gái cưỡi ngựa trắng, mặc áo Chàm, đầu đội khăn tía, vai đeo trường kiếm, tay cầm roi, đứng chờ. Nhật chẳng hỏi xem Chúa Út có được mệnh Vương thượng không, chỉ mỉm cười nghiêng đầu chào, rồi vẫy quân đi.°Nhìn mặt Huệ xám xịt, mắt đỏ ngầu ngầu màu máu tươi, chẳng ai dám hé răng, chỉ lẳng lặng cúi đầu. Huệ đập bàn thét:- Không bảo hắn là heo chó, là sài lang làm nhơ nhớp triều chính thì bảo hắn là cái giống gì? Không đánh trước, đợi rồi đánh trả thì lợi gì?Huệ gầm gừ, nhưng giọng bình tĩnh hơn:- Ta vào Gia Ðịnh hai bận, vừa thắng trận, chưa kịp bình định là hắn gọi về kiềm chế ngay. Ta ra Bắc, tháng sau hắn theo đến, lấy binh phù rồi ra lệnh về, để trống cái đất Ðàng Ngoài cho ai muốn làm chi thì làm. Ðó, thằng Chỉnh đã ra « tôn phò » rồi, nay vào phủ Chúa ở. Nó đang bắt lính, lấy chuông nhà thờ nhà chùa đúc súng, đổ đạn. Bắc hà mạnh lên thì ta nằm giữa hai gọng kềm, tiến thoái làm sao? Chỉnh chưa thể đánh ta, nhưng ta ra Bắc thì Nhạc chiếm Phú Xuân ngay. Ta chỉ còn một đường là truyền hịch vào đánh Qui Nhơn, mặt Bắc còn Nhậm, Dũng thì giặc Chỉnh còn e dè, hẳn không dám vọng động. Nếu ta đợi lâu, e tình thế có thể thay đổi bất lợi.Lúc bấy giờ, Nguyễn Huy Tự đứng dậy, vòng tay thưa:- Về mặt binh, Vương công hoàn toàn có lý. Nhưng lòng dân Ðàng Trong nghĩ thế nào nếu nhà Tây Sơn đổ máu tương tàn? Cái chính danh vừa sắp sửa có, không lẽ lại tự phá nó đi! Rồi chỉ xem binh dịch như thế này, lòng oán hận đã vang ra đầu làng cuối xóm khắp một vùng Thuận Hóa, chẳng lẽ Vương công không nghe thấy hay sao?Huệ phất tay, gạt đi:- Ta biết, ta biết... Nhưng còn Nhạc ở đó « kiềm chế » thì ta vào Gia Ðịnh không được mà ra Thăng Long cũng chẳng xong, cái sự nghiệp Tây Sơn cứ quanh quanh quẩn quẩn ở một vùng lúa gạo không có, đồng, sắt hiếm hoi... Giữ chính danh như vậy để làm chi? Chính danh luôn luôn chỉ giành cho kẻ chiến thắng. Chưa chiến thắng, nói gì thì cũng có đứa bẻ ngược, chính danh là làm sao? Cứ để ta đánh, ta thắng... rồi các thầy khéo nói dùng miệng lưỡi tạo cho ta chính danh, không năm, thì bảy năm, thế nào cũng đặng.Thật ra, Huệ đánh giá quá thấp sự chia rẽ nội bộ Tây Sơn. Vấn đề chính danh trước tiên đặt ra với lũ quân tướng. Thái bảo Chân ở Gia Ðịnh và Trấn thủ Duệ ở Nghệ An được mật lệnh của Nhạc kéo quân về. Trong khi đó, quân Huệ gặp sức phản kháng đáng kể khi vào đến Quảng Ngãi. Ở trận Ðồng Tuyên, Huệ bị cầm chân, lại mất Lại bộ Hồ Ðồng, kẻ đã viết hịch mắng Nhạc là chó heo. Ðồng bị bắt và bị xử cho voi dầy.Huệ mất gần nửa số quân ban đầu là sáu vạn, lại ra lệnh bắt lính từ mười lăm tuổi trở lên, ngửa mặt than:- Không có cái khó nào bằng cái khó ta đánh với ta! Chết thế này thì Tây Sơn còn gì nữa...Nhưng cũng lúc đó, Huệ lại hy vọng. Phái thủy quân từ cửa Ðại vào đổ bộ ở Phú Yên, quân Phú Xuân chặn được và bắt sống Chân từ Gia Ðịnh đi vào Tiên Châu. Như vậy, Qui Nhơn chịu thêm một áp lực từ phía Nam, khiến Nhạc đã từ từ rút một số quân về để tăng thế phòng ngự. Phía Bắc, Trấn thủ Duệ không dám trực chiến với Vũ Văn Dũng, kéo quân đi theo đường Thượng Lào, chắc chắn không thể nhanh mà tới được. Ở cửa Thị Nại, Lữ giữ khoảng tám nghìn tinh binh, nhưng không động tĩnh gì, vẫn là mối lo ngại.Huệ cho Tự đến gặp Lữ vì mối giao tình giữa hai người với nhau, nhờ Tự thuyết phục. Nhưng đến nay, Huệ vẫn không có tin tức gì, chỉ phỏng đoán, ngày càng sợ câu chuyện trai cò đánh nhau ngư ông đắc lợi. Trong trường hợp ấy, vai trò của đám du binh Tiền Kích do Nhật chỉ huy trở thành lá bài chìm có thể lật ngược được mọi sự việc. Nhưng khi biết rằng Chúa Út theo Nhật vào Qui Nhơn, Huệ lại đâm lo. Bàn tính với Trần Danh Kỷ, Huệ để Kỷ đi thương lượng với bọn giặc biển Tề Ngôi. Nửa tháng sau, giặc tầu ô đã lảng vảng ngoài vịnh, mục đích làm phân tán lực lượng của Lữ. Nhưng đồng thời, hai chiến hạm Tây dương mang súng thần công cũng tiến tới Thị Nại. Hàng dân khổ vì chinh chiến, kháo rằng ông Chủng lại về.°Tháng giêng năm Ðinh Mùi, đại quân của Nguyễn Huệ đã vượt sông Trà Khúc, chia ra làm hai cánh tiền phong tiến về Bồng Sơn và An Du. Nhạc lùi quân về đóng ở núi Bích Kê và Chà Rang, hy vọng Nguyễn Văn Duệ kịp thời cứu ứng, đánh vào hậu quân của Huệ ở Quảng Nam. Trong khi đó, một đội Tiền Kích của Toàn Nhật đã bất ngờ theo đường biển vào chiếm Gò Bồi ở phía đông Qui Nhơn. Một đội khác lẻn đổ bộ ở Vũng Dừa, đi ngược lên đóng trên Núi Một và núi Kỳ Sơn, đặt đại pháo hòng ngăn đường thủy từ Thị Nại về Qui Nhơn của thủy binh dưới quyền Nguyễn Lữ.Nhạc cho người vời Lữ về cứu, nhưng Lữ lờ đi, cho một bộ phận quan trọng bất ngờ đổ vào đầm Nước Ngọt, rồi tiến chiếm núi Thốc Lốc. Ðịa điểm chiến lược này khiến Huệ bối rối. Giả thử Huệ thắng Nhạc, lực lượng trung kích có thể bị Lữ cắt thành đoạn, tách rời nó khỏi hậu quân Phú Xuân, làm mất thế liền lạc. Vì vậy, Huệ bắt buộc phải đổi thế tốc chiến vốn là sở trường trong phép dụng binh của mình, cẩn thận tiến từng bước một, chiếm núi Bích Kê, rồi án binh ở Phù Mỹ. Huệ lại phái Danh Kỷ đi thuyền vào Thị Nại gặp Lữ. Ðêm ngày ngóng tin, Huệ bực bội quát tháo khiến đám thủ hạ ra vào chỉ nhìn xuống đất.Chúa Út đi cùng Nhật đến Gò Bồi rồi một thân một ngựa chạy ra Thị Nại. Khi chia tay, nàng nhìn Nhật, dặn dò:- Chàng bằng mọi cách tránh đụng độ. Chuyện nhà, em cố gắng lo dàn xếp cho ổn thỏa.Dăm ngày sau, Lữ đích thân cùng Chúa Út và Nguyễn Huy Tự đến nơi Nhật đóng quân. Lữ vừa cười vừa bảo:- Võ tướng quân nghe binh lệnh của Vương huynh, nhưng có chặn cũng chỉ là chặn người nhà thôi. Nếu ta manh động, lấy bốn, năm lính của ta đổi một du binh của tướng quân là ta mất già một phần ba lực lượng, hẳn yếu đi để ta có phò Hoàng Ðế, ta cũng chẳng làm gì cản được Vương huynh. Nhưng như thế là Vương lấy bụng mình suy bụng người, và định thí cả tướng quân lẫn đám Tiền Kích. Nhìn Tự, Lữ tiếp:- Nay lấy tình xưa, cả ba chúng ta cởi giáp, bỏ đao uống ba chén rượu đã.Gọi quân sắp rượu, Nhật vòng tay mời. Tự trầm ngâm nhìn triền sóng vỗ trắng xóa dọc theo bờ biển chạy dài ngút mắt, nói:- Việc ta, Vương công sai ta đã làm. Ðông Ðịnh Vương sẽ không ngả về phía nào. Nhưng như thế, Bắc Bình Vương sẽ thắng, Qui Nhơn thành một bể lửa. Lửa đó đốt cháy chẳng những Thái Ðức hoàng đế, đồng thời tiêu ma luôn cả sự nghiệp Tây Sơn mới dấy, vì ai còn dám tin dám theo mà phò nữa... Cái kỷ nguyên do chính Bắc Bình Vương đã nói sẽ là một đám tro nguội trong dăm ba năm mà thôi.Vì thế, Ðông Ðịnh Vương không ngả về Phú Xuân có nghĩa là Qui Nhơn bị tiêu diệt. Nhưng thế là ngả rồi. Không ngả, là làm sao ngưng được cuộc tương tàn, và Qui Nhơn không thành một bể lửa. Nay chỉ Võ đệ mới có thể giúp được việc này, không hiểu Võ đệ nghĩ sao?Ðăng Vân chắp tay đứng sau Lữ nhìn Nhật khẩn cầu. Uống cạn bôi rượu, Lữ nhìn đám mây bồng bềnh nơi chân trời, buồn bã:- Ta xin Võ tướng quân về với ta, để cùng nhau ngăn cảnh nồi da xáo thịt. Ngần ngừ, Lữ tiếp - Quan trọng hơn nữa, một thời chuyên chế dựa trên nông nô sắp tàn vong để thay thế bằng một kỷ nguyên của công, thương nghiệp dọc theo Ðông Hải, từ Yên Quảng đến Hà Tiên. Tránh được sự đổ vỡ tương tàn, anh em giết lẫn nhau, để không mất chính đạo, nhà Tây Sơn có khả năng gầy nên kỷ nguyên mới này. Vì kỷ nguyên đó là sự nghiệp Tây Sơn mà Lữ này không muốn động quân. Vả lại, nếu muốn thì ta đã chặn Võ tướng quân khi du binh lên chiếm hai núi chốt cửa Thị Nại, chứ chẳng đợi đến lúc này.Bật cười lên u oán, Lữ nói như than:-... Nhưng làm thế, ta giết thêm một tướng quân và mất một người anh em, nên ta không làm. Thế thôi! Ta biết Võ đệ cương cường, cho nên lấy hết tâm tình ra nói, sau sự thể xảy ra thế nào ta không có gì hối tiếc.Nhật thần người ra, băn khoăn không biết phải làm thế nào. Theo Lữ, tức là làm trái ý Bắc Bình Vương. Với giáo huấn của La Sơn Nguyễn Thiếp, vừa là thầy, vừa là người nuôi nấng chàng, thế là bất trung, bất nghĩa. Nhưng hai chữ trung nghĩa đó thuộc hệ luân lý cho một thời đại phong kiến. Trong thời đại đó, người dân chỉ là nông nô. Thế sự đổi thay qua sự tranh chấp của Vua này, Chúa nọ. Vua thay Chúa đổi, cứ gọi thế là mệnh trời cho tiện. Nhưng thực ra, như lời Tự đã say sưa suy luận, mệnh trời chẳng qua là nếp suy nghĩ của nông dân. Họ thức dậy với ánh mặt trời, việc đồng áng tùy thuộc nắng mưa lũ lụt. Ai làm ra nắng mưa lũ lụt. Ông Trời. Ông Trời là gì? Là cái gì con người không chi phối được. Và ngược lại, ông Trời quyết định mùa được, mùa không. Tức là no, là đói. Là sự sống và cái chết. Là định mệnh. Nhạc xưng là « vua trời ». Vua Lê chúa Trịnh đều dành lấy thiên mệnh về dòng họ mình. Cần dân, nên lợi dụng nếp suy nghĩ của dân, và nấp sau lưng danh nghĩa ông Trời là đoạt được quyền cho sống, cho chết, bắt đói, bắt no. Ba trăm năm nay, cả Ðàng Trong lẫn Ðàng Ngoài cứ thế đánh chém lẫn nhau chỉ vì dăm ba kẻ tranh nhau chiếm cái mệnh trời!Trung nghĩa như vậy là trung nghĩa với máu, với nước mắt, với cái định mệnh khắc nghiệt cứ lập đi lập lại đè lên đám dân đen thấp cổ bé miệng, xả thân ra cho những triều đại phong kiến mãi mãi sao? Trong cái kỷ nguyên Tự mơ ước, một kỷ nguyên mới dựa trên công thương, sự trung nghĩa đó có còn phù hợp nữa hay không? Nhật cắn môi, nhìn Lữ. Lữ quả khác hẳn Nhạc và Huệ, vai không u, lưng không rộng, tay chân không cuồn cuộn bắp thịt. Và cặp mắt. Cặp mắt như u hoài, lúc nào cũng như mơ mộng về một điều gì xa xôi lắm. Tự không nói gì, tay cầm quạt phe phẩy, lại tự mình rót rượu cho cả ba người. Gió nồm thổi về, rừng rực, khô khốc, và mặn vị biển. Lữ kéo chiếc khăn quàng cổ cho bớt nóng, đầu quay sang nhìn ra khơi. Nhật nhìn vào gáy Lữ và thấy một vết bớt đỏ to bằng nửa bàn tay. Chàng thót bụng, nhớ lại từng lời mẹ nuôi chàng dặn dò khi chàng vào Ðàng Trong. Lữ là Ðông Ðịnh Vương. Cái bớt đỏ này lại bảo Lữ không là Lữ, phải chăng là Thúc Khải, được phong Vương như lời Hà Công khi rời trại Bùi Phong cách đây ba mươi năm.Thấy chàng trừng trừng nhìn vào gáy Lữ, Tự ngạc nhiên. Ðăng Vân nâng bôi rượu lên cho Nhật. Có phải Thúc Khải chăng? Mà là Thúc Khải, thì cái tình với chàng gần như tình ruột thịt. Nhật chóng mặt, tay cầm bôi rượu, ngửa cổ uống ừng ực. Uống xong, chàng lại chìa ra cho Ðăng Vân rót thêm, không thấy vẻ ngơ ngác trong mắt người con gái nẫy giờ chỉ lặng im, và kiên nhẫn chờ câu trả lời của chàng. Lữ quay lại, thủng thẳng:- Võ đệ. Quyết định đi! Quân Phú Xuân đã rục rịch tiến về Phủ Ly. Có quyết định thế nào đi nữa, ta vẫn giữ những kỷ niệm tốt đẹp từ ngày đệ vào Qui Nhơn lập ra đội Tiền Kích.°Trần Danh Kỷ gặp Lữ, không thuyết phục được, vội vã trở về tâu:- Ðông Ðịnh Vương chỉ xin tha cho Thái Ðức Hoàng đế, yêu cầu đình chiến, và xin dâng đất Gia Ðịnh và ba trấn Biên, Phiên, Vĩnh nếu Vương công chấp thuận cho.Huệ một mặt lại sai Kỷ trở vào Thị Nại giả như xếp đặt việc hòa hoãn, mặt khác kéo quân đánh vào núi Chà Rang, phòng tuyến cuối cùng của Nhạc. Quân Qui Nhơn quấn cờ vàng, tháo lui nhắm thành rút về, cơ hồ không thể cứu vãn được thất bại. Toàn Nhật bỏ núi Một và Kỳ Sơn, để thủy binh của Lữ xuôi dòng sông Côn đi ngược lên bảo vệ mặt Bắc Qui Nhơn. Sai quân trương cờ nửa vàng kèm nửa đỏ trên đề thêm hai chữ Ðông Vương, đích thân Nhật mang toàn bộ Tiền Kích đi về phía tây, chiếm chính lộ cản đường tiến của quân Phú Xuân mang cờ đỏ Tây Sơn. Lúc đó, quân Lữ ở Thốc Lốc một phần vẫn đóng chốt, phần khác tiến về Chà Rang, cắt đôi lực lượng quân Huệ, không cho hợp với đạo quân đã chiếm được Phù Mỹ. Trong hoàn cảnh này, Huệ khó tiến thoái, chưa tính toán gì được thì Kỷ lại về. Lữ nhắn Huệ: « Nếu đánh, thì lực lượng Tây Sơn mười phần sẽ mất tám. Tầu Tây dương đã sáp gần Thị Nại, và nghe đâu Nguyễn Ánh cũng sắp sửa tiến vào. Vậy thì anh em trong nhà ai thắng ai, cuối cùng cũng là thua người ngoài. Xin Vương huynh nghĩ lại cho ».Huệ cắn răng, gọi hổ tướng Phạm Văn Lân đến, giao cho hai nghìn quân Thượng và năm trăm súng hỏa mai, hẹn cho hai ngày phải chiếm được chính lộ dẫn vào Qui Nhơn lúc ấy đã do Toàn Nhật kiểm soát.Ðội du binh Tiền Kích đóng chính doanh trong nghĩa địa trên một ngọn đồi, rồi giải từng toán năèm hai ven rừng, có khả năng luồn ra đánh sau lưng quân Lân. Nằm bên cạnh nghĩa địa là am Chúng Sinh. Am nổi tiếng là thiêng, do một bà vãi chạc dưới tứ tuần giữ. Bà vãi tóc để xõa, trang phục người Chàm, là một người đàn bà có nhan sắc, khi xưa cả chồng lẫn đứa con trai đều bỏ mạng lúc quân Tây Sơn hai lần vào chinh chiến ở Gia Ðịnh. Từ đó, bà nhất định không mở miệng, đến am giữ đèn hương, sống bằng của bố thí, có thì ăn, không thì nhịn đã đâu năm sáu năm nay. Từ khi đội du binh đến đóng, bà vãi ở chái hậu, chỉ đến đêm mới ra quét dọn bàn thờ am ở mặt tiền. Mỗi lần phải xuất quân, du binh thường đến thắp hương khấn vái.Quân do Lân chỉ huy phần lớn là người Ra-đê, rất thiện chiến trong rừng, mỗi lúc một thêm đe dọa. Số du binh bị thương phế được cõng về, để nằm la liệt cạnh am, đau đớn rên la có khi suốt đêm. Bà vãi chỉ lẳng lặng ứa nước mắt, miệng lẩm nhẩm đọc kinh sám hối. Một đêm, không ai đánh mà chuông kêu. Rồi bao nhiêu cây hương đã rụi trên bàn thờ am bỗng nhiên cùng cháy lên, lửa có ngọn, thổi nhất định không tắt.Cũng tối đó, một đội ba mươi lính Tiền Kích do chính Nhật dẫn đầu phải cấp tốc đi cứu viện. Họ xin vào am cúng vái trước khi lên đường. Nhật ngồi trên mô đất đối diện với am, lẳng lặng đợi. Trái với lệ thường, bà vãi cất tiếng, giọng lanh lảnh, nghe rợn tóc gáy:- Lần này chết bảy còn ba. Không đứa nào muốn sống nữa à?Trong am, bà vãi cười ngặt nghẽo đến chẩy nước mắt, tay nắm bó hương quay vòng vòng, nhưng lửa châm vẫn mãi không chịu tắt. Bất thình lình, bà cởi hết quần áo, trần truồng như nhộng, kéo tay đám lính, nói như mẹ nói với con:- Ta làm phúc cho, sống cho thỏa thì chết mới yên...Trong số ba mươi người lính, đêm đó hai mươi mốt người đã làm tình, làm lần cuối cùng, vừa hối hả, vừa tận sức cho cùng kiệt cái sinh lực như bốc lên với khói hương mù mịt. Họ lên đường. Chỉ có chín người sống sót, cộng thêm Toàn Nhật là mười.Mười người đến rạng sáng quay về nghĩa địa nơi đóng quân. Cạnh am, trên cây cổ thụ, một người đàn bà trần truồng thắt cổ. Bà vãi đã chết, mắt mở trừng trừng, không thấy lòng đen đâu, lòng trắng lại phớt xanh như tráng lân tinh. Lạ một cái là bà thắt cổ chết nhưng lưỡi không thè ra. Lưỡi bà vãi rụt lại, đâm sâu vào trong ruột, nên chẳng hiểu bà chết có được yên hay không?°Nhật ra lệnh hạ xác bà vãi xuống khi vầng dương lừ lừ dâng lên như một cái nia máu từ mặt biển tít tắp cuối chân trời. Với bà, hai mươi mốt lính Tiền Kích vừa tử trận đêm qua là những người cuối cùng chết cho cuọâc chiến nồi da xáo thịt Tây Sơn.Quân của Nguyễn Văn Duệ từ Nghệ An về cứu Nhạc bị đánh tan tành ở Ðiện Bàn. Bắt được Duệ, Huệ cho voi dầy, trả cái thù Nhạc giết Hồ Ðồng tháng trước. Nhạc vô vọng, vào từ đường lạy tro cốt tổ tiên, rồi lên mặt thành Qui Nhơn đứng khóc, kể lể tình anh em ruột thịt. Phần Huệ, đánh được Duệ nhưng tổn hại không phải là nhỏ. Mặt khác, đám tiền phong do Phan Văn Lân tiến chiếm chính lộ bị đẩy lùi, chết quá nửa, trong khi đó đội tiền kích vẫn bám rừng cố thủ, không thể quét cho sạch được.Huệ hội tướng lại bàn. Muốn tiêu diệt Qui Nhơn, phải đối đầu với năm nghìn lính dưới quyền Lữ, không kể đội binh ba nghìn người còn giữ từ Thốc Lốc đến Chà Rang, cắt chủ lực quân Phú Xuân làm hai. Nguy hiểm hơn, thám báo về trình là Nguyễn Hữu Chỉnh một mặt sai Trần Công Sán đi xứ vào đòi lại Nghệ An cho Lê triều, mặt khác đang thu chuông chùa, góp sắt, đồng thôi thúc việc đúc súng và bắt lính. Bắc hà như vậy đang trở thành mối lo chính, sợ chỉ một hai năm dưới tay Chỉnh là không còn kiềm chế nổi. Về phần Gia Ðịnh, Lữ bỏ đi, rồi sau đó Ðặng Văn Chân cũng kéo quân về, nay hoàn toàn bỏ trống. Bọn tàn quân của Nguyễn Ánh đã hợp nhau tiến chiếm Vĩnh Trấn và sai người sang Xiêm đón Ánh về. Hai tầu chiến Tây dương là tầu La Dryade và Le Pandour đang lảng vảng bên bờ biển, gặp thuyền Tề Ngôi là nổ súng tấn công.Giọng nghiêm trọng, Huệ dằn từng tiếng:- Nếu tiến đánh, mất bao nhiêu thì thắng?Ngô Văn Sở, hiện giữ chức Tư đồ, đáp:- Nếu đánh, thì biến Ðông Ðịnh Vương thành kẻ đối đầu. Ðông Vương đến nay chỉ làm áp lực để giải tỏa chiến trường, chưa khi nào tìm thế công kích quân ta. Và đánh, sẽ không thắng được bởi mất Bắc hà và Gia Ðịnh, quân ta bắt buộc phải chia sức ra thành ba mảnh.Quay sang Danh Kỷ, Huệ hỏi:- Còn hòa, hòa thế nào? Ông sửa soạn cho ta cái thế hòa, nhưng kể từ nay ta không nghe lệnh của ai nữa. Ðể « Vua anh » một mảnh đất cũng được, nhưng tước binh quyền, không cho làm « loạn » nữa...Ngay hôm đó, Huệ sai Sở mang kỵ binh một mạch thẳng đến Ðồng Hới, rồi hạ lệnh cho Vũ Văn Nhậm ra đóng tại Nghệ An để chặn Nguyễn Hữu Chỉnh. Sáng sau, Huệ vào bản doanh quân Lữ, theo sau là một đội quân cờ đỏ. Từ Qui Nhơn, Nhạc sai rước tro cốt của cha là Hà công lên kiệu vàng khênh đi đầu, sau lục tục đám vợ con Huệ và một đội quân cờ vàng, cùng nhau đi ra. Lữ sai đặt ba cái ghế, mình ngồi giữa nhưng thấp hơn ghế hai bên dành cho Huệ và Nhạc, và trên cao là bàn thờ tổ tiên. Xin hai anh đến vái tro cốt cha, Lữ mời ngồi, tự mình ra lạy mỗi người ba lạy và vái năm vái, tạ cái lỗi là không làm vừa lòng được một ai. Huệ lên tiếng, lạnh lùng:- « Vua anh » đã hả chưa?Thấy Nhạc ứa nước mắt nghẹn ngào, Huệ tiếp:-... Xin đừng lấy nước mắt ra làm võ khí, và chớ đụng đến hai chữ cốt nhục. Mắt quắc lên, Huệ gằn từng tiếng - Nay tôi đã sai làm tờ ước, điều kiện để « Vua anh » vẫn cứ là « vua », Lữ vẫn là Ðông Ðịnh Vương, nhưng giới địa và quyền hạn rõ ràng. Như vậy, không ai lấn ai, kẻ lo mặt nam người lo mặt bắc, nhưng giang sơn cả Ðại Việt này là một, không chia cắt được.Trần Danh Kỷ ra đệ lên tờ hòa ước. Lữ không nhìn, hạ bút ký và đóng dấu ấn ngay. Nhạc biết thế mình không cho phép mặc cả gì, cắn răng bắt chước Lữ. Huệ thu tờ hòa ước, liếc qua, rồi bảo Nhạc, giọng mỉa mai:- Hai đứa con tôi, tôi mang về Phú Xuân. « Vua anh » có xin Phạm-thị ở lại hầu hạ, nói một tiếng, tôi cho...Ở góc doanh, Phạm-thị bật khóc rồi cắn răng ghìm tiếng nấc. Nhạc cúi đầu không dám nhìn lên lủi thủi đi ra. Ðợi cho Nhạc khuất bóng, Lữ mới nói:- Lời đệ trình với Vương huynh nhờ Kỷ nói lại là tự đáy lòng. Nay đệ xin Vương huynh nhận lấy đất từ Bình Thuận vào Hà Tiên, đệ không nhận tước Vương, lui xuống làm bề tôi cho Vương huynh.Ngạc nhiên, Huệ nhìn Lữ chòng chọc:- Chú nói thật? Thế quân vừa rồi chú sắp, ta muốn nuốt chú cũng hóc. Nay có tờ ước, chú « trả » ta cả miền nam là lỡm chơi à?Lữ cương quyết, hai tay dâng Vương ấn và binh phù, lại lạy ba lạy. Huệ chồm lên, đỡ Lữ dậy, kéo ngồi bên cạnh, miệng nói «... để ta nghĩ đã! ». Lừ lừ, Huệ đảo mắt nhìn quanh rồi thình lình cất tiếng gọi Nguyễn Huy Tự. Giọng lạnh nhạt, Huệ hỏi:- Sao ông ở lại với Ðông Vương, không về với ta?Tự mỉm cười, nhìn Lữ. Huệ lại quát:- Võ Toàn Nhật đâu?Nhật bình tĩnh bước ra, vái lạy, miệng nhếch cười. Huệ nhìn chòng chọc vào mắt Nhật, gằn:- Phản chúa, bất trung tội phải chết! Ta để ngươi tự xử!Lúc đó, Chúa Út Ðăng Vân đột nhiên tiến đến cạnh Nhật, run giọng nói:- Lỗi tại tôi cũng nhiều. Giết Võ tướng quân thì giết cả tôi đi. Anh ba không thấy là máu đã chảy nhiều rồi sao? Nhìn Huệ như thách thức, Vân đằng hắng, nói trống không:- Giết hết đi thì làm Vua với ai?Không có vẻ ngạc nhiên, Huệ nhìn Chúa Út, bình thản bảo:- Ðược, ta sẽ cho cả hai toại ý!Thình lình, Tự bước ra, đến trước mặt Huệ, rập đầu nói:- Chữ trung kia cũng có năm bảy đường! Vương công đã từng nói mình là người sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho toàn dân Ðại Việt. Trung với điều đó, là trung với Vương công, và đi thuận con đường lịch sử. Cả Tự này lẫn Võ tướng quân đều hành xử theo chữ Trung ấy. Thế gọi là phản, không đúng. Tự này dẫu chết cũng không phục...Ngắt lời Tự, Lữ chen vào:- Vương huynh! Ðệ đã dâng Vương huynh bốn trấn miền nam, nay chỉ xin tha mạng cho những người này. Họ là những kẻ đã đồng sự đồng tâm với đệ. Nếu giết, Vương huynh phải giết cả đệ mới phải...Huệ bỗng đứng dậy, ngước mắt lên, cười sằng sặc ôm lấy vai Lữ:- Ta đùa, chú vẫn là Ðông Ðịnh Vương. Ðây, cầm lại Vương ấn và binh phù. Mang quân vào ngay Gia Ðịnh, ta để Tự và Nhật theo phò Vương đệ. Quay sang nhìn Chúa Út, Huệ nháy, miệng trêu - còn mi, chắc ta bắt mi về Phú Xuân để còn phụng dưỡng mạ...Trong khi Ðăng Vân chề môi quay mặt đi, Lữ nhìn Huệ nghiêm chỉnh:- Vương huynh rõ chí hướng đệ, nên thừa hiểu việc đệ trao binh, trao ấn là tự đáy lòng đệ không muốn cáng đáng trọng trách. Ðệ nhận là nhận tạm, để Vương huynh yên mặt bắc, rồi cùng với « Vua anh » bàn nhau, sai phái bề tôi khác thay đệ...Huệ ngắt lời Lữ, nhìn về phương Nam:- Tờ ước nét mực còn chưa ráo, ta cứ y thế mà làm. Nay ta phái Phạm Văn Tham giúp chú việc quân, chắc chẳng có gì đáng lo ngại. Sau trận Rạch Gầm, bọn Xiêm không còn dám bén mảng. Ðám Tây dương tả đạo cho đến nay chưa thấy thực lực, nên bọn thằng Chủng không hơn gì một bó củi khô bẻ là gẫy...Lử nhỏ nhẹ:- Ðánh dễ, bình mới là vấn đề của bốn trấn nam bộ. Muốn bình, phải lấy nhân tâm, tạo yên ổn, cho cơm ăn áo mặc đến mọi người. Nhìn Tự, Lữ trầm giọng nói tiếp:- Việc này thì phải nhờ sức thầy, xin thầy nhận cho.°Sau năm tháng khói lửa, Qui Nhơn bắt đầu hoàn hồn, lẳng lặng khóc những người chết, và cố chôn sống nỗi xót xa, chua cay cứ chực ứa ra để cào xé. Những người lính Tây Sơn chém giết lẫn nhau, phần lớn là họ hàng làng xóm với nhau, có khi là anh em ruột thịt, hệt như những kẻ cầm đầu họ. Ở chùa Thập Tháp, dân lập đàn giải oan, cúng liếng ba ngày ba đêm. Lời tụng kinh thỉnh thoảng điểm đôi ba tiếng chuông ngân nga bay lên với cánh chim trời, xa đi, không đậu lại như bao nhiêu oan hồn vất vưởng giữa trời và đất.Theo Lữ, Toàn Nhật và Ðăng Vân đi vòng mé sau, vào chào Phương trượng. Thằng Thuấn cùng dăm đứa đồng lứa trong đội Tiền Kích được phép về quê trước khi đi hộ tống Ðông Ðịnh Vương vào Gia Ðịnh. Thật ra, Nhật biết chúng đi tìm để chào một đám sơn nhân nửa người nửa vượn. Một lần tập võ, bọn thằng Thuấn gặp đám sơn nhân không biết tiếng người, nhưng khá tinh ranh. Chúng bắt chước xô vào vật nhau, và dần dần, bọn thằng Thuấn cũng múa may với sơn nhân, miệng khục khăc nhại, nô đùa ầm ĩ. Ðám sơn nhân đã biết lấy vỏ cây chằng lại che phần dưới thân thể, đập đá nhóm lửa, và dùng lao để săn thú. Bản năng hiền hòa, chúng trở thành thân thuộc với bọn thằng Thuấn, thỉnh thoảng lại mang để bìa rừng một con nai, một con hoẵng làm quà. Sống giữa thiên nhiên, sơn nhân phát huy trực giác đến độ cảm nhậy những nguy hiểm và thay đổi ngay cả một hai ngày trước. Khi bọn thằng Thuấn rời Ðập Ðá vào Phú Xuân với Toàn Nhật, sơn nhân cảm biết, không hẹn mà đã về gần, mũi khụt khịt như khóc, không đùa nô như mọi khi. Bọn Thuấn cũng quyến luyến, chân không nỡ rời.Ðẩy cửa, Lữ khom người lách vào, miệng kêu:- A di dà Phật!Có tiếng reo, và từ bồ đoàn, một người nhổm mình dậy. Ðó là sư cụ Từ Tâm, lông mày bạc thếch xụp xuống, móm mém cười:- Hóa ra Vương công, bần tăng cứ thấp thỏm từ sáng. Hoàng đế đã ngự đàn hôm qua. Bần tăng có hỏi thăm, nhưng ngài chỉ lắc đầu...- Bạch thầy, cứ gọi là Lữ như xưa, xin thầy chớ lấy lễ nghĩa, lòng Lữ không yên...- Ôi dào, Vương thì là Vương, có sao. Cứ nghĩ Vương là khác người ta thì mới ra chuyện. Thế, bần tăng gọi Vương bằng Lữ cho Vương yên lòng.Dí dỏm, sư tiếp:-...ý hẳn gọi Lữ bằng Vương thì Lữ không yên... Thế còn những vị nào đây, bần tăng giờ mắt kém.Ðăng Vân nhí nhảnh chào. Sư nhận ra tiếng, đủng đỉnh mắng yêu:- Thì ra bé út, mới năm nào Nguyễn-bà còn ẵm ngữa lên chùa...Quay sang Nhật, sư nhìn chòng chọc, kêu lên:- À, Võ tướng quân đây à? A di dà Phật, bần tăng nhìn râu ria mà cứ tưởng như tượng La Hán. Phúc đức thay, tướng quân sẽ dứt được nghiệp sát, ánh giác ngộ đã lóe lên ở con mắt thứ ba, sáng lắm...Nhật khom mình vái ba vái, miệng nói:- Ða tạ sư cụ!Từ Tâm là đệ tử của Ðại hòa thượng Từ Chiếu, một trong bốn học trò nổi danh đạo hạnh của thiền sư Liễu Quán, người đã chấn huy dòng Lâm Tế của phật giáo ở Ðàng Trong. Liễu Quán là đệ tử truyền đăng của Nguyên Thiều, người đã sáng lập chùa Thập Tháp hơn trăm năm nay, để lại bài kệ:Tịch tịch kính vô ảnh ( Lặng lẽ gương chẳng bóng )Minh minh chân bất dung ( Lung linh ngọc vô hình )Ðường đường vật phi vật ( Sờ sờ vật chẳng vật )Liên liên không vật không ( Trống tênh không vật không )Từ Tâm về tu ở Thập Tháp hai mươi năm nay. Sao bài kệ rồi sai khắc lên bốn cái cột cái ở chùa chính, sư dạy đệ tử rằng thấu được lời kệ là đã trên chặng cuối thành Phật. Có kẻ hỏi sư đã đến đâu, Từ Tâm đáp: « Chữ thứ ba của câu thứ ba, cảm được bằng lý. Ðến đấy, thì tâm lại đưa về hai chữ đầu của câu thứ nhất ».Nâng chén trà lên ngang mặt, Lữ xin phép, nhắp một ngụm rồi thưa:- Bạch thầy, Lữ đến xin thầy vẫn một chuyện xưa, có được không?Từ Tâm lắc đầu:- Xưa, bần tăng từ chối bảo Lữ rằng khó lắm, phải đợi. Nay, bần tăng thưa với Ðông Ðịnh Vương rằng còn khó hơn gấp bội. Phật pháp đối với Vương gia đòi hỏi nhiều lắm. Chẳng hạn như là Vương mà giữ giới sát, thì độ được bao nhiêu là người, cứu được bao nhiêu là mạng... Nhưng làm sao giữ được giới khi tay chỉ ra là có người theo, miệng hô là trăm kẻ làm. Ðấy, khó là vì thế...Hít mùi hương trầm thoang thoảng đâu đây, Lữ mỉm cười, khoan thai:- Bạch thầy, Lữ nào muốn ở ngôi Vương, nay chỉ đợi khi xuống...Khoát tay, Từ Tâm chặn:- Bỏ ngôi Vương là bỏ cái địa vị có thể độ cho tha nhân để thu về hỉ xả cho riêng mình, ngài đã bỏ khỏi con đường Phật dạy, làm sao bần tăng nhận lễ qui y cho được? Tâm Vương công mà thành, xin ngài hoằng dương pháp Phật từ chỗ ngài đứng ngài ngồi, thế là qui y Phật...- Xưa Ðức Tất Ðạt bỏ ngôi báu thì sao?- Ngài bỏ ngôi để đi tìm đạo. Nay có đạo ba nghìn năm rồi, Vương bỏ ngôi thì đi tìm gì? Ði tìm hay đi trốn?Lữ ngẩn người ra, không biết đối đáp ra sao. Từ Tâm lại vái, rồi thủng thỉnh:- Mô Phật, Phật ở mọi chúng sinh. Giác ngộ sẵn trong mọi chốn.Bần tăng kể để Vương công và quí vị nghe cho vui. Tri giáo hỏi môn đệ là thiền sư Thủy Nguyệt, thân an mạng lập ở đâu. Ðáp: Trong gió lửa nổi dậyTrên sóng nước an nhiênTri giáo lại tiếp: « đêm ngày gìn giữ nó ra sao? » Thủy Nguyệt thưa:Chính ngọ trăng sao hiệnNửa đêm mặt trời lênNgưng lại, Từ Tâm nhìn Lữ, giọng hiền dịu:- Vương công đã hiểu chưa?Lữ phục xuống lạy.Người tư lự mãi là Toàn Nhật. Khi Từ Tâm đề cập đến thân mạng với Lữ, Nhật liên tưởng ngay đến cái bớt đỏ sau gáy của Thúc Khải, đứa con lưu lạc của vợ chồng Nguyễn Thiếp. Oái oăm chưa, ai sắp ai đặt ra cái thân mạng con người? Thấy Nhật bần thần, Ðăng Vân nguýt dài, cười khúc khích rồi nói khi chỉ có hai người với nhau:- Này, nghe sư mà đi tu làm chú tiểu thì tôi sẽ thành bà vãi tôi vào tôi phá cho mà coi...Nhật chợt rùng mình. Hình ảnh bà vãi am Chúng Sinh bỗng đâu lại hiện ra như một lời nguyền độc địa. Chàng lẩm nhẩm « Mô Phật » mà không hề hay biết.°Từ dinh quân nhìn xuống Cầu Sơn, vài trăm mái nhà rải rác đang mọc lên như những chóp nấm rơm lẫn vào màu cỏ xanh mơn mởn chạy cho đến cuối mắt. Nhìn Toàn Nhật, Lữ lẩm bẩm:- Hàng dân chuyển từ Chợ Lớn về đây vẫn còn thưa thớt. Người Minh hương có Thiên Ðịa hội tìm cách bảo vệ không chịu nghe, vẫn ngấm ngầm chống lại. Kể thì cũng dễ hiểu...Trước ánh mắt dò hỏi của Nhật, Lữ thở dài, nhìn xa xăm:- Cách đây chưa đến năm năm, « Vua anh » vào Gia Ðịnh trả cái thù Hộ giá Phạm Ngạn bị giết, ra lệnh tàn sát tất cả người Tàu. Ở riêng phiên trấn này, có lẽ có đến bốn nghìn người chết, cả trẻ lẫn già. Vì thế, họ thù Tây Sơn. Số còn sống chạy vào Hà Tiên với con cháu Mạc Thiên Tứ, trở thành hang ổ dưỡng cho Nguyễn Ánh mỗi khi cùng đường.Tình hình Gia Ðịnh sau khi Ðặng văn Chân rút quân về cứu Nhạc khá rối rắm. Thái bảo Tây Sơn là Phạm văn Tham mang năm nghìn binh vào, từng bước đẩy lui đám tướng nhà Nguyễn, nay mới yên được Trấn Ðịnh và một phần Vĩnh Trấn. Nhân thế nước trống không, Võ Tánh kéo quân ở Gò Công, lực lượng chẳng phải là nhỏ, nhưng không biết có phải là phò Ánh hay có ý đồ riêng tư. Nguyễn Huy Tự cùng Lữ tìm đám xử sĩ ở Bình Dương, gặp Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Ðức...Rước được Từ Tâm từ chùa Thập Tháp ra Gia Ðịnh, Lữ cho liên lạc với thiền sư Viên Quang ở chùa Tập Phước và thiền sư Ðạo Trung ở chùa Linh Sơn trên núi Ðiện Bà.Giao hết việc binh cho Thái bảo Tham, Lữ thúc đẩy công việc bình định với Tự và Toàn Nhật. Ðây là lần đầu Toàn Nhật biết rõ rằng sức mạnh không phải chỉ là sống kiếm nối chủ thể và đối tượng thành một theo phép kiếm của Mishima. Bình định không đơn giản phân ra sống - chết, được - thua. Ngược lại chuyện dụng võ, ở đây dụng tâm nên trong sống đã sẵn có chết, ở được mầm mống thua cũng đâm mầm, luôn luôn trong trạng thái bất nhị phân ảo diệu. Lữ sai thêu một bức trướng thêu chữ Tâm bằng chỉ vàng, đặt ngay đại sảnh, vừa tự răn mình, vừa để cho người biết lòng dạ mình.Ðám xử sĩ phần lớn gốc Minh hương, cách suy nghĩ rập khuôn Chu, Trình, ẩn sau chữ Trung của Nho giáo để mặc cả. Họ khéo léo nhắc đến chính danh của Chúa Nguyễn, giả đề cập đến mối lo Xiêm-quân để phô trương một đồng minh quân sự của Ánh, và thắc mắc về Vương vị đặt trên đất Gia Ðịnh sau này. Khi họ về, Tự thưa:- Bọn họ cũng chỉ là lớp thừa kế của đám Tống Nho, nhìn xã hội bằng cái phân định sĩ, nông..., tất viện dẫn hệ luân lý xã hội cũ mà căn bản dựa vào nông nghiệp. Lại nữa, đất bốn trấn thẳng cánh cò bay, rút nước cho hết sình lầy sẽ thành một vựa lúa khổng lồ, nên họ vẫn mơ màng quay về đời Nghiêu Thuấn. Hay là ta trực tiếp liên hệ với đám thương nhân?Thương nhân gốc Minh ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn thời đó đã đã vững mạnh. Thường, họ độc quyền được lúa gạo, và nhất là kiểm soát toàn bộ những thuyền buôn đến từ vùng Lưỡng Quảng, có khả năng buôn được sắt, đồng, lưu hoàng, diêm sinh để phục vụ chiến tranh. Lữ suy nghĩ, hỏi:- Dùng họ, được. Nhưng cách nghĩ của họ liệu có khác đám xử sĩ không?Xoa tay vào nhau, Tự nhẩn nha đáp:- Nếu giống như bọn « lái » ở Ðàng Ngoài thì có khác. Cơ sở của doanh thương là thuận mua, vừa bán, không ai áp đặt được ai. Vì thế, sự ý thức về tự do và quyền hạn được nâng lên so với một xã hội nông nghiệp.Trầm ngâm một lúc, Tự tiếp:- Ở Ðàng Ngoài, các « lái » không được tham chính nên mỗi khi cần vì loạn lạc đói kém, triều đình đến trưng thu của tư hữu bằng sức mạnh. Vì không bảo đảm được quyền tư hữu, Ðàng Ngoài đâm kiềm chế sự phát triển của thương nghiệp, chỉ ăn bám vào nghề nông mà vẫn không đủ vì đất đai nay mỗi lúc một thiếu, một cằn cỗi. Ở Gia Ðịnh, tình thế khác. Xuất ra là gạo, nên thương nhân mua đất, khẩn hoang ở tầm cỡ lớn, và bán gạo để mua vào đồ đạc công nghệ. Thương nhân như vậy có thực lực. Ta vời vào cho họ tham chính, tức là để họ có phên rào giữ của tư riêng, tất họ sẽ theo. Họ theo ta, Ánh mất một chủ lực để nương tựa!Ðắn đo thêm vài ngày, Lữ gọi Tự, bảo:- Thầy lo xúc tiến vời đám thương gia vào tham chính. Ta vẫn lo cái mối hận Tây Sơn vì vụ thảm sát xưa, muốn làm sao giải hóa đi. Nay, ta xin với Hòa thượng Từ Tâm cho lập đàn Chiêu Hồn, rồi riêng mình ta xin thí phát làm đệ tử tại gia của người. Mặt khác, thầy nghĩ thêm hai điều. Một là tìm Ánh ở Xiêm La, đề nghị phong làm Nam An Vương, cùng ta giữ Gia Ðịnh và bốn trấn. Hai là thông báo tự do truyền đạo Tây dương, và miễn thuế cho tất cả tầu bè từ mọi nơi vào giao thương với Gia Ðịnh.Vào buổi trăng tròn tháng sáu năm đó, tất cả chùa chiền lập đàn cầu an cho chúng sinh trong ba ngày ba đêm. Tiếng chuông tiếng mõ rền vang khắp một vùng, trời nước như nối dương gian này vào thế giới bên kia bằng những âm ba của lời kinh sám hối. Trong chùa Giác Lâm, hai hàng tăng sĩ quì dọc theo chính diện, mắt nhắm, tay lần tràng, miệng tụng kinh Thủy Sám. Thiền sư Viên Chân và Ðạo Trung đã đến từ hôm qua, đang cùng Từ Tâm bàn nhau hoằng pháp thì được báo Ðông Ðịnh Vương xin vào. Vui vẻ, Từ Tâm vẫy tay, nhấp nháy cặp lông mày bạc thếch, miệng bảo:- Bần tăng biết Vương từ khi ngài mười ba tuổi. Năm mười tám, sau lần cầm ấn Tiết chế vào Gia Ðịnh cách đây mười năm, ngài có vào Thập Tháp, ý nói xin xuất gia qui y pháp. Bần tăng không cho, bắt giữ nhẹm, nhưng cách đây hai tháng, ngài lại nhắc và xin lại. Bần tăng nhủ Vương nghĩ lại, vì Phật pháp cho một vị Vương công khác với cho một kẻ bình thường. Ngài lần này cương quyết lắm, và chỉ xin làm đệ tử tại gia, để ở thế Vương mà phát huy Phật pháp... Có duyên gặp Vương hôm nay, xin hai vị chỉ điểm thêm cho.Vừa lúc ấy, Lữ bước vào, theo sau là Toàn Nhật và Ðăng Vân. Khom mình vái xong, Lữ thưa với Từ Tâm:- Bạch thầy! Ðệ tử đã trai giới cho thanh tịnh, nay xin được thí phát! Thiền sư Viên Chân ngắt lời:- Thưa Vương công, thế nào là trai giới?- Là không ăn thịt, không gần gũi nữ nhân, sáng tụng kinh Hoa Nghiêm, đêm ôn kinh Bát Nhã.- Ðó là sự trai giới của hàng dân. Trai giới của đấng Vương công phải hơn thế.-...Viên Chân thong thả:- Trai giới cho sạch, đối với Vương công, thì phải sạch cả nơi mình cai trị, nghĩa là không một người nào không ngồi đúng chỗ, không ai chịu oan khiên, đói khổ, tù đầy, ép uổng.Lữ đập đầu vái tạ. Thiền sư Ðạo Trung nhìn Lữ kêu lên:- Ðược, được!-...- Vậy Vương công hiểu được cái gì?-...- Không có gì để được. Nên được không có, hiểu làm chi! Ðó là vô sở đắc, vô sở ngộ, hai phép tu. Với nhân duyên này, bần tăng đọc tặng Vương công bốn câu:Ưng hữu vạn duyên hữu ( Muốn có, gì cũng có )Tùng vô nhất thiết vô ( Muốn không, gì cũng không )Hữu vô câu bất lập ( Có, không khi sụp xuống )Nhật cảnh bổn đương bô ( Mặt trời lên, ánh hồng )Thiền sư Từ Tâm vái tạ đạo hữu, rồi lẳng lặng bước ra ngoài hành lang, đi giữa hai hàng tượng La Hán vào chính điện. Lữ bước theo các vị sư, lòng bỗng thanh thản. Quì xuống nhìn lên tượng Tam thế trên bệ cao gần giáp mái chùa, Lữ bỗng nhận ra cả quá khứ, hiện tại và vị lai đang nhập thành một thể. Tượng Văn Thù cưỡi con thanh sư tượng trưng cho trí tuệ và tượng Phổ Hiền ngồi trên con bạch tượng tượng trưng cho chân lý như di động bên cạnh tượng Ðức Thế Tôn, vững chắc, hiền hòa, nhìn xuống chúng sinh với sự độ lượng vô bờ. Lữ nhắm mắt, tai nghe tiếng Từ Tâm vẳng lại rành rọt:- Nhập thế và xuất thế không phải là hai nẻo. Bên Nho, Ðường Ngu gọi là Trung, Khổng Khâu cho là Nhất, sách Trung Dung nói là Thành. Danh từ khác, nhưng cội nguồn là một. Ðó là gì? Là tâm mà thôi vậy. Lấy đó mà tu thân, thân tất tu. Tề gia, gia tất tề. Trị quốc, quốc được trị. Ví như Trời nhờ Nhất mà trong, Ðất nhờ Nhất mà yên, Bậc đế Vương được nhờ Tâm mà thiên hạ thái bình. Qui nguyên là về đó, nhưng phương tiện lại nhiều cách. Ðạo của Nho gia, là pháp hữu vi, kiến lập mà không biện luận. Ðạo của Phật giảng giải lẽ vô thường, biện luận mà không kiến lập. Nhưng chỉ có một, nên kiến lập hay biện luận rồi cũng quay về chữ Tâm...Lữ nhận ba chấm hương đốt cháy da nơi đỉnh đầu, mắt hé ra, lờ mờ thấy Nhật, thấy Tự, thấy cả đám xử sĩ được mời đến dự lễ. Mùi hương xông lên ngột ngạt, và tiếng chuông thỉnh ngân nga làm tê cứng sự thức nhận của các tế bào, xô tất cả vào một thế giới mông lung được níu giữ hững hờ giưã những làn khói nhạt trong tiếng tụng kinh gõ mõ. Chợt tất cả nhòa đi. Và bao nhiêu những khuôn mặt đau đớn, sợ hãi, oán hờn ở đâu ập đến từ tứ phía. Rồi tiếng la hét, tiếng khóc than. Tiếng voi rống. Tiếng ngựa rầm rập, hòa vào thanh âm chói tai của đao kiếm loảng xoảng, chát chúa. Cặp mắt Huệ chợt xuất hiện, tóe lửa, đốt cháy một góc thành như hỏa hổ sáp công. Tiếng Nhạc hềnh hệch cười, nhổ bả trầu, và thét: « Cứ giết, thẳng tay mà giết ». Chung quanh Lữ, một biển máu dâng lên, mỗi lúc một cao, sắp sửa ụp xuống ăn sống nuốt tươi. Sợ quá, Lữ lẩm nhẩm «... quan Thế Âm bồ tát, cứu khổ cứu nạn. » cho đến lúc sư Từ Tâm lay nhẹ:- Ta ban cho thí chủ pháp danh Chính Tâm, đừng bao giờ sao lãng hoằng pháp, trả cho sạch tiền oan nghiệp chướng, để rồi thân tâm như nhất mà về với an nhiên cực lạc...°Nửa tháng sau kỳ lập đàn làm lễ ở chùa Giác Lâm, Ðông Ðịnh Vương ra thông lệnh tự do truyền đạo và miễn thuế cho tàu buôn vào Gia Ðịnh. Sư Viên Chân xin vào gặp, thưa:- Vương công! Ðạo Tây dương là tả đạo, cấm thờ ông bà tổ tiên, lại cho rằng chỉ có một đấng tối cao là Thượng Ðế của họ. Ngài cho họ tự do truyền đạo, là đem phá mất cương thường cả ngàn năm trước, xin Vương nghĩ lại!Lữ chắp tay vái, rồi thận trọng nói:- Bạch thầy, lời thầy nói quả có đúng. Cũng vì thế, khi hàng dân thấm nhuần Phật pháp, đạo của Tây dương không xâm nhập được. Thầy xem, ở bên Xiêm, họ tự do truyền đạo nhưng có mấy ai theo! Lý do là Phật tử được dạy dỗ bên Xiêm, không dễ gì lễ giáo ngoại lai xâm nhập được. Ở ta, chùa có, sư có, nhưng liệu giảng dạy Phật pháp có đến nơi đến chốn không? Có bao nhiêu chùa biến thành nơi thờ đồng thiếp, rút sâm, gieo quẻ, bói toán làm mê mị lòng người? Họ tự do truyền đạo, ta cũng tự do hoằng hóa Phật pháp. Vậy bạch thầy, thầy lo gì? Trong mười điều cấm của họ, ta thấy ít ra là có bốn điều trong ngũ giới của nhà Phật, cấm họ là thế nào?Viên Chân hậm hực ra. Hôm sau, Ðạo Trung vào hỏi:- Vương công! Ðạo lớn là gì?- Là tri thức, là sự giác ngộ. Là những điều con người sắp xếp với nhau để cùng nhau giác ngộ.- Ðặt trên đài cao, ta đặt những người mang đến cho toàn chúng sinh sự hiểu biết, sự tỉnh thức?- Bạch thầy, đúng vậy! Chỉ có sự giác ngộ mới mang đến được niềm an lạc. Trên cao đài là những bậc Thánh, bậc Phật. Họ để lại sự hiểu biết để độ chúng sinh!Ðạo Trung miệng niệm A di đà Phật, mắt cười với Lữ. Sư phẩy áo về núi Ðiện bà ở Tây Ninh, nói với lại: «... cái pháp danh Chính Tâm đặt cho Vương công đúng là thiện duyên! ».Thời gian đó, Lữ đã phái sứ giả sang Xiêm cầu hòa và liên lạc với Nguyễn Ánh. Ðồng thời, Lữ cho đi tìm Thầy cai trường Liot, mời trường đạo trở lại Mạc Bắc. Việc đi sứ ai cũng biết. Phạm Văn Tham ở Ba Giòng về Gia Ðịnh xin gặp Lữ và tâu:- Trình Vương công! Chủng tuyệt đường, quân không tướng không. Chẳng có lý gì phong cho hắn vương tước. Vương công làm vậy, e chẳng phải ý Thái Ðức Hoàng đế, lại cũng không hợp lòng Chính bình Vương!Lữ cười, tay nâng chén rượu đưa cho Tham, nhẹ nhàng:- Có hai khả năng. Một là Chủng nhận, về Gia Ðịnh này, tất không còn sợ lấy cái danh nhà Nguyễn để làm giặc, giặc tất ít đi. Hai là Chủng không nhận. Vậy nếu có chiến tranh, hắn mang trách nhiệm, không phải chúng ta. Người oán hắn sẽ có. Từ nay, bắt được bọn giặc, quan Thái bảo ra lệnh đừng giết mà thả, nói cho rõ sách an dân, bình thiên hạ, để nhà nhà ở bốn trấn hết chiến tranh, yên ổn mà làm ăn. Ðó là thượng sách. Nếu một năm nữa mà sách lược của ta không thành, quan Thái bảo sẽ toàn quyền, cứ thẳng tay trừ cho sạch mầm họa chiến tranh!Thái bảo Tham nghe, bụng bán tín bán nghi, lại quay về Ba Giòng, tiếp tục mở đường tiến chiếm Cầu Thơ, một cứ điểm quan trọng để kiểm soát nhánh sông Cửu Long xuôi ra biển. Nhật được lệnh của Lữ, cùng Ðăng Vân giăng một mạng lưới để nghe ngóng tin tức trong hai trấn Phiên, Vĩnh. Họ kèm sát đám Thiên Ðịa hội, không cho lập ra những hội kín có vũ trang, và đồng thời họ phải tổ chức bảo vệ một hệ thống chùa chiền mang tên Cao Ðài bắt đầu tỏa ra từ Linh Sơn, nơi thiền sư Ðạo Trung trụ trì. Linh mục đạo Gia Tô là Lelabousse đòi gặp Lữ. Ông ta nói:- Chúa của đạo chúng tôi bị người ta đặt lên Cao Ðài đểthờ ở Tây Ninh. Ðó là một sự xúc phạm...Lữ hỏi ngược:- Thờ Chúa là xúc phạm? Sao vậy?Thấy kẻ đối thoại lúng túng, Lữ giả lả:- Nay tôi có thể làm gì cho thầy?- Cấm họ. Cấm họ không được thờ Chúa tôi!Lữ vờ ngạc nhiên, hỏi ngược:- Vậy là tôi cho tự do giảng đạo của Chúa các vị, rồi lại đồng thời phải cấm không cho thờ Chúa các vị ư?Ðằng khác, về mặt các thương nhân được phong quan chức để tham chính, họ thoái thác xin đợi ít lâu. Nghi ngờ bị bẫy, họ cẩn thận đứng ngoài quan sát, đồng thời nhân thời cơ chuyển của cải tiền bạc về Vĩnh Trấn. Tự lắc đầu, nói với Lữ: « Phải chờ! Nhân tâm không mua được trong một ngày. Họ chưa tin ta, ta càng xông vào, họ càng lùi! Vả lại, họ cũng là một sản phẩm của xã hội nông nô. Cũng trung hiếu tiết nghĩa như đám xử sĩ vì có chút học hành, nhưng thật ra, họ chỉ đầu môi chót lưỡi. Tin ta là họ sẽ trở cờ ngay ».Những bước bình định tuy không thể tiến hành nhanh được, nhưng trên thực tế chưa có đối kháng nào đáng kể. Sự đối kháng gay gắt, như Tự dự liệu, sẽ đến từ vua Thái Ðức. Trong một cách nhìn nào đó, nó cũng có thể đến từ Bắc Bình Vương, nay đổi là Chính Bình Vương Nguyễn Huệ. Quả nhiên, một sự kiện quan trọng xảy ra. Ở Ba Giòng, Thái bảo Phạm Văn Tham bắt giữ hai vợ chồng Hộ đốc Lý từ Qui Nhơn đi vào. Vợ Lý là thị Lộc trình lên Tham một bức thư do Nhạc viết, bảo Lữ dùng mưu giết Tham đi vì Tham kiêu hành, không còn nền nếp qui củ gì. Tham hoảng sợ, vội vàng đem ba trăm quân vào Cầu Sơn, trương cờ trắng đi vào. Lúc ấy, Lữ đang ở gò Mụ Lượng. Tham lên gò xin tương kiến, trình bức thư của Nhạc cho Lữ. Lữ đọc, trầm ngâm một lúc, rồi bảo:- Cầm thơ bảo Lữ giết Thái bảo mà lại đưa cho Thái bảo là người ta muốn Thái bảo giết Lữ đây. Ai? Là bọn Nguyễn Ánh? Ta nghe Chủng đã về, và sắp đổ quân vào Cần Giờ. Nhưng vợ chồng Lý là người Tây Sơn, vậy có thể là ai khác? Quan Thái bảo nghĩ thế nào?-...- Dẫu sao, Thái bảo đã tin Lữ mà lên đây tương kiến, tránh được lầm lỡ, nghi ngờ. Ðó là phúc lớn của dân, của lính. Ta định về Qui Nhơn, đích thân hỏi cho ra lẽ. Nên chăng? Một mình, Thái bảo thay ta giữ biên cương có được không?Cúi đầu ngẫm nghĩ, Tham gật đầu, nói thẳng:- Vương cẩn thận dẫn một ngàn binh về.Lữ gạt đi:- Không! Ta chỉ mang một đám tùy tùng. Tướng quân cần binh hơn ta. Ta có đánh nhau với ai đâu!°Nói riêng cho Toàn Nhật biết lý do trở về Qui Nhơn, Lữ dặn giữ kín, kể cả với Ðăng Vân. Lữ giao chính sự cho Tự, phao lên là vào chùa Giác Lâm tĩnh tọa dăm bữa nửa tháng, và dặn Tham mang quân về đóng chốt ở Cần Giờ.Nhật định mang đội Tiền Kích theo hộ giá, nhưng Lữ gạt đi, sai lấy một toán nhỏ để phục dịch. Ðăng Vân hí hửng xin theo, và bọn thằng Thuấn hớn hở được về quê cũ, hăng hái lên đường. Trầm ngâm nhìn mọi người, Lữ sai đính lên cờ đỏ một chữ Tâm đồ theo nét bút của sư Từ Tâm, kẻ đã làm lễ thí phát cho mình. Khởi hành vào nữa đêm, đoàn người lặng lẽ từ Cầu Sơn di chuyển đến Ðồng Chàm rồi ngược đường sông đi về hướng Bình Thuận. Ở đó, Lữ truyền quan trấn biên cấp ngựa khỏe, ruổi dọc bờ biển đi ra Phú Yên. Trương cờ đỏ Tây Sơn nay có chữ Tâm, đoàn người rong ngựa chạy bên những triền cát trắng xóa dưới ánh nắng chói lòa, áo quần phần phật căng gió nồm.Cưỡi con Hắc Phong đi đầu cạnh Ðăng Vân, lòng Nhật êm ả một niềm vui nhẹ nhàng tựa những sợi tơ mỏng mảnh xoắn tít vào nhau. Thỉnh thoảng Vân lại cười mỉm, nhìn Nhật không nói. Ruổi rong cho đến quá ngọ, cả đám dừng ngựa khi tiếng đọc kinh của người Chàm từ xa ai oán vọng lại. Dưới chân đồi, nhìn lên là ngôi tháp bằng gạch nung sừng sững, trên cao rễ cây chằng chịt bám vào những nơi đổ vỡ, cành đâm ra chọc vào trời xanh ngăn ngắt. Ðăng Vân đến bên suối rửa mặt, tinh nghịch tát nước vào người Nhật, không để ý đến Lữ đang tư lự nhìn ra rừng xanh ngun ngút. Nàng dịu dàng:- Võ tướng quân! Chàng xem... lần này về Qui Nhơn xin với Hoàng thượng cho em... về nhà chàng.Nhật trêu:- Chết, công nương chớ nói thế, kẻ thuộc hạ này đâu dám vô lễ với đấng Ðế Vương.Nhớ chuyện xưa đã mỉa mai Nhật là thuộc hạ, Ðăng Vân thẹn đỏ mặt, nhưng vênh váo, trề môi ra:- Cứ một điều gọi công nương, hai điều gọi công nương. Quả là thủ phận, chắc sau thế nào cũng thành ma không vợ đấy!Một đàn bướm trắng ngà to bằng bàn tay ở bìa rừng chập chờn bay ra, thấp thoáng bên những ghềnh đá hoa cương long lanh sắc tím đỏ. Tiếng nước rì rào, khoan nhặt ru ngủ, đệm vào tiếng sơn ca lanh lảnh từng chập, tấu lên một khúc nhạc của thiên nhiên cứ nửa hư nửa thực, lúc có lúc không. Bên bờ suối, bọn thằng Thuấn bảy đứa nằm lăn quay ra ngủ. Ðám lính còn lại, kẻ nhắm mắt, người rê thuốc, hút phì phèo.Ðăng Vân đứng dậy, ngược dòng suối, leo lên đồi. Nhật bước theo, tiện tay hái những bông hoa vàng mọc ven suối. Lên đến chân tháp, hai người nhìn ra xa. Ở tít tắp, thấp thoáng bóng những chiếc áo chùng trắng trên những thửa ruộng vàng tươi. Nhật đưa bó hoa dại vào tay Vân, tim bỗng đập mạnh, miệng tự nhiên ấp úng. Nàng nâng bó hoa lên môi hôn, cười nhẹ, chiếc răng khểnh lại lộ ra như sắp trêu chọc. Nhưng Vân không nói gì. Nhìn Vân, Nhật rõ ràng thấy ánh mắt nàng nửa khiêu khích, nửa mời mọc. Chàng đưa hai bàn tay đỡ lấy mặt Vân, cúi xuống, nhưng Vân chợt đẩy tay ra, khúc khích vừa cười vừa chạy xuống đồi, miệng nói:- Không biết xấu, mắc cở chưa!Mặt đỏ lên, Nhật nhìn theo Vân rồi xuống theo, thong thả một cách gượng gạo, có cảm tưởng rằng đến cây cỏ xung quanh cũng đang chế nhạo mình. Chàng lẩn thẩn trách «... thế là nàng còn hờ hững, a được! » rồi hằn học «... để xem, để xem ». Ðến chân suối, bọn thằng Thuấn đã thức giấc, đang xốc súng điểu thương lên vai, sửa soạn lên đường, hồn nhiên cười nói. Lữ vẫy Nhật lại, từ tốn:- Võ tướng quân, ta cố đi một mạch. Chắc sáng sau thì tới được Qui Nhơn. Cơm chiều nay xong, cho nghỉ lấy sức rồi lại đi tiếp... Không biết làm sao mà ta nóng ruột, cứ máy mắt!Nhật cúi đầu nhận lệnh, đáp:- Vương công yên lòng. Vào đây là đất Tây Sơn rồi, không có gì phải lo. Ở Gia Ðịnh, sắp xếp yên cả. Thái bảo lại là dũng tướng, giặc có đánh cũng chẳng thể làm gì nguy được...Ðưa tay vuốt mặt, Lữ lắc đầu:- Không. Ta không lo chuyện đó. Thế nước nay chia làm ba. Nếu Hoàng Thượng ở Qui Nhơn không thực tâm đồng lòng thì lực lượng Tây Sơn mất thế liền lạc tiếp ứng ỷ giốc cho nhau. Cứ thế, lâu dài sẽ dẫn đến đổ vỡ, nếu không yên được lòng người mà chỉ chú tâm cho việc quân là chính. Bọn Nguyễn Ánh kéo quân vì biết cái thế yếu đó, và đoán là Chính Bình Vương phải đối phó với Chỉnh ở Bắc Hà trước.Nhật ngẫm nghĩ:- Hoàng Thượng sẽ nhận ra điều ấy. Vương công mang luận bàn, ngài tất hiểu...Phá lên cười, Lữ nhìn Nhật, cắt ngang:- Võ tướng quân không biết hai anh ta bằng ta. Anh hai ta thích đánh bạc, có lần đã trắng tay, bán hết ruộng đất. Anh ba ta thì chẳng chịu nhường ai, bất kể trời, bất kể đất...°Cuối giờ Dậu, đoàn người đến chân núi Chúa. Trời chạng vạng tối, gió xào xạc trong cây và những người tiều phu cuối cùng đã sách rìu trở về làng xóm. Nhìn vầng ô chếch bóng về tây đang nằm ngả dài xuống đất, hắt ráng đỏ lên nền trời tím đậm, Lữ hạ lệnh cho nghỉ ăn cơm. Toán lính buộc ngựa, nhóm củi nấu nước, mệt mỏi tựa mình vào những gốc cây, kẻ vê thuốc hút, người nhai trầu. Bọn trẻ kháo nhau là đường chỉ còn đi độ hai ba canh là về đến Qui Nhơn. Thằng Thuấn nhấp nhỏm, nhắc đến mẹ và đám em, để dành đâu được năm, sáu quan tiền mang về làm quà.Cơm chưa kịp rỡ, bỗng Nhật thấy rờn rợn, mắt đảo nhanh về phía bờ rừng. Một đốm lửa lóe lên, tiếp đó là một loạt súng điểu thương vang rền thình lình phá toạc không gian. Nhật thét:- Nằm xuống!Tiếng súng cứ từng loạt, hết loạt này đến loạt khác. Cách bắn này không phải là cách của bọn cướp ngày. Nhật lẩm nhẩm đếm, ước không dưới một trăm tay súng, hô:- Quân nghe đây. Nấp kỹ. Chưa có lệnh không được bắn. Bắn theo kiểu liên hoàn, không được phí đạn!Nhật quay nhìn, thấy Lữ nằêm sau một gốc cây bên cạnh Ðăng Vân, gọi lớn:- Vương công! Bình yên chứ!Lữ ra dấu cho Nhật yên lòng. Ép người xuống đất, Nhật trườn đi như một con trăn, chuẩn bị đội hình phòng ngự. Loạt súng bất ngờ lúc đầu đã hạ mất sáu người lính, trong đó có ba đứa trẻ trong bọn thằng Thuấn. Tính nhẩm, Nhật còn hai mươi tay súng, đạn dược đủ để cầm cự, nhưng phá vòng vây thì quả là chuyện không làm được. Tiếng reo hò la thét, lẫn tiếng hô xung phong nổi lên. Nhật hét:- Chờ lệnh bắn!Ðợt xung phong đầu bị đẩy lùi, nhưng Nhật mất thêm hai du binh. Sau đó, hai đợt xung phong sau bị đánh bật trở lại, dằng dai như vậy cho đến cuối giờ Hợi. Lần thứ ba, quân tấn công dùng thêm hỏa hổ. Cây rừng bốc cháy, soi sáng một khoảnh rừng, đưa đám du binh của Nhật vào thế bất lợi. Nhật bò về phía Lữ, nói:- Quân Tây Sơn! Dùng hỏa hổ chỉ có Tây Sơn!Lữ gật đầu, cười chua chát, rồi quát:- Ta là Ðông Ðịnh Vương! Quân binh Tây Sơn hãy ngừng bắn. Ai cho lệnh bay làm phản chúa tướng?Ðáp lời Lữ, là một loạt tiếng súng điểu thương kèm vào một quả đại pháo nổ xoáy vỡ lòng đất. Lữ tự hỏi: « Nhạc hay Huệ đây? ». Huệ ư? Huệ có thể hận mình cản không cho tàn sát Qui Nhơn, giết đi để Phạm Văn Tham là tay chân Huệ chiếm lấy toàn quyền. Nhưng toàn quyền để làm chi? Chính Lữ đã nhường cả Gia Ðịnh và bốn trấn cho Huệ rồi kia mà. Vả lại, Huệ thừa biết năm Lữ mười tám đã có ý xuất gia, khiến Huệ đã tìm mọi đường ngăn cản, thậm chí đòi đốt chùa Thập Tháp. Ðến khi Lữ lĩnh ấn Tiết Chế trong khi Huệ chỉ là Long Nhượng tướng quân, Lữ đã trao ấn cho Huệ ngay khi đặt chân vào Gia Ðịnh lần thứ hai, có bao giờ tranh giành quyền hành với Huệ đâu.Vậy là Nhạc? Nhạc oán Lữ đã trái lệnh, không thành đồng minh để cùng Nhạc tiêu diệt quân Phú Xuân của Huệ. Có thể. Nhưng Lữ cũng đã cứu cho Nhạc khỏi bị đánh cho tan tác. Hay Nhạc được mật báo là Lữ có ý định phong Vương cho Nguyễn Ánh? Nhưng chính Nhạc, khi bị vây hãm, đã chẳng cho sứ giả đi tìm « ông Chủng » để giả lại cơ nghiệp nhà chúa chứ không để đất Nam hà vào tay thằng em « nghịch tặc » hay sao? Còn bức thư gửi Lữ, lại vào tay Tham, có phải thực sự là Nhạc viết? ýù đồ là để hoặc trừ Tham, hoặc trừ Lữ? Lữ chết, ắt Huệ phải giết Tham. Tham chết, ấy là khiến Lữ nghịch với Huệ. Khi ấy, Lữ phải bám vào Qui Nhơn, quyền lại về tay Nhạc?Ba trái đại pháo lại rơi xuống trận địa, khoảng cách xạ thủ chỉ chừng trên dưới một trăm thước. Nhật không còn cách nào khác, giao nhiệm vụ bảo vệ Lữ cho một viên đội, rồi dẫn sáu người toán tiền kích vòng xuống dưới, bất ngờ xông vào vùng địch tìm phá những khẫu đại pháo. Cả năm nay, Nhật mới phải dùng đến kiếm. Chàng ép người chuyền từ gốc cây này sang gốc cây kia. Mỗi lần di động là lưỡi kiếm lại lóe sáng, chàng nghe tiếng thây người đổ xuống hệt như thân những cây chuối đứt lìa như khi chàng tập kiếm với Mishima ở Phố Hiến. Nhưng lần này, quần áo chàng đẫm máu người, mùi tanh tưởi sực lên mũi khiến chàng chỉ chực nôn mửa.Nhật là người duy nhất về được lại trận địa mình.Lửa hỏa hổ vẫn rừng rực cháy, cành khô nổ tí tách, đóm hồng bắn lên như pháo hoa. Bò về, Nhật đến bên Lữ. Tay trái bị thương, tay phải ôm Ðăng Vân, Lữ buồn bã:- Xem kìa, cái kiếp người!Nhìn quanh, chỉ hai đứa trẻ trong đó có thằng Thuấn là sống, dăm ba người lính bị thương nằm rên khóc, còn viên đội bị hỏa hổ đốt cháy mặt, xương trắng vều ra, mắt lõm sâu vào bầy nhầy máu me. Lữ nói một mình:- Thoát kiếp! Thoát cái kiếp người khốn khổ này, ai ơi!Nhật nhìn Ðăng Vân, bụng nhói đau, nhảy xổ lại. Ðỡ từ tay Lữ, Nhật ôm lấy Vân đang còn thoi thóp, ngực áo ướt đẫm máu, môi cứ run lên bần bật, nhưng hé cười khi nhận ra Toàn Nhật. Giữa lúc tuyệt vọng đó, bỗng có tiếng khụt khịt, tiếng khục khặc, gầm rú của một loài thú, rồi tiếng người la hét từ trận địa phía địch. Thằng Thuấn đánh hơi, mặt tươi hẳn lên, tay níu lấy Nhật reo:- Sơn nhân. Sơn nhân đến cứu mình...Nhật không nghe thấy gì, ôm xiết Ðăng Vân vào lòng, nước mắt trào ra, miệng rên rỉ:- Công nương. Công nương đừng bỏ tôi đi!Vân hé mắt rên lên:- Lại công nương. Gọi em bằng Vân đi!- Em, Vân em. Ðừng nói kẻo mệt...Vân nhếnh mép, chiếc răng khểnh lại lộ ra. Nhật ghì chặt lấyVân, khóc rưng rức. Lữ nhìn, mắt thương hại, khe khẽ lùi ra rồi đứng dậy. Ðịch bị sơn nhân tấn công bất ngờ, hoảng hốt bỏ chạy, trả về núi rừng sự bình yên của màn đêm lại lặng lờ sau cơn lửa đạn. Nhật nghe Vân thều thào:- Mình có biết em tiếc gì không?-...-... Em chỉ tiếc hôm qua mình chưa kịp hôn em thôi!Nhật âu yếm đặt môi mình lên đôi môi Vân đang hé ra chờ đợi. Chung quanh, rừng vẫn bốc cháy, nhưng Nhật cảm thấy đôi môi kia cứ lạnh dần, lạnh dần, trong cõi nhân gian khốn khổ tàn rụi đi giữa một cơn bão lửa.Lữ trầm ngâm nhìn. Ðám sơn nhân đã đến gần, lại khụt khịt mũi. Thằng Thuấn đâm bổ ra, vuốt tay sơn nhân, vỗ về, miệng cũng khục khặc. Nó nhìn Nhật, miệng nói, giọng ấm ức:- Thôi, tướng quân ở lại. Con người ác lắm! Tôi vào rừng với đám sơn nhân bạn của tôi đây!Bất thình lình, Lữ gỡ Vương miện trên đầu ném xuống đất, rồi cởi đai giáp, cởi bào, cởi ủng, đi đến cạnh xác viên đội chết cháy. Với tay lấy lá cờ đỏ, Lữ quấn vào hạ bộ làm khố, lẳng lặng nhìn bọn sơn nhân quây quanh Thuấn. Nhật lại nhận ra vết bớt đỏ sau gáy Lữ dưới ánh lửa. Nhật bảo:- Vương công. Ngài không phải là Lữ mà là Thúc Khải!Trước ánh mắt dò hỏi của Lữ, Nhật vắn tắt kể lại lời Ðặng-bà đã nói với chàng. Lữ nghe xong, ngửng mặt nhìn mây trời, mỉm cười:- Lữ cũng vậy mà Thúc Khải cũng thế. Ta là con Hà công hay là con Nguyễn Thiếp thì có gì khác chi nhau? Ảo cả, và cái có thật là cái khổ của kiếp phù sinh khốn nạn này!Nói xong, Lữ rảo bước theo đám sơn nhân và thằng Thuấn đang lên dốc và dần dần khuất nẻo. Nhật nhìn theo, cho đến khi cái khố chỉ còn là một cái chấm đỏ, cái chấm nhỏ nhoi đánh dấu cho một trang sử vừa lật qua.Dĩ nhiên, sử quan không ai viết về Toàn Nhật và nỗi đau lòng của những kẻ mất chồng, mất cha, mất người yêu trong trận phục kích ở Núi Chúa. Theo sử quan Tây Sơn, « Ðông Ðịnh Vương giao công việc cho Thái bảo Tham rồi về đợi mệnh Vua, chẳng may ốm mà mất ở Qui Nhơn vào tháng tám năm Ðinh Mùi ». Sử quan triều Nguyễn sau này thêm thắt « Lữ nghe đại quân kéo vào Cần Giờ tháng tám, sợ chạy lên gò Mụ Lượng. Vua dùng kế phản gián, giả thư Nhạc dặn Lữ dùng mưu giết Tham vì Tham kiêu hành, nhưng lại bảo thị Lộc là vợ Hộ đạo tên Lý đưa vào tay Tham. Tham mắc mưu, đem quân về thì Lữ chạy ra Qui Nhơn, sợ mà chết». Nhưng lý thú hơn cả là truyện thầy giảng Labrecque. Nguyễn Ánh dặn con cháu đợi, đến đời Minh Mạng thì triều Nguyễn mới cấm đạo Gia Tô khiến Labrecque phải trốn vào rừng vùng Tây Nguyên chịu đói khát cả tháng. Ngẫu nhiên, thầy gặp một đám sơn nhân và được mang về cứu sống. Trong hang động, Labrecque thấy sơn nhân thờ một mảnh vải màu đỏ đã chuyển sang sắc đen nâu, trên lờ mờ có nét chữ, hình như chữ Tâm viết theo lối cổ tự thì phải. Sau đó, thầy lại tìm ra một chiếc nồi bằng kim loại, trong khi đó thì sơn nhân vẫn dùng đồ đá được đẽo một cách thô sơ. Thấy liền đưa ra một luận đề về sự tiến hóa của nhân chủng, cam quyết rằng con người có thể đi lùi từ thời đồ đồng về thời đồ đá, từ thời có văn tự về thời không còn giữ được cả tiếng nói. Ðược đưa về Pháp mấy năm sau, Labrecque viết một quyển sách dày ba trăm trang về cái đề án đó và mang trình Hội Truyền Giáo tại Paris vào năm 1838. Hội tịch thu cuốn sách, không hiểu vì sao mang đốt đi cho tuyệt tích. Ðó là một điều đáng phàn nàn vì chưa chắc gì đề án đó đã hoàn toàn sai hẳn. Lý do là có những ngoại lệ. Dẫu ít, nhưng ngoại lệ vẫn có, đặc biệt ở trên đất Ðại Việt. Hình như đi giật lùi là cách bổ báng của thần linh không những đối với kẻ tàn bạo mà còn cả với những người để mặc bị bạo tàn khuất phục.