Nước lũ về đồng bằng sớm quá. Dòng sông Trà Lý ngầu đỏ phù sa. Nước chảy phăng phăng. Đứng trên cầu Bo nghe tiếng nước xoáy dưới gầm, sợ lắm. Nước bị chân cầu cản, xiết mạnh, chắc là xi măng cốt sắt sẽ mòn vẹt. Bây giờ đang mùa ổi. Khi những cây vải bị hái hết trái, họ hàng nhà tu hú kéo nhau lên rừng để hè sau lại rủ xuống miền xuôi, kêu nhớ thương giữa trưa nắng cho thời gian dài ra và không gian tĩnh mịch thêm. Năm nay mất mùa nhãn thành thử nước lũ dân cao, dân tỉnh lỵ không lo lắng mấy. Cứ bão nhiều thì chẳng ngại lụt. Những trận bão vừa qua thật lớn, làm trốc cả gốc cây, tung nóc nhà. Hoa quả rụng cơ man. Nhưng ổi làng Bo vẫn còn nhiều. Ổi làng Bo ngon nổi tiếng. Ngon như lê. Cùi dầy, chỉ có một tí ruột, ăn giòn giòn là. Người Phủ Lý, Nam Định phải sang tận Thái Bình xin giống ổi Bo. Có lẽ, làng Bo nhờ ổi ngon mà cây cầu thơ mộng bắc ngang sông Trà Lý được đặt tên là cầu Bo chăng? Côn và Luyến đứng trên cầu nhìn dòng nước cuốn. Con đê chạy dài xuống cống Đậu vắng hoe. Bến tắm chả còn nhộn nhịp nữa. Luyến nghĩ tới bè chuối năm ngoái, hồi Vũ chưa lên Hà Nội. Nó vỗ vai Côn:- Giờ mà có bè chuối, mày nhỉ? Đếch cần chèo, cứ ngồi trên bè cho nước nó chở mình đi. Nháy mắt là đến cống Đậu.Côn không muốn nghĩ tới bè chuối, cống Đậu. Một lần, dưới gốc cây soan tây trong sân trường, Vũ đã nói với Côn chuyện bỏ nhà đi giang hồ “lấy trăng gió làm nhà nước mây làm bạn” y hệt mấy thằng hiệp sĩ Tầu. Nó đang nghĩ chuyện giang hồ. Côn chán thị xã Thái Bình, chán trường học, chán nô đùa, nghịch ngợm rồi. Nó thích đi xa, đi thật xa. Vì, hôm qua, Côn vác xe đạp đến nhà Thúy “biểu diễn” xiếc Tạ Duy Hiển để làm hòa với Thúy đã bị Thúy chế nhạo: “Xiếc này là xiếc Việt Nam, Xiếc đi xe đạp rách tan cả quần”. Côn xấu hổ quá, biến mất. Con “bà cô” Thúy đanh đá làm sao! Côn muốn nó hóa thành con quạ như, có lần, Vũ đã muốn Thúy hóa thành con nhặng. Thúy hóa thành con quạ thì sẽ khổ lắm. Ai cũng ghét quạ. Quạ chả được cái tích sự gì. Tiếng kêu của nó nghe sợ. Con Thúy đã chế nhạo Côn bằng tiếng kêu của con quạ.- Mày nhỉ?Luyến tưởng Côn thích cái bè chuối thả trên dòng nước lũ của nó, vội vàng ba hoa:- Bè trôi nhanh hơn ca nô. Tao thèm ăn canh bánh đa ở nhà bà lang Tặng ghê đi ấy.Côn lắc đầu:- Chán chết.Luyến cười:- Chỉ nói phét. Mày “chén” canh bánh đa, chuyên môn đòi thêm nước mầu. Ăn ba bát một lúc mà bảo chán.- Ừ, hôm nay tao chán canh bánh đa.- Thế mày thích gì?- Ông thích phiêu lưu, mạo hiểm.- Như con dế mèn hở, Côn?- Ừ.- Rồi tiền đâu ăn cơm, may quần áo?Côn nhắc lại lời thằng Vũ đã nói với nó:- Mày ngu quá, Luyến ạ! Bọn hiệp sĩ Tầu có thằng nào mang tiền đi giang hồ đâu?Nó nói thêm:- Thằng Vũ hồi giang hồ cống Đậu chỉ sống bằng chim sẻ rán và táo tầu của bác nó.Luyến nghe bùi tai. Đôi mắt nó vừa mở rộng một chân trời quyến rũ. Luyến nắm lấy cái chạc súng cao su đeo lủng lẳng trước ngực:- Ông bắn chim, bắn gà, bắn ổi, bắng bòng ăn trừ cơm.Một mảng bèo tây lềnh bềnh trôi dưới nước. Luyến gỡ súng, lắp viên đạn sỏi, “tia” một phát.- Mày thấy chưa, ông bắn vẫn “kền”.Côn nhìn Luyến:- Đi giang hồ phải ghét tụi con gái. Mày ghét tụi con gái không?Luyến bĩu môi:- Tao thèm vào chơi với con gái. Hôm nọ mày không can, tao đã “tia” chết hết chim của con bà cô Thúy.Côn khoe:- Ông phóng phi tiêu chết hết chim của con nhà Hội rồi.Nhưng Côn không muốn nói đến con Thúy nữa. Nó không muốn Luyến ghét con Thúy. Nó muốn một mình nó ghét con Thúy thôi. Côn lảng chuyện:- Tao với mày lên Hà Nội nhá?- Xa quá.- Đi bằng ô tô thì xa cái “khổ” gì!- Mày có tiền mua vé chứ?- Ông đi “boóng”. Tao quen với thằng ét xe Con Voi của ông tài Định. Tùi mình lên Hà Nội, con nhà Vũ sẽ phục lác mắt. Thằng Vũ mới viết thư cho tao.- Nó nói gì?- Nó bảo nó theo thằng anh họ nó học trường Bưởi, đi bơi ở Nghi Tàm.- Tao muốn biết Nghi Tàm quá.- Nó bảo anh em nó ăn cắp ổi ở Nghi Tàm. Nó còn khoe bơi thuyền ở hồ Tây. Sướng ghê.Luyến nao nức chuyện Hà Nội. Chỉ cần có thằng Vũ, có bơi lội và ăn cắp ổi là đủ làm Luyến nổi máu giang hồ rồi.- Thằng Vũ còn kể những gì nữa?Côn đập khẽ nắm tay xuống thành cầu:- Ái chà, nó đi xe điện trốn thuế, ăn bánh tôm ở Cổ Ngư, nghịch ngợm ở Voi Phục và trêu hổ ở vườn Bách Thú.Luyến giậm chân thình thịch:- Giời ơi, ông thích “tia” khỉ ở vườn Bách Thú quá. Thầy mình, tuần trước, kể chuyện vườn Bách Thú ở Hà Nội có cả gấu.Hà Nội bỗng trở thành một giấc mơ, một cái đích phiêu lưu của hai đứa bé tỉnh lỵ. Hà Nội trong trí tưởng tượng của thằng Luyến, thật tuyệt vời. Nó nhiều trò chơi khác xa Thái Bình. Luyến thèm những trò chơi khác lạ hơn là đá bóng, kết bè qua sông Trà Lý, đánh nhau với bọn nhãi trường Tầu, bắn chim sẻ. Nó mơ bắn hổ, bắn gấu ở vườn Bách Thú Hà Nội cơ.Mỗi ngày, dường như, tỉnh lỵ không còn thích hợp với chúng nó nữa. Khung cảnh cũ chật hẹp và tẻ nhạt khiến những đứa bé xa dần. Như một cơn gió xuân len lén về một đêm nào đó cuối mùa đông. Chẳng ai biết cả. Rồi mùa xuân sang cho cây cối đâm chồi, nẩy lộc. Sự hồn nhiên đã bước một chân khỏi ngưỡng cửa tâm hồn Luyến. Nhưng nó đâu có hay. Ngay tỉnh lỵ cũng đang thay đổi huống hồ người tỉnh lỵ. Nghe đâu đây có tiếng cựa quậy, chuyển mình. Tiếng cựa quậy, Côn, Luyến, Lộc, Long, Vọng không hề nghe thấy. Nhưng chắc chắn thầy giáo Đàn đã nghe thấy, nghe rõ kể từ ngày lính Nhật sang Thái Bình.- Vậy tao với mày lên Hà Nội nhá?- Ừ.- Chúng mình trốn nhà ra đi.- Ừ. Bao giờ đi?- Vài hôm nữa.- Tao muốn đi ngay.Hai đứa khoác vai nhau thả bộ sang bên kia cầu. Ở đó, ổi Bo chất đống trong những cái sọt chờ bán cho hành khách đáp xe ô tô Hải Phòng – Nam Định. Bao giờ đến cầu Bo, xe Hải Phòng – Nam Định cũng dừng lại một lát để hành khách mua ổi hay vải, nhãn. Hành khách chỉ mê ổi làng Bo. Luyến và Côn đang nhồm nhoàm mỗi đứa một trái ổi lớn. Xe con Ngựa Bay rồi xe Con Sóc đã về. Sắp tới lượt xe Con Voi của ông Lê Văn Định. Hãng xe Con Voi của ông tài Định là niềm hãnh diện của bọn trẻ tỉnh lỵ vì Con Voi dám chạy đua với con Ngựa Bay, Con Sóc trên các đường Nam Định – Hà Nội và Nam Định – Thái Bình - Hải Phòng.Chờ xe Con Voi về tới đầu cầu, Côn và Luyến gạ anh ét quen, để chúng đứng trên bực sau, bám chắc vào cái thang sắt leo lên mui. Xe chạy qua cầu, qua phố chính một đoạn rồi ghé bến. Côn phục những anh ét lắm. Cứ xe chạy một quãng xa, những anh ét mới đuổi theo, nhẩy lên. Khi xe chưa đậu, những anh ét đã nhẩy xuống chạy theo xe cho tới lúc xe “phanh” lại. Xe chạy chậm ở phố chính. Côn và Luyến giơ tay vẫy bọn nhãi như những tay ét. Khiến bọn nhãi phát thèm.