Dịch giả : Chưa rõ
Chương 23

Không khí trong xe bọc thép nóng nực, bà Nam Phương, một tay gỡ bỏ khăn trùm trên đầu từ lúc rời khỏi trường dòng, một tay giữ chặt trên đầu gối hai con nhỏ tuổi nhất. Ngồi trước mặt là Bảo Long cũng đang ôm chặt em gái. Chiếc xe trinh sát bọc thép scout-car cùng chiếc xe gắn súng máy chở lính Pháp đi sau hộ vệ, bỏ đường cái lớn thường lệ, theo lối tắt, cắt ngang qua sân trường Thiên Hựu, một vị trí cố thủ của quân Pháp. Như thế, vừa nhanh chóng ra khỏi nơi nguy hiểm, vừa ra ngoài tầm bắn của pháo binh đối phương. Chiếc Humber vào số, tăng tốc độ để lại phía sau những ô cửa kính các căn nhà trong khu phố Tây.
Trời tối, xe đi nhanh nên không một ai nhìn thấy người đi trong xe là mẹ con bà hoàng. Nhưng nếu ai nhận ra thì họ sẽ suy nghĩ bàn tán ra sao nhỉ? Bà Nam Phương tưởng tượng ra những nụ cười giễu cợt hay những tiếng la hét thù địch. Nhưng may là không có gì xảy ra hết. Các ngôi nhà đóng kín cửa, bên ngoài đắp luỹ che chắn. Trời tối mịt như mong muốn của trung tá Costes. Các tay súng bắn tỉa của đối phương không thể phát hiện mục tiêu. Đường vắng lặng. Chỉ có tiếng động cơ gầm gừ của chiếc ôtô gắn súng máy đi sàu hộ vệ như tiếng chó săn thở dốc chạy theo chủ.
Mẹ con bà hoàng thế là đã chạy sang bên kia chiến tuyến. Như vậy có phải là phản quốc không? Bà tự nhủ: Không. Bà không phản bội tổ quốc, không chống lại nhân dân. Bà chỉ mong có một nơi an toàn cho các con bà. Mấy hôm trước các sĩ quan Pháp đã bắn tin cho bà biết từ nhiều ngày nay, Việt Minh tăng cường trinh sát dường như sắp tiến công trường dòng đến nơi để thu hẹp khu vực cố thủ của Pháp. Trường dòng Cứu thế sẽ bị kẹt giữa hai luồng đạn sẽ nguy hiểm đến tính mạng mẹ con bà. Bảo Long có thể bị bắt làm con tin... Như vậy thì dứt khoát là phải đi khỏi nơi đầu sóng ngọn gió nầy, không còn có cách nào khác.
Đoạn đường nầy chỉ đi mấy phút là đến một nơi mà bà Nam Phương biết quá rõ. Đó là chi nhánh Nhà băng Đông Dương tại thành phố Huế, nơi vợ chồng bà gửi một phần tài sản gửi tiền và vàng vào tài khoản, chính xác hơn là đến căn hầm dưới nhà băng. Hơn các thành phố khác, Huế có nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều cung điện nguy nga tráng lệ, là nơi tập trung lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn, ẩn hiện dưới tán lá, lùm cây, trầm mặc trong không gian tĩnh lặng làm xúc động lòng người. Huế lại có nhiều nhà cửa dinh thự của chính quyền bảo hộ cũ, xây bằng gạch, đá tượng trưng cho quyền lực của kẻ bảo hộ từ châu Âu đến. Đẹp nhất, đồ sộ nhất, sang trọng nhất và chắc chắn là được bảo vệ tốt nhất vẫn là những toà nhà của Nhà băng Đông Dương lừng danh.
Đó là một thế lực, một quyền uy, gần như một nhà nước, cung cấp tài chính cho các thuộc địa Pháp, gián tiếp chỉ huy nền kinh tế của hàng chục quốc gia, giữ hầu bao của vài ngàn khách hàng. Trong các hội sở Ngân hàng, an ninh được đặt hàng đầu. Những hàng cột ốp đá hoa cương, những chùm đèn thuỷ tinh trắng sữa, những quầy bằng gỗ quý. Có những két sắt đựng tiền chắc chắn với những cánh cửa thép vừa to, vừa dày chuyển động trên những bánh xe thép nhẵn bóng mỗi khi cần đóng kín.
Tìm đâu được chỗ tốt để ẩn nấp, để không bị bén lửa cháy, tránh được đạn pháo và súng máy, hơn là hầm ngầm hay hầm mộ. Nhà băng còn hơn thế. Nếu quân Pháp phải rút thì đây là sẽ là nơi cố thủ cuối cùng. Hơn thế nữa, nhà băng còn có những hầm ngẩm được gia cố kỹ, thiêng liêng hơn mọi chỗ thiêng liêng, là trái tim của toà nhà, đó là phòng để các két sắt.
Chiếc scout-car bọc thép qua ngã tư đại lộ Jules Ferry, quặt sang trái, chạy tiếp một quãng trên đại lộ Clémenceau dọc bờ sông Hương, rồi vượt qua cổng vào sân. Xe gắn súng máy đỗ ngoài đường đợi. Bọn lính đi bảo vệ nhìn chăm chăm về phía thành nội bên kia sông, nơi tập trung lực lượng Việt Minh, cũng là nơi xuất phát các cuộc tiến công vào các vị trí Pháp ở bên nầy sông.
Trong sân, chiếc scout-car lăn bánh chầm chậm trên sỏi đến một nền cao, xây kín ba mặt nằm giữa nhà băng và dãy nhà phụ đằng sau, xa đường, bên ngoài không nhìn thấy. Nhưng xe vừa dựng thì người lái thay đổi ý kiến, lùi xe và dừng lại trước lối vào chính, chân cầu thang lớn, nơi ông Fafard, giám đốc nhà băng đang đứng đợi.
Nam Phương biết ông nầy từ lâu. Hai năm trước đây, khi ông mới đến nhậm chức bà đã gặp hôm ông vào bệ kiến Nhà vua. Bữa nay bà thấy ông có vẻ khô khan, nghiêm nghị hơn thường lệ, trong ánh sáng lờ mờ lọt qua cửa trên gác lửng rọi xuống bậc tam cấp. Bà Nam Phương chủ ý đưa mắt tìm bà Fafard nhưng chỉ thấy một mình ông đứng đó. Còn cả gia đình đang ở trên gác nấp sau cánh cửa chớp đóng kín. Các con ông bà Fafard vẫn quần áo chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng theo đúng tác phong của một gia đình công chức Pháp phải đối phó với tình huống bất hạnh. Cử chỉ gần như anh hùng mà không biết. Sẵn sàng được giới thiệu khi bà Hoàng hậu tới trú ẩn trong nhà băng.
Suốt chiều nay, khi được biết gia đình cựu Hoàng đế đến ẩn náu trong nhà mình các cô gái đã tập các cử chỉ đón chào sao cho cung kính, lễ phép. Chúng tập nhún chân khi nghiêng mình chào khách, ôn lại cách đi đứng, chào hỏi cho đúng phép tắc. Dù đang lúc chiến sự diễn ra ác liệt, các quả đạn trái phá 75 ly từ hoàng thành bên kia sông bắn qua đầu sang phía trường Thiên Hựu, các cô gái vẫn hớn hở rối rít chờ đón sự có mặt của gia đình Nhà vua trong nhà mình. Những người trong gia đình ông chủ nhà băng Đông Dương ở Huế vẫn coi việc mẹ con bà hoàng đến lánh nạn ở nhà mình là một vinh dự đặc biệt. Đối với họ, coi như không có chuyện Nhà vua thoái vị. Ông Fafard thuộc phái ủng hộ chính phủ Vichy thân Đức, ông còn là bạn thân của toàn quyền Decoux, không thể một sớm một chiều quên ngay hình ảnh về chế độ quân chủ cũ.
Nam Phương bước ra khỏi xe đầu tiên. Cử chỉ rất đàng hoàng, dáng vẻ oai vệ. Theo sau là cô hầu phòng từ xe vận tải bọc thép bước ra, từ nay cô sẽ chăm sóc anh em Bảo Long. Bà hoàng bận chiếc áo dài trắng nên tuy trời tối bóng dáng bà vẫn nổi bật. Từ khi chồng thoái vị bà không được phép mặc áo vàng chỉ dành cho đương kim Hoàng đế và Hoàng hậu. Bà nói to, kiểu nói của người nặng tai, cất tiếng chào ông chủ nhà băng, đưa mắt chăm chú nhìn những bức tường từ nay sẽ che chở gia đình bà.
Toà nhà không có vẻ một công sự kiên cố. Bà hoàng chỉ thấy ngôi nhà nhỏ bé, yếu ớt không được vững chắc, oai vệ như hình ảnh được lưu lại trong trí nhớ của bà.
Theo đánh giá của những chuyên viên bất động sản thì đó là một ngôi nhà lớn, bình dị của các nhà kiến trúc bậc thẩy. Ngôi nhà hai tầng hình hộp, mỗi bề mười lăm mét, xây cất kỹ càng, khỏe khoắn nhưng không có tính cách nào hợp với thời chiến.
Tầng trệt chật ních người lánh nạn. Khi bà hoàng bước qua chiếc cửa sắt, những con mắt tò mò nhìn theo, bà nhận ra nhiều khuôn mặt quen thuộc. Tự nhiên bà cảm thấy khó chịu, ngượng nghịu thật sự, một tâm trạng lạ lẫm trước đây chưa hề có. Quanh bà là những người đang sống chen chúc trong không khí ngột ngạt của các phòng làm việc của nhà băng nay biến thành những căn hầm cố thủ. Tất cả đều là người da trắng, không có ai là người Việt, trừ một thiếu phụ, vợ không chính thức của một người quê đảo Corse theo anh ta đến đây trú ẩn.
Ông chủ nhà băng đi trước dẫn mẹ con bà hoàng qua một cầu thang rộng lên tầng trên đã được dọn dẹp gọn ghẽ để dành cho gia đình "quý tộc" nầy gồm hai người lớn và năm đứa trẻ, hai trai ba gái, ở cùng một tầng với gia đình nhà chủ. Nhưng sau đó có ý kiến của một sĩ quan nhà binh Pháp, ông bà Fafard đã phải thu xếp chỗ ngủ dưới tầng hầm cho an toàn còn ban ngày có thể ở tạm trên gác nhưng lúc nào cũng phải sẵn sàng để khi có tiếng đạn pháo rít qua thì xuống ngay tầng dưới tránh đạn, mặc dù các con ông bà Fafard cũng đã biết cách phòng tránh mỗi khi bị pháo kích. Chúng nhanh chóng ra khỏi phòng và nấp trong hành lang, luôn luôn mang theo nệm để chống mảnh đạn.
Khi đi qua tầng dưới để xuống tầng hầm, bà hoàng gặp lại những ánh mắt không mấy thiện cảm, đôi lúc rõ ràng là thù nghịch của đám người Âu chen chúc ở tầng dưới. Một số người đang ở tầng hầm phải chuyển chỗ, nhường chỗ cho mẹ con bà hoàng. Một người có thái độ quá khích đã phản kháng lên ông Fafard. Chính là anh người quê đảo Corse, một nhân viên thuế quan Huế. Luận điệu của anh ta là tại sao người Pháp lại phải nhường chỗ cho một mụ đàn bà quý tộc người Việt đã đi theo Việt Minh, mấy hôm trước còn báng bổ nước Pháp trong lúc chồng mụ đang cùng với Hồ Chí Minh chỉ huy những tên hiếu sát đang làm khổ người Pháp ở đây. Sao mà yếu đuối nhu nhược kỳ lạ vậy.
Ông Fafard vốn tính điềm đạm phải dùng quyền uy của mình mới dẹp được cơn thịnh nộ của những người phải chuyển chỗ đến giữa phòng, xa các cửa sổ lớn ở tầng trệt của những người bị đuổi. Những người nầy phải tìm một nơi trú ẩn ở giữa những cửa sổ cao của tầng trệt đằng sau những bàn giấy đủ kiểu chất đầy hồ sơ. Anh chàng nhân viên thuế quan người Corse không nén nổi cơn giận dũ, vùng vằng ra khỏi nhà băng đi thẳng về nhà mình đào hào đắp ụ để tự phòng vệ.
Trong số trẻ con đang trú ẩn ở đây với bố mẹ, Bảo Long nhận ra một số bạn học ngồi cạnh mình trước khi xảy ra chiến sự.
Trong tầng hầm những tấm khăn trải giường được căng lên làm vách ngăn ra từng khoang cửa những người đến trước. Bà Nam Phương thong thả đi về chỗ dành cho gia đình, không nhìn thấy những bức tường xám xịt cùng các cặp hồ sơ lưu trữ dày cộm. Công dụng chính của tầng hầm là vậy. Trước hết là các đồ cồng kềnh, tiếp đến hàng dãy két sắt. Mẹ con bà hoàng được thu xếp chỗ ngủ trong một gian rộng có tấm ngăn bằng kim loại dày. Như thường lệ, cậu con trai lớn được ưu tiên một chỗ được bảo vệ chắc chắn nhất, gần tấm vách ngăn kim loại dày nhất, như được bọc kín trong một tấm nệm thép. Gần như một nấm mồ. Ông chủ nhà băng quen gọi nơi đây là "hầm mộ". Bà hoàng rùng mình khi để con mình ở trong ngăn hầm có dáng một nhà táng. Nhưng còn hơn là trúng mảnh đạn pháo hoặc bị đối phương bắt làm con tin. Lệnh của nhà binh Pháp là phải chuẩn bị chỗ ngủ cho Bảo Long ở góc nầy làm cho ông Fafard mỉm cười. Nhưng bà hoàng thì thấy không có gì đáng cười. Bà chỉ thấy yên tâm hơn. Đúng thế. Con bà được bảo vệ như một bảo vật, như những tờ giấy bạc nhà băng. Thế nào cũng được. Càng tốt.
Một cánh cửa nặng nề, bằng kim loại dày ba mươi phân được đẩy bằng một bánh xe quay tít gần giống như bàn cò quay. Bên trong tầng hầm không cửa sổ nầy, rất ít tường, mà chỉ có sắt thép, như một cái hộp kín chống đạn.
Gia đình bà hoàng đã ổn định chỗ nằm. Mỗi người một hốc làm bằng vải chăng trên dây tạo thành vách ngăn với gian để két sắt. Bà hoàng vẫn chưa hết khó chịu, không phải chỉ vì điều kiện sống thiếu tiện nghi. Một tâm trạng chua xót khi thấy thân phận một mẫu nghi thiên hạ phải chui rúc trong gian phòng chứa két bạc của thực dân. Tầng hầm không ra dáng một căn phòng. Ngoài gian để két sắt, tường không nhẵn, bóng láng như các trụ sở tài chính hiện đại, nhưng được tô điểm bằng những gờ hình chữ triện. Một cách trang trí, cổ điển, cũ kỹ, lỗi thời theo cung cách phòng khách thị dân.
Cũng như ở trường dòng Chúa Cứu thế, ở đây nước rất ít. Duy nhất chỉ có một vòi nước trong phòng tắm trên tầng một của gia đình Fafard. Để có nước dự trữ, bồn tắm được chứa đầy ắp phòng khi bị cắt nước.
Những người ở tầng trệt đến vòi nước lấy đầy từng xô xách xuống nhà, còn gia đình bà hoàng và ông bà Fafard và các con được lấy nước thẳng từ vòi bao nhiêu lâu cũng được. Để giết thời gian, bọn trẻ chơi bài.
Những lúc ngớt tiếng súng, Bảo Long rời khỏi tầng hầm làm bằng sắt thép nặng nề ấy chạy ra sân chơi với lũ bạn cùng lứa, đôi lúc còn chọc ghẹo bọn con gái, tất cả đều hơn tuổi, có đứa đã đến tuổi 17, 18. Bà Nam Phương chẳng ưa gì sự chung đụng thân mật thái quá như thế của bọn trẻ, nhưng vì hoàn cảnh buộc bà phải công nhận thái độ gia đình ông chủ nhà băng quả là tận tình. Thỉnh thoảng bà trò chuyện với mấy người Âu lân la làm quen với bà. Trong giao tiếp bà giữ vẻ đoan trang, giữ gìn mà vẫn uy nghiêm quý phái. Riêng với ông Fafard, có hôm bà nói chuyện tay đôi đến gần một tiếng đồng hồ. Bà giảng giải thái độ của chồng bà. Bà chăm chỉ cẩu nguyện. Dẩn dần bà tham dự những buổi lễ chầu trong phòng khách của tầng một. Bà có chỗ riêng cho bà, lùi sâu trong một căn phòng riêng của bà, cửa để ngỏ.
Thời gian trôi qua, Bảo Long quen dần cuộc sống dưới tầng hầm. So với những ngày ở trường dòng, cậu thấy được rộng cẳng hơn, chạy nhảy nô đùa trong hành lang và cầu thang. Thích nhất là giữ nguyên mái tóc.
Khi ở trường dòng các cha xứ đã dự định cạo trọc đầu cậu bé để giấu tung tích nếu lỡ bị bắt, nhưng chưa kịp thực hiện thì bà hoàng đưa các con chạy theo Pháp. Chung quanh nhà băng tường bao kín mít, các ô cửa sổ tầng hầm đều đã lấp kín để ngăn mảnh đạn không văng vào trong. Tia sáng mặt trời không thể lọt qua các bức tường kín. Tuy vậy bên trong nhà băng không đến nỗi tối quá. Máy phát điện vo vo suốt ngày đêm. Mỗi ngày qua đi được đánh dấu bằng các biến cố. Trước tiên là ổ khoá cửa phòng để két sắt bị hỏng hóc. May mà lúc đó không có ai bên trong. Bảo Long đang chơi ngoài sân.
Một hôm một ngọn nến rơi xuống khăn trải giường và bốc cháy. Mọi người phát hoảng. May chị hầu phòng vớ được bình nước, dập tắt được ngay. Mặc dù nơi trú ẩn ở hầm ngầm, tiếng nổ của đạn súng cối và đại bác vẫn dội vào Bảo Long chỉ mơ thấy đại bác bắn vào thành phố. Cậu ta chẳng sợ gì, chỉ tiếc không được nhìn gần hơn. Vũ khí vẫn là thứ luôn luôn quyến rũ thái tử Bảo Long.
Ông Fafard, từng ngày một, ghi lại các sự kiện xảy ra trong ngày vào cuốn sổ tay của ông, với nét chữ thanh và chính xác:
"24 tháng giêng. Đêm yên tĩnh. Hạ sĩ Petit cho biết tối qua từ phía đông thành phố Việt Minh đã áp sát một đồn tiền tiêu của Pháp ở An Cựu chỉ cách 300 mét rồi đặt pháo 75 ly bắn thẳng vào đồn làm một người chết mười bị thương, một mất tích. Quân Pháp phải bỏ đồn rút chạy. Người ta nói một máy bay Pháp bị trúng đạn, đã hạ cánh xuống bên kia kỳ đài, viên phi công đã kịp phá huỷ máy bay và chạy thoát vào trường dòng Chúa Cứu thế. Kllông biết có đúng như thế không!
Khoảng mười một giờ, ba máy bay tiêm kích đã dội bom xuống cung An Định, để yểm hộ cho máy bay thả dù tiếp tế cho các đơn vị lính Pháp đang bị Việt Minh bao vây.
Buổi tối yên tĩnh. 22 giờ có tiếng nổ lớn ở phía đông.
Mười sáu giờ chôn cất ông Van Vuick, chết vì trúng thương ở đùi cách đây mười lăm ngày. Tôi cũng ghé vai khiêng quan tài. Lúc hạ huyệt, đạn nổ trên đầu, mảnh đạn tung tóe xuống sân. Có tiếng huyên náo ầm ĩ của bộ đội Việt Minh bên kia sông. Mấy phát súng cối của quân Pháp làm cho họ im bặt. Những loạt đạn súng cối khác rót vào thành nội. Cuộc pháo kích ngắn ngủi không thấy Việt Minh phản ứng gì. Đại uý P. cho bắn liên thanh sang bên kia bờ sông. Có tiếng tiếng người lao xao. Ngốc thật. Không nên bắn từ đài quan sát, vì rất dễ lộ mục tiêu. Hơn nữa bắn súng máy ban đêm mà không xác định rõ mục tiêu và tầm bắn thì làm sao có hiệu quả. Chúng tôi có vinh dự đặc biệt được đón cha Urutia đến nhà đọc kinh thánh. Chúng tôi rất lo lắng cho số phận của các cố đạo và các nữ tu còn đang bị kẹt trong vùng do Việt Minh kiểm soát".
Nam Phương giữ kín không thổ lộ cho ai biết dự định của bà. Chẳng hiểu vì sao. Bà có thể báo cho ông giám đốc nhà băng biết nay mai hết phong toả, may mà không bị Việt Minh bắt và bà cũng sẽ không trở lại trường dòng. Bà vẫn coi ông như người thân tín có thể tâm sự được và ông cũng là một con người đàng hoàng luôn luôn tôn trọng và có nhiều thiện ý với bà. Hoặc với giáo sư người Italia, cũng là một người đến lánh nạn ở tầng trệt của nhà băng. Ông nầy luôn gần gũi bà, quan tâm đến lo lắng của bà, đón trước các mong muốn của bà. Đến nỗi những người Âu khác chế nhạo ông là "đại nội thị thần".
Một ông khác nguyên là Khâm sứ Trung Kỳ cũng không nề hà công việc. Không quản đêm tối, ông liều mạng đi kiếm rau xanh, củ cải đỏ để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Thực đơn ở đây, thường đơn điệu, chủ yếu là cơm theo khẩu phần của người lính.
Nhà băng Đông Dương ở Huế trong những ngày chiến tranh chẳng khác gì con tàu chòng chành giữa biển khơi trong cơn bão táp. Lưới lửa của các tay súng Việt Minh trùm lên đầu những người đang trú ẩn bên trong. Các vị trí Pháp ở Huế bị bao vây, thiếu đạn được, vũ khí, lương thực nhưng không bị Việt Minh quét sạch cũng là chuyện lạ. Chỉ có thể cắt nghĩa bằng trình độ tác chiến và chỉ huy yếu kém của bộ đội Việt Minh. Như sau nầy chính Bộ chỉ huy Việt Minh cũng phải thừa nhận: "Quân Pháp cố thủ trong các vị trí kiên cố, tuy lực lượng không nhiều nhưng là đội quân nhà nghề có trang bị hiện đại còn lực lượng của ta trí thức quân sự có hạn, trang bị lạc hậu, chưa biết đánh địch trong công sự vững chắc... đánh tràn lan, phân tán không tập trung binh lực để giải quyết dứt điểm..."(1).
Trung tá Costes, chỉ huy quân Pháp ở Huế, dù do dự và thiếu tự tin, dần dần cũng chặn được các cuộc tiến công của bộ đội Việt Minh cho đến ngày được giải vây. Chiến sự tại đây khá ác liệt. Quân Pháp bị bao vây mở nhiều cuộc tiến công để nống ra đều thất bại. Một chiếc máy bay tiêm kích Spitfire bị pháo phòng không của bộ đội Việt Minh đóng trong hoàng thành bắn hạ. Phi công bị thương và bị bắt, đã chết trong khi bị giam giữ. Tại thành phố Vinh, xa hơn về phía bắc, chi nhánh Ngân hàng Đông Dương cũng bị bao vây.
Ở Huế, một lần tàu chiến tàu Pháp neo trên sông Hương bắn pháo tới tấp vào hoàng thành. Đạn pháo réo qua nóc nhà băng, phá huỷ các lâu đài, cung điện Nhà vua trong đại nội ẩn sau các bức tường thành kiểu Vauban. Bảo Long kể lại:
"Cuộc nã pháo rất ấn tượng. Như tiếng ầm ầm của một con tàu tốc hành. Mọi người trong nhà khấp khởi mong sao cho binh đoàn Burgonde (mang tên vị tướng chỉ huy), sẽ sớm đến giải thoát họ".
"Các cuộc pháo kích sau đó còn tiếp tục làm cho tôi thích thú nhận thấy quân Pháp có nhiều vũ khí hiện đại hơn so với Việt Minh và cả quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng có mặt ở Huế trước đây [...]. Chiến tranh đối với tôi lúc đó như một trò chơi. Thấy được hiệu lực của vũ khí mà không nhìn thấy người bắn. Những ngày đó, tôi rất thích mỗi khi được nghe thấy tiếng súng nổ".
Hàng ngày, Bảo Long hay la cà đến vớĩ mấy người lính Pháp nấp bắn trên tầng thượng nhà băng. Họ chỉ có hai: một hạ sĩ và một lính. Mới trên mười tuổi, cậu bé có vẻ ham thích vũ khí, trận mạc... Có lần suýt nữa cậu bé để ngón tay trên cò súng trung liên và định bắn thử xem ra làm sao. Thật là nguy hiểm. Nếu lộ mục tiêu bộ đội Việt Minh sẽ bắn trả ngay. Tiếng súng nổ ầm ầm, mùi thuốc đạn khét lẹt...
Cuối cùng quân tiếp ứng đến, phá vỡ được cuộc bao vây. Bộ đội Việt Minh phải rút ra xa khỏi thành Huế, bỏ lại các cung điện đền miếu trong Đại nội tan hoang vì bom đạn. Tất cả những người trú ẩn ở nhà băng ùa ra ngoài, đứng bám vào cửa sổ nhìn sang để xem quang cảnh tàn phá bên kia sông.
Cuộc bao vây đã được giải toả. Mấy mẹ con bà hoàng rời khỏi tầng hầm. Không còn phải ở chung với két sắt nữa. Cũng không còn phải thấp thỏm với tiếng đạn réo qua mái nhà... Ông Fafard, chủ nhà băng có nhã ý mời họ lên ở trong phòng của gia đình ông. Họ được ngủ trên giường, có nệm đoàng hoàng. Nhưng bên kia sông trong Đại Nội các lâu đài vẫn âm ỉ cháy. Khói phủ kín bầu trời. Lửa đã tắt nhưng gia đình hoàng gia không thể trở lại hoàng thành. Không phải tất cả đều đổ nát nhưng các cung điện sẽ không bao giờ được dựng lại nữa.
Lính Pháp đưa gia đình bà hoàng về thăm lại cung An Định, nơi họ đã ở hơn một năm sau khi Nhà vua thoái vị. Tường lỗ chỗ mảnh đạn, mái sập, nhà xiêu, vỏ đạn vương vãi khắp nơi. Đồ đạc, quần áo, vật dụng sạch trơn. Bao kỷ vật thời huy hoàng không còn gì. Cái dinh cổ lỗ xấu xí đã từng là nơi cố thủ của bộ đội Việt Minh mấy tháng qua. Nơi đây là nhà ở cuối cùng của hoàng gia tại cố đô Huế.
Huế bây giờ là một thành phố thời chiến có đầy đủ những nét tiêu biểu: Cây cầu sắt nổi tiếng bắc qua sông Hương nối liền hai khu vực của thành phố bị đánh sập. Nhân dân qua lại phải dùng thuyền. Đường sá thô sơ bị bom đạn cày xới nham nhở. Cột cờ trên kỳ đài bị đạn trái phá tiện đứt đôi, nửa dưới còn lại nẻ toác, mảnh tướp tơi tả đung đưa trong gió. Hàng trăm toà nhà trong Đại nội bị phá trụi tan hoang giống như một gã khổng lồ bị xẹp hơi. Giữa đống gạch vụn, những mảnh ngói men ngũ sắc vẫn ánh lên màu sắc nhấp nháy dưới tia nắng. Những hoa văn trang trí rồng, phượng xưa kia lộng lẫy là thế nay vương vãi khắp nơi trên bãi tha ma của "những con rồng bị hạ bệ". Cửa Ngọ môn, mang tính lễ nghi nổi tiếng chỉ được mở trong những dịp đón rước long trọng nay chỉ cần lấy vai hích nhẹ cũng bung ra. Quang cảnh hoàng cung hoang vắng, không người canh giữ, không lính bảo vệ. Tội nghiệp cho xứ Huế thơ mộng, đề tài của biết bao bài thơ kim, cổ, được Thần, Phật độ trì nay chẳng còn gì để ngắm nhìn ca ngợi nữa. Ruộng đồng hoang hoá, vườn tược xác xơ. Chiến tranh vẫn còn đó.
Quang cảnh xám xịt và hỗn độn. Những đám trẻ lang thang kiếm ăn. Quân Pháp đã trở lại nhưng thanh bình chưa đến. Thiếu lương thực, an ninh không có gì đảm bảo. Mặt trận lùi xa về vùng rừng núi phía tây nhưng cuộc chiến với du kích không bao giờ ngừng. Các đội biệt động Việt Minh vẫn bất ngờ xuất hiện trong thành phố.
Một Uỷ ban điều hành lâm thời ra sức khôi phục các hoạt động bình thường, tung những chiến dịch tuyên truyền cho việc lập lại nền quân chủ.
Tương lai không có gì chắc chắn. Một nhân viên tình báo Pháp (SDECE - Service de Documentation Extérieure et Contre-Espionnnge - cơ quan tình báo và phản gián Pháp), đến gặp bà Nam Phương để thăm dò... Không một lời ca ngợi thắng lợi của quân Pháp, bà nói "Những hy sinh của tôi chẳng là gì so với những khổ cực hiện nay của nhân dân". Một câu nói chính trị, giáo điều. Rồi bà nói tiếp không biết liệu bà và các con có sống được trong tình cảnh "khốn cùng"(2) như thế nầy được nữa không.
Sau khi rời khỏi nhà băng, mẹ con bà hoàng lại trở về nhà dòng Chúa Cứu thế ở tạm mấy ngày rồi tất cả theo đường bộ ra Đà Nẵng.
Hoàng gia sẽ giữ quan hệ tốt đẹp với gia đình Fafard, giám đốc chi nhánh nhà băng Đông Dương tại Huế. Trong nhiều dịp khác về sau, mỗi lần đến thăm lại ông bà Fafard, nhất là các cô con gái đều được bà hoàng đón tiếp niềm nở. Chính ông sau nầy sẽ được bà hoàng chọn làm người tin cẩn để quản lý tài sản riêng cho mình.
Trong đoàn hộ tống hoàng gia đi Đà Nẵng lại cũng vẫn những chiếc xe bọc thép Coventry và Humber nhưng lần nầy chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ, còn mọi người đi xe thường. Chuyến đi không kém phần vất vả. Em gái lớn nhất của Bảo Long bị ốm dọc đường. Trên đèo Hải Vân đã diễn ra những cảnh chẳng mấy thơ mộng như cái tên gọi của đèo: Xe bọc thép đỗ lại chĩa nòng pháo ra phía bìa rừng đề phòng du kích tiến công. Đoàn xe dừng lại cho đến khi hoàng nữ bình phục.
Từ Đà Nẵng gia đình bà Nam Phương đáp máy bay vận tải quân sự Junker 52 bay đi Đà Lạt. Nhưng bà không về ở trong biệt điện của Bảo Đại, nơi xưa kia cả gia đình Nhà vua sống phần lớn thời gian trong những năm trị vì. Toà biệt thự lớn quá, bà nay không còn tuỳ tùng, gia nhân. Đang thời chiến, cao nguyên Lang Biang cũng không tránh khỏi sẽ trở thành chiến địa. Vì vậy bà đưa các con về biệt thự của mẹ đẻ và ở tạm đó trong gần ba tháng.
Ba tháng nghỉ ngơi để tâm trí trở lại bình tĩnh, hồi phục những chấn thương tinh thần.
Đà Lạt vẫn còn là đất Việt Nam, nhưng rồi bà và các con vẫn phải ra đi. Bà đã cắt đứt hẳn quan hệ với Việt Minh vì mẹ con bà đã lánh nạn bên chiến tuyến của kẻ thù. Cuộc sống tại Đà Lạt cũng không lấy gì làm vui.
Hết cả huy hoàng, lộng lẫy. Vẫn bặt tin về ông Bảo Đại. Không còn trường cho bọn trẻ đi học. May là có các anh chị em họ bên ngoại cố làm cho các con bà vui vẻ.
Trừ Bảo Long còn giữ được vốn tiếng Pháp nhờ mấy cuốn truyện của Jules Vernes từ ngày xưa ông nội để lại còn các đứa con khác trong hoàng gia chỉ nói tiếng Việt. Sau nầy chúng sẽ phải học lại tiếng Pháp là thứ tiếng quen dùng trong gia đình.
 
Chú thích:
(1)Thừa Thiên- Huế trong kháng chiến chông thực dân Pháp, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1994, trang 60-63.
(2) CAOM - Lưu trừ bộ Pháp quốc Hải ngoại - Báo cáo 1257 của Sở tình báo phản gián Pháp (SDECE-Service de Documentaion Extérieure et de Contre Espionage), tập số 1245 NF.