Bài học kinh nghiệm của Bonaparte sử dụng quân đội như một công cụ hợp pháp để giải quyết vấn đề Chinh phục Quốc gia trên lãnh vực thủ tục nghị viện, bài học ấy hãy còn là một ám ảnh lớn lao cho những người như Kapp, Primo de Rivera hoặc Pilsudzki vốn chủ trương dung hòa việc dùng bạo lực và sự tôn trọng pháp lý, đồng thời muốn hoàn thành bằng sức mạnh vũ khí một cuộc cách mạng nghị viện. Chiến thuật ngày 18 Brumaire không phải là một chiến thuật phiến loạn của quân đội. Đúng ra đặc điểm của đảo chính này chính là nỗi bận tâm giữ gìn tính cách hợp pháp và điều này là nguyên tắc mới mà Bonaparte đã mang lại trong kỹ thuật đảo chính. Người ta nhận thấy sự bận tâm hết sức mới mẻ đó trong những công cuộc của Kapp, của Primo de Rivera và của Pilsudzki. Chính đó là đặc tính làm cho ngày 18 Brumaire có tính cách hiện đại và làm cho chiến thuật của Bonaparte trở thành một trong những đe dọa trực tiếp nhất đối với những quốc gia theo chế độ nghị viện. Mộng tưởng của Kapp là gì? Là mộng trở thành một kẻ như Siéyès của Von Luttwitz, và thực hiện cuộc đảo chính nghị trường. Ludendorff vọng tưởng điều gì vào năm 1923 khi liên minh với Hitler và Kahr để tiến về thành phố Berlin? Chính là vọng tưởng ngày 18 Brumaire. Mục tiêu chiến lược của ông ta là gì? Cũng là mục tiêu của Kapp: Quốc hội Reichstag, Hiến pháp Weimar. Primo và Pilsudzki cũng thế: một người nhắm Quốc hội lập pháp Cortès (Tây Ban Nha), một người nhắm Quốc hội Diète. Đến cả Lénine, không kể giai đoạn đầu vào mùa hè 1917, cũng đã chẳng bắt đầu mô phỏng chiến thuật của Bonaparte hay sao. Trong những lý do giải thích sự thất bại của chiến thuật bạo động tháng Bảy 1917, thì lý do trọng đại nhất là Ủy ban Trung ương đảng Bôn sê vich và Lénine đã phản đối một cuộc bạo động sau những buổi Đại hội Xô viết đầu tiên. Họ không có mục đích nào khác hơn là đối tượng nghị viện: chinh phục đa số trong Đại hội Xô viết. Cho tới buổi tối trước hôm đảo chính, mối bận tâm duy nhất của Lénine, đã lánh cư tại Phần Lan sau những ngày cách mạng tháng Bảy, là chiếm đa số ở Đại hội Xô viết: lần thứ nhì bắt buộc phải được triệu tập vào tháng Mười. Là chiến thuật gia tầm thường, ông chủ trương cần có sự an toàn về phương diện nghị viện trước khi khởi xướng bạo động. Lounatcharski nhận xét: “Cũng như Danton hay Cromwell, Lénine là một kẻ tùy thời có thiên tài”. Quy luật nền tảng của chiến thuật Bonaparte, xây dựng trên chủ nghĩa tùy thời có tính cách tích cực nhất, là sự lựa chọn lĩnh vực nghị viện như một nơi thích hợp nhất để dung hòa việc sử dụng bạo lực và sự tôn trọng pháp lý. Đó là đặc điểm của ngày 18 Brumaire. Kapp, Primo de Rivera, Pilsudzki và xét theo một vài tương quan nào đó, cả Hitler nữa, đều là những kẻ ưa trật tự, những kẻ phản động dự tính chiếm đoạt quyền hành để phát huy uy tín, uy lực và uy quyền của họ nhưng lại bận tâm biện minh thái độ phản loạn của họ bằng cách tự tuyên dương mình không phải là kẻ thù mà chính là công bộc của quốc gia. Điều làm cho họ lo sợ nhất là bị đặt ra ngoài pháp luật. Khi nghe tin bị đặt ngoài vòng pháp luật, Bonaparte đã thất sắc; sự kiện này hẳn là một cái gì trong những mối bận tâm đã ám ảnh hành động của họ. Mục tiêu chiến thuật của họ là Nghị viện; họ muốn chinh phục quốc gia qua Nghị viện. Duy chỉ có quyền lập pháp, rất thuận lợi cho các trò hòa giải và đồng lõa mới có thể giúp đỡ họ trong việc đưa một sự đã rồi vào trong một trật tự có sẵn bằng cách ghép bạo lực cách mạng vào sự hợp hiến. Hoặc là Nghị viện chấp nhận và tích cực hợp pháp hóa sự việc đã hoàn thành bằng cách biến đổi cuộc đảo chính thành một sự thay đổi nội các, hoặc là những kẻ cách mạng bạo động giải tán Nghị viện và thiết lập một Quốc hội mới để hợp pháp hóa bạo lực cách mạng. Nhưng nghị viện chấp nhận hợp pháp hóa cuộc đảo chính là chỉ để ban hành chính cái chung cục của mình. Trong lịch sử cách mạng không có một Quốc hội nào chấp nhận hợp pháp hóa cuộc đảo chính mà sau đó không là nạn nhân đầu tiên của bạo lực cách mạng. Để phát huy uy tín, uy lực và uy quyền Quốc gia, lý luận của Bonaparte chỉ quan niệm được một sự tu chính hiến pháp và giới hạn các đặc quyền của Nghị viện mà thôi. Sự đảm bảo hợp pháp duy nhất đối với cuộc đảo chính kiểu Bonaparte nằm trong một sự tu chính hiến pháp nhằm giới hạn các quyền tự do của nông dân và những quyền hạn của nghị viện. Tự do: chính là kẻ thù. Chiến thuật kiểu Bonaparte, bằng mọi giá, bó buộc phải nằm trong phạm vi hợp pháp. Chiến thuật này chỉ sử dụng bạo lực để duy trì mình trên bình diện hợp pháp hoặc để trở lại bình diện này một khi bị bó buộc phải tách xa. Bonaparte làm gì, Bonaparte hợp pháp của ngày 18 Brumaire ấy, khi biết rằng Thứ dân viện đã tuyên bố đặt ông ra ngoài vòng pháp luật? Ông đã dùng tới bạo động: ông ra lệnh cho quân sĩ tống các dân biểu khỏi Orangerie, ông đã xua đuổi và phân tán những kẻ đại diện Quốc gia. Nhưng vài giờ sau, Lucien Bonaparte, chủ tịch Thứ dân viện vội vã tóm cổ vài chục dân biểu, triệu tập lại Hội nghị và hợp pháp hóa cuộc đảo chính bằng thứ Quốc hội giả danh này. Chiến thuật ngày 18 Brumaire có lẽ chỉ có thể được áp dụng trên lĩnh vực nghị viện. Sự hiện hữu của Nghị viện là điều kiện tất yếu của cuộc đảo chính của Bonaparte. Trong chính thể Quân chủ chuyên chế, người ta chỉ có thể quan niệm được các âm mưu của hoàng cung hay các cuộc khởi loạn của quân đội mà thôi. Primo de Rivera và Pilsudzki, mặc dù các đảng viên của họ đã làm họ biến thành người anh hùng kiểu của Plutarque (đó là số phận của tất cả các nhà độc tài), chắc hẳn sẽ gặp những khó khăn hết sức trầm trọng hơn nếu Nghị viện Cortès (Tây Ban Nha) và quốc hội Diète (Ba Lan) là Hạ viện Anh hoặc là quốc hội Pháp. Nhưng thành công của hành động bạo lực của họ không do bởi sự kiện Nghị viện Cortès và Quốc hội Diète không phải là Hạ nghị viện Anh hoặc Quốc hội Pháp, mà do sự kiện ở Tây Ban Nha năm 1923 cũng như ở Ba Lan năm 1926 không có một nền dân chủ nghị viện khả dĩ bảo vệ nổi các quyền tự do công cộng. Trong các mối hiểm nguy của Quốc gia ngày nay có thể gặp, một trong những mối hiểm nguy trầm trọng nhất là tính cách dễ bị tổn thương của nghị viện. Mọi nghị viện, không trừ ra ở đâu, đều yếu ớt nhiều hay là ít. Lỗi lầm của các nền dân chủ đại nghị chính là sự tin tưởng thái quá ở các tự do đã tranh đấu được trong khi chẳng có gì mong manh hơn chúng trong Châu Âu ngày nay. Thật là một ảo tưởng nguy hại nếu tin rằng nghị viện là cách bảo vệ quốc gia tốt đẹp nhất chống lại mưu toan kiểu Bonaparte và có thể bảo vệ tự do bằng sự hành xử tự do, bằng những biện pháp cảnh sát. Đó chính là điều mà các dân biểu nghị viện Cortès và quốc hội Diète vọng tưởng cho đến trước ngày các cuộc đảo chính của Primo de Rivera và Pilsudzki bùng nổ. Trong những anh hùng có đời sống gương mẫu và Plutarque thuật lại thì thật hiếm có những người xuất thân từ hàng quý tộc. Có lẽ đó là lý do chống lại việc Primo de Rivera, một quý tộc đại tướng mang vóc dáng một anh hùng kiểu Plutarque trong lịch sử. Trong những chuyến phiêu lưu khốn khổ của loại nhà độc tài này, không có gì đáng chê bằng lòng trung thực và thành tín. Trách ông đã phục vụ xứ sở bằng một trí thông minh tầm thường là lầm. Thật ra nên trách ông đã phục vụ Hoàng đế bằng sự cao đẹp của tâm hồn. Mọi nhà độc tài đều phải như Metternich, phải biết nghi ngờ những ông vua được hiến pháp chấp nhận. Sự đồng lõa của nhà vua là yếu tố đáng lưu ý nhất – có lẽ là yếu tố duy nhất đáng lưu ý của nền độc tài Tây Ban Nha. Nếu không có sự a tòng tạo phản của Alphonse XIII, Primo de Rivera đã không thể chiếm chính quyền, giải tán Nghị viện Cortès, cấm chỉ mọi tự do công cộng, cai trị bất kể hiến pháp Deus ex machina thật sự của cuộc đảo chính. Trách nhiệm duy nhất về sự độc tài, không phải là do Primo de Rivera, mà là nhà vua. Người ta nói rằng Rivera vốn là “Bonaparte bất đắc dĩ với vụ mô phỏng ngày 18 Brumaire”, nhưng trong vở hài kịch buồn tẻ đó của cuộc đảo chính và của nền độc tài “nhân danh Vua”, Primo de Rivera chỉ giữ một vai trò của một “Mussolini bất đắc dĩ” để phục vụ chính sách cá nhân của một ông vua phản loạn. Trong một chế độ quân chủ lập hiến, không có chỗ cho một nhà độc tài; chỉ có những kẻ nịnh thần mới có thể làm đảo chính bằng óc xiểm nịnh mà thôi. Sự đồng mưu của nhà Vua và của Primo de Rivera có tính cách một thỏa hiệp mờ ám giữa một nịnh thần với ông Vua hơn là một dàn xếp giữa Hiến pháp và Độc tài. Primo de Rivera không hề là nhà độc tài, mà chỉ là một kẻ dua nịnh. Sự đồng mưu đó, với những bảo chứng là các bảo đảm tôn trọng hiến pháp, những quyền hạn của Nghị viện và những tự do công cộng chỉ có thể chấm dứt bằng sự phản bội. Chuyện một ông vua phối hợp phản bội và âm mưu trong việc thực hiện một công cuộc mà ông là kẻ chịu trách nhiệm duy nhất trước Hiến pháp và quốc dân, chuyện đó là thường. Bài học rút ra từ những biến cố Tây Ban Nha, thật không thuận lợi chút nào cho những chủ trương độc tài theo kiểu “vương mệnh”. Để biện minh cho thái độ của Alphonse XIII đối với người đồng lõa và để cắt nghĩa sự thành lập của nền cộng hòa, người ta đã nói đáng lẽ thiết lập ở quốc gia Tây Ban Nha “nền dân chủ chuyên chế” thì ông chỉ mang lại có một chế độ độc tài. Có nên tin rằng Primo de Rivera đã không phục vụ đắc lực cho nhà Vua không? Sự độc tài của ông ta không nhằm phế bỏ những quyền hạn của Nghị viện và những tự do quy định trong hiến pháp và kiến tạo một Quốc gia dựa trên nền tảng “dân chủ chuyên chế” hay sao? Những biến cố kế tiếp cho thấy Primo de Rivera vốn chỉ thần phục ý muốn của nhà vua, với tư cách một bề tôi đắc lực cho Vương quyền. Không nên trách cứ ông (vì?) cái luận lý của nền độc tài mà một ông vua do hiến pháp quy định phải không bao giờ quên. Chính từ luận lý đó đã nẩy sinh nền Cộng hòa Tây Ban Nha. Trong số những cuộc đảo chính gợi nhớ đến ngày 18 Brumaire, có lẽ cuộc đảo chính của Pilsudzki vào tháng năm 1926 là đáng để ý nhất. Pilsudzki, người mà năm 1920 Lloyd George gọi là "một Bonaparte xã hội" đã chứng tỏ rằng Pilsudzki biết dùng Karl Marx vào việc phụng sự cho đường lối độc tài trưởng giả (Lloyd George không bao giờ có thiện cảm với những viên tướng xã hội). Chính sự đồng lõa của những khối lao động đã là yếu tố độc đáo của cuộc đảo chính của Pilsudzki. Những kẻ thực hiện chiến thuật bạo động của ông không phải là thợ thuyền, mà là quân nhân trong những trung đoàn nổi loạn. Chính quân nhân đã chiếm cầu cống, chiếm những trung tâm điện lực, Thành nội, trại lính, chiếm những kho thực phẩm và quân trang, những ngã ba ngã tư, chiếm hỏa xa, các trung tâm truyền tin, các ngân hàng. Quần chúng không tham gia tấn công các đầu cầu chiến lược ở Varsovie, cũng như trụ sở Belvédère, nơi các vị chủ tịch Cộng hòa và các Bộ trưởng ẩn náu, nghĩa là những địa điểm vẫn được những binh đội trung thành với chính quyền Witos bảo vệ. Lần đó quân đội vẫn còn là yếu tố cổ điển của chiến thuật Bonaparte. Nhưng cuộc tổng đình công do Đảng Xã hội công bố để hỗ trợ Pilsudzki trong cuộc chiến đấu chống sự liên kết của phe hữu mà Witos nương tựa, là yếu tố mới mẻ của cuộc nổi dậy mang lại tính cách xã hội trước công luận cho hành động bạo lực, cho sự nổi loạn quân sự tàn bạo này. Sự đồng lõa của thợ thuyền giúp cho binh sĩ của Pilsudzki có bộ mặt của những chiến sĩ bảo vệ tự do cho giới vô sản. Trên lĩnh vực tổng đình công, nhờ sự tham dự của những lực lượng công nhân vào chiến thuật cách mạng mà người ta nhận thấy sự chuyển dạng từ cuộc nổi loạn quân sự sang cuộc nhân dân nổi loạn được một phần quân đội ủng hộ. Như vậy Pilsudzki vào lúc khởi đầu cuộc đảo chính chỉ là một viên tướng phản loạn, bây giờ trở nên một thủ lĩnh của nhân dân, trở nên anh hùng vô sản, hay theo Lloyd George là trở nên Bonaparte xã hội. Thế nhưng cuộc tổng đình công không đủ để đưa Pilsudzki vào vòng hợp pháp. Chính ông cũng sợ bị đặt ngoài vòng pháp luật. Thật ra, viên tướng xã hội đó chỉ là một tay cách mạng bạo động trưởng giả, mải bận tâm suy nghĩ và thực hiện những dự mưu tàn bạo nhất nhưng lại vẫn nằm trong pham vi luân lý xã hội và lịch sử của thời đại ông và của dân tộc ông. Đó là một kẻ phản loạn chủ trương quấy phá quốc gia mà không muốn bị cho là ngoài vòng pháp luật. Trong sự căm ghét Witos, Pilsudzki không thừa nhận là Witos có quyền bảo vệ nhà nước. Sự kháng cự của những binh đội trung thành với chính quyền, làm sống dậy ở ông cái con người Balan ở Lithuanie “điên khùng và cứng đầu”. Địch dùng súng liên thanh, ông chống trả bằng súng liên thanh. Chính cái con người Balan ở Lithuanie đó đã ngăn cản viên tướng xã hội này đi vào vòng hợp pháp, không cho ông lợi dụng những cơ hội để điều chỉnh sai lầm đã vi phạm lúc khởi đầu. Bởi lẽ không ai khởi sự một cuộc đảo chính nghị viện bằng một cuộc chinh phạt tàn bạo bằng quân đội. Và như Montron đã nói “Làm như vậy là sai”. Pilsudzki có được một kẻ đồng lõa qua đảng xã hội, một sức mạnh chiến thuật trong cuộc tổng đình công, nhưng ông cần phải tìm có một đồng minh là vị chủ tịch quốc hội Diète. Chính qua trung gian Hiến pháp mà ông sẽ chiếm chính quyền. Trong khi chiến cuộc tiếp diễn ở những vùng ngoại vi Varsovie, trong khi tướng Haller chuẩn bị từ Posnanie về cấp cứu chính quyền thì ở trụ sở Belvédère, Chủ tịch Cộng hòa Woitciekowski và thủ tướng Witos quyết định theo Hiến pháp, trao quyền hành cho chủ tịch Quốc hội Diète. Kể từ giờ phút đó, ngưởi bảo đảm hiến pháp không còn là chủ tịch Cộng hòa mà là Chủ tịch quốc hội Diète. Cuộc đảo chính nghị viện chỉ mới bắt đầu: cho đến lúc này vẫn còn là một cuộc nổi loạn của quân đội được hỗ trợ bằng một cuộc tổng đình công. Về sau Pilsudzki nói rằng giả như Woitciekowski và Witos chờ cho tới khi những đạo binh trung thành với chính quyền đến, thì âm mưu cách mạng của ông có lẽ đã thất bại. Chính quyết định vội vàng của chủ tịch Cộng hòa và của Witos đã biến đổi cuộc nổi dậy bạo động thành một cuộc đảo chính nghị viện. Đến đây là việc của chủ tịch Quốc hội Diète đưa Pilsudzki vào vòng hợp pháp: “Tôi không muốn thiết lập chế độ độc tài", Pilsudzki vội vã tuyên bố ngay khi đặt chân đến lĩnh vực nghị viện: "Dự tính của tôi là hành động theo đúng Hiến pháp để gia tăng uy tín, uy lực và uy quyền quốc gia”. Thì ra ông cũng không khác những tay cách mạng bạo động của phe hữu chiếm chính quyền bằng bạo lực, mà không có tham vọng nào hơn tỏ ra mình là một công bộc trung thành của quốc gia. Vì với tư cách kẻ bề tôi đắc lực của quốc gia, Pilsudzki đã vào Varsovie trên một chiếc ô tô bốn mã lực với đoàn kỵ binh cận vệ tháp tùng hớn hở. Quần chúng làm hàng rào dọc theo ven lộ Krakowski Przedniescie nghênh tiếp ông và hô to: “Vạn tuế Pilsudzki! Cộng hòa vạn tuế!” Chủ tịch quốc hội Diète tỏ ra không thấy khó khăn mấy trong việc thỏa thuận với ông về vấn đề hiến pháp. Vị này nghĩ: “Bây giờ Cách mạng đã chấm dứt, sắp có thể ăn ý nhau được rồi”. Nhưng cuộc đảo chính nghị viện chỉ mới khởi đầu thôi. Đến hôm nay (1), sau những biến cố đã làm Hiến pháp thành công cụ cho độc tài, và làm nước Balan dân chủ vô sản, kẻ đồng lõa của cuộc nổi dậy, thành kẻ thù của viên tướng xã hội, sau biết bao mưu đồ, biết bao mộng tưởng mất đi, Pilsudzki vẫn không tìm thấy được phương sách điều hợp được bạo lực với pháp lý. Năm 1926, cuộc đảo chính Nghị viện của Pilsudzki chỉ mới là những bước đầu. Ngày nay, chúng ta cho đó là một cuộc đảo chính chưa thành. Chú thích:(1) Cuốn sách này được viết lần đầu trước Thế chiến II (người dịch)