Bản dịch Thái Độ
Chương III
1920: KINH NGHIỆM BA LAN

TRẬT TỰ THIẾT LẬP Ở VARSOVIE

Sau mấy tháng ở Hội đồng chiến tranh Tối cao Versailles, đến tháng 10 năm 1919, tôi được cử làm tùy viên ngoại giao Lãnh Sự quán Ý ở Varsovie, vì lẽ đó, tôi lại có nhiều dịp gặp gỡ Pilsudzki. Nhờ thế tôi hiểu ông sống bằng tưởng tượng và đam mê hơn là bằng suy luận, vốn kiêu căng hơn là tham vọng và, trong bản chất, ông là người giàu nghị lực hơn trí thông minh. Chính ông không ngần ngại thú nhận rằng ông có vẻ khùng khùng và cứng đầu, như mọi người dân Balan ở Lithuanie.
Không phải lịch sử đời ông đã có thể làm cho ông điều hợp được lòng ngưỡng mộ của Plutarque hay Machiavel. Tôi thấy nhân cách cách mạng của ông cũng ít đáng chú ý, không như của những tay đại bảo thủ Wilson, Clemenceau, Lloyd George hay Foch mà tôi đã từng tiếp xúc và quan sát ở Hội nghị Hòa Bình (Conférence de la Paix). Dù là tay cách mạng, tôi nhận thấy trong tư thế đó Pilsudzki còn kém, và non kém hơn rất nhiều cả Stambuliski, ông đã cho tôi cảm tưởng ông hoàn toàn thiếu ý thức đạo đức nhưng lại quá hăng, quá bạo tàn, dám nói về hòa bình và công lý ở giữa những đám quần chúng Âu châu năm 1919.
Khi lần đầu diện kiến Pilsudzki tại lâu đài mùa hạ của ông ở Varsovie, tác phong của ông đã làm tôi kinh ngạc. Người ta nhận thấy ngay ở ông mẫu người Catilina trưởng giả, mải lo nghĩ và thi hành những dự định táo bạo nhất trong những giới hạn mà nền đạo lý văn minh và lịch sử của thời đại của dân tộc ông có thể cho phép, và lại đi tuân phục một thứ pháp lý ông vẫn chủ tâm chà đạp, nhưng vẫn không ra khỏi vòng pháp luật. Quả vậy, ở trong vai trò lãnh đạo trước và sau cuộc đảo chánh 1926, Pilsudzki không bao giờ đi đâu xa câu châm ngôn của Marie-Thérèse đã theo trong sách của bà ở Balan: “Hành động như người Phổ, nhưng cứ giữ bề ngoài lương thiện”.
Không nên ngạc nhiên Pilsudzki đã lấy câu châm ngôn của Marie-Thérèse làm của mình và đã luôn lo giữ những bộ mặt hợp pháp. Sự bận tâm thường xuyên này, cũng là bận tâm của một số nhà Cách mạng khác, đủ để tố giác ông thiếu khả năng (người ta đã thấy rõ điều này năm 1926) để quan niệm và thực hiện một cuộc đảo chánh theo những luật tắc của một ngành nghệ thuật không nhất thiết chỉ là thuần túy chính trị. Ngành nghệ thuật nào cũng có kỹ thuật của nó. Nhưng không phải mọi nhà đại cách mạng đều am hiểu kỹ thuật đảo chánh. Chỉ kể một số nhà đại cách mạng như Catilina, Cromwell, Robespierre và Napoléon, hay cả Lénine nữa, tất cả đã chứng tỏ họ biết hết về việc đảo chánh, trừ kỹ thuật thì không. Giữa Napoléon ngày 18 Brumaire ([1]) và tướng Boulanger, chỉ có Lucien Bonaparte.
Cuối mùa thu năm 1919, trước mắt của toàn dân Balan, Pilsudzik là người duy nhất khả dĩ nắm giữ vận mệnh của nền cộng hòa. Bấy giờ ông là Quốc trưởng, nhưng quyền hành được ủy nhiệm cho ông chỉ là tạm thời, trong khi đợi chờ bản Hiến pháp do Quốc hội đắc cử vào tháng giêng soạn thảo. Thực ra, sự vận động của các đảng phái chính trị và của những tham vọng cá nhân đã giới hạn triệt để quyền hạn của Quốc trưởng. Trước Quốc hội Lập hiến, Pilsudzki cũng ở trong tình trạng như của Cromwell trước Nghị viện vào ngày 3-9-1654.
Bất chấp dư luận chung vẫn kỳ vọng ông, ông đã không dám giải tán Quốc hội và nắm lấy mọi quyền nhiệm. Cái loại độc tài đó, vừa cục súc vừa trưởng giả, phiến loạn nhưng lại hết sức lo tới vấn đề hợp pháp cùng tỏ ra thiên vị trước mắt quần chúng cái cung cách của một vị tướng xã hội, cách mạng thì tới nửa lưng còn phản loạn thì cứ lưng tới đầu, kẻ đã không quyết định dứt khoát giữa nội chiến và cuộc chiến chống Nga-sô-viết, kẻ đã tuần này qua tuần khác đe dọa có một cuộc đảo chánh và biểu tỏ cái nguyện vọng lớn lao nhất là được thừa nhận bằng một bản Hiến pháp khai sinh, loại người đó luôn luôn kích động dư luận, làm cho quần chúng lo lắng hoảng hốt. Không những chỉ đảng viên xã hội mà cả những người thuộc phe hữu cũng ngạc nhiên tự hỏi ông ta chờ đợi cái gì nữa từ hơn một năm mà không dám dùng chìa khóa vấn đề mình đã giữ được để, hoặc ra khỏi được hỗn trận đồ chính trị và tài chánh trong đó quốc gia đang lạc lối, hoặc để tìm cách bóp chết nền Cộng hòa, và ông thích mất thì giờ để so tài mưu kế, thủ thuật với vị chủ tịch hội đồng Paderewski, trong lúc nhàn hạ ở Lâu đài mùa hạ của các vị vua chúa Ba lan. Trong khi đó tại Hoàng cung giữa lòng Varsovie, Paderewski trong Lâu đài mùa đông vua chúa, đáp lại tiếng kèn đồng của những thương kị binh Pilsudzki bằng những điệu đàn Clavecin.
Trước con mắt của quần chúng, uy thế của Quốc trưởng ngày càng suy giảm bởi những cuộc tranh luận ở nghị trường và bởi mưu đồ của các đảng phái. Thái độ thụ động khó hiểu của Pilsudzki, trước những tình trạng nguy hiểm bên trong cũng như bên ngoài, đã thử thách nặng nề lòng tín cẩn của những đảng viên xã hội đối với ông bạn già nhiều âm mưu và đã từng bị lưu đầy này. Sau mưu toan thất bại của Hoàng tử Sapieha, anh hùng của cuộc đảo chánh hụt tháng giêng 1919 chống Pilsudzki, giai cấp quí tộc đã bỏ hẳn ý định chinh phục quyền bính bằng bạo lực; nhưng không bao lâu, trở lại với những ảo ảnh tham vọng của họ, giai cấp quí tộc tin chắc rằng Pilsudzki không đủ sức bảo vệ tự do của quần chúng chống lại mưu toan nào đó của phe hữu, và ông ta từ đây không còn là một nguy cơ nào cho tự do nữa.
Pilsudzki không thù hận hoàng tử Sapieha, một người Lithuanie như ông, nhưng lại có cốt cách ông hoàng bà chúa, xử sự khuyên dụ và nhã nhặn, và đưa sự lịch sự này đến chỗ lạc quan giả tạo, cái lịch sự kiểu Ăng lê, ung dung tự tại và hững hờ, mà người ngoại quốc lớn lên ở Anh quốc đều học lấy làm một bản tính thứ hai. Hoàng thử Sapieha không phải là người khơi động lên lòng nghi ngờ cũng như lòng ghen ghét của Pilsudzki; mưu toan làm cách mạng của hoàng tử đã hiển nhiên chỉ là mưu toan của kẻ tài tử hay của một thày lang và không đáng làm cho ông lo ngại. Vì cẩn trọng cũng như vì phiến loạn và muốn đẩy lòng khinh bỉ của mình đối với giai cấp quí tộc Ba lan đến mức độ vô tâm, Pilsudzki phục thù bằng cách bổ Sapieha làm đại sứ ở Luân Đôn; ông hoàng này vốn học ở Cambridge bây giờ trở lại Anh quốc để tiếp tục sách đèn.
Nhưng không phải chỉ trong số những kẻ phản động vốn lo lắng về mối nguy của Ba lan do hỗn loạn nghị trường mang lại, mà người ta hình thành và hoàn tất kế hoạch chiếm đoạt quyền hành bằng bạo lực. Sau khi đã can đảm chiến đầu ở mặt trận Pháp, chiến tranh chấm dứt, tướng Joseph Haller trở về Balan, thủ lãnh của đạo chí nguyện quân gồm những người chỉ trung thành với ông ta mà thôi. Vẫn đứng trong bóng tối là địch thủ của Pilsudzki, Haller lo chuẩn bị lên nắm quyền thay thế trưởng phái đoàn quân sự Anh, tướng Carton de Wiart, người mà dân Balan bảo rằng giống Nelson bởi lẽ ông đã bị chiến trường lượm mất một mắt và một cánh tay, tuyên bố rằng Pilsudzki rất nên nghi ngờ Haller, người đi khập khễnh như Talleyrand.
Tuy nhiên, nội tình càng ngày càng tệ hại. Sau cuộc lật đổ Paderwski, cuộc đấu tranh giữa các đảng phái trở nên sôi động hơn, và Skulski, vị thủ tướng mới không tỏ ra là người khả dĩ đương đầu nổi với xáo trộn hành chính cũng như chính trị, với những yêu sách bè phái, với những biến cố toan tính trong vòng bí mật. Khoảng cuối tháng ba, trong một cuộc họp hội đồng chiến tranh ở Varsovie, tướng Haller đã cương quyết chống đối những kế hoạch quân sự của Pilsudzki.
Khi cuộc chinh phục Kiev đã được quyết định cho thi hành, Haller rút lui về tỉnh nhà và giữ thái độ dè dặt mà những lí do chiến lược không đủ để biện minh.
Ngày 26 tháng 4 năm 1920, quân đội Balan tiến qua biên thùy Ukraine và ngày 8 tháng 5 vào đến Kiev. Những chiến thắng dễ dàng của Pilsudzki khơi động một nguồn hứng khởi lớn lao trong khắp nước Balan. Ngày 18 tháng 5, dân chúng Varsovie tiếp đón người hùng chinh phục trở về, kẻ mà những người cuồng tín ngây thơ nhất đã so sánh với kẻ chiến thắng ở Marengo. Song, vào những ngày đầu tháng, đạo quân Bôn-sê-vích do Trotzky thống lãnh, mở cuộc tấn công, và vào ngày 10, ky binh của Budyonni tiến vào Kiev. Trước cái tin bất ngờ này, nỗi khiếp sợ và sự rối loạn làm các đảng phái nổi cơn thịnh nộ, những kẻ tham vọng càng đòi hỏi, yêu sách. Thủ tướng Skulski trao truyền cho Grabski và bộ trưởng ngoại giao Patek được thay thế bởi hoàng tử Sapieha, đại sứ ở Anh, ông hoàng trở về này đã hòa dịu nhiều với các bài học về chủ nghĩa tự do của Anh. Toàn dân nhứt loạt đứng lên võ trang chống cự làn sóng xâm lăng đỏ. Chính tướng Haller, đối thủ của Pilsudzki, cũng kéo toán chí nguyện quân đến cứu nguy kẻ thù của mình bị lăng phục. Tuy nhiên, các phe nhóm đã nổi loạn; và bị choáng váng vì tiếng la ó của họ, người ta hầu như không nghe thấy tiếng vó ngựa rầm rập của ky binh Budyonni.
Đầu tháng tám, đạo quân của Trotzky đã hiện ra ở ngưỡng cửa Varsovie giữa một đám đông đầy lo lắng, trầm ngâm, xúm xít nghe ngóng tin tức trên đường phố, người ta thấy những bọn đào binh, những kẻ tị nạn, những người dân quê chạy trốn; người ta nghe tiếng gầm thét của chiến trận đến gần và lớn dần. Grabski, tân thủ tướng, bị hạ bệ, và người kế tiếp là Witos vốn bị những kẻ khuynh hữu khinh ghét, cố gắng đưa ra một cuộc chiến với các đảng phái và tổ chức nhân dân kháng chiến, nhưng vô ích. Trong những khu ngoại ô thợ thuyền, trong khu vực Nalewki, khu vực Do thái ở Varsovie, 300.000 người Do thái đang lắng nghe âm vang của chiến trường, và sự nổi loạn đã bắt đầu, nảy mầm. Trong hành lang Quốc hội, trong tiền sảnh của các Bộ, trong các văn phòng ngân hàng và báo chí, trong những quán cà phê, trong trại lính đâu đâu cũng nghe đồn những tin hết sức lạ lùng. Người ta nói có thể có sự can thiệp của những đơn vị quân lực Đức, do lời thỉnh cầu với Bá linh của Witos, đến để ngăn cản cuộc tấn công của Bôn-sê-vích. Về sau người ta mới hiểu ra, qua một cuộc chất vấn ở nghị trường, rằng quả có một cuộc thương nghị với nước Đức, nhưng là do Witos đã thỏa hiệp với Pilsudzki. Người ta đối chiếu giữa các cuộc thương nghị đó với sự viếng thăm của tướng Weygand, mà người ta coi vừa như là một sự từ khước Witos và vừa là một sự kém sút của Pilsudzki. Những người thuộc phe hữu, vẫn luôn luôn cấu kết với chính sách của Pháp, kết tội Witos là lật lường và bất lực, và đòi hỏi phải có một chính phủ mạnh. Chính ngay Witos, không thể nào dẹp yên được những đám phản loạn, qui trách tai họa cho hết cánh tả lại đến cánh hữu, vô tình làm rối loạn càng trầm trọng thêm.
Địch quân đã ngấp nghé ở đầu thành phố; nạn đói kém và phiến loạn đã tràn ngập Varsovie. Từng đoàn biểu tình diễu hành qua các nẻo đường ngoại ô và, trên những vỉa hè Krakowskie, trước những công trường, ngân hàng và tư thất của hạng quí tộc, những toán lính đào ngũ lượn qua lượn lại với những cặp mắt hoảng hốt trên khuôn mặt gầy xanh hốc hác.
Ngày 6 tháng 8, Đức ngài Ratti Khâm mạng tòa thánh, bây giờ là Giáo hoàng Pie II, với tư cách niên trưởng ngoại giao đoàn, cùng đi với các ngoại trưởng Anh, Ý và Lỗ đến gặp hội kiến với thủ tướng Witos, để yêu cầu ông chỉ định ngay thành phố mà Chính phủ sẽ di chuyển tới trong trường hợp có sự triệt thoái khỏi kinh đô. Cuộc vận động này vốn đã được quyết định từ hôm trước, sau một cuộc tranh biện dai dẳng của ngoại giao đoàn trong Dinh Khâm mạng. Đa số các đại diện ngoại quốc theo gương ngoại trưởng Anh, Sir Horace Rumbold và ngoại trưởng Đức, bá tước Oberndorff thảy đều tán thành một cuộc di chuyển cấp tốc phái đoàn ngoại giao đến một thành phố an ninh hơn, Posen hoặc Czenstochowa. Sir Horace Rumbold còn đòi hỏi chính phủ Balan phải chọn lựa thành phố Posen làm kinh đô tạm thời.
Duy chỉ có Đức Khâm mạng, Đức ngài Ratti và ngoại trưởng Ý, ông Tommasini là người chủ trương cần phải ở lại Varsovie cho đến cùng. Thái độ của hai vị này đã gây ra trong cuộc hội thảo những lời phê bình sôi nổi, và chính phủ Balan đã coi thái độ đó là có hậu ý, bởi lẽ họ ngờ rằng nếu Đức Khâm mạng của Giáo hoàng và ngoại trưởng Ý chủ trương ở lại Varsovie, chính là trong hy vọng thầm kín, muốn rằng cuối cùng họ bị ngăn cản không đi được bắt buộc phải ở lại kinh đô trong sự chiếm đóng của quân cộng sản. Người ta nói rằng làm như thế, Đức Khâm mạng mới có cách thiết lập ngoại giao giữa Vatican và chính thể Sô viết để bàn luận những vấn đề tôn giáo liên hệ tới Giáo hội. Lý do vì Giáo hội luôn luôn chú trọng đến những biến cố ở Nga, chờ có cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của họ ở vùng Đông Âu; ý muốn này không những chỉ chứng tỏ bằng sự bổ nhiệm Cha Genochi là Phái viên quan sát Tòa thánh ở Ukraine, mà còn bằng sự hậu thuẫn công khai của Đức Khâm mạng Ratti đối với Tổng giáo chủ Léopolis là Đức ngài André Szeptycki. Quả vậy, Giáo hội Thống nhất Galicie đông phương luôn luôn được Tòa thánh coi như là một trung gian tự nhiên cho sự truyền đạo Gia tô ở Nga. Còn đối với Ngoại trưởng Ý Tommasini, người ta ngờ rằng ông tuân theo những chỉ thị của Tổng trưởng Ngoại giao, bá tước Sforza, người bị chi phối bởi những quan điểm chính trị quốc nội: những yêu sách của các đảng viên xã hội Ý, muốn bắt liên hệ với Sô viết. Nếu quân cộng sản chiếm cứ thủ đô Balan, sự hiện diện của ngoại trưởng Tommasini cho bá tước Sforza cơ hội thuận thời để đặt liên hệ ngoại giao với chính phủ Moscou.
Sự vận động của Đức ngài Ratti niên trưởng ngoại giao đoàn đã bị thủ tướng Witos tiếp nhận lạnh lùng. Tuy nhiên, ông đã quyết định là trong trường hợp nguy kịch, chính phủ Balan sẽ thiên di đến Posen và sẽ cung cấp mọi phương tiện dời chỗ cho ngoại giao đoàn. Ngày 8 tháng tám, nghĩa là hai ngày sau đó, một phần lớn những viên chức ngoại giao rời Varsovie.
Đạo quân tiền phong cộng sản đã đến đầu thành phố. Trong những khu thợ thuyền ngoại ô, những phát súng đầu tiên bắt đầu nổ. Đã đến thời điểm đảo chánh.
Varsovie suốt trong những ngày đó như một thành phố buông thả mặc tình cho sự khuấy phá. Một hơi nóng nặng nề làm tắt nghẽn giọng nói và tiếng động; một sự yên lặng sâu kín trùm lên đám đông quần tụ trong các đường phố. Lâu lâu, lại có từng dãy xe điện dài dằng dặc chở người bị thương, chậm chạp rẽ đám đông. Những kẻ bị thương thò đầu ra cửa sổ và đưa nắm tay lên trời chửi thề. Một điệu xì xào bán tán lan truyền từ đầu đến cuối phố. Giữa một toán kỵ binh áp tải, qua hàng ngựa, người ta thấy tù binh cộng sản đi thành hàng, đầu cúi xuống, khập khiễng, áo quần rách bươm, trên ngực còn nguyên ngôi sao đỏ. Khi đoàn tù đi qua, đám đông lặng lẽ rẽ lối và rồi tự động khép lại. Những hỗn loạn bỗng bùng ra đây đó, bị làn sóng đám đông bóp nghẹt tức khắc. Bên trên biển đầu người đó, những thập tự đen kịt cao nghệu do quân nhân gầy ốm nhưng hăng say, đưa vượt lên và kéo thành đám diễn hành; dân chúng chậm rãi bước theo, như sóng lũ; một dòng người tràn ngập đường phố kéo theo những thập tự giá, có khi ứ đọng lại, rồi kéo lui, rồi phân ra thành nhiều cánh hỗn loạn. Ở đầu cầu bắc qua sông Vistule, một đám đông lặng lẽ lắng nghe một tiếng nổ vang dội từ xa. Những đám khói dày đặc, vàng óng do ánh nắng và bụi, phủ kín chân trời rung chuyển ầm ầm như sự chấn động của một loại động cơ phá thành lũy.
Nhà ga trung ương đêm cũng như ngày đầy ắp những toán đào binh bỏ ngũ đói khát, những kẻ lánh nạn đủ mọi chủng loại, đủ mọi thành phần. Chỉ có những người Do thái trong những ngày đó là tỏ ra thỏa thích trong sự hỗn loạn: khu vực Nalewki là nơi quản thúc dân Do thái bừng lên nỗi hân hoan. Lòng căm phẫn người Ba lan ngược đãi con cháu của xứ Israel, sự thỏa mãn được dự khán cái bất hạnh lớn lao của Ba lan theo Thiên chúa giáo mà không có lòng bao dung, đã thể hiện nơi đó bằng những hành động đầy can đảm và mãnh liệt dị thường của dân Do thái sống ở Nalewki, vốn là những người kín đáo và khéo phục tùng do tự bản chất thận trọng và bởi truyền thống. Người Do thái trở thành những kẻ phiến loạn và đó là điềm xấu cho dân Balan.
Tin tức từ những vùng bị chiếm đóng do những người lánh nạn mang về đã nuôi dưỡng tinh thần phiến loạn: trong mọi thành phố, mọi làng mạc bị xâm chiếm, chẳng phải là cộng quân đã vội vàng thiết lập Ủy ban Sô viết gồm những người Do thái trong vùng đó sao? Dân Do thái, đang từ thân phận những kẻ bị hành hạ bạc đãi, trở thành những người đi hành hạ bạc đãi. Tự do, phục thù, quyền hành, là những trái cây quá ngon ngọt để cho hạng dân đen khốn cùng Nalewki không ước vọng cho được. Hồng quân, bây giờ chỉ cách Varsovie vài ba dặm, đã tìm được một người bạn đồng minh tự nhiên trong khối lượng khổng lồ dân chúng Do thái sống trong thành phố, mà con số và sự hoạt động tăng tiến từng ngày. Vào những ngày đầu tháng tám, con số này ít ra cũng đến năm trăm nghìn ở Varsovie. Bấy giờ tôi cũng có mặt ở đó và thường hỏi không biết cái gì có thể ngăn giữ đám dân phiến loạn khổng lồ, đang hâm đốt bằng cuồng bạo căm tức, đang khát khao tự do; và cái gì mới có thể ngăn cản không cho họ toan tính nổi dậy.
Quốc gia đang hồi tan rã, chính phủ trong cơn hấp hối, một phần lớn lãnh thổ bị chiếm đóng, thủ đô làm mồi cho hỗn độn và đã bị bao vây: Chỉ cần một ngàn người cương quyết, hoàn bị đủ để chiếm thành phố mà không phải giao tranh. Nhưng kinh nghiệm trong những ngày đó làm tôi tin chắc rằng, nếu Catilina là người Do thái thì những đồng chí cách mạng, nghĩa là những tay thực hiện đảo chánh, chỉ có thể huy động được từ các con cháu Israel. Tháng mười 1917 ở Pétrograd, Thủ lãnh cuộc bạo động Bôn-sê-vích là người Do thái Trotzki chứ không phải người Nga Lénine; nhưng những kẻ thực hiện cách mạng, những kẻ bạo động cách mạng thì gồm thủy thủ, thợ thuyền, binh sĩ đa số lại là người Nga. Trong cuộc đấu tranh chống Staline năm 1927, Trotzki đã phải rút bài học đắt giá trong cuộc đảo chánh khi trao việc thực hiện cho những phần tử đa số là người Do thái.
Hầu như ngày nào ngoại giao đoàn cũng hội họp ở dinh Khâm mạng để thảo luận tình hình. Tôi thường tháp tùng bộ trưởng bộ ngoại giao Ý Tommasini, người đã không vừa lòng về thái độ của các đồng sự hết thảy đều tán đồng chủ trương của Sir Horace Rumbold và của bá tước Oberndorff. Duy chỉ có ngoại trưởng Pháp, ông Panafieu, ước chừng tình thế đã đến hồi nguy ngập, mới nói toạc ra rằng sự thiên di phái đoàn ngoại giao đến Posen có hậu quả như một cuộc chạy trốn và gây ra một sự căm phẫn trong quần chúng. Ông cũng đồng quan điểm với Đức ngài Khâm sứ Ratti và với bộ trưởng Ý, là phải lưu lại Varsovie cho đến cùng, và lời khuyến dụ của Sir Horace Rumbold và của bá tước Oberndorff, những người chủ trương bỏ rơi thành phố ngay tức khắc, chỉ nên theo trong trường hợp nội tình tan rã làm phương hại đến lượng quân đội bảo vệ thành phố.
Thật ra chủ trương của ông Panafieu gần với chủ trương của các vị bộ trưởng Anh và Đức hơn là của đức Khâm mạng tòa Thánh và của bộ trưởng Ý. Quả vậy, nếu ông Tommasini và Đức ngài Khâm mạng Ratti - mà dự định ở lại Varsovie dù có sự chiếm đóng của Cộng sản là điều hiển nhiên - biểu lộ một thái độ lạc quan chân thật về tình hình quân sự cũng như về khủng hoảng quốc nội, và các vị đó nhấn mạnh rằng nếu có hoãn ngày đi Posen cho đến phút chót, ngoại giao đoàn cũng không nguy hiểm gì, thì ông Panafieu chỉ coi có tình hình quân sự là đáng lạc quan mà thôi. Ông không thể tỏ ra thiếu tin tưởng ở tướng Weygand. Vấn đề phòng thủ thành phố kể từ giờ được giao phó cho một tướng lãnh Pháp. Ông bộ trưởng Pháp ra vẻ ủng hộ tích cực chủ trương của Sir Horace Rumbold và của bá tước Oberndorff, không phải vì lý do quân sự mà vì xét tới những nguy hiểm nội tình cho thấy có thể sẽ xẩy tới. Bộ trưởng Anh và Đức sợ nhất là mất Varsovie vào tay Hồng quân Nga. Chính thức mà nói, ông Panafieu không có thể e ngại gì khác hơn là một cuộc nổi loạn của dân Do thái hay của Cộng sản. Ông nói: "Điều tôi e sợ là một nhát dao đâm vào sau lưng Pilsudzki và Weygand".
Qua lời xác nhận của Đức Cha Pelleginetti, bí thư tại dinh Khâm mạng thì tòa Thánh không tin là có thể có một cuộc đảo chính. Tướng Carton de Wiart, trưởng phái bộ quân sự Anh vừa nói vừa mỉm cười "Đức khâm mạng không nhận thức được rằng bọn cùng đinh khốn nạn ở những khu Do thái và ngoại ô thành phố Varsovie dám mưu đồ cướp chính quyền. Nhưng nước Ba lan không phải là Giáo hội, nơi mà chỉ có những vị Giáo hoàng và những Hồng quân mới làm đảo chính."
Dầu cho ngài có cảm tưởng rằng chính quyền, hàng tướng tá và giai cấp lãnh đạo, nghĩa là những kẻ có trách nhiệm trước tình thế, không làm hết tất cả những gì có thể làm để tránh những nguy hiểm khác trầm trọng hơn, Đức ngài Ratti vẫn tin rằng mọi âm mưu khởi loạn sẽ thất bại. Tuy nhiên những lý lẽ Panafieu viện dẫn quá vững chắc, đến độ Đức khâm mạng cũng lo lắng.
Thế nên tôi không ngạc nhiên gì khi một buổi sáng, Đức Cha Pellegrinetti đến gặp bộ trưởng Tommasini để buộc ông này phải làm sao cho chính quyền sắp đặt mọi phương sách cần thiết để đối phó với một âm mưu nổi loạn bất thần. Tommasini liền cho mời viên Tổng lãnh sự Ý là ông Paulo Brenna, trình bày những nỗi lo ngại của Đức Khâm mạng và trước mặt đức cha Pellengrinetti, yêu cầu ông ta tức khắc báo cáo rõ những biện pháp phòng bị của chính quyền để ngăn chặn mọi rối loạn và đàn áp mọi biến động. Tin tức mà tướng Romei, trưởng phái bộ quân sự Ý vừa xác nhận là Hồng quân gia tăng tấn công hữu hiệu không ngừng, làm cho ông không còn mảy may nghi ngờ gì nữa về số phận Varsovie.
Đêm 12 tháng 8, quân của Trotzki đã đến cách thành phố chừng 20 chục dặm. Ông Tommasini lại lên tiếng: "nếu binh đội Ba lan còn cầm cự được vài hôm nữa thì tướng Weygand có thể xoay xở thành công được. Nhưng chúng ta không nên có nhiều ảo vọng làm chi". Ông khuyến dụ viên Tổng lãnh sự nên đi đến những khu ngoại ô thợ thuyền và khu Nalewki là những nơi đáng lo ngại để thị sát coi thử những phương sách chính quyền chủ trương có đủ để bảo bọc cho Weygand và Pilsudzki, và có bảo đảm cho chính quyền tránh khỏi một biến cố bất ngờ không. Vị Bộ trưởng kết luận: "Tốt nhất ông không nên đi một mình", và khuyên ông Brenna nên để đại úy Rollin tùy viên Sứ quán Pháp theo cùng.
Đại úy Rollin, sĩ quan kỵ binh cùng với thiếu tá Charles de Gaulle, một trong những cộng sự viên đứng đắn nhất và giàu kiến thức nhất của Panafieu và của tướng Henrys, trưởng phái bộ quân sự Pháp. Ông này thường lui tới sứ quán Ý và đàm đạo thân mật với bộ trưởng Tommasini. Sau đó tôi lại gặp ông ở La mã vào những năm 1921 và 1922, trong thời cách mạng phát xít; hồi đó ông ở Dinh Farnèse, tùy viên tòa Đại sứ Pháp và tỏ ra rất ca ngợi chiến thuật Cách mạng của Mussolini. Từ khi quân đội Nga bao vây Varsovie, hầu như ngày nào tôi cũng cùng ông đến những tiền đồn quân đội Balan để theo sát những biến chuyển quan trọng ở chiến trường. Nhưng ngoài những kỵ binh Cosaque tàn bạo, xứng hợp với những màu cờ vẻ vang nhất, còn những binh sĩ Nga tỏ ra không nguy hiểm lắm. Họ tiến chậm trong khói lửa với vẻ thảm hại; trông dáng dấp họ không khác nào những kẻ đói khát, tả tơi và lý do duy nhất thúc đẩy họ tiến là sợ hãi và đói. Kinh nghiệm chiến tranh lâu năm ở mặt trận Pháp và mặt trận Ý làm tôi không hiểu nổi tại sao quân đội Balan lại có thể phải rút lui trước những binh sĩ như vậy.
°
Tôi bèn theo viên lãnh sự Ý, ông Brenna và đại úy Rollin.
Đại úy Rollin cho rằng chính phủ Balan không am hiểu cả những phương thức sơ đẳng trong nghệ thuật phòng vệ một quốc gia hiện đại. Nhận định đó có thể áp dụng vào trường hợp Pilsudzki, dù trong một nghĩa khác. Binh sĩ Balan vốn nổi tiếng là dũng cảm. Nhưng làm sao có thể sử dụng lòng dũng cảm đó của binh sĩ khi những cấp chỉ huy không biết rằng nghệ thuật tự vệ là phải am tường những điểm yếu của mình? Những biện pháp dự phòng chính phủ dùng để đối phó với một âm mưu nổi loạn bất thần là chứng cớ rõ rằng nhất tỏ ra chính quyền không biết đến những nhược điểm của một quốc gia hiện đại. Kể từ Sylla, kỹ thuật đảo chính đã có những tiến bộ khả quan. Những phương sách Kérenski dùng để cản Lénine cướp chính quyền hẳn là hoàn toàn khác hẳn những phương sách Cicéron dùng để bảo vệ nền Cộng hòa chống lại cuộc tạo phản của Catilina. Điều gì trước kia là một vấn đề Cảnh sát thì ngày nay trở thành vấn đề kỹ thuật. Người ta đã thấy rõ sự khác biệt giữa tiêu chuẩn Cảnh sát và tiêu chuẩn kỹ thuật ấy trong cuộc đảo chính của Kapp ở Bá linh tháng ba năm 1920.
Chính quyền Balan đã hành động giống hệt Kérenski: kinh nghiệm rút từ Cicéron. Tuy nhiên nghệ thuật chinh phục và bảo vệ một quốc gia qua các thế kỷ đã đổi thay dần dần theo đà thay đổi của tính chất quốc gia. Nếu một vài biện pháp cảnh sát đủ để đánh bạt kế hoạch tạo phản của Catilina thì đối với Lénine, những phương pháp đó không thể dùng được. Lầm lẫn của Kérenski là đã muốn bảo vệ những nhược điểm của một thành phố tân tiến gồm có Ngân hàng, Nhà ga, trung tâm điện thoại và điện tín bằng những phương cách mà Cicéron dùng để bảo vệ La mã hồi đó có các điểm then chốt nhất là Forum và Subure.
Vào tháng 3 năm 1920, Von Kapp đã quên rằng ở Bá linh, ngoài Trụ sở Quốc hội Reichstag và trụ sở các bộ ở khu Wihemstrasse còn có những trung tâm điện lực, các nhà ga xe lửa, các trung tâm vô tuyến điện và các cơ xưởng. Cộng sản đã lợi dụng lầm lẫn của Kapp để làm tê liệt mọi sinh hoạt của thành phố Bá linh, bắt buộc cái chính phủ đã nắm quyền bính bằng sức mạnh với những phương pháp an ninh quân đội ấy phải đầu hàng. Đêm hai tháng chạp, Louis Napoléon bắt đầu cuộc đảo chính bằng cách chiếm đóng những nhà in và các gác chuông nhà thờ. Nhưng ở Balan không ai để ý đến những kinh nghiệm riêng, lại càng không để ý đến những kinh nghiệm của người khác. Lịch sử Balan đầy rẫy những sự kiện mà người Balan tự coi như những kẻ phát minh. Họ không tin rằng một biến cố nào của quốc gia họ cũng xảy ra trong những quốc gia khác; chính trong quốc gia họ mà một biến cố xẩy ra đầu tiên; người ta không bao giờ thấy biến cố đó ở một nơi nào khác.
Những biện pháp dự phòng của chính phủ Witos chỉ là biện pháp cảnh sát quen thuộc. Cầu xe lửa và cầu Praha bắc ngang sông Vistule chỉ được canh giữ mỗi đầu có bốn binh sĩ. Trung tâm điện lực thì bỏ ngỏ; ở đó chúng tôi không thấy dấu hiệu gì là có canh phòng cả.
Ông giám đốc cho chúng tôi hay rằng vài giờ trước, vị tư lệnh quân đội phòng thủ thành phố có gọi điện thoại bảo rằng ông được coi như là nhân vật chịu trách nhiệm về mọi hành động phá hoại máy móc và gián đoạn hơi điện. Bên kia khu vực Nalewki, thành nội, hoàn toàn ở ranh giới của Varsovie, đầy ắp kỵ binh Uhlan và ngựa; chúng tôi có thể vào ra tự do mà không có lính gác hỏi giấy thông hành. Hãy nhớ rằng trong thành nội cũng có một kho vũ khí và một kho khác chứa thuốc súng. Tại ga xe lửa, thôi thì cả một cảnh hỗn tạp thật khó mà tả xiết: những toán lính đào ngũ đua nhau đổ xô tới, một đám người huyên náo chạy ngược chạy xuôi trên sân ga và trên đường rầy, những nhóm lính say rượu nằm ngủ ly bì sóng sượt trên đất: "Sommo vinoque sepulti", đại úy Rollin nguyên là người biết tiếng Latinh vừa quan sát vừa nói thế. Chỉ cần mười người trang bị lựu đạn cũng đủ rồi.
Tại bộ tham mưu quân lực, tọa lạc trên công trường chính của thành phố Varsovie dưới bóng nhà thờ Nga nay đã bị tàn phá chỉ do bốn lính tuần cảnh đứng gác như thường lệ. Các sĩ quan và những liên lạc viên tấp nập lui tới, bụi phủ thấu đầu, chen chúc nhau ra vào cửa ở tiền sảnh của tòa công thự. Lợi dụng sự lộn xộn, chúng tôi lên lầu, vượt qua một dãy hành lang, đi ngang một gian phòng treo đầy bản đồ địa hình địa vật, một sĩ quan ngồi sau bàn giấy đặt trong góc ngẩng đầu chào chúng tôi với vẻ hơi khó chịu. Sau khi vượt qua một hành lang khác và vào được trong một phòng đợi, mà ở đó một số sĩ quan áo đầy bụi đang đứng chờ bên cạnh một cánh cửa hé mở, chúng tôi lại trở xuống tiền sảnh. Và khi trở lại ngang qua trước hai người lính gác để ra công trường, đại úy Rollin nhìn tôi mỉm cười. Nhà bưu điện có một toán quân canh giữ do một trung úy chỉ huy. Sĩ quan này nói với chúng tôi là ông có phận sự án ngữ đám đông không cho vào bưu điện, trong trường hợp có gì ồn ào xẩy ra. Tôi tỏ ý rằng một tiểu đội lính bố trí có kỷ luật chắc chắn sẽ đẩy lùi được một đám người nổi loạn ở lối vào không mấy khó khăn, nhưng không thể ngăn cản nổi hành động chớp nhoáng của chừng mười cảm tử. Viên trung úy cười và chỉ những người vào ra yên lặng, vừa trả lời tôi rằng có lẽ mười người đó đã len lỏi vào bên trong rồi, hoặc giả họ đang lẻn vào ngay trước mắt chúng tôi cũng nên. Cuối cùng vị sĩ quan kết thúc: "Tôi ở đây để đàn áp bạo động chứ không phải để ngăn cản một cuộc hành động đặc công chớp nhoáng nào cả."
Từng nhóm binh lính đứng trước các Bộ tò mò nhìn dân chúng và công nhân đi lại. Tòa Quốc hội được Hiến binh và kỵ binh Balan bảo bọc; các nghị sĩ ra vào trò chuyện thì thầm. Vào đến phòng chính, chúng tôi đụng đầu ngay với ông chủ tịch Quốc hội Trompczinski, người mập phì và có vẻ bận rộn, ông chào chúng tôi có vẻ thờ ơ. Một nhóm nghị sĩ của thành phố Posnanie chăm chú và lạnh lùng vây quanh ông. Trompczinski thuộc phe hữu và là người ở Posnan, công khai chống đối chính sách của Pilsudzki và trong những ngày đó người ta đã nói đến nhiều về những thủ đoạn bí mật ông dùng để lật đổ chính phủ Witos. Ngay chiều hôm đó, ở câu lạc bộ Săn bắn, ông chủ tịch Quốc hội nói với Cavendish Bentink, bí thư đại sứ quán Anh: " Pilsudzki không biết bảo vệ nước Balan, còn Witos thì không biết bảo vệ nền cộng hòa". Đối với Trompczinski, Cộng hòa chính là Quốc hội. Cũng như tất cả những kẻ phì nộn khác, Trompczinski không cảm thấy được che chở đầy đủ.
Suốt cả ngày chúng tôi đi khắp mọi ngõ ngách trong thành phố, cũng đi đến tận những vùng ngoại ô xa xôi nhất. Khoảng mười giờ tối, khi chúng tôi đi ngang trước khách sạn Savoy, bỗng nghe có ai gọi tên đại úy Rollin. Đứng ở ngưỡng cửa khách sạn, tướng Bulach Balachowitch ra hiệu gọi chúng tôi vào. Là đồng chí của Pilsudzki, nhưng đồng chí với nghĩa người ta dùng ở Nga và ở Balan, tướng Bulach Balachowitch thống lãnh những đạo kỵ binh đen lừng danh kháng cự với kỵ binh đỏ của Buydyonni để bảo vệ Balan.
Là thủ lĩnh mang bộ mặt thảo khấu, từng quen thuộc những thủ thuật đánh du kích, gan dạ, cương quyết, Bulach Balachowitch là một lá bài quan trọng trong cuộc chơi của Pilsudzki. Pilsudzki đã dùng Bulach Balachowitch và tù trưởng Petlioura để nuôi dưỡng sự nổi loạn chống bọn Bôn sê vích và Denikine ở Bạch Nga và ở Ukraine. Ông đã thiết lập tổng hành dinh ở khách sạn Savoy, nơi mà thỉnh thoảng người ta thấy ông xuất hiện chốc lát để giám sát tình hình chính trị. Không có một khủng hoảng chính trị nào không có hậu quả cho ông: hoặc có lợi, hoặc có hại. Đáng lẽ phải theo dõi những làn sóng kỵ binh của Budyonni thì ông lại luôn luôn theo dõi những biến cố nội bộ. Dân Balan nghi ngờ ông ta và ngay Pilsudzki cũng sử dụng ông ta hết sức thận trọng, coi ông như một đồng minh nguy hiểm.
Balachowitch liền bắt đầu trình bầy quan điểm của ông về tình hình, không còn che đậy gì nữa là theo ông, chỉ có một cuộc đảo chính của những phần tử khuynh hữu mới có thể cứu Varsovie khỏi nanh vuốt của kẻ thù và cứu nước Balan khỏi suy sụp. Ông tóm tắt: "Witos không đủ khả năng đương đầu với những biến cố xảy ra, cũng như không đủ sức che chở cho hậu cứ của những đạo quân của quân lực Pilsudzki. Nếu không có ai đứng ra nắm chính quyền để chấm dứt xáo trộn, tổ chức phong trào nhân dân kháng chiến và bảo vệ chế độ Cộng hòa đang bị nhiều nguy cơ đe dọa, thì trong một vài ngày nữa, chúng ta sẽ (dự?) khán một cuộc đảo chánh của Cộng sản." Đại úy Rollin cho rằng vấn đề chặn đứng mưu toan của Cộng sản đặt ra bây giờ quá chậm, còn các đảng phái khuynh hữu thì không có nhân vật nào khả dĩ đảm đang nổi trọng trách như vậy.
Trong hoàn cảnh của Balan, các tránh nhiệm về một cuộc đảo chính để cứu vãn nền Cộng hòa đối với Balachowitch không nghiêm trọng như đối với Rollin. Về những khó khăn trong việc thực hiện thì kẻ u mê nào cũng có thể chiếm chính quyền được. Ông nói thêm: "Thế nhưng, Haller còn ở ngoài mặt trận, Sapieha không có bằng hữu tốt, còn Trompczinski thì nhát gan". Đến đây tôi lưu ý mọi người rằng những đảng phái khuynh tả cũng thiếu những nhân vật đủ khả năng đương đầu với tình thế: vậy ai ngăn cản mưu toan đảo chính của Cộng sản đây? Balachowitch tán đồng ý kiến đó, nói rằng: "Ông nói chí lý; ở địa vị của họ tôi không chờ đợi lâu như thế đâu. Giả dụ tôi không là dân Nga, không là người ngoại quốc ở trong xứ sở này, xứ sở đang chấp nhận tôi và vì nó mà tôi chiến đấu, thì bây giờ là lúc tôi làm đảo chính." Rollin mỉm cười nói: "Nếu ông là người Balan đi nữa thì chắc ông cũng chưa làm gì ở Balan, khi nào chưa quá trễ thì bao giờ cũng là quá sớm."
Balachowitch quả thật là một người có thể lật đổ Witos chỉ trong vài giờ. Chỉ cần một nghìn kỵ binh là đủ để ông bất thần chiếm những trung tâm đầu não của thành phố và duy trì được trật tự trong một thời gian nào dó. Nhưng sau đó thì sao? Balachowitch và thủ hạ của ông thẩy đều là người Nga, và hơn thế, lại là người Cosaque. Cuộc đảo chính ấy vẫn có thể thành tựu, không gặp những khó khăn nghiêm trọng: nhưng khó khăn sẽ đến sau mới là không vượt qua nổi. Một khi nắm được chính quyền, Balachowitch chắc sẽ tức khắc nhường lại cho những nhân vật khuynh hữu, thế nhưng không một người Balan yêu nước nào lại nhận quyền bính do một người Cosaque trao cho. Tình hình đã đến mức đó thì chỉ có những tay Cộng sản thủ lợi mà thôi. Balachowitch kết luận: "Cuối cùng, đó là một bài học hay cho những đảng phái khuynh hữu."
Chiều hôm đó, tại câu lạc bộ Săn bắn, chúng tôi thấy qui tụ bên cạnh Sapieha và Trompczinski một số nhân vật đại biểu cho sự chống đối của giai cấp quí tộc và những tay địa chủ đối với chính sách của Pilsudzki và Witos. Những nhân vật ngoại giao ngoại quốc thực ra chỉ có bá tước Oberndorff, bộ trưởng Đức, tướng Anh Carton de Wiart và bí thư Lãnh sự quán Pháp. Mọi người đều ít nói, chỉ trừ Hoàng tử Sapieha và bá tước Oberndorff. Sapieha làm như thể không nghe thấy những lời bàn tán chung quanh, lâu lâu nghiêng đầu qua phía tướng Carton de Wiart đang thảo luận về tình hình quân sự với bá tước Potocki, để nói vài câu. Binh đội Bôn-sê-vich ngày đó đã tiến bước thấy rõ trong khu vực làng Radzymin cách Varsovie chừng hai chục cây số.
Bá tước Potocki lên tiếng: "Chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng".
"Có phải ông muốn nói chiến đấu đến ngày mai", tướng Wiart cười đáp lại.
Bá tước Potocki từ Ba lê mới trở lại có vài hôm, thế mà ông đã tính chuyện về lại Ba lê thật sớm, ngay khi vận may đến cho Balan. Carton de Wiart phê bình: "Tất cả các ông đều như nhân vật nổi danh Dombrowski, người thống lĩnh những đoàn quân Ba lan ở Ý trong thời Napoléon. Dombrowski có nói: Tôi luôn sẵn sàng chết cho tổ quốc, nhưng không muốn sống trên đất tổ".
Thiệt là bá nhơn bá ý. Từ xa người ta nghe vọng tiếng đại bác. Buổi sáng trước khi từ giã chúng tôi, ông bộ trưởng Tommasini bảo chúng tôi buổi chiều đợi ông tại câu lạc bộ Săn bắn. Đến thật chiều, khi chúng tôi định bỏ đi thì đúng lúc ông tới. Những nhận định của chúng tôi về sự thiển cận của chính phủ Witos có vẻ nghiêm trọng, nhưng không là điều mới lạ đối với ông. Chính Witos trước đó vài giờ đã thú nhận với ông rằng ông ta không làm chủ được tình hình. Tuy thế, ông Tommasini vẫn tin rằng trong số những đối thủ của Pilsudzki và Witos, không ai có thể làm đảo chính được. Chỉ có những người Cộng sản là khả dĩ đáng lo ngại. Nhưng họ lại sợ vì bất cẩn mà phương hại đến tình hình, nên không liều lĩnh lao mình vào một cuộc phiêu lưu, nếu không nguy hiểm cũng chẳng ích gì. Rõ ràng là các vị này cho rằng đã thắng cuộc và yên lặng chờ Trotzky đến. Quay lại phía tôi, ông Bộ trưởng nói thêm: "Ngay Đức Ngài Ratti cũng đã dứt khoát không từ bỏ thái độ cho đến hiện giờ chúng tôi vẫn giữ, qua một thỏa hiệp chung. Đức Khâm mạng Tòa thánh và tôi sẽ lưu lại Varsovie cho đến kết cuộc, dẫu đến đâu thì đến".
Giọng đầy mỉa mai, giây lát sau, đại úy Rollin bình phẩm: "Thật đáng tiếc, thật đáng tiếc nếu không có gì xẩy ra cả!"
Buổi chiều hôm sau, khi hay tin quân đội Bôn-sê-vich đã chiếm làng Radzymin và tấn công tuyến đầu của Varsovie, ngoại giao đoàn hối hả rời thủ đô, đến Posen ẩn náu. Ở Varsovie chỉ còn Đức khâm mạng tòa thánh, bộ trưởng Ý cùng các vị xử lý thường vụ của đại sứ Hoa kỳ và Đan mạch.
Suốt đêm, thành phố ngập chìm trong cơn khủng khiếp. Hôm sau, ngày 15 tháng 8, ngày lễ thánh Sainte - Marie, toàn thể dân chúng diễu hành sau lưng Đức mẹ đồng trinh và lớn tiếng cầu nguyện Đức bà cứu vớt nước Balan khỏi cuộc xâm lăng. Trong khi tất cả dường như đã mất, trong khi đám rước vĩ đại đọc kinh cầu nguyện trông chờ một đội tuần tiễu của Hồng quân gồm những người Cosaque đổ ra từ các ngả đường, thì tin tức về chiến thắng đầu tiên của đại tướng Weygand lan truyền như một tiếng sét. Quân đội của Trotzky đang lùi trên mọi chiến tuyến.
Trotzky đã thiếu một đồng minh tối cần thiết: Catilina.
Chú thích:
[1] Tức là ngày 9-11-1799