Phần I - Chương 1
Phẩm đức

Thân phận

PHẨM ÐỨC 
 Phần tử trí thức?
Là người đem lại giá trị
cho những gì mà tự chúng không có.
(PAUL VALÉRY)
 
Phần tử trí thức?
Tôi muốn nói đến những người
 suy tư, không phải bọn lộng chữ,
 lợi dụng, bịp bợm và ăn bám...
(HENRI BARBUSSE)
 
NGUỒN GỐC CỦA DANH TỪ
Phần tử trí thức là trực nghĩa dịch từ chữ Intellectuel của Pháp. Tra tự điển để tìm lời giải của chữ đó thì chỉ thấy ghi vắn tắt: phần tử trí thức là người hoặc vì thị hảo hoặc vì nghề nghiệp quan tâm đến những công việc tinh thần. (Personne qui s'occupe par goũt ou par profession des choses de l'esprit). Theo Hồ Thu Nguyên viết trong tập Trung Quốc Cổ Ðại Trí Thức thì phần tử trí thức là những người hiểu trước biết trước (tiên tri tiên giác) rồi đem sự hiểu biết học hỏi của mình cống hiến cho tiến bộ nhân loại, xã hội dân tộc. Nói chung người sáng tạo tư tưởng kỹ thuật, tri thức gọi là phần tử trí thức.
Cổ xưa Hy Lạp dùng danh từ trí giả (sophist) hay ái trí giả (phisolopher). Người La Mã dùng danh từ văn sĩ (idéologue). Ở Trung Quốc có nhiều danh từ khác nhau để chỉ phần tử trí thức: Nho, Sĩ, Thánh, Hiền, Văn Nhân, Học sĩ rồi gộp chung lại dưới danh từ người đọc sách (độc thư nhân).
Người trí thức rất khó có một hình dạng rõ rệt, nếu bảo những người có bằng cấp là trí thức thì những người tự học (autodicdacte) thì sao? Vả lại các bậc Thầy của nhiều thuyết lớn xưa nay đa số chẳng có bằng cấp chi hết. Cũng không thể bảo nhất định một ông giáo sư đại học trí thức hơn ông giáo sư trung học v.v...
Hình dạng người trí thức lại càng không rõ rệt khi người ta muốn tìm nó thuộc giai cấp nào? Mức sống ra sao? Thường làm nghề nghiệp gì? Bên Pháp chẳng hạn đa số chấp nhận phần tử trí thức quy tụ vào hai loại hình (type)
a_ Trí thức giáo dục (intellectuel enseignant)
b_ Trí thức viết văn (intellectuel écrivant)
Nhưng có một số người không chịu, và cho rằng những bác sĩ, kỹ sư làm nghề chuyên môn của mình vẫn có thể là một phần tử trí thức chớ. Tại các nước chậm tiến tùy theo trình độ có nơi với sức học bổ túc đã được kính trọng tôn xưng là phần tử trí thức rồi
Câu hỏi ai được kể làm phần tử trí thức là câu hỏi khá phức tạp đã làm rức đầu các sử gia và các nhà xã hội học không ít, rút cục đến bây giờ họ vẫn phàn nàn chưa tìm được một thực thể cho trí thức (substantifier).
Nhưng về đời sống của người trí thức thì rõ rệt nó liên quan rất nhiều đến chính trị. Tại Âu Châu nó ra đời bởi một vụ chính trị sôi nổi. Các nhà văn Emile Zola, Anatole France, Halévy, Buinot, Léon Blum v.v... ký chung bản kháng nghị đối với vụ sử oan đại úy Dreyfuss. Thủ Tướng Clemenceau đã gọi kháng nghị này là Tuyên Ngôn Của Trí Thức (Manifeste Des Intellectuels). Từ đó chữ intellectuel được mọi người thưởng thức, nó được kể như một danh từ mới mẻ vì danh từ này không hề thấy ghi trong tự điển Larousse in năm 1866-1878 hay cuốn Ðại Bách Khoa in năm 1885-1902, người ta chỉ thấy chữ intellectuatisme ghi trong cuốn Vocabulaire Philosophigue của Lalande mà thôi. Như vậy là chữ phần tử trí thức khai sinh bằng một thái độ chính trị. Edgar Morin đã nghĩ rất đúng khi viết câu này:
"Nhà văn viết cuốn tiểu thuyết là nhà văn, nhưng khi ông ta nói về những tra tấn đau khổ ở Algérie thì ông ta là một người trí thức. "
(L'écrivain qui écrit un roman est écrivain, mais s'il parle de la torture en Algérie, il est intellectuel).
Phương Tây như thế, phương Ðông cũng vậy, theo tâm lý cổ truyền của người Trung Quốc thì những danh từ có chứa chất tính cách về trí thức thường dành cho những người có sự nghiệp tốt. Tỉ dụ gọi vua Nghiêu, vua Thuấn là Thánh Vương, gọi các Tể Tướng Quản Trọng, Lưu Bá Ôn, Ngụy Trưng v.v... là Hiền.
Tất nhiên Nghiêu, Thuấn, Quản Trọng, Lưu Bá Ôn, Ngụy Trưng là những người học vấn cả thì không nói làm chi. Ðến như Triệu Phổ suốt đời chưa đọc hết quyển sách rưỡi cũng được gọi là hiền trong khi Trần Hậu Chủ, Thạch Kính Ðường, Tần Cối đều là các tay học vấn cự phách mà người đời sau chỉ nhắc đến với ý niệm ghét bỏ hôn quân, gian thần Hán gian. Còn các bậc vạn thế sư như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Ðỗ Phủ, Lý Bạch, Ðào Uyên Minh v.v... thì trên dưới một lòng yêu kính.
Từ lâu người phương Ðông yêu kính phần tử trí thức ở sứ mạng kỹ sư tâm hồn, kiến trúc sư lịch sử và giồng cấy văn hóa nghĩa là những phần tử trí thức có liên quan đến chính trị. 
 
KHỞI ÐIỂM
"Weber là một khoa học gia, ông chưa hề làm chính trị hay đã là một chính khách, chỉ đôi ba lần viết báo chính trị thôi. Thế nhưng suốt cả đời ông, ông rất say mê lo lắng tới vấn đề của quần chúng, không lúc nào ông nguôi nỗi nhớ nhung chính trị."
Trên đây là tâm sự Max Weber do Raymond Aron nhận xét: tâm sự đó cũng là tâm sự chung của hết thẩy phần tử trí thức dưới vòm trời này. Thực vậy trí thức thường là những người không quên được chính trị. Họ luôn luôn có mặt ở tầng lãnh đạo (tầng lãnh đạo thống trị cũng như tầng lãnh đạo cách mạng) mà đã ở tầng lãnh đạo thì điều phải nghĩ trước hết hẳn là chính trị. Ðối tượng của trí thức là hiện tượng nhân sinh, chính trị, xã hội, giáo dục, văn nghệ.
Trong tất cả, chính trị được chú ý bật nhất, gần như có thể nói rằng sự nhẩy vào tham gia chính trị là con đường hiệu lực nhất cho hoài bão lý tưởng đối với xã hội nhân sinh. Bởi lẽ ấy ông Khổng Tử không bao giờ ngồi nóng chiếu, ông đi khắp nơi để mong dùng thuyết của ông nắm chính quyền. Ông Mặc Tử, Mạnh Tử bôn tẩu liệt quốc. Việc giảng học viết sách của các vị này bất quá chỉ là công tác làm sau khi không được thi triển ý của mình bằng chính quyền, và giảng học trước thư cũng vẫn là sự tiếp nối nghiệp chính trị và đã đào tạo biết bao chính khách sau này. Ngay đến Lão Ðam, Trang Chu nổi tiếng với triết thuyết vô vi ẩn dật cũng không quên được chính trị bằng những lời công kích tiêu cực đối với chính trị. Ông Trần Trọng Tử ẩn tích mai danh nơi hoang dã nhất định không ngó ngàng đến chính trị, nhưng chính ông cũng phải thừa nhận nếu không nhẩy lên vũ đài chính trị thì khó lòng mà thực hiện nổi hoài bão lớn đối với xã hội nhân sinh. Ông Nguyễn Trãi theo cha lên biên ải, cha quay lại nói: "Nếu con muốn trả thù nhà thì hãy tìm cách trả nợ nước.
Trí thức là vũ khí để loài người chống lại hoàn cảnh. Trí thức tức là quyền lực. Khi đã gọi là quyền lực thì phải làm sao sử được quyền lực đến mức tối đa. Trong cuộc sống xã hội, chính trị bao trùm lên tất cả các sinh hoạt khác, chính trị là công việc toàn chỉnh (la politique est une affaire de tous), chính trị là hoạt động tinh hoa của con người, chính trị là sự sống của xã hội. Cho nên khi người trí thức không lưu tâm đến chính trị là lúc ấy họ đã tự khước bỏ phần lớn đời sống trí thức. Joseph Shumpeter viết: Người trí thức ở khắp mọi nơi, họ nhận nhau qua một thái độ nào đó, chớ họ chẳng hề có chung một quy chế, tinh thần của họ tạo thành mối ràng buộc.
Thái độ ở đây là thái độ đối với chính trị vì chỉ có chính trị mới mang khuôn khổ rộng lớn thôi. Quái gở tới mức nào đây, nếu một người trí thức không mang một thái độ chính trị gì hết.
PHẨM ÐỨC, GIÁ TRỊ VÀ THÂN PHẬN
Ðứng trên chính trị mà nhìn nhận trí thức phần tử người ta phải nhìn tách biệt ba mặt:
a/ Phẩm đức.
b/ Giá trị.
c/ Thân phận.
Phẩm đức của trí thức là gì? Hãy nghe, nhóm ông Ðoàn Phú Tứ định nghĩa:
Trí thức tức là sáng suốt, tức tự do toàn vẹn của tinh thần, tức biệt lập của tinh thần, tức biệt lập cái biệt lập của áng danh son, tức thanh cao cái thanh cao không đổi dời của kẻ sĩ, cái thanh cao không vụ ích lợi của ngọc châu.
Trí thức là sáng tạo. Cuộc sáng tạo đầu tiên của trí thức là tự tạo. Tự trong một đợt tình trác tuyệt khi hồn tan trên một nét anh đào.
Tự tạo trong một thế hệ nhập thiền, trong một đường thánh giá.
Tự tạo trong một ngọn gió đùa, trong một cành hoa nắng dỡn.
Trí thức là tinh thần tiên phong. Cốt cách tài tử.
Cá tính độc lập. Phong độ trượng phu.
Không hề trưởng giả nhưng vương giả,
Không lo thành đạt, nhưng bao giờ cũng thông đạt.
Không làm thượng nhân, nhưng làm tao nhân.
Phẩm đức của phần tử trí thức nói theo lý tưởng thực là viên ngọc không tì vết. Tuy nhiên không phải cứ có phẩm đức là có luôn giá trị. Trên chính trị, phẩm đức, giá trị và thân phận là ba vấn đề tách biệt nhau. Ðó là cái lý do tại sao đôi lúc người ta phải nhận rằng người trí thức không bằng cục cứt là đúng.
Phẩm đức là lương tâm người trí thức không vào con đường phản chính nghĩa, phản động, không làm tay sai cho ác thế lực.
Giá trị là khả năng người trí thức, phải có cái biết có thể biến thành quyền lực, bởi vì khi dấn thân vào thực tế tàn nhẫn, khả năng là điều kiện không thể thiếu được.
Thân phận trí thức sẽ tùy sự lựa chọn với thực tế, tùy sự yếu kém, phẩm đức hay giá trị, tùy theo sự mâu thuẫn giữa phẩm đức và giá trị mà biến đổi.
QUÊN KHÔNG ÐƯƠC CHÍNH TRỊ
Một khi đã say mê chính trị và nhận chính trị như người tình không thể thiếu được thì lúc tuyệt vọng với chính trị người trí thức như mất hết lẽ sống. Cái chết của Khuất Nguyên là điển hình khai mở cho thân phận trí thức với chính trị.
Kể trong các nhà thơ lớn của Trung Quốc thì:
Ðỗ Tử Mỹ, người đời xưng tụng là thi thánh,
Lý Thái Bạch là thi tiên,
Vương Ma Cật là thi Phật,
Lý Trường Cát là thi quỷ.
Ðỗ Tử Mỹ thuộc phái tả thực,
Lý Thái Bạch thuộc phái lãng mạn,
Vương Ma Cật thuộc phái tự nhiên,
Lý Trường Cát thuộc phái duy mỹ.
Tất cả các phái trên đều có chung một nguồn là Kinh Thi và tập thơ Ly Tao của Khuất Linh Quân tức Khuất Nguyên. Ly Tao có một ngôi vị cao nhất trên thi đàn Trung Quốc, tập thơ ấy được coi như vị vua hay bài ca trong các bài ca, hay nhã ca là cái đẹp tuyệt độ không thể đẹp hơn nữa.
Ly Tao là gì? Là nỗi buồn ly biệt. Nỗi buồn ly biệt với chính trị. Khuất Nguyên sáng tác tập thơ này khi bị Sở Vương đuổi lần thứ hai. Lần ông về Giang Nam, nơi có rất nhiều cảnh sắc riêng biệt của nước Sở, những cánh đồng cỏ bao la xanh ngắt, chim oanh bay từng đàn. Giang sơn Sở càng đẹp càng làm cho Khuất Nguyên lo lắng, ông biết cường Tần thế nào cũng xâm lược Giang Nam, cái đẹp kia sẽ ra sao nếu gót giày xâm lược dẫm lên, bao nhiêu vui ca rồi đây sẽ thành hoang phế điêu tàn. Nhưng làm thế nào gọi tỉnh được người Sở đang ở trong cơn mê muội. Trong triều toàn một bọn nịnh thần, nơi điền dã chưa ai biết nỗi thống khổ mất nước. Còn phận mình chỉ là một kẻ vong thần, cô lập, bị lưu đầy. Ông tự nghĩ tâm linh trung kiên khả dĩ tiến đến chân lý, tuy vậy chân lý của một người thì làm sao chống lại với cái hư ngụy của số đông? Chân lý với gian tà, tinh khiết và sú uế lẫn lộn làm rối loạn cõi trần thế. Bỏ trần thế mà đi bỏ không đành, vất chân lý ra khỏi tâm hồn, vất không nỡ. Khuất Nguyên vùng vẫy trong tuyệt vọng giống như con thiên lý mã bị sa vào cát lầy.
Có lần ông hỏi Trịnh Thiềm Doãn:
"Thưa Thái Phó, trung với tà, thiện với ác, chân lý với hư ngụy, trinh khiết với sú uế có thật là không thể sống chung với nhau chăng? Tôi rất yêu nhân gian mà tôi cũng rất thù hận nhân gian, tôi phải chọn điều nào đây? Tôi nên giữ tấm lòng trinh khiết để tự cô lập bằng thái độ cao thượng hay tôi nên hoà mình với số đông tùy tục phù trầm theo thời thế?"
Trịnh Thiềm Doãn nói:
"Thưa Ðại Phu, xin ngài hãy làm theo tâm ý của chính ngài, tôi làm sao hồi đáp được vấn đề quá to tát như vậy."
Ít năm sau, binh Tần mang quân công hãm Sở quốc, Sở mất nước, nhân dân Sở lầm than. Khuất Nguyên nhìn nước non gấm vóc, đâu đâu cũng chỉ thấy hoang loạn, đâu đâu cũng đầy vết tích diệt vong. Ðau nhục, Khuất Nguyên thả chiếc thuyền nhỏ trên Ðộng Ðình Hồ mặc sóng gió giận dữ. Ông thầm nghĩ: ta phải chết, ta phải có một cái chết lỗi lạc. Chết không để giải thoát mà chết để phản kháng, Phản kháng tà ác gian nịnh trên thế gian này. Hỡi người nước Sở thân yêu, người nước Sở đáng thương, tại sao các người không tiếp nhận tấm lòng thành của ta? Tại sao không chịu hiểu nỗi kiên trinh âm thầm của ta?
Nước non ơi, những bài ca u hoài của nhân dân nước Sở, người có biết sự hung bạo của vó ngựa xâm lăng bạo Tần không? Trời xanh hỡi quả thật có chính nghĩa không? Tại sao không lưu lại cho nhân gian nhất điểm chính nghĩa? Các thần linh của Sở quốc! Các người nhẫn tâm để cho dân Sở bị dày xéo, bị diệt vong ư? Không thể thế được, nhân dân Sở không thể tiêu diệt, giang sơn Sở không thể bị nô lệ. Cái lỗi của Khuất Nguyên là đã để mọi người say mà riêng mình tỉnh.
Qua Ðộnh Ðình Hồ, Khuất Nguyên cho thuyền rẽ vào sông Mịch La, nước mắt tràn trụa, ông lặng yên nhìn mây trời mông mênh hồi lâu rồi lao mình xuống sông. Ông đi tìm cái chết vì sinh mệnh của ông từ lâu đã mất rồi. Sinh mệnh ấy là sinh mệnh chính trị.
PHẨM VỊ CỦA PHẦN TỬ TRÍ THỨC
Sinh mệnh của một quốc gia ở văn hóa học thuật của quốc gia đó. Sinh mệnh lực của một quốc gia đại bộ phận do phần tử trí thức nắm giữ. Sự sinh tồn và tiến bộ của đất nước do nơi tôn trọng học vấn, do nơi phần tử trí thức trong xã hội có trách nhiệm tâm và tự tôn tâm hay không.
"Hiếu học cận hồ trí". Chuộng sự học vấn, tôn trọng người đọc sách là căn bản xây dựng đất nước. Trường học bao giờ cũng là cơ sở của chính trị. Nước văn hiến là nước tôn trọng học vấn, yêu chuộng trí thức, nước văn hiến là nơi thường có hiện tượng "cường đạo không xâm phạm người đọc sách" như giặc Hoàng Cân không đốt phá quê hương ông Trịnh Huyền. Hoàng Sào không giết các nho sinh.
Tôn trọng người có học và trí thức có lòng tự tôn không phải là tâm lý tự cao tự đại của phần tử trí thức. Ở nước ta xưa nay sĩ đứng đầu hàng tứ dân nên có câu "sĩ nông công thương" và "ngư tiều canh độc". Học vấn là nền móng của tất cả mọi nghề nghiệp. Tôn trọng người đọc sách tuyệt nhiên không phải là bảo trì địa vị hay giai cấp đặc thù mà là tôn trọng học vấn và trí thức, nghĩa là tôn trọng hai thứ vũ khí hiệu lực nhất để cải tạo sinh hoạt, cải tạo xã hội và cải tạo quốc vận.
"Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao"
Cao đây là cao phẩm giá không phải cao quyền thế hay cao tiền bạc.
"An đắc quảng hạ thiên vạn gian
Ðại tì thiên hạ hàn sĩ tận hoan nhan"
(Nghĩa là:
Mong mỏi sao cho có căn nhà lớn hàng trăm ngàn gian,
Ðể che chở cho kẻ hàn sĩ trong thiên hạ ai ai cũng mang vẻ mặt hân hoan. )
Câu thơ của Ðỗ Công Bộ nói rõ lên cảnh nghèo của kẻ sĩ. Cụ Nguyễn Khuyến cũng có bài phú để tả tình trạng thầy đồ:
"Vài khoa thi hỏng sót ruột tiền cơm, mấy tháng công non bấm gan thóc nợ.
Vách ông Khổng còn hòm khoa đẩu mở một vài con, ngõ thầy Nhan treo túi đan biều bảo dăm ba đứa.
Nón sơn úp ngực đi liểu đi liều, bút thùy cài tai sớn sơ sớn sở.
Nghĩ sểnh nhà ra thất nghiệp, cũng bật như cười e nằm mát ăn bát đầy ai nuôi không hở. "
Nhan Hồi được tôn lên hàng nhân vật điển hình của chủ trương an bần lạc đạo do Nho gia đề xướng. Ngụ nơi ngõ hẹp, một lẵng cơm, một bầu nước, người đời lo còn Hồi thì lúc nào cũng vui. Người trí thức thường nghèo, tuy vậy không phải cứ nghèo mới là tốt. Khổng Tử có lần nói: "Nếu cái giầu mà có thể cầu được thì dù làm một kẻ cầm roi ngựa ta cũng làm ". Rồi ông nói: "Cái phú quí bất nghĩa đối với ta chẳng khác gì mây nổi, người quân tử kiên trì với cảnh nghèo, kẻ tiểu nhân hễ nghèo là tìm cách làm bậy".
Thực tế hơn, Mạnh Tử cho rằng: "Nghèo khổ đến với kẻ sĩ là bởi trời muốn thử thách, dùng nghèo để động tâm nhẫn tính, dùng khổ để tăng thêm tài năng."
Nói chung, chữ trí thức trong tâm tưởng mọi người hình như nó mang một thứ phép nhiệm mầu làm cao giá người được nó nhận, ai ai cũng muốn nó đến với mình ngay. Lúc người ta mang gán nó cho kẻ khác với chủ ý chế riễu hay công kích mà sâu kín trong lòng lại thấy tủi hổ nếu nó từ chối mình. Nghĩ đến trí thức, mọi người đều cảm nhận ở nó một cái gì gọi là tao nhã và cao quí. Chính vì thế nên xưa kia Tể Tướng Cao Lực Sĩ mới phải mài mực cho Lý Thái Bạch viết vào bài thơ của họ Lý, bài thơ ca tụng cái đẹp của Dương Quí Phi, cao hứng rồi giả say Lý Thái Bạch dơ chân đạp cho Cao Lực Sĩ ngã lăn. Ðời sau nghe chuyện chẳng người nào không thích thú, thích thú như một người được hả cơn giận.
Nếu tham vọng chính yếu của phần tử trí thức là tham vọng trị quốc bình thiên hạ thì ngược lại tham vọng chính yếu của các chính khách là tham vọng muốn tỏ ra mình là trí thức. Raymond Aron rất có lý khi viết câu này:
"Tham vọng chính trị của các nhà văn thành công đã đụng đầu với những tham vọng văn chương của các chính khách. Người thì mơ viết một cuốn tiểu thuyết tuyệt tác, người thì mơ làm bộ trưởng".
(Les ambitions politiques des romanciers à succès se heurtent aux ambitions littéraires des hommes d'Etat. rz ci rêvent d'écrire et ceux là de devinir ministres)
 
ÍT NHIỀU KHÁC BIỆT GIỮA ÐÔNG TÂY
Trí thức Ðông và Tây đều không quên được chính trị.
Trí thức Ðông và Tây đều vào chính trị bằng con đường yêu nước và cách mạng.
Ở lòng yêu nước họ gặp nhau, nhưng ở cách mạng họ có điểm khác biệt. Khác biệt bởi hai nền văn hoá.
Trở về với thần thoại, Promethée sau một trận giặc nhất định không đứng về phe người trời Olympien nữa, Promethée muốn ngả về phe người trần. Ðể cho loài người mạnh lên, Promethée thấy lửa sấm sét của Jupiter là thứ vũ khí lợi hại nên quyết lấy cắp lửa mang xuống cho loài ngườị Từ đấy nhờ Promethée mà loài người có lửa dùng. Jupiter biết giận lắm cho gọi thần thợ rèn Vulcain đến bắt Promethée và cùm ở chân núi Caucase. Chưa nguôi Jupiter còn thả chim ưng hằng ngày đến moi ruột rỉa gan Promethée. Hết năm này qua tháng khác, đau đớn Promethée kêu gào vang động.
Ðời vua Nghiêu, có tới mười mặt trời thiêu đốt nhân gian khiến mùa màng khô héo, sông nước cạn. Vua cho rao khắp thiên hạ cần người hiền tài đến giúp. Có Hậu Nghệ bắn cung cực giỏi. Hậu Nghệ lên một đỉnh núi cao chót vót dương cung bắn chín lần chín mặt trời rơi xuống đất. Từ đấy ở trần gian sông hồ lại đầy nước, cây cỏ tốt tươi.
Ngay thời kỳ thần thoại, Ðông phương đã kiến thiết rất vững chắc tinh thần nhân văn. Promethée mới chỉ phạm tội ăn cắp chút lửa trời mang xuống nhân gian mà đã phải chịu một hình phạt nặng đó. Trái lại Hậu Nghệ đã nhân danh loài người đánh bật những ác độc của thượng đế.
Sau này Tây Phương một thời gian khá dài bị úp chụp trong vòng kiềm tỏa của tôn giáo. Ðiều này tạo nên điểm khác biệt cho vận động trí thức của Tây Phương với Ðông Phương (khu vực văn minh Trung Quốc).
Với quan niệm đại tự nhiên của chủ nghĩa nhân văn mọi cuộc đấu tranh lịch sử đều là quy luật đại tự nhiên hết Xuân sang Hạ hết Thu sang Ðông thuận lẽ trời. Lẽ thuận tự sẽ thực hiện trong xã hội nhân loại khi nào đa số đồng ý gọi là hợp lòng người. Cho nên những biến động lịch sử thường mang tiêu đề: diệt kẻ vô đạo mà không bao giờ có tiêu đề dành Tự Do.
Trái lại ở phương Tây mỗi biến động lịch sử đều chịu ảnh hưởng của hai thế lực Thế quyền và Thần quyền. Kẻ thống trị phải có sự thỏa thuận của Giáo Hội. Hết thẩy quyền phán xét bất cứ mặt nào của sinh hoạt của sự sống đều phải dành cho giáo quyền. Những cấm điều do Giáo Hội đưa ra làm thành chuỗi xích nặng nó trói buộc con người. Muốn lật đổ chính quyền phải đủ khả năng lật đổ thống trị tâm lý tinh thần của giáo quyền nếu không thì biến động chỉ loanh quanh trong cái vòng luẩn quẩn giữa những âm mưu của các lực lượng khác nhau trong chính quyền và giáo quyền nghĩa là quí tộc phong kiến và tập đoàn tăng lữ. Vận động trí thức vì lẽ trên phải trải qua giai đoạn đấu tranh giải phóng tư tưởng chống thần quyền mà Tự Do là tiêu đề. Tự Do mang một ý nghĩa thiêng liêng trong tâm khảm của người Tây Phương.
Tinh thần người trí thức của chủ nghĩa nhân văn Nho đạo là: giáo hóa quốc dân đoàn kết quốc dân, bảo vệ giang sơn mang trách nhiệm tâm cực lớn phấn đấu cho lợi ích bình dân, có một tấm lòng tự tôn mãnh liệt để phấn đấu cho địa vị của phần tử trí thức. Ðề cao địa vị trí thức không phải là đề cao lợi ích vật chất và quyền hành bản thân mà là dùng trí lực để áp đảo vũ lực cùng kim lực của quý tộc, đề cao địa vị bình dân là đem học vấn ra làm công cụ xây dựng hạnh phúc cho bình dân.
Phong độ người trí thức của chủ nghĩa nhân văn Nho đạo là: Nho và Hiệp.
Ông Cao Dao đưa ra chín nguyên tắc cho việc tu thân:
Khoan thứ mà không để thành hỗn loạn.
Mềm dẻo mà vẫn vững lập trường.
Căm giận nhưng không mất vẻ khiêm cung.
Hòa đồng nhưng vẫn nghiêm nghị.
Thẳng băng mà vẫn ôn nhu.
Giản dị và liêm khiết.
Cứng rắn mà vẫn khéo léo.
Mạnh bạo nhưng không bất nghĩa.
Khổng Tử nói nho sĩ phải là người có đủ ba tầng nhân cách:
1) Trách nhiệm tâm: (người quân tử tu thân mình để bảo vệ trăm họ.
2) Tự tôn tâm: (không lo, không sợ, không lầm lẫn)
3) Dũng cảm.
(Trong thiên Nho hạnh của sách Lễ Ký, Khổng Tử luận phong độ nhà Nho như sau: thân có thể nguy mà chí không thể đoạt, chịu chết chứ không chịu nhục)
Ngoài ra phải kể thêm cả trạng thái tiêu cực của cả Nho lẫn Hiệp là Ẩn. Mỗi lúc thấy thời thế hỗn loạn nhiễu nhương chưa thể làm gì cứu đời giúp nước thì ở Ẩn.
THƯỢNG KHUYNH TÍNH
Tính thượng khuynh là một biến tướng của tinh thần và phong độ nói trên.
Có hai nguyên nhân:
Thứ nhất: do chế độ thi cử khai khoa thủ sĩ, học giỏi ra làm quan.
Thứ hai: quan niệm trị quốc bình thiên hạ cần ở ngôi vị cao, ảnh hưởng chính trị từ thượng tầng xã hội đi xuống mạnh hơn ảnh hưởng từ hạ tầng xã hội đi lên.
Thượnh khuynh tính là gì?
Là chỉ chăm chú tranh dành tước vị.
Vì chăm chú tranh dành tước vị cho nên phần tử trí thức thường phải dựa dẫn vào bọn đạt quan quí nhân để làm bước thang tiến thân. Văn hay chữ tốt nhưng chỉ là công cụ của bọn hào quí.
Nhan Chi Suy viết gia huấn lưu lại cho con cháu đã hết sức thống mạ tính thượnh khuynh qua nhân vật Trần Lâm. Ông nói người quân tử tuyệt giao không khi nào gây tiếng ác một ngày kia quỳ gối thờ người thật là một điều sỉ nhục. Trần Lâm ở với Viên Thiệu thì mắng Tào Tháo là lang sói, sang với Tào Tháo thì lại chửi Viên Thiệu là cua cáy. Tình cảnh ấy thật đáng lo cho văn nhân vậy. Do tâm chất thượng khuynh quá mạnh nên phần tử trí thức đành cam chịu cảnh:
Tung hoành chính hữu lăng vân bút.
Thủ ngưỡng tùy nhân diệc khả lân.
(Bút pháp tung hoành át cả mây trời.
Thế mà phải cúi đầu theo người thật đáng thương.)
Tính thượng khuynh vào cách mạng đã tạo nên người cách mạng kiểu Nguyễn Hữu Cầu chứ không tạo nên mẫu người như Robespierre, nghĩa là cách mạng để đoạt ngôi vị không có cách mạng theo đuổi một lý tưởng, một ý hệ, một chủ nghĩa cách mạng, để thay đổi hoàn cảnh cá nhân không phải cách mạng cho một quan niệm sống.
Tư tưởng cách mạng của Nguyễn Hữu Cầu là làm loạn đã nẩy sinh từ lúc ông còn đang đi học qua những lời đối đáp với thầy học:
Nếu Trần Bình làm tể tướng,
Ai cấm Hàn Tín xưng vương.
Nằm thì bốn phương yên gối chiếu.
Dậy thì thiên hạ sướt thịt da.
Nguyễn Hữu Cầu có người bạn học ngang tài mình là Phạm Ðình Trọng. Bước ra đời Trọng vì là danh gia tử đệ nên bước vào chính quyền rất dễ dàng. Cầu với gốc tích dân dã chài lưới đương nhiên Cầu phải đi vào chính quyền bằng ngả khác. Khi nghe tin Tuyển Cừ nổi lên ở Chí linh, Cầu liền theo giúp. Thanh thế Cầu về sau mỗi ngày thêm lừng lẫy tự xưng là Ðông Ðạo Tổng Ðốc Bảo Dân Ðại Tướng. Cho đến lúc hoàn toàn thất bại, suốt quá trình khởi loạn của Cầu chỉ theo đuổi mục đích:
Ngọc tàng nhất điểm, xuất vi chúa nhập vi vương.
(Chữ ngọc dấu đi nét chấm, thò lên thì là Chủ thụt xuống là chữ Vương)
Thua trận bị bắt nhốt trong cũi Cầu có mấy câu thơ sau đây:
Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán.
Phá vòng vây bạn với kim ô.
Giang sơn khách diệc tri hồ.
Những câu thơ ấy ngụ ý mong mỏi thoát thân hơn là ngụ ý mong một lý tưởng tự do.
Trái lại Robespierre chịu ảnh hưởng tư tưởng Rousseau lúc nào cũng say sưa với hoài bão thực hiện tư tưởng Rousseau kể cả lúc ông ở địa vị cao nhất. Chính vì quá khích với tự do Robespierre đã trở thành nhà độc tài của Tự Do, rồi hoài bão ấy cũng đưa ông lên máy chém.
Bởi tính chất thượng khuynh quá mạnh nên Thi Nại Am đã không thành công về sự miêu tả nhân vật Ngô Dụng một phần tử trí thức trên Lương Sơn Bạc.
Chế độ thi cử với phương châm học nhi ưu tắc sĩ (học giỏi ra làm quan). Triều đình căn cứ vào thi phú mà tuyển người nên ai nấy sống chết với văn thơ.
Thiên tử trọng anh hào.
Văn chương giáo nhi tào.
Biết nhân hoài bảo kiếm.
Ngã hữu bút như đao.
(Nghĩa là:
Vua quí trọng kẻ anh hào. Văn chương ta đem dậy các ngươi. Thây kệ người kia mang bảo kiếm. Ta có cây bút sắc kém chi dao. )
Với quan niệm ấy, phần tử trí thức dần dần không coi tinh thần hiệp là yếu tố căn bản của phẩm đức nữa. Cái tâm hùng vạn phu của Lý Bạch chẳng còn, chỉ thấy cái mặt trắng của thư sinh trói gà không chặt, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.
CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN ÐẠI TỰ NHIÊN VÀ CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN TỰ DO
Nền tảng văn hóa và văn minh của Trung Quốc là nền tảng văn hóa văn minh nông nghiệp nên lý luận cơ sở nó là lý luận đại tự nhiên. Phần tử trí thức trải nhiều ngàn năm tuy có chuyển hình nhưng cũng vẫn ở trong cái vòng đại tự nhiên ấy thôi.
Trong thi ca của Ðào Uyên Minh người ta tìm thấy khá đầy đủ lý luận đại tự nhiên này.
Vũ trụ quan của ông như sau:
- Trời đất không bao giờ diệt, sông núi chẳng bao giờ rời đổi.
- Vũ trụ vô tư, vạn vật tự lý (vũ trụ không biết thiên tư muôn ngàn hiện tượng đều tự xếp đặt lấy).
- Bốn mùa thứ tự đổi thay, phó cho tự nhiên.
Về xã hội quan ông nghĩ:
- Mấy mẫu ruộng với gian nhà cỏ, một rặng liễu rủ, một lũy tre xanh, vài khóm hoa nở, làn khói lam mờ, tiếng gà gáy sáng, ít người nông dân hiền lành.
- Hòa với thiên nhiên khai khẩn lao tác tìm cái sống.
- Sinh hoạt cốt sao cho thích ý hãy vui cho hết ngày hôm nay, ngày mai chưa cần gì vội.
Về nhân sinh quan ông nhận định:
- Vui với thiên nhiên.
- Thuận với thiên nhiên.
Ðại tự nhiên là chân lý đã sẵn có trước mắt.
Tại Tây phương không như vậy, trong một thời gian khá lâu, tôn giáo Ki Tô giam buộc con người theo đuổi mục đích phượng thờ thượng đế. Không có gì thành tựu ngay trên trần tục này hết, sinh mệnh con người sẽ hoàn thành sau khi chết lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Bởi thế phần tử trí thức phải đấu tranh giải phóng khỏi sự giam buộc đó bằng cách tìm tòi chân lý và đòi tự do.
Chủ nghĩa nhân văn phương Tây kiến lập trên hai hoạt động này cho nên phẩm đức trí thức là phẩm đức của một chiến sĩ tha thiết với tự do. Họ không bao giờ chịu thuận với thiên nhiên hay vui với thiên nhiên. Họ không vui khi được sống họ muốn suy tư và phê phán sự có mặt của họ trên cõi đời này. (Ils ne se contentent pas de vivre, ils veulent penser leur existence _ Raymond Aron).
Ðể chứng minh vũ trụ không phải do Thượng đế làm ra trong bẩy ngày mà vũ trụ tạo dựng với quy luật vật lý, Copernic đưa ra lập luận trái đất quay chung quanh mặt trời Giáo hội liền bắt giam. Bruno tiếp tục công việc của Copernic bị Giáo hội kết tội phù thủy đưa lên giàn thiêu. Galillée không sợ uy lực ngang nhiên theo gót Bruno.
Những thảm kịch của Corneille đều là thảm kịch của Tự Do (drame de la Liberté). Con người không lúc nào ngừng tìm đến Tự Do. Trong cái tuyệt đối của Tự Do ý chí người ta tìm thấy vẻ đẹp và tính cao cả của con người. Cuốn Emile vừa ra đời nó bị hội nghị Paris lên án và đòi bỏ tù tác giả. Jean Jacques Rousseau phải trốn chạy sang Thụy Sĩ, chưa được bốn ngày, Hội Ðồng Genève cũng lên tiếng kết tội cuốn sách với bản án y hệt rồi lần lượt nhiều nơi khác nữa. Hồi tưởng giờ phút bôn ba Rousseau viết: Cả Âu Châu đang kêu gào nguyền rủa tôi với bộ mặt muốn ăn sống nuốt tươi chưa bao giờ có. Giữa lúc ở Paris Giám mục Beaumont trong một bản tuyên giáo đưa ra từng điểm để bảo rằng cuốn Emile là cuốn sách hung dữ nhằm phá hoại đời sống và giáo lý công giáo.
Trả lời Beaumont, Rousseau viết:
"Tôi chỉ có một tín ngưỡng là lẽ phải và ngòi bút, tôi từ chối quyền quý của bất cứ người nào, tôi không khuât phục công thức của ai nếu tôi chưa nhận đó là chân lý".
Phần tử trí thức sản phẩm của cuộc đấu tranh chống thế quyền và thần quyền, chống tập đoàn tăng lữ và vua chúa quý tộc phong kiến hay nói khác đi là phần tử trí thức của chủ nghĩa nhân văn.
Tây phương thoát thai từ cuộc đấu tranh này có hai hình thái:
a) Khoa học, đi vào vật chất để tìm chân lý,
b) Tự do, đi vào sinh hoạt xã hội và đời sống để tìm chân lý.
(Tự do khi thể chế hóa vào chính trị là thể chế dân chủ)
Các khoa học gia mải mê đi vào cái thế giới tân kỳ này nên ít trực tiếp làm chính trị, trong khi những phát minh khoa học lại ảnh hưởng cực lớn đến chính trị, nhưng chính trị tốt theo họ là thứ chính trị có thể đem đến cho họ một phòng thí nghiệm đầy đủ nhất. Nhưng số lượng khoa học gia ngày một tăng thêm tuy người phát minh không tăng mạnh lắm, nhưng người điều khiển và kiện toàn những phát minh khoa học thì đã gấp cả ngàn lần hơn cho nên Tây phương hiện đại có hiện tượng chính trị mới là hiện tượng thư lại chuyên viên (technocrate), thư lại chuyên viên đã trực tiếp giữ vai trò quan trọng trong các cuộc vận động chính trị của phần tử trí thức mới đây. (Sẽ nói kỹ hơn ở chương sau)
BIẾN TƯỚNG
Cũng như quan niệm thượng tầng xã hội đi xuống mạnh hơn ảnh hưởng hạ tầng xã hội đi lên đã có biến tướng là thượng khuynh tính, thì quan niệm tất cả cho Tự Do cũng có biến tướng của nó.
Ngay từ lúc đầu của cuộc đấu tranh đã xuất hiện Sade hầu tước, mà danh từ văn học mệnh danh là lý thuyết gia của nổi loạn tuyệt đối (révolve absolue). Chẳng những chối bỏ Thượng Ðế, Sade còn nhìn Thượng Ðế như một kẻ giết người. Tác phẩm lớn của Sade là cuốn tiểu thuyết Justine. Trong ấy Sade kể: Justine chạy dưới trời dông tố và tên tội phạm Norceuil ngửa mặt lên Thượng Ðế mà thề sẽ trở lại đạo nếu Justine không bị hành phạt, nhưng một tiếng sét đã dánh chết Justine.
Norceuil kết tội Thượng Ðế là tên sát nhân, như vậy tất cả những điều lệ của Thượng Ðế đặt ra từ trước đến giờ đều vô giá trị, như vậy chỉ có lòng ham muốn của chính ta là đáng kể. Sade đi đến chỗ điên cuồng gào thét giết người để thực hiện tự do. Ðể chống với tín điều trinh bạch (chasteté) của Ki Tô Giáo, Sade cổ vũ sự cuồng phóng lòng dục. Ảnh hưởng của Sade ngày nay rất lớn đối với phong trào Hippies hay người hoa (flower people) đang bành trướng. Hippies ngày nay không chống Thượng Ðế nữa mà chống cái nghẹt thở của xã hội hậu công nghiệp vì hệ thống tổ chức quá chặt.
oOo
Dostoievsky hô lên: Tout est permis (Tha hồ hành động) bởi vì Thượng Ðế và bất diệt là láo nên bây giờ con người chính là Thượng Ðế.
Tha hồ hành động mở đầu cho trang sử của chủ nghĩa hư vô cận đại (nihilisme contemporaire).
Chủ nghĩa hư vô chẽ làm hai ngã:
a) Con người làm Thượng Ðế bằng "logigue".
b) Con người làm Thượng Ðế bằng ý lực siêu nhân.
Ngả siêu nhân đã sản xuất ra chế độ Quốc Xã.
Trước hết hãy nói về cố gắng siêu nhân.
Năm 1884 Frederic Nietzsche ra đời. Ông trở thành triết gia danh tiếng với thuyết ý chí quyền lực và siêu nhân. Theo Nietzsche: "Tất cả mọi đam mê đều đưa con người đến một cái gì. Ðam mê có thể tàn phá những kẻ yếu hèn nhưng đam mê lại thêm sức mạnh cho người dũng cảm. Tội lỗi đức hạnh không tạo ra quyền uy hay sa đọa mà chính quyền uy hay sa đọa tạo ra đức hạnh hay tội lỗi. Thượng Ðế chết rồi trên trái đất chỉ còn lại những siêu nhân. Nếu được làm siêu nhân dù trong giây phút thôi tôi cũng cam chịu tất cả". Những điều Nietzsche nói trong tác phẩm ảnh hưởng ghê gớm vào đầu óc thanh niên Ðức. Ảnh hưởng ấy đã biến thành quyền lực vật chất xây dựng thành chế độ Quốc Xã. Lúc chế độ này thua trận, Hitler và Goebbels đều tự tử chết cùng với gia đình. Họ đã thực hiện cái chết đúng như lời Nietzsche nói:
"Ta gửi các ngươi cái chết của ta, cái chết tự nguyện, nó đến với ta bởi ta muốn thế".