Chương Thứ Chín
LUÂN LẠC VÀ PHẢN TỈNH

Sự cùng thể bách chi nhân,
đương nguyên kỳ sơ tâm.
Công thành hành mãn chi sĩ,
yên giác kỳ mạt lộ
 
(TRÍCH THÁI CĂN ĐÀM)
 
Bà mẹ Karl Marx thường phàn
nàn với các bạn hữu của con
bà: “Giá thằng Marx nhà tôi
nó chịu khó đi kiếm chút tư
bản còn hơn cả ngày nó loay
hoay với công việc luận về
tư bản”.
Chính hiệp
 Do những vận động phản đối nội chiến của phần tử trí thức toàn quốc nên ngày 31 tháng 1 năm 1946, sau 20 ngày thảo luận tại Trùng Khánh, hội nghị hiệp thương gồm đại diện Cộng sản đảng, Quốc dân đảng, các đảng và nhân sĩ không đảng phái đã thông qua 5 nghị án.
1- Đối với vấn đề tổ chức chính phủ, hiệp nghị xác định.
  a) Sửa đổi tổ chức chính phủ quốc dân, tăng thêm người vào chính phủ để sung thực ủy viên hội.
  b) Ủy viên chính phủ do chủ tịch chính phủ tuyển nhiệm từ những nhân sĩ trong hay ngoài Quốc dân đảng.
  c) Khi chủ tịch chính phủ yêu cầu thì các đảng phái đề cử, trong trường hợp chủ tịch không đồng ý các đảng phái phải đề cử người khác.
  d) Khi chủ tịch chính phủ muốn tuyển nhiệm người không đảng phái thì nếu người ấy bị một phần ba phản đối, chủ tịch phải tìm người khác.
  e) Nửa danh sách ủy viên do Quốc dân đảng đảm nhiệm, nửa số kia sẽ do các đảng phái và nhân sĩ hiền năng đảm nhiệm.
  f) Quốc dân chính phủ cũng được gọi là cơ quan tối cao quốc sự có quyền lực qua thảo luận và quyết định nguyên tắc lập pháp, những châm phương thi hành chính sách, đại kế quân chính, dự toán và kế hoạch tài chính.
2- Cương lĩnh hòa bình kiến quốc bao quát 9 chương: “tổng tắc”, quyền lợi nhân dân, chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế tài chính, giáo dục văn hóa, cứu tế, kiều vụ.
  a) Chương tổng tắc quy định: Các đảng phái trong nước đoàn kết nhất trí kiến thiết Tân Trung Quốc thống nhất tự do- Thực hành chính trị dân chủ hóa, quân đội quốc gia hóa và đảng phái bình đẳng hợp pháp- Dùng phương pháp chính trị để giải quyết xung đột chính trị, để phát triển và bảo vệ hòa bình quốc gia.
  b) Chương nhân dân quyền lợi quy định: Bảo vệ tự do thông tin, cư trú, di tản, kết xã, tập hội, xuất bản, ngôn luận, tín ngưỡng, tôn giáo, tư tưởng, thân thể của mọi người dân- Nghiêm cấm những cơ quan không phải là cảnh sát hay tư pháp bắt giam, thẩm vấn, xử tội nhân dân.
  c) Chương chính trị quy định: Chỉnh đốn lại cơ cấu hành chính các cấp, giản hóa thủ tục hành chính, thực hành phân tầng phụ trách- Dùng người không được kỳ thị phe phái, phải căn cứ vào năng lực hạnh kiểm- Cấm chỉ kiêm chức. Gắt gao thi hành chế độ giám sát. Nghiêm trừng tham ô. Tích cực thi hành tự trị địa phương- Thực hành bầu cử từ dưới lên trên- Quyền hạn trung ương phải áp dựng nguyên tắc phân quyền (chia đều)- Mỗi nơi có thể tùy điều kiện nơi mình thi hành chính sách một cách linh động nhưng không được vi bội pháp lệnh Trung ương.
  d) Chương quân sự quy định: Kiểm chế quân đội phải hợp với nhu yếu quốc phòng- Phải y theo chính thế dân chủ và tình hình trong nước để cải cách quân chế- Thực hành Quân Đảng phân lập- Quân dân phân trị- Cải tiến giáo dục quân sự- Sung thực trang bị. Kiện toàn nhân sự để kiến thiết một quân đội quốc gia hiện đại hóa- Quân đội toàn quốc phải y theo kế hoạch chỉnh quân.
  e) Chương tài chính kinh tế quy định: Đề phòng sự phát triển của tư bản quan liêu, nghiêm cấm quan lại lợi dụng quyền thế địa vị để đầu cơ, lũng đoạn trốn thuế, lạm dụng công khoán và công cuộc giao thông- Thực hành giảm tô giảm tức, bảo vệ tá điền, khoáng đại việc cho nông dân vay tiền- nghiêm cấm cho vay nặng lãi để cải thiện sinh hoạt nông dân- Tiến hành pháp lệnh ruộng đất để chóng đạt tới mục đích người cày có ruộng- Thực hành pháp lệnh lao động cải thiện lao động điều kiện- Tài chính công khai, triệt để thi hành chế độ dự toán và quyết toán- Giảm chi xuất, bình hành thâu chi- Phân định tài chính Trung ương và địa phương- Ổn định tiền tệ, công bố việc sử dụng ngoại tệ- Cải cách thuế chế.
  f) Chương giáo dục văn hóa quy định: Bảo vệ học thuật tự do. Không lấy tư tưởng tôn giáo hay chính trị can thiệp vào hành chính học đường- Trong dự toán quốc gia phái tăng gia kinh phí tỉ xuất cho sự nghiệp văn hóa giáo dục- Đình chỉ mọi kiểm soát bưu điện báo chí, xuất bản, điện ảnh đã áp dụng lúc chiến tranh.
 
3- Quốc hội đại biểu tăng thêm 700 người, thuộc thành phần các đảng phái và nhân sĩ. Chức quyền của quốc dân đại hội là chế định Hiến pháp.
4- Vấn đề thảo Hiến pháp, hiệp nghị quy định: Tổ chức ủy viên hội thẩm nghị việc thảo Hiến pháp- Sửa đổi thảo án Hiến pháp của Quốc dân đảng đặt định nguyên tắc sửa đổi hiến chương.
5- Vấn đề quân sự, hiệp nghị quy định: Chế độ quân đội phải cải cách y theo chính chế dân chủ và tình hình trong nước- Cải thiện chế độ trưng binh- Giáo dục quân đội phải tuân theo nguyên tắc kiến quân: vĩnh viễn đứng ngoài quan hệ cá nhân, quan hệ đảng phái- Thực hành quân đảng phân trị, bất cứ cá nhân hay đảng phái nào cũng không được dùng quân đội làm công cụ tranh chấp chính trị- Thực hành quân dân phân trị, tất cả những quân nhân hiện dịch không được kiêm nhiệm chức vụ hành chính- Quân đội Quốc dân đảng cũng như quân đội Cộng sản trong các khu giải phóng cùng phải nhanh chóng chỉnh biên.
Phần tử trí thức khắp nước đón mừng 5 nghị án trên như cơn mưa đến trong vùng khô hạn. Họ nghĩ đây là một đoàn kết lý tưởng, lòng yêu nước chung đã lấn át hết thẩy mọi quyền lợi, ý đồ chính trị riêng tư. Nhưng sự thực diễn ra trái ngược hẳn mà người trí thức còn bị lầm lẫn bởi cái tâm chất cao quý của họ. Quyền lợi tranh chấp chính trị thường luôn luôn gạt trí thức ra ngoài và làm sáng mắt họ.
Năm nghị án khi đem ra thi hành, mỗi bên Quốc Cộng đều căn cứ trên sức mạnh vũ trang mà diễn đạt ý nghĩ văn kiện theo lý lẽ súng ống của mình. Khoảng chừng ba tháng sau hiệp định, đình chiến gần như bị hoàn toàn xé bỏ và sáu tháng sau thì quyết nghị chính hiệp cũng mất hiệu lực.
Ngày 20 tháng 7-1946 một tờ báo của đối phương “Lấy chiến tranh tự vệ đập tan cuộc tấn công của Tưởng Giới Thạch” như sau:
“Tưởng Giới Thạch phá hoại hiệp định đình chiến, phá hoại quyết định chính hiệp, tại Đông Bắc đã đánh chiếm Trường Xuân Tứ Bình của ta. Hiện tại ở Hoa Đông Hoa Bắc đang chuẩn bị đại tấn công ta. Chỉ có chiến tranh tự vệ đập tan cuộc tấn công của Tưởng Giới Thạch rồi mới có thể khôi phục hòa bình.
Phương pháp tác chiến thắng Tưởng Giới Thạch là vận động chiến. Nhân thử, sẽ có một số địa phương, một số thành thị mà chúng ta phải tạm thời rời bỏ. Đó không phải là miễn cưỡng mà là cần thiết. Tạm thời rời bỏ những địa phương ấy, đô thị ấy để tranh thủ thắng lợi tối hậu. Điểm này toàn đảng và toàn dân các vùng giải phóng phải thông hiểu để chuẩn bị tinh thần…”
o0o
Nội bộ phân liệt, kinh tế tan vỡ 
 Quân của Quốc dân chính phủ mặc dầu tập trung hơn hai triệu mà vẫn không hoàn toàn kiểm soát được hai thiết lộ Bình Hán và Bồ Tân, hai động mạch của Trung Quốc. Mặc dầu đã huy động tới ba bốn trăm ngàn mà quân tinh nhuệ Quốc dân đảng vẫn không làm chủ được tình thế Đông Bắc.
Thế đủ rõ binh sĩ sau kháng chiến đã chán ghét chiến tranh, dân chúng cũng không cổ vũ ủng hộ hành động quân sự. Dân tâm sĩ khí như vậy còn vấn đề cấp dưỡng, chiến lược chiến thuật và vũ khí thì sao?
Năm 1946 Quốc quân còn giữ ưu thế trên chiến trường là bởi tại ở hậu phương cục thế kinh tế vẫn an toàn, ở tiền phương binh sĩ vẫn còn hy vọng đánh mạnh thắng mau. Nhưng rồi mỗi ngày một rõ rệt nội chiến không thể nào tốc chiến tốc quyết, mà ở hậu phương thì chính sách kinh tế tài chính Tống Tử Văn đã làm cho đời sống cực kỳ nguy khốn.
Kinh tế đã vỡ trước quân sự. Trải 8 năm sinh hoạt khốn khổ, sĩ quan và binh sĩ những ước mong qua thắng lợi sẽ đến những ngày vui no ấm. Ngờ đâu yên vui không thấy mà no ấm cũng chẳng thấy có. Trong lòng ai nấy mang một mối tuyệt vọng đáng sợ.
Năm 1947 Quốc quân tuy trên chiến trường còn mở được mấy cuộc tấn công lớn vào sào huyệt của Cộng sản nhưng vẫn chưa làm tổn thương nặng nề đến thực lực Cộng quân.
Mùa thu 1948 Cộng quân phát động phản công, quốc quân tan vỡ toàn diện. Toàn thể đại lục Trung Quốc rơi vào tay Cộng sản.
Sự thất bại của Quốc quân không phải là thua trên quân sự mà là thua trên chính trị và kinh tế. Quân sự thất bại chẳng qua chỉ là hình thức.
Với hai lần họp Quốc dân đại hội (chế biến và hành hiến) cơ tầng nội bộ Quốc dân đảng hoàn toàn băng hoại. Với một lần đổi đồng Kim viên, dân tâm mất hết tin tưởng.
Đại hội đại biểu quốc dân chế hiến được triệu tập ngày 12 tháng 11 năm 1946 thì trước đó một tháng, quân chính phủ tấn công Trương Gia Khẩu. Hai tin cùng được đăng tải trên một mặt báo. Đại hội này, Quốc dân đảng kéo được Dân xã đảng và Thanh niên đảng tham gia nên lấn quyền chế định hiến pháp. Cộng sản hết hy vọng đấu tranh nghị trường.
Thấy điều đình hết hy vọng, tướng Marshall đặc sứ Mỹ về Hoa Kỳ. Đại biểu đàm phán của Cộng sản cũng triệt thoái.
Tháng 5 năm 1948, Quốc dân đại hội hành hiến được triệu tập. Danh sách đại biểu đưa ra gây nên cuộc xung đột lớn về sự phân phối trong nội bộ Quốc dân đảng. Rất nhiều đảng viên già của Quốc dân đảng bị gạt ra ngoài uất ức, kẻ thì tuyệt thực, kẻ thì mang quan tài đến trụ sở đòi chức đại biểu, kẻ thì xin ra đảng, kẻ thì hoạt động phá hoại đảng.
Thêm vào đấy là vụ tranh chức Phó tổng thống càng làm cho phái hệ Quốc dân đảng phân liệt trầm trọng. Quế hệ ủng hộ Lý Tôn Nhân còn Trung Ương thì ủng hộ Tôn Khoa. Các đại biểu cứ bầu cho Lý Tôn Nhân. Trung Ương sau vụ này chẳng còn thể thống gì nữa. Lý Tôn Nhân Phó Tổng thống rồi liền lãnh đạo Quế hệ nhục mạ Trung Ương đảng.
Phần tử trí thức nhìn cuộc tranh chấp nội bộ Quốc dân đảng với nụ cười mỉa mai chua chát.
Quốc dân đảng trong những năm tháng chấp chính chưa hề giải quyết xuôi xỏa vấn đề thuế thâu. Trừ thuế điền, thuế quan ra, các hạng thuế khác đều ẩu tả không có tiêu chuẩn nhất định. Dự toán chi xuất từ năm này qua năm khác thường trông cậy vào máy in giấy bạc và đắp. Đến khi quốc hội rã đám thì máy in giấy bạc tha hồ tung hoành vô cấm kỵ, làm cho pháp tệ phá sản. Lòng tin vào chính phủ xuống độ như hàn thử biểu, mới đầu là quan binh hết tin tưởng, rồi đến đại biểu quốc dân đại hội, rồi cuối cùng là các tướng lãnh cao cấp.
Trong khi ấy khu vực Cộng sản khoáng triển không ngừng, kiểm soát tới hơn một triệu dân. Nạn nhân phía Bắc chạy xuống phía Nam cũng nhiều. Họ kể lể những hành động tàn ác của Cộng sản. Nhưng chẳng một ai để ý vì kinh tế quá kiệt quệ rồi không còn hơi sức đâu nghe chuyện khác ngoài chuyện gạo ăn.
Sang đến giai đoạn quốc hội hành hiến, nội các mới đặt vấn đề cải cách tiền tệ lên hàng đầu, cho phát hành đồng kim viên.
Cục diện kinh tế sau kháng chiến cho đến thời gian quốc hội hành hiến đã ác hóa cực độ. Sĩ quan binh sĩ bữa đói bữa no thâm oán chính phủ. Nhân dân bất hợp tác với chính phủ, chính phủ làm gì mặc kệ, dân lo thân dân. Công chức trung cấp cũng bất hợp tác với chính phủ, làm cho hiệu lực hành chính(?). Binh sĩ bất hợp tác với chính phủ khiến cho hiệu năng quân sự thành con số không.
Phát hành đồng kim viên làm cho hy vọng trở lại với mọi người…
Hỡi ôi! Hy vọng đó như hoa đàm một lần hiện rồi tiêu tan. Chính sách tốt mà thi hành ẩu. Vật giá vùn vụt leo thang, dân chúng từ thâm oán chuyển sang phẫn nộ.
Đồng kim viên là một trò bịp để vét vàng của dân. Dân nông thôn và tiểu thành thị quý vàng như sinh mạng. Nông dân không ruộng đất, coi vàng như ruộng đất. Đồng kim viên ra đời đổi lấy vàng rồi y theo hạn kỳ đổi trả. Kết quả kim viên khế sụt giá ầm ầm. Dân chúng bị chùy kim viên đánh cho chết giấc.
Phẫn nộ lên cao! Tâm lý người nào cũng muốn trả hận. Nếu tự mình làm không được thì mong Cộng sản làm hộ.
Kim viên phá sản làm cho cả hệ thống tín dụng của chính phủ sụp đổ. Tiếng nói của chính phủ không một ai muốn nghe nữa. Tình hình thảm đạm như thế hỏi làm sao quân đội không vỡ? Trong hai tháng toàn vùng Đông Bắc rơi vào tay Cộng sản, quốc quân mất 40 vạn quân. Chiến dịch thứ hai là khu vực Trường Giang, quốc quân mất 50 vạn quân. Rồi đến Trương Gia Khẩu, Bắc Bình, Thiên Tân luân hãm, quốc quân thiệt trên 50 vạn.
Ba trận thua lớn chưa từng thấy làm cho nội bộ rối loạn. Tưởng Giới Thạch bị hạ bệ. Lý Tôn Nhân xuất diện cầu hòa với Cộng sản. Trí thức Quốc dân đảng như Trần Bố Lôi, Đới Truyền Hiền tự sát. Một số khác lên tiếng yêu cầu chính phủ đổi chiến lược cố thủ Hoa Nam và Tây Nam. Nhưng quá chậm, lòng quân sĩ đã chán nản cùng cực với phái hệ, với kinh tế nghèo đói. Vài tướng lãnh như Trương Trị Trung đầu hàng Cộng sản. Ít nhiều thư sinh mặt trắng làm thơ cảm hoài. Và Cộng sản vẫn tiếp tục tiến đều, 23 tháng 4-1949 Nam Kinh thất thủ.
Lúc mới nắm chính quyền, Trung Cộng rất mềm dẻo. Thái độ mềm dẻo chẳng kéo dài bao lâu. Nỗi đau đớn đầu tiên mà nhân dân Trung Quốc tiếp nhận là bao nhiêu tập tục tư tưởng truyền thống bị đánh bật gốc.
Phần tử trí thức được Cộng sản xem xét đến trước nhất. Có ước chừng một phần ba bị xử tử, giam cầm hoặc đi học tập lao động. Số còn lại bị nhồi tư tưởng CS như nhà bếp nhồi vịt hầm. Đó là phương pháp cải tạo tư tưởng.
Phần tử trí thức yêu tự do thoát khỏi đại lục sống kiếp lưu vong. Họ không sống với chế độ Tưởng Giới Thạch. Tản mác lang thang nhưng trong lòng mỗi người đều hoài bão đấu tranh cho một trang sử mới.
 Một lực lượng chính trị mới
 Người Pháp trở lại Đông Dương bằng cách mang danh nghĩa chống chính phủ Cộng sản mới nổi lên ở đây nói với các nước Đồng minh đã cùng Pháp thắng trận kết thúc thế giới chiến thứ 2. Người Pháp nổ súng đánh quân của chính phủ Hồ Chí Minh với cớ cần phải tìm những người Quốc gia chân chính để nói chuyện. Nhưng toàn bộ chính sách với bề ngoài tiến bộ của Pháp đã bị rơi “mặt nạ” trước cái chết của bác sĩ Nguyễn Văn Thinh. Ông Thinh đã treo cổ tự tử vì hổ thẹn với dân chúng và vì uất ức với thái độ khinh khi của Pháp. Tinh thần dân tộc tự quyết của Liên hiệp quốc bị Pháp xóa bỏ. Danh nghĩa chống Cộng sản của Pháp mất giá trị đối với những phần tử Quốc gia, trí thức tiến bộ. Ai ai cũng thấy bọn Pháp mới xảo quyệt chẳng kém chi bọn Pháp cũ. Tất cả mọi hy vọng hợp tác chính trị với người Pháp tiêu tận. Trí thức ở lại vùng Pháp mà tâm óc chán ghét Pháp, không ưa Cộng sản nhưng bội phục kháng chiến.
Hai năm trời Pháp không giải quyết xong vấn đề Đông Dương bằng vũ lực như Pháp đã từng tưởng tượng chỉ cần nửa thời gian đó. Trái lại tình hình mỗi ngày đen tối thêm.
Tại Trung Hoa, Quốc dân đảng thua đậm, lục địa sớm chiều lọt vào tay Cộng sản. Chính phủ Hồ Chí Minh sẽ có thêm một hậu cứ mạnh lớn và một kho người vô tận với điều kiện công khai đứng vào hàng ngũ Cộng sản thay vì ngụy trang giải tán đảng Cộng sản như trước đây.
Để có thêm chính nghĩa một phần, để lấy điểm mà xin viện trợ của Hoa Kỳ một phần, Pháp quyết định “khênh” Bảo Đại về làm Quốc trưởng. Bảo Đại mang theo hiệp ước Hạ Long và tuyên ngôn độc lập.
Do chính sách nhỏ giọt, trả lại Độc lập một cách hết sức hà tiện, thâm ý Pháp chỉ muốn mượn Bảo Đại để dễ bề ăn nói trên ngoại giao quốc tế, cho nên với dân chúng, khu vực Bảo Đại cai quản chưa thành là khu vực quốc gia, trước sau cũng chỉ là khu vực luân hãm.
Trí thức ở khu vực luân hãm không có sinh mệnh chính trị. Bất cứ sự hợp tác nào cũng bị Cộng sản kháng chiến mệnh danh là gian, là ngụy. Người hợp tác mang mặc cảm tự ti trước cơn sóng kháng chiến. Các chiến sĩ quốc gia, đảng phái bị Pháp khủng bố phải sống lén lút và bị Pháp dồn luôn vào thế chống Pháp sau khi bị kháng chiến xua đuổi.
Các chính phủ do Bảo Đại bổ nhiệm, chưa có chính phủ nào đi ra ngoài phạm vi hành chánh có tính cách tuyệt đối thể chế tự trị hẹp hòi. Các chính phủ đó không hề có một sinh mạng chính trị độc lập, chúng như những cành lá tầm gửi yếu ớt.
Các nhân vật lãnh đạo chính trị toàn thể đều là những công chức tay sai trung cấp của Pháp cũ, không hề đấu tranh cũng không hề được huấn luyện về chính quyền. Đối với dân chúng, đối với phần tử trí thức, các chính phủ của họ được tiếp nhận như một mái tranh bên đường trú chân chờ cho qua cơn bão táp, cho thoát nạn Tây say bắn bừa, cho thoát cảnh chiến tranh hỗn độn.
 
Dĩ nhiên ở tình trạng này không thể có một chính sách văn hóa đáng kể mặc dầu ông Bảo Đại đã đòi được thắng lợi to tát là hoàn toàn tự quản vấn đề giáo dục. Nhưng hoàn toàn tự quản trên giấy tờ thì làm gì? Nếu không được phần tử trí thức thành tâm hợp tác? Vả lại còn một sự thật đau xót khác phải thú nhận, là trí thức khu luân hãm đại đa số còn ngờ nghệch với chính trị, đại đa số từ trước đến nay chỉ biết đi học câu cơm thì làm sao cáng đáng nổi một nền giáo dục độc lập trước trăm vạn biến cố chính trị chiến tranh dồn dập, hết lớp nọ đến lớp kia? Đến ngay bản thân phần tử trí thức cũng còn cần phải giáo dục thêm nhiều nữa để theo kịp với lịch sử, với thời đại, còn nói gì đến đặt kế hoạch giáo dục dân nước. Người trí thức khu luân hãm đang còn choáng váng với những cơn sóng chính trị, còn đang ngơ ngẩn như lạc vào mê hồn trận thì nói gì đến chuyện dẫn dắt người khác. Vì vậy chính sách giáo dục của những chính phủ Bảo Đại đành rập theo khuôn mẫu thời Tây. Tính chất độc lập chỉ lộ tỏ ra bằng mấy văn phẩm cổ điển Việt như: Phạm Công Cúc Hoa, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, truyện Kiều v.v… Nói về văn học khu luân hãm thuần là văn học màu vàng theo với nhịp điệu của Paris-Hollywood, Le Satan conduit le bal, Mémoires d’une chanteuse Allemande v.v… Một lượt các pho truyện cổ của Tàu được đem in lại như Tam quốc, Đông chu, Thủy hử, Chiêu Quân, Ngũ hổ bình tây v.v… Rồi đến các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp, trinh thám rẻ tiền.
Nói chung là loại văn phẩm cho khu vực luân hãm tù túng, phè phỡn nhưng không tương lai, không làm chủ được vận mạng. Riêng Nam Việt chỉ có một tác phẩm đấu tranh là cuốn tiểu thuyết “Nửa bồ xương khô” của Vũ Anh Khanh nhưng nó bị cấm ngay. Tuy nhiên thời kỳ này có một hiện tượng đáng mừng là người trí thức Việt bỡ ngỡ được sách Pháp tràn vào đủ các loại, đưa dần đến những chân trời rộng rãi và tiến bộ.
Mặc dầu Pháp xảo quyệt và keo kiệt trong việc trả quyền tự chủ cho người Việt, nhưng chính trị vốn dĩ là một hành động tự sinh tự biến, nên dù xảo quyệt dù keo kiệt, Pháp vẫn không ngăn nổi một lực lượng lớn lên. Lực lượng ấy chính Pháp sinh ra nó rồi chính nó quét sạch dấu tích của quyền thống trị Pháp ở đây. Đó là lực lượng quân đội. Cuộc chiến tranh kéo dài, Pháp không thể cáng đáng một mình, Pháp phải có người bạn đồng minh bản xứ. Pháp với Cộng sản trước việc Pháp tổ chức quân đội Việt đều đồng ý với nhau trên điểm lý luận là dùng người Việt đánh người Việt. Sự thực chính trị đây là một lực lượng chính trị mới, một lực lượng quốc gia chống Cộng trong chiến tranh quốc cộng sau này. Cả Cộng sản lẫn Pháp đều không mong muốn nó lớn lên, nhưng cả Cộng sản lẫn Pháp đều không ngăn được sức lớn của nó. Sự thực ấy diễn tiến như sau:
Những tháng đầu năm 1953, qua nhiều tường trình của Đại sứ Hawey từ Ba-lê gởi từ Anh quốc thì tinh thần người Pháp đối với Đông Dương càng ngày càng tỏ ra bi quan. Ai ai cũng đều mong mỏi chấm dứt chiến tranh. Các sĩ quan cao cấp thuộc bộ tham mưu Pháp đã nhỏ to công nhận sự rút lui không thể tránh được. Tất cả vấn đề chỉ còn làm thế nào để bảo toàn danh dự nước Pháp mà thôi.
Trước tình thế này, ông Eden nêu ra sáng kiến mời Tổng trưởng ngoại giao Hoa Kỳ cùng sang Paris hội đàm tay ba. Ở cuộc hội đàm, lập trường của ông Acheson là không thể để cho vùng Đông Nam Á lọt vào tay Cộng sản, nhưng đồng thời cũng không vì vùng này mà làm cho nổ cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Kết quả hội đàm, Mỹ thỏa thuận viện trợ thêm đô la cho Pháp với điều kiện cấp tốc bành trướng quân đội Việt Nam.
Cũng vào năm 1953, Pháp và Lào ký kết một hiệp ước trong đó Pháp cam kết cung cấp quân nhu, dành mọi sự dễ dàng về thương mại và cho một phái bộ quân sự đặt dưới quyền chính phủ Lào. Cả hai nước sẽ trao đổi các đại diện ngoại giao hoàn toàn bình đẳng. Mục đích của Pháp trong hiệp ước này là tách rời Lào riêng, khi phải nói chuyện hòa bình thì nói chuyện Việt Nam thôi, không phải nói chuyện cõi Đông Dương. Cộng sản biết vậy nên để giảm uy tín Pháp, Việt Minh mở trận tấn công vào đất Lào, chứng minh rằng tất cả mọi bảo đảm của Pháp đều chẳng có giá trị gì hết.
 
Mỹ lập tức phản ứng, ngoại trưởng Dulles họp báo tuyên bố: Mỹ sẽ hành động để trừng phạt Trung cộng, Mỹ sẵn sàng trả đũa. Tình hình trở nên căng thẳng tột độ. Ngoại trưởng Anh lên tiếng dàn hòa, nói đến việc chia cắt và cho đó là giải pháp tốt nhất. Ý kiến chia cắt được chấp thuận tại hội nghị Bá Linh với sự tham dự của ngoại trưởng Nga-sô Molotov. Số phận bị phân rẽ của Việt Nam không thể tránh được nữa. Ngày họp hội nghị Genève đã được các cường quốc quyết định. Và hội nghị Genève đã chuyển chính trị Việt Nam từ cuộc chiến tranh kháng chiến giải phóng dân tộc sang phân tranh Tư bản Cộng sản. Nước Việt Nam chia cắt làm đôi hình thành hai thế quốc-cộng. Nòng cốt lực lượng của thế Quốc gia là quân đội.
Nhân vị và trí thức 
 Vào thời kỳ mà chủ nghĩa hiện sinh lệch về bên tả, các lãnh tụ hiện sinh như Jean Paul Sartre, Simone De Beauvoir, Francis Jeanson, Merleau Ponty bị khủng hoảng vì hiệu lực (efficacité), vì dấn thân (engagement), vì biện-chứng-pháp đã sang Nga, sang Trung Quốc v.v… Nhìn thấy những thắng lợi của Cộng sản để viết sách báo, tuy không tán tụng nhưng thừa nhận thì (chỗ này chắc in thiếu) chủ nghĩa nhân vị bột phát triển để lãnh đạo cuộc đấu tranh ý thức hệ với Cộng sản.
 
Danh từ nhân vị chủ nghĩa dịch từ chữ Personalisme, cũng có nơi gọi là nhân cách chủ nghĩa. Chủ nghĩa nhân vị không phải mới mẻ gì, nó nhen nhúm từ 1908 và đã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau và nhiều danh xưng khác nhau. Nó từng được gọi là như ý chủ nghĩa (Voluntarisme), tự do triết học (Philosophy of Freedom), ý lực triết học (Idea Force), tinh thần thực tại luận (Spiritual Realisme), nhân cách lý tưởng chủ nghĩa (Personal Idealisme), nhân văn chủ nghĩa (Humanisme) và cuối cùng là nhân vị hay nhân cách chủ nghĩa (Personalisme). Chủ nghĩa nhân vị được phần tử trí thức công giáo tiến bộ nghiên cứu và hoàn thành.
Đặc điểm của chủ nghĩa nhân vị là áp dụng lập trường nhân cách thần luận (Théisme). Tiến bộ của thần luận trong chủ nghĩa nhân vị là thừa nhận thần là nội tại và siêu tuyệt nhưng không phải do phép lạ hay kỳ tích mà do người. Trên logique, chủ nghĩa nhân vị áp dụng lập trường thực hiện luận nhận rằng: sinh mệnh và sự biểu hiện sinh mệnh trên ngôn ngữ không bao giờ cố định và thường bị thực tại đốt phá. Trên luân lý, chủ nghĩa nhân vị lấy tự do làm căn bản, quyền tự do chọn lựa là tuyệt đối, chọn rồi sau mới bị sự phán xét của đạo đức hay vô đạo đức, nhưng tất cả mọi thành tựu với đạo mới thật là sáng tạo cao đẹp. Trên tôn giáo nhân vị, chủ nghĩa nâng phẩm giá người như vị thần, có nghĩa là sự biểu hiện tự ngã tối cao để khắc phục hết thảy những điều không chính thường. Nhân vị chủ nghĩa còn tự gọi là tự do triết học với lý luận nhân cách là chí thượng, giá trị mỗi cá nhân đều tự mình phát triển thể phách tâm trí, tinh thần trước những cơ hội mà xã hội cung cấp cho. Chủ nghĩa nhân vị tuyệt đối chống mọi hình thực của chủ nghĩa cực quyền.
Khi người Cộng sản Việt bằng bỏ cuộc kháng chiến dân tộc đứt đoạn để thực hiện cách mạng vô sản, chấp nhận vĩ tuyến 17 làm đường ranh giới cho hai khu vực ảnh hưởng thì ở Việt Nam phân ra hai chế độ. Miền Bắc là chế độ chủ nghĩa xã hội và miền Nam là khu vực của chế độ tư sản tự do. (Sở dĩ tôi không dùng thẳng hai chữ chế độ vì sự thực chế độ tư sản tự do chưa kiện toàn). Miền Nam nếu xét theo con mắt xã hội học thì trước sự phân đôi nó trở nên phức tạp không thuần nhất như miền Bắc. Hãy tạm đưa ra vài điểm đại lược sau:
Ở miền Bắc, Cộng sản về tiếp thu những khu vực Pháp chiếm, một số lớn dân chúng có thể là đầu mối của những xung đột đã lên tàu di cư. Chính quyền Bắc chỉ còn phải đối phó với vài khu vực như Bùi Chu, Phát Diệm và vài nơi có sắc dân thân Pháp.
Trái lại ở miền Nam, chính quyền Nam Việt đến tiếp thu các khu vực Cộng sản rải rác như răng lược, khó biết chính xác. Ở các nơi này, căn cứ vào hiệp ước ký kết, chỉ có bộ đội Cộng sản và cán bộ tập kết chuyển ra Bắc thôi, mà chuyện tập kết thật khó lòng kiểm soát. Dân chúng miền Nam đa số chưa biết rõ Cộng sản và vẫn còn mang tâm lý kháng chiến lãng mạn lịch sử. Thêm vào đấy là cuộc di cư vĩ đại  của một triệu con người cùng nòi giống tiên rồng nhưng đã bị thực dân chia rẽ cho nên tình ý có nhiều điểm khác biệt làm cho nảy sinh các vấn đề ngại ngùng ngăn trở do yếu tố bất thuần nhất (Hétérogènes). Riêng số người di cư, trừ một số ít đã từng chiến đấu và không thể sống với Cộng sản, số còn lại thì 60% là công giáo, 40% ra đi vì không thể từ bỏ nếp sống cũ để thích ứng với cuộc sống hoàn toàn đổi mới do chế độ Cộng sản đặt ra.
Ông Ngô Đình Diệm với sự ủng hộ đặc biệt của Hoa Kỳ được đưa về chấp chánh toàn miền Nam kể từ vĩ tuyến 17 trở vào. Năm đầu ông phải đương đầu với vấn đề xã hội. Nhờ miền Nam sung túc phì nhiêu, nhờ viện trợ Mỹ đầy đủ, vấn đề xã hội miền Nam không những ổn định dễ dàng mà còn chuyển thành công cuộc thống nhất văn hóa lớn lao chưa từng có trong lịch sử. Sang năm thứ hai ông phải đương đầu với vần đề chính trị. Pháp thỏa thuận với Mỹ lặng lẽ rút lui nhưng còn những thế lực chính trị của Pháp ở lại. Nhờ chính phủ Ngô Đình Diệm là chính phủ đầu tiên mang nhiều sắc thái độc lập nhất kể từ lúc người Pháp đặt chân lên đây cho nên toàn dân nhiệt liệt ủng hộ. Quan trọng hơn hết là quân đội cũng ủng hộ để tiêu diệt các thế lực chính trị của Pháp qua trung gian (par personne interposé). Và từ đó quân đội lớn lên trong chiến tranh Việt-Pháp bây giờ thực sự trở thành một quân đội của quốc gia độc lập. Nhờ lực lượng quân đội ông Ngô Đình Diệm đã giải quyết vấn đề quét sạch các thế lực chính trị đối nghịch dễ dàng.
Chính phủ Diệm sau khi đã củng cố vững mạnh phải gánh vác hai sứ mạng trọng đại:
Thứ nhất là đấu tranh quốc tế, chặn đứng ngọn sóng lan tràn của thế lực đỏ cho thế giới tư sản tự do.
Thứ hai là đấu tranh xây dựng một quốc gia chống Cộng sản.
Ông Ngô Đình Diệm có thành công không?
Mấy năm đầu sứ mạng ngăn chặn ngọn sóng đỏ có thành công. Ký giả thân cộng Burchett cũng thú nhận điều này. Nhưng thành công xét kỹ ra là nhờ thế cục nhiều hơn là giỏi giang.
Đến sứ mạng xây dựng một quốc gia để tạo ra hình thế Quốc Cộng thì ông Diệm lại thất bại ngay từ đầu. Ông Ngô Đình Nhu, người trí thức của chính quyền Diệm, trước khi về chấp chánh ông rất thận trọng bằng việc mang chủ nghĩa nhân vị về nước làm căn bản đấu tranh tư tưởng chống lại chủ nghĩa Mác xít. Nhưng ông đã lầm và chủ nghĩa nhân vị có gốc gác thần học không thể được người trí thức Việt, vốn cho tôn giáo là mê tín, chấp nhận. Chủ nghĩa nhân vị cũng không thể đi vào tâm hồn người công giáo chất phác vốn tin Chúa và phép lạ một cách tuyệt đối vì nó tự do quá. Thế là chủ nghĩa nhân vị bị bỏ sang một bên. Nghiên cứu nhân vị chủ nghĩa là công việc làm cho có lệ, chẳng một ai tin tưởng vào nó.
Nhờ được thế tốt, mọi việc trôi chảy dễ dàng. Uy tín ông Diệm bành trướng quá mau chóng. Qua tâm trạng say với quyền bính, qua sự phỉnh nịnh của quyền uy, các nhà lãnh đạo cho vứt xó mọi lý tưởng để thiết lập chế độ… chế độ Diệm và gia đình. Một trận tuyến quốc gia dân tộc đâu có bằng một trận tuyến anh minh Ngô Đình Diệm.
Những năm tháng thắng lợi to tát làm cho ông Nhu tưởng ông có một tài năng chính trị vô biên, ông không bao giờ nghĩ rằng ở Austerlitz, Napoléon là một thiên tài nhưng ở Moscou, Napoléon là một tên imbécile.
Phần ông Diệm, ông là người của tín ngưỡng. Ông tin Chúa nhưng lỗi lầm của ông là ông cũng tin Chúa tin ông ta. Ông ưa học thuyết Khổng Tử nhưng lỗi lầm của ông là ông ưa học thuyết này vì nó nói rằng địa vị ông bây giờ đứng ở đầu tam cương ngũ thường.
Bởi vậy thay vì gây dựng hình thế Quốc-Cộng, hai ông Nhu, Diệm đã gây dựng hình thế Diệm-Cộng. Cộng vào đấy, hai ông Ngô Đình Thục và ông Ngô Đình Cẩn gây dựng hình thể Công giáo, Cộng sản.
Dưới chế độ Diệm, phần tử trí thức đi theo đều bị biến thành bọn thư lại, thấp hơn nữa là gia nhân của một triều đại.
Do ảnh hưởng quốc tế thay đổi, một bộ phận lớn trí thức được đào tạo vào hoạt động thông ngôn. Vì hết chiến tranh, vì những cuộc di động của một số lớn người nên phong trào đi học dâng lên như nấm mà vẫn không đủ cung cho số cầu. Nhưng bởi không có một chính sách văn hóa đúng đắn, không có một chính sách giáo dục hẳn hoi, chỉ biết vá chắp nay đổi mai thay, bởi chế độ Diệm đã đem thần tài vào học cung cho nên giáo dục rơi vào tình trạng hỗn tạp quái đản. Trên mặt văn học, chế độ phong kiến của gia đình Diệm không thể đi đôi với một nền văn học dua nịnh tâng bốc khiến cho hàng ngũ trí thức chia hẳn.
Phần tử trí thức phản kháng thì hoàn toàn tiêu cực, chui rúc vào tư tưởng tự do bằng một số từ ngữ tối nghĩa. Ở đó chủ nghĩa hiện sinh đã du nhập. Một số khác thì viết báo chửi tục để xả hơi, hoặc nói bóng gió chửi xiên xéo cho hả giận.
Năm khúc quanh
 Ảnh hưởng chính trị Mỹ với Việt Nam có năm khúc quanh (virage)
1) Ngày 27-6-1950, Tổng Thống Truman tuyên bố gởi một phái bộ quân sự tới Đông Dương để cộng tác chặt chẽ với quân viễn chinh Pháp.
2) Pháp thua trận Điện Biên Phủ đặt thành vấn đề Mỹ phải thay Pháp trong chiến tranh Đông Dương? Tổng Thống Eisenhower áp dụng chính sách triết-trung giữa hai chủ trương: can thiệp quân sự và khoanh tay bỏ mặc. Người đại diện thi hành chính sách này là ông Ngô Đình Diệm.
3) Năm 1961 tại Washington xôn xao về tin chế độ Diệm hấp hối. Vấn đề đặt ra cho chính quyền Kennedy là làm thế nào tránh cho Việt Nam một sự sụp đổ? Có hai nhóm đưa ra giải pháp:
a/- Nhóm Harriman, Galbraith và H. White chủ trương chính trị, đòi thay chính phủ Saigon, không ủng hộ chính thể Diệm, tách chính trị Saigon ra khỏi lệ thuộc quân sự.
b/- Nhóm Maxwell Taylor và W. Rostow chủ trương quân sự, đề nghị gửi những bộ đội chiến thuật (groupement tactique) của Mỹ qua Việt Nam, ít thôi nhưng có sức quật (force de frappe) rất mạnh. Dean Rusk ủng hộ nhóm Taylor.
Cuối cùng nhóm Taylor và Rostow được Tổng Thống Kennedy nghe theo. Chấp nhận giải pháp quân sự có nghĩa là tăng cường luôn cả sự ủng hộ chính phủ Diệm. Ông đại sứ Nolting và tướng Harkins thi hành.
4) Năm 1963 nhiều quan sát viên Mỹ phàn nàn Hoa Kỳ không hề ủng hộ một chính phủ Việt Nam mà ủng hộ một gia đình phong kiến kỳ cục. Các chính khách Hoa Kỳ đã bắt đầu nhìn các ông Diệm, Nhu, Thục, Cẩn và bà Nhu bằng nhãn quan tâm lý bệnh học. Họ gọi những người ấy là bọn mất hết lý trí (déraison absolue) và chính phủ Diệm là chính phủ của những người điên (un government de fous).
Chiến tranh và chính trị phong kiến của Diệm đã làm cho chế độ suy yếu. Chế độ Diệm càng suy yếu thì bang giao giữa chế độ này với Hoa Kỳ càng tàn hoại. Hoa Kỳ muốn thay Diệm mà Diệm cứ cố nắm chặt chính quyền. Hoa Kỳ sửa soạn và rình rập một sai lầm là quật đổ người mà Hoa Kỳ đã tố cáo là điên. Tháng 5-1963, do kỳ thị tôn giáo của chế độ Diệm- Thục đã đến độ không thể chịu đựng hơn nữa, Phật giáo biểu tình phản đối giám mục Thục cấm treo cờ Phật giáo ngày Phật đản. Chính phủ huy động lực lượng cảnh sát đàn áp, bắn vào đám quần chúng Phật giáo. Phong trào lan rộng ra toàn quốc. Ông Thích Quảng Đức tự thiêu vang dội đấu tranh ra khắp thế giới. Tình hình nặng nề kéo non 6 tháng. Tháng 11 quân đội hưởng ứng phong trào đấu tranh Phật giáo, nổi dậy đảo chính. Chế độ Diệm sụp đổ.
5) Ngày 28-7-1965 Tổng Thống Johnson loan báo với dân chúng Mỹ và thế giới ông  đã quyết định gửi một số quân quan trọng sang dự chiến ở Việt Nam. Quyết định này nằm trong quyết định tham dự không hạn chế. (engagement illimité).
Ở khúc quanh thứ bốn, chính sách Hoa Kỳ đối với Việt Nam tạo ra cho miền Nam một tình cảnh chính trị mới.
a/- Chê độ Diệm bị lật.
b/- Quân đội nắm chính quyền.
Quân đội nắm chính quyền đã gây ra sự phân liệt giữa phần tử trí thức và quân đội. Trước kia với chính quyền Diệm, kẻ phản đối được mệnh danh là một loại người bất hảo. Ngay như vận động của nhóm trí thức Caravelle, nhóm này mặc dầu cố tự gán ghép cho vận động danh từ trí thức mà cũng chẳng được ai công nhận. Nhưng bây giờ, ngay từ lúc tướng Nguyễn Khánh mới chỉnh lý “cách mạng” chưa được mấy ngày, ông đã gọi đích danh trí thức với giọng điệu mỉa mai "trí thức phòng trà" để mắng mỏ.
Mới đây tướng Thiệu ở ngôi vị Tổng Thống cũng gọi đích danh trí thức để tỏ nỗi bực dọc.
Tướng Khánh đả trí thức vì trí thức đòi quân đội hãy trở về trại và trả chính trị cho dân sự. Trí thức công kích tướng Khánh vì thấy quân đội cắt ngang khí thế bồng bột của ngày 1-11-1963 bị tưởng tượng là cách mạng.
Tướng Thiệu đả kích trí thức vì trí thức tỏ ra thiên tả trong phong trào hòa bình.
Hai vụ đả kích trí thức (gọi đích danh) cách nhau 4 năm. Sự khác biệt của hai vụ ấy là kết quả của khúc quanh thứ bốn sang thứ năm và khúc quanh thứ năm sang khúc quanh thứ sáu của chính trị Hoa Kỳ tại Việt Nam. Vấn đề mang một nội dung hết sức phức tạp không thể phê phán hồ đồ.
Do chiến tranh leo thang mở rộng, phần tử trí thức chẳng những không đạt được yêu cầu quân đội về trại, trái lại quân đội còn cuốn hút phần tử trí thức vào quân đội.
 Xã hội quân đội
 Quân đội nhắm chính quyền là một điều tất nhiên không thể tránh được của lịch sử.
Tại sao?
Cách mạng theo Cộng sản chủ nghĩa không tự phát mà do chế tạo. Muốn xã hội biến động phải chiến đấu để tranh đoạt chính quyền. Chính quyền không thể tranh đoạt bằng vũ lực hay uy lực. Với chủ trương như thế nên đảng Cộng sản có lề lối tổ chức khác hẳn những chính đảng dân chủ Tây phương. Nó mang nhiều tính chất một thế hệ quân sự để tiến hành chiến tranh hơn là tính chất của một chính đảng.
Để chống lại tất phải có một tổ chức quân sự khác. Các chuyên viên chống Cộng của thế giới tự do nghĩ đến tổ chức quân đội và họ đem ra áp dụng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ châu La Tinh, các nước Á Rập, Ba Tư, Phi châu, Đông Nam Á. Quân đội đã được chấp nhận như một đảng mà ông Nguyễn Cao Kỳ đặt cho cái tên là “Đảng Kaki” để đương đầu với đảng Cộng sản.
Đảng Kaki là bài thuốc nhất thời rất cần thiết. Đảng Kaki đã nhiều lần chứng minh được hiệu lực của nó khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên đảng Kaki cũng có những nhược điểm đáng kể:
Qua những ba động chính trị nội bộ luôn luôn xảy ra, chứng minh rằng chưa ở nơi nào đảng Kaki đã thành công trong việc xây dựng một chế độ chính trị vững chắc với 4 điều kiện:
a) Một tinh thần truyền thống dân tộc.
b) Một tinh thần khoa học tiến bộ thời đại.
c) Một tinh thần cách mạng xã hội.
d) Một hệ thống tư tưởng đấu tranh.
Vì không kiến lập được chế độ nên sự ổn định không lâu dài. Những kiêu hãnh thắng lợi nhất thời tuy có đem lại sáng sủa cho một lúc nào đó, cuối cùng vẫn suy sụp.
Đảng Cộng sản là một tổ chức chính trị tổ chức với hình thức và tính chất quân sự, tiến hành đấu tranh với phương thức kết hợp kinh tế, xã hội, quân sự, chính trị. Còn quân đội hoàn toàn là một tổ chức quân sự đầy tính chất nhà binh mà không hề có tính chất đảng cho nên chỉ có hiệu lực đánh cộng sản trên mặt chiến tranh mà bỏ ngỏ mặt đấu tranh.
Bài học Trung Quốc cho thấy, phía Quốc dân đảng thì quân chỉ huy đảng còn phía Cộng sản thì đảng chỉ huy quân đã khiến cho thành quả quân sự, chính trị khác hẳn nhau.
- Với tâm lý chỉ huy, cấp bậc và kỷ luật, quân đội không chịu được bất cứ một sự phê bình chỉ trích nào nên quân đội không hợp tác được với phần tử trí thức, công tác giáo hóa không hoàn thành tốt đẹp.
- Cho chiến trường là quan trọng hàng đầu nên chỉ chú trọng đào tạo xây dựng đội ngũ cầm súng mà lơ là việc xây dựng đội ngũ văn hóa. Không xây dựng đội ngũ trí thức; đội ngũ văn hóa hậu phương và tiền tuyến rời rạc, sinh hoạt thoái bộ:
- Tập trung nỗ lực vào chiến tranh nên mất thăng bằng trước các chiến dịch đấu tranh hòa hình.
- Người trí thức quân đội bị sinh hoạt quân đội bao biện nên nhận thức chính trị kém bén nhọn. Triết lý và tư tưởng hành động của họ là hành động để hành động như kiểu Saint-Exupery, L’homme doit se dépasser lui même dans l’action, n’importe quelle action. Nghĩa là tìm cái thú hành động trong mọi cuộc phiêu lưu.
Le but de l’action est indifférent, seule la démarche importe. Họ đã đi vào ảo-thuật trí thức (magic intellectuelle) để cố tạo ra một huyền thoại cho hành động. Đẹp và lãng mạn thì có nhưng chắc chắn là rất nghèo nàn trước chính trị thực tế.
Trở lại với thân phận phần tử trí thức 
 Gần một trăm năm qua đi là thời kỳ biến động lớn lao của lịch sử nhân loại và cũng là thời kỳ lịch sử vận động xây dựng lại đất nước chúng ta.
Trải bao nhiêu thử thách và lầm lỡ, người trí thức đã cống hiến rất nhiều cho công cuộc xây dựng đó. Trong quá trình, có những lúc trí thức rơi vào cảnh tượng hủ bại, có những lúc trí thức hoàn toàn là một kẻ học thành văn học vũ nghệ, hóa dữ đế quốc gia (học cho rành văn vũ rồi bán thân cho đế quốc). Nhưng đó chỉ là chuyện hưng suy, sinh mệnh trí thức vẫn là trọng tâm của vận động lịch sử. Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghi nhiệm-trọng nhi đạo viễn vẫn mãi mãi là trách nhiệm của trí thức.
Giờ đây phần tử trí thức đang bị dồn vào một cơn khủng hoảng, khủng hoảng của lòng tin cậy. Người trí thức đang ngờ vực chính mình và ngờ vực luôn cả xã hội mình đang sống vì những giá trị thiêng liêng cách mạng yêu nước, nhân đạo đều bị cơn bão táp chính trị làm cho quay cuồng đảo lộn.
Tây phương chìm đắm ở trong ảo tưởng kiêu kỳ của sức mạnh kỹ thuật và địa vị ưu việt dân tộc đã gây thành cừu hận với các dân tộc nhỏ yếu. Tây phương tự hào mở một kỷ nguyên hy vọng cho loài người, nhưng lại chính các nhà Tây phương đã cho thấy đời sống mỗi ngày càng khô cạn, thất vọng và phi lý. Văn học của tuyệt vọng (la littérature du désespoir) đang thịnh hành ở nước họ.
Chủ nghĩa cộng sản chìm đắm trong ảo tưởng phương hướng lịch sử nên không ngừng đẩy nhân loại vào mọi cuộc chiến tranh mệnh danh là giải phóng, mệnh danh là cách mạng.
Các dân tộc nhỏ yếu chìm đắm vào ảo tưởng tự do giải phóng để dấn thân vào cái chết tức tưởi cho những âm mưu quốc tế.
Phần tử trí thức là phần tử tiên phong cho công cuộc tìm một xuất lộ. Trong sứ mạng ấy, người trí thức chắc chắn sẽ bị ghét bỏ, đầy ải, thù hận đổ sát. Tuy nhiên lịch sử bao ngàn năm đã chứng minh rằng dù bị thù hận, đầy ải, đổ sát, người trí thức chân chính vẫn chẳng sờn lòng thoái chí, họ luôn luôn chiến đấu cho hoài bão đa nạn, hưng bang với thái độ lỳ lợm của Eluard:
Je ne regrette rien.
J’avance.
Như con tằm nhả cho hết tơ rồi mới chết. Như cây nến cháy cho hết bấc, lệ mới hết tuôn rơi.
Phải chăng hai câu thơ:
Xuân tàn đáo tử ti phương tận
Lạp cự, thành hội lệ thủy can
của Lý Thương Ẩn đời đời là thân phận của phần tử trí thức.
 Viết xong ngày 29-7-1969