Chương 41- 45


Chương 46 - 52

46.
Đó là một ký ức khó quên suốt đời Quỳnh, nó kết lắng lại trong dòng sông thời gian hối hả, như những viên kim cương nho nhỏ. Khi Quỳnh đi xuyên dưới màn đêm, chúng là những ngôi sao trên bầu trời đi cùng cô trên đường.
Quỳnh nhớ xe lửa chạy như bay không ngừng trên đường từ Côn Minh đi Đại Lý.
Quỳnh nhớ những người nước ngoài trong những cửa hàng bán băng đĩa nhỏ bên đường và những cô gái bán đĩa e thẹn.
Quỳnh nhớ căn phòng nhỏ với tiếng sóng hồ Nhĩ Hải rì rào và chỗ bán cá nướng.
Quỳnh nhớ quán bar ở Tây Tạng có trà sữa và người phụ nữ bán hoa dành dành.
Quỳnh nhớ một đêm ở Lệ Giang, họ uống loại rượu thơm tên là Lệ Giang Tiểu Thiếp.
Quỳnh nhớ cảm giác say mê của âm nhạc Budha và hình ảnh đức Phật to lớn, trầm tĩnh trên đĩa.
Quỳnh nhớ họ đã mua hình nộm bằng gỗ, một đôi vợ chồng mặc trang phục dân tộc Nạp Tây.
Quỳnh nhớ Trầm Hoà mua tặng cô đôi hài cỏ đan bằng tay của bà lão người Nạp Tây, trên giày có đính đồng tiền đồng khắc hình chữ Phúc.
Quỳnh nhớ bếp lửa trong quán rượu nhỏ, họ uống rượu rồi tựa vào nhau ngủ thiếp đi.
Quỳnh nhớ quán rượu có ban nhạc, họ đã nhìn thấy những giọt nước mắt của cô khi hát bài "Ánh trăng tình em", và người đàn ông của cô đã hát bên tai cô.
Quỳnh nhớ bảng thông báo của nhà trọ, có những mẩu thông tin tìm người đồng hành.
Quỳnh nhớ họ đã mua tấm bản đồ vẽ tay và cuốn vở làm từ giấy tái sinh trong một hiệu sách.
Quỳnh còn nhớ...
Quỳnh rất khó tưởng tượng ra, nếu thời gian đó Trầm Hoà không đưa cô đi, cô sẽ chìm sâu tới mức độ nào - thần kinh suy nhược, mắt mũi lờ đờ, suốt ngày phải dựa dẫm vào những viên thuốc trắng nhỏ.v.v...
Họ ngồi máy bay tới Côn Minh, đi tiếp tàu hoả tới Đại Lý. Trên tàu đi Đại Lý, Trầm Hoà ôm lấy Quỳnh, nhẹ nhàng nói với Quỳnh: "Đến Đại Lý, cuộc sống sẽ trở nên rất giản dị, mỗi ngày mình sẽ đều được nghe nhạc, được ngủ, được đi dạo. Mình có thể mở quán rượu hoặc quầy sách nhỏ ở đó". Trầm Hoà vừa nghĩ vừa cười. Anh hỏi: "Em thấy mình nên mở hiệu gì?".
Quỳnh nói: "Mở tất, ban ngày ở trong hiệu sách, buổi tối ở quán rượu".
Trầm Hoà cười: "Không được, em đi đến đó để tắm nắng, không được suốt ngày ở trong nhà".
Quỳnh khi đó đang sốt, nhưng cô cảm thấy mình đã hoàn toàn tỉnh trí. Cô rất mệt, thèm ngủ. trước khi ngủ, cô nói lí nhí: "Em cảm thấy mình như một đôi vợ chồng trẻ đang bỏ trốn".
Chuyến tàu đó chạy một ngày một đêm, dọc đường là những ga nhỏ dường như không tên. Toa tàu cũ kỹ, tối tăm, bốn bề hết sức yên tĩnh. Hai người nằm chật trên giường nằm tầng một. Nửa đêm Quỳnh tỉnh dậy, vén rèm cửa sổ. Ánh trăng ùa vào đầy khoang, phủ lên mặt Trầm Hoà. Cô nhìn thấy từng nốt ruồi, từng nếp nhăn và cả rãnh sâu ở cằm. Cả vết sẹo lõm dài chừng hai xăng ti mét bên phải khuôn mặt anh. Quỳnh thò tay vuốt nhẹ vết sẹo, ánh trăng cũng như chuyển động theo cô, dịu dàng như muốn lấp đầy vết sẹo.
Trầm Hoà ôm lấy cô, thủ thỉ rằng đó là huy chương kỷ niệm một lần đánh nhau với bạn hồi nhỏ. Anh nói, tất cả đều sẽ bình phục, vết thương lòng cũng như vết thương da thịt đều thế,  và đều trở thành những tấm huy chương kỷ niệm. "Khi em được ban tặng cho một tấm huy chương, em sẽ trở nên can đảm hơn, dạn dày hơn, tự hào hơn".
Quỳnh thở dài, chỉ vào ngực mình: "Ở đây em đã có rất nhiều huy chương kỷ niệm".
Trầm Hoà xoa đầu cô, nói: "Vì vậy em là một Quỳnh rất cừ khôi".
Quỳnh lại sờ lên vết sẹo của Trầm Hoà, thầm nghĩ, đúng rồi, chúng sẽ trở thành những vết sẹo lồi hoặc lõm. Cũng như trái đất không khóc lóc vì những dải núi hoặc đại dương, chúng ta cũng không cần phải khóc lóc vì những vệt lồi hoặc lõm kia.
Trầm Hoà nhìn ra ngoài cửa sổ nói với Quỳnh, "Tàu hoả rất ghê gớm, em có thấy thế không?".
"Ghê gớm gì?" Quỳnh ngơ ngác.
Trầm Hoà không trả lời ngay, anh kéo Quỳnh ra ngồi ở hàng ghế nhỏ bên lối đi dọc toa tàu. Anh chỉ cho Quỳnh xem đường ray rồi nói: "em biết không, hồi nhỏ có thời gian anh ở nhà bà ngoại ở quê. Ở đó rất gần đường tàu, bọn anh hay ra đường tàu chơi. Em có biết cách làm đồ chơi từ mấy cái đinh sắt nhỏ và dài không?".
Quỳnh lắc đầu. Trầm Hoà kể tiếp: "Bọn anh đặt một chiếc đinh sắt lên đường ray, rồi tránh ra xa. Khi tàu hoả hú còi chạy qua xong, bọn anh đến gần đường ray nhặt chiếc đinh đó lên. Nó đã bị cán dẹp lép mà còn sáng bóng nữa, hình một thanh bảo kiếm. Đó là thứ con trai bọn anh thích nhất. Em thấy tàu hoả có ghê gớm không".
Quỳnh tưởng tượng ra hình thanh kiếm bé tẹo còng queo nên bật cười, gục gặc đầu: "ghê thật".
Nhưng Trầm Hoà vẫn nói nghiêm chỉnh: "Nhưng vẫn còn một thứ ghê hơn tàu hoả nữa. Đó là thời gian. Thời gian vụt qua, mọi thứ đều trở nên bằng phẳng và trơn tru".
"Lại là một tấm huy chương kỷ niệm!" Quỳnh tiếp lời.
"Ừ, một huy chương".
"Nhà" của hai người ở Đại Lý là một căn phòng nhỏ trên tầng hai của một nhà khách. Trong phòng ẩm ướt, bị dột lúc mưa. Nhưng bù lại phía trước có một ban công rất lớn trồng đầy hoa. Ánh sáng trong phòng tương đối đầy đủ, hơn nữa còn có một gian bếp riêng, bếp và quạt hút gió đều bé xinh xinh như trò chơi gia đình. Quỳnh và Trầm Hoà ngày nào cũng ngủ đến gần trưa, sau đó tắm gội. Cũng chẳng cần sấy tóc, chỉ lau qua loa xong là có thể dạo bước trên con đường Hộ Quốc nổi tiếng. Hai người đều mặc quần áo giản dị bằng vải thô, rộng rãi, thoải mái. Quỳnh kẹp tóc lên, dùng nồi to vo gạo nấu cháo. Rồi cô gọi cô bé gánh trái cây bán dạo, mua một chùm khế mọng nước, dùng váy bọc lấy chúng. Họ vừa ăn vừa lắc lư nghe nhạc. Chiếc ti vi cũ 21 inches rất "xập xệ", mỗi lần trời mưa là chẳng xem thấy gì nữa.
Trầm Hoà và Quỳnh hoà nhập với những người thanh niên ở đó rất nhanh chóng. Mọi người đều thích họ, bởi vì hai người biết nhiều, từng trải, có những câu chuyện họ chưa từng nghe, từng thấy. Hai người lại rất rộng rãi, thường lấy đồ ăn và tiền chi bọn trẻ con nhà nông. Mọi người coi họ như thành viên của cả đại gia đình, rủ họ tham gia mọi hoạt động. Quỳnh vẫn chưa khoẻ hẳn, cô rất vui vẻ đứng xem bên ngoài. Quỳnh thích xem Trầm Hoà đá bóng với bọn họ. Trời đất bao la, khiến người ta muốn hò hét cho thoả thích. Khi trời tối, mọi người lén đi hái trộm đào trong các vườn, dù ở nhà đã mua đào rồi. Chỉ vì thích thú cảm giác hồi hộp đó. Thực ra cũng chỉ hái vài trái tượng trưng mà thôi, nhưng cũng vội vàng tháo chạy như những tên đạo chích thật sự
Về sau hai người đến Lệ Giang, ngồi nghe đàn hát ở trong quán bar. Quỳnh ghi lưu niệm trên sổ của nhà quán, nhưng không cho Trầm Hoà xem. Quỳnh viết: Cảnh đẹp buổi sớm. Khi đó Quỳnh nghĩ nếu nhiều năm sau Trầm Hoà quay lại đây, đọc được điều cô viết trong này, nhất định sẽ xúc động vô cùng...
Họ phóng sinh cá vàng bên sông Lệ Giang. Trời ngả tối. Thiếu nữ mặc trang phục Nạp Tây đứng bên chiếc thùng gỗ đựng đầy cá chép vàng. Tay cô cầm ngọn nến hình hoa. Trầm Hoà đưa tiền cho cô gái, cô bèn vớt hai chú cá từ trong thùng ra, tay kia xách nến dẫn Trầm Hoà và Quỳnh đi ra bờ sông.
Hai người cúi xuống nhìn nhau mỉm cười rồi nhắm mắt cầu ước. Sau đó họ thả hai chú cá vàng rực xuống sông. Thoắt một cái, chúng đã bơi đi. Dưới ánh sáng le lói của ngọn nến, chỉ thấy hai chú cá ve vẩy chiếc đuôi vàng, bơi song song xa dần rồi mất hút.
Đêm Lệ Giang náo nhiệt lời ca điệu múa, giống như đất Giang Nam khi xưa, đâu đâu cũng rực rỡ những chiếc đèn hồng. Họ ngồi uống rượu bên dòng sông nước trôi rì rào. Ánh lửa, ánh đèn ấm áp khiến họ chìm dần vào giấc ngủ mơ màng. Trầm Hoà nói, ước gì cả đời được sống như thế này thì khoái biết mấy. Hồi đó đã sang hè, bệnh tình của Quỳnh dần dần thuyên giảm. Chẳng biết có phải thuỷ thổ đất Vân Nam thực sự có tính năng điều trị bệnh hay không. Da Quỳnh phơi nắng đen đi một chút, sức khoẻ ngày một tăng. Những lúc hái trộm đào, cô đã có thể dẫn đám con gái bỏ chạy.
Hai người đi lại giữa hai mảnh đất Đại Lý và Lệ Giang, thăm quan núi tuyết, thành cỏ... Cuộc sống của họ đơn giản đến hết mức có thể. thậm chí không đọc sách, không viết lách. Mơ màng ngủ thiếp đi bên sông Lệ Giang, vô tư vô lự, hai người đều cảm thấy cả đời được như vậy thì đẹp biết mấy. Thế nhưng, có thật sự vô tư vô lự không?
Trầm Hoà biết có lúc Quỳnh bỗng tỉnh dậy vào nửa đêm, ngồi trước bàn, Quỳnh viết lên cuốn sổ làm từ giấy tái sinh, hết trang này đến trang khác. Trầm Hoà tin mình là người hiểu Quỳnh hơn ai hết, anh hiểu viết lách là bản năng từ trong bụng mẹ của Quỳnh. Cho dù con đường có gập ghềnh trắc trở đến mấy, cho dù phải rời xa con đường đó bao lâu, cuối cùng cô cũng sẽ trở lại với nó. Tùng Vy là vậy, và Quỳnh cũng thế. Anh biết Quỳnh hoàn toàn tự nguyện sống những ngày "ẩn dật", nhưng trong lòng cô vẫn có nuối tiếc. Có lẽ trong đêm tỉnh dậy, nghĩ về con đường sáng tác vừa mới mở ra, những vinh dự và thành quả vừa mới gặt hái... cô sẽ thấy nhớ những độc giả ưa thích cô... Nhưng cô chỉ có thể viết trong những đêm tỉnh giấc như thế, cô sợ Trầm Hoà biết được tâm sự của mình.
Cuộc sống như vậy đối với Quỳnh, lẽ nào không phải là một sự ức chế?! Người con gái đã đi qua một tuổi thơ đầy ức chế, rồi lại một tuổi thiếu nữ đầy ức chế, vì sao cô lại phải tiếp tục chịu đựng cuộc sống trong một thời gian ức chế kéo dài có thể đến tận cuối cuộc đời? Có lẽ Quỳnh được sinh ra là một con người độc lập. Chẳng lẽ biến cô thành một người vợ nhỏ, sống dựa dẫm vào anh chính là lý do mà anh yêu cô? Trầm Hoà cảm thấy cuộc đời thay đổi vô định, hợp tan đều không thể biết trước. Nhưng anh đã từng nói sẽ đi cùng cô suốt con đường, với tát cả sự cố gắng của mình. Đã vậy, có khác gì khi ở những chỗ khác nhau về địa lý! Hơn nữa, Trầm Hoà biết Quỳnh giờ đây đã kiên cường hơn trước rất nhiều. Hơn nữa, còn có Tùng Vy... Vậy anh đã có thể rời xa cô lúc này không? - cô ấy đã tìm đến với anh, anh là niềm hy vọng sau cùng của cô gái đáng thương này.
Quỳnh biết Trầm Hoà đã hy sinh rất nhiều cho cô. Anh đã bỏ cả gia đình, người thân, bỏ cả Tùng Vy để mang cô tới đây, chăm sóc cô từ những điều nhỏ nhặt nhất, bên cô như hình với bóng, giục cô đi tắm nắng. Phải, cô luôn tràn trề ánh nắng, nhưng tình yêu kiểu này không khỏi quá ỷ lại. Quỳnh không nghĩ được nếu một ngày Trầm Hoà ra đi khỏi cuộc đời cô, cô sẽ tiếp tục cuộc sống như thế nào. Trầm Hoà suốt ngày phải gánh gánh nặng là cô, vì cô mà tách mình ra khỏi thế giới, liệu anh có cam lòng chăng? Có thể cam lòng mãi mãi không? Tùng Vy tâm thần hoảng loạn, không nơi nương tựa, vẫn đang mong anh về chăm nom. Giữa họ là mười năm quan hệ, làm sao nói dứt là dứt luôn ra được. Còn cô - cô không muốn tự lừa dối mình, cô rất rất muốn được tiếp tục sáng tác. Đó là con thuyền đến với cô trong giấc mơ, cô vĩnh viễn không biết hết được trên đó có bao nhiêu điều kỳ diệu, chỉ có bước lên đó, cùng nó đi đến những miền đất còn chưa khám phá...
Mùa hè kết thúc, hai con người đầy tâm sự đi cùng nhau dưới nắng. Thành cổ buổi sáng có mưa cầu vồng. Đã khá muộn nhưng cửa hàng hai bên phố vẫn chưa thèm mở cửa. Quỳnh và Trầm Hoà đứng giữa lòng con đường nhỏ, một đầu kéo đến tận hồ Nhĩ Hải, đầu kia trải tới tận núi Đại Thương. Họ nhìn nhau bình thản, cả thành cổ yên ắng, chỉ thoang thoảng tiếng nhạc "bóng hoa Ấn Độ" vọng tới từ hiệu bán băng đĩa vẫn còn đóng cửa.
Trầm Hoà mỉm cười với Quỳnh: "Mình về thôi".
"Vâng". Quỳnh trả lời.
"Anh biết sáng tác mang lại cho em một niềm vui rất lớn. Hơn nữa đó vốn là tài sản thuộc về em. Anh không muốn em vì phải đánh mất chúng mà trở nên u buồn lặng lẽ". Trầm Hoà nói vậy.
"Em cũng thế. Em không muốn là một kẻ chạy trốn". Quỳnh trả lời.
"Ư, Quỳnh có nhiều huy chương kỷ niệm như thế, thật là đáng nể, sao lại phải làm kẻ chạy trốn!". Trầm Hoà khẳng định.
"Nhưng, em hơi sợ..." Quỳnh bỗng nói.
"Sợ gì?"
"Em sợ chúng ta lại bị cuốn vào bao nhiêu thị phi rắc rối. Em sẽ mất anh... nếu mất anh thì em biết làm sao?"
"Không đâu. Anh sẽ đi cùng em mãi mãi, bằng tất cả sự cố gắng".
"Nhưng nếu anh không thể cố nữa thì sao?"
"... Thực ra, không có gì phải sợ cả. Em còn nhớ anh đã nói, thoắt một cái thời gian bao trùm lên tất cả, mọi thứ đều sẽ trở nên bằng phẳng, trơn tru".
47.
Họ vừa quay trở lại, cuộc sống lập tức bận rộn vô cùng. Cuộc sống của Quỳnh lại trở nên náo nhiệt, hối hả. Thùng thư của cô đầy ắp thư của những độc giả hâm mộ, trang web cá nhân của cô ngày nào cũng có thành viên mới và những lời hỏi thăm. Tiểu thuyết của cô được dịch ra tiếng nước ngoài, bay tới những vùng đất mà cô không hề biết tới. Cô phải làm việc với đại diện các nhà xuất bản nước ngoài, trả lời rất nhiều phỏng vấn. Quỳnh hiểu rõ những điều đó đến sau vô vàn gian khổ, nên cô càng hết sức trân trọng, hết sức chân thành. Cô cũng chưa bao giờ ngừng viết, tranh thủ từng khoảnh thời gian để ngồi xuống ban công rộng đầy nắng và hoa để viết. Quỳnh bắt đầu thực hiện cuốn sách thứ hai. Trầm Hoà cố gắng giúp đỡ Tùng Vy bình phục, nhưng anh lại sợ Tùng Vy sẽ nhớ lại những sự việc đã qua, sẽ đau buồn vô hạn. Quỳnh với Trầm Hoà thỉnh thoảng lại cãi cọ. Quỳnh buồn buồn lại ra cầu thang hút thuốc, chờ Trầm Hoà trở về. Mỗi lần Trầm Hoà về đến nhà, đều gặp Quỳnh tươi cười nghênh đón. Mọi buồn bực trước đó đều tan biến hất. Trầm Hoà cảm thấy Quỳnh như có phép mầu, có thể cảm nhận được tâm hồn anh, nên cô luôn ra đón đúng lúc anh về, mọi khúc mắc dường như chưa hề xảy ra.
Tháng 9, Quỳnh đến đón Ưu Di ra tù, nhưng cô  mới biết Ưu Di vì có biểu hiện tốt, đã được thả từ 3 tháng trước đó. Quỳnh đứng trước cánh cổng nhà tù, hoang mang lo lắng. Cô đã tự mất tích suốt nửa năm, chắc chắn khiến Ưu Di rất thất vọng. Một mình cô ấy bước ra khỏi cánh cổng sắt kia, đối mặt với cả thế giới rộng lớn, cô ấy cảm thấy thế nào, cô ấy đã đi đâu? Quỳnh biết với tiếng tăm như cô hiện nay, Ưu Di muốn tìm thấy cô không phải là điều khó khăn. Quỳnh cứ thế chờ đợi, còn Ưu Di vẫn biệt tăm.
Tháng 10, Quỳnh ký tên phát hành cuốn sách mới tại cửa hàng sách lớn nhất trong thành phố. Hôm đó, độc giả xếp thành hàng rất dài. Họ khen cô xinh đẹp, khen cô thân thiện, họ tặng cô những lời chúc, những ngợi khen bằng cả lòng chân thành. Họ yêu cầu được chụp ảnh cùng cô, đề nghị cô viết những lời chúc vào trang sách. Quỳnh không ngờ đến được ngày mọi người yêu quý cô đến như vậy.
Quỳnh đứng giữa vòng trong vòng ngoài những độc giả, cảm thấy hơi khó thở. Mấy ngày qua làm cô thấm mệt. Giữa những lần ký tên, Quỳnh vẫn thảng thốt nhìn về cuối hàng người đang xếp dài lê thê, cô đã nhìn thấy Ưu Di ở đó.
Ưu Di gầy gò, giờ đây bụng vồng lên, cả người béo ra không ít. Quỳnh vô cùng kinh ngạc, một cô gái từng gầy gò đến thế, lúc này đang toát lên ánh sáng của tình mẫu tử. Cô ấy mặc chiếc quần nhung sọc rộng thùng thình có dây đeo vai, chiếc áo len màu hanh cổ tròn (cô ấy vẫn thích những gam màu nhạt đến vậy). Nhưng áo quần cô ấy trông rất cũ và bẩn, vẻ như đã lâu rồi không giặt. Tóc cô ấy đã để dài, nhưng có phần xác xơ, chúng được buộc một búi sau đầu. Tóc cô ấy hơi thưa, khô, vàng. Da cô ấy cũng xấu đi nhiều, khuôn mặt đầy tàn nhang. Cô ấy còn trẻ, nhưng da phù nề, bọng mắt nổi rõ.
Quỳnh ngồi lặng, tay cầm bút vẫn giơ lên, cô nhìn Ưu Di đang chầm chậm tiến tới theo dòng người, cảm giác mỗi bước đó thật gian nan. Quỳnh dường như không kìm được cảm xúc. Cô đặt bút xuống bàn, từ từ đứng lên, mắt nhìn Ưu Di không chớp. Ưu Di đã thấy Quỳnh đang nhìn mình, nhưng cô chỉ cười nhàn nhạt, ra hiệu bảo Quỳnh ngồi xuống. Cô ấy thay đổi, nhưng ánh mắt vẫn như xưa, tựa hồ như đang an ủi Quỳnh, khuyên cô không nên quá xúc động, làm Quỳnh yên chí cô ấy sẽ không bỏ đi.
Quỳnh nhìn thấy ánh mắt của Ưu Di bèn bình tĩnh phần nào, trước nay, lúc nào cũng thế, nhưng ánh mắt đấy đã bị lãng quên suốt bao lâu. Quỳnh lại từ từ ngồi xuống, ký vào từng quyển sách, cho đến lúc Ưu Di đến trước mặt. Ưu Di đưa sách cho Quỳnh, cô liền viết lên đó:
"Cho Ưu Di - người thương yêu nhất". Quỳnh ký tên, rồi đưa cho Ưu Di.
Ưu Di quay sang hỏi người phụ trách: "Làm ơn cho hỏi, tôi có thể nói chuyện mấy câu với tác giả không ạ? Chỉ một chút thôi..." Ưu Di rụt rè chờ đợi sự đồng ý. Quỳnh vội vã nói với người phụ trách trật tự rằng Ưu Di là bạn thân của mình. Anh ta bấy giờ mới gật đầu. Ưu Di mới tiến thên được mấy bước, đứng sát trước mặt Quỳnh. Giữa họ vẫn cách một chiếc bàn. Ưu Di cười với Quỳnh, cô lại càng cảm thấy khổ sở, xót xa. Cô cầm lấy tay Ưu Di hỏi: "Mình đến đón bạn, nhưng bạn đã đi khỏi. Xin lỗi...". giọng Quỳnh tắc nghen.
"Ngốc à, đừng khóc chứ, bao nhiêu người đang nhìn ấy kìa. Xin lỗi gì chứ, ấy xem mình bây giờ mọi việc ổn cả đấy thôi". Ưu Di nhẹ nhàng bảo Quỳnh.
"Sao bạn không đến tìm mình? Bây giờ bạn đang ở đâu? Bạn chuyển đến ở với mình được không?" Quỳnh vội hỏi. Nhưng cô vừa nhìn xuống thấy cái bụng lùm lùm của Ưu Di, cô biết có lẽ điều đó là không thể.
"Quỳnh, nghe mình nói, bọn mình có nhiều nói ít nhé. Còn nhiều người đang chờ ấy ký tên, ấy xem họ yêu quý ấy biết dường nào, mình không muốn trở thành kẻ thù của nhiều người đâu". Ưu Di vẫn cười, giọng nhẹ nhàng: "Mình đến đây gặp ấy, chỉ là để ấy biết mình rất sung sướng khi ấy được như ngày hôm nay. Mình cũng muốn để ấy nhìn thấy mình cũng rất ổn. Điều đó là quá đủ đối với mình, thật đấy. Mình nghĩ sau này chúng ta mỗi người sẽ thuộc về thế giới của riêng mình, chúng ta không cần phải gặp nhau nữa, chỉ cần nhớ đến người kia đang sống ở một nơi khác và chúc phúc cho nhau, vậy là đủ".
"Không gặp lại nữa á? Tại sao?" Quỳnh kinh ngạc nhìn Ưu Di, nhưng cô ấy rất điềm tĩnh: "Quỳnh à, nhiệm vụ của mình trong cuộc đời của ấy đã kết thúc rồi. Việc lớn đã hoàn thành. Từ nay cuộc đời của hai đứa sẽ không có điểm giao nhau nữa. Cuộc đời mình sẽ bình thường như biết bao người bình thường khác. Mình đang rất hài lòng với cuộc sống hiện tại, mình không muốn bước vào thế giới của ấy, dù rằng mình tin đó là một thế giới sinh động, phong phú, nhưng đó không phải là điều mình mong ước. Ấy cũng vậy, không cần phải băn khoăn vì mình, không cần nghĩ về việc chăm sóc mình. Nếu ấy định trả ơn thì ấy nhầm rồi. Nếu tình cảm của hai đứa có thể tính toán bằng những món nợ qua qua lại lại thì có khác gì những mối quan hệ đo bằng tiền bạc của cải? Khi mình gặp ấy, mình đã tự chia mình làm hai nửa. Một nửa sôi động, ham thử sức như một cô bé nghịch ngợm; còn nửa kia là một người mẹ, chấp nhận sự bình dị, đó là mình bây giờ. Mình đã sớm giao "cô bé nghịch ngợm" của mình cho ấy rồi. Nó vẫn đi theo ấy, hò reo cổ vũ và hình như cũng khiến ấy thêm hăng hái. Tóm lại mình đã giao nó cho ấy, kết hợp cùng ấy thành một sức mạnh. Nhiệm vụ của ấy là phải nuôi nấng nó cẩn thận, đem nó tiếp xúc với những chuyện lớn lao, mạnh mẽ, cảm nhận những thành công lớn hơn nữa. Nhiệm vụ của mình là chăm sóc tốt đứa bé đang ở trong bụng hiện tại. Quỳnh à, ấy là đứa thông minh, ấy nhất định hiểu những điều mình nói, phải vậy không?" Lời nói của Ưu Di khiến Quỳnh không sao cãi lại. Quỳnh có hàng ngàn vạn lời xin lỗi, và rất nhiều rất nhiều điều muốn nói, nhưng cô không sao nói nên lời.
Ưu Di quay người đi khỏi, lời tạm biệt cũng không chào. Quỳnh nhìn thấy một người đàn ông đứng cách đó không xa đang đợi cô ấy. Đó chắc là chồng Ưu Di, trông có vẻ già, hơi nhếch nhác. Ông ta khoác áo màu đen, để lộ áo sơ mi bên trong chưa nhét hẳn vào quần. Trông ông ta không được hiền lành cho lắm, đứng đợi ở kia dường như đã rất sốt ruột. Còn Ưu Di đi lại đã rất khó khăn, không sao đi nhanh được. Ưu Di tới trước mặt, ông ta cũng chẳng thèm đưa tay ra đỡ. Cô ấy lại quay đầu nhìn Quỳnh, dường như muốn bảo với Quỳnh rằng cô rất hài lòng. Đối với cuộc sống không lấy làm tròn trịa này, một thực tế khác xa những ước mơ thời con gái, cô ấy tỏ ra rất thoả mãn. Ưu Di hơi mỉm cười, bỗng thoáng giống một cô gái nhỏ nghịch ngợm kiêu kỳ.
48.
Sau lần cuối cùng Ưu Di xuất hiện và giã biệt, Quỳnh cảm thấy ngày trôi qua thật nhanh. Dườn g như ngày càng nhanh hơn, cô cảm thấy nhiều người lưu lạc chân trời góc bể đều đang trở về. Một ngày tháng 11, Quỳnh bỗng nhận được điện thoại của bệnh viện thông báo Tiểu Nhan cắt động mạch tay tự sát, hiện đang được cấp cứu. Trong đồ đạc mang theo người ta tìm thấy một cuốn sổ, trong đó ghi tên và số điện thoại của Quỳnh.
Quỳnh đến phòng bệnh trong tâm trạng ngổn ngang phức tạp. Tiểu Nhan rất gầy, gầy hơn cả trước đây. Cô ấy đã qua cơn nguy kịch, nhưng vần còn rất yếu, hai hốc mắt trũng sâu đáng sợ, gò má lộ rõ. Bệnh tật và nghèo đói đã cướp đi sắc đẹp của cô. Bác sĩ nói, Tiểu Nhan bị chấn thương tâm lý rất nặng, sức khoẻ lại kiệt quệ. Cô ấy mới đẻ non cách đây không lâu. Quỳnh nghẹn người. Cô cảm thấy một sự thật đang đến gần. Quỳnh đến bên giường Tiểu Nhan, cúi xuống hỏi cô ấy: "Tiểu Nhan, nói cho tôi biết đã xảy ra chuyện gì?".
Tiểu Nhan từ từ mở mắt ra, nhìn thấy Quỳnh, liền trở nên hết sức lạnh lùng. Cô không còn hơi sức, nhưng cô đang căm hận. Tiểu Nhan dằn từng chữ: "Tôi hận chị. Chị bảo tôi là đồ lừa đảo, tôi hại chết anh Trác, vậy chị là gì? Chị hại chết tôi và con của Trác! Chị thấy chết không thèm cứu. Tôi đã từng van xin chị, xin chị nghe tôi nói hết, nhưng tôi làm sao chị cũng không thèm nghe. Vì sao chị tuyệt tình đến thế? Mọi người ở với nhau bao nhiêu ngày, lẽ nào chị không hiểu tôi chút nào cả? Nếu tôi thực lòng muốn hại anh Trác, tôi còn ở lại làm gì? Tôi sẽ nói với chị tôi đang lừa chị? Tôi còn giữ đứa con anh ấy ở trong bụng, lê la xin ăn mà không chịu trở về nhận tội với "đại ca", để xin ông ta dụng nạp tôi? Tại sao con người không thể có thêm một chút tình thương và sự cảm thông!"... Tiểu Nhan căng thẳng đến độ kiệt sức, giọng chợt tắt lịm. Cô không thể không ngừng lời.
Quỳnh quay mặt đi, không dám nhìn vào ánh mắt đầy căm hận của Tiểu Nhan. Cô rất muốn nói lời xin lỗi, nhưng cảm thấy mấy chữ đó còn quá nhẹ. Cô không thể dùng vài chữ đó làm vật đánh đổi, cô thà để mình thiếu nợ Tiểu Nhan, dùng thời gian sau này để đền bù cho cô ấy. Cô hy vọng có thể chăm sóc Tiểu Nhan mãi mãi. Nhưng cô biết, để Tiểu Nhan chấp nhận điều đó là rất khó.
Tiểu Nhan lạnh lùng: "Nếu chị thực sự vì giận tôi lừa chị mà làm như vậy thì còn tạm được. Nhưng chị không phải vì điều đó. Chị đố kỵ, ghen tức tôi. Bởi vì chị không có được tình yêu của anh Trác...".
Lòng Quỳnh như dao cắt, nhưng cô biết Tiểu Nhan nói đúng. Cô đã hận Tiểu Nhan đến thế là vì cái gì? Bởi trong lòng cô còn oán trách Trác, oán cậu đã vì một con người không xứng đáng mà quay lưng với tình cảm mười năm của hai người. Bởi cô đã ghen tức, nên không thể khoan dung. Quỳnh quay lưng đi, ôm mặt rơi lệ. Sau lưng cô, Tiểu Nhan vẫn đanh thép:
"Nhưng chị đã thất bại, Trác đến chết vẫn yêu tôi. Khi anh ấy đi cứu tôi, anh đã biết tôi lừa anh ấy, nhưng anh vẫn liều mạng để cứu tôi, để tôi trở về bên anh ấy. Còn chị thì sao, chị có nghĩ rằng tại sao vào lúc nguy cấp Trác vẫn không đến mượn tiền của chị? Bởi vì anh ấy biết chị hận tôi, chị sẽ loại trừ tôi, đuổi tôi đi... Anh ấy đã không để cho chị làm điều đó, anh ấy sợ chị sẽ làm tổn thương tôi, vì thế anh ấy đi vay tiền khắp nơi nhưng không hề tìm chị...".
Mỗi lời nói đó đều như đinh đóng vào tim Quỳnh. Nhưng chúng đều là sự thật. Giờ phút cuối cùng, khi sự sống bị đe doạ, cậu Trác của cô đã không chọn con đường đến cầu xin cô giúp đỡ. Bởi vì cậu ấy yêu Tiểu Nhan, muốn bảo vệ cô ấy, không muốn cho bất kỳ ai làm cô ấy tổn thương, cho đến lúc chết.
Tiểu Nhan nói ra những lời căm hận rồi, dường như cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn, cô dần dần ngủ thiếp đi. Bác sĩ nói, khi Tiểu Nhan được đưa vào bệnh viện, bên cạnh còn có một hài nhi chừng hai tháng tuổi. Đứa bé đã chết mấy ngày rồi. Nhưng Tiểu Nhan vẫn ôm khư khư lấy nó. Tiểu Nhan lang thang trên đường, ngủ dưới gầm cầu vượt, hành lý mang bên mình chỉ có một ba lô học sinh. Quỳnh nhận ra ngay đó là ba lô đi học của Trác dùng trước đây. Cô chậm rãi mở ra.
Bên trong toàn là những thứ Trác đã dùng khi còn sống. Mưa nắng bùn lầy và cả lá rụng đã làm những đồ vật đó trở nên bẩn thỉu: cuốn sổ có ghi số điện thoại của Quỳnh, đĩa CD nhạc rock mà Trác rất thích, một bức tượng nhỏ (có lẽ là hình Tiểu Nhan) do Trác làm. Ngoài ra Quỳnh còn phát hiện con mèo mà họ từng cùng nuôi. Con mèo đã chết từ lâu, nằm lẫn trong đám bùn bên trong ba lô, thối rữa, nhưng Tiểu Nhan đã không vứt bỏ nó... Còn có cả những con cá vàng của họ, đã chết, cũng bị Tiểu Nhan giữ lại như những vật yêu quý. Quỳnh chao đảo, tình cảnh quá đỗi thương tâm khiến cô ngạt thở.
Quỳnh trở lại bên giường Tiểu Nhan, nhìn cô gái đang chất chứa căm hận. Quỳnh không biết phải bao nhiêu lâu nữa, mới có thể lấp đầy những căm hận trong lòng cô ấy. Cô rất hiểu một người con gái đầy thù hận sẽ nguy hiểm đến mức nào. Nhưng cô không thể không chăm sóc Tiểu Nhan. Cô phải chăm sóc chu đáo cô ấy, lâu dài đến mức có thể.
49.
Cùng thời gian đó, Mạn đang sống bức bối và trục trặc ở nhà số 3 phố Đào Lý. Gã họ Trịnh đổ bệnh đã lâu, nằm liệt giường. Mạn không thể nào suốt ngày ở trong nhà chầu chực bên con người tàn tật đó để hầu hạ gã.  Bà thuê cho gã một người giúp việc, bản thân mình vẫn đi chơi, thăm thú bè bạn, đánh bài, dạo phố. Bà luôn là người biết giữ đường rút lui cho mình. Nhưng lần này vì ham chơi mà mất cảnh giác. Gã họ Trịnh đến mùa thu thì ra đi, điều đó cũng chẳng làm cho Mạn thấy đau buồn, không phải lần đầu làm một quả phụ, hơn nữa cuộc hôn nhân đó đã sớm chỉ còn trên danh nghĩa. Nhưng vấn đề ở chỗ, gã họ Trịnh lại có chuẩn bị từ trước, lặng lẽ nhượng tài sản của mình lại cho con gái đang ở Mỹ, đặt cọc luôn cả ngôi nhà. Gã không để lại cho Mạn lấy nửa xu. Đó là sự trả thù dành cho Mạn. Khi Mạn được luật sư thông báo cho biết điều đó, bà vẫn đang mặc bộ lễ màu đen đưa tang chồng. Bà không tin vào tai mình. Quả thực bà đã sơ hở, bà hơi nhầm rằng ai cũng lương thiện thật thà như Lục Dật Hán. Trong buổi đưa tang, Mạn nổi cơn điên, dùng chìa khoá đập vỡ lớp kính trên di ảnh của gã họ Trịnh, rồi quay mình bỏ đi.
Mạn vừa về đến nhà số 3 phố Đào Lý, người của công ty địa ốc đã tới, yêu cầu bà mau chóng rời khỏi. Mạn không hề ngờ rằng mình cũng có ngày như thế.
Mạn đứng trên ban công phòng ngủ trước đây của Lục Dật Hán, nhìn xung quanh ngôi nhà, bỗng cảm thấy nơi đây thật lạnh lẽo. Dật Hán đã chết ở đây, gã họ Trịnh cũng chết ở đây, giờ đây cái chốn này cũng đang dồn đuổi bà phải ra đi. Nhưng Mạn của bây giờ đã không còn là Mạn hơn hai mươi năm trước. Thậm chí đã không còn là Mạn của một vài năm trước. Bà đã luống tuổi, không còn khả năng, cũng không còn sức lực đi chinh phục trái tim của một người đàn ông nào khác. Mạn giờ đây không tiền không nhà, làm sao để sống đây! Mạn ôm lấy ban công và khóc, trong lòng nghĩ lẽ nào đây chính là báo ứng.
Hôm đó, Mạn nhận được bức thư của Tùng Vy gửi tới. Trên thực tế, từ khi Tùng Vy về nước, mỗi cách vài tháng lại gửi cho Dật Hán một lá thư. Tùng Vy chỉ nói rằng xin được Dật Hán tha thứ cho mình, mong Dật Hán đến gặp dù chỉ một lần. Tùng Vy không dám đường đột đến tìm Dật Hán, vì không biết nếu Trác bỗng nhìn thấy mình thì sẽ ra sao. Mặc dù thần kinh của Tùng Vy không được tỉnh táo, nhưng bà vẫn luôn biết mình từng khiến Trác phải tổn thương, nên một khi đã lùi ra phía sau giới hạn đó, thì sẽ không bao giờ dám đường dột quấy rầy cuộc sống của hai cha con họ. Tất cả các bức thư đều rơi vào tay Mạn. Bà ta bóc ra đọc một chút rồi huỷ luôn không suy nghĩ. Nhưng hôm nay, bà xem thư, vẫn là những nội dung như thế, Tùng Vy nói nếu anh có thể tha thứ cho em, mong anh đến gặp em một lần. Mạn định vứt bức thư đi, nhưng chợt phát hiện ra địa chỉ ghi trên phong bì. Mạn sững người - đó là một thôn nhỏ ở ngoại ô, ít người biết tới. Cũng không có gì ghê gớm, nhưng Mạn bỗng nghĩ hay là mình sẽ tìm gặp Tùng Vy, biết đâu có thể xoay được ít tiền từ đó.
Ý nghĩ đó lập tức cổ vũ cho lòng tham của Mạn. Phải rồi, bà ta luôn gặp địa chỉ này trên thư, sao chưa bao giờ nghĩ tới việc đi tìm Tùng Vy. Mãi đến hôm nay, khi hết sức cần tiền mới chợt nghĩ ra. Có lẽ đây là ông Trời đã ban cho mình một con đường mới để đi. Quả là Trời không tuyệt tình người. Lần này cũng thế, bà ta nhất định tìm ra con đường giải thoát cho mình.
Mạn dựa vào địa chỉ trên phong bì để đi tìm Tùng Vy. Khi phát hiện ra đó là một khu bệnh xá, bà hết sức kinh ngạc. Vì vậy càng quyết định phải vào tận nơi xem sao. Mạn cứ theo địa chỉ, tìm đến tận gian phòng cần đến. Cái mà bà ta nhìn thấy là một phụ nữ trung niên tiều tuỵ xác xơ, ngồi xoay vào góc tối đang nghịch một cây bút bi. Mạn kinh ngạc vô cùng, nghĩ chắc là mình đã nhầm, bèn định trở ra. Nhưng rồi bà ta ngó lại người phụ nữ, không kìm được gọi thử một tiếng: "Tùng Vy?".
Người phụ nữ kia cực kỳ hoảng sợ, vội quay đầu ra nhìn: "Chị gọi tôi à? Tôi không quen chị, tôi không quen chị...".
Vốn Mạn chỉ định gọi thế thôi, nhưng không ngờ người kia đã quay đầu lại. Mạn càng ngạc nhiên hơn, người phụ nữ đó quả thực là Tùng Vy! Trời ơi, không phải là đang nằm mơ, người phụ nữ khô đét tiều tuỵ trốn trong góc tối của bệnh viện tâm thần này, chính là nữ nhà văn nổi tiếng Tùng Vy! Ngắm kỹ một chút, quả là có những nét giống như hình Tùng Vy đăng trên báo. Mạn bỗng thấy cảm xúc trong lòng dâng lên phức tạp. Nhưng bà cố gắng để tỏ ra bình thản, chậm rãi nói với Tùng Vy: "Chắc là chị nhầm rồi, tôi mới đi qua đây, có gọi chị đâu!".
Tùng Vy đã hốt hoảng nép vào góc tường, run cầm cập. Đôi mắt sợ hãi và cảnh giác nhìn Mạn không chớp.
Mạn đi ra khỏi cánh cổng bệnh viện tâm thần, trong lòng phấn khích không nói nên lời. Bà ta nghĩ ông Trời quả thật không tuyệt đường của người. Đây chính là con đường mới mở trước mặt Mạn: Bà đã biết được một bí mật to lớn, hóa ra Tùng Vy trốn ở nơi này.... Đối với Tùng Vy, Mạn cũng có không ít căm ghét: Từ khi rời khỏi Lục Dật Hán, đến Lục Dật Hán chết, rồi lại họ Trịnh kia chết không để lại cho Mạn một xu, tất cả mọi việc này xảy ra với Mạn, nguyên nhân cốt lõi chính là Tùng Vy. Không phải cái bóng của Tùng Vy vẫn lởn vởn trong nhà số 3 phố Đào Lý, mà luôn ở trong trái tim của Dật Hán. Nếu không vì điều đó, Mạn đã không cảm thấy mất an toàn đến thế. Nếu không có Tùng Vy, Mạn nghĩ, mình bây giờ có lẽ vẫn đang là bà Lục, ở yên lành thoải mái trong ngôi nhà ấy.
Bao năm nay Mạn vừa ghen tức, vừa hận Tùng Vy. Hôm nay nhìn thấy Tùng Vy thảm hại trong tình cảnh như thế không khỏi cảm thấy vui sướng, lòng cảm thấy nhẹ nhõm ra nhiều. Bà ta lại nghĩ, một bí mật lớn như vậy, nếu bán cho toà soạn, nhất định kiếm được một khoản tiền. Lúc này đây, thứ Mạn cần chẳng phải là tiền hay sao! Nụ cười nở dần trên môi Mạn, bật lên thành tiếng. Ông Trời vĩnh viễn không tuyệt đường của ta!
Chẳng bao lâu sau, sự việc bê bối đã diễn ra.
Tin tức về Tùng Vy được đăng tit lớn trên một tờ báo nổi tiếng. Tin đưa về câu chuyện ít người biết đến về sự thật của Tùng Vy. Quỳnh đã biết Tùng Vy ở trong bệnh viện, nhưng khi đọc được bài phóng sự, cô vẫn kinh ngạc đến nghẹn lời.
Bài báo nói, qua nhiều năm tìm gặp Tùng Vy và bạn bè, hàng xóm, bạn học của Dật Hán, thậm chí cả bà cô mà Tùng Vy không hề lui tới - đã bị thuyết phục bởi một khoản tiền đáng kể - đã đồng ý "chia sẻ" bí mật với mọi người. Phóng viên của báo thậm chí đã ra nước ngoài tìm hiểu. Nhờ đó, họ đã tập hợp được hình ảnh đầy đủ về một cuộc đời ít ai biết được nữ văn sĩ Tùng Vy.
Hai mươi mốt năm về trước, Tùng Vy một thân một mình đến Bắc Kinh, tìm đến một chàng trai mà cô quen trong một lần đi du lịch - Lục Dật Hán. Đó là thời gian con đường sáng tác của Tùng Vy vừa mới bắt đầu. Bỏ lại đằng sau sự phản đối của gia đình, cô đã ra đi để đến với tình yêu. Có lẽ Lục Dật Hán lúc đó cũng không thể ngờ rằng người con gái cùng anh nảy sinh tình cảm trong chuyến du lịch ấy đã không hề chùn bước trước mọi trở ngại. Từ đó, Tùng Vy và Dật Hán chung sống bên nhau, cô bắt đầu sáng tác. Nhưng Tùng Vy sống nơi tha phương, không họ hàng thân thích, lại gặp không ít trắc trở trên con đường sáng tác của mình, cô dần dần trở nên yếu đuối, mẫn cảm, ròồ tâm lý không ổn định, thường cáu giận, tự hành hạ mình, thậm chí nảy sinh cãi cọ với mẹ của Dật Hán. Không lâu sau, mẹ Dật Hán qua đời trong u uất, Dật Hán vô cùng đau đớn, quyết định chia tay với Tùng Vy. Tùng Vy đau khổ tuyệt vọng, rời khỏi căn nhà của Dật Hán, nhưng cô đã không đi khỏi thành phố này. Bởi khi đó, cô đã mang trong mình giọt máu của Dật Hán. Nghe nói Tùng Vy quyết định sinh hạ đứa con đó, là để báo thù Dật Hán. Vì sự báo thù đó, Tùng Vy đã chịu vô vàn cực khổ. Vì tinh thần bất an, dằn vặt cả về thể xác lẫn tinh thần, Tùng Vy nghiện rượu, hút thuốc lá. Thai nhi bị ảnh hưởng xấu, bảy tháng sau Tùng Vy đẻ non, sinh ra một đứa trẻ yếu ớt bệnh tật. Tùng Vy ôm con đến đưa cho Dật Hán, bảo với ông rằng đó là dấu ấn mà cô để lại trong cuộc đời ông, không bao giờ có thể xoá nhoà. Mỗi khi nhìn thấy nó, ông sẽ phải nhớ đến cô. Tùng Vy nói rồi bỏ đi, sau đó ra nước ngoài. Nhưng lúc này, Tùng Vy không còn là một người bình thường nữa, thêm vào đó là thời gian ở nước ngoài khiến bệnh tâm thần của Tùng Vy ngày một nặng thêm. Còn Lục Dật Hán, hết sức gian khổ với sinh mệnh bé bỏng chợt đến với mình. Sinh mệnh đó đến bởi vì lòng căm hận, ông quyết định sẽ không bao giờ nói với con trai rằng nó đã đến với thế giới này như thế nào. Vì vậy, từ nhỏ ông đã nói với nó rằng, mẹ của nó mất từ khi còn rất trẻ. Dật Hán đã từng vì chuyện này mà sống khép kín một thời gian, nói với mọi người mình đi du lịch đường dài. Mọi người đều ngỡ Dật Hán đã kết thân với một phụ nữ trong chuyến du lịch đó và sinh ra đứa trẻ. Hầu như không có ai biết Trác chính là con trai của Tùng Vy. Chỉ có gia đình anh trai của Tùng Vy xác nhận về điều đó, cũng nói rõ động cơ của chuyện này là báo thù.
...
Lại một sự thật nữa phơi bày. Quỳnh xem hết bài phóng sự, vẫn nắm chặt lấy tờ báo run rẩy. Cô lập tức chụp lấy điện thoại, gọi cho Trầm Hoà, vừa nghe thấy tiếng của Trầm Hoà, Quỳnh liền bật khóc:
"Trầm Hoà, em nghĩ, em nghĩ... Trác chính là con trai của Tùng Vy..."
Đầu dây bên kia im lặng hồi lâu, chỉ nghe thấy tiếng Trầm Hoà đang thở. Lâu sau Trầm Hoà mới trả lời: "Anh cũng mới đọc báo".
"Anh ơi, muộn mất rồi. Nếu em không vì lòng đố kỵ, không tuyệt tình với Trác như vậy, nếu em quan tâm Tiểu Nhan hơn, lắng nghe cô ấy nói, thì mọi việc đã không như ngày hôm nay. Biết đâu mẹ con họ đã có cơ hội gặp nhau. Vậy mà bây giờ, họ không bao giờ gặp được nhau nữa, vĩnh viễn không bao giờ... Tiểu Nhan hận em, bởi vì em không chăm sóc con của Trác, giờ đây Tùng Vy cũng sẽ hận em vì đã không để cho mẹ con họ được gặp nhau..." Quỳnh khóc thảm thiết.
"Thôi mà Quỳnh, em đừng tự trách mình như thế. Em cũng biết là Tùng Vy đối với Trác không có nhiều tình cảm, cậu ấy chỉ là một thủ đoạn báo thù của Tùng Vy mà thôi. Cũng có thể bà ấy không muốn gặp lại Trác". Giọng Trầm Hoà thật thấp, chậm rãi an ủi Quỳnh.
"Nhưng Trác muốn! Trầm Hoà anh biết không, Trác đã mong được gặp mẹ đến như thế nào. Cậu vẫn luôn có một linh tính kỳ lạ, cậu ấy luôn tin rằng mẹ vẫn còn sống, một ngày nào đó sẽ quay trở lại. Cậu ấy nói với em, em còn không tin, nhưng em vẫn giả vờ đồng tình, em còn nói sẽ đợi mẹ cùng với cậu ấy, cho đến khi mẹ cậu ấy quay trở về..." Quỳnh nghẹn ngào.
"Quỳnh, nếu em là Trác, vừa gặp Tùng Vy em đã đột ngột ra đi, điều đó được coi là một ân huệ sao? Gặp nhau như thế không có sự tồn tại của tình yêu, đó chỉ là sự thật lên tiếng. Sự thật luôn là thứ khiến người sống phải chịu giày vò. Cũng như em phải chịu giày vò về chuyện đứa con của Trác. Thế nhưng sự thật đối với một người buộc phải rời bỏ cõi đời này, có còn quan trọng lắm không? Cái chết thật nhẹ, cũng thật nặng, thật cao xa, chúng ta cần để cho người chết được nhẹ nhàng khi ra đi".
"Làm thế nào để người chết được nhẹ nhàng?" Quỳnh bình tĩnh trở lại, ngơ ngác hỏi.
"Cũng giống như đóng nắp quan tài hạ huyệt, chôn những thứ liên quan mật thiết đến họ, không bao giờ xới tung chúng lên nữa. Không nên khuấy động bất cứ chuyện gì khiến người chết chẳng an. Hãy để cho thời gian lấp bằng khoảng đất đó. Nghe anh, Quỳnh ạ, em đã từng nghĩ nỗi đau của em đến từ nơi nào chưa? Nó đến từ việc em cứ giữ khư khư lấy người đã khuất, không chịu quên đi. Tiềm thức của em luôn nhắc nhở em, ông ấy rất quan trọng, em không được quên. Vì thế, em đã không chịu để cho những thứ liên quan đến người chết được nằm yên trong đất. Một khi có những sự việc động chạm đến ông ấy, em lập tức cuốn mình vào trong đó, thậm chí lựa chọn cách hành hạ chính mình. Bởi vì làm như thế, em sẽ thấy ít nhất mình đã không quên được ông ấy. Nhưng đó không phải là điều người đã khuất mong muốn. Ít nhất nếu em chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn đó, anh sẽ chỉ mong rằng mọi chuyện được yên nghỉ, phẳng lặng dưới lớp đất bằng, sẽ không ai đào chúng lên, khiến cho anh cảm thấy được an toàn".
Quỳnh cảm thấy Trầm Hoà nói rất đúng. Bao lâu nay, cô vẫn chọc vào thần kinh đang gần như tê dại của mình, bởi cô sợ mình sẽ lãng quên những tình cảm vốn rất sâu đậm. Nhưng điều đó với cô là một sự dày vò.
50.
Quỳnh còn chưa kịp đến thăm Tùng Vy một lần đến nơi đến chốn, câu chuyện của bà đã như trăm ngàn con sóng trên mặt hồ lan ra bốn phía. Báo lớn báo nhỏ thi nhau đưa tin, không lúc nào ngớt có người tìm đến bệnh viện phỏng vấn Tùng Vy, chụp trộm ảnh của bà. Tùng Vy trong ảnh đang bưng bát cơm với ánh mắt ngây dại. Bà vẫn mặc chiếc áo màu xám, đầu tóc rối tung, khô vàng. Có bức bà đang nép vào góc tường, dùng ánh mắt hoảng sợ pha lẫn oán hận quen thuộc của bà để nhìn ống kính. Họ còn tìm thấy trong thùng rác của Tùng Vy những đoạn viết hỗn loạn, họ tìm hiểu xem trong ký ức khiếm khuyết của Tùng Vy liệu có còn hình ảnh của Trác.v.v... Họ không ngừng lập luận, bàn tán về cuộc đời của Tùng Vy. Chẳng hạn Tùng Vy bắt đầu khủng hoảng tinh thần từ bao giờ còn tiểu thuyết của bà đã được tạo ra trong tình trạng tỉnh táo hay bệnh tật... Họ liên tục đến bệnh viện tìm bà, hỏi ngắn han dài. Tùng Vy đóng kín cửa phòng, co ro trong góc tường kêu gào thảm thiết. Trong số họ có người kiên nhẫn túc trực ở cửa, người không nôn nóng xông vào gõ cửa, thậm chí muốn đạp toang cửa để vào, yêu cầu bà trả lời họ. Dường như họ đã biết Tùng Vy không còn ai thân thích bên cạnh, thoả sức ức hiếp bà một cách tàn nhẫn.
Mỗi ngày đều có thêm những chứng cứ mới, có những phát hiện mới. Cả bệnh viện suốt ngày ồn ào hỗn loạn. Không chỉ Tùng Vy, những bệnh nhân tâm thần khác cũng bị ảnh hưởng. Đã xảy ra mấy vụ bệnh nhân xô xát với phóng viên... Thậm chí còn có công ty điện ảnh đến tận nơi quay phim về Tùng Vy với mục tiêu "phản ánh con đường trắc trở trong đời sống tình cảm và sự nghiệp sáng tác của một nữ nhà văn, tái hiện lại sự phong phú, đa dạng và rực rỡ của một thế giới tinh thần nội tại". Cô diễn viên chán chường làm theo gợi ý của đạo diễn, bắt chước theo điệu bộ của Tùng Vy, thỉnh thoảng lại phàn nàn đạo diễn bắt cô ta giả điên giả khùng. Tranh chấp giữa các phóng viên của các báo nhỏ, mâu thuẫn của đoàn làm phim, cạnh tranh giữa các nhà nhiếp ảnh.v.v... tất cả khiến cho bệnh viện bỗng chốc biến thành cái máy không ngừng tạo ra các tin tức mới. Vừa mới tạm lắng đôi chút, các phóng viên vốn chỉ sợ thế giới quá yên bình, lại lôi ảnh của Dật Hán và Trác nhét qua khe cửa vào phòng Tùng Vy, hỏi bà có nhận ra hai người đó không, rồi lại nói với bà rằng họ đều đã chết... Hoạt động "tìm người thân" rất đặc biệt của các nhà báo khiến Tùng Vy khủng hoảng trầm trọng. Bà gào lên, xông ra khỏi phòng cấu vào mặt phóng viên. Sự việc này lại nghiễm nhiên trở thành tít đầu trên báo thông tin văn nghệ giải trí của ngày hôm sau. Sự việc càng ngày càng phức tạp, Tùng Vy trở thành "nhân vật của năm". Sách của bà được xuất bản liên tục, bán chạy hơn bất kỳ mọi thời kỳ nào trước đó. Tiểu thuyết Tùng Vy, chuyện về Tùng Vy, "giải đáp X câu hỏi trong chuyện về Tùng Vy", "Tìm hiểu đời sống tình cảm của nữ nhà văn đương đại", "Đi sau vào cuộc sống hải ngoại của một nữ nhà văn", "Tái hiện lại hai mươi năm trước của nhà số 3 phố Đào Lý".v.v... Hàng loạt sách liên quan đến Tùng Vy cũng bán rất chạy, về sau còn mở rộng sang cả lĩnh vực tâm lý học. Những "Phân tích tinh thần của nữ giới - ví dụ nổi tiếng" nếu được in thêm lên bìa bức hình hoảng sợ của Tùng Vy, tất sẽ bán được không ít. Sau đó là những buổi toạ đàm về thế giới tinh thần của nữ giới càng khiến cho "phong trào" sách vở về tâm lý học lên tới cao trào. Đối với thị trường sách vốn ảm đạm vào cuối năm, dòng sách liên quan đến Tùng Vy quả là một liều thuốc hưng phấn quý giá. Cả trên những sạp sách di động trên những chiếc xe đẩy cũng đầy rẫy các tác phẩm của Tùng Vy bị in lậu giá rẻ. Họ sẽ đợi khi ánh mắt của bạn chạm tới liền nồng nhiệt kêu gọi:
"Mua sách đi, đến xem đi, sách của Tùng Vy...".
Sự việc ồn ào đến mức như vậy, khiến Mạn cũng không thể ngờ tới.
Quỳnh chứng kiến hàng loạt sự kiện xảy ra, khiến cô phần nào thấy được sự vô tình lạnh lẽo của thế giới, cô thấy người đời cười trên đau khổ của người khác, họ hại người - lợi mình. Đối với một người mới "gia nhập xã hội" như Quỳnh, thực tế đó quá lạnh lùng, quá khắc nghiệt. Trước đó, Quỳnh dường như còn tự chìm đắm trong thế giới của riêng mình, xung quanh chẳng có mấy ai, những vướng víu bất quá chỉ là so tình yêu nhiều yêu ít, hoặc những đau khổ dai dứt vì tử biệt sinh li. Thậm chí trong sự đối đầu với Mạn, Quỳnh cũng thấy rõ căn cứ nguồn gốc. Giữa họ là những thủ đoạn - biện pháp nhưng đều là thẳng thắn đối đầu, không có những cạm bẫy, những tâm địa hiểm ác qua những mưu đồ...
Trầm Hoà và Quỳnh không thể khoanh tay đứng nhìn. Họ đã vài lần đến bệnh viện để đưa Tùng Vy đi, nhưng bị phóng viên ngăn trở. Đặc biệt là khi Quỳnh xuất hiện, đám phóng viên sắp "được làm mát" lại trở nên "sốt nóng", mọi người bắt đầu đoán già đoán non những uẩn khúc bên trong. Có tờ báo nhanh nhẹn tới nỗi đưa tít "Quỳnh là con riêng của Tùng Vy?" như một tiên đoán. Về phía bệnh viện, mặc dù rất khó chịu với những quấy rầy liên miên (đương nhiên từ một góc độ nào đó, họ đang được quảng cáo tuyên truyền miễn phí), nhưng xét về bệnh tình của Tùng Vy, bác sĩ cho rằng bà cần ở lại tiếp tục điều trị. Tinh thần của Tùng Vy bị tổn thương tới mức nào, có lẽ không ai được rõ. Từ chỗ hoảng sợ, giãy giụa, bà trở nên dữ dội, chống đối, còn bây giờ đã chuyển thành một trạng thái hết sức yên lặng, thờ ơ. Nhưng đằng sau sự yên lặng đó là cái gì, cũng không ai dám chắc. Bác sĩ nói, họ phải đợi đến khi đám phóng viên hoàn toàn rút lui, và Tùng Vy thực sự cảm thấy yên ổn mới có thể tiến hành kiểm tra toàn diện, khi đó mới hy vọng có được những kết luận chính xác về sức khoẻ của bà. Thế nhưng, đợi đến bao giờ đám phóng viên mới "hoàn toàn rút lui"? Chỗ dựa duy nhất của Tùng Vy giờ đây vẫn chỉ có Trầm Hoà. Chỉ một mình Trầm Hoà, gạt đám báo chí đang vây ở cổng, một mình vào gặp Tùng Vy, nói chuyện với bà, cho bà ăn. Chỉ có Trầm Hoà nhảy xổ tới phòng phát thanh của bệnh viện, chụp lấy micro để thương lượng với đám phóng viên. Chỉ có anh không hề sợ hãy những đồn đại mọc lên nhan nhản và những sự công kích, anh kịch liệt lên án những hành vi tệ hại của các nhà báo. Chỉ có anh đã hô hào mọi người hãy thông cảm với Tùng Vy hơn nữa, dù công việc đó chỉ thu được những két quả khiêm tốn...
Quỳnh cũng không khoanh tay đứng ngoài. Nhưng thực tế quyết định việc cô không thể lộ diện trước cổng bệnh viện tâm thần. Làm như vậy sẽ còn làm dấy lên không biết bao nhiêu thị thị phi phi, góp thêm bao nhiêu gió cho cơn lốc nực cười vẫn chưa nguôi nghỉ. Quỳnh nghĩ mãi, cô có thể làm gì cho Tùng Vy, hoặc là Tùng Vy cần nhất điều gì?
Gia đình! Phải rồi, cô muốn đem lại cho Tùng Vy một gia đình ấm áp, có lẽ đây chính là niềm an ủi lớn lao nhất cho trái tim tổn thương của Tùng Vy. Nhà số 3 phố Đào Lý. Ngay lập tức Quỳnh nghĩ tới nó, quả là một nơi lý tưởng để Tùng Vy an tâm chữa bệnh. Tùng Vy cũng có thể ở cùng với Tiểu Nhan. Họ đều là những người thân của Trác, dĩ nhiên là nên ở gần nhau. Người bị tổn thương sẽ hiểu được nỗi thương đau của kẻ khác, vì vậy họ sẽ san sẻ được cho nhau. Quỳnh nghĩ tới việc mua lại căn nhà đó. Cô được biết gã họ Trịnh đã mua thế chấp căn nhà. Căn nhà đã vì cơn lốc "Tùng Vy" mà nổi danh, giá cả cũng leo thang đến chóng mặt. Cho dù cô dùng tất cả khoản tích cóp từ việc xuất bản sách cộng thêm vay mượn, cũng vẫn kém xa so với giá chủ nhân ngôi nhà đưa ra. Nhưng Quỳnh nhất định mua cho bằng được. Nó là nhà, là gia đình. Quỳnh quyết định thuê lại với giá cao trong một thời gian, sau đó sẽ từ từ tìm cách.
Tháng 12, Quỳnh đã thuê được căn nhà đó, với một giá cắt cổ. Cô đi xem nhà, bước trên con phố Đào Lý giờ đã trở nên xa lạ. Cô nhìn xung quanh, khắp nơi là những toà cao ốc văn phòng của những tập đoàn tài chính hùng mạnh, những công ty hải ngoại. Nơi đây đang thay đổi từng ngày. Một đám tường rào thâm thấp rất có thể chỉ nay mai sẽ biến thành toà nhà A, B hoặc C gì đó. Thời gian ở đây cũng dường như trôi nhanh hơn những nơi khác. Những công trình thấp nhỏ nơi đây đã bị phá dỡ gần hết, những ngôi nhà riêng hầu hết đã chuyển đi. Chỉ còn nhà số 3, vẫn đứng một mình ở đầu phía đông con đường, "như một chú voi trắng buồn rầu". Quỳnh vẫn nhớ ấn tượng của mình về nó khi cô mười hai tuổi. Tính ra, câu chuyện "Tùng Vy" đối với ngôi nhà này có phải là "vì hoạ gặp phúc" hay không. Ngôi nhà bé nhỏ gần bốn mươi tuổi, ảm đạm cũ kỹ này, bỗng thoắt trở nên rất nổi tiếng. Không chỉ giá cả đội lên cao, bản thân nó cũng thoát được số phận bị phá dỡ. Ngược lại, người ta đang đặt hy vọng vào nó, một khi Tùng Vy trở thành nhà văn có tiếng vang trên thế giới, ngôi nhà sẽ trở thành "căn nhà của danh nhân", có thể mở cửa đón khách thăm quan từ khắp nơi đổ về.
Thế nhưng, nhà số 3 không còn một ngày yên tĩnh nữa. Quỳnh nhìn thấy ngôi nhà nhỏ hai tầng dường như ảm đạm hơn mấy năm trước rất nhiều. Vườn nhà trống trơn, ngoại trừ một vài bộ máy quay phim. Công ty điện ảnh đang lấy cảnh ở đây. Quỳnh vẫn nhớ nơi đây có rất nhiều hoa. Buổi tối, cô và Trác đã đi qua chỗ này, cảm thấy như chui qua một cánh rừng nguy hiểm.
Quỳnh đi theo chủ nhà tới trước cửa. Tuyết chồng chất qua bao đợt rơi dày, lẫn lộn bùn lầy đen xám, đạp lên chỗ nông chỗ trũng, ống quần bị hắt lên lem nhem. Chủ nhà mở cửa ra cho cô. Quỳnh cảm thấy rất tối tăm, phải chăng vì trời âm u. Cô nhận thấy rèm cửa không kéo, những tấm kính lớn như bộc lộ hết lục phủ ngũ tạng của căn nhà. Trông nó càng phù hợp với một công trình phục vụ tham quan du lịch. Đồ đạc trong nhà bị mang đi gần hết. Chủ nhà vội vã giải thích, đó không phải do ông ta làm, mà là bà chủ trước đây đã đem bán hầu hết đồ đạc. Quỳnh cũng nắm được sơ sơ tình cảnh của Mạn, nên không lấy làm lạ. Chủ nhà bật đèn lên, nhưng đèn không sáng. Những chiếc chụp của đèn chùm cũng đã bị tháo đi, những bóng đèn trần trụi không biết đã cháy hết bao lâu rồi. Lối rẽ lên cầu thang bị dột, chủ nhà vội vã xin lỗi, hứa sẽ nhanh chóng sửa chữa tươm tất.
Quỳnh vào bếp trước tiên. Chiếc tủ lạnh lại không bị bán đi. Cô nghĩ nó nhất định đã hỏng. Cô tới gần còn nhìn thấy những hình dán màu mè mà cô và Trác dã dán lên mặt tủ màu trắng. Chuột Mickey đội mũ ảo thuật đang cầm tay vịt Donald đội nơ bướm. Chúng đang cười hì hì làm động tác cúi mình hạ màn chào khán giả. Phải, đã hạ màn rồi. Quỳnh cay cay sống mũi, xoay lưng bước đi. Cô nghĩ chủ nhà chắc sẽ ngạc nhiên khi thấy cô gái đỏ hoe mắt trước một chiếc tủ lạnh cũ rích.
Phải, không có ai biết, cô đã dùng bao đêm của thời thiếu nữ ở chốn này, đã bao đêm Quỳnh và Trác ngồi ở đó, nghĩ về sự lớn lên tất yếu của hai đứa, trên con thuyền ánh trăng.
Quỳnh lên lầu, mọi thứ dù cũ nát. nhưng vẫn thật thân thương. Đồ đạc trong phòng cô vẫn còn, tấm đệm trần trên giường cô phủ một lớp bụi dày. Tính ra, từ năm mười sáu tuổi vào nội trú, cô đã không còn ngủ lại lần nào trên chiếc giường đó nữa. Cái đêm duy nhất cô quay trở lại, ngỡ rằng mọi việc sẽ bắt đầu từ đầu, cô đã ở bên chú Dật Hán. Quỳnh nhẹ nhàng bước qua phòng của Dật Hán và Mạn. Đó là nơi đã bất ngờ mở một cánh cửa trong tuổi niên thiếu ngây thơ của cô. Hình ảnh quất quít và cuồng nhiệt nơi đây đã để lại trong cô những ảo ảnh đầu tiên về tính dục, đã thành chiếc vòng kim cô siết lấy cô trong bao nhiêu năm tháng. Quỳnh để ý thấy đồ đạc ở đây phần lớn hãy còn, trừ chiếc bàn trang điểm của Mạn. Đó chính là tính cách của Mạn. Mẹ cô chuyển đến đâu cũng mang theo bàn trang điểm. Quỳnh nghĩ tới đây, bất giác bật cười. Cô ngạc nhiên thấy mình lại bật cười, cô phát hiện ra những chuyện dĩ vãng cho dù mình chẳng ưa gì, đều đã trở nên đáng để nhớ, để hoài niệm.
Chủ nhà trao chìa khoá cho Quỳnh và hứa sẽ nhanh chóng cho người đến sửa nhà. Ông ta đi rồi, Quỳnh đứng một mình giữa phòng khách trống trơn. Nơi đây giống như một lâu đài cổ, những chuyện đã xảy ra nơi đây tựa như một thùng sơn, sơn quét lại mỗi một góc nhỏ của ngôi nhà. Những ký ức u buồn như nước đang rịn ra trên tường. Chúng kết hợp với nhau, toả ra không khí một mùi vị thật đặc biệt. Quỳnh bỗng quỳ xuống, ôm lấy đầu, bật khóc. Cô vẫn ảo tưởng, hy vọng có một người sẽ ôm lấy cô. Cô không biết hình ảnh mơ hồ của người đàn ông cô đang mong đợi là ai. Cô thậm chí không dám nghĩ tiếp. Nhưng khi trở lại nơi đây, Quỳnh phát hiện ra, lãng quên hết cả những hồi ức về nơi đây đối với cô là một việc hết sức tàn khốc.
Quỳnh đã không biết, giữa lòng lâu đài sực mùi vị đặc biệt này, cái sự "làm lại" quả là rất khó.
Sau đó hai tuần, Quỳnh bắt đầu làm lại nội thất ngôi nhà. Thời gian quá ngắn, không kịp trồng hoa. Quỳnh ra chợ mua Thuỷ tiên, trúc đào dù không thích những chậu trúc đào bé tí. Cô nghĩ đến mùa xuân sẽ tự tay trồng trúc đào trong vườn nhà. Tường nhà được sơn mới, trắng tới mức khiến người ta thấy hoang mang. Nhất định phải có rèm cửa sát đất, mà phải đẹp đẽ đàng hoàng, như những đồ trang trí xinh đẹp. Cô chọn loại vải có in hoa màu cánh sen, in rất nhạt, chỉ nhìn rõ dưới ánh nắng ban ngày. Cô lại mua đồ đạc trong nhà, chia phòng cho mọi người. Cô dành phòng của Trác cho Tiểu Nhan, để Tùng Vy ở phòng của Dật Hán trước kia, còn mình và Trầm Hoà chọn phòng của Quỳnh trước đây. Phòng sách sẽ được sắp xếp về sau, cô sẽ mua lại những đồ cổ của Dật Hán để bày vào đấy. Tủ sách sẽ được bày chật những tác phẩm của cô và Tùng Vy. Trời ạ, nếu thế thì phải viết bao nhiêu sách mới đủ. Quỳnh nghĩ vậy rồi bật cười.
Quỳnh mua ti vi và bộ giàn nghe nhạc. Cô sẽ tổ chức tiệc tùng ở đây, mọi người sẽ ở đây ca hát mặc lòng, ngày tháng cứ thế trôi qua. Phải rồi còn phải mua máy chơi game, Quỳnh lại nhớ những ngày bấm Joystick ở nhà với Trầm Hoà.
Quỳnh đi sắm sửa mừng năm mới. Cô mua những thức ăn được đóng gói sặc sỡ, mua thêm pháo bông, để đốt cho mình. Quỳnh ngồi trầm ngâm trên ghế bành bọc vải màu táo sậm, bỗng thấy chóng mặt, buồn nôn. Thời gian này quá vất vả chăng? Cô định bụng buổi chiều đi thăm Tiểu Nhan sẽ khám bệnh luôn thể.
Tiểu Nhan vẫn thù hận Quỳnh. Hễ Quỳnh mang thức ăn và quần áo tới, cô lập tức vứt thẳng chúng qua cửa sổ. Nếu Quỳnh nói chuyện, cô liền phun nước bọt vào mặt Quỳnh. Có lần cô ấy còn bóp chặt lấy cổ Quỳnh vì được biết Quỳnh đã chôn mất xác mèo và con cá trong balô. Nhưng Quỳnh không vì thế mà chùn bước. Cô nghĩ, những việc đó chẳng thấm tháp gì so với những cơ cực trong những ngày lê lết ăn xin hè đường, một mình sinh hạ đứa con không ai giúp đỡ của cô ấy. Quỳnh tin rằng cô chỉ cần có thời gian. Cô kiên trì đến thăm Tiểu Nhan, sẽ có một ngày cô ấy sẽ tha thứ cho mình. Quỳnh tin vậy.
Chiều, Quỳnh thuận tiện vào khám bệnh mới biết mình có thai. Một sự sống đã lặng lẽ gieo mầm trong lòng cô từ hai tháng qua. Quỳnh ra khỏi bệnh viện, cảm thấy hoang mang. Cho đến lúc này, cô đối với hai chữ "người mẹ" vẫn còn vô vàn những băn khoăn lo lắng. Nó không hề đơn giản như một âm thanh gọi mẹ thánh thót. Một phụ nữ phải hy sinh vất vả đến mức thế nào mới đáng là một người mẹ thực sự, Quỳnh không biết. Mạn không, Tùng Vy không, Tiểu Nhan cũng không. Những trách nhiệm, những lo toan đầy ắp đó, cần đến bao nhiêu lòng bao dung và nhẫn nại mới gánh vác nổi. Quỳnh nghĩ có lẽ mình không nên làm mẹ, đó có thể là một "ân cừu lục" mới bắt đầu, bắt đầu của những chối bỏ, những so đo tính toán.
51.
Quỳnh và Trầm Hoà cuối cùng đã có thời gian gặp nhau. Họ đã ba tuần liền không nhìn thấy nhau. Trầm Hoà bận rộn chuyện của Tùng Vy. Quỳnh thì đang lặng lẽ dựng xây lại một mái ấm gia đình. Bây giờ cô mới nói cho Trầm Hoà biết. Anh rất ngạc nhiên.
- Tại sao phải trở về căn nhà đó? Trầm Hoà hỏi.
- Bởi vì nơi đó đối với em, với Tùng Vy đều mang không khí của một mái nhà. Tiểu Nhan cũng sẽ thích, bởi vì đó là nhà của Trác. Anh cũng vậy, Trầm Hoà, nơi đó rất tuyệt, như một cung điện. Quỳnh trả lời.
- Nhà có thể ở bất cứ đâu, không nhất định phải ở chỗ đó. Đó chỉ là sự cam chịu của em, em không hề biết Tùng Vy nghĩ gì, Tiểu Nhan nghĩ gì. Trầm Hoà đã nhiều ngày không ngủ đẫy giấc, sự mệt mỏi làm anh trở nên nóng nảy.
- Nhưng em nghĩ người thực sự không thích nơi đó chỉ có anh mà thôi. Quỳnh nói nhỏ. Cô hơi tủi thân, bao nhiêu vất vả của bao nhiêu ngày, lại lo lắng về đứa trẻ đang nằm trong bụng. Vậy mà Trầm Hoà lại trách cô.
- Anh nghĩ mình thuê căn nhà khác thì hơn... Trầm Hoà kiên nhẫn gợi ý.
- Anh vẫn chưa về đó ở đã nói vậy rồi! Rõ ràng vấn đề chính ở bản thân anh. Trong lòng anh tự có vướng mắc. Quỳnh giận.
Trầm Hoà không tranh cãi thêm với Quỳnh, anh thở dài: "Có lẽ vậy!".
Quỳnh thấy Trầm Hoà đã đồng tình liền cười, bỗng giả vờ bị đau bụng kêu rên dữ dội...
Trầm Hoà vội vàng đỡ lấy cô, tay kia để lên bụng xoa cho cô. Trên mặt Quỳnh thoáng một nụ cười ranh mãnh.
Ngày 26 tháng 12, theo lịch âm là một ngày tốt. Hôm ấy Quỳnh đến bệnh viện đón Tiểu Nhan về, y tá nói hôm nay là ngày tốt cho việc chuyển nhà, chị của cô ấy cũng chuyển vào hôm nay. Quỳnh vui mừng cảm ơn cô ấy. Những ký ức về ngày hôm ấy, Quỳnh nghe theo lời của Trầm Hoà - để cho nó lắng xuống, để bùn đất bao phủ lên trên, đầm cho bằng phẳng, không bao giờ cày xới lên nữa. Về chuyện đó, cô đã tỏ ra hết sức khoan dung với mình lẫn mọi người. Vì sự khoan dung, cô phát hiện ra mình đã từ bỏ ký ức. Vì khoan dung, cô cảm thấy thời gian như đoàn tàu tốc hành vùn vụt lướt qua. Hoặc đó là sự sắp đặt âm thầm của những người thương yêu cô, trong chớp mắt mọi thứ như vụt trôi qua, chỉ còn lại những huân chương kỷ niệm lấp lánh.
Ngày 27 tháng 12, 28 tháng 12. Hai ngày liền, hầu hết báo trong thành phố đều đăng một tin gây chấn động.
26 tháng 12, ngôi nhà nổi tiếng - số 3 phố Đào Lý - đã xảy ra một vụ hoả hoạn lớn. Được biết, ngọn lửa bùng lên vào khoảng 9 giờ tối cùng ngày. Do ngôi nhà không lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, hơn nữa xung quanh không có nhà ở, vụ cháy đã không được khống chế kịp thời. Khi lực lượng cứu hoả ập đến hiện trường, ngọn lửa đã bao vây toàn bộ tầng hai, bốn bề khói đen dày đặc. Sau 30 phút giành giật, ngọn lửa cuối cùng đã bị dập tắt. Vụ hoả hoạn khiến ba người chết, một là nữ nhà văn nổi tiếng Tùng Vy, một là biên tập viên của một nhà xuất bản - Trầm Hoà, còn có một cô gái độ 20 tuổi. Trong vụ cháy chỉ có một người may mắn sống sót. Người được cứu thoát là nhà văn nổi tiếng Lục Nhất Quỳnh. Hiện tại, cô ấy vân đang còn hôn mê. Nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được làm rõ, không loại trừ khả năng có người cố ý, hơn nữa, căn cứ vào hiện trường, người ta nghi ngờ khả năng chính một trong bốn nạn nhân là thủ phạm. Cơ quan chức năng còn cho biết, trong nhà chứa khá nhiều pháo bông, chính là nguyên nhân khiến ngọn lửa bùng phát và lan rộng dễ dàng.
Quỳnh vẫn im lặng về sự việc ngày hôm đó. Các phóng viên bất lực trước những người đã chết, lại có phần e dè, đành để cho sự việc trở thành một bí mật vĩnh viễn. Nhưng trong tiểu thuyết của Quỳnh đôi chỗ hé lộ ra những bí mật của cô. Cô đã lưu giữ lại những chi tiết khiến cô sung sướng, cảm động trong sách của mình. Cô dùng cách đó để kỷ niệm những người đã chết và tình yêu trong sâu thẳm tâm hồn mình. Đó là phương thức dịu dàng nhất, vĩnh hằng nhất. Dưới đây là những lượm lặt về những ký ức liên quan trong tiểu thuyết của cô:
A - Hôm đó, chúng tôi chuyển về nhà trời đã hoàng hôn. Trầm Hoà xuống bếp nấu cơm. Tiểu Nhan ở trong phòng của Trác, ngắm nghía kỹ lưỡng những đồ vật của Trác lúc còn ở đó. Quỳnh ngồi với Tùng Vy. Cô hỏi bà: "Cô có nhận ra nơi này không?". Tùng Vy lắc đầu. Quỳnh nói: "đây chính là nhà trước đây của cô đấy, cô không nhớ sao?".  Tùng Vy ngồi trong phòng của Lục Dật Hán, nhìn quanh bốn phía, có vẻ như đã nhớ ra điều gì. Nhưng bà cau mày, như đang giãy giụa giữa những ký ức lẫn lộn một cách đau khổ. Sau khi Tùng Vy trở nên trầm lặng, bà chưa hề lên cơn lần nào, chỉ giống như một thiếu nữ mắc chứng trầm tính tuổi dậy thì, trốn tránh cái nhìn của người khác với thái độ của một người hối lỗi vì mắc sai lầm, nhưng rồi lại không nén được nhìn trộm người đối diện. Quỳnh nói: "Cháu đưa cô về đây, chỉ hy vọng cô cảm thấy thân thuộc. Không phải để cô phải nhớ ra điều gì. Cô xem, những đồ vật trước đây đều không còn nữa, bây giờ tất cả mọi thứ đều rất mới". Tùng Vy đứng dậy, lần sờ bức tường mới sơn, bàn mới, tủ mới, giường, đệm.v.v... từng ly từng tý. Tựa hồ như đang đối thoại với chúng. Quỳnh nhìn thấy bà đã hơi hơi gù lưng, những ngón tay gầy khẳng khiu lộ rõ xương khớp. Tùng Vy bây giờ với hình ảnh lần đầu tiên Quỳnh thấy trong ảnh đã khác nhau quá xa. Chỉ có một điều không thay đổi, đó là ánh mắt chăm chú và trong sáng của bà.
Quỳnh dường như lại nhìn thấy Trác, cô thấy ngạt thở, phải quay mặt ra phía cửa sổ, đốt cho mình điếu thuốc. Tiếp đó, Tùng Vy bước tới bên Quỳnh. Quỳnh lại oẹ, mấy ngày nay, phản ứng mang thai tiền kỳ ngày một nặng thêm. Chờ cho cảm giác bình thường trở lại, Quỳnh mỉm cười nói với bà: "Cô biết không, cháu mang thai rồi. Trong bụng cháu đã có một em bé". Quỳnh còn nhớ rất rõ niềm vui trong mắt Tùng Vy lúc đó. Niềm vui vượt quá sự tưởng tượng của Quỳnh,  hơn tất thảy người nào nghe thấy tin tức đó. Bà hoa tay múa chân rằng: "Thế à! Cháu có em bé rồi à? Em bé... tốt quá, tốt quá... có em bé rồi!".
Quỳnh nhìn thấy một người mẹ trẻ đang vui sướng vì mình có thai. Niềm phấn khích vui sướng đó, cảm động bất kỳ ai nhìn thấy. Quỳnh nhẹ nhàng hỏi Tùng Vy:
- Cô sẽ yêu em bé chứ ạ?
- Cô sẽ yêu em bé! Sẽ yêu em bé!... Tùng Vy trả lời nghiêm túc, tựa như với đứa con mất đi lại tìm thấy được của chính mình. Tùng Vy nhẹ nhàng đặt tay lên bụng Quỳnh, vuốt ve một cách thận trọng. Bỗng bà nhìn thấy điếu thuốc lá trên tay Quỳnh, liền hốt hoảng nói:
- Đừng hút thuốc, ko được hút, sẽ làm hại em bé đấy...
Quỳnh sững người, vội dập tắt điếu thuốc. Lúc đó, Quỳnh hiểu Tùng Vy hết sức quan tâm đến em bé. Nhất định bà đã từng hạnh phúc trước một sự sống xuất hiện, bà đã rất quan tâm đến em bé của bà. Tình yêu thương đó, chỉ có khi đang mang thai trong mình, Quỳnh mới cảm nhận được.
B - Quỳnh đưa Tiểu Nhan vào phòng của Trác. Tiểu Nhan vốn không chịu theo Quỳnh về nhà, nhưng Quỳnh nói chẳng lẽ cô không muốn nhìn thấy nhà của Trác trước đây như thế nào hay sao. Hãy xem căn phòng của cậu ấy trước kia như thế nào. Tiểu Nhan bị thuyết phục đã theo về.
Cô nhìn khắp căn phòng của Trác, hỏi:
- Anh ấy trước đây sống trong này à? Quỳnh gật đầu. Tiểu Nhan liền chăm chú ngắm nghía những đồ đạc cũ. Sờ lên những mẩu hình truyện tranh dán lên tường. Sau đó cô hỏi Quỳnh:
- Trước đây anh chị chơi những thứ gì? Em muốn học.
Quỳnh cố gắng nhớ lại một ít trò đơn giản:
- Bọn chị giúp chú Dật Hán trồng hoa, nửa đêm ra ngoài mua sôcôla, chơi xếp hình... Lúc đón năm mới, bọn chị đốt pháo. Hiện tại trồng hoa chắc chưa được, nhưng chị đã mua nhiều pháo bông, chút nữa em có thể đốt pháo ngoài sân. Trác thích nhất loại hình bông cúc xanh lớn. Em sẽ đốt ở chỗ kia, Trác ở trên trời chắc là sẽ thấy.
Tiểu Nhan gật đầu nói: "Vâng".
Quỳnh thấy lòng ấm áp. Cô nghĩ Tiểu Nhan chắc đang tha thứ cho cô.
C - Lúc lửa bắt cháy, Trầm Hoà đang nấu cơm dưới bếp, Quỳnh đang ngồi gấp giấy trong phòng khách, Tùng Vy và Tiểu Nhan đang ở trên gác, làm quen với không gian mới của họ. Trầm Hoà thấy Quỳnh gấp giấy, còn lấy một cây bút viết hý hoáy bèn hỏi:
- Em đang làm gì đấy?
Quỳnh cười hi hi:
- Em muốn chơi một trò chơi với anh. Trên những mẩu giấy này đều có viết những bí mật của em, anh không biết. Anh có thể rút một cái tuỳ ý, em sẽ nói với anh bí mật đó là gì. Coi như đó là phần thưởng hôm nay anh nấu cơm cho cả nhà.
Trầm Hoà đếm tất thảy có bốn mẩu giấy, bèn giả vờ làm mặt giận, nói:
- Được lắm, giấu anh bao nhiêu bí mật! nói mau, là những chuyện gì!
Quỳnh không trả lời, chỉ nhét tất cả vào túi áo jacket của Trầm Hoà đang mặc. Bảo anh rút ra một mẩu. Nhưng Trầm Hoà lại muốn lôi luôn vài cái ra. Hai người đang đùa nhau, ngọn lửa đã cháy từ tầng trên lan xuống dưới. Quỳnh và Trầm Hoà đều lao lên tầng trên. Cầu thang đã bắt cháy. Trầm Hoà nói Quỳnh không được lên nữa, để anh lên xem sao. Quỳnh không đồng ý, cả hai cùng xông lên, nhưng lửa đã cuồn cuộn tuôn xuống dưới. Trầm Hoà nói, không được, phải đổ nước lên áo quần đã mới lên được. Anh kéo Quỳnh vòng qua cầu thang, chạy xuống bếp. Lúc này khắp tầng một đầy ắp khói. Trầm Hoà cởi áo jacket, tưới nước lên áo rồi khoác cho Quỳnh, bảo cô:
- Em chạy ra ngoài đi, nhanh lên! Nghe lời anh.
Quỳnh không thấy Trầm Hoà đâu nữa, trước mắt chỉ có khói dày đặc. Cô chỉ cảm thấy một cánh tay khoẻ mạnh đẩy cô đi một đoạn tới gần cửa ra vào, ôm lấy cô rồi rút lại. Quỳnh ngã trên ngưỡng cửa. Cô quay lại nhìn, đã không biết Trầm Hoà đã chạy về phía nào.
Quỳnh chạy ra sân, nhìn thấy cả ngôi nhà bị lửa vây bọc. Nó không còn là chú voi trắng nữa, mà đã là một quái vật gầm rú. Quỳnh chỉ cảm thấy trời đất quay cuồng, cô ngã lăn ra ngất lịm. Phút giây đó, cô cảm thấy phía trươc lửa chiếu sáng ngời, nhắm mắt lại cũng có thể thấy vô vàn tia sáng. Tay Quỳnh giữ chặt lấy tấm áo của Trầm Hoà khoác trên người mình, ý ngĩ cuối cùng của cô là, anh ấy vẫn chưa kịp xem những mẩu giấy trong túi áo.
Mẩu giấy thứ nhất viết:
Hôm qua em bảo đau bụng, bảo anh xoa giúp em, anh còn nhớ không? Thực ra em muốn anh làm quen với một bạn nhỏ anh chưa từng gặp mặt. hi hi.
Mẩu giấy thứ hai viết:
Khi em mười bốn tuổi, anh đến làm khách trong nhà. Chú Lục Dật Hán nói, đợi em lớn lên, sẽ cho anh đưa em đi du lịch, anh đồng ý rồi. Em đã rất vui. Thực ra trong lòng em không thật vui đâu. Bởi vì em muốn đi du lịch với chú Dật Hán, không muốn đi với anh tí nào...
Mẩu giấy thứ ba viết:
Khi thả cá bên sông ở Lệ Giang, em đã cầu nguyện rằng: hy vọng sau này anh sẽ vĩnh viễn đi sau lưng em, giúp em giải quyết mọi khó khăn rắc rối, hơn nữa không kêu than một lời (điểm này rất quan trọng).
Mẩu giấy thứ tư viết:
Trước đây khi ở trong căn hộ chung cư của anh, mỗi lần cãi nhau với anh, anh đều đi liền mấy ngày không về thăm em. Nhưng mỗi lần anh đến, em đều dường như linh tính được, đứng ở ngoài tươi cười đón anh. Thực ra, ngày nào em cũng ra đứng ở đó, nhìn cầu thang máy lên lên xuống xuống, nhìn ngắm những con số thay đổi, đoán xem có phải là anh đến không. Còn anh thì chẳng bao giờ biết.
Trong vụ cháy đó, Quỳnh không hề bị thương, chỉ mê man rất lâu. Rất rất lâu, không có ác mộng, không có van xin, tất thảy rất an ổn, lặng lẽ. Quỳnh nghĩ, có lẽ đó chính là điều Trầm Hoà nói, cảm giác thời gian xuyên vụt qua, san phẳng mọi chuyện. Khi cô tỉnh lại, cảm thấy rất nhẹ. Cô không đi nghiền ngẫm người đốt cháy ngôi nhà để tất cả cùng kết thúc là Tùng Vy hay Tiểu Nhan. Khi lửa bùng lên, Quỳnh nhìn qua cửa sổ thấy Tùng Vy và Tiểu Nhan. Họ đứng đó chờ đợi những người thân đến đưa họ ra đi. Trên khuôn mặt sáng bừng tình mẫu tử và tình yêu người thiếu nữ. Thời khắc đó, trông họ thật hoàn hảo.
Quỳnh không hề dùng những "hối hận", "nhớ nhung".v.v... để quấy rầy Trầm Hoà. Anh là chàng kỵ sĩ phong trần ghé qua nhà cô năm cô mười bốn tuổi. Anh đi đến lúc mệt tất sẽ dừng lại, ngủ một lát. Anh đi nhanh hơn cô, ngủ ở phía trước, chờ cô đến.
52.
Quỳnh đi trong hành lang lạnh lẽo của bệnh viện, lên cầu thang, rẽ ngoặt, lại lên cầu thang. Người phụ nữ có khuôn mặt tái nhợt, trong bộ đồ đen tuyền, đeo cặp kính đen, to đến mức khoa trương này đã là nữ nhà văn nổi tiếng trẻ tuổi nhất. Cô được mời sang giảng bài ở một đại học ở Ý, bởi không lâu trước đây, sách của cô được xuất bản tại Ý, đã tạo nên tiếng vang lớn ở đó. Nhưng trong buổi chiều mùa đông này, không ai biết cô lặng lẽ đến bệnh viện, đi thẳng lên tầng ba. Hành lang hết sức tăm tối, cô bước đi, bước đi chợt trào nước mắt. Cô nghĩ, tại sao mình lại sợ hãi đến vậy, em bé của vì lý do gì mà không dám nhìn người đời? Cô lên cầu thang, trong lòng liên tục nói lời vĩnh biệt với đứa bé. Cô đã quyết tâm như vậy, nên không cầu xin sự tha thứ của nó.
Sắp Tết, trong bệnh viện chỉ có vài bệnh nhân, một số phòng đã khoá cửa từ đầu giờ. Ngoài trời tuyết đang rơi, trong nhà như càng đen, càng lạnh hơn.
Quỳnh trông trên dãy ghế băng ở trước phòng khám khoa sản trên tầng ba có một khuôn mặt rất quen. Quỳnh sững người, lặng lẽ quan sát người đó. Chính là Mạn. Bà mẹ Mạn của cô. Trông Mạn giống một thị dân nghèo nhếch nhác, mặc chiếc áo khoác lông vịt màu lục trơn, đôi giày đế phẳng màu đen đã bục vết keo dán. Trong ấn tượng của mình, có lẽ đây là lần đầu Quỳnh thấy Mạn đi giày đế bằng. Mạn trở nên thô kệch, chiếc cằm nhọn đã biến mất, trên lớp da nhũn nhão là những vết ban màu nâu. Quỳnh bấy giờ mới nhớ ra trên đời này mình vẫn còn một người ruột thịt.
Quỳnh không hiểu tại sao mình lại có thể gặp Mạn giữa chốn này. Kinh nghiệm tổng kết của cô là Mạn luôn xuất hiện ở những nơi cô gặp xui xẻo, mất mát, cùng quẫn. Có lẽ lần này cũng vậy. Cô định quay lưng bỏ đi, lúc khác lại đến khám. Nhưng cô vẫn nhìn Mạn, rồi bỗng cảm thấy, giờ phút này, trong mắt Mạn ánh lên sự dịu dàng, hiền hậu. Đôi mắt đó không còn hung dữ, sắc nhọn như trước. Sự dịu dàng của tình mẹ con trong mắt Mạn kéo Quỳnh lại gần bà, thậm chí không để tâm đến việc có thể mình sẽ gặp những điều trắc trở.
Mạn không nhận ra cô, cho đến khi Quỳnh bỏ kính đen ra. Hai người nhìn nhau trong hành lang tối tăm của bệnh viện. Họ nhìn nhau. Quỳnh mặc áo khoác dài xám, bốt cao với màu xanh thẫm phối với màu hồng đào. Tóc cô bây giờ đã rất dài, dài hơn cả tóc Mạn trước đây. Son môi của cô đỏ sắc, trên người cô toả ra hương thơm của nước hoa cao cấp. Mạn ngắm Quỳnh, cô gái này thật đẹp, thật giống mình trước kia.
- Mẹ ốm à? Quỳnh hỏi. Cô vốn không thèm đếm xỉa đến bà, nhưng bộ dạng của Mạn thực sự khiến cô thấy xót xa.
- Không, mẹ đang có thai. Mạn trả lời, giọng điệu bình thản.
- Á... Hôm nay... làm phẫu thuật phải không ạ? Quỳnh kinh ngạc hỏi tiếp - cô và mẹ lại làm phẫu thuật cùng ngày.
- Không, đến khám thôi, mẹ muốn có đứa trẻ. Mạn lại bình thản đáp. Quỳnh dường như không tin vào tai mình. Người phụ nữ bốn mươi tuổi trước mặt cô là người từ khi sinh ra đã luôn oán hận, căm ghét cô. Một người mẹ căm ghét mọi đứa con, giờ đây muốn có đứa bé.
- Vì sao? Quỳnh hỏi.
Mạn ngẩng mặt lên nhìn Quỳnh, chậm rãi nói:
- Đến độ tuổi như mẹ, con tự nhiên sẽ hiểu đứa con quan trọng đến mức nào. Với con, mẹ đã thất bại, giữa hai người không có tình yêu. Điều đó đã không thể bù đắp. Mẹ cũng không hy vọng con sẽ đối xử tốt với mẹ. Không có tình yêu mà chỉ là sự hiếu thuận, đó chính là mẹ nợ con quá nhiều. Mẹ không muốn vậy. Vì thế mẹ muốn làm lại từ đầu, cố gắng sinh hạ và nuôi dưỡng một đứa con. Con đã rất thành công hôm nay, nhưng mẹ chưa hề giúp đỡ con, con cũng không thực hiện giấc mơ của mẹ. Vì vậy, sự thành công đó không liên quan đến mẹ. Sau này mẹ sẽ tận lòng dạy dỗ đứa trẻ, nó sẽ biến giấc mơ của mẹ thành hiện thực. Lúc đó, mẹ sẽ tìm thấy niềm an ủi.
Mạn nói xong, lại ngẩng mặt nhìn Quỳnh mỉm cười. Người phụ nữ kiêu hãnh, dù lâm vào tình cảnh khó khăn, vẫn không cúi mình cầu xin gì ở con gái. Bà cũng không tùy tiện giơ tay, bà ta tin mình vẫn còn thời gian và tình yêu để trao đổi.
Mạn đã bán tin tức về Tùng Vy, được một khoản tiền không nhiều, nhưng rồi lại bị một gã đàn ông cặp kè khác lừa lấy mất. Đúng trong lúc cùng quẫn, bà bỗng phát hiện ra mình có thai. Điều khiến bản thân bà không tin chính mình là cảm giác ấm áp triền miên đang sưởi ấm khắp người bà. Mạn cảm thấy trong bụng mình là một đứa trẻ đầy sức sống, đang dùng thân nhiệt vỗ về an ủi bà. Ông trời cuối cùng đã cứu vớt Mạn, cho bà một niềm hy vọng.
Lời của Mạn khiến Quỳnh suy nghĩ rất nhiều, đồng thời cũng thấy ớn lạnh. Quỳnh đặt tay lên bụng mình một cách vô thức. Thời khắc này, cô thực sự hoang mang, cô đã từng muốn từ chối sinh mạng nhỏ bé này, bởi vì trách nhiệm phía trước quá nặng nề. Nếu cô không đủ tình yêu và hy sinh bảo vệ nó, khiến nó thất vọng với cuộc đời, thì chẳng bằng đừng bắt nó phải đến với đời. Nhưng lúc này, khi cô nhìn thấy người mẹ đã luống tuổi của mình đang nâng niu sự sống bằng lòng dũng cảm của tình mẫu tử, Quỳnh bỗng cảm thấy bao nhiêu cái gọi là suy nghĩ đắn đo kia bất quá chỉ là mượn cớ trốn tránh.
Quỳnh đối diện với người mẹ mà cô từng căm ghét nhất giữa hành lang âm u của bệnh viện, lòng ngổn ngang trăm mối. Cô không biết mình nên quyết định thế nào.
Người phụ nữ ngẩng mặt nhìn con gái mình. Bà dĩ nhiên nhìn thấy nỗi đau buồn, khổ sở ẩn chứa trong ánh mắt cô. Bà hiểu Quỳnh đến làm gì. Bỗng nhiên bà cảm thấy thời gian như quay lại. Con gái chính mình là mình trước đây. Nó đứng về phía mình của hai mươi mấy năm trước. Bà cảm thấy mình đang trở lại với quá khứ, bà đang chọn lựa lại từ đầu.
Cô gái nhìn mẹ. Cô cảm thấy mặt bà nghiêm trang, và vẫn thoáng nét kiêu hãnh, tự tin. Tất cả thật giống với nhiều năm trước, phía trước cô là một thiếu phụ như cánh chim khổng tước rực rỡ. Cô bỗng thấy, có lẽ đây chính là điều Trầm Hoà đã nói - thời gian thật ghê gớm. Thời gian trôi thật nhanh, những hận, những sầu của người phụ nữ này đã bị san bằng. Lúc này đây, bà lại lên đường, gọn gàng, ngay ngắn.
16/12/2004
Hết