– Tao thấy mày có thể đắc đạo đó Tố Oanh!Mai Nhi vừa nhấm nháp miếng bánh đậu xanh vừa nheo mắt nói tiếp bằng giọng đùa cợt:– Nhưng thôi, tu bao nhiêu đó đủ xiêu lòng ông Duy rồi. Mà tao thấy ngộ ghê!Vương Duy với Lâm Đình cạnh tranh nhau cả trong chuyện cưới vợ nữa hay sao ấy.– Vì đâu mày nghĩ như vậy?– Vì mày chớ vì đâu! Mày bảo quan hệ giữa mày và Duy là quan hệ trao đổi chớ chẳng yêu đương gì. Ông ta thừa biết mày sáu câu về mày nhưng vẫn cưới.Thế thì...thì...Nhấp nháy đôi mắt rất lém, Nhi cười cười:– Phải tại Duy thấy Đình cưới con Phượng nên ông ta cũng vội cưới mày, kẻo thua cơ hay không? Hay vì một mục đích nào...cao siêu hơn nữa?Tố Oanh bĩu môi thản nhiên nói:– Anh ấy cưới tao vì yêu tao, đó là lý do cao siêu nhất chớ chẳng phải vì mục đích nào cả. Mày chỉ hay tưởng tượng ra những điều chỉ có trong truyện của ông Triết. Tiếc rằng truyện ấy chưa in ra được. Nếu không, thiên hạ lại “cạnh tranh” nhau, ùn ùn làm đám cưới để rồi “bồng bế nhau lên núi ở non” thì chẳng biết đâu mà nói.Mai Nhi trợn mắt:– Làm gì mày cay cú vậy! Tao đùa có tí xíu mà đã tự ái. Hì...hì...Yêu thật rồi chớ gì, nên mới chạm vào người yêu nhè nhẹ thôi mày đã cáu tiết. Nầy! Hết chê đầu hói, bụng to rồi hả?Tố Oanh phì cười, cô sợ mồm mép của Mai Nhi luôn. Oanh trả đũa:– Bút pháp của tay Triết mà cỡ miệng lưỡi của mày thì chẳng lo truyện viết ra không ai đọc.Thản nhiên, Mai Nhi đáp:– Rất tiếc điều đó không xảy ra, vì ông Triết bảo rằng thà sách ông ế còn hơn mang bút pháp của...mụ chủ hụi.Nhìn qua Oanh, Nhi hất cằm:– Nãy giờ đùa, bây giờ thật. Sao hôm nay “rồng cái” hạ cố đến nhà “tôm he”.vậy!Oanh nhăn nhó:– Sao mày khó chịu với tao vậy Nhi? Ở nhà hoài không ghé mày thì mày nói tao tu, sắp đắc đạo giờ đến thăm thì mày lại móc họng. Nếu nói theo cách của mày, thì lão Triết cũng nên “cạnh tranh” với Duy và Đình đi cho rồi, kẻo càng già mày càng đành hanh quá quắt.Nhi im lặng. Cô đang tìm xem vì sao nãy giờ cô cứ gây gây với Oanh mãi.Lâu lắm rồi, kể từ hôm Nhi hăm hở đem tất cả nhiệt tình của mình đến gặp Oanh, khuyên Oanh đừng quyến rũ Trường mà sẽ khổ Phượng và đụng phải bộ mặt dửng dưng vô tình, vô nghĩa của Tố Oanh đến nay, Nhi rất bất nhẫn. Chút tình cảm mong manh cô còn cho Oanh rơi rụng đâu mất, thay vào đó là sự khinh rẻ và...ghét rất tự nhiên. Dù Tố Oanh vẫn đến mỗi tháng đóng hụi cho Nhi, nhưng giữa hai người là một khoảng cách vô hình. Oanh muốn lẩn, Nhi muốn tránh, việc đã xảy ra rồi, chẳng ai muốn nhắc đến khi Tố Phượng đã lặng lẽ nhận hết phần thiệt thòi về mình. Để rồi sau đó, Phượng và Đình yêu nhau, Nhi lại thắc thỏm, dầu biết Đình không như Trường, Nhi vẫn lo. Vì Oanh đã từng đeo một tài xế để anh ra chạy hàng cho cô, thì với một tổng giám đốc, cô có trăm ngàn kế để quyến rũ. Oanh bao giờ cũng cố làm cho bằng được điều cô ta muốn kia mà!Thế nhưng chẳng biết vì sao Oanh lại thay đổi. Có thể cô gặp một thành trì quá vững, cũng có thể cô đã “tỉnh” ra để biết rằng, nếu cuộc sống được xây trên tham vọng con người ta chẳng có hạnh phúc thật sự, nên Tố Oanh đã đằm trở lại.Sau đó là cái chết của Trường. Oanh giấu rất kỹ xúc cảm của mình, nhưng Tố Phượng vẫn nhận ra Oanh khổ nhiều vì ân hận. Cô đã từ chối không đi thăm mộ Trường. Hôm ấy chỉ có Nhi, Phượng và Đình ra tận chân con đèo hiu hắt lau thưa để đốt cho Trường vài nén nhang, nhỏ vài giọt lệ rồi quay trở về trong buổi chiều mưa tầm tã.Tố Phượng bệnh ngót nửa tháng vì bị cái chết của Trường ám ảnh. Tố Oanh lầm lì bên khói thuốc và cả bên ly rượu, để rồi sau đó cô lao vào công việc với Vương Duy như để quên những ray rức trong lòng.Bây giờ Oanh sắp đạt được điều cô mơ ứơc. Là vợ giám đốc, cô còn gì bâng khuâng mà đôi mắt sắc ấy cứ như có muôn con sóng dao động.Mai Nhi nén lòng dẹp đi những thành kiến có từ đời nào với Oanh để vô tư hơn khi nói chuyện với cô:– Mày tính kỹ lắm rồi mới đồng ý tổ chức cưới trong năm nay phải không?Cũng tốt đó! Tao nghe đồn tuần sau bà vợ cũ của ông Duy về nước. Phải coi chừng mày ạ!Tố Oanh khinh khỉnh:– Tao cũng đang chờ xem mặt bà ta đây! Với lại, cái gì phải coi chừng. Ai cũng già đời hết rồi, có lạc đi đâu mà sợ.Nhi cười hà hà, nửa đùa nửa thật:– Có thật không sợ hôn đó, khi ông ta vẫn chưa thật là của mày. Mà mày xem chừng đã yêu thật ông ta.So vai, Oanh hất mái tóc ra sau:– Yêu người sẽ là chồng mình có gì là sai. Trong đời chẳng lẽ tao không được yêu ai?– Hì...hì...Trái lại mày yêu hơi tham ấy chứ?– Xì! Ai yêu lại không tham.– Có điều là tham khôn hay tham ngu thôi. Mày quên câu “tham thì thâm”.rồi sao Oanh?Tố Oanh nhíu mày khó chịu:– Mày nói vậy là sao?Nhi tửng tửng:– Thông minh như Tố Oanh mà không hiểu à? Người ta bảo “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Xem chừng bề dày yêu đương của mày không chống nổi độ nhọn lõi đời của Vương Duy đâu.Liếc Oanh một cái, Nhi bồi thêm:– Hồi nhỏ, tao hay nghe bà nội kể chuyện thần giữ của. Nội tao bảo đời xưa người Tàu giàu có thường bỏ tiền ra mua con gái về chôn theo số của cải của họ ở những nơi bí mật. Các cô gái nầy chết sẽ thành thần giữ của cho họ. Đời nầy, người Tàu vẫn thức thời trong việc nầy, dĩ nhiên họ không chôn được ai.Tố Oanh long đôi mắt đẹp lên:– Đồ quỷ! Mày muốn nói Duy cưới tao về cốt để giữ của, trông nhà, chớ anh ấy chẳng yêu thương gì tao hết phải không?Mai Nhi tỉnh queo:– Mày hiểu sao thì hiểu. Với lại ý mày cũng muốn vậy mà. Tao nhớ có lần mày nói với tao mày chỉ cần biết cái túi của ông ấy ra sao chớ không cần biết trái tim ông ta đập thế nào cả.Tố Oanh bỗng bừng bừng tức giận. Cô muốn đập một cái gì đó cho hả. Mẹ kiếp! Con yêu tinh nầy bắt đầu ganh ghét với địa vị, tiền tài cô sắp hưởng nên nói năng nhăng cuội, lỡ đến tai Duy thì chẳng hay ho gì! Rồi Tố Oanh khựng lại với ý nghỉ vừa có. Cô cười chua chát. Duy cũng như mọi người khác, không ai nghĩ rằng hiện giờ cô chỉ yêu ông, cô bớt yêu những thứ của cải, địa vị ông có.Với cô, bây giờ Vương Duy là trên tất cả mọi thứ. Thế nhưng ngòai trái tim cô đang thổn thức vì yêu kia, còn có ai tin rằng Tố Oanh đang thổn thức vì yêu kia, còn có ai tin rằng Tố Oanh đã thay đổi, vì đúng là trên đời nầy chẳng có gì bền lâu được, ngay Tố Oanh với Tố Oanh đây thôi cũng khác trước rồi!Trấn tĩnh lại, Tố Oanh mềm mỏng:– Trước kia thì tao không bao giờ nghĩ mình sẽ yêu thật sự một người đàn ông nào. Với tao, hình như tình yêu là cái gì đó nhằm thỏa mãn một khát khao như sự tò mò hoặc đáp ứng yêu cầu của một giai đọan sống hay đạt cái gì đó như địa vị. Tức là tình yêu lúc nào cũng đi kèm quyền lợi. Tao yêu và không bao giờ cho rằng tình yêu phải là sự say mê thuần túy về tâm hồn về con người, cũng như tao không thể nào hiểu nổi sao có nhiều người đã sống chết, hy sinh vì nó.Nhi cười cười:– Còn bây giờ, mày thay đổi cách yêu rồi à?Chẳng để ý câu mai mỉa của Nhi, Oanh buồn buồn:– Có lẽ trên đời nầy chỉ có một cách yêu. Và tao đã yêu đúng cách để thấy và nếm đủ mùi vị của nó.– Lâu lâu nghe mày ca sáu câu cũng muồi dữ! Nãy giờ tao đùa cho vui thôi, chớ ông Duy lụy mày thấy mồ, chồng già vợ trẻ mà! Ổng không lo mày bỏ ổng thì thôi, hơi sức đâu mày đi lo ngược lại.Như sực nhớ ra điều gì, Nhi kêu lên:– Oanh nè! Cách đây mấy hôm tao gặp thầy Sang. Bất ngờ lắm mày ạ! Đố mày đóan ra vị “đệ tử lang quân” của mày bây giờ làm gì, ở đâu?Nhún vai, Oanh đáp:– Mày đố làm gì cho mất công, có khi nào tao quan tâm tới ông ta đâu mà biết.Thấy Nhi có vẻ cụt hứng, Tố Oanh bèn hỏi:– Vậy chớ mày gặp ảnh ở đâu, làm gì...và với ai?Mắt Mai Nhi bỗng vui hơn bình thường khi Oanh nghe cô nhắc đến tên người cô yêu:– Hôm thứ hai anh Triết chở tao đến nhà một tay phát hành sách khá gộc ở Sài Gòn nầy, thì cũng ba cái vụ sách vở, bản thảo của ảnh thôi! Đó là một ngôi biệt thự nhỏ khá xịn. Vào ngồi ở phòng khách tao cũng tò mò muốn biết mặt người mà giới viết lách gọi là đầu nậu, để rồi cà lăm khi đứng lên chào...thầy...Sang. Ha...ha...ha...Nhớ lại tao còn buồn cười, lúc ấy chắc mặt tao tiếu lâm lắm hay sao mà ông ta vừa vồn vã bắt tay tao vừa hỏi:– Làm gì em ngạc nhiên dữ vậy. Thầy nghỉ dạy để qua làm sách lâu lắm rồi.Bộ em không biết sao?Nghe thầy hỏi, tao cười thầm trong bụng...Nhưng vẫn lễ phép lắc đầu ngơ ngác. Đến lúc vợ thầy bước ra thì tao còn tròn con mắt hơn nữa...– Ông ấy lại cưới vợ nữa à!– Không lẽ thầy chờ mày trở về? Mày đoán xem ai...cũng chẳng lạ đâu?Tố Oanh nhăn nhăn:– Ai? Quen à? Không lẽ cô Thoa?– Đúng phóc! Điều làm tao tròn mắt là cô Thoa đang mang bầu ì ạch gần đến ngày sanh rồi. Và thầy Sang hí hửng ra mặt về việc mình sắp có con.Tố Oanh nhìn xa xăm:– Mày thấy anh Sang có gì thay đổi không?– Thay đổi à? Chắc phải có thôi, nhưng chủ yếu là nội dung, còn hình thức vẫn y như cũ.– Nghĩa là sao chớ!Mai Nhi hóm hỉnh:– À! Nghĩa là thứ nhất, thầy vẫn “sính” đọc thơ như xưa, có điều nội dung thơ đã khác. Ngày xưa thầy toàn đọc thơ tình yêu cho học trò nghe, ngày nay thầy đọc thơ...Tình đời cho...nhà văn...nghe. Tao phải phục lăn thầy đấy! Với giọng sang sảng, thầy đọc những bài thơ mà thầy bảo nhờ vào nó, bản thân thầy mới vươn lên, vượt qua mọi nhọc nhằn gian khổ để sống. Thứ hai, thầy vẫn có thói quen thao thao bất tuyệt không để cho ai nói xen vào được. Dĩ nhiên thầy không giảng bài, mà thầy đang khoe khoang, kể lể những việc tốt thầy đã làm được là phát hành sách cho biết bao nhiêu tác giả trên toàn quốc.Tố Oanh tủm tỉm:–...Trong đó có anh chàng Triết của mày!– Ừ. Cứ cho là như vậy! Nghĩ lại tao tiếc sao mình đã gặp lại thầy. Vì dù thế nào đi chăng nữa, hình ảnh thầy Sang trên bục giảng vẫn tuyệt đẹp ở lứa tuổi học trò, đã lăn lóc quá nhiều với đời, thầy nói nhiều chỉ làm tao thất vọng.Ngước nhìn Oanh, Nhi nói:– Thầy hỏi thăm hai chị em nhà Tố, tao trả lời đầy đủ. Thầy bảo:“rất an tâm và vui mừng”. Cuối cùng thầy với cô gởi lời thăm Tố Oanh, Tố Phượng.– Vậy còn...Cô Thoa ra sao, có thay đổi để phù hợp với nghề mới của đấng ông chồng không?Ngẫm nghĩ một chút, Mai Nhi thong thả:– Cô Thoa vẫn trầm trầm ít nói như xưa. Tao để mặc ông Triết với thầy Sang đối đáp, ngâm vịnh, chạy tọt xuống bếp trò chuyện với cô ấy. Thì ra sau khi cưới nhau, thầy Sang xin nghỉ dạy, thầy bắt đầu tập tành làm quen việc bỏ vốn ra in sách rồi phát hành nhờ anh Hai của cô Thoa. Việc nầy xem rất phù hợp với khả năng của thầy nên chẳng bao lâu hai vợ chồng không phải nhờ vả cha mẹ.Ra khỏi môi trường cũ, cô Thoa bảo rất thoải mái vì những cái gì thuộc về quá khứ không còn ai biết để moi móc lên nữa.Tố Oanh cười một mình, cô nghe giọng Nhi liến thoắng:– Xem chừng vừa xấu vừa già như cô Thoa vậy mà hay cho thầy Sang. Mà nầy! Ít ra ông Sang và mày cũng có một điểm giống nhau...Trợn mắt, Oanh ngạc nhiên:– Điểm nào đâu? Tao tìm không ra!– Mày và ông có cách sống lấp lửng giống nhau. Mày thì lấp lửng trong tình yêu, còn thầy Sang lấp lửng trong công việc làm ăn.– Sao mày lại nói vậy hả Nhi?– Mày yêu như thế nào thì tao khỏi bàn. Còn ông Sang, tao mới biết qua lời anh Triết. Từ xưa, thầy đã đứng trên bục giảng để bộc bạch rằng đời thầy có hai nỗi đam mê mà không bao giờ thầy xa rời được là thơ ca và âm nhạc. Dĩ nhiên thầy không thể được là ca sĩ rồi, nên nghiệp văn chương đã theo chân thầy khi chọn tác phẩm và nỗi đam mê xưa được thầy thể hiện được bằng quyền định đoạt số lượng sách in ra. Trong lãnh vực nầy, thầy Sang quả là một thiên tài.Thầy đánh giá chính xác bản thảo nào có giá trị văn học lâu dài, tác phẩm thời thượng viết theo thị hiếu để rồi sau đó...Hì...hì...Sốt ruột, Oanh gắt:– Mày cứ cà kê hoài, mất thời gian. Nói hắt cho rồi!– Ờ! Để rồi sau đó thầy mới lấp lửng bảo rằng các tác phẩm tâm huyết viết cả năm, đụng tới chân tơ kẽ tóc, ngóc ngách của cuộc sống, của xã hội thì rất đáng được trân trọng. Thế nhưng khó lắm! Tốt nhất vẫn là viết về tình yêu đời thường, vừa dễ bán chạy vừa không động đến ai vừa mau làm giàu cho thầy.Nhi trầm giọng xuống hỏi Oanh:– Có phải thầy đã thay đổi hoàn toàn rồi không Oanh? Nói thật, mày yêu lấp lửng chỉ mình mày khổ hoặc sướng, còn lấp lửng kiểu hô hào một đàng, giấu mặt làm theo một nẻo khác kiểu thầy Sang thì chết chẳng biết bao nhiêu người.Oanh ngước mắt nhìn lên trần:– Mày khéo thần tượng hóa ông thầy của mày, chớ Sang bao giờ cũng vậy, lập lờ lấp lửng trong cách nghĩ, cuộc sống. Ngày xưa nếu tao không cố đấm ăn xôi thì cũng dễ gì trói chân được ảnh. Hừm! Sang đâu phải là dân trí thức đương thời. Cách suy nghĩ, đời sống riêng của gia đình Sang nói xưa cũ như đời nào đâu ở thuở phong kiến. Anh ấy là kẻ sĩ của thời đại vi tính đó mày ạ. Biến đổi cho hợp thời thì chớp nhoáng như cái cốt thì muôn đời vẫn là cổ lỗ của một lão đồ nho mặc veston thắt cà vạt, miệng vờ vịt rao giảng luân thường đạo lý, truyền thống dân tộc nhưng tay thì vung lên phá hoại.Nhi nhìn Oanh trân trân:– Mày nói nghe ngon thật!– Chắc vì tao hiểu ông ta hơn ai hết.Thở dài, Oanh nói tiếp:– Mày hiểu để làm gì nhỉ? Mày nói tao giống Sang tức là sỉ nhục tao. Có thể tao rất nhiều thói hư tật xấu, nhưng không bao giờ tao giống Sang. Tao đã biết thế nào là yêu một người, còn Sang thì không. Suốt đời anh chỉ biết yêu bản thân mình.Mai Nhi ngờ vực:– Bộ mày yêu ông Duy thật à!Mặt Oanh đầy thất vọng, cô não nề thốt lên:– Chắc không yêu thật đâu! Vì tất cả mọi người kể cả Duy, chẳng ai tin như vậy.Tố Oanh một mình trong thang máy của nhà hàng. Cô tựa lưng vào vách cố gắng lấy lại bình tĩnh trước khi thang ngừng dưới đất. Oanh không muốn bất kỳ ai nhìn thấy cô đang hổn hển xúc động vào lúc nầy cả.Để một tay lên ngựa, Oanh hít vào một hơi thật sâu.– Ôi trái tim quỷ quái! Sao hôm nay mày lại phản chủ vậy!Oanh gượng gạo cười với chiếc gương soi nhỏ xíu cô vừa lấy trong ví, rồi bứơc ra ngoài. Cô vừa tới cửa nhà hàng thì đã thấy một người bồi chạy tới.– Thưa bà! Ông Vương Duy xin bà đợi vài phút. Ông ấy sẽ xuống ngay!Giọng Oanh dửng dưng như chẳng màng để ý dù trong lòng cô bão tố đã tan rồi:– Ông ấy nói vậy thật sao?– Vâng! Ông Duy vừa điện thoại xuống...– Tiếc quá! Tôi không chờ được. Phiền anh lên bảo rằng tôi rất mệt, phải về ngay thôi!Dứt lời, Tố Oanh quay lưng bước đi. Ngoắc chiếc xích lô, Oanh khoan khoái thả người xuống tận hưởng chút gió từ bờ sông đêm thổi vào mát lạnh. Đầu óc ôc tỉnh táo lại để cô suy gẫm những việc mình vừa làm.Tối nay là tối Duy tổ chức dạ tiệc mừng người vợ cũ. Ông nói với Oanh đó chỉ là cái cớ để ông có dịp tiếp xúc thân một người đại diện công ty mà ông sẽ bán sản phẩm của ông cho họ. Người đại diện nầy là bạn thân với vợ cũ của ông.Duy bắt buộc Tố Oanh phải có mặt trong tư cách vợ sắp cưới của mình.Oanh đã suy đi nghĩ lại để thấy rằng nếu từ chối là cô rất dở, là cô đã vô tình bỏ đi cơ hội cho tất cả mọi người biết Tố Oanh là ai, là gì của Vương Duy.Và quả nhiên mọi người được mời, chủ yếu là nhóm bạn gốc Hoa của Duy đã biết Tố Oanh là ai, thế nhưng qua lần giới thiệu, qua cái gật đầu, bắt tay họ đã quên bẵng cô để tíu tít bu quanh bà ta, người đàn bà một thời làm chủ trái tim Duy.Tố Oanh như trôi đi trong thế giới xa lạ với những người lạ cùng ngôn ngữ của họ. Cô đã dịu dàng, lịch sự, kiên nhẫn với tất cả bản lĩnh mình có được để đối phó với tình địch. Hừ! Dù sao bà ấy cũng là địch thủ của cô. Một địch thủ kỳ phùng.Thế nhưng có lẽ Oanh rất vụng về khi muốn che giấu nỗi ghen tuông khổ sở của mình, cô thấy nóng mặt và khó chịu khi ai đó nhìn cô rồi xí xô xí xào một ngữ điệu chói tay với bà ta. Cô không thể đóng kịch để giấu che cơn ghen ghét đang tràn lên. Lần đầu tiên trong đời Oanh đã hiểu ghen là thế nào khi thấy Duy âu yếm choàng tay người vợ cũ. Cô muốn chóng mặt và muốn đập phá, cấu xé một cái gì đó khi bà ta đến trước mặt cô, miệng mỉm cười khiêu khích:– Cô trẻ và đẹp vô cùng, nhưng bao nhiêu đó chưa đủ giữ trái tim Duy đâu.Vì trái tim ảnh thuộc về quá khứ!Cầm ly rượu trên tay mà Oanh thấy được chất rượu sóng sánh bên trong.Cho đến bây giờ Oanh vẫn không hiểu vì sao cô đã hất nguyên ly rượu ấy vào người bà ta. Rượu ướt chiếc áo dài vàng rực thêu những đóa hồng to kệch cỡm.Vứt cái ly xuống sàn, Oanh lạnh lùng:– Hành động nầy của tôi cho bà thấy tôi sẽ làm bất cứ việc gì để Duy là của riêng tôi.Nhắm mắt lại, Oanh nhớ cô đã nén để giữ bình tĩnh ra sao khi bỏ chạy đến cầu thang máy. Đưa tay khẽ bóp trán, Oanh ân hận rêu rỉ:– Tại sao ta lại hành động lỗ mãng, cộc cằn như một mụ bán cá vậy, để rồi bây giờ phải bỏ về như chạy trốn. Muộn quá rồi! Ta làm mất mặt Duy và dìm tình yêu của ta xuống bùn đen rồi! Anh ấy sẽ không bao giờ tha thứ...– Cô về đâu đây?– Anh cứ chạy tới đi!Đầu óc Tố Oanh quay cuồng, quay cuồng. Cô sẽ làm gì cho qua hết đêm nay.Rồi đêm mai, đêm kia khi cô biết rõ những đêm tiếp theo nữa cô không có được người đàn ông của riêng mình.Tố Oanh lẩm bẩm:– Tại sao? Tại sao mình không làm chủ được bản thân chỉ vì một câu khiêu khích tầm thường. Lẽ ra mình phải khôn ngoan độp lại bằng một câu thông minh hơn, thâm thúy hơn thì mình lại làm điều ngu ngốc thiếu suy nghĩ mà Duy rất ghét.Phải! Duy rất ghét những kẻ hành động hồ đồ thiếu chín chắn, thiếu bản lĩnh, không kiềm chế bản thân. Trước đây Oanh từng hãnh diện vì bao giờ cô cũng được Duy đánh giá là cô gái trẻ nhưng sâu sắc, từng trải tính toán, hiểu rõ hành động của mình trước khi làm nên ông đã chọn cô trong muôn ngàn người đàn bà khác.Thế nhưng hỏng to rồi! Tố Oanh đau đớn ngậm ngùi. Cô đổ hất ly rượu vào người tình địch vì cô quá sức yêu Duy hay vì cô yêu cô. Oanh lắc đầu xua mọi suy nghĩ, đôi mắt ráo hoảnh nhìn vô hồn hai bên đường. Đột nhiên, cô buột miệng nói một địa chỉ quen thuộc mà lâu rồi cô thề là không trở lại.Người đạp xích lô hăm hở đạp nhanh hơn. Mồm anh ta nghêu ngao hát một bài nhạc rầu rầu...“Đường thương đau đầy ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người. Trông thói đời cười ra nước mắt...”.Phải gọi đến lần thứ ba, Hùng mới ra mở cửa. Trong tranh tối tranh sáng của hàng hiên, Oanh thấy gương mặt khá bảnh trai của Hùng tươi lên khi đã nhận ra cô:– A! Vẫn còn vương nợ nên vẫn gặp nhau!Hùng nép qua một bên cho Oanh bước vào. Căn phòng bề bộn càng bề bộn hơn với những chiếc quần, cái áo bị vứt ném lung tung trên giường, dưới đất.Oanh chẳng biết ngồi đâu nên đứng giữa phòng nhìn anh vơ vội vơ vàng các thứ hổ lốn ấy.– Anh làm gì mà vung quần áo đầy nhà vậy?Hùng cho tay vào túi một chiếc áo lục soát:– Anh đang tìm xem có chút may mắn nào còn sót lại với cái thời vận đen tối của anh không? Em ngồi đỡ xuống giường đi.Vứt chiếc ví lóng lánh kim tuyến lên giường, Oanh buột miệng:– Cháy sạch túi rồi à! Đáng buồn thật!Mắt Hùng ngừng lại trên người Oanh như ước lượng đáng giá. Khi nghe cô nói xong, anh cười cười:– Lại bực bội “khứa lão” nên mới đến đây chớ gì. Xem nào! Trông em vừa “xịn” vừa sang, nhưng cái túi chẳng biết có “sộp” không.– Đừng nói nhảm nữa! Cho em xin điếu thuốc! Đang chán mọi cái đây!Hùng khệnh khạng bước đến bàn lấy gói thuốc rồi trở lại ngồi xuống bên Oanh:– Duy nhất con một điếu, dành cho em.Vừa nói anh vừa gắn thuốc lên đôi môi hơi trề rất dễ yêu của Oanh và bật quẹt.– Lâu ghê là lâu mới trở lại. Em tưởng anh đổi chỗ rồi chớ!– Với anh khi nào có một sự kiện nào đặc biệt lắm mới đổi chỗ. Lần thứ nhất là anh tát em hai bạt tai bỏ học ra đi. Anh qua tận Nam Vang, ở đó đánh bài sướng nhất Oanh ạ! Nhưng cũng vì tranh ăn, anh đã thí mạng một thằng anh chị nên phải đổi chỗ lần thứ hai.Oanh phún khói thuốc:– Vậy sao hồi đó đến giờ em không nghe anh kể chuyện đâm chém ấy?– Đâu phải lúc nào người ta cũng kể cho kẻ khác nghe hết mọi khúc quanh của đời họ. Hừ! Chỉ có những lúc “sạch sẽ” như vầy thì mới buồn nói để thấy đời mình từ tệ đến tệ.Liếc Oanh bằng đôi mắt long lanh khác thường, Hùng nói tiếp:– Những lúc thua chẳng còn một xu thường là lúc đầu óc anh căng thẳng và trái tim anh rối nhất. Rồi anh mà hết tiền thì lương tâm anh cũng biến mất tiêu.– Em hiểu! Còn tiền đâu nữa để làm việc thiện, để khoe với thiên hạ về cái lương tâm co giãn của mình.– Ờ! Thì cứ cho như em nghĩ đi! Nãy giờ anh quên hỏi xem dạo nầy em sống ra sao?– Cũng thường! Buồn vui bất chợt và không bị ràng buộc bởi ai.Tố Oanh chua xót với câu nói dối nầy. Cô cảm thấy môi Hùng vờn quanh cổ mình nóng bỏng.– Vậy...tối nay ở lại với anh. Lúc nãy tới bằng gì? Xích lô à!– Ừ. Xích lô! Nhưng em phải về!– Giỡn hoài! Sao lại về! Bao lâu rồi không gần nhau...Oanh nhắm mắt lại, cô chẳng thấy háu hức chút nào với sự vồ vập của Hùng.Giờ nầy Duy đang làm gì bên bà ta và bên đám người ấy. Ông có còn giận hay nghĩ đến Tố Oanh không? Ông có biết rằng cô đang ở đây bên một gã đàn ông cô từng chê là rỗng tuếch không? Trời ơi! Lẽ nào cô mãi mãi mất ông để chỉ có được những người như Hùng, vai u, thịt bắp nhưng nông cạn, ngu si, chẳng bao giờ hiểu thấu con người Oanh. Cô cần một người đàn ông biết làm tim cô đau khổ, mắt cô rơi lệ, cô cần một người đàn ông mà cô nể phục. Oanh cắn môi! Bất cứ giá nào cô cũng không để mất Vương Duy.Cô ngồi dậy đẩy Hùng ra:– Em về thôi Hùng ạ!– Lạ thật! Chưa gì đã về! Vậy em định ghé để trêu anh chắc?Tố Oanh thành thật:– Em xin lỗi! Khi trên xích lô đến đây em nghĩ mình sẽ thanh thản và vui, nhưng không phải vậy, lòng em cứ như ai xé. Em không thể dối lòng mình và dổi cả anh. Vả lại, em phải về trông nhà. Con bé Phượng đi Vũng Tàu chơi rồi!Hùng cười lẳng lơ:– Nhà có gì mà phải giữ! Em là quý nhất, ở đây với anh rồi còn sợ mất...hay sao?Oanh đứng dậy:– Đùa hoài! Mất xe em, rồi xe con bé Phượng thôi thì cũng đủ cụt chân. Cho em xin ly nước đi anh!Hùng nhếch môi:– Vậy là dứt tình, về thật?Oanh gật đầu. Hùng nhún vai, anh vào bếp mang ra cho cô một ly nước ngọt không đá.– Kỳ thật! Trong nhà anh mọi thứ đều hết, nhưng sót lại còn một chai Coca.Chắc là điềm hên cho anh, điều anh chưa hề nghĩ tới.Nhìn Tố Oanh uống từng ngụm nhỏ. Hùng thở dài, anh nói một câu khó hiểu:– Coi như số mạng đã sắp như thế! Anh muốn đưa em về, được chớ!Xoay xoay chiếc ly trên tay, Oanh lắc đầu:– Phiền lắm!Cô nhìn thấy mặt Hùng buồn bã:– Tố Oanh! Có lẽ ngày mai hay chậm nhất là sáng mốt anh cũng sẽ đổi chỗ.Lần nầy chắc mình sẽ không còn gặp nhau nữa đâu. Anh đi xa lắm!Oanh ngạc nhiên:– Sao lại phải đi!– Ở đây anh hết thời rồi. Tòan vận đen thôi!Nhìn Oanh bằng cặp mắt rất lạ đầy vẻ cuồng tín, Hùng bỗng nhiên đổi giọng.Anh vừa như van vỉ vừa như bắt buộc.– Hình như em là thần hộ mệnh của anh. Khoảng thời gian có em bên anh, anh luôn đỏ bạc. Đến lúc em bỏ rơi anh thì thời anh cũng hết, toàn thua bài, toàn rỗng túi. Tố Oanh! Đêm nay hãy ở lại với anh. Ở lại nhé!Nhíu mày im lặng, Oanh âm thầm hồi tưởng. Đã có nhiều lần Duy cũng gọi cô là thần hộ mạng của riêng ông. Hôm nay Hùng cũng nói y như vậy. Nghe thật lạ tai và thật buồn cười. Cô nhỏ nhẹ từ chối.– Rất tiếc! Em ghé thăm anh rồi phải về, dù biết rằng mình sắp chia xa mãi mãi.Oanh nghe tiếng Hùng thở dài:– Vậy...em cho anh đưa em về.Uống một ngụm nước ngọt cuối cùng, Oanh phá lên cười to:– Lạ nhỉ! Em nhớ anh đâu phải tuýp đa cảm để bịn rịn như đàn bà. Lần chia tay ngày xưa, anh rất oai hùng, anh mạnh bạo cho em hai tát tai rồi hầm hầm chạy mất. Lẽ đâu giờ trái tim chai lại muốn mềm lại theo điệu hát cải lương khi giã biệt.Hùng cười cười:– Anh muốn đưa em về vì muốn gây cho em một ấn tượng thật mãnh liệt về con người của anh. Một ấn tượng không bao giờ quên. Sau nầy khi nhớ đến anh, em sẽ nhớ đến hai cái tát hồi còn ngây thơ và một nỗi nhức nhối trong tim lúc đã trưởng thành.Tố Oanh lười lười đứng dậy, cô hơi buồn ngủ để chẳng thèm nghĩ sâu hơn những lời Hùng nói:– Vậy thì đi! Nhưng đưa em tới đầu ngõ thôi nhé!Giọng Hùng phấn khởi:– Xin tuân lệnh nữ thần hộ mệnh!Tố Oanh nằm vùi đầu vào gối mặc cho nước mắt trào ra. Mãi tới hôm nay, mỗi lúc nhớ lại cô vẫn nghẹn ngào khổ sở vì tức, tức đến ngạt thở, đến choáng váng. Dù sau cơn hốt hoảng đến té ngồi xuống đất cô đã bình tỉnh trở lại để chai lỳ mà ngẫm nghĩ mọi việc xảy ra trong đêm đáng rủa ấy.Cắn môi nhằm ngăn tiếng nấc thay cho tiếng chắt lưỡi như thạch sùng tiếc của, Oanh nắm bàn tay mình lại. Bàn tay trơ trọi không còn chiếc nhẫn ngọc thạch của Duy mà thời gian gần đây Oanh hay mân mê và quý hơn mọi thứ.Chiếc nhẫn yêu dấu ấy mất rồi, Tố Oanh cũng chẳng còn gì nếu không muốn nói là cô đã trắng tay và trắng cả trái tim.Cô đã bị dọn sạch nhà. Oanh chợt nhớ lại những câu Hùng nói mà chua xót.Đúng là ấn tượng Hùng gây cho cô vô cùng sâu sắc. Khi đưa Oanh về tới cổng Hùng đã nhanh tay ôm sát và hôn cô nụ hôn dài ngất ngư kèm theo lời giã từ:– Vĩnh biệt Mi Mi của Gấu Xám.Lúc ấy Oanh đã cảm động đến rưng rưng, một xúc cảm hiếm có nơi cô. Chỉ cần một tia mắt van lơn, một vòng tay ve vuốt siết chặt thêm của Hùng nữa thôi chắc Oanh đã mềm lòng.Nhưng thật ra lòng Tố Oanh vẫn cứng như đá, thay vào đó là đôi chân cô tự dưng mềm nhũn để người cô chao đi. Oanh ngả hẳn vào mình Hùng mặc cho anh dìu vào nhà, cô mơ mơ màng màng rồi không biết gì cả.Giờ đây những câu nói như “Vậy là dứt tình...Điềm hên cho anh...Số mạng đã sắp như thế...Thần hộ mệnh của anh...” được thốt ra từ miệng Hùng đêm đó quả là một ấn tượng cay đắng theo cô đến hết đời.Tất cả là do cô. Nếu Oanh không tìm đến hang gấu thì Gấu Xám làm sao có dịp để ra tay. Và nếu Hùng không thua bạc thì có thể anh ta còn nghĩ chút tình...Hừ! Đã sa vào đường cờ bạc thì ai chịu nghĩ đến chút tình. Người ta chỉ lợi dụng chút tình để có cơ may đi sâu hơn vào nỗi đam mê nầy thôi!Và Hùng là kẻ đã thực hiện việc đó một cách vô cùng bất ngờ và đầy cố ý đối với Tố Oanh. Hùng cho cô uống ly nước ngọt có thuốc mê rồi đưa cô về, trên chiếc xích lô anh ta rỉ rả những lời chia tay buồn như một điệp khúc trong bản tình ca nào đó rất cũ hòng làm Oanh mất cảnh giác.Bực bội, Oanh đấm tay liên hồi lên gối...Đêm đó cô đã chủ quan, đã quen cao ngạo xem thường người tình hờ năm xưa để hắn ta thích thú vơ vét sạch sẽ tòan bộ gia tài của thần hộ mệnh hắn.Hùng lấy đi chiếc Dream mới của Tố Phượng, và điều làm Oanh đau đớn hơn cả là anh ta đã tìm tòi, lục lọi để biết được chỗ Tố Oanh cất giấu số vàng cô đánh cắp của mẹ mình trước đây, số vàng ấy giờ được nhân đôi do công sức của Trường bỏ ra trong bao nhiêu chuyến hàng lậu.Bất chợt, Tố Oanh rùng mình. Ý nghĩ vay của ngừơi nầy trả cho kẻ khác mấy hôm nay cứ vang vang trong đầu cô. Và rõ ràng là Oanh phải trả giá khá đắt. Cô đổi tình nghĩa mẹ con, chị em và cả tình yêu của Trường là người say mê mình đến lúc chết để có được số vàng ấy, rồi cuối cùng tất cả rơi gọn vào tay thằng cờ gian bạc lận, một thứ bần cùng mà cô rất khinh.Nghĩ tới Tố Phượng, lòng Oanh dâng lên niềm thương đến ứa nước mắt.Sáng hôm ấy khi giật mình tỉnh dậy và thấy chuyện thật như mơ ràng ràng trứơc mắt, Tố Oanh đã lồng lộn như điên, khổ nỗi cô không còn sức để chạy đi khỏi nhà. Oanh ngồi như chết trân trên ghế, chưa bao lâu thì Đình chở Tố Phượng về tới.Mặt mày Phượng xanh mướt và thất sắc. Câu đầu tiên cô hỏi Oanh là:– Chị có sao không? Có bị gì không?Tố Oanh bỗng dưng bật khóc, cô vừa khóc, vừa lắc đầu, vừa hỏi lại Phượng:– Ai nói cho em biết mà em từ Vũng Tàu về sớm vậy?– Em à? Em có biết gì đâu? Chuyện gì vậy? Tự nhiên đêm qua, em không tài nào ngủ được, trằn trọc mãi, tim em cứ nhoi nhói đau, em bồn chồn lo lắng rồi hồi hộp vô cùng, dù anh Đình vẫn kế bên em. Càng gần sáng em càng lo, em nghĩ chắc chắn là có chuyện xảy ra cho chị. Vừa hừng đông là em năn nỉ anh Đình lái xe đưa em về ngay...Mà có chuyện gì?Nhìn Tố Phượng bằng đôi mắt vô hồn, Oanh thẫn thờ nói rời rạc khó hiểu:– Mất hết rồi Phựơng ơi! Em xem xe của em, đồ đạc của chị, rồi cả tình yêu, chắc anh Duy sẽ chẳng tha thứ những gì chị đã...Tố Oanh bặm môi. Cô không muốn Đình biết những việc cô đã làm đêm qua để dẫn tới hậu quả sáng nay.Nghẹn ngào cô kéo em mình vào phòng và lần đầu tiên trong đời, Oanh đã thật tình trút hết những khổ sở của cô với Tố Phượng, rồi đau đớn thốt lên rằng “Oanh đã mất trắng cả trái tim lẫn của cải dành dụm”.Tố Phượng im lặng. Với cô, chiếc xe mới mua cũng là cả một gia tài mà trong đó phần của Đình góp vào phân nữa. Phượng cũng ngẩn ngơ vì tiếc của, nhưng khi nhìn mặt Oanh, cô khổ tâm vô cùng. Đã một lần hụt hẫng trong mối tình với Trường nên Phượng hiểu Tố Oanh đang hoảng loạn vừa vì sợ mất tình yêu, vừa bị kẻ không ra gì lừa đảo để lấy sạch vốn của mình lẫn gia tài dành dụm chắt chiu của đứa em, không khéo Oanh sẽ mất thăng bằng vì bị cú sốc quá lớn nầy.Lúc đó nhìn đồng hồ, Phượng thấy đã gần mười giờ sáng. Thế mà Vương Duy không đến, dầu ông ta thừa biết đêm qua Tố Oanh đã có hành động khác bình thường và sáng nay cô không đi làm.Tố Phượng thở dài. Chắc Duy nghĩ rằng Tố Oanh quá quắt đã làm mất mặt ông mà còn nghỉ ở nhà làm nư, cũng có thể Duy cho rằng Oanh đang diễn trò chớ thật ra cô có yêu gì ông.Bây giờ Oanh đoán, có lẽ Duy đã nghĩ như vậy thật, nên đến tận hôm nay Oanh vẫn chưa gặp lại ông. Cô chỉ nghe mấy người làm chung nói rằng Duy đã đi Hà Nội với bà vợ cũ...Có lẽ họ cùng đi với nhau vì việc làm ăn thôi. Ông ta thật độc ác! Suốt khoảng thời gian cả tuần Duy không hề điện thoại thăm Oanh lấy một lần, mặc dầu ngày nào ông cũng gọi về công ty để dặn dò, hỏi thăm công việc.Qua Mai Nhi, chắc chắn Vương Duy đã biết việc mất mát ở nhà mình, lý do từ đâu, để chính vì vậy mà Duy đã không tha thứ.Tố Oanh lại đấm vào gối và rấm rưr1, khổ sở. Trên đời nầy nếu có ai tin Oanh yêu Duy thì người đó chính là Tố Phượng, đứa em song sanh hiểu cô và chịu nhiều đắng cay vì cô nhất, nhưng Phượng đã không trách mà bao giờ cô cũng yêu thương và tha thứ cho Oanh. Tâm hồn trong sáng và trái tim vị tha của Phượng khiến cô có một mối đồng cảm huyền bí đến mức Phượng cùng khổ sở nỗi khổ của Oanh, để suốt đêm thao thức lo cho chị, bỏ cuộc vui, bắt người yêu đưa về với chị, trong khi Tố Oanh thì chưa bao giờ nghĩ đến em mình như vậy.Suốt tuần lễ nay, không đi chơi với Đình, hết giờ làm việc, cô về với chị, Phượng huyên thuyên bao nhiêu chuyện trên đời cho Oanh vui. Tố Phượng nói rất chắc ăn rằng cô cá bất cứ thứ gì để được cuộc là “Vương Duy rất yêu Tố Oanh, ông ta giận thì giận chớ sẽ về lại với Oanh...”.Tố Oanh cười buồn hỏi:– Căn cứ vào đôi mắt của anh Duy...Có một lần em thấy ảnh nhìn trộm chị bằng cặp mắt chứa chan tình cảm của một người đang yêu thật sự.– Đó chỉ là sự nhận xét bằng cảm tính thôi!Tố Phượng hùng hồn nói tiếp:– Chính vì anh Duy yêu chị thật nên hổm rầy ảnh giữ thái độ im lặng, không thăm chẳng hỏi, nhưng chắc trong lòng thì khổ vô cùng. Đàn ông họ tự ái như vậy đó, và họ yêu cũng như vậy đó!Nhếch môi cười gượng, Oanh nhỏ nhẹ:– Làm như em là đàn ông không bằng. Nói nghe chắc chắn dữ!Tố Phượng nghiêng nghiêng đầu:– Chắc chứ sao không! Rồi chị coi em nói đúng hay chị nghĩ đúng. Mà em cho rằng chị đang rất mong là em nói đúng, phải không?Ngồi một mình, Tố Oanh bâng khuâng nhớ lại lời Phượng nói. Dù không mấy tin Duy sẽ trở về với mình nhưng hiện tại quả là Oanh vẫn mong lời Phượng là đúng. Thật khốn khổ! Một người quen tính toán, thủ đoạn đến lắm lúc nhẫn tâm như Tố Oanh vẫn là một cô bé ngu ngơ khi thật sự khổ vì yêu.– Làm gì mà nằm dật nằm dựa hòai vậy? Dậy mau, tao có quà cho mày đây!Mai Nhi vừa nói vừa kéo Oanh ngồi lên. Oanh nín thở nhìn Nhi mở chiếc xắc xinh xắn một cách chậm chạp.– Cái gì vậy? Thơ của Duy à!– Duy thì có liên quan gì tới việc nầy. Đưa tay ra đây...Mau lên!Nghe Nhi trợn mắt gắt, Oanh ngần ngừ rồi xòe tay ra. Cô xuýt hét lên vì sung sướng. Gọn lỏn trong lòng bàn tay cô là chiếc nhẫn ngọc thạch vô giá của Vương Duy. Oanh lắp bắp:– Ở đâu! Mày tìm ra nó ở đâu?Giọng Nhi tỉnh queo:– Nó nào! Thằng Hùng hay cái nhẫn?– Cái nhẫn, cái nhẫn của anh ấy. Ở đâu mày có hả Nhi?– Làm gì mà cuống lên vậy? Đeo nhẫn vào đi đã! Mừng quýnh nhá! Châu về hợp phố nhá! Thằng Hùng đúng là thằng mê bài đến mức liều mạng. Đêm lấy đồ ở nhà mày xong, hắn trở lại xòng bài lấy chiếc nhẫn nầy ra đánh nữa. Hắn thua xiểng niểng mấy ván rồi mới bỏ đi mất. Một tên bợm khác lấy nhẫn đem lại chỗ bà hàng thịt quen với tao năn nỉ bán. Chị ấy mua, đeo ở tay, đến đóng hụi tao thấy, tao mới xin chuộc lại.– Mất bao nhiêu tiền, tao đưa lại cho mày!Nhún vai Mai Nhi đáp:– Lúc đó có cả Đình và Triết, ông Đình dành trả tiền rồi nhờ tao đem tới cho mày. Anh ấy nhắn mày đừng nghĩ gì hết, coi như từ hồi Duy đeo vào tay cho mày đến bây giờ, chiếc nhẫn nầy chưa hề “lưu lạc giang hồ”.Đứng dậy Nhi nói:– Tao phải về ngay!Tố Oanh vẫn còn chìm trong những dòng xúc cảm đang nối tiếp, nghe thế liền kêu:– Sao lại gấp vậy?Cười tủm tỉm, Nhi che tay ngang miệng ra chiều bí mật:– Vì mày sắp bận rộn. Ê! Lo sửa soạn lại dung nhan đi, sao tao thấy mày giống con mèo quá. Giờ nầy chắc Duy đã tới sân bay rồi! Chắc chắn ông ta sẽ ghé đây trước khi về nhà!Trống ngực đánh dồn dập như cô gái nghe nhắc đến người yêu, Oanh nghèn nghẹn không tin:– Sao mày biết?– Hôm nào Duy không điện thoại cho tao nhắn hỏi về mày, có điều ông ta không muốn mày biết. Hì...hì...Thương quá rồi giận như con trai mới lớn.Thấy mày ủ dột, tao tính nói cho mày an lòng hổm rày. Nhưng nghĩ lại, tao lại thấy mày xứng đáng được hưởng tất cả cái khổ do mày tạo ra, do đó tao đâu thèm hé môi. Oanh nầy! Tao thấy khoảng đời lấp lửng của mày qua rồi. Nên làm lại tất cả với tình yêy dẫu muộn màng mà mày đang có được. Thôi, tao về thật à!Tố Oanh cứ để mặc nước mắt mình tuôn rơi, vì đây là những giọt lệ tình yêu chân thật nhất trong đời cô. Vương Duy khe khẽ lắc đầu:– Sao em không nghĩ rằng anh yêu em. Lẽ nào em tin vào những lời anh nói lập lờ, lấp lửng chớ không tin vào trái tim anh.Tố Oanh chớp mắt thú nhận:– Tại em lầm khi nghĩ cách yêu của anh giống cách yêu của em trước kia. Không mà như có, có mà như không, để rồi tất cả hậu quả làm em đã lãnh, chẳng đến nỗi chết nhưng cái đau thì quả thật suốt cả đời. Có như vậy, em mới có cái nhìn thật rõ về con người mình, cũng như hiều được tình cảm của mọi ngừoi đối với em.Thở dài, Oanh thổn thức:– Em chỉ biết sống vì mình, ngay cả hảnh động nôn nổi đêm ấy ở nhà hàng cũng chỉ vì em nghĩ tới em. Nếu biết vì anh, em đã phải dằn lòng, đằng nàỵ....đằng nầy em như bất kể danh dự của mình và uy tín của người mình yêu thương, nông nổi hành động với cô ấy.Siết Oanh vào lòng, Duy trầm giọng ăn năn:– Cũng tại anh, anh ích kỷ, anh ghen. Càng yêu em, anh càng muốn chọc cho em tức, cho em nghĩ rằng anh xem em chỉ như một người đứng ký hợp đồng hợp tác đôi bên cùng có lợi, chớ đôi bên không cùng có tình yêu. Đêm ấy, trước hành động tự phát dữ dội của em, anh không thấy bị mất uy tín mà lại hả hê, cái hả hê của kẻ được yêu.Âu yếm nhìn vào mắt Oanh, ông nói tiếp:– Không ngờ em bình thường thì ranh như quỷ ấy, đến khi yêu và ghen lại khủng khiếp như vậy. Hãy tin rằng với anh bây giờ, cô ta chỉ là một người bạn trong muôn ngàn người bạn cần quan hệ làm ăn mà em không cần phải biết tên họ. Điều quan trọng là những ngày tháng sắp tới, chúng ta sẽ sống ra sao, sự chênh lệch về tuổi tác không phải là nỗi bất hạnh cho cả đôi bên.Tố Oanh thì thầm:– Em hiểu ý anh. Em đã có một khoảng thời gian dài để nhìn lại chính mình, từ đó em hiểu yêu có nghĩa là phải biết nghĩ đến người khác nhiều hơn nghĩ tới mình. Chính vì vậy mà từ lâu em nghĩ đến chuyện chung thủy, em không còn những khao khát tầm thường khi em đã thật sự yêu anh. Anh có tin điều đó không anh?– Có tin nên anh mới trao em chiếc nhẫn ngọc bích của dòng họ chứ. Oanh nầy! Tháng sau Đình và Phượng tổ chức đám cưới. Anh muốn chúng mình cũng cưới cùng ngày ấy, em nghĩ sao?Tủm tỉm cười, Oanh hỏi mà hồng hồng gò má:– Ủa! Anh không đòi cưới trước Lâm Đình à?Vương Duy hóm hỉnh:– Cưới một ngày thì Vương Duy cũng vai anh hắn ta. Vả lại, còn chuyện làm ăn nữa. Đã là anh em phải nương nhau mà sống. chớ không nên ganh tỵ!Tố Oanh bất chợt trầm giọng:– Em muốn anh đưa em về quê thăm mộ ba. Xong, em sẽ gặp mẹ....Em có lỗi với ba mẹ vô cùng. Rồi em cũng sẽ đi ngược ra miền ngoài thăm mộ Trường trước khi em là vợ anh. Được không anh?Vương Duy dịu dàng, gật đầu:– Em nói được như vậy là em đã khác xưa nhiều. Anh rất mừng Oanh ạ! Bây giờ anh đưa em tới nhà Mai Nhi. Chắc Phượng và Đình đã có mặt ở đó rồi. Hôm nay Nhi tổ chức mừng cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của Triết. Anh không biết nội dung cuốn sách ấy, nhưng nghe đâu chàng Triết viết về hai chị em sanh đôi tuyệt đẹp mà kết thúc quyển sách ấy...thì cô chị là vợ của anh.Đang tròn mắt nghe Duy nói, Tố Oanh chợt bậm môi phụng phịu rồi ngả vào vai Duy, nét mặt cô sáng ngời hạnh phúc. Oanh thì thầm:- Quả là một kết thúc đúng như em hằnh mong muốn đó, anh yêu! Hết