uyên cùng chồng - Dũng, vượt biên sang nước Đức. Dũng đi trước, cô kẹt lại và bị kẻ dẫn đường tên là Hùng cưỡng hiếp. Khi Quyên mang thai, Hùng thương rồi yêu cô, mà trên hết là quý thương giọt máu của mình gửi nơi Quyên. Và Hùng quyết định đưa cô sang Tây Đức nhập trại tị nạn để sinh đẻ và tìm chồng. Nhưng khi vượt biên, để đánh lạc hướng cảnh sát cho Quyên trốn thoát, Hùng bị thương trong một tai nạn.
Lại “nhưng” nữa: khi hai bên hội ngộ, Dũng không chấp nhận cái thai đó và xua đuổi vợ. Quyên trở thành bơ vơ. Hai dòng nước đã ở đằng sau. Cô tự tử và được Kumar - một người Sri Lanka - cứu sống. Sau đó họ yêu nhau, sống hạnh phúc với một quán ăn nho nhỏ, tuy Quyên không được trở thành vợ chính thức.
Một ngày kia, nhận được thư của Hùng báo tin sắp chết và xin được tha thứ, muốn gặp mặt con lần cuối, Quyên bèn mang con đến gặp Hùng. Hùng chết, thi hài được Quyên cho thiêu và đích thân mang tro cốt về Việt Nam. Tại đây, Hùng không còn một người thân nào. Quyên giấu người mẹ chuyện không may của mình với Hùng, và mẹ Quyên chấp nhận chôn Hùng trong khu vườn của gia đình.
Trong khi đó Kumar đi tìm Quyên, với tin lành là bà mẹ Kumar đã vượt qua lời nguyền của dòng tộc để chấp nhận Quyên.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: "Quyên" và sự đứt gãy văn hóa ViệtMảng hiện thực khốc liệt trong tiểu thuyết "Quyên" (NXB Hội Nhà văn vừa mới ấn hành) chính là chủ đích của nhà văn khi nhận ra sự đứt gãy của Văn hóa Việt khi ra hội nhập với thế giới. Đó là một trong những vấn đề mà nhà văn Nguyễn Văn Thọ muốn chia sẻ với bạn đọc khi dựng nên "Quyên".
Cách xa quê nhà, rời xa những ồn ào sau buổi ra mắt tiểu thuyết "Quyên" tại Việt Nam vào đầu tháng tư vừa qua, nhà văn Nguyễn Văn Thọ hiện đang ở Đức. Anh chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình với phóng viên Nhân Dân điện tử.
- Sống ở nước ngoài nhiều năm, nhưng mỗi khi có tác phẩm mới anh lại về Việt Nam giới thiệu, điều đó có ý nghĩa gì với một nhà văn hải ngoại?
- Tác phẩm tiếng Việt hải ngoại nói chung, bạn đọc Việt Nam rất ít. Người bản xứ thì hầu như không đọc rồi. Ở châu Âu, đa phần người Việt ra đi bởi sinh kế, họ bị áp lực kiếm sống ngày ngày, nên hiếm người còn quan tâm tới văn học. Ở Hungari, tác phẩm Những ngọn nến cháy tàn được anh Giáp Văn Chung dịch rất công phu, nhưng phát hành rất chậm. Ở Mỹ cũng thế thôi. Có những tờ báo được làm cẩn thận, có danh tiếng, vậy mà mỗi tháng chỉ bán ra vài trăm số.
Những sáng tác của tôi, không chỉ liên quan tới thân phận đồng bào ở hải ngoại, mà còn không thể tách rời với con người và xã hội Việt Nam, nên việc công bố nó trong nước là rất cần thiết, nhất là khi tôi viết bằng ngôn ngữ Việt.
- Cũng giống như những tập truyện ngắn của anh mấy năm trước đều được giới thiệu khá ấn tượng trong nước, lần ra mắt "Quyên" tại Việt Nam lại có vẻ rầm rộ hơn, phải chăng anh cũng đang nhập vào trào lưu mới, không đợi đến lúc “hữu xạ tự nhiên hương”?
- Lâu nay không ít người quan niệm văn chương và nghệ thuật là một lĩnh vực cao siêu. Vài người còn cho rằng, đem nó đi quảng bá, dường như làm nó giảm giá trị. Riêng tôi vẫn quan niệm văn học nghệ thuật là sản phẩm tinh thần nhưng không thể đặt nó tách ra khỏi đời sống.
Việc đọc hơn gì như khát cần nước, đói cần cơm gạo. Như người ta sản xuất ra vật chất hữu hình, đều phục vụ con người, thì tại sao lại không có quyền quảng bá nó như các sản phẩm vật chất, nhất là ở thời đại hôm nay, khi mà thông tin tràn ngập.
Cứ hình dung xem, khi người ta quá nhiều thời gian mất đi vì sinh kế, vì truyền hình, và trăm ngàn thông tin khác, thì việc tìm kiếm 1 cuốn sách đúng là hay, đáng đọc rất dễ rơi vào may rủi, nếu không có đội ngũ quảng bá, mà báo chí là một phương tiện rất màu nhiệm. Có điều đừng nói quá cái mà sản phẩm mình có. Có ít nói nhiều, hay vừa nói hay quá, là tự giết tác phẩm của mình.
Nhưng đợi tới khi hữu xạ tự nhiên hương như thời xưa, thì nhiều tác phẩm của bạn bè tôi ở hải ngoại bị thiệt thòi lắm. Ai biết được tác phẩm Y hay X ở đâu mà tìm ở cái biển bao la văn học?
- Đối với bạn đọc trong nước, tác phẩm của anh có vẻ như là “của độc”, bởi mảng hiện thực đời sống của người Việt xa xứ đậm đặc. Có phải là “lợi thế” không, khi anh có hàng chục năm lăn lộn và trải qua nhiều biến cố thăng trầm trong đời sống đó?
- Ở hải ngoại, riêng tại Đức không phải chỉ có một Nguyễn Văn Thọ viết văn. Mỗi người tự chọn cho mình một lối trên đường văn. Tôi có lợi thế là cuộc sống đã từng trải ở hai giai đoạn, nhất là với anh em viết trong nước, tôi sống như nhiều thợ khách nên mọi cảm xúc, vốn sống ăm ắp, khó ai có thể đua chen. Đúng là một lợi thế so với anh chị em viết văn trong nước. Đồng thời viết văn cũng là một khoa học, phải tựa vào cái thế mạnh riêng mà tạo nên khuôn mặt của mình.
- Nếu nói so sánh thì hơi khập khiễng, nhưng, có vẻ như anh đã chọn cho mình một lối đi khác so với các nhà văn mang danh “hải ngoại”(hiện sống ở nước ngoài và viết tiếng mẹ đẻ, xuất bản và giới thiệu ở quê nhà). Khi viết "Quyên", anh có nghĩ vậy không?
- Đúng vậy! Mỗi nhà văn nên chọn cho mình một hướng đi riêng. Cùng ở Đức đấy, nhưng có nhà văn tập trung vào chính trị, lập mạng đăng đàn. Có nhà văn nặng về quá khứ, đào xới lại kỷ niệm. Có nhà văn viết về đời sống của Thợ khách, những đồng bào, bè bạn của họ. Có nhiều nguyên nhân để họ tự lựa chọn hướng đi của ngòi bút, tình cảm, sự xúc động, mối quan tâm yêu ghét, quan niệm về văn chương,về mục đích sống của nhà văn v.v…
Cái tôi chủ tâm nhất băn khoăn nhất bấy lâu là cuộc chiến tôi đã tham gia và đời sống cơ cầu của chính chúng tôi tại Đức, trong đó ăm ắp bao nhiêu tình cảm của tôi với bè bạn, gia đình và cũng là thân phận cá nhân mình. Nhiều sáng tác ngắn tôi đã bàn về cuộc chiến và hậu chiến, cũng như về cuộc sống người Việt ta tại Đức. Viết tiểu thuyết "Quyên", là tiếp theo mạch suy ngẫm của cá nhân tôi về cuộc sống người Việt khi tha hương một cách dài hơi thêm.
- Đọc "Quyên", bên cạnh một mảng hiện thực đầy ắp về cuộc mưu sinh khắc nghiệt của người Việt xa xứ, bạn đọc vẫn băn khoăn một điều, tại sao trong cộng đồng đó, lại thiếu vắng một sự đùm bọc sẻ chia, thậm chí là nghiệt ngã về tình người như vậy. Phải chăng nhà văn cũng thiếu sự cảm thông và cái nhìn nhân hậu?
- Trong tiểu thuyết "Quyên" không thiếu vắng sự chia sẻ đùm bọc lẫn nhau của người Việt, nó chỉ thiếu vắng sự đoàn kết mang tính dân tộc, tính quốc gia. Xin chị đọc kỹ "Quyên", không thiếu sự chia sẻ cưu mang nhau trong đó nhưng là sự cưu mang nặng tính cá nhân, sự co cụm có tính bầy đàn, làng xã. Sự cưu mang ấy cần, nhưng nó không tạo nên tiếng nói sức mạnh một dân tộc.
Mảng khốc liệt chị nhìn thấy ám ảnh bạn đọc không chỉ là hiện thực được phản ánh của tác phẩm mà nó là chủ đích của nhà văn khi nhận ra sự đứt gãy của Văn hóa Việt khi hội nhập với thế giới. Đó là một trong những vấn đề tôi muốn chia sẻ với bạn đọc khi dựng nên "Quyên".
- Anh có thể nói cụ thể hơn về sự đứt gãy đó?- Không phải chỉ ở Đức, người Việt ra thế giới mang theo nhiều tập tính. Nó là sự nối dài Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội sau hậu chiến tới châu Âu, tới Nga trong thân phận thợ khách và, cũng như có sự nối dài, sau 1975, từ Sài Gòn, Cần Thơ, Vũng Tàu tới Little SaiGon ở Mỹ.
Ở trong nước cái gốc văn hóa của ta là Văn hóa làng xã. Khi mà còn ở hình thái kinh tế chậm phát triển chủ yếu là nông nghiệp thì văn hóa cội rễ này có những ưu điểm tạo nên sức mạnh. Nhưng cũng từ gốc này, hình thành tính cố hữu địa phương chủ nghĩa, không tạo nên được sức mạnh của cả dân tộc, nhất là thời bình. Với sự phát triển của kinh tế thị trường, người ta rời lũy tre làng đã là một lần rơi rụng những truyền thống tốt đẹp mang ý nghĩa đạo đức, lối sống người Việt.
Khi ra xứ người, trước các nền văn hóa lớn khác, nói chung người Việt khó thích nghi và vẫn tạo nên một cộng đồng khép kín, nặng tính phường xã, không tạo nên một sức mạnh dân tộc dựa trên nền tảng tư tưởng triết học. Vì thế cái mạnh không phát huy, cái nhược bùng nổ, khoét sâu trong cộng đồng tạo nên cái khác thường của Cộng đồng Việt ở hải ngoại.
- Trong tác phẩm "Quyên" có một số tình tiết, nhân vật gây cảm giác rằng tác giả đã “non tay”, thí dụ việc nhân vật quan trọng như người chồng của "Quyên" bỗng dưng mất tích vô điều kiện. Hay phải chăng, đấy cũng là một “thủ pháp”?
- Dũng chồng Quyên là người rất yêu vợ, là một trí thức vỡ mộng khi rủ vợ vượt biên đi tìm thiên đàng. Điều khởi phát ngộ nhận ấy chính là cái mầm sinh ra nỗi truân chuyên của cuộc đời cô gái đẹp tên Quyên. Thế mà khi bị hoạn nạn anh ta đã lìa rãy Quyên vì cái thai không phải của anh, khước từ sự thủy chung của vợ dẫn tới sự đau đớn khôn cùng của Quyên tới mức chị phải tự vẫn. Yêu tới ích kỷ như Dũng là một tội ác. Nhất là khi chính anh ta tạo nên mầm họa cho Quyên chứ không phải là Hùng.
Việc chồng Quyên trở thành kẻ vô tăm tích không thể nhìn nó không trong logic toàn bộ xử lý sự mất và còn, tan và hợp của hệ thống nhân vật. Ở đây có sự liên hệ với nhân vật Hùng. Gạch nối nhân vật Dũng-Quyên-Hùng với mối quan hệ của họ là một thủ pháp rất quan trọng để tác giả phát biểu về tình yêu.
Tình yêu không có sự tha thứ, không hết lòng, thiếu vắng sự hy sinh bao giờ cũng Vô tăm tích. Tôi cũng quan niệm rằng, cái chết không phải là sự trừng phạt nặng nhất với con người. Ai còn sống đó mà không có dấu vết nào cho đồng loại, cho bè bạn, cho gia đình và rộng nữa là cộng đồng mới chính là sự trừng phạt lớn nhất.
- Với tiểu thuyết đầu tay nhưng có thể coi là dấu mốc của một đời văn đã đến độ chín, "Quyên" lại chưa có nhiều mới mẻ hay đột phá của một Nguyễn Văn Thọ thành danh ở thể loại truyện ngắn. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Tôi không có ước mơ trở thành nhà văn. Cuộc sống chìm nổi của cá nhân muốn chia sẻ đẩy tôi cầm bút, do vậy khi từ người có ít nhiều kinh nghiệm viết truyện ngắn sang viết tiểu thuyết, tôi tự biết mình sẽ gặp nhiều khó khăn. Song tôi vẫn tiến hành "Quyên" một cách hết sức nghiêm túc, hết mình, vật vã viết nó trong hơn hai năm.
Đó không phải vì sự lập danh mà sự yêu ghét ở câu chuyện "Quyên" mà tôi muốn kể cho bạn đọc, khi thể loại truyện ngắn không ôm nổi nó nữa. Vậy việc lấy tiểu thuyết tạo nên đột phá hình thức không phải điều tôi quan tâm trước tiên.
- Tác phẩm của anh được chính cộng đồng người Việt ở Đức và các nước Đông Âu đón nhận như thế nào?
- Nhiều người trên thế giới, không chỉ ở Đức, đã quan tâm tới "Quyên" ngay từ những chương đầu tiên khi được nhà văn Nguyễn Trí Huân mạnh dạn đưa lên báo Văn nghệ. Từ đó, tới khi "Quyên" in toàn bộ 18 chương thành sách, nhiều chương đã được đăng ở báo giấy và báo mạng tại châu Âu, Nga, Australia v.v…
Đặc biệt tờ báo dành cho cộng đồng Việt tại Hungari đã in suốt năm trời thành tiểu thuyết nhiều kỳ "Quyên". Trên mạng ttvnol.com, khi một phần của "Quyên" được đăng tải, trong hai tháng trời đã có hơn vạn rưỡi lượt người đọc. Khi "Quyên" được in tại Đức tôi nhận được nhiều cú điện thoại, thư của nhiều độc giả đặc biệt là chị em đã từng vượt biên chia sẻ với tác giả. Tôi nghĩ, tôi đã nói không sai về thân phận họ, thậm chí thay họ nói, để được bà con đón nhận.
- Anh cũng từng nói rằng đời anh mắc hai món nợ lớn: quãng đời cầm súng ở chiến trường và những năm lặn lộn kiếm sống ở xứ người. Món nợ trước thì hầu như anh đã trả phần nào trong các tập truyện ngắn, còn mảng hiện thực đời sống của đồng bào xa tổ quốc, anh còn “nợ nần” những gì sau tiểu thuyết "Quyên"?
- Nợ nhiều lắm. Nhất là khi quay lại Đức hôm nay trong cuộc khủng hoảng kinh tế đại bộ phận người Việt ở Đức phải ăn trợ cấp thất nghiệp. Những người trẻ ôm mộng ra đi, sau 20 năm, nay đã già và nhiều người trong họ không đủ tiền để mua một vé máy bay trở về thăm gia đình vợ con… Bây giờ tôi già rồi, hạt lệ như sương, nhưng vẫn đổ lệ khi gặp lại bạn cũ trong nhiều hoàn cảnh không lối thoát.
Tiểu thuyết "Quyên" chấm hết, song chưa mang hết trong lòng nó những điều đau khổ, hạnh phúc, yêu và ghét…của bè bạn, đồng bào ta, những Thợ khách hay Kẻ tị nạn ở xứ người và chính bao nỗi băn khoăn trăn trở của tác giả. Nhưng không thể viết, lập lại một "Quyên" nữa, kéo dài một "Quyên" khác thành một cuốn sách mới. Tôi đang nung nấu tìm cách thể hiện một cuốn tiểu thuyết khác sao cho cuốn hút bạn đọc để trả nốt món nợ này.
- Vâng, cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.HỒNG MINH thực hiện, Theo NhanDan