CHƯƠNG 15

     uyên như chết lặng.
Cô không dám nhìn vào linh cữu Hùng, không muốn tin vào những gì đang hiện ra ở trước mắt kia. Quyên khép mắt lại.
Tiếng nhạc vĩnh biệt vẫn nhói lên, réo rắt. Quyên mơ hồ cảm giác không khí thoắt nhirn xanh đi và khuôn mặt của Hùng chập chờn hiện ra. Không, không chỉ khuôn mặt, cả thân thể anh thì đúng hơn! Cô như nhìn thấy Hùng từ từ thoát xác bay lên. Bóng anh lượn một vòng quanh xác rồi biến thành một tia sáng xanh vút lên vòm tròn nhà tang lễ cao vời vợi.
Anh ấy về với ông bà, tổ tiên, quê hương! Xin anh hãy bay về nơi ấy!
Mùa đông dù trôi qua
Như bóng dáng xuân tươi phai dần
Và lá trút không vương trên cành
Dù cho bao năm tháng ấy
Mang ánh nắng đông qua xuân về
Mang nỗi nhớ anh đi chưa về
Ngàn trùng dù có cách xa.
Anh sẽ về… anh sẽ về…
Bản nhạc Khúc hát nàng Solveig của Edvard Grieg chầm chậm và tha thiết. Nó như lời vĩnh biệt, như sở cầu của những kẻ yêu thương nhau mà nay phải mãi mãi chia lìa. Giai điệu day dứt, những âm thanh của hàng trăm cây violon réo rắt bỗng trở thành sự chia sẻ khôn cùng cho những tâm hồn, thân phận cùng cảnh li hương đang đau xót, thương nhớ Hùng. Trong khoảnh khắc biệt li ấy, Edvard Grieg như chất xúc tác, làm Quyên thấy lòng mình càng thêm buồn đau nặng trĩu. Xót xa khôn cùng!
Nhiều người quen biết Hùng ở Budapest tập trung ở đây. Những mái tóc chớm bạc và cả những gương mặt còn rất trẻ, trong tiếng nhạc mặc niệm họ cùng cúi xuống. Không khí nghiêm trang, căng thẳng, làm cho bất kỳ ai cố chấp nhất cũng chợt tự nhiên bừng ngộ. Khi đứng trước một cái chết, dù ở văn hoá nào, tôn giáo nào, thì sự bao dung đúng là chỗ dựa duy nhất, để có thể chấp nhận mọi nghi thức khác nhau, chúng song song tồn tại.
Tại Budapest, đã tám năm nay, nhiều người biết Hùng. Anh không nổi tiếng vì giàu có. Anh chỉ là một người bình thường. Cái con người có khuôn mặt rất đàn ông nhưng khắc khổ ấy, vốn xưa là một tay giang hồ khét tiếng, bao năm rồi đã gác kiếm, trở thành một người hiền lành, ít nói và tốt bụng; phút giây này nằm kia, xác thân bất đông. Chiếc nạng gỗ đặt dọc bên anh. Hai bàn tay đặt lên bụng. Đôi mắt khép lại, nhưng khoé môi vẫn như đang muốn hé một nụ cười mong manh.
Quyên cố kìm nén để không khóc.
Minh đứng bên Quyên. Anh cúi đầu im lặng để mặc dòng nước mắt tuôn trào. Tiếng Huệ khóc tấm tức… Bản nhạc vừa dứt, cỗ quan tài dần dần chìm xuống. Cánh cửa thép từ từ khép lại. Ai cũng hiểu linh cữu Hùng trong đường hầm đang trôi dần vào phòng hoá thân.
Không được khóc! Không được khóc! Quyên cắn môi tự nhủ. Nhưng khi Huệ gào lên, gọi tên Hùng thảm thiết, tức tưởi, Quyên lại không sao nén kìm được nữa, nước mắt cô thoắt nhiên buộc ra, chảy tràn trề, ướt đầm đôi má.
Đau xót! Quyên biết, ý thức rõ: chỉ tích tắc nữa thôi, người ta sẽ bấm nút. Trong chớp nhoáng, Hùng sẽ thành tro bụi! Đời một con người chỉ có thế thôi ư? Người ta sẽ cẩn trọng cho vào chiếc bình gốm màu nâu chút gì tàn tro của Hùng, đấy là tất cả những gì còn lại của một con người, một sinh linh đã sinh ra, đã sống, đã phiêu bạt bấy nay, với bao nhiêu vui, buồn, khao khát và hy vọng…
Cuộc sống, suy cho cùng, là cái gì nhỉ?
Suốt cả đời người, sao cứ phải biền biệt, phải đau khổ, vật lộn, mưu mô, khó nhọc… để rồi cuối cùng, nếu muốn trở về đất nước, tất cả, ai ai cũng chỉ còn lại một nắm tro tàn tí tẹo teo kia? Có lẽ cuộc sống càng hoang lạnh hơn, nếu khi chết đi chẳng để lại một chút tình cảm nào cho một ai đó còn đang sống trên thế gian này!
– Anh Hùng ơi! Em thương anh vô cùng! – Quyên muốn nói như vậy mà cô không thể cất lên lời.

*

Đêm ấy dù rất mệt, Quyên vẫn không sao ngủ được. Lần đầu tiên chứng kiến một lễ tang ở xứ người, cô cứ suy nghĩ mãi. Cô trằn trọc.
Quyên nhớ tới bao nhiêu việc đã trôi qua, lại nhớ tới căn phòng đã sống ở trại tị nạn, cánh cửa trắng, cái lỗ kính kiểm soát như con mắt chột. Từ bên trong, Dũng đã nhìn ra, thấy vợ lưu lạc trở về qua con mắt chột ấy… Bao nhiêu người đã sống trong đó, trước và sau Dũng, chồng cô? Dũng mất tích!? Anh còn sống hay đã chết? Hay anh ấy cũng tan thành tro bụi cả rồi?
Có lẽ phải tới hơn hai ba giờ sáng gì đó. Quyên mới thiếp đi.
Quyên mơ thấy một đoàn tàu dài dằng dặc… Nó y trang đoàn tàu mầu đỏ Thanh Vẫn vẫn chơi. Trong mơ cô thấy nó trắng toát. Cô nhìn rõ vô số những quan tài đỏ và nâu. Có cả cô nằm trên con tàu ấy, trong chiếc quan tài trong vắt như pha lê. Sao mình lại nhìn thấy mình chết? Mơ hay tỉnh? Cô còn nghe rõ tiếng còi rúc. Hệt như tiếng còi thảm thiết chia tay, rúc lên mỗi đêm vọng về khi gần sáng. Những đêm đông rét mướt, nghe tiếng còi xa xôi rúc lên từ ga Hàng Cỏ, cô bé kéo chăn trùm kín đầu. Rồi cô thấy cả đoàn tàu chạy vào cánh rừng. Ơ, rừng này cô đã nhìn thấy nó ở đâu đó. – Trong mơ cô tự hỏi như vậy. – Hình như cánh rừng biên giới, nơi cô bị giam giữ để rồi có thai và Hùng yêu cô. Khu rừng không có tuyết trắng mênh mông bao phủ. Có khối lửa cháy rừng rực bên trên thảm rừng. Lửa rừng rực và cơ man những lưỡi vàng, hệt như lời Kumar từng kể cho cô nghe người chị cả của anh đã cháy ra tro trên giàn thiêu giữa rừng hoang, bởi những lưỡi lửa vàng đã liếm trọn thân xác chị anh thế nào. Cô thét lên vì cảm thấy rất nóng.
Chính tiếng thét ấy là bé Thanh Vân choảng tỉnh và hoảng hốt lay mẹ. Quyên thoát khỏi cơn mê.
Tỉnh dậy, cô vẫn nhớ mồn một từng chi tiết trog mơ. Như thể cô đã trải qua, chứng kiến mọi việc ấy trong cõi thật.

*

Danh chính ngôn thuận, Quyên chưa khi nào là vợ Hùng, cũng không phải là người bấy nay chăm sóc Hùng. Người chăm sóc suốt tháng qua lúc anh bệnh tật hiểm nghèo, là Huệ. Thói đời, sự chiếm tình yêu đâu chỉ khi người ta còn sống!
Mấy hôm tang lễ bận rộn, Quyên chưa có dịp nào ngồi trò chuyện với Huệ để xem ý tứ của Huệ ra sao? Cô bầy tỏ việc ấy với Minh, về sự đắn đo của cô, rằng giữa cô và Huệ, ai sẽ là người đưa Hùng về Việt Nam? Hay là cả hai? Minh ý thức ngay được sự áy náy tế nhị của Quyên. Nghe xong, anh lập tức kéo Quyên và Huệ vào một phòng, rồi đóng cửa lại. Anh không muốn Thanh Vân nghe câu chuyện của người lớn.
Minh đi thẳng vào khúc mắc của Quyên, anh bảo:
– Em Huệ này! Bấy nay sự cố gắng, quan tâm, chăm sóc của em với anh Hùng, là một tình cảm vô cùng quý giá và những người quen biết tụi anh đều hiểu rõ. Nhưng hiện tại, Huệ đang còn phải điều trị bệnh hàng tuần và cửa hàng cũng mới mở thêm mục bán báo và đồ lưu niệm. Em biết đấy, không thể đóng cửa quá lâu! Chị Quyên và cháu Thanh Vân đưa anh Hùng về là hợp lẽ nhất! – Minh nhấn mạnh câu cuối cùng. Nói xong anh nhìn thẳng vào mắt Huệ với ánh mắt thăm dò, chờ đợi.
Quyên ngửng mặt lên, cô dịu dàng nói:
– Anh Minh nói phải đấy! Huệ ơi, em cố gắng ở lại điều trị bệnh. Chị va anh Minh bàn nhau rồi, bọn chị sẽ về quê thăm bố mẹ em và cháu nữa.
Huệ nhìn Minh rồi lại nhìn Quyên. Hai bàn tay Quyên bấy giờ đưa lên nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay của Huệ. Đôi mắt của Quyên dịu dàng.
“Chị ấy và anh Minh thật lòng lo cho mình, thương mình!” Huệ chợt ôm choàng lấy Quyên. Cô oà khóc nức nở. “Hoá ra trên đời này, ở nơi xa lắc xa lơ này, không phải chỉ có tiền! Không phải rặt là những người xấu, những kẻ chỉ xoay xoáy nhìn vào cái lõm sâu trắng mịn của cô giữa hai hàng cúc áo hé ra, khi cô cúi xuống đơm xôi. Những kẻ thả ra dăm đồng bạc kèm một lời tục tĩu… Phải mưu sống ở xứ người, chao ôi, cái kiếp cô và chị Quyên!? Trong lạc bước sa chân này, cô đã gặp Hùng, nay lại có thêm chị Quyên và anh Minh, những người tử tế làm sao!” Huệ nghĩ.
Hai người đàn bà ôm lấy nhau. Minh đứng dậy, anh bước ra ngoài hành lang hút thuốc. Anh không dám ngồi lại đó nhìn Huệ khóc, bởi anh không thể nào chịu được đau đớn hơn nữa.