17
Lương y lớp xưa

 Bác sĩ Lalung Bonnaire và bác sĩ Grall.
Tôi quen với Ngân từ lâu. Khi Ngân cưới vợ, con ông cai tổng ở Tân Quy Tây thì tôi làm phát ngân viên ở toà bố, kể như hàng đồng liêu nhỏ tuổi của bố vợ anh ta, lối năm 1940 đến 1943 tôi đổi lên làm thơ ký ở dinh Thống đốc Nam Kỳ thì tôi trở nên đồng liêu của Ngân, đã có mặt tại dinh trước tôi nhiều năm. Sau khi xảy ra cuộc đảo chánh 1945, tôi đã về hưu nhưng ở Sốc Trăng nơi quê cha mẹ không đăng nữa, tôi chạy với một tay xách nhỏ lên Sài Gòn, thì Ngân tiếp tôi tại Bộ Ngoại giao là chỗ anh ta làm việc Và đã thay bực đổi ngôi, tôi không còn làm lớn, không có nhà ở, tức vô gia cư, và bị vợ bỏ, tức vô gia đình. Nhưng tình xưa không đổi Ngân tốt ở chỗ đó, Ngân tiếp tôi niềm nở, dắt tôi đi ăn một bữa cơm nhà hàng sang, bây giờ tôi còn cảm động, và trong lúc tỉ tê tâm sự, Ngân thuật cho tôi nghe một chuyện như sau, và tôi cố viết lại cho y lời anh đã kể, nếu có sơ sót và không y nguyên văn là tại tôi bất tài chứ giọng Ngân hôm ấy đã làm tôi cảm động lắm giọng trầm trầm buồn buồn như giọt nước trong rô-bi-nê chảy ra, và vì vậy, lúc còn làm chung nhau trên ca-bi-nê, tôi thấy y ta có vẻ chệc, nên đặt lén là thằng Ngành (Ngành là tiếng Quảng Đông, dịch ra tiếng việt là Ngân, lức đồng bạc trắng, cũng gọi chơi là ngành sình, ngành sểnh, ngành sình, chung quy là “ngân tiền”!).
Anh biết không, từ đây là lời Ngân nói: “Tôi có một bịnh lạ, thuở nay chưa ai có. Là thỉnh thoáng tôi đau bụng dữ dội và đi tiểu thấy nước tiểu đen thui. Tôi chạy đủ thứ thuốc, Tây, Nam, Chà, Chiệc, Đàn Thổ, đủ mặt thầy, lang Tây lang ta, lang Tàu, thầy ngải Khơ-me mà vẫn không hết. Tôi lên Nam Vang cắn răng cho thầy ngải đốt ba liều nơi lỗ rún, nay còn thẹo. Nhè chỗ ấy là da mỏng, bình thường đụng nhẹ cũng thấy nhói, mà họ đốt anh thấy có chết cha mình không? Họ bảo tôi, đè ngửa xuống ván, lột áo trịch quần tôi ra, rồi lấy vỏ tỏi lót ba chỗ quanh rún, và đặt mỗi chỗ một liều ngải cứu phơi khô, lớn hơn hột tiêu, có lẽ gần bằng đầu bút chì. Đoạn lão thầy ngải đọc thần chú rồi lấy đầu nhang đốt cháy châm từ liều. Tôi quên nói có bốn thằng đàn thổ lực lưỡng đè tay và đè chân tôi, nên tôi không cục cựa chi được hết. Lúc đó tôi chưa cưới vợ và tôi là một thằng ngu, anh vẫn biết và đừng cười, từng tuổi đó, trên hai mươi, mà tôi chưa biết đàn bà là gì chớ đừng nói chi đến bịnh phong tình. Tôi nói mà không mắc cỡ là tôi lúc còn “trinh” và chưa biết cái húm là gì, nếu ai hỏi tôi thì phải đợi tôi cưới vợ rồi mới biết. ấy mà nó đốt rún tôi như đốt người mắc tội có bịnh tiêm la hay là gì khác. Với liều đầu, khi thuốc cứu cháy lớp vỏ tỏi và cháy tới da, mẹ ôi, tôi nghe xèo xèo, một mùi khét thịt khét ngải cứu rất khó chịu bay vô mũi, tôi cố vùng vẫy thật mạnh, mà bốn thằng ác ôn nó đè chặt lên tay chân gần muốn gãy, tôi phải chịu đựng, rồi tới liều thứ nhì. Tôi thấy đủ mặt cha mẹ ông bà ông vải nhưng bốn thằng đàn thổ vẫn không buông, tôi càng la hét nó càng nhấn hết mình nó lên tay chân tôi, mình tôi toát mồ hôi dầm dề, rồi cũng xong liều thứ nhì. Qua liều thứ ba, tôi đã xụi lơ, và tôi chết giấc luôn cho đến khi lão thầy ngải lấy ngón tay đè từ chỗ một cho thiệt tắt. Ấy vậy mà tôi không chết và còn đủ sức gượng dậy, kéo cái quần lên thì cái quần ướt rượt kéo không lên vì tôi đã phóng vừa tiểu vừa đại đầy quần.
Thế mà bịnh vẫn như không và tôi vẫn thỉnh thoảng đau bụng như cũ. Từ đó tôi thù bọn thầy ngải ghê xương và ai nói đến bùa chú ngải nghệ, tôi bỏ đi chỗ khác. Tôi nói thiệt, cho đến chết, từ rày tôi theo thuốc Tây mà thôi.
Nhắc lại căn bịnh của tôi, tôi mang nó lê dài qua ngày tháng. Hôm cưới vợ và gặp anh ở Sa Đéc mới là nguy cho tôi chớ. Đêm tân hôn, tôi cất giấu gói thuốc viên đem theo đề phòng uống cơn nguy cấp, tôi nhét gói thuốc dưới gối rồi phải ra làm phận sự hầu hạ và rót rượu cho quan khách, ngờ đâu vợ tôi ở trong buồng lục lạo bắt được gói thuốc, chị ta khóc cho một mách tường bạc phân vớ nhằm thằng chồng ghiền và khi tôi vô kiếm gói thuốc thì nó ở trong ống nhổ. Phải là chết cha tôi chưa? Tôi không dám nói một lời phản đối, mà cũng may nhờ ông bà phù hộ hay là cưới được con vợ có đít lôm, mừng lòng nên trọn mấy ngày trăng mật không đau bụng phút nào. Rồi vợ tôi sanh con đẻ cái cả bầy, thằng Ngôn (trùng tên với ông đốc phủ ở Phú Lâm xếp của hai đứa mình đó rồi con Nga, thằng Ngươi, vân vân tôi đều lựa tên có chữ “Ng” đứng đầu cho xứng với câu anh nói giỡn năm xưa là một xâu tiền “ngành xĩnh”!
Từ năm anh đổi về Sốc Trăng anh em mình cách biệt, sau đó tôi đau bụng một trận cửu phần tử nhất phần sanh, anh đừng hỏi tôi năm nào, tôi không nhớ, duy biết chắc năm đó nhà thương Chợ Rẫy vẫn còn mang tên Hopitall Lalung Bonnaire và do chính ông nầy làm giám đốc cũng như nhà thương Đồn Đất lúc ấy vẫn do ông bác sĩ Grall bổn thân điều khiển, cả hai ông là hai ông thầy thuốc kỳ cựu có công lớn với bản xứ và để nhớ ơn hai ông Hoa Đà nầy nên đã lấy tên đặt tên cho hai dưỡng đường quan trọng nầy.
Tôi nhớ năm ấy tôi đau một trận kịch liệt, đau hơn lúc nào hết, và vợ tôi thấy nguy quá, uống thuốc nào cũng trơ trơ, nên hoảng kinh chở tuốt tôi vào Chợ Rẫy. Lúc đó thuốc men chưa hoàn bị như bây giờ, các tay danh thủ ở đây đều chay mặt, phần vì vợ tôi nhờ giỏi tiếng Tây, nên khóc lóc nài nỉ ông Lalung Bonnaire thiết tha quá.
Ông cầm lòng không đậu, bèn sai đem tôi ra xe nhà và ông tự lái xe chở thẳng tôi qua nhà thương Đồn Đất. Ông lên thương lượng với vị giám đốc ở đây là bạn già đồng nghiệp hữu Grall, hai người đồng tình cho tôi vào nằm ngay khu bịnh thất dành cho hàng sĩ quan cao cấp nhà binh Tây, vì tôi tuy là thằng “anh đi rền” nhưng làm tại dinh Thống đốc, lại nữa tôi đau một chứng kỳ lạ, cần khám phá có ích cho lương lai y học. Lúc ấy chỉ có nơi nầy có rọi kiếng quang tuyến X., ít ngày sau rõ được đầu dây mối nhợ của chứng bịnh tôi là cái bọng đái (vessie) có một túi nhỏ, khi nào túi nhánh ấy bị chất độc chứa nhiều thì sưng lên và hành đau bụng, và bây giờ tôi mới biết hèn chi có khi tôi uống thuốc Bắc hay ăn nhằm thứ gì không chịu thì tôi đi tiểu ra nước đục đen đen, lại lầm tưởng đó là thuốc thần hiệu nên tống khứ chất độc ra, lại thêm tốn tiền nuôi mập bọn dung y báo đời. Grall và Lalung Bonnaire đều lưỡng lự, vì thuở ấy chưa ai dám mổ hay cắt bớt bọng đái (bàng quang) vì sợ chỗ cắt không lành. Nhưng một cũng liều, hai cũng liều, vợ tôi can đảm làm tờ ưng thuận, khỏi nói lúc ấy tôi đã kể chết nên nghe vợ tôi thuận lại thì tôi gật đầu chấp thuận theo, vì trong trí óc mơ màng nhớ lại vậy chớ hồi bọn Thổ đè mình đốt rún đau thấu mây xanh, lại có mấy hỏi trước xem mình có bằng lòng cùng chẳng? Và tôi nói cho anh Tư (gọi theo thứ tự của vợ trước) biết, tôi là người duy nhứt được hai ông đại danh y Grall và Lalung Bonnaire thân hành giải phẫu, ơn ấy cho đến chết tôi không quên.
Mổ xẻ cắt may xong xuôi rồi, khiêng tôi xuống phòng, ông Lalung Bonnaire về sở, lui cui lo phận sự và nghỉ chưa hết mệt thì ông đã thấy vợ tôi đầu bù tóc rối, níu áo blu-zông của ông, xin cứu mạng cho chồng. Số là dì phước nuôi bịnh thấy tình trạng sức khỏe của tôi nguy kịch quá, đã thú thật và khuyên vợ tôi hãy kíp lo đồ liệm, vợ tôi nóng ruột đánh liều chân thấp chân cao chạy vô kéo áo óng bác sĩ đầy lòng nhân từ Lalung Bonnaire. Lại một phen nữa ông bỏ ăn bỏ ngủ, lấy xe nhà chở vợ tôi trở vô Grall, đến phiên ông níu áo ông nầy và hai người xuồng khu bịnh thất, còn có một phương cứu chữa cầu may là sang máu. Nghiệt nỗi thời đó chưa có ngân hàng máu, lại cũng không thử trước để biết máu tôi thuộc loại O hay mô tê gì. Sẵn có hai ông sân đá gác bịnh, một anh Tây chính cống và một anh cà phê sữa mạt ti nít quai, hỏi chúng chúng tình nguyện hiến máu, bèn cắt mạch máu hai bên tay tôi và nối ống cao su sang máu ngay từ hai thằng Pháp qua một thằng Việt.
Nhờ đó mà tôi thoát chết. Rồi lần lần tôi đi đến khỏe khỏe và chờ ngày bình phục. Thiệt là ơn cải tử hoàn sanh. Một bữa trưa chúa nhựt, vắng im trong phòng, tôi tập nói như đứa con nít lên ba và mấy tiếng nói đầu tiên của tôi là để tỏ lòng tri ân của tôi đối với hai anh bạn khác màu da và khác quốc tịch. Anh lính chà đáp. Nói vậy mầy hết chết rồi hả? Ơn với nghĩa làm gì. Đ.m! Hai đứa tao nào có biết mầy là ai? Cái tục lệ nhà binh, ai nằm phòng nầy là sĩ quan cao cấp, hai tao bị chỉ định phụng sự mầy thì chỉ biết phụng sự chớ nào có việc ơn với nghĩa. Lại nữa, mấy tuần nay, mấy bỏ cơm bỏ cháo, phần rượu chát sắp đôi của mầy, chúng tao nốc trọn, nếu kể về ơn nghĩa thì chúng tao thọ ơn mầy chớ mầy lào thọ ơn chúng tao. Thôi, để tính vầy cho gọn, nay mầy đã thấy khá, vậy thì ráng giữ thân đừng nhõng nhẽo, đừng làm gì bậy bạ, hãy ngủ yên cho sớm để mai nầy quan thầy lại viếng bịnh nếu mầy không có nóng lên độ, đó là mày trả ơn chúng tao rồi đó. Chúng tao cho mầy biết, tụi tao nục quá rồi.
Sau khi ra nhà thương, được giấy phép cho nghỉ hai mươi chín ngày, việc làm đầu tiên của vợ chồng tôi là mua chút ít lễ vật, nho cam, và vợ tôi trích trong của hồi môn một đôi vàng chạm chưa tới một lượng, hai tôi vào nhà ông Lalung Bonnaire. Ông mừng rỡ bắt tay thân mật và hỏi thăm tình trạng sức khỏe lãng xăng. Chủng tôi nài nỉ xin ông nhận chút lễ thành là một cách chúng tôi tỏ lòng ghì ân tái tạo, nhưng nói cách mấy ông cũng một hai từ chối. Vợ tôi nải mãi, bỗng ông cười xoà mà rằng; “Tôi đã có một cách giải quyết vụ rắc rối nầy. Số là tôi sẽ về hưu nay mai. Vậy thì tôi để lại địa chỉ lại cho vợ chồng thầy. Nếu thầy y thật không quên ơn tôi thì thầy nhớ thỉnh thoảng đôi ba tháng viết cho tôi ít chữ cho tôi biết tình trạng sức khỏe của thầy sau cuộc giải phẫu thành công mà kết quả không do tôi mà do sự mát tay của đồng nghiệp hữu kỳ tài Grall của tôi đó. Vợ chồng thầy là người có học chương trình Pháp, ắt hiểu rằng bọn đệ tử của thần Esculape là chúng tôi, có lời thề phải vị tha và không được nhận của cho. Hãy cất đôi vàng đi. Nhưng để thông cảm và khỏi mất lòng nhau, tôi đề nghị bà Ngân hãy ôm mớ trái cây xuống trại bịnh lao mà tặng cho họ, có lẽ họ cám ơn bà hơn là bà đem cho mấy thằng đồng bịnh thất của chồng bà trong mấy tuần qua, bọn chúng chỉ biết có rượu và gái mà thôi. À nầy! Tôi sắp quên! Thằng con út của tôi vừa bốn tuổi đòi chèo chẹo bảo mẹ nó mua cho nó vịt con để chơi. Như thầy quyết đã muốn đền ơn tôi, vậy thầy ra ngay chợ bán gà, mua cho tôi sáu con vịt ra ràn, đừng lựa vịt lớn, hãy tìm những con còn lông măng màu vàng lườm, nó càng la lớn càng tốt, vì thằng con tôi thích nghe tiếng chim kêu và vịt la như vậy. Thôi từ giã, rán giữ gìn sức khỏe: Chúng ta gặp nhau chưa phải là lần chót”.
Nói đến đây, Ngân gạt tàn thuốc, hai tôi chia tay và không gặp nhau nữa. Sau nầy tôi nghe tin Ngân đã định cư từ lâu bên Pháp quốc, sống an nhàn với con và cháu để tiện theo dõi chúng học hành. Gia đình bên bà Ngân có người chết oan trong cuộc chiến tranh chưa dứt nầy. Tôi không trách làm như vậy xem tuồng vong bổn, và nếu thảy thảy đều như thế thì còn chi nước Việt về sau.
Cơm nhà nợ nước, không phải quê hương đem theo được dưới gót giày, câu nầy không phải của tôi và tôi đã phạm tội nhại một danh ngôn Pháp rồi đó!

Truyện Hơn nửa đời hư !!!8305_21.htm!!! Đã xem 115305 lần. --!!tach_noi_dung!!--


18
Những việc gì xảy ra từ năm 1939 đến năm 1943

--!!tach_noi_dung!!--
(Tôi được chứng kiến)
Tôi đã tiêu đầu lạn ngạch, tức làm việc cháy đầu phỏng trán, tức chịu khốn chịu khổ đủ mọi cách, hoặc nói theo lời bà thân ông kỹ sư Nguyễn Khắc Trương ở gần bên nhà, bà thường dùng câu nà tôi không hiểu nghĩa "cực trần ai lai khí" (?), mới về "gần mặt trời", và "về làm dâu nơi dinh Thống đốc Nam Kỳ” với chức thơ ký hạng nhứt (secrélaire de premiere classe), sau khi “lăn tròn cục bướu" khắp đó đây suốt mười sáu năm trời luân lưu nhiều chỗ:
- 5 năm Trường Máy đường Đỗ Hữu Vị (nay là trường Cao Thắng) (1923-1928)
- 4 năm công táp phát ngân toà bố Sa Đéc (mấy năm vui nhứt vì còn trong tuổi xuân xanh) (1928- 1932)
- 4 năm sở Địa bộ quê nhà, Sốc Trăng, báo ân báo hiếu cho cha mẹ... (1932-1936)
- 3 năm toà bố Cần Thơ, đứng bàn ông chánh (thông ngôn quan chánh bố) làm giàu dễ ợt nhưng tôi không màng, một mực làm theo lương tâm, ăn ngay nói thẳng. (1936-1939)
Gọi "gần mặt trời"vì làm với đầu xứ; gọi “làm dâ" vì làm đây cực nhọc và phải cho kín miệng, động một chút là bị đổi đi xa bất tín dụng luôn nhưng được chút an ủi là thêm lương mỗi tháng mười lăm đồng gọi tiền xúp (supplément) duy phải làm mỗi ngày thêm một giờ, như trưa ra sở 12 giờ thay vì 11 giờ 1/2 và chiều trễ tới 18 giờ thay vì về từ 17 giờ 1/2 như các sở khác.
Lúc đầu tôi làm "dâu phụ", "dâu ghẻ", vì còn chờ ở trên giám nghiệm tôi về khả năng. Vì vậy mấy tháng đầu, tôi được bổ làm phụ tá cho một thơ ký nhỏ tuổi hơn tôi và đó là thơ ký công nhựt Dương Văn Minh sau làm đến đại tướng. Ông Minh, nầy là người rất dễ thương và vốn dòng lễ giáo nho phong. Ông là nhỏ nhất trong dinh, và trừ vài người đồng chạn, các nhân viên đều là "chú của Minh", vì đều như tôi, bạn đồng liêu đồng ty với cha của Minh, là đốc phủ Dương Văn Mau. Tôi nói Minh rất dễ thương là thật sự và không có ý nịnh bợ. Sau nầy, cách nhau hơn gần chục năm, Minh làm đến tướng, vinh quang và lừng danh với chiến thắng vào Rừng Sác rượt Bảy Viễn và trận sanh cầm tướng Ba Cụt nơi cánh đồng Chắc Cà Đao.
Một buổi sáng lối năm 1948 nơi Chợ Trời bán chim bán chó đường Hàm Nghi, Minh gặp tôi, ôm choàng lấy cổ như hai bạn thiết cách mặt lâu ngày, tuy vậy "kính nhi viễn chi", tôi thủ phận "hưu viên trưng dụng trở vô làm ăn lương công nhựt”, bấy lâu không lại gần ông tướng suý nầy, vì xét phận mình, gần thần gần cây da, bóng mát thật, nhưng rủi cây da ngã, đè chết có ngày! Và an phận thủ thường là hơn.
Minh lúc ấy coi về công văn từ các tỉnh gởi lên và từ các ty sở khác (divers services) gởi về. Công việc dồn dập chồng chất không làm xuể, nên tôi được, buổi chân ướt chân ráo nhận việc, cấp làm phụ tá cho Minh. Ông Minh chia cho tôi coi về công văn các sở, và giữ lại công văn các tỉnh hạt có phần ít và khỏe hơn, Minh có một cách làm việc thực tế lắm. Trong khi tôi là một thơ ký già làm việc theo lề lối xưa, nai lưng kệch đi đúng giờ và đúng khắc và cong lưng ghi chép nhón và cho số thứ tự hết tất cả công văn thu nhận rồi gởi lên đãi lịnh bề trên là ông đốc phủ xếp ở lên lầu, Minh chê rằng làm như vậy đã mệt mỏi mau chết mà cũng chả ai khen, cho nên Minh đổi phương pháp lại theo ý riêng và chỉ lựa nhón những công văn khẩn cấp và thiết yếu, thì Minh mới ghi vào sổ, cho số thứ tự và bổn thân xách tay lên giao quan đốc phủ, kỳ dư công văn còn lại và Minh cho rằng "không gấp" thì Minh chôn vào nhiều ngăn và hộc tủ có đánh số cẩn thận tỷ dụ như “S” là Sốc Trăng, Sa là Sa Đéc, vân vân, rồi lần lần rỗi rảnh và thong thả Minh sẽ lấy ra ghi sổ, còn lại bao nhiêu thì giờ dư thì Minh sẽ lén dùng để thả xích phê ngoài chợ nhứt là trên đường d'Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) ở sát mé sau dinh. Tuy vậy không một ai phàn nàn Minh vì Minh rất biết điều, trong lúc thả rong chơi làm vậy là Minh lấy tin tức về cá ngựa cho "Chú Thân" "Chú Inh" là hai thơ ký đánh máy về ngựa trường đua như mê đào hát và tuần nào cũng cúng tiền mua cỏ cho ngựa côn hơn công tử chạy tiền cho các cô gầy sòng. Đối với tôi, Minh cho tin tức về hát bóng, tuần nào và rạp nào hát những tuồng gì, và Minh có một câu rất mát ruột: "Chú Sển à, tuần nầy Eden hát tuồng hay, không xem thì uổng lắm. Chú để đó tôi làm giúp cho và chú "nhảy dù" đi xem đi kẻo tiếc”. Hoặc giả, đến phiên Minh nhờ tôi và rằng: "Chú coi chừng tiệm giùm tôi, tôi bữa nay lén đi xi-nê một chuyén!:.
Hai chú cháu tôi làm việc đang tương đắc, bỗng Minh bị bắt đi quân dịch. Tôi cũng vừa mãn kỳ làm dâu, được lên lầu làm chung với các bạn và được giao chỗ quan trọng là coi về công văn mật (courrier confidentiel), sau coi luôn về việc dịch các điện tín mật mã (télégramme chiffré). Hai chú cháu bịn rịn chia tay không đành, nhưng Minh từ ấy công danh đốc lộ đi học trường thiếu sinh (école des cadres) vì có tú tài Pháp văn, dư trận chiến Thái Miên vùng Battambang, trở về đóng lon quan hai (trung uý), rồi lần lần lên tột bực làm đại tướng, người hùng một thuở và tương lai hậu vận còn chưa biết được. Vẻ vang thay, Minh.
Tôi nhờ lên lầu, làm quen và kết giao với nhiều bạn mới, nay kẻ mất người còn và không còn nhớ nữa, như:
- Xếp trên hết công chức Việt là ông đốc phủ sứ Phan Văn Ngô, nhà ở Phú Lâm, đường quốc lộ số 4, treo bảng đề “Villa An Phong”, tức “ông Phan” nói lái lại. Ông là một người đức hạnh, trọn đời không nhận của hối, sáng đi xe lửa Mỹ Tho lên, làm việc cho đến trưa, sai tuỳ phái mua một tô hủ tíu, ăn nửa tô với cơm, nằm nghỉ lưng một chút với một tờ báo mượn nơi phòng báo chí (bureau de la Presse), chiều tối đi bộ ra sở lần đến ga xe lửa Mỹ, lên xe về nhà, và luôn luôn như vậy suốt mấy chục năm trời, không thay đổi tánh. Ai dám nói quan lại đời Tây Tà toàn là tham ô? Một giai thoại đáng tức cười là một khi nọ
22 23 24 25 26 26 (tt) 27 28 29 29 (tt) 30 Bài kết luận