Dịch giả: Doãn Điền
Con chó không chủ

 
Thứ sáu ngày 7 tháng 11, Concarneau vắng lặng. Chiếc đồng hồ dạ quang của thành phố phía trên bờ thành chỉ mười một giờ kém năm.
Đấy là lúc thủy triều lên cao và cơn bão từ tây - nam đến làm cho những con thuyền trên cảng chao đảo, va vào nhau. Gió ùa vào đường phố, đôi khi người ta thấy những mẩu giấy vụn xua đuổi nhau chạy trên mặt đường với tốc độ rất nhanh.
Bến cảng Aiguillon không có một mảng ánh sáng nào. Mọi nhà đều đóng cửa, dân chúng ngủ yên, chỉ còn ba cửa sổ của khách sạn Amiral ở góc kẹp giữa bãi chợ và bến cảng là còn sáng đèn. Cửa không có cánh, nhưng qua những tấm kính màu lục nhạt, người ta khó mà thấy được bên trong. Lúc ấy, những con người kia còn chậm lại ở quầy ca phê làm cho người nhân viên hải quan đang thu mình canh gác trong chòi canh cách đấy cũng phải phát ghen với họ.
Trước mặt ông, một con tàu buôn đến ẩn náu trong vũng lúc ban chiều còn bập bềnh trên nước. Không còn một ai trên boong. Những chiếc ròng rọc rít lên ken két và một lá buồm cuộn lai không kỹ còn phần phật trước gió. Tiếng vỗ oàm oạp liên tiếp của sóng dồi và tiếng chuông thánh thót của chiếc đồng hồ quả lắc điềm mười một giờ.
Cửa ra vào của khách sạn Amiral xịch mở. Một người đàn ông xuất hiện, tiếp tục nói gì đấy một thôi nữa qua cánh cửa hé mở với những người bên trong.Bão vồ lấy ông, thổi tung các vạt áo của chiếc măng tô và nhấc chiếc mũ quả dưa của ông lên, nhưng ông đã kịp thời giơ tay chụp lấy, vừa đi vừa giữ nó trên đầu.
Dù ở xa, người ta cũng trông thấy ông đang vui nhộn, chân nam đá chân chiêu, đi không vững mà miệng thì vẫn lâm râm ca hát. Người nhân viên hải quan đưa mắt dõi theo, mỉm cười, trong khi ấy người đàn ông vẫn cố tình châm cho được điếu xì gà đang hút dở. Đúng là một cuộc vận lộn bắt đầu đến buồn cười giữa người say rượu và chiếc áo măng tô ngoan cố mà trận gió muốn giật nó khỏi người ông, cùng với cái mũ đang lăn lóc trốn chạy dọc theo hè phố. Mười que diêm quẹt lên đều tắt ngấm.
Lúc này, người đàn ông có chiếc mũ quả dưa trông thấy một thềm cửa có hai bậc lên xuống bèn khom người nấp vào đấy. Một tia sáng lóe lên chỉ trong nháy mắt làm ông ta chệnh choạng bíu lấy núm cửa.
Người nhân viên hải quan có nhận thấy một tiếng vang rất lạ trong giông bão không? Ông không rõ lắm. Thoạt đầu ông cười khi nhìn thấy người đi chơi đêm mất thăng bằng, thụt lùi mấy bước nghiêng ngả trong tư thế hết sức lạ thường.
Người đàn ông nằm xoài ra đất sát mép vỉa hè, đầu chúi xuống bùn đất của rãnh thoát nước lề đường. Người nhân viên hải quan vỗ vỗ hai bàn tay vào cạnh sườn cho ấm, quan sát cánh buồm với tâm trạng bứt rứt khi tiếng lật phật của nó chọc tức ông.
Một phút, rồi hai phút trôi qua. Ông lại liếc mắt về phía người say rượu, không thấy người ấy động đậy. Mặt khác ông thấy một con chó không rõ từ đâu đến, hít hít người nằm trên đất. Trong quá trình điều tra, người nhân viên hải quan nói:
- Chỉ đến khi ấy, tôi mới có linh cảm là chuyện gì đã xảy ra? 
Sự đi đi lại lai tiếp diển sau sự việc xảy ra rất khó để xác định chính xác bối cảnh và nguyên nhân của sự việc. Người nhân viên hải quan bước đến tận nơi và ông hơi yên tâm khi thấy có con chó ở đấy, một con chó vàng, to béo và dễ gây gổ.
Có một chiếc đèn đường cháy bằng khí đốt cách đấy tám mét. Thoạt đầu, người nhân viên không thấy có gì là bất thường. Rồi ông để ý có một lỗ thủng trên chiếc áo khoác của người say rượu, và từ cái lỗ thủng ấy chảy ra một chất lỏng và quánh.
Thế là ông chạy đến khách sạn Amiral. Phòng uống cà phê hầu như vắng vẻ.
Một cô hầu phòng tì khuỷu tay lên chiếc két. Cạnh chiếc bàn bằng đá cẩm thạch, hai người đàn ông hút xong xì gà ngã người ra phía sau, hai chân duỗi thăng. Ông luýnh quýnh báo tin:
- Nhanh lên… … Một vụ ám sát… Tôi không biết.
Người nhân viên hải quan quay lại. Con chó vàng theo gót ông vào phòng và nằm dưới chân cô gái hầu phòng.
Có sự do dự. Một sự hãi hùng lờ mờ phảng phất trong không trung.
Ông bạn của cô vừa đi ra…
Một lát sau, cả ba người ấy cúi xuống thân thể của người ngã xuống vẫn trong tình trạng cũ. Toà thị chính, nơi có đồn cảnh sát cách đấy hai bước chân.
Người nhân viên hải quan xăng xái nhào đến, hổn hển và bấm lấy núm chuông cửa của một thầy thuốc.
Rồi ông nhắc lại, không bỏ sót một chi tiết nào ông đã được chứng kiến:
- Ông ấy chệnh choạng, thụt lùi như một người say rượu và đã bước ít ra là ba bước theo cách ấy…
Năm người đàn ông … sáu … bảy … Rồi các cửa sổ mở ra, hầu như khắp nơi những tiếng thì thầm to nhỏ.
Người thầy thuốc quỳ trong bùn, tuyên bố:
- Một viên đạn sát gần giữa bụng, cần phải mổ khẩn cấp, yêu cầu gọi điện cho bệnh viện.
Mọi người đã nhận ra người bị thương là ông Mostaguen, nhà kinh doanh rượu vang của Concarneau, một con người to lớn, tốt bụng, có nhiều bạn bè..
Hai lính cảnh sát mặc đồng phục, trong đó một người không tìm được chiếc mũ lưỡi trai của mình, không biết nên bắt đầu cuộc điều tra từ đâu.
Có người nào đấy lên tiếng. Đấy là ông Le Pommeret mà dáng vẻ và giọng nói rất dễ nhận ra ngay là một con người có danh vọng:
- Chúng tôi đã chơi với nhau một ván bài ở quầy cà phê Amiral với Servrlères và bác sĩ Michoux. Bác sĩ là người ra về trước tiên, rồi nửa giờ sau, Mostaguen - ông ấy sợ vợ - đã rời chúng tôi đúng lúc đồng hồ điểm mười một giờ.
Việc xảy ra vừa bi lại vừa hài. Tất cả nghe ông Le Pommeret nói. Người ta quên chú ý đến người bị thương. Và kìa, ông ấy đang mở mắt, đang gắng nhổm người dậy, nói thầm thì bằng một giọng lạ lùng, rất dịu dàng và rất yếu ớt đến nỗi cô hầu phòng phải thốt lên một tiếng cười lạ lẫm.
- Chuyện gì thế?
Nhưng một cơn co thắt làm cho cả người Mostaguen rung chuyển. Đôi môi của ông mấp máy; các cơ mặt co lại, trong khi ấy người thầy thuốc vội chuẩn bị ống tiêm để chích thuốc.
Con chó vàng đi lại giữa những đôi chân. Có người nào đấy ngạc nhiên hỏi:
- Ông biết con vật này à?
- Tôi chưa bao giờ trông thấy nó cả.
- Chắc là một con chó trên tàu.
Trong không khí của thảm kịch, con chó ấy có cái gì đấy đáng lo ngại. Có lẽ do màu sắc của nó, một màu vàng bẩn thỉu chăng? Nó đứng lêu nghêu trên bốn chân dài ngoằng, rất gầy và cái đầu to tướng của nó gợi lên cho thấy nó giống như một con chó ngao, lại có vẻ như con chó Đô mõm bẹt vùng Ulm.
Cách nhóm người năm mét, những người cảnh sát hỏi người nhân viên hải quan, người làm chứng duy nhất của sự kiện vừa rồi.
Người ta ngắm nhìn thềm nhà có hai bậc lên xuống. Đấy là thềm của một ngôi nhà lớn, bình dị, các cánh cửa đều đóng kín. Bên phải cửa ra vào, một tờ quảng cáo của công chứng thông báo bán đấu giá bất động sản vào ngày l8 tháng 11.
- Đặt giá: 80.000 phơrăng.
Một viên cảnh sát loay hoay mãi mà không bẻ được khoá, nhưng chính người chủ của nhà xe bên cạnh đã làm bật ra được bằng một chiếc tuộcnơvít.
Chiếc xe cứu thương đến, người ta nâng ông Mostaguen lên một chiếc cáng.
Những người thóc mách không còn cách nào khác là đứng nhìn ngôi nhà trống không.
Ngôi nhà không có người ở đã một năm nay. Trong hành lang, toát lên một mùi nồng nặc của bụi bặm và thuốc lá, một chiếc đèn bỏ túi bật sáng, trên nền lát đầy tàn thuốc lá và những vệt bùn, chứng tỏ đã có một người nào đứng rình khá lâu sau cửa.
Một người đàn ông khoác áo pácđờxuy ngoài bộ py-gia-ma, nói với vợ:
- Thôi chẳng còn gì nữa mà xem, chúng ta sẽ biết thêm vào ngày mai trên báo chí. Ông Servières ở kia…
Servières là một nhân vật thấp và béo tròn, khoác chiếc áo vải nhựa cùng có mặt với ông Le Pommeret ở khách sạn Amiral. Ông là biên tập viên ở toà báo Hải đăng Brest, nơi ông cùng với những người khác đăng mỗi chủ nhật một mục thời luận hài hước.
Ông ghi chép, đưa ra những chỉ dẫn, nếu không phải là những mệnh lệnh cho hai người cảnh sát.
Các cửa ra vào mở ra hành lang đều khoá bằng chìa khoá. Cửa ở tận cùng thông ra vườn thì mở toang. Căn vườn được vây quanh bằng một bức tường cao không quá một mét năm mươi. Từ phía kia của bức tường là đường hẻm đổ ra bến cảng Aiguil1on.
- Tên giết người đã đi qua chỗ ấy - Jean Servières nói.
Chính ngày hôm sau, Maigret mới tạm lập được bản tóm tắt về những sự biến. Từ một tháng nay ông được biệt phái đến Đội Cơ động của Rennes mà một số ban, phòng đã được tổ chức lại. Ông vừa nhận được một cú điện thoại khẩn cấp của thị trưởng Concarneau.
Thế là ông đến thành phố này cùng với Leroy, một viên thanh tra mà ông chưa cùng làm việc bao giờ.
Trận bão vẫn chưa dừng. Cơn lốc quay cuồng trên thành phố làm tan những đụn mây lớn, rơi xuống thành mưa lạnh buốt. Không một con tàu nào ra khỏi cảng, và người ta nói đến một tàu thuỷ chạy bằng hơi nước mắc cạn ngoài khơi của quần đảo Glénan.
Dĩ nhiên Maigret đến khách sạn Amiral là khách sạn tốt nhất của thành phố.
Đã năm giờ chiều, và đêm vừa đổ xuống khi ông vào quầy cà phê. Đấy là một gian phòng dài, khá buồn tẻ, sàn xám xịt đầy mạt cưa, có kê những chiếc bàn bằng đá cẩm thạch. Gian phòng còn tăng thêm vẻ não nùng bởi những tấm kính màu lục nhạt của cửa sổ. Nhiều chiếc bàn đã đầy người, nhưng mới liếc qua, người ta đã có thể nhận thấy chiếc bàn của khách quen, những vị khách nghiêm nghị mà người khác phải chú ý lắm mới nghe được cuộc chuyện trò của họ.
Có người nào đó đứng dậy, vả chăng, ở chiếc bàn này, một người đàn ông với khuôn mặt giống búp bê, mắt tròn, cặp môi tươi, mỉm cười:
- Cảnh sát trưởng Maigret phải không? Ông bạn quí của tôi, ngài thị trưởng đã báo cho tôi là ông đến. Tôi thường nghe nói đến ông. Cho phép tơi tự giới thiệu, Jean Servières. Chà, ông ở Paris, phải không? Tôi cũng vậy! Tôi là giám đốc lâu năm của Vache - Rousse ở Montmartre… Tôi có cộng tác với tờ Petit Parisien, với Excelsior, với La Dépêche. Tôi rất quen một sếp của ông, ông Bertrand phúc hậu, đã nghỉ hưu năm vừa rồi để đi trồng cải bắp ở Nièvre. Tôi cũng đã làm như ông ấy? Như vậy, có thể nới rằng tôi đã trở về với đời thường.
Để cho vui, tôi đang cộng tác với tờ Hai đăng Brest.
Ông ta nhảy nhót, khoa tay múa chân:
- Ông lại đây nào, để tôi giới thiệu với ông cả bàn của chúng tôi, bộ tứ tột bậc, những chàng trai vui vầy của Concarneau. Đây là Le Pommeret tay lăng nhăng chim chuột chai sạn, kẻ thực lợi của đẳng cấp anh ta và là phó lãnh sự của Đan Mạch…
Người đàn ông đứng dậy và chìa bàn tay ra, cách ăn mặc chỉnh tề theo kiểu quí tộc nông thôn: quần cụt cưỡi ngựa kẻ ô vuông, ghệt bó sát, không có một hạt bùn, cà vạt rộng bản bằng vải pickê trắng. Ông có bộ râu mép đẹp màu ánh bạc, mái tóc láng bóng, một nước da sáng sủa và đôi má sần da cam.
- Rất hân hanh, ông cảnh sát trưởng.
Rồi Jean Servières giới thiệu tiếp:
Bác sĩ Michoux, con trai của cựu nghị sĩ. Kể ra ông đây chỉ là thầy thuốc trên giấy tờ, vì ông chẳng bao giờ hành nghề. Ông sẽ thấy rằng cuối cùng ông đây rồi phải bán đất cho ông. Ông đây là chủ sở hữu của lô đất đẹp nhất của Concarneau và có thể của cả Brefagne.
Một bàn tay lạnh. Một khuôn mặt lưỡn cày với cái mũi lệch. Tóc màu hung đã thưa dần mặc dù người bác sĩ chưa quá tuổi ba lăm.
- Ông uống gì nào?
Trong thời gian này, viên thanh tra Leroy đã đến trình diện ở toà thị chính và Sở mật thám.
Một bầu không khí xám xịt, tẻ nhạt trong quầy cà phê mà người ta không biết xác định ra sao. Qua cửa ra vào mở toang có thể thấy được ở phòng ăn, các cô hầu bàn mặc kiểu quần áo Brơfagne đang bày bàn ăn tới.
Mắt của Maigret nhìn xuống một con chó vàng nằm dưới chân két. Ông giương mắt thấy một chiếc váy liền áo màu đen, một tạp - dề trắng, một khuôn mặt không thiện cảm nhưng lại khá hấp dẫn, đến nỗi trong khi theo dõi câu chuyện, ông không ngừng quan sát cô.
- Nếu Mostaguen đáng thương này là anh chàng tốt nhất trần đời, hay gần như thế mà lại sợ vợ xanh mắt suýt bỏ mạng thì tôi cho đấy là một trò khôi hài hết sức lố bịch.
Đấy là câu nói của Jean Servières. Le Pommeret thân mật gọi:
- Emma!
Thế là cô hầu phòng bước đến:
- Thế nào?… Ông dùng gì ạ?
Trên bàn, những chiếc cốc nửa lít đã cạn.
Đến giờ khai vị! - Ông nhà báo lưu ý - Nói khác đi là giờ uống rượu Pernod… Emma, cho mấy ly Pernod, có phải không, ông cảnh sát trưởng?
Bác sĩ Michơux đang mải mê nhìn chiếc khuy ở cổ tay áo của mình Servières nói tiếp bằng giọng sang sảng:
- Ai có thể dự kiến trước được là Mostaguen sẽ dừng lại trên thềm để châm điếu xì gà? Không ai cả, có phải không? Nhưng Le Pommeret và tôi đang ở phía kia của thành phố! Chúng tôi không đi qua trước ngơi nhà bỏ trống! Ở giờ đấy chỉ còn có ba chúng tôi là đi trên đường phố. Mostaguen không phải là loại người có kẻ thù, chính vì vậy mà được gọi là con người dễ tính, một anh chàng mà tất cả tham vọng là một ngày nào đấy được thưởng Bắc đẩu bội tinh…
- Phẫu thuật thành công chứ?
- Ông ấy sẽ qua khỏi thôi. Điều buồn cười nhất là bà vợ của ông ta đã diễn kịch ở bệnh viện vì bà ấy nghĩ rằng ông ta có dan díu đến chuyện trai gái! Ông có thấy điều ấy không? Ông già đáng thương ấy cũng chẳng dám vuốt ve cô thư ký đánh máy của mình nữa là, vì lại sợ rắc rối.
- Ly đúp nhé! Le Pommeret nói với cô phục vụ đang rót rượu áp-xanh -
Mang nước đá lai đây, Emma.
Khách uống bước ra vì đã đến giờ ăn tối. Một cơn lốc ùa vào, cửa mở toang làm cho những chiếc khăn trải bàn của phòng ăn run rẩy.
Ông sẽ đọc được bài báo mà tôi đã viết về việc ấy, trong đấy tôi nghĩ là tôi đã nghiên cứu tất cả những giả thiết. Chỉ có một giả thiết có thể chấp nhận được: đấy là người ta đang giáp mặt với một thằng điên. Ví như chúng tôi quen biết tất cả thành phố, chúng tôi hoàn toàn không thấy ai có thể gọi là mất trí cả…
Mỗi buổi tối chúng tôi đều ở đây, đôi khi ông thị trưởng đến chơi bài với chúng tôi. Hay là Mostaguen… Chúng tôi còn đi tìm người thợ đồng hồ cách xa đây vài ba nhà để chơi bài Brit.
- Còn con chó?
Ông nhà báo phác một cử chỉ không biết.
- Không ai biết nó từ đâu ra. Đã có lúc người ta nghĩ nó là của con tàu buôn vừa đến hôm qua, tàu Saint - Merie, có vẻ như không phải. Đúng là một con chó trên tàu, nhưng đấy là loại chó tenơvơ, còn như có ai nói con vật xấu xí ấy là thuộc loại chó khác thì tôi đánh cuộc đấy.
Ông ta vừa nói vừa cầm cái bình nước lọc rót vào cốc của Maigret.
- Cô hầu phòng ở đây đã lâu chưa? - Viên cảnh sát trưởng hỏi nhỏ.
- Vài năm…
- Tối hôm qua, cô ấy không ra ngoài chứ?
- Cô ấy không rời khỏi đây, cô chờ tới khi chúng tôi về, để đi ngủ… Le Pommeret và tôi, chúng tôi gợi lại những kỷ niệm cũ của thời kỳ bay nhảy khi chúng tôi còn khá bảnh để được cung phụng những người đàn bà không có tiền.
Không đúng ư, Le Pommeret? Anh ta chăng nói gì cả. Khi đã biết rõ anh ta kỹ hơn ông sẽ hiểu rằng một khi đã có vấn đề với đàn bà thì anh ta có đủ khả năng để ngủ lại qua đêm. Ông có hiểu chúng tôi gọi ngôi nhà anh ấy ở đối diện với ngôi nhà bán cá là thế nào không? Là ngôi nhà ô trọc… Chà!…
- Chúc sức khỏe ông, ông cảnh sát trưởng.
Người mà chúng ta đang nói đến thốt lên những lời ấy mà chẳng có một chút ngượng ngùng nào.
Ngay lúc ấy Maigret nhận thấy bác sĩ Michoux vừa mới hé răng đã cúi xuống để nhìn cái ly trong suốt của mình. Trán anh nhăn lại. Mặt anh tự nhiên biến sắc, vẻ như đang có gì lo lắng. Bỗng nhiên anh thốt lên sau khi do dự một lát.
- Chờ một tí!
Anh đưa chiếc cốc lên sát mũi, nhúng một ngón tay vào trong rồi quệt vào đầu lưỡi. Servières bật lên một tràng cười lớn.
- Được! Thế là người ta đã làm cho khiếp sợ bởi câu chuyện Mostaguen…
- Sao thế? - Maigret hỏi.
- Tôi nghĩ tốt nhất là đừng uống. Emma, cô sang nói với ông dược sĩ nhà bên chạy mau đến đây… dù ông ấy đang ngồi vào bàn ăn cũng bỏ đấy cái đã.
Đột nhiên, mọi người cảm thấy ớn lạnh. Gian phòng có vẻ như trống rỗng hơn, ủ ê hơn. Le Pommeret bồn chồn vê chòm râu mép. Ngay nhà báo cũng cựa quậy trên chiếc ghế của mình.
- Ông nghĩ về cái gì thế?
Người bác sĩ rầu rĩ. Anh ta vẫn nhìn xoáy vào chiếc cốc, rồi anh đứng dậy nắm lấy chai rượu Pernod trong tủ tường ra soi trước ánh sáng, lắc qua lắc lại, còn Maigret thì phân biệt có hai, ba hạt nhỏ nổi trong chất lỏng.
Cô hầu phòng trở về cùng với ông dược sĩ.
- Này, Kervidon, cần phải phân tích nhanh giúp chúng tôi chất gì trong chai và cả những chiếc cốc này nữa.
- Hôm nay à?
- Ngay bây giờ!
- Tôi phải thử phản ứng gì? Ông nghĩ như thế nào?
Chưa bao giờ Maigret lại thấy ló ra bóng dáng sợ hãi và nét mặt xanh xao đến thế của Le Pommeret, chỉ trong chốc lát đã biến đổi hẳn. Toàn bộ sự nồng nhiệt đã biến mất khỏi ánh mắt của anh, và những vết sần da cam trên đôi má của anh dường như là giả tạo.
Cô gái hầu phòng tì khuỷu tay lên két và thấm ướt đầu bút chì giữa cặp môi để ghi những con số nối tiếp nhau trong cuốn sổ tay bọc vải sơn đen.
Anh là thằng điên - Servières thốt lên. Điều ấy có vẻ như giả tạo. Người dược sĩ đã cầm cái chai trong một tay và tay kia cầm chiếc cốc.
- Strychnine - người bác sĩ thốt lên.
Rồi anh đẩy người kia ra ngoài, quay lại, đầu cúi thấp, nét mặt vàng võ.
Maigret bắt đầu hỏi:
- Điều gì làm cho anh phải suy nghĩ?
- Tôi không biết. Một sự tình cờ, tôi nhìn thấy một hạt bột trắng trong cốc của tôi, mùi của nó rất …
- Tự kỷ ám thị tập thể! - Ông nhà báo khẳng định - Để tôi kể điều ấy vào ngày mai trong bài báo của tôi và đấy là sự sa sút của tất cả các quán rượu ở
Finistère…
- Ông vẫn uống Pernod đấy chứ?
- Tất cả mọi buổi tối trước bữa ăn. Emma thường đem đến như thế khi cô nhận thấy chiếc cốc nửa lít của chúng tôi đã cạn. Chúng tôi có những thói quen nhỏ, buổi tối, đấy là rượu táo.
Maigret đến đứng trước tủ rượu mùi, ông nhìn thấy một chai rượu táo.
- Không phải chai ấy, cái lọ phình cơ.
Ông nhấc chiếc lọ đem ra trước ánh sáng, nhìn thấy mấy hạt bột trắng, nhưng ông không nói gì cả. Điều ấy không cần thiết. Những người khác đã hiểu.
Viên thanh tra Leroy bước vào nói bằng một giọng dửng dưng:
- Sở mật thám chẳng chú ý gì đến điều khả nghi. Không có những kẻ lảng vảng trong vùng. Người ta chẳng hiểu gì cả.
Anh ngạc nhiên về sự im lắng bao trùm, về mối lo sợ chẹn ngang cuống họng. Khói thuốc vươn ra quanh những bóng đèn điện. Chiếc bàn bia phô ra tấm dạ màu lục như một thảm cỏ trụi lá. Có những mẩu thuốc lá trên đất cũng như vài ba bãi đờm lẩn trên mạt cưa.
Emma thấm ướt đầu bút chì và nhẩm:
- Tôi viết bảy, nhớ một.
Rồi, ngước đầu lên, cô nói vọng:
- Tôi đến đây thưa bà!
Maigret nhồi tẩu thuốc. Bác sĩ Michoux chăm chăm nhìn xuống nền đất và mũi của anh lại lệch thêm hơn trước. Đôi giầy của Le Pommeret bóng láng như chưa bao giờ dùng. Thỉnh thoảng Le Pommeret vừa nhún vai vừa tự tranh luận với chính mình.
Tất cả mọi ánh mắt đều quay về phía người dược sĩ khi ông này trở lại với cái chai và chiếc cốc không.
Ông đã chạy. Ông thở hồng hộc. Đến cửa, ông giơ chân đá vào khoảng không để đuổi một vật gì đấy và lẩm bẩm:
- Con chó bẩn thỉu!
Rồi vừa vào đến quầy cà phê, ông nói:
- Đúng là một trò đùa phải không. Không ai uống đấy chứ.
- Thế nào?
- Thuốc Strychnine. Phải, có lẽ người ta đã bỏ vào chai cách đây độ nửa giờ.
Ông kinh hãi nhìn thẳng chiếc cốc còn đầy, năm người đàn ông ngồi im lặng.
- Thế là thế nào. Thật lạ lùng. Tôi rất có quyền phải biết. Đêm hôm qua, một người đàn ông bị giết cạnh nhà tôi, và hôm nay.
Maigret đỡ lấy cái chai trong tay ông. Emma trở lại phô ra phía trên cái két khuôn mặt dài với đôi mắt có quầng, cặp môi mỏng, làn tóc chải sơ sài, trên đấy một chiếc mũ không vành kiểu Bacfagne lúc nào cũng lệch về bên trái, mặc dù thỉnh thoảng cô lại sửa lại.
Le Pommeret vừa đi đi lại lại bằng những bước chân dài vừa ngắm nhìn hình phản chiếu của Jean Servières trên đôi giày của mình đang ngồi im, nhìn xoáy vào những chiếc cốc rồi đột nhiên oà lên một tiếng hãi hùng đến đinh tai:
- Chết chửa!
Người bác sĩ rụt vai lại.