Năm tuần sau, mặt trời tháng giêng chói sáng bóc trần những đỉnh núi và hồi sinh làng Strath Linton. Những căn nhà đá vững chãi đã bám trụ trên đất làng. Chỉ còn những dòng nước mưa sẫm màu đọng lại trên tường quét vôi trắng, một vài hàng rào trốc gốc, mấy cánh cửa đang được sửa sang. Đây đó vài bác phu làm đường bận rộn sửa lại đường, là chứng cứ cho cơn lụt khủng khiếp vừa qua. Đứng trước cửa khu vườn của mình, thầy tu Dougol vừa nghịch bộ râu vừa nghĩ “trời sẽ đẹp đấy!” Ông ta khoan khoái hít một hơi khí trời trong lành. Ở đầu đường ló ra một vị chức sắc khác, bác đưa thư Murray. Hai người đàn ông bình dị chào nhau và tiến ra giữa hè. Khởi đầu, họ không trò chuyện gì cả. Ở những vùng phương Bắc này, thường im lặng có nghĩa là cảm thông. Thế nhưng, sáng hôm nay, thầy tu nhanh chóng phá vỡ thói quen cũ: - Tôi đã xem tờ “Tin tức” sáng nay. Anh bạn quý của chúng ta, Joe “người lương thiện”, đã được công bố là phá sản! Bác đưa thư không giấu được sự hài lòng của mình: - Chà! Lão ta hoàn toàn tiêu rồi! Cầu trời giúp những ai đã bỏ vốn phiêu lưu vào việc mánh mung của lão ta. - Tôi vẫn bảo là cái đập nước ấy bị mắc lời nguyền mà, thầy tu nhận xét. Tuy rằng tôi không chối là một đập nước tốt, nghiêm chỉnh được xây dựng bởi một công ty lương thiện, sẽ có lợi cho vùng này, với điều kiện là nó sẽ không được dùng để cung cấp năng lượng cho nhà máy đúc nhôm quỷ quái ấy. Như vậy, sử dụng tiềm năng thiên nhiên và sự bảo toàn vẻ đẹp của phong cảnh sẽ gắn liền với nhau (ông ta ngừng một chút đầy hàm ý) Thực ra, bác đưa thư này, người ta đang đồn về một dự tính kiểu đó đấy. Ngài John Aigle và con trai ngài, ông mục sư và vài nhân vật khác nghe đâu đã họp nhau lại và một công ty sẽ được thành lập vào lễ Saint Martin. - Thật thế à? Bác đưa thư nói vội. Chà! Các cụ đã có lý khi bảo rằng mọi việc sẽ xảy ra đúng lúc cho những ai biết chờ đợi. Sau lời phán xét ấy, họ tiếp tục cuộc bách bộ trong im lặng. Đến trước nhà bác sĩ Murdoch, hai người đàn ông dừng lại và buồn bã nhìn những cửa sổ kéo màn che phân nửa. Bác đưa thư thấp giọng xuống: - Màn che vẫn chưa được kéo ra hết. Tội nghiệp bác Murdoch, cuộc thử thách của bác ấy gay go biết bao! - Bác ấy liệt giường hơn một tháng nay rồi, thầy tu trang trọng nói. Tôi không bao giờ có thể quên cái cảnh người ta đưa bác ấy từ nhà máy về, mê man bất tỉnh. Nghe nói, từ nhiều tuần nay, bác ta chẳng hề mở mắt. Bác ta cứ nằm lịm đi, lạy trời, thật là khủng khiếp khi thấy bác ta cứ dai dẳng như vậy! Chẳng mấy chốc một thầy giáo làng đã nhập bọn với họ, rồi cô Bell, mặc chiếc áo choàng màu hồng bạc màu. Cô ta sắp mở cửa hàng xén. Chỉ trong có mấy phút, một nhóm nhỏ đã tụ họp lại, im lặng. Cô Bell gục gặc đầu buồn rầu bảo: - Thật tàn nhẫn khi cứ kéo dài tình trạng hấp hối của bác ấy như vậy. - Đúng thế! Bác đưa thư tán đồng. Cứ để bác ấy bình thản nhắm mắt có phải nhân đạo hơn không. - Bác đưa thư, chúng ta sinh ra không phải để phán đoán, thầy tu nói nhỏ. Bác sĩ Murdoch đã là một người bạn tốt cho tất cả dân làng Linton, và Đức Chúa trời sẽ gọi ông về bên ngài vào giờ ngài định. Ông xã trưởng chầm chậm gật đầu. Đấy cũng là dấu hiệu để mọi người giải tán. Họ gật đầu chia tay nhau, rồi mỗi người tiếp tục đường đi của mình.
oOo
Trong nhà bác sĩ Murdoch, một cánh cửa được mở ra. Duncan bước ra khỏi phòng người bệnh. Râu anh mọc tua tủa, mắt thâm quầng, mệt mỏi. Anh đã thức đêm bên giường bác sĩ Murdoch và Jeanne vừa sang thay anh. Anh tựa cánh tay vào tường và gục đầu vào tay. Lúc ở nhà máy, anh đã tự hào biết chừng nào sau khi thành công trong việc xếp lại xương vào đúng chỗ và dù phải làm một phẫu thuật nguy hiểm đến như vậy, vẫn còn bảo toàn được ánh sáng của sự sống! Thế rồi, tiếp đó, là nỗi thất vọng kinh khiếp biết bao khi cơn hôn mê của bệnh nhân cứ kéo dài như thể chỉ có cái chết mới kết thúc nó. Thế đó, đã năm tuần rồi, năm tuần dài như bất tận mà anh vừa trải qua ở Linton, không một lần nào trở về Edimbourg. Trí óc anh lờ mờ nhận thức về dĩ vãng của mình, về công việc của mình ở viện Wallace, về những trách nhiệm và ước vọng của mình ở đấy, nhưng chỉ có mỗi ý tưởng cứu sống bác sĩ Murdoch là bao trùm hết thảy. Chợt chuông điện thoại reo vang trong căn nhà vắng lặng. Duncan nghe tiếng chân rón rén của Relta đi ra hướng điện thoại. - Ai thế, Relta? Anh hỏi, bệnh nhân à? - Không, thưa bác sĩ, à, lại Edimbourg không có cách nào cản họ, dù em đã nói như bác sĩ dặn: bác sĩ không thể về gặp họ được. Anh gật đầu đồng ý: - Tốt lắm! Nếu họ có gọi lại, cứ tiếp tục nhắc lại như thế. Sáng hôm ấy, Duncan đi một tua khám bệnh ở thung lũng. Khi anh về đến Linton thì đã hơn một giờ trưa. Anh nhận thấy một chiếc xe thuê to đậu trước cửa nhà bác sĩ Murdoch. Anh nhếch mép cười giễu cợt. Anh biết rõ chiếc xe ấy có ý nghĩa gì ngay cả trước khi kịp bước vào nhà và thấy Anna ngồi hút thuốc trong phòng khám bệnh nhỏ bé của anh. - Thế nào, Anna! Anh bình thản nói, tôi tưởng đã nói là chị đừng đến kia mà. Tôi tưởng chị đã hiểu sau tất cả những bức điện tín, những cú điện thoại ấy chứ? Chị dụi mạnh điếu thuốc đang hút dở vào cái gạt tàn. - Anh có giận gì tôi khi tôi muốn nói chuyện thẳng với anh không? Nhún vai, anh đi về phía tủ thuốc nhỏ xíu, kê trong góc phòng, và bắt đầu chuẩn bị những món thuốc đơn giản mà anh đã kê toa sáng nay. Cảnh tượng này có vẻ làm Anna mất hết những mảnh kiên nhẫn còn sót lại trong chị. - Anh Duncan! Chị kêu lên, anh đã hoàn toàn điên mất rồi! Anh hy sinh sự nghiệp của mình để đi bán ba thứ thuốc gia truyền này cho mấy người nhà quê ấy à! - Có thể, anh thô lỗ ngắt ngang, nhưng tôi còn có một bệnh nhân khác nữa, trên lầu ấy. - Tôi biết rồi. Tôi đã khám ông ấy. Tôi đã tự mình khám ông ta trong lúc anh đi vắng. Và tôi có thể nói là anh đã phí thì giờ. Anh loạng choạng như thể án tử ấy là dành cho chính anh. - Nhưng dù sao, đấy không phải là quan điểm của tôi… - Quan điểm của tôi đầy khoa học, sáng suốt. Phù não đã xảy ra. Ông cụ này chỉ còn đáng ra nghĩa địa nữa thôi. Và tất cả những niềm tin mà anh thổi vào ông cụ sẽ không thay đổi được gì cả. - Chị có quyền gì mà nói thế? - Quyền của khoa học, và quyền là bạn anh nữa. Ôi, tôi biết thừa anh đã làm gì. Sau khi chỉnh lại cột sống, anh đã nuôi sống ông cụ bằng dịch truyền và cho ăn qua ống, anh đã ngày đêm chăm sóc ông cụ. Gương tốt đấy! Nhưng vô ích, vô ích. Bàn tay đang cầm ống nghiệm hơi run lên: - Chị thật tàn nhẫn, Anna ạ! - Trong nghề của tôi, và cũng là của anh, không thể làm khác được (giọng chị lạc đi). Nghe tôi đi. Và thử xem xét lại các vấn đề một cách bình tĩnh hơn, ít ra cũng một lần này. Bỏ qua dịp may độc đáo hiếm có đến dự bữa cơm tối ở nhà giáo sư Lee với các thành viên trong Hội đồng đã là điều không tốt cho anh rồi. Huống hồ, anh lại vắng mặt ở khoa trong suốt năm tuần nay, một dịp tốt để các địch thủ của anh tha hồ vận động ngay trước ngày tranh cử. Đó, đó chính là sự tự sát đấy! Tôi đã cố, đến mức chán ngấy ra, nhấn mạnh về khía cạnh cảm động trong chuyện anh đóng góp vào Linton này. Nhưng, giờ này (chị ngưng một lúc) những lời biện bạch không còn có ý nghĩa gì nữa. Những ứng cử viên đã được mời tới vào ngày mai. Thư mời đã đến nhà anh. Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào chiều mai, lúc mười lăm giờ. Duncan đóng nắp một chai thuốc lại, dán nhãn vào đấy. Anh chậm rãi đặt nó lên kệ và quay về phía người thiếu phụ: - Dĩ nhiên tôi sẽ cố đến. Nhưng tôi không thể hứa chắc với chị được, vì nếu tôi đến, người ta sẽ giữ tôi ở lại, tôi sẽ mắc kẹt lại đấy. Trong khi đó tôi cần phải nói với chị rằng tôi đã quyết định chăm sóc bệnh nhân của tôi, như bác Murdoch hẳn sẽ làm, cho đến phút cuối. Chị cắn mạnh môi: - Đến phút cuối! Nhưng tôi đã bảo anh là không còn làm được gì nữa hơn nữa mà. Tại sao, anh, một chuyên gia đầy kinh nghiệm về cơ thể bệnh lý… Anh quay phắt sang chị: - Trong y khoa, có vài điều người ta không tìm thấy được trong những ống nghiệm. Và một trong những điều đó là thế này: người ta không bao giờ được bỏ rơi bệnh nhân trước khi người ấy chết.oOo
Sự phẫn nộ của chị tan ngay. - Thế anh định trả lời tôi ra sao, Duncan? Sau ngần ấy năm chúng ta làm việc với nhau? Anh nhìn chị, không hiểu. - Xem nào (giọng chị trở nên thì thầm) tại sao chúng ta lại cứ cãi vã nhau mãi thế? Điều này gây ra biết bao đau khổ! - Ở chị, đây là một lời kỳ quặc đấy! - Có lẽ tôi là một người đàn bà kỳ quặc. Anh không hiểu được là chính tôi, tôi cũng không biết mình kỳ quặc đến chừng nào. Anh tưởng là tôi cứng rắn lắm hả. Có trời mà biết! Mấy tháng gần đây, tôi, tôi đã trở nên mềm yếu hơn cả cô ả Margaret ngu độn của anh nữa. Chị cúi xuống rồi chợt ngước nhìn anh, ánh mắt chảy bỏng một nhiệt tình tha thiết, mãnh liệt: - Đôi khi, người ta vứt bỏ những điều người ta mong muốn nhất. Nhưng đến một lúc nào đó, người ta không còn khả năng bỏ qua chúng nữa. Chúng ta đã làm việc chung với nhau quá lâu rồi, Duncan ạ. Cuộc đời đã bạc đãi cả hai chúng ta. Chúng ta có cùng một mục đích, nó đã buộc chúng ta lại. Duncan, tất cả những gì xảy ra với anh làm tôi xúc động vô cùng. Tôi … (giọng chị run lên) rất quý anh. Chúng ta không thể cùng xây dựng tương lai được sao? Ôi! Tôi biết tôi đã không khéo lắm! Nhưng Duncan này, tôi rất cần anh! Chẳng lẽ không đáng kể gì cho anh sao? Anh quay mặt đi và khó khăn lắm mới thốt nên lời: - Tình bạn của chị đối với tôi quý hơn bất cứ thứ gì trên đời. Chị đứng bất động một lúc lâu. Rồi chị ngẩng đầu lên, vẻ mặt trở nên bình thản, vô cảm như thường ngày. - Vậy thì không cần phải tiếp tục nói chuyện đó nữa. Tôi hứa với anh là sẽ không bao giờ nhắc lại đề tài ấy. Nhưng ngày mai anh phải đến nhé, chắc nhé? - Có thể là tôi sẽ không đến. - Anh sẽ phải đến, chị cãi lại, anh quá tham vọng, và tôi cũng thế, nên anh không thể bỏ lỡ dịp may trong đời. Tạm biệt, Duncan, hẹn mai gặp lại.*
Hôm sau, Duncan thức dậy, thần kinh căng thẳng. Phòng của anh kế bên phòng bác sĩ Murdoch và theo thói quen, anh lắng tai. Anh nghe tiếng cô ý tá làng đến thay Jeanne ngồi gác tối qua. Nghẹn đi vì một cảm giác khó chịu, anh nhảy ra khỏi giường, cạo râu và nhanh chóng thay quần áo đi thăm người bệnh của mình. Cô y tá Gordon đang đứng cạnh giường bác sĩ Murdoch. Cô thầm bảo: - Thưa bác sĩ, sáng nay ông cụ có vẻ không khỏe lắm. Hình như cụ còn yếu hơn thường ngày nữa. Duncan đặt tay lên cổ tay bác sĩ Murdoch và bắt đầu cuộc khám thường lệ. Anh nhận rõ cái lý vững chắc trong những lời cô y tá nói. Anh lấy một quyển sổ và ghi những chỉ dẫn cho sáng nay. Vào tới bếp, Duncan nuốt vội vài miếng điểm tâm và đi ra nhà để xe. Chẳng bao lâu xe anh đã rồ máy. Trong thâm tâm, anh cũng không hiểu sao mình lại vội lăn vào hành động với một sự hấp tấp với một cường độ như vậy. Anh bị động bởi một lòng khao khát tuyệt vọng là bỏ trốn, bỏ trốn khỏi bác sĩ Murdoch, và bài toán liên quan đến cả hai người. Khi anh trở về nhà Jeanne ra đón anh, tươi mát và gọn gàng trong tấm áo màu xám, mặc dù sắc mặt xanh xao và những quầng thâm làm tối mắt cô lại. Sự hiện diện của cô lại làm tim anh đau nhói. Bây giờ anh đã hiểu ra, không thể nào lầm được, là anh yêu cô, một tình yêu thật sự mãnh liệt không gì lay chuyển nổi. Nhưng anh không thể quên vẻ quyến luyến cô dành cho Alex Aigle. - Tại sao em không nghỉ đi? Anh phải cứng người lại để có thể nhìn cô. - Em không mệt tí nào. Em nghĩ là trưa nay chúng ta có thể ăn cơm sớm hơn một chút. Anh không đói. Tuy vậy anh cố ép mình nuốt một miếng súp gà. Jeanne đưa tiếp cho anh một đĩa đầy nho tươi. - Anh nếm thử, cô mời anh, của ngài John Aigle gửi đấy. Anh lắc đầu. Hơn bao giờ hết, cái tên Aigle tạo cho anh một cảm giác giận hờn. - Ngon lắm, anh ạ, cô nói tiếp, giọng thất vọng. - Có thể. Anh chợt có một ý tưởng cay đắng và nói thêm: - Nhưng anh, anh không muốn mắc nợ nhà đó gì cả. - Họ chỉ có ý tốt. Cô ngập ngừng rồi quyết định nói tiếp: - Ngài Aigle bảo ngài sẽ sắp xếp tìm cho ba em một bác sĩ khác nếu anh phải đi. Anh nhìn cô, ngạc nhiên là cô có thể đoán biết bí mật đang giày vò anh. - Đương nhiên anh không thể ở mãi đây được (nụ cười của cô chỉ còn là bóng mờ những nét trong sáng thường ngày mà cô vốn có trước kia). Bây giờ có quá ít việc anh có thể làm… Đối với anh, bây giờ mọi việc đã rõ. Anna đã nói chuyện với anh ngày hôm qua và Jeanne đã mở cửa rào, trả tự do cho anh. Đúng lúc ý nghĩ này xuyên qua trí anh như một ánh chớp thì Hamish gõ cửa và bước vào, mũ cầm ở tay: - Thưa bác sĩ, tôi đã đem va li xuống rồi. Tôi có phải để nó vào xe ngay không? -Hamish, anh hãy để nó ở phòng ngoài một lát đã. Ý tưởng chỉ trong ít giây nữa thôi, anh sẽ định đoạt cả cuộc đời mình trong tương lai làm anh xáo động dữ dội. Anh nhìn sững Jeanne và cảm thấy bị lôi cuốn bởi ý muốn tai quái là làm cho nàng đau khổ. - Cô thật là đáng yêu khi sửa soạn bữa tiệc tiễn biệt này, với sự giúp đỡ của gia đình Aigle nữa. Giọng của Jeanne run rẩy khi cô trả lời anh: - Em chỉ muốn giúp anh đến Edimbourg kịp mười lăm giờ. Anh không thể ngăn mình nói tiếp: - Cô thật chu đáo quá thôi! Nhất là tôi đã tỏ ra không nổi bật gì lắm để giúp ích cha cô. Cô nói nhỏ: - Em đã nói với anh là… Anh thô lỗ ngắt lời cô: - Là cô muốn tống tôi đi chứ gì, cô có lý đấy, tôi không trách cô đâu. Anh không thể lý giải nổi tình cảm thúc đẩy anh làm tổn thương cô. Chưa bao giờ anh cảm thấy yêu cô như lúc này. Anh nói tiếp những lời ngoài ý muốn ở mình: - Tôi sẽ không ở lại cái nơi mà sự hiện diện của tôi đã không được người ta mong muốn. (Anh đứng dậy rời bàn ăn) Cho tôi năm phút nữa thôi rồi tôi sẽ đi luôn.oOo
Ra phòng ngoài, anh thấy mũ và áo choàng của mình để trên va li. Qua kính cửa ra vào, anh thấy Hamish ngồi trước tay lái. Anh dư thì giờ để đến Edimbourg vào lúc mười bốn giờ rưỡi. Anh hình dung ra cảnh mình trở về thành phố, cảnh kích động mà sự có mặt của anh sẽ gây ra khi đến viện Wallace. Anh như nghe thấy những lời chào mừng ưu ái mà các bạn dành cho anh, anh tưởng tượng ra sự bẽ bàng của Overton. Anna có lý, anh không thể để Overton qua mặt mình. Anh quyết định ra đi, nhưng chợt có một điều gì đó đã buộc anh phải leo lên phòng bác sĩ Murdoch, nhìn bệnh nhân lần chót. Căn phòng tối mờ mờ, Murdoch vẫn được đặt nằm ngửa, vô tri giác và bất lực, như tình trạng thường lệ của ông trong suốt năm tuần vừa qua, một kiếp sống như đã chết. Phải chi Duncan có thể xua tan sự mê man này, trả lại tri giác cho người bệnh, mọi việc sẽ ổn thỏa ngay. Nhưng chuyện ấy đã không xảy ra. Anh phải đi vậy, ngay chính người sắp chết cũng không tiếc anh. Thế nhưng anh vẫn đứng yên. Anh không thể rời mắt khỏi khuôn mặt chìm sâu trong bóng tối. Phải làm một điều gì đó. Chỉ có sự căng thẳng, cái duy nhất còn tồn tại trong tâm trí anh, mới có thể gợi ý Duncan nghĩ đến phương cách cuối cùng mà anh chợt nhớ ra. Anh hiểu rõ sự nguy hiểm nằm ngay trong cách xử lý ấy. Nhưng anh đã quyết định chọn nó. Anh sẽ chọc dò tủy sống. Nếu anh không thử làm điều đó thì cái chết chắc chắn sẽ đến. Anh định ra những chi tiết của việc phải làm, trong khi sốt ruột chờ cô y tá đến. Cô ta im lặng lách vào phòng lúc mười ba giờ đúng, và bình thản bảo Duncan: - Cô Jeanne bảo tôi nhắc bác sĩ là đã đến giờ khởi hành. Nếu không, bác sĩ sẽ bị trễ. - Vâng, tôi e rằng tôi sẽ trễ giờ. Cô Gordon, cô nấu sát trùng giùm mấy dụng cụ chọc dò. Cô ta liếc nhìn anh, rồi lại nhìn bác sĩ Murdoch. Cô ta bắt đầu khử trùng dụng cụ, không nói lời nào. Rồi họ thận trọng trở bác sĩ Murdoch nằm nghiêng sang một bên. Duncan xoa cồn sát khuẩn ở ót bác sĩ Murdoch, sau đó xoa lại bằng axit picric. Vết xoa màu vàng xanh nổi bật lên, ghê rợn trên nước da tái xanh. Tay Duncan chậm rãi lướt trên vùng chấn thương. Anh cảm nhận những đốt sống đang từ từ gắn chặt lại với nhau. Anh cẩn thận chọn điểm sinh tồn. Gần như không động ngón trỏ, anh dùng tay kia cầm lấy kim chọc dò, một mũi nhọn sáng loáng mà anh sẽ phải đâm xuyên qua các tổ chức sinh tồn tới tủy sống. Bất cứ lỗi lầm nào cũng sẽ gây tử vong, anh hiểu rõ điều ấy. Chỉ cần một sai lầm nhỏ thôi về khoảng cách hay hướng đi của kim và thế là cái chết đến ngay lập tức. Cô y tá cũng hiểu rõ điều ấy. Véo da bệnh nhân lên giữa ngón cái và ngón trỏ, Duncan đâm cây kim chọc dò vào mảng thịt nhão với một động tác dứt khoát. Trong một phút dài chết người, anh ấn kim sục tìm trong thịt, hướng mũi kim nằm khuất dưới da tiến ra trước một chút, rồi lại lùi về sau một chút, tìm bằng được chỗ để luồn kim vào. Nhưng ở đâu anh cũng chỉ cảm nhận sự cản trở dưới mũi kim. Anh sẽ không bao giờ tìm được chăng? Tuyệt vọng, anh nhắm mắt lại nhằm tăng cường sự nhạy cảm của xúc giác. Và anh tiếp tục tìm, tìm nữa. Chợt anh không kiềm được tiếng thở phào nhẹ nhõm. Lần này không còn gì cản trở nữa, cây kim nhanh chóng lướt sâu vào. Anh đã tìm ra chỗ hổng, nhẹ nhàng hướng mũi kim vào ống tủy. Với sự cực kỳ cẩn thận, anh ấn sâu mũi kim, mỗi lúc một sâu thêm. Mặt anh như đeo mặt nạ. Đây không chỉ đơn thuần là động tác của một nhà phẫu thuật, cũng không hẳn là việc ứng dụng giản dị của một thủ thuật được học trong sách vở, mà đây chính là tài thiên phú đang được anh sử dụng. Anh chợt cảm nhận kim đã đâm qua màng não. Anh đã đạt tới đích của mình. Khi đó, anh chờ đợi đến đỉnh điểm chứng minh hiệu quả của việc anh làm. Bác sĩ Murdoch sẽ sống hoặc chết. Bằng một cử chỉ lanh lẹ, anh lắp ống tiêm vào. Ngay lập tức một dòng dịch não tủy được tuôn vào ống tiêm qua kim chọc dò. Mặc dù đã thấy rõ lý chắc chắn cuộc thử nghiệm của mình, Duncan vẫn chưa dám mừng vội. Dòng dịch chảy mạnh hơn: hiển nhiên áp lực bên trong thật cao độ. Và Duncan chợt nghe từ ngực Murdoch thoát ra một tiếng thở dài thật khẽ, đây là biểu hiện đầu tiên của sự sống kể từ năm tuần hôn mê. Cô y tá suýt nữa đánh rơi ống nghiệm cầm trong tay. - Bác sĩ Stirling, cô ta lắp bắp, anh có nghe thấy không? Duncan không trả lời. Môi anh khô lại vì lo sợ. Anh nhìn sững vào cây kim. Một vài giọt dịch nữa hiện ra rồi từ từ vài giọt nữa, rồi thôi, hết rồi. Anh nhanh nhẹn rút kim ra, sát khuẩn lại chỗ chọc dò rồi dán một mẩu băng dính lên và trở bác sĩ Murdoch nằm ngửa lại. Anh chờ một lát rồi đưa chai nước amoniác ra trước mũi bệnh nhân. Nhưng chất kích thích này không có tác dụng gì cả. Duncan cố gắng không để thất vọng xâm chiếm mình. Anh cúi xuống, đè chặt hai ngón tay cái vào hai bên trán bác sĩ Murdoch, ngay trên dây thần kinh hốc mắt, anh vẫn thường dùng phương cách này để hồi tỉnh những bệnh nhân còn bị ảnh hưởng thuốc mê. Trong một phút không có gì xảy ra cả. Chợt, dưới sức ép tăng lên của những ngón tay anh, phép lạ đã xảy ra: bác sĩ Murdoch từ từ mở mắt. Như thể là phục sinh. Đưa tay lên miệng, cô y tá Gordon nén tiếng kêu. Ấy vậy mà ông cụ vẫn nghe thấy: - Gì thế, ông yếu ớt thì thầm. Duncan cúi nhìn ông, lòng hân hoan. - Không có gì cả, anh bảo, bác đừng bứt rứt. Bác sĩ Murdoch chậm chạp chuyển ánh mắt sang Duncan: - Anh vẫn còn đây à, ông lầm bầm hỏi. Duncan cảm nhận tính châm biếm quen thuộc, thân mật, cố hữu trong giọng nói của vị thầy thuốc già và như muốn hét lên vì mừng. - Tôi nghĩ tôi đã nghỉ đủ rồi. Hãy mở cửa sổ ra cho tôi nhìn ánh sáng. Duncan lao vội ra mở cửa và cô y tá, không muốn ở không, cũng mang lại cho bác sĩ Murdoch một ly sữa. - Cái giống gì thế này? Ít ra cô cũng có thể cho tôi một tách trà thật đậm? - Vâng, vâng, dĩ nhiên. Cháu sẽ mang lại ngay lập tức. Duncan vội chụp lấy cơ hội ấy để rời khỏi phòng. Anh không thể chịu đựng được lâu hơn nữa hạnh phúc nức lòng này. Bác sĩ Murdoch, ông bạn già yêu quý của anh đã được cứu sống! Ra tới hành lang, anh đứng lại một lát để lấy lại bình tĩnh trước khi phóng vội xuống bốn bậc một. - Jeanne! Anh gọi, cha em khỏe hơn rồi! Jeanne! Jeanne! Anh những tưởng cô ở ngoài vườn và chạy vội ra, mình chỉ mặc áo sơ mi, không có áo veste. Cô không có ngoài ấy. Nhưng ngay trước cửa nhà vẫn là cái nhóm nhỏ thường ngày đang tụ tập ở đấy tới xế chiều: ông thầy tu, bác đưa thư, bác chủ trại Blair và một tá các chức sắc khác trong vùng. Họ chợt im lặng khi thấy anh tiến lại gần họ: -Bác sĩ Murdoch, ông thầy tu run giọng kêu lên, bác ấy mất rồi à? - Không đâu, không đâu. Trái lại, bác ấy đã thoát rồi. Họ im lặng nhìn anh trong giây lát. - Bác sĩ, bác sĩ muốn… bác sĩ thật sự nghĩ như thế à? Cuối cùng ông thầy tu hỏi. - Tôi có nghĩ vậy không ấy à? Thì chính bác ấy vừa ra khỏi hôn mê. Cách đây không đầy một phút bác ấy đã nói chuyện với tôi, đã đòi uống trà đặc! Những tiếng kêu nổi lên. Thầy tu tiến lên, bắt chặt tay Duncan, rồi quay lại bạn bè: - Robert, chạy đi báo tin đi. Bảo Hamish gióng chuông lên. Chạy đi con, chạy nhanh lên. Còn chúng ta (đôi mắt ướt nhòe của ông lướt nhanh), chúng ta hãy cám ơn Thượng đế! Khúc thánh ca kính mừng của họ vẫn còn vang dội tai anh khi Duncan chạy vội vào nhà. Khi đi qua cửa, chuông đổ từng hồi, mang tin mừng đi khắp làng và khắp thung lũng. - Jeanne! Anh lại gọi khi chạy băng qua phòng ngoài, Jeanne! Jeanne! Cô ra khỏi phòng cha mình và đóng cửa lại, nét mặt tái xanh của cô đổi hẳn đi vì mừng. Anh lao về phía cô, nhưng trước khi anh kịp đến, cô đã ngất xỉu.oOo
Mười hai ngày tiếp theo đã đem lại những đổi thay lớn trong nhà bác sĩ Murdoch. Cửa sổ và cửa ra vào được mở rộng đón ánh mặt trời của một mùa xuân đến sớm. Những chú gà con chen lấn nhau trong sân sau nhà; khu vườn được tô điểm bởi những sắc xanh non. Giọng ca khỏe khoắn của Relta, đang vang một bài dân ca Tô Cách Lan, vọng từ nhà giặt. Trong bếp, Jeanne đang bận túi bụi làm mứt. Không có gì bác sĩ Murdoch ưa hơn những món mứt làm ở nhà. Cô đang mải cắt cam ra từng lát tẩm đường và bỏ chúng vào cái chảo đồng to, vẻ mặt hãy còn đăm chiêu, nhưng người ta đã có thể đọc được ở đấy những nét vui mừng trong trẻo. Bỗng có tiếng gõ cửa. Thoạt tiên cô cứ tưởng là cha cô gọi bằng cách gõ xuống sàn. Hiện giờ bác sĩ Murdoch đang hoàn toàn trong thời kỳ dưỡng bệnh và ông đã dùng cách này để báo cho con gái mình mỗi khi ông cần gì đó. Tuy nhiên không phải bác sĩ Murdoch mà là ai đó gõ cửa. Cô ra mở cửa, không kịp cởi tạp dề nữa và đụng đầu ngay chàng con trai nhà Aigle. - Alex! Cô bật thốt, anh đã về đấy à? - Jeanne! (anh vội nắm chặt tay cô trong tay mình và cứ siết chặt như thể anh không bao giờ còn muốn rời ra) Anh mới về sáng nay. Anh vừa mới hay tin về những điều rủi ro xảy ra với cha em, và từ lúc ấy, anh cứ tưởng là anh đã không chạy đủ nhanh để đến đây. - Anh thật tốt, Alex ạ (cô mỉm cười). Nom anh khỏe đấy! Anh rám nắng nữa này. Anh giống y như Mỹ ấy. Anh ta đăm chiêu ngắm cô. - Còn anh, anh không thể nói về em như thế được Jeanne ạ. Em đã gầy đi và xanh xao, nhưng em xinh hơn bao giờ hết. - Em khỏe lắm! (cô vội cười giòn về sự ưu ái của anh đối với cô) Anh mà gặp em cách đây khoảng mười lăm ngày thì không biết anh nói sao nữa? Ấy chết… (cô vội gỡ tay ra) mứt cam của em sẽ cháy khét hết nếu em không canh nó. Anh hãy lên gặp ba em đi. Anh sẽ gặp em trong bếp ấy khi nào anh trở xuống. Trong khi anh ta leo vội lên hai bậc thang một, thì cô quay về chảo mứt của mình. Chốc chốc cô lại nghe thấy tiếng cả hai giọng nói. Khoảng nửa giờ, rồi Alex trở xuống: - Chà! Anh ta tuyên bố, thật là tuyệt vời! Chưa bao giờ anh thấy ông cụ khỏe đến thế. Anh ta ngồi vào bàn, và quan sát Jeanne đang bận đảo mứt. - Hình như nhà em chịu ơn bác sĩ Stirling rất nhiều? - Đúng thế, cô trả lời, giọng trầm tĩnh. - Sau những lời tôi vừa nghe, anh ta khó khăn nói tiếp, anh Stirling đã ở đây rất lâu và có thể nói như là anh ấy đã cứu sống cha em trong khi hy sinh chức viện trưởng viện Wallace mà anh ấy suýt được bổ nhiệm ở Edimbourg. À, nhân tiện, ai được bổ nhiệm thế? - Em cũng chẳng biết nữa. Điều đó chưa được công bố. Nhưng anh nên nhớ là bác sĩ Stirling đã hy sinh như vậy ngoài ý muốn của em. - Đấy là ý rất tốt (Alex nhíu mày). Nhưng hơi bất thường. - Chúng ta vẫn chẳng hơi bất thường đó sao, Alex? -Khi nào anh ấy đi? - Cũng sắp, em đoán vậy (cô cúi mặt). Anh xem đấy, anh ấy biết là ba em không thể làm việc nặng nhọc được nữa, và gia đình em cũng cần sắp xếp lại… Alex đứng lên và lại gần cô: - Jeanne! Em yêu quý! Hãy để anh sắp xếp hộ em! Cũng chính vì việc ấy mà anh đã vội đến thăm em (giọng anh ta trở nên nghiêm trang hơn). Hãy cho phép anh chăm sóc ba em và ngay cả em nữa. Em hãy nhận lời lấy anh, Jeanne ạ. Em biết đấy, anh đã nói với em hàng vạn lần, anh yêu em biết là chừng nào! Cô đứng bất động một lúc lâu đến nỗi anh ta tưởng như đã làm cô cảm động và đã thuyết phục được cô. Nhưng cô lại lắc đầu, ngăn những lời bày tỏ của anh bằng sự trầm lặng của mình. Đối với Jeanne, Alex chỉ là một chàng trai trẻ - trẻ, quá trẻ theo cô – không phải là thiếu thông minh, nhưng không có gì độc đáo, không có cá tính nổi bật. - Em rất tiếc, anh Alex à. Em mến anh vô cùng. Anh và ngài John, cả hai rất tốt với gia đình em. Anh và ba anh thật tuyệt vời. Phải chi em có thể yêu anh! (mắt cô nhòa đi khi cô quay nhìn anh) nhưng em không thể! Alex, tốt hơn em phải báo cho anh biết điều đó. Em rất tiếc, anh Alex quý mến ạ. Cô thấy nỗi thất vọng hằn sâu trên mặt anh ta nhưng, trong tình thương ái ngại cô dành cho anh, cô vẫn không thể ngăn được ý tưởng là anh sẽ nhanh chóng tìm được an ủi. - Hãy can đảm lên, anh Alex! (cô đập nhẹ vào tay anh, đẩy vẻ mẫu tử) Chỉ sáu tuần nữa là chúng ta sẽ pha trò về chuyện này đấy. - Theo tôi thì sáu năm có lẽ đúng hơn. Alex còn ở lại vài phút. Rồi, sau khi đã dành đủ khoản thời gian theo những quy ước xã giao, anh xiết tay cô và hấp tấp ra về sau khi ngượng nghịu mỉm cười chào cô lần cuối. Lát sau, cửa lại mở, Jeanne ngước mắt nhìn tưởng là Alex quay lại. Nhưng chính là Duncan, trở về sau khi đi một tua khám bệnh hàng ngày. Hiện giờ trông anh có phần nào già đi, nghiêm nghị với một vẻ tự tin mới. Anh đăm đăm nhìn cô: - Tôi vừa thấy cậu Alex đi ra. Với vận tốc cậu ta chạy xe, người ta có thể nói ai đó đã mở cửa thiên đàng cho cậu ta. Jeanne đau đớn đỏ mặt lên tới tận mang tai khi thấy Duncan đã hiểu quá sai về sự hấp tấp của người theo đuổi cô. Cảm giác nóng mặt khiến cô thấy giận chính mình và làm tăng sự bối rối của cô đến mức cô không thể thốt ra một lời nào. Anh lại liếc nhìn cô, mỗi lúc mỗi tin chắc là anh đã đoán đúng. “Rồi, thế là hết” anh thầm nghĩ. - Anh có chuyện muốn nói với em, anh bảo cô. Chuyện về các bệnh nhân ấy mà. Nếu ba em không có gì phiền và nếu ông muốn, anh sẽ rất mừng được ông giao việc chăm lo cho họ. Dĩ nhiên anh sẽ lo hết mọi việc khám bệnh và ông có thể gợi ý cho anh. Còn về tiền bạc thì điều đó không có gì quan trọng đối với anh cả. Tất cả những gì ba và em đề nghị, anh đều chịu hết. Cô quá sững sờ để có thể trả lời anh. Nhìn vẻ mặt lầm lỳ của anh, cô nghĩ thầm: “Mình yêu anh ấy hết sức, vậy mà mình lại có thể sợ anh ấy”. Cô cảm thấy bối rối, lòng tràn ngập một mặc cảm phạm tội. - Nếu không vì gia đình em, cô bảo, thì giờ này anh vẫn còn ở Edimbourg, trên con đường đến danh vọng. Tại lỗi của gia đình em, lỗi của em mà anh đã mất ghế viện trưởng ở Wallace. Thế mà bây giờ anh lại còn đề nghị giúp gia đình em vì thương hại, vì từ thiện! - Em lầm hoàn toàn. Ngay ngày hôm qua, Hội đồng đã mời anh làm viện trưởng và anh đã từ chối. Anh rút trong túi ra một bức thư và đưa nó cho Jeanne. Đó là bức thư chính thức mời anh làm viện trưởng viện Wallace. Cô nói thầm: “Thế ra, họ đã biết tại sao anh phải ở lại đây à? Ôi, thật là tuyệt!” Anh cầm lại bức thư rồi vứt nó vào lò sưởi. - Có thể đấy, anh trầm tĩnh nói, nhưng với anh thì không. - Duncan, anh muốn nói gì thế? - Em bảo rằng những tuần sau này đã làm hỏng đời anh. Sai rồi. Trái lại, chúng đã đem đến cho anh một ý nghĩa mới, chúng đã chỉ rõ cho anh thấy con đường mà anh phải theo (anh hút một hơi dài). Từ ngày anh thi đậu xong, ngoại trừ những tháng anh đã trải qua tại đây, cách đây hai năm, anh đã bị lạc hướng. Anh đã tiến bước trong một đường hầm tăm tối, thúc đẩy bởi một tham vọng không phải là của anh. Anh đã sa vào bẫy, mắc vào guồng máy quay vòng, phản bội lại chính mình. Anh quá ham muốn làm giống những kẻ khác. Ba em đã hoàn toàn có lý, Jeanne. Anh cần gì những ống nghiệm, những máy kích điện, những máy đo tim, những máy soi ấy và cả những thứ còn lại nữa? Ồ dĩ nhiên. Chúng có ích đấy nhưng chúng đã được tâng bốc quá cường điệu. Nhưng chỗ của anh không phải là cạnh chúng. Anh không hợp với chúng. Anh muốn chăm sóc người bệnh và anh biết anh được sinh ra để chữa bệnh cho họ. Anh muốn đến tận nhà họ và làm nhẹ đi những nỗi đau đớn của họ (anh ngừng một lát rồi trầm tĩnh tiếp). Còn về Strath Linton, anh rất yêu vùng này. Ở đây có nhiều người tử tế, anh thấy họ thật dễ gần. Bọn họ có thể giữ thành phố lại cho họ. Còn anh, tất cả những gì anh yêu mến đều ở cả đây. - Thế, cô e dè hỏi, anh định ở lại đây à? - Vâng, và khi quyết định điều ấy, anh trả được một món nợ khác nữa. Nếu anh lánh mặt, thì chức viện trưởng sẽ được trao cho Anna. Đúng thế, mặc dù chị ấy là một phụ nữ, giá trị và tài năng của chị ấy đã được nhận biết rõ rồi. Việc đó sẽ làm một điều tốt cho viện, và cả cho chị ấy nữa. (Anh ngập ngừng giây lát) Việc ở lại này sẽ cho phép anh được khiêu vũ trong đám cưới của em. Anh thật là ngốc, anh đã chẳng có lấy một lời chúc mừng em. Alex là một cậu con trai rất dễ mến (anh cố pha trò) khi nào em thành phu nhân Aigle, em sẽ không còn đoái hoài hạ cố để mắt nhìn anh thầy thuốc nhà quê quèn ở thung lũng này đâu nhỉ. Anh sắp sửa rời phòng: - Em sẽ không bao giờ chịu lấy Alex Aigle đâu, không bao giờ, không bao giờ! Cô òa khóc nức nở. Anh đứng sững lại: - Sao vậy? Giờ đây, anh cần phải biết, phải biết tất cả! Bất kể điều gì. Jeanne quay mắt đi: - Bởi vì em yêu một người khác. Trong một khoảnh khắc, anh bất động. Rồi anh từ từ bước lại gần cô, những bước đi không vững, một tia hy vọng không tưởng ánh lên trong mắt. - Jeanne, em không muốn…em không muốn nói là… là anh đấy chứ? Cô quay lại anh, những giọt lệ lăn trên má: - Em yêu anh ngay từ phút đầu tiên em trông thấy anh đứng bên ngoài trong mưa. - Jeanne! Anh gào to, em yêu dấu của anh! Và họ đã ở trong vòng tay nhau. Duncan thầm thì: - Anh không bao giờ có thể tưởng là mình có được mảy may hy vọng nào, Jeanne ạ. Từ tháng này sang tháng khác, tình yêu anh dành cho em vẫn nằm trọn trong tim anh từ khi anh hiểu ra mình. Cô ngẩng đầu nhìn anh. Anh cúi hôn cô và tất cả như tan biến xung quanh họ. Thế nhưng cõi trần lại được nhắc lại với họ qua những tiếng gõ trên sàn gác, mỗi lúc một gấp gáp. - Cha đấy. Jeanne thì thầm (cô mỉm cười). Cả hai chúng ta đi báo tin cho ông biết đi.oOo
Một năm sau, một buổi xế chiều tháng sáu thật đẹp, một cảnh nhộn nhịp bất thường diễn ra chung quanh nhà bác sĩ ở Strath Linton. Những cửa sổ bóng loáng được trang hoàng màn che mới, những chậu hoa thơm, đỏ thắm nở đầy trong những bồn hoa. Trước cửa vào lót một tấm chùi chân sáng bóng. Căn nhà sực nức mùi thơm ngào ngạt, quyến rũ của bánh ga-tô nướng trong lò, của thịt quay và bánh ngọt nhân đậu. Đâu đâu cũng có tiếng chân người. Trong vườn có hai người ngồi hai bên thềm trong những chiếc ghế bành tiện nghi – một chỗ ngồi cho phép họ nhìn bao quát con đường lớn – họ có vẻ bình thản và thoải mái. Một trong hai người là Murdoch, ăn mặc thật chỉnh tề, bây giờ tóc ông đã hoàn toàn bạc trắng, nhưng sắc mặt thì tươi mát và rám nắng. Bà cụ già mặc chiếc áo đen đẹp nhất, mũ đội đầu và ô cầm ở tay, nét mặt uy nghi, nghiêm khắc đang giãn ra trong nụ cười mỉm, chính là Martha, mẹ Duncan. Bà ngồi đấy, ngắm cảnh vật vui tươi quanh bà, những ngọn núi ở xa, thung lũng và con sông. Kể cả làng xóm ngay sát bên bà. Và cố giấu vẻ bứt rứt nhận xét: - Tôi đang nghĩ đây là một ngày rất đẹp trời để làm lễ rửa tội. Vị thầy thuốc già đã có dịp nhận ra nỗi thích thú có được khi ông cãi lại bà: - Chiều nay trời sẽ mưa. - Không, trời sẽ không mưa đâu, bà cãi lại, không mưa đúng vào ngày lễ rửa tội cháu trai đầu lòng của tôi đâu. - Cháu trai của bà ấy à, thật thế ư? (Ông giả vờ cười) Chẳng lẽ tôi không có quyền gì trong vụ này à? Thằng cu ấy giống tôi như in đấy. - Cầu trời tránh cho chúng ta điều đó! Bà thành thật bật thốt. Tôi không bao giờ cầu mong một sự rủi ro như vậy cho bất cứ đứa trẻ nào. Thôi ông hãy để yên cho đứa con đầu lòng của con trai tôi đi nào, nó là một thằng nhóc rất kháu khỉnh. Nó có cùng màu mắt với tôi và có cái mũi của dòng họ Stirling. Ông bác sĩ già suýt nữa tức nghẹn: - Bà già, bà khỏi mất công nổi cáu với tôi. Tôi không sợ bà đâu, và tôi không như thằng Duncan đáng thương của bà đâu, thằng con mà bà đã từ bỏ trong bao nhiêu năm! Mặt bà dịu lại: - Đó là chuyện cũ rồi. Ông biết là nó đã cãi lời tôi mà. - Thế à? Thế nó không có lý khi làm điều đó à? Bà bướng bỉnh lắc đầu: - Nó còn có thể làm hơn nữa kìa nếu nó chịu nghe lời tôi khuyên. Nhưng giờ đây, tôi sẵn sàng tha thứ cho nó. Sáng nay tôi vừa quyết định như thế, vì tình thương con nó. Còn gì hay hơn nữa không? - Còn gì hay hơn? (ông phá ra cười) Cầu trời giúp chúng ta, chị sui ạ, chị thật là rộng lượng đấy! Nếu tôi là thằng Duncan, tôi sẽ bảo chị hãy quay về chỗ mà chị từ đó lại đây. Và khi nó biết chị đang ở đây, ai dám chắc là nó không làm việc ấy. Những lời đe dọa vui vẻ ấy chỉ ngừng lại khi ông già Tom mặc chiếc áo veste quá rộng trên đôi vai gầy guộc tha thẩn đi vào trong vườn. Bà Martha nhìn chồng bảo: - Ông biết là ông không được phép uống rượu vào ngày lễ rửa tội đâu đây, bà nghiêm khắc bảo, một giọt cũng không. Ông Tom hãnh diện lắc chiếc dây đồng hồ bằng vàng mắc vào chiếc đồng hồ mới rất đẹp trong túi áo gi-lê của ông. Duncan đã không bao giờ quên là bao nhiêu năm trước đây, khi anh dấn thân vào cuộc phiêu lưu lớn trong đời mình, cha anh đã cho anh đồng hồ của ông và quà tặng đầu tiên của anh cho ông đã là một cái đồng hồ bằng vàng. - Không có gì mạnh hơn nước, ông hứa. - Ngoại trừ rượu sâm-banh, bác sĩ Murdoch gợi ý. Hai chúng mình sẽ chia nhau một chai, anh Tom ạ. Rồi anh sẽ thấy, nó chỉ nặng hơn bia chút xíu thôi. Một tiếng chân cắt ngang mọi biện luận mới, Jeanne đã ra sau lưng họ, tươi cười, tay bồng đứa bé mặc áo lễ rửa tội dài lụng thụng. - Thế nào, đúng chứ? Bà cụ già hãnh diện mỉm cười, đúng là một đứa trẻ tuyệt vời, phải không nào! - Có lẽ đó sẽ là đứa duy nhất mà tôi với bà hợp với nhau (ông Tom nói nhỏ) - Trời ơi! (Jeanne quay ra đường) Khách của chúng ta tới rồi, ấy thế mà anh Duncan vẫn chưa về nhà! Hai người khách đầu tiên chậm rãi bước đến. Đó là ông xã trưởng và ông thầy tu, cả hai đều mặc những bộ quần áo ngày lễ diện nhất của họ. Sau họ, người ta thấy bác đưa thư, cô Bell, gia đình Mac Kebre, Reid và ông mục sư. Chẳng bao lâu, khu vườn nhỏ đã đầy người. Ông xã trưởng bắt đầu đằng hắng ho để phá tan sự im lặng hơi ngượng ngập đang diễn ra. - Cái ho của bác xấu đấy, bác xã trưởng ạ, bác sĩ Murdoch nhận xét với giọng nhà nghề. Tôi sẽ kê toa cho bác. - Thôi bác khỏi phải mất công, ông xã trưởng đãng trí trả lời. Sau buổi lễ tôi sẽ đi khám bác sĩ. - Sao! Bác sĩ Murdoch gầm lên (mọi người phá ra cười). Thế cái ngài bác sĩ khả kính ông vừa nói với tôi ấy đâu rồi nhỉ? Ông ấy không thể có mặt ở nhà vào ngày lễ rửa tội con trai ông ấy à? - Hôm nay anh ấy phải đi một tua khá cực đấy ba ạ, Jeanne xen vào. Đúng vào lúc đó, họ nghe tiếng máy và xe Duncan dừng ngay trước cửa, theo sau là Hamish, và nét mặt anh giãn ra khi thấy các vị khách, vợ mình và đứa con mới sinh. Chỉ trong một năm, công việc đã để lại dấu ấn trên người anh. Nét mặt cương nghị và dứt khoát lộ rõ vẻ nhân đạo, tốt bụng sâu sắc. Do thường ở ngoài trời, da mặt và cả người anh rám nắng trông rất khỏe. Thân hình anh lực lưỡng trông rất đẹp trong bộ quần áo thể thao bằng vải đay. Duncan tiến lại từng nhóm và mỉm cười thân ái với những vị khách mời của mình, nụ cười bình thản và hạnh phúc của con người đã tìm ra hướng đi đích thực cho đời mình. Anh không thấy mẹ mình vì xâm lấn bởi nỗi bối rối bất chợt, bà đã giấu mình sau những người khác. - Tôi rất tiếc là đã trễ hẹn. Một trường hợp viêm ruột thừa cấp tính ở Rossdhu (anh liếc nhìn vợ) và tôi còn bị giữ lại giữa đường nữa. Anh trao cho Jeanne một bức điện tín đã được bóc ra. Cô đọc lớn bức điện: “Lòng tôi ở bên các bạn hôm nay. Quỷ tha ma bắt anh, chính anh đã có lý. Hãy hôn đứa bé hộ cho mụ dì lạc hậu của nó. Thân mến chào Jeanne và một cái bắt tay cho chính anh về phía viện trưởng, rất mệt mỏi, của viện Wallace. Ký tên: Anna Geisler”. Một tia nhìn hoàn toàn hòa hợp được trao đổi giữa Duncan và Jeanne. Rồi cô khẽ bảo: - Ở đây còn một người nữa mà anh chưa kịp thấy. Quay lại, cô nắm tay bà Martha và đẩy bà ra trước anh. - Mẹ. Trong một lúc họ đối mặt nhau, rồi bà quay mặt đi, hổ thẹn: - Mẹ nghĩ là mẹ phải đến. Nhưng nếu con không cần đến mẹ thì mẹ sẽ về. Bác sĩ Murdoch khịt mũi, tế nhị kéo cánh tay ông Tom và lôi những vị khách mời vào nhà. Duncan còn lại một mình với mẹ anh và Jeanne. -Mẹ phải nói là (bà cụ cố kiềm chế sự xúc động của mình), là mẹ rất sung sướng thấy con hạnh phúc, được vợ con và mọi người yêu mến. Anh tiến lên và ôm lấy mẹ: - Mẹ, tất cả chúng con đều mừng có mẹ đến với chúng con! Nuốt nước mắt, bà Martha định nói gì đó, nhưng không thể thốt ra lời. Lần đầu tiên từ nhiều năm nay bà bật khóc. - Con yêu quý của mẹ, có lẽ cả hai chúng ta đều đã có lý, bà nhượng bộ vừa nói vừa lau mắt. Mẹ có thể vào nhà và ẵm cháu được chứ? Duncan, lòng tràn ngập hạnh phúc, hôn bà, một tay choàng qua vai mẹ, một tay choàng qua lưng vợ, anh dẫn hai người vào nhà.Hết