Chương 4

Chẳng bao lâu khắp cộng đồng đã hay tin về sự thành công của Duncan trong việc trị lành bệnh cho Annie. Không có hoan hô, chỉ có sự lễ phép chấp nhận người bác sĩ từ xa đến, với lòng ngưỡng mộ thành kính, và chứa chan hy vọng nơi anh những đức tính và tài năng tốt đẹp.
Những ngày dài ảm đạm đầy tuyết mà có lúc Duncan phải đi bộ hàng bốn mươi cây số để khám bệnh đã trôi qua. Anh trở về nhà phấn khởi và đói ngấu. Lúc nào cũng vậy, ngay khi anh vừa bước vào cửa, bữa cơm đã sẵn sàng cho anh, thịnh soạn và ngon lành. Duncan ngạc nhiên về việc Jeanne điều khiển việc bếp núc hoàn hảo và bình thản như thế.
Một hôm, hai tuần sau khi đến Strath Linton, anh bảo Jeanne:
- Jeanne ạ, người đàn ông nào lấy được em là đã lấy sự toàn bích hiện thân làm đàn bà đấy.
Cô quay đi để anh không nhìn được vẻ mặt mình và giọng lạc đi một cách khác thường, cô nói:
- Anh thật sự nghĩ vậy à?
- Còn thế nào nữa! (Giọng anh hơi đùa) Và khi nào ba em có về hưu, điều đó hẳn cũng sắp xảy ra, thì ông sẽ gả em với một món hồi môn rộng rãi.
Cô quay phắt lại anh, vẻ mặt bối rối và căng thẳng:
- Anh đừng nói thế, nó không giống với anh thường ngày chút nào!
- Ủa, Jeanne…
- Làm sao anh có thể lạc quan về tương lai của em đến thế? Hơn nữa, anh không hiểu hoàn cảnh gia đình em. Ba em đơn giản không thể về hưu. Ông không thể tự cho phép mình làm điều đó. Nhà em không giàu, nhà em chẳng có gì cả, ngoài cái nhà này và những đồ đạc chứa trong đó. Ba em đã săn sóc bệnh nhân không phải để thu lợi; (niềm kiêu hãnh đã trùm lên nỗi âu lo của cô) trong những năm sau này, nhà em còn thiếu nợ tiền thuốc rất nhiều. Vì vậy, khi anh nói một cách ngốc nghếch như thế về đám cưới của em…
Cô ngừng bặt, nước mắt lưng tròng.
Mặc dù không thật hiểu là anh đã làm gì để cô mếch lòng, nhưng Duncan cũng nhận thấy rõ là chính anh đã làm cho cô bị tổn thương và phiền muộn. Anh nói với cô, giọng hối lỗi:
- Anh rất tiếc, Jeanne ạ. Anh chỉ định pha trò thôi.
- Không, chính em mới thật ngu ngốc nên mới xúc động vì những chuyện không đáng gì đấy. (Cô lùi ra và cố giữ cho giọng bình tĩnh trở lại) À! suýt nữa em quên, người ta mới gọi điện thoại cho anh ngay trước bữa trưa. Có người bị thương nhẹ ở nhà máy thủy điện Loch Linton. Ông Overton đã hỏi là anh có thể ghé qua đấy chiều nay không.
- Overton ấy à? Anh nhắc lại như một tiếng vọng… nhà máy thủy điện!
- Vâng! Nếu có khi nào người ta có thể moi ra tiền ở vùng này thì chính ông ta sẽ là người bỏ chúng vào túi với sự bóc lột nhân công và cái đám vật liệu phế thải của ông ta.

oOo

Sau bữa ăn trưa, khi lên xe đi Loch Linton, Duncan có vẻ tư lự. Con đường ngoằn ngoèo dọc theo ngọn đồi đến tận cao nguyên bao quanh bởi những ngọn núi. Cuối cùng, anh đã tới đầu bên kia của thung lũng. Ở đó người ta đã tạo ra một quang cảnh khác lạ.
Những cái hồ nhỏ duyên dáng mà ngày xưa Duncan thường đến ngắm nhìn đã biến mất. Nó bị thay thế bởi một công trình phá hoại tạo ra do bàn tay con người. Những dãy lều ảm đạm nằm dọc theo bờ hồ. Phần lớn cây cối bị đốn ngã thô bạo. Xung quanh có những ụ đất lớn mọc lên. Cặn bã đủ loại: vỏ hộp rỗng, vỏ chai vỡ ngổn ngang trên mặt đất. Một bên là ống khói đang phun khói và tàn lửa. Một bên là những cái máy trộn bê tông khổng lồ đang nghiền những vật liệu tạo nền móng cho nhà máy đúc nhôm.
Duncan đậu xe lại và đi theo con đường mòn mới giãy cỏ về phía túp lều mang bảng “Văn phòng. Cấm vào”. Ba người đang ngồi ở đấy: Overton, một người đàn ông to béo mặc đồ xanh công nhân và, anh ngạc nhiên tột độ khi nhận ra Leggat, luật sư ở Levenford.
Overton làu bàu đứng dậy:
- Mãi bây giờ anh mới tới! Tôi tự hỏi không biết đến chừng nào anh mới chịu tới. Anh biết Leggat chớ? Ông ta là cố vấn pháp luật cho công ty. Và đây là Lem Briggs, đốc công của tôi.
Duncan chào Briggs và chỉ nhìn lướt qua Leggat.
- Tôi tưởng các ông có một người bị tai nạn. Anh bảo.
- Không có gì nặng lắm đâu. Joe phản đối. Chỉ có một cái cẳng bị bầm dập một chút. Một khúc gỗ không chịu nổi và một ít bê tông đã đổ xuống một tên ngốc đứng ngay bên dưới.
- Không phải khúc gỗ không chịu được mà là đã tuột ra khỏi dàn giáo. Leggat xen ngang.
Chỉ nghe giọng nói, Duncan cũng hiểu là người luật sư nói dối.
- Tôi có thể khám người bị thương chứ? Anh hỏi.
Người bị nạn nằm trên chiếc phản gỗ trong một phòng ngủ tập thể bằng gỗ. Duncan xem xét thật lâu cái chân bị nạn. Rất nhanh, anh đã nhận ra dưới chỗ sưng, một chỗ gãy rõ rệt.
- Không có gãy xương đấy nhé. Overton gợi ý. Đây không phải là một trường hợp đòi bồi thường tai nạn lao động đấy chứ, phải không? Với biết bao nhiêu tiền đổ vào cái nhà máy này, tôi không còn tiền để cho phép mình làm ba cái chuyện rởm đó đâu.
- Gãy ngang xương chày. Duncan trả lời. Tôi sẽ viết báo cáo vào chiều nay.
Overton thốt ra một tiếng chửi thề.
- Cái cây ấy bị mục, ông Overton ạ. Người thợ nói. Tôi nghe nó kêu răng rắc. Có mọt trong hết phân nửa các thân cây chúng ta sử dụng.
- Câm mồm! Briggs rít lên.
- Lem! (Giọng Leggat trở nên ngọt ngào) Anh rất trung thành với công ty. Người ta đã không vô cớ gọi ông Overton là “người lương thiện”. Chàng trai đáng thương này sẽ hưởng lương nguyên tháng. Dù là chuyện này hoàn toàn do lỗi anh ta. Tất cả chúng ta đều hiểu chuyện này có thể xảy ra cho bất cứ ai (ông ta ngưng lại một lát) …còn về vật liệu, không sao có thể hoàn hảo được.
Joe “người lương thiện” liếc nhanh về phía người luật sư của mình.
Trong khi đó, Duncan lo lắng cái chân bị thương và, với những gì có trong tay, anh cố làm một cái nẹp cố định sơ sài.
- Khá đấy, Overton bình phẩm với vẻ thán phục ngoài ý muốn. Tôi thật sự mừng là anh đã đậu bằng bác sĩ. Hình như anh thường gặp con trai tôi?
Duncan gật đầu.
- À thế! Đấy là đứa con trai mà tôi có quyền hãnh diện! Với những hy vọng thăng chức ở viện Wallace và cái đám cưới rực rỡ vừa rồi, nó sẽ leo lên đỉnh danh vọng trước khi anh kịp ngạc nhiên (lão ta xoa tay với vẻ khoái trá). Đương nhiên anh sẽ không tiến xa bằng nó đâu, Stirling ạ. Nhưng tôi không từ chối giúp anh một tay để có được một chỗ tốt mà tôi đã nhắm sẵn cho anh, miễn là anh không quá tham lam. Anh lãnh của lão Murdoch dưới đó bao nhiêu?
- Khá ít.
Duncan khép túi xách lại và Joe “người lương thiện” trâng tráo cười:
- Làm sao anh có thể hòa hợp với một lão già khốn kiếp như vậy? Nghe tôi bảo này, tôi nghĩ rằng công ty chúng tôi cần một bác sĩ, ở đây, sau khi đã sắp xếp xong. Anh đúng là mẫu người chúng tôi cần. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi tôi bàn lại với anh điều đó. Trong khi chờ đợi, anh hút một điếu xì gà nhé?
- Không, cám ơn! Tôi phải đi ngay.
Duncan tránh né nhiệt tình giả tạo ấy. Rồi, khi ra tới xe, anh đứng lại, lạnh lùng bảo:
- Bây giờ nếu ông chịu trả tiền tôi thì giá là nửa guinée đấy.
- Sao?
- Trừ phi… (anh nhìn thẳng vào lão ta) ông nghĩ là không đủ.
Joe “người lương thiện” cố ghìm lại sự bực bội của mình, chậm chạp rút từ ví ra một tờ giấy bạc và đưa nó cho Duncan.
- Đây! (Lão ta cố mỉm cười) Tôi đã bảo anh là một thanh niên đầy hứa hẹn mà. Tôi không trách anh định bỏ túi riêng một ít sau lưng lão già khốn kiếp ấy. Tôi đã từng bảo anh mà, rồi sẽ có một ngày nào đó, chúng ta sẽ hợp tác tốt với nhau. Cho tôi địa chỉ của anh đi.
- Ông cứ tìm nó trong cuốn niên giám điện thoại. Duncan vắn tắt trả lời.
- Được, chắc chắn là tôi sẽ tìm ra anh khi nào tôi cần đến.
Lão ta đưa tay ra bắt tay anh, bàn tay lão ẩm ướt mồ hôi.
Khi đi về làng, Duncan không ngừng cọ những ngón tay của mình như thể anh muốn xóa đi cái cảm giác nhờn tởm của cái bắt tay vừa qua. Cuộc tiếp xúc đã để lại cho anh một ấn tượng khó chịu, trái ngược với cái vẻ đồ sộ mà quang cảnh nhà máy đáng lý phải gây ra ở anh. Vở hài kịch bên cạnh đập nước ấy có vẻ mờ ám, đáng nghi ngại đối với anh. Và, anh cảm thấy một mưu mô nào đó được che giấu đằng sau sự mời mọc làm việc của lão Overton. Anh định kể lại cho bác sĩ Murdoch nghe về cuộc gặp mặt cũng như những suy luận của anh về chuyện đó. Nhưng, nghĩ lại, cuối cùng anh cũng quyết định thôi không nói gì với ông cụ nữa. Chỉ nghe đến tên Overton cũng đủ làm ông cụ giận sôi lên rồi. Anh lẳng lặng bỏ tờ nửa guinée vào hộp trà để trên mặt tủ ly chén, nơi Jeanne vẫn thường cất tất cả những khoản tiền nhỏ do các lần thăm bệnh mang lại. Anh nghĩ thầm: ít ra, lão Joe “người lương thiện” cũng đem lại được bữa cơm ngày chủ nhật.
Một tháng sau khi Duncan đến Strath Linton, bác sĩ Murdoch đã có thể đi lại được. Một buổi chiều, người được ủ kỹ, ông bác sĩ già vừa mới làm vườn được một chút xong thì Duncan cũng về tới sau khi đi khám bệnh.
Ngay lập tức, tình trạng ngượng ngập kỳ quặc trong mối quan hệ mới nối lại của họ lại trỗi dậy. Bác sĩ Murdoch hiểu Duncan đã lăn xả vào công việc mới của mình đến chừng nào, và trong thâm tâm, ông cũng nhận ra là mình đã hiểu lầm về mối giao du hiện có giữa Duncan và Anna Geisler. Về phía Duncan, anh cũng rất tiếc về sự giận dữ mà anh đã biểu lộ với ông thầy thuốc già. Mặc dù cả hai đều rất muốn làm lành với nhau, nhưng không một ai trong họ chịu nói trước.
- Vậy là bác đã ra vườn được rồi, Duncan bình thản nói. Việc đó sẽ làm cho bác mau khỏe đấy.
- Mau khỏe, nói nghe hay! (Ông bác sĩ già cau có chỉ giản dị vì muốn nói ngược lại anh thôi) Anh đã giết chết bao nhiêu bệnh nhân của tôi trưa nay rồi? Sau khi anh về trường, tôi phải điểm danh để nắm lại số người sống sót.
Duncan treo áo khoác và mũ vào mắc áo.
- Bác đã ra ngoài hơi lâu đấy. Bác đã đến giờ uống trà rồi. Em Jeanne đâu rồi bác?
Thật kỳ lạ là cô đã không chạy ra đón khi nghe tiếng anh gọi.
- Thôi im nào, anh bạn trẻ! Bác sĩ Murdoch bực bội gắt lên. Để cho con gái tôi yên. Lần này Relta sẽ dọn trà cho chúng ta.
Ngạc nhiên, Duncan đi theo bác sĩ Murdoch vào phòng khách, ở đấy lửa đang reo bập bùng cháy trong lò sưởi. Gần như ngay lập tức, người hầu gái mang khay trà ra.
Duncan nói ra cảm nghĩ của mình:
- Phòng này có vẻ trống rỗng khi chúng ta chỉ có hai người như thế này.
- Con gái tôi đang sửa soạn. Bác sĩ Murdoch giải thích, vẻ mặt cau có. Tối nay nó đi dự dạ vũ.
Duncan cố giấu vẻ ngạc nhiên của mình. Đương nhiên anh biết tối nay có một buổi dạ vũ, đó là một sự kiện quan trọng ở đây, nhưng Jeanne đã không bày tỏ ý định đi dự buổi dạ vũ ấy. Tuy nhiên, hẳn vẻ ngạc nhiên của anh vẫn lộ ra vì bác sĩ Murdoch đã quay lại bảo anh:
- Rồi sao? Chẳng lẽ con bé không có quyền đi giải trí một buổi sau khi đã đầu tắt mặt tối suốt cả năm à?
- Thì… thì… cháu có nói gì đâu – Duncan lật đật nói – cháu chỉ định nói… là… là… là cháu không ngờ rằng… rằng… (anh khuấy tách trà của mình lâu hơn cần thiết). Thế cô ấy đi dự dạ vũ một mình à?
- Dĩ nhiên là không rồi! Có một anh chàng đã để ý nó từ bao năm nay đến đón nó.
Ngớ người ra, Duncan cố mỉm cười:
- Thế anh chàng ấy là ai vậy?
Bác sĩ Murdoch liếc nhìn anh một cách kỳ quặc:
- Alex Aigle, ông bình thản nói, một thanh niên rất khá, con của ngài John Aigle.

oOo

Duncan cố giấu không để lộ tình cảm của mình. Anh chậm rãi lôi tẩu thuốc ra và bắt đầu nhồi thuốc. Kỷ niệm về hình ảnh chàng trai mà anh đã gặp trên xe ca tối hôm ấy hoàn toàn đẹp đẽ. Chưa bao giờ Duncan nghĩ là Jeanne có thể có một người khá như vậy theo đuổi. Đối với anh, sự hiện diện của cô bên anh, đon đả và dịu dàng lo cho anh mọi chuyện là lẽ tự nhiên. Sự hiện diện của cô đương nhiên là một phần của vẻ duyên dáng quyến rũ của Strath Linton. Vậy mà, thình lình lại xảy ra sự bất ngờ này… Duncan ngạc nhiên về sự tiếc nuối của chính mình.
Anh đang mải nghĩ đến đó thì Jeanne bước vào phòng, mặc chiếc áo đi dự tiệc.
- Có còn tách trà nào không ạ? Cô vui vẻ hỏi.
Duncan quan sát cô. Trước đây anh chưa bao giờ thấy cô mặc gì khác ngoài những chiếc áo giản dị. Cái áo đầm bằng vải Tulle trắng cô đang mặc thật ra cũng khá giản dị, nhưng vẻ tươi mát và nhẹ nhõm của nó đã làm tôn lên dáng thanh mảnh của của tấm thân tươi trẻ, đã tô thêm một nét duyên dáng mới cho khuôn mặt vốn đã dịu dàng của cô. Tóc cô cũng được chải kiểu khác thường ngày. Những cánh hoa trắng được cài trong những lọn tóc nâu. Mắt cô long lanh vì niềm vui khi nghĩ đến buổi dạ vũ.
- À, Jeanne. Duncan nói nhỏ. Cô thật xinh, xinh như những bông hoa cô cài trên tóc, đúng ra còn xinh hơn chúng nữa.
Thình lình chuông cửa reo lên. Một lát sau, Alex được đưa vào phòng khách. Cái áo khoác màu sậm và khăn quàng cổ vải soie trắng đã tạo được cho anh một dáng dấp khá sang.
- Chào bác. Cháu rất mừng là bác đã khỏe ra (anh ta quay sang Jeanne). Bản đầu, bản thứ năm, bản thứ chín và bản cuối cùng nhé. Và tôi báo trước là tôi không chịu để cô từ chối đâu! Nếu tôi không giao hẹn trước ngay bây giờ thì tôi sẽ không còn được nhảy với cô lấy một bản nào hết.
Jeanne đỏ mặt:
- Anh sẽ làm tôi chóng mặt với những lời lẽ điên khùng ấy đấy. Anh biết bác sĩ Stirling chứ, Alex?
Aigle đưa tay ra bắt.
- Hình như chúng ta đã có dịp đi chung một chuyến xe vào một buổi chiều.
Duncan ấp úng vài lời không rõ. Anh vốn không phải là người hoạt bát trong những buổi tiếp tân. Sự nồng nhiệt trong tiếp đón mà Jeanne và cha cô dành cho Alex Aigle càng làm anh thêm lúng túng. Aigle giúp Jeanne mặc áo khoác và Duncan, lòng nặng trĩu, buồn bã nhìn họ ra đi, sóng đôi, tươi cười, và vui sướng.
Suốt buổi tối còn lại, anh cố chống lại cảm giác cô đơn lạc lõng và bực bội, hoàn toàn là bực với chính mình. Rồi, đúng vào lúc anh định đi ngủ thì Relta mang đến cho anh một bức điện tín.
Anh vội mở nó ra và đọc.
“Anh đã được nhận vào các cuộc nghiên cứu ngoại khoa của viện Wallace, Edimbourg. Hội đồng cũng dành cho anh chức Trưởng khoa cơ thể bệnh lý. Bắt đầu vào tuần tới. Cơ hội sáng chói và ngoại lệ. Rất khuyên anh nên nhận lời. Trả lời gấp – Geisler.”
Anh vừa hài lòng, vừa hậm hực suy nghĩ:
- “Thế là ta đã có thể chấm dứt cuộc sống thấp kém của một thầy thuốc nông thôn như thế này. Bây giờ, ta đã bắt đầu đi lên, và, nhờ trời, ta sẽ cho tất cả bọn họ thấy là ta có khả năng, có tài đến chừng nào! Cô ta cứ việc lấy anh chàng Aigle của cô ta, thế là xong!”
Anh nhanh chóng thảo điện trả lời:
“Sẽ đến đúng hẹn. Cả hai chúng ta sẽ làm Wallace ngạc nhiên. Thân mến – Duncan.”

oOo

Buổi giải phẫu tử thi đã xong, sau khi gật đầu chào các bác sĩ phụ tá, Duncan rời căn phòng có máy lạnh dùng để giải phẫu tử thi, đặt trong hầm viện Wallace. Anh leo lên các bậc thang sắt và bước vào khu vực dành cho anh trong khoa cơ thể bệnh lý.
Anh tập trung tư tưởng, cố gắng gợi nhớ lại những điều cơ bản mà anh sẽ trình bày trong buổi lên lớp sắp tới. Nét mặt anh vững tin, gần như căng thẳng. Hai năm vừa trải qua ở viện Wallace đã làm nét mặt anh đanh lại, đã tạo cho anh một uy quyền mới. Trán anh đã mang những nếp nhăn lờ mờ do những buổi xem kính quá lâu. Mắt anh lạnh lùng và không thương xót.
Dòng suy tưởng của anh bị đứt quãng bởi mấy tiếng gõ cửa. Thì ra bác sĩ Heddle, phụ tá của anh.
- Bác sĩ Geisler điện thoại hỏi khi nào thì chúng ta có thể giao cho chị ấy vi mẫu tủy sống.
- Chậm lắm là chiều nay. Nhắn với chị ấy là tôi sẽ ghé qua gặp chị khi tôi đến dạy ở đại giảng đường.
- Vâng, thưa sếp!
Anh chàng bác sĩ trẻ tuổi ngừng lại, rồi cố gắng tập trung để mạnh dạn nói (Duncan vẫn thường làm anh ta mất tinh thần):
- Luôn tiện, xin báo anh hay là lúc nãy Giáo sư Lee có tham dự vào cuộc giải phẫu tử thi. Ông bảo những mẫu mô thần kinh mà anh tách ra là những mẫu đẹp nhất mà ông được thấy suốt trong năm mươi năm kinh nghiệm của ông. Chúng tôi biết nói làm sao để anh hiểu chúng tôi đã mừng biết chừng nào khi cuộc thí nghiệm thành công đến như vậy.
Duncan gục gặc đầu, cố gắng không xúc động về lòng ngay thẳng của Heddle hoặc về mấy lời khen tặng của ông viện trưởng viện Wallace. Cái vẻ thản nhiên mà anh dần dần có ấy đã trở thành một phần tính cách của anh hiện giờ. Sức thúc đẩy tham vọng của anh giờ đây đã củng cố thêm nhờ vào việc nó được bảo vệ bởi tính cứng rắn ấy.
Sau khi người phụ tá đi khỏi, anh gom các giấy tờ trên bàn lại và đi băng qua một phòng thí nghiệm lớn. Anh đến văn phòng phó khoa ngoại, phòng bác sĩ Geisler.
Anna đang cúi nhìn một chồng vi phim. Không ngẩng đầu lên, chị bảo, vẻ căng thẳng:
- Những nhiễm sắc thể này được cô lập rất rõ.
- Hấp dẫn đấy.
- Anh không thể bày tỏ nồng nhiệt hơn một chút được à? Dẫu sao, cũng chính nhờ vào chúng mà anh sắp có thể kiểm tra lại lý thuyết mới của anh.
Anh đáp, không chút mỉm cười:
- Tôi đã biết điều ấy từ tối hôm qua.
Ngẩng lên, chị hất mái tóc ra sau:
- Sau hai năm làm việc vất vả, miệt mài, chúng ta sắp đề ra được một nguyên lý đầy tính cách mạng về sự tái sinh các neuron thần kinh, một nguyên lý sẽ làm đảo lộn môn giải phẫu thần kinh và sẽ giúp anh một bước nhảy vọt trong sự nghiệp, ấy thế mà anh…
- Chị bảo tôi phải làm gì bây giờ? Đi bằng hai tay chắc?
Chị lắc đầu.
- Tôi biết tính cách nguười Tô Cách Lan các anh. Tối ngày làm việc, không bao giờ biết giải trí.
Anh quan sát chị, vẻ bất cần.
- Giải trí không có trong chương trình của tôi. Khi tôi quyết định làm công việc khổ sai này, tôi biết việc tôi làm, và tôi sẽ tiến tới đâu, một cách thật chính xác.
- Thật ư? Thế mà tôi lại cứ xuẩn ngốc nghĩ là anh làm để giúp tôi.
- Chị đừng lo. Việc ai là người cầm cương thì có gì quan trọng vì cả hai chúng ta đều cùng chung một hướng mà. Duncan đáp.
- Cám ơn anh đã trấn an tôi! Thế hướng đi của anh là gì?
Anh nhún vai:
- Trong ba năm nữa, tôi sẽ là nhà chuyên khoa số một trong toàn thành phố Edimbourg này, Tôi sẽ đi xe hơi đến khám những trường hợp nghiêm trọng nhất, tôi sẽ khám bệnh chỉ trong vài phút, tôi sẽ viết toa thuốc vội vàng, tay đặt sẵn trên nắm vặn cửa đi ra. Tôi sẽ không bao giờ cần tìm biết – và thật ra tôi cũng không cần lo đến chuyện đó – là bệnh nhân của tôi sẽ sống hay chết. Tôi sẽ được mọi người thèm muốn, ngưỡng mộ và kính trọng. Tóm lại (giọng anh mất đi vẻ giễu cợt và trở nên căng thẳng), tôi sẽ nổi danh.
Chị thốt lời chua xót:
- Trời đất! Đây là chàng trai đã từng suýt chết đói và không biết nghe nhạc Schumann đó sao?
Chị nhíu mày, nói tiếp:
- Cho tới giờ này anh đã thành công quá nhanh và quá tốt đẹp đấy. Ông khoa trưởng của chúng ta rất mê anh, các phụ tá của anh cũng thế, kể cả bác sĩ Inglis, khi ông ta có dịp lên thành phố. Các buổi lên lớp của anh có số sinh viên đông gấp đôi so với các buổi của bác sĩ Overton, trong khi anh ấy là đàn anh của anh. À nhân tiện, anh có đi dự buổi tiếp tân do vợ Overton tổ chức tối nay không?
- Chắc đi. Anh thờ ơ trả lời.
- Tôi cũng đi. Anh biết đấy, tôi chẳng ghét gì cô ta. Cô ta đã thay đổi rất nhiều, đẹp ra. Ban đầu, tôi buồn cười khi thấy cô ta sắp xếp phòng tiếp đãi của mình, thật vui vẻ và đáng yêu, chuẩn bị sóng đôi với đức ông chồng đẹp đẽ của mình lên tới đỉnh thành công trong xã hội. Nhưng bây giờ, tôi hết cười nổi. Tôi không bao giờ cười khi trông thấy một phụ nữ đau khổ.
- Đau khổ ư? Chuyện điên rồ!
- Anh không nghĩ là hai năm cũng đã quá đủ để cho một người vợ dù là ngây thơ tột cùng cũng có thể nhận ra là mình đã lấy phải một tên vô lại đáng tởm chứ? Anh tưởng là sẽ thú vị, khi mỗi sáng thức dậy chỉ để thấy bộ mặt trác táng ích kỷ ấy và nghĩ rằng “Tôi đã lầm biết chừng nào về anh ta”?
Anh sốt ruột bảo:
- Chị lại nói lẩn thẩn những gì thế?
- Lẩn thẩn à?( Chị mỉm cười giễu cợt) Cả hai chúng ta đều quá biết rõ bác sĩ Overton mà, phải không anh?
- Anh ta cũng không tồi lắm.
- Thật ư? Bạn Duncan thân mến của tôi ơi. Nếu tôi cần khuyên anh một điều gì, thì tôi sẽ bảo anh nên cẩn thận đối với con người đó! Anh ta ganh tị với anh đến mức gần như bệnh hoạn, và anh ta lại có những người quen có thế lực.
- Trong quá khứ tôi đã biết giữ mình.
- Vâng! Nhưng còn trong tương lai? Trong tương lai ngay gần đây?
Sự im lặng của chị đầy ẩn ý.
Tay thọc sâu vào túi, anh cố hiểu ý những lời bóng gió này, rồi đột ngột, anh rứt bỏ những ý tưởng ấy.
- Tôi phải lên lớp trong đúng ba mươi giây nữa. Tôi không thể nán lại đây lâu hơn để chơi trò ú tim này. Chiều nay, chúng ta sẽ bàn sâu hơn về những thí nghiệm mới.

oOo

Sau khi tan lớp, anh ra phòng khám bệnh, ở cánh bên kia của tòa nhà. Trước phòng anh, một dãy dài bệnh nhân đang chờ, số đông là nghèo khổ, được các bác sĩ từ khắp nơi trong vùng gửi đến. Danh tiếng vang lừng của viện Wallace đã khuyến khích các bác sĩ gửi đến viện tất cả những trường hợp đặc biệt hoặc đáng chú ý. Hiện nay, đối với Duncan, họ là những mắt xích góp phần làm quay cái bánh xe tham vọng của anh hơn là những bệnh nhân.
Hôm nay, anh tỏ ra lạnh lùng hơn thường lệ, nhanh chóng xem qua những phiếu nhập viện, chuyển một vài trường hợp sang các phụ tá.
Thình lình, một cảm giác bất ổn len vào anh. Anh ngừng khám, ngẩng đầu lên một cách vô thức. Ngay khởi đầu, anh không thể tin vào mắt mình. Ngồi ngay giữa hàng bệnh nhân, chờ đợi đến phiên mình, chính là mẹ anh.
Anh khám những bệnh nhân trước bà như trong một giấc mộng. Rồi cũng đến lúc bà đến trước mặt anh, bà mẹ ruột của anh, với vẻ mặt tái xanh và mệt mỏi, nhưng vẫn thản nhiên, không có một dấu hiệu nào chứng tỏ là bà đã nhận ra anh. Bà đưa cho anh bức thư của bác sĩ chữa bà.
Khi cầm lá thư, anh suýt đánh mất sự bình tĩnh của mình. Chung quanh anh nhốn nháo những sinh viên nội trú và bệnh nhân. Cô thư ký của anh đang bận rộn vào sổ những chỉ dẫn được ghi trên phiếu nhập viện. Martha Stirling, tuổi: 59. Anh vội giở bức thư ra xem.
Sau khi đọc xong, anh không dám nhìn thẳng bà. Giọng lạc đi, anh nói:
- Mời mẹ sang thay áo ở phòng A. Chính con sẽ sang khám cho mẹ.
Năm phút sau, anh gặp bà trong căn phòng tối thường dùng để chụp phim và soi X quang.
- Mẹ!
Bà ngồi trên chiếc ghế sắt, dáng nhỏ bé đáng thương trong tấm chăn của bệnh viện choàng trên vai trần, nhưng đôi mắt bà vẫn ánh lên vẻ nghiêm khắc không có gì có thể kêu gọi sự tha thứ:
- Bác sĩ Logan, ở Levenford, đã gởi tôi đến đây. Nếu tôi biết là anh, tôi đã không đến.
Anh thấy bà vẫn giữ nguyên tính ương ngạnh, chính nó đã khiến bà từ chối mọi cách làm lành của anh, từ chối mọi món quà và tiền bạc mà anh muốn giúp bà.
Anh vội nói:
- Mẹ để con xem có cái gì không ổn không, mẹ nhé? Bác sĩ Logan có vẻ không được thạo lắm trong việc chẩn đoán bệnh.
- Ông ấy sợ tôi bị ung thư.
Như thường lệ, bà không bao giờ ngại nói thẳng.
Bà thong thả lật chăn ra và tim Duncan thắt lại khi anh thấy một khối u nhỏ hằn sâu xuống lồng ngực. Như phát điên lên vì lo, anh hỏi:
- Bắt đầu từ bao lâu rồi thế mẹ?
- Tôi đụng vào tủ trà cách đây sáu tuần. Ngay lúc đó tôi không để ý, nhưng về sau…
Anh chăm chú nhìn khối u với nỗi lo sợ mỗi lúc một tăng.
- Con phải xem một vài tế bào dưới kính hiển vi. Nó sẽ cho phép con biết là nghiêm trọng hay không, mẹ hiểu chứ?
Bà can đảm gật đầu.
Anh vớ lấy một chai cồn chlore, ráng sức trấn áp giọng mình cho khỏi run:
- Đây là thuốc tê. Nó giúp mẹ khỏi đau.
- Chắc anh cũng biết là anh đã làm tôi đủ đau trước đây rồi!
Bà bình thản nhìn anh lấy một mẩu mô đi thử và đặt nó vào kính hiển vi.
Duncan cảm thấy tay mình run lên trong khi điều chỉnh kính hiển vi. Trong khoảnh khắc, cái nhìn của anh bị mờ đi, rồi anh cũng bắt đầu nhận ra một nhóm tế bào bình thường. Tim anh đập mạnh. Anh tiếp tục quan sát, cố tìm nhưng không thấy một dấu hiệu đáng sợ nào của ung thư. Cuối cùng anh nhẹ cả người khi tìm ra một cụm tụ cầu. Ổ loét không có tính cách ung thư, nó chỉ là một ổ nhiễm trùng đơn thuần và có thể trị lành.
Anh xúc động đến mức không dám quay ngay lại. Một lúc lâu, anh tiếp tục nghiêng mình xem, gắng gượng giấu cảm xúc của mình. Cuối cùng anh mới có thể nói:
- Không sao cả! Không có sự dính cụm.
Vẻ mặt bà hầu như không đổi, nhưng bà nhẹ thở dài:
- Anh nói thật đấy chứ?
- Vâng, chỉ một tháng nữa là mẹ khỏi.
Trong giây lát, Duncan có cảm tưởng là sự cứng rắn của bà mềm lại. Nhưng, nhanh chóng thẳng người lại, bà trở nên cứng rắn và bình thản như thường lệ.
- Tất cả những gì đến với chúng ta đều do ý muốn của thượng đế. Tôi cám ơn ngài đã tránh cho tôi cái gánh nặng mới này.
Duncan nôn nóng mong muốn phân trần, vội bỏ qua hàm ý chứa trong lời nói của bà.
- Mẹ à, việc mẹ đến đây như thế này không hoàn toàn do tình cờ đâu, hình như tạo hóa muốn tỏ ra là… (anh dừng lại) Chẳng lẽ cái việc con vừa làm cho mẹ hôm nay không có ý nghĩa gì sao?
- Chẳng lẽ một người khác không làm được tốt như thế à?
Anh do dự:
- Thế ra không bao giờ mẹ hiểu được con hay sao? Bây giờ, bằng công sức của chính mình, con đã thành công trong viện y khoa nổi tiếng nhất nước. Con càng ngày càng tiến trong sự nghiệp của mình. Vậy mà khi tình cờ, mẹ con mình gặp nhau và khi con có thể tránh xa cho mẹ cái chết, mẹ… mẹ vẫn tiếp tục dành cho con tất cả những giận hờn và thành kiến của mẹ.
Bà nhìn anh, mặt không đổi:
- Điều anh nói với tôi không làm tôi mảy may xúc động và cả cái tôi nhìn thấy ở anh nữa. Anh có vẻ không được khỏe và không sung sướng gì. Mặt anh xanh xao và căng thẳng. Trán anh có vết nhăn và tóc hai bên thái dương bắt đầu bạc. Anh có vẻ lo âu như thể đang đi tìm một cái gì đó mà không tài nào tìm được.
- Nhưng rồi con sẽ tìm được, anh sôi nổi nói. Con sắp thành công, và khi lên tới đỉnh danh vọng con sẽ đưa tay ra nắm tay mẹ kéo lên. Chắc chắn con sẽ đạt được cái điều con muốn.
Bà siết chặt khoăn choàng vào vai.
- Ba mươi shilling mỗi tuần hay ba mươi ngàn mỗi năm thì có ý nghĩa gì? Mặc áo vải phin sang trọng hay mặc áo vải thô dệt thủ công thì có sá gì? Điều quan trọng là mọi người phải dõi mắt nhìn theo anh mỗi khi anh đi ngoài đường và thầm nghĩ rằng “đây là một người tốt”.
Anh định trả lời, nhưng màn che đã được vén lên và bác sĩ Heddle hiện ra, cùng với một đám sinh viên theo gót anh ta.
- Có một trường hợp nghiêm trọng đang chờ anh.
Duncan không thể kéo dài cuộc nói chuyện lâu hơn nữa.
- Bây giờ con phải đi. Mẹ không việc gì phải lo cả, anh nói với mẹ, giọng trấn an.
Lấy một mảnh giấy, anh vội ghi:
“Mẹ hãy lại gặp con tối nay, sáu giờ, ở nhà con. Số 24 đường Prince Gescent. Mẹ vẫn lầm về con. Con cần tình thương và lòng tin của mẹ, con ao ước được chu cấp cho đời sống sắp tới của mẹ.”
Anh ký tên, theo thói quen hay vì cay cú: Bác sĩ Duncan Stirling.
Tối hôm ấy, Duncan đã chờ rất lâu, nhưng bà không đến. Trong thâm tâm, Duncan cũng biết là bà sẽ không đến nhưng sự bẽ bàng của anh vẫn đầy chua xót. Ước muốn sôi sục để thoát khỏi những suy nghĩ của mình làm anh chợt nhớ lại buổi tiếp tân ở nhà Margaret.
Mãi hơn chín giờ rưỡi anh mới bước qua cổng nhà Overton, căn nhà ở một trong những khu phố sang trọng nhất Edimbourg. Phòng khách ở lầu một, che đầy màn vải soie màu kem, tràn ngập khách. Margaret vội tiến nhanh lại đón anh ngay khi cô ta nhận ra anh.
- Anh Duncan! Cô ta nói, tôi thật mừng khi gặp lại anh, tôi cứ sợ là anh không đến.
Anh gượng vui:
- Tôi chắc chắn không làm cô cảm thấy thiếu vắng khi khách của cô đông như thế này.
- Ồ có chứ! Cô ta vội cải chính.
Anh nhận ra ở cô ta có một cái gì là lạ. Mắt cô ta rất sáng với một quầng tím nhạt. Chưa bao giờ anh thấy cô ta có cái vẻ khát khao, khiêu khích như lúc này. Nếu chịu bỏ công ra, chắc chắn cô ta có thể làm xiêu lòng bất cứ người đàn ông nào.
- Anh quen hết mọi người ở đây đấy. Cô bảo.
Anh lơ đãng nhìn quanh phòng, nhận ra trên khoảng ba chục người: một nhóm bác sĩ trong đó Overton với ly rượu trên tay là trọng tâm, bà Inglis, giáo sư Lee ở viện Wallace, Anna, rất nhiều bác sĩ ở viện và một vài chính khách.
- Margaret, cứ mặc tôi, tôi tự xoay xở được.
Vào lúc đó, có hai người khách mới đến, Margaret nói nhỏ với anh trước khi đi:
- Lát nữa chúng ta sẽ có dịp nói chuyện với nhau.
Anh đứng yên một lúc, uống ly Whisky-soda mà người quản gia vừa mang lại trên một chiếc khay. Mặc dù ghét thậm tệ những buổi tiếp tân nhàm chán và hợm hĩnh nhưng anh vẫn bắt mình phải tham dự. Chúng là một phần trong cuộc sống mới của anh. Cả chúng, chúng cũng sẽ giúp anh đạt được thành công.
Kế bên bà Inglis, anh nhận ra Đại tá Scott, ông ra hiệu chào anh một cách thân thiện. Dấu ấn của thời gian đã lưu lại khá rõ nơi đại tá. Tóc ông bạc nhiều, người gầy đi và vẻ mặt căng thẳng hơn trước. Thấy rõ là cái phần đóng góp vào nhà máy thủy điện ở Linton đã giáng một đòn nặng nề vào sức lực và tài sản của ông. Bây giờ, khi công trình sắp hoàn tất, ông có vẻ nhẹ gánh hơn và sự tiếp đón của ông trở nên vui vẻ.
- Chào anh Stirling! Nom anh khỏe đấy.
- Anh có hay gì về tin mới chứ? Bà Inglis hỏi. Giáo sư Lee vừa báo là ông ấy sắp về hưu.
Trong giây lát, Duncan không kịp nắm tầm quan trọng của câu nói đó. Rồi, anh chợt hiểu và nỗi buồn chán của anh tan mất.
- Đã chính thức chưa?
- Hoàn toàn chính thức. Chỉ ba tháng nữa là viện Wallace có ông sếp mới. Với cương vị là vợ khoa trưởng trường Đại học Y, tôi thấy mình không cần phải bí mật khi tiên đoán ai là sếp mới.
Ngay lập tức Duncan hiểu ra điều mà bà Inglis muốn nói. Sự thiên vị mà bà dành cho Overton đã được biết tiếng. Từ khi anh ta lấy cháu gái bà, anh ta đã công khai thành người được bà bảo trợ. Bà mỉm cười đắc thắng khi nhìn nét mặt Duncan sầm xuống.
- Tôi nghĩ là tin mới ấy sẽ làm cho anh thích thú.
Bà đi theo đại tá đang bỏ đi. Ở đầu kia, Duncan thấy Anna đang quan sát mình. Đó có phải là lý do mà chị đã ngầm lưu ý anh trưa nay? Anh phải biết rõ hơn, ngay tức khắc. Anh vội nhập vào nhóm người vây quanh Overton.
Hắn ta có vẻ rất phấn chấn và hơn thế nữa, gần như say, bộ mặt đỏ gay và đã bệu ra chứng tỏ những cuộc trác táng quá độ của hai năm sau này.
- Thế nào, Stirling? Đã nghe thấy bản công bố đặc biệt của những tin tức cuối cùng chưa?
- Rồi.
- Điều đó sẽ tuyệt vời cho ai đó. Heddle thở dài.
- Sẽ có sự tranh giành để đạt được chức đó đấy, một người khác nói.
- Thường thì sự tranh đua chỉ giới hạn. Overton hách dịch tuyên bố. Trước tiên chỗ đó phải được dành cho một người trẻ.
- Ai đó cỡ anh, chẳng hạn. Anna gợi ý qua vai Duncan.
Một vài tiếng cười nổi lên. Overton nuốt một ngụm whisky, vênh váo:
- Tại sao không? Tôi cũng có quyền có được chức ấy như bất cứ ai. Hội đồng muốn có một người năng nổ. Vậy thì việc một bác sĩ của viện được ưa chuộng hơn cũng là điều hợp lý thôi. Tôi đã ở đây quá lâu rồi và những chỗ dựa của tôi lại là số một.
Một thoáng im lặng đón nhận lời tuyên bố này. Anna nhận xét với một giọng khác thường:
- Theo cái lối anh vừa trình bày, hình như thật sự có khá nhiều phần may thuộc về phía anh.
- Biết đâu chừng.
Overton ra vẻ thận trọng ghìm lại. Hắn quay sang Duncan, mỉm cười với anh:
- Cậu nghĩ sao, Stirling?
- Tối nay tôi là khách của anh nên tôi không muốn có ý kiến.
Overton đỏ mặt:
- Cậu sợ cho ý kiến à?
Duncan không thể kìm mình hơn nữa. Anh lơ đãng nói:
- Tôi không nghĩ là anh thật sự là người xứng đáng đâu, Overton. Chỗ đó phải được dành cho một bác sĩ giỏi số một.
- Rất đúng vậy, Overton đốp lại, và tớ cá là tớ sẽ có dịp tốt ấy.
- Nếu một cuộc đánh cá thì tôi, tôi nhận cá, đến lượt mình Duncan cũng đốp chát lại.
Các thực khách của Overton nhìn Duncan ngạc nhiên. Anh cảm thấy rằng anh sẽ làm mất cảm tình mọi người với cuộc cãi vã vụng về này. Sau khi làu bàu một câu không rõ, anh đi ra phía tủ trà.

oOo

Duncan xuống hẳn tinh thần. Một bàn tay bất chợt đặt lên tay áo anh. Quay lại, anh thấy Margaret đứng cạnh mình.
- Tôi đang tự hỏi chừng nào anh mới để ý đến sự có mặt của tôi (cô ta mỉm cười). Đi uống gì đi.
Anh để mặc cô ta dẫn mình đến bên tủ trà đang vắng khách. Cô rót đầy hai ly champagne.
- Duncan thân mến, nom anh sao không vui thế? Trông anh đến là tức cười.
- Chắc chắn tôi sẽ như thế nếu tôi uống hết chỗ champagne này. Margaret này, tôi thật không quen uống rượu mạnh pha lẫn với nhau thế này đâu.
Nhưng cô ta nhất định không chịu:
- Chúng ta hãy uống mừng tương lai và cả chúng ta nữa.
- Đúng ra tôi uống cho quá khứ, Margaret ạ, tương lai có thể lụi bại đấy.
Cô lắc đầu:
- Không đâu, không đâu, anh Duncan! Sẽ còn nhiều điều tốt đẹp dành cho hai chúng ta.
Cô ta mở cửa dẫn đến một bao lơn nhỏ
- Ngay bây giờ, chúng ta bắt đầu bằng cách ngắm trăng đi. Anh xem kìa, nó gần như tròn và quá đẹp.
Anh nối gót cô ta và, ngượng ngùng, nhìn cô đóng cửa lại phía sau lưng, tách họ ra, cô lập họ tại bao lơn nhỏ bé này, đứng ngay trên thành phố đang ngủ yên. Trăng thật đẹp, một cái đĩa to trắng bạc như thách thức họ, lơ lửng trên tòa lâu đài, như một đèn pha được điều khiển khéo léo soi rõ những cụm bóng mờ của những khu vườn kế cận đường Công Chúa.
Cô ta thở dài:
- Chúng ta chưa bao giờ có dịp ngắm trăng chung với nhau, phải không anh Duncan?
- Chưa, anh khô khan đáp.
- Nếu chúng ta đã có dịp làm như thế thì mọi việc có lẽ đã xảy ra khác hẳn.
- Tôi cũng tự hỏi điều ấy, Margaret ạ.
- Ôi, Duncan, em đã lầm một cách tai hại.
- Tôi rất tiếc, Margaret ạ! (Anh cảm thấy ngượng và tránh không nhìn cô ta) Có lẽ lâu dần mọi việc sẽ ổn thỏa. Đôi khi ngay lúc khởi đầu cuộc hôn nhân gặp khó khăn, nhưng khi người chồng lẫn người vợ đã tập được tính nhường nhịn nhau thì thường họ sẽ xích lại gần nhau hơn.
- Em van anh, đừng có nhắc lại rập khuôn như thế. Em đã nghe nó ở dì em quá đủ rồi. Tại sao không dám công khai thú nhận điều đó? Em đã lầm, lầm thật sự! (Cô ta đặt tay lên tay áo Duncan và mỉm cười, nụ cười vừa xót xa vừa chân thật) Lý ra em phải chọn anh mới đúng. Đấy là sự thật! Nhưng em chỉ hiểu nó khi đã quá muộn.
Cô ta vội nói tiếp:
- Chồng em không phải là một người xấu. Anh ấy có thể dễ thương khi nào anh ấy muốn. Có lẽ vì thế mà em đã nhận lấy anh ấy. Nhưng anh ấy quá ích kỷ, quá hời hợt! Anh ấy làm em chán đến chết đi được với những lời lẽ huênh hoang bất tận của mình. Khi nào uống quá nhiều, anh ấy trở thành đần độn. Hơn nữa, anh ấy không biết để cho đàn bà được yên. Đương nhiên… là những phụ nữ khác. Em đã khám phá ra hai mối tình của anh ấy. Và đã xảy ra một chuyện thật sự nghiêm trọng, em vẫn chưa biết rõ là như thế nào, với một cô y tá đúng vào lúc em làm đám cưới.
Cô nín lặng một lúc:
- Em cần một người có nghị lực, một người mà em có thể trông cậy (Giọng cô chợt nghẹn ngào) Thật ra, em vẫn luôn luôn cần có người như thế.
- Lúc nãy cô đã chẳng bảo là đã quá muộn là gì?
- Có thật là muộn không, Duncan? Ồ, em đâu muốn nói là em muốn phá bỏ hết và sống công khai. Vì cha em, em sẽ tiếp tục màn hài kịch này. Nhưng đời sống quá ngắn ngủi, thật đáng tiếc nếu để uổng phí thì giờ!
Bất chợt mối tình cũ bỗng sống lại trong trí nhớ Duncan. Và bây giờ, anh mới thấy con người thật của cô ta: một cô bé làm dáng và được quá nuông chiều. Anh hiểu tại sao, ngày xưa, cô đã khuyến khích anh yêu cô trong khi không một giây phút nào cô nghĩ đến chuyện lấy anh. Vì vậy, anh bực mình đến mức anh chợt ghì lấy cô. Cô ngửa đầu ra sau và hôn lên môi anh.
Bỗng nhiên, không thể giải thích nổi, nhưng nụ hôn đã làm anh bất mãn. Anh sỗ sàng đẩy Margaret ra:
- Margaret, cô không ý thức được là chúng ta đang làm gì.
- Nhưng có ai biết đâu, cô ta vội đáp.
- Margaret, tôi không có thì giờ phí phạm với những chuyện lẩm cẩm này. Đàn bà không còn nghĩa gì với tôi nữa. Không có chỗ dành cho họ trong cuộc sống của tôi.
Cô mỉm cười, tự ái vì sự cưỡng lại của anh, vững tin vào quyền năng của mình đối với anh, cô nói:
- Chắc chắn vẫn còn một chỗ nhỏ dành cho em. Ôi, anh Duncan, em cảm thấy như tất cả cuộc sống của em đã hồi sinh.
- Margaret, tôi không thể làm thế bởi vì ngày xưa tôi đã từng yêu cô.
Giọng Margaret cất cao lên, sửng sốt:
- Anh muốn nói là anh không còn yêu em nữa?
Anh đứng im, cúi đầu:
- Tôi rất tiếc, Margaret ạ.
Lòng kiêu hãnh của người thiếu phụ chưa bao giờ bị tổn thương đến thế. Nét mặt căng ra, giọng khàn hẳn đi vì tức giận, Margaret nói:
- Chúng ta vào đi! Tôi lạnh.

oOo

Duncan kiếu từ ra về ngay lập tức. Anh bực mình khi phải chạm trán với Anna ở ngay thềm nhà Overton.
- Tôi có thể chở anh về chứ? Chị hỏi.
- Tôi về bộ thôi.
- Vậy, tôi cũng đi bộ.
- Anna, lần này tôi muốn đi một mình.
- Thật ư? Nhưng… anh vẫn phải chịu sự đi cùng của tôi đấy.
Sự bướng bỉnh của chị làm anh bực điên lên nhưng thật khó làm chị lay chuyển, mặc dù anh đi rất nhanh chị vẫn theo kịp. Chỉ lát sau, chị không ngăn được câu nhận xét đầy châm biếm:
- Một đêm trăng tuyệt đẹp, phải không anh bạn? Tuyệt đẹp cho một cuộc tình tự trên bao lơn.
Anh giả vờ không nghe thấy.
Vẫn không chịu buông tha, chị nói tiếp:
- Nhưng rõ ra là Romeo đã không đóng đạt vai kịch của mình. Anh thật ngốc.
Anh không trả lời.
- Tôi vẫn thường cho rằng, chị nói thành lời suy nghĩ của mình, trong những tình cảnh như thế, anh đàn ông phải, tôi phải nói thế nào nhỉ, à, anh ta phải ăn, dù sau này có bị bội thực về mặt đạo đức đi nữa… Đương nhiên nếu anh ta đói.
Thật quá lắm! Cả một ngày, với những thất vọng, một tối với những dự báo chua cay đã để lại cho Duncan một cảm giác nghi ngại và bực tức với tất cả mọi người!
- Trời ơi! Chị có im đi không? Anh cau có bảo chị.
- Bác sĩ thân mến! Tôi chỉ đang bàn về siêu hình, hay nếu anh muốn nói, về sinh học. Tôi đã quan sát anh suốt mấy tháng gần đây. Tình cảm cao thượng này sẽ làm anh rắc rối đấy. Chưa kể là nó sẽ ngăn cản không cho anh làm việc. Tại sao anh không thử say một lần? Đúng vào lúc này, tôi muốn anh xử sự như một người bình thường chứ không như một khối thuốc nổ sắp bột phát.
- Chị muốn nói cái quái gì qua chữ “đúng vào lúc đặc biệt này”?
- Chỉ đơn giản thế này thôi: tôi muốn anh đưa đơn xin ứng cử vào chức vụ viện trưởng.
Anh cười nhạt:
- Nó gần như chắc chắn về tay bác sĩ Overton rồi.
- Nó chắc chắn thuộc về anh ta nếu anh không nộp đơn! Nghe này, Duncan (chị tiếp tục thuyết phục) anh còn trẻ, hơi non nữa là khác, nhưng anh là người duy nhất có thực tài trong viện này. Giáo sư Lee biết rõ điều ấy. Vả lại, không một ai muốn Overton đạt được chức vụ ấy. Hắn ta sẽ làm cho viện lụn bại thôi.
- Thế tại sao chính chị, chị không ứng cử?
- Anh biết thừa là người ta không bao giờ chịu dành chức vụ ấy cho phụ nữ (chị đã gạt bỏ mọi cảm giác giận hờn trong giọng mình) vì thế tôi cần đến anh.
- Thế chị mong hưởng lợi gì trong chuyện này? Anh hỏi thẳng.
- Chỗ dựa mà quan hệ tốt giữa tôi và ông viện trưởng cho phép. Một phòng mổ mới, hai phụ tá cho những cuộc thí nghiệm của tôi và thêm một khoa nữa dành cho những phương pháp mới của tôi trong lĩnh vực thần kinh cơ.
- Chỉ có vậy thôi à?
Chị đối lại ngay:
- Hay anh định kỳ kèo trả giá với tôi về những giúp đỡ chuyên môn mà tôi đã dành sẵn cho anh?
- Chị có định luôn luôn đập vào mặt tôi những nhắc nhở ấy không đấy?
Anh ngừng một lát rồi nóng nảy nói tiếp:
- Tôi không có một mảy may hy vọng nào. Nhưng dù sao, tôi cũng quyết định rồi. Tôi sẽ nộp đơn tranh cử. Tôi muốn lấy chỗ đó vì mọi lý do trên đời. Đó sẽ là dịp may lớn trong đời tôi, cơ hội để tôi đánh bại Overton cùng những mưu lợi riêng tư của hắn ta. Từ mười năm nay, tôi chỉ mơ ước điều đó. Bây giờ thật đúng lúc.
Giọng anh trở nên gay gắt và chua cay:
- Rốt cuộc, cuộc sống là gì, nếu không phải là một trò chơi ngộ nghĩnh? Thành đạt! Chỉ cần đạp thật mạnh thằng bên cạnh, rồi giày xéo lên nó. Được lắm! Tôi sẽ chứng tỏ cho mọi người rõ tôi cũng biết chơi trò ấy như thế nào.
- Tại sao lại không? Chị thốt lên đầy kiêu hãnh. Anh có biết điều ấy có nghĩa là gì không? Là anh sẽ trở thành một nhà chuyên khoa sớm hơn anh tưởng.
Họ đã tới nhà Duncan, một căn nhà chật chội và cao vót gần đường Công Chúa. Anh lấy chìa khóa ra:
- Lòng tin của chị vào tôi là một trong những gì cảm động nhất, Anna ạ. Chỉ cần nói thêm một tiếng nữa thôi là tôi òa khóc đấy. Chúc chị ngủ ngon.
- Thế anh sẽ nộp đơn tranh cửa vào tuần tới chứ? Càng sớm càng tốt đấy!
- Quỷ tha ma bắt chị đi! Anh thô lỗ trả lời. Tôi đã bảo chị là tôi sẽ ngập đầu vào vụ này mà. Thôi, giờ thì chị hãy về trước khi tôi đóng sập cánh cửa này vào bộ mặt quân sư đầy toan tính của chị.
Trong bóng tối, anh không thể nhìn thấy lóe lên tia nhìn trìu mến trong đôi mắt chị và vẻ mặt dịu đi của chị. Trước khi chị kịp nói tiếp, anh đã bước vào nhà và nhẹ khép cửa lại.