Chương 3

Sáu tuần sau, nằm trên chiếc giường bệnh chật hẹp, Duncan yếu ớt quay đầu lại khi nghe tiếng chân bước ngoài hành lang. Sức anh yếu đến tột cùng. Chưa bao giờ anh nghĩ ca mổ lại tàn phá sức khỏe của anh như vậy.
Người ta bảo anh đã trải qua bốn giờ trên bàn mổ. Trong biết bao nhiêu ngày nối tiếp nhau, ký ức về mùi ê-te vẫn còn làm anh buồn nôn. Bây giờ anh mới bắt đầu cảm thấy đau. Cái đau nằm đó, và không ngừng hành hạ anh. Cả bên trái người nhức nhối như nung trong một lò lửa.
Anna không những đã sửa lại các cơ xương, thần kinh mà cả những đám rối thần kinh với các động và tĩnh mạch chính nằm trong hốc nách. Ngay cả đến Morphine cũng không làm những sợi thần kinh bị hành hạ giảm đau hoàn toàn được.
- Ôi! Lạy trời! Bây giờ, sau khi đã thấm rõ ý nghĩa của nỗi đau đớn, tôi sẽ trở thành một thầy thuốc giỏi hơn… nếu tôi sống sót qua cơn đau này!
Cửa phòng hé mở và cô y tá bảo anh:
- Ông Stirling có khách. Cô ấy hứa là sẽ không ở lâu.
Một lát sau, Jeanne bước vào phòng. Cô mang theo hương thơm của đồi núi. Mùi thuốc sát trùng hôi nồng bị át đi bởi hương thơm của thông và sim, của khói rừng. Jeanne e ngại bước vào phòng. Cô mặc một chiếc áo giản dị bằng len màu nâu, mũ đội lệch sang bên, tay mang cái giỏ nặng. Đôi mắt thơ ngây của cô không giấu được vẻ hơi rụt rè kèm với nỗi lo lắng tột độ.
- Jeanne!
- Anh Duncan! Cô bật kêu lên. Anh gầy quá!
Cô bước lại gần anh.
- Ôi Jeanne, được gặp em, anh mừng hết sức! Anh cứ tưởng em bỏ mặc anh thật rồi.
Anh đưa bàn tay lành ra nắm tay cô, bàn tay kia đang bị bó bột.
- Em lên tỉnh mua ít hàng. Hay tin anh mổ, em đến thăm anh, mặc kệ nỗi hiềm khích giữa anh và ba em.
Dù đã bao lần tự nhủ là mối quan hệ giữa mình và bác sĩ Murdoch đã chấm dứt, nhưng Duncan vẫn không ngăn được lời thăm hỏi:
- Ba em ra sao?
Mắt Jeanne tối lại.
- Ba em không được khỏe lắm. Anh biết đấy, ba em ra khỏi nhà bất kể thời tiết nào và không chịu giữ gìn sức khỏe. Hiện ông đang bị viêm phế quản. Hơn nữa, dạo sau này ông lại còn phải lo lắng về đập nước mới xây ở Loch Linton. Người ta cũng đã xây một trung tâm biến điện với những nhà máy đúc nhôm, mấy cái ống khói to lớn của nhà máy sẽ phá đi vẻ đẹp của thung lũng.
Anh liếc nhìn khuôn mặt lặng đi vì xúc động của cô:
- Có phải một người tên Overton đã gây ra mọi chuyện ấy không?
Cô gật đầu:
- Ngay từ đầu, ba em đã chống lại ông ta. Em, em đã suýt e rằng… (cô vội nói lảng) nhưng mà này, em đến để thăm anh chứ có phải đến than vãn về ba em với những nỗi lo lắng của ông ấy đâu. Duncan này, anh sắp khỏe chưa?
- Anh cũng sắp biết. Hôm nay người ta sẽ tháo băng cho anh.
- Ôi! Em tin chắc là ca mổ đã thành công. Em không biết có nên nói với anh là em… (cô chợt đỏ mặt). Đêm nào em cũng nghĩ mãi, mong mãi là tay anh sẽ lành.
- Ít ra em… em cũng tin vào bác sĩ Geisler! (anh không thể ngăn mình thốt ra nhận xét ấy).
Cô nhìn anh và nói không một chút do dự:
- Em tin vào tất cả những ai có thể giúp anh, Duncan ạ!
Một khoảng im lặng ngượng ngập trôi qua cho đến khi Jeanne lôi trong giỏ ra một lọ mứt cô làm lấy và bánh bích quy. Rồi cô kể cho anh nghe những tin tức về Strath, về Hamish, về chiếc xe cũ kỹ của cha cô, về lứa gà con mới đẻ, về cuộc đi săn mà ngài John Aigle dự định tổ chức vào ngày 12 tháng này, về Alex Aigle, con trai ngài John mới từ Đại học Oxford về và anh ta đang định chống lại chương trình điện khí hóa và công nghiệp hóa thung lũng. Nhiều lần, cô kêu lên là sợ làm anh mệt, là cô phải về, nhưng mỗi lần như vậy, anh đã giữ cô lại.
- Jeanne ạ! Tôi có thể đổi mọi thứ trên đời để có được cô làm em gái tôi.
Cô gái chợt quay đi:
- Anh hãy cố mau lành bệnh, cô thì thầm nói. Đó là điều duy nhất đáng kể, Duncan yêu quý ạ!
Cuộc thăm này đã làm anh thoải mái hẳn lên.
Vào đúng ba giờ, bác sĩ Geisler đến cùng cô y tá trưởng.
- Thế nào? Anna hỏi nhanh, ngồi xuống bên giường và xem xét lớp băng. Có thể nói là má anh gần như hồng trở lại rồi đấy (chị ngước mắt nhìn và mỉm cười với anh). Cô này, cho tôi xin kéo cắt băng. Anh đang căng thẳng đấy, chị nói tiếp.
Chị bắt đầu nhẹ nhàng tháo khuôn bột.
Anh đưa lưỡi lướt trên đôi môi khô nẻ của mình:
- Lẽ ra chị mới là người căng thẳng.
- Tôi có bị bệnh đâu mà căng thẳng, chị đáp lại. Tôi đã bảo mang lại máy điện để dò các phản xạ gân cơ của anh.
Duncan gần như xỉu đi khi thấy những mảnh bột cuối cùng rơi ra. Bây giờ mọi việc diễn tiến thật nhanh so với thời gian dài bất động chờ đợi vừa qua. Trong giây lát, anh chợt muốn bảo mọi người hãy tạm ngưng lại việc khảo nghiệm này, để đến sáng mai mới tìm kết quả.
Nhưng không kịp nữa, khuôn bột đã được hoàn toàn tháo ra khỏi tay anh, và Anna đang chăm chú gỡ băng gạc. Rồi thì mảnh băng quấn cuối cùng cũng đã được tháo và bây giờ, Duncan có thể nhìn thấy cánh tay trái để trần của mình.
Ban đầu, anh không thể nhận ra đấy là cánh tay mà trước đây anh không bao giờ thấy ở dạng nào khác với cái dạng teo và vẹo lệch; bởi vì hiện nay, trước mắt anh là một cánh tay, mặc dù còn gầy gò và có hơi nhão nhưng trời ơi… thật bình thường! Vâng, hoàn toàn bình thường. Những vết sẹo thâm tím chạy dọc theo cánh tay, nổi bật trên làn da tái xanh nhưng đấy đúng là cánh tay anh, cánh tay đã được tái tạo. Anna đã đập gãy xương và đã tái tạo chúng như một nhà điêu khắc đắp lại một mẩu tượng không hoàn hảo.
- Thế nào? Chị hỏi.
- Chị đã tạo ra một phép lạ! Anh ấp úng.
- Để xem đã, chị nhẹ nhàng đáp.
Chị ra dấu mang máy lại.
Cô y tá lăn chiếc máy điện đồ sộ đến cạnh giường, Với sự giúp đỡ của cô y tá thứ hai, Anna điều chỉnh lại các bánh xe và cắm điện.
Tiếng rù rù đều đặn tràn ngập căn phòng. Ngồi dựa vào gối, Duncan chờ được gắn các cực điện với nỗi lo âu mỗi lúc một tăng lên. Những phút kế tiếp sẽ định đoạt sự thành công của ca mổ. Anh gần như nghẹn thở khi thấy các bắp cơ lần lượt phản ứng với những kích thích điện. Khi đó anh hiểu ra là mình đã hoàn toàn lành bệnh.
- Bây giờ thì chúng ta không còn phải lo gì nữa, Anna nói, đương nhiên anh còn phải mất vài tuần xoa bóp và chạy điện. Nhưng cứ tin tôi đi… (Chị nói với vẻ giễu cợt, khô khan) cánh tay anh tốt như còn mới nguyên vậy.
- Tôi hiểu điều đó, anh giản dị trả lời. Ngay bây giờ tôi đã có thể nhận ra điều đó. Chị xem này.
Trước khi người ta kịp ngăn anh, anh đã nhanh nhẹn thử cố gắng và chụp lấy cái ly để trên bàn ngủ.
- Khoan, dừng lại, cô y tá hốt hoảng kêu lên, anh sẽ đau đấy!
Nhưng Anna đã chăm chú theo dõi Duncan và ra dấu bảo cô ta đừng ngăn cản anh.
Va họ sững nhìn anh đưa chiếc ly lên môi, uống rồi đặt nó xuống bàn. Từ khi bị sốt tê liệt đến nay, đây là lần đầu tiên anh có thể làm một động tác như vậy.
- Thế đấy! Cô y tá trưởng thốt lên hoàn toàn mất hết vẻ căng thẳng. Ông Stirling ạ, sau việc vừa rồi tôi không cảm thấy an toàn chút nào khi ở cạnh ông, chỉ một lát nữa, ông có thể sẽ quẳng bàn ghế vào đầu tôi đấy!
Sau khi hai cô y tá đã ra khỏi phòng, Duncan và Anna im lặng trong giây lát.
- Tôi mang ơn chị nhiều quá, Anna ạ! Cuối cùng anh nghiêm trang nói. Ngay ngày đầu, chị đã mở ra cho tôi thế giới của âm nhạc, hội họa, văn chương. Chị đã mở mang kiến thức cho tôi, đã dạy tôi. Chị đã tìm cho tôi việc làm khi tôi cần. Nhờ chị, tôi đã học được cách tạo ra cho mình một cái nhìn rộng, sâu về y khoa. Và bây giờ chị còn…
Giọng anh nghẹn lại.
- Trời đất! Thôi đủ rồi, Stirling! Người Tô Cách Lan các anh thật là những kẻ ủy mỵ ngốc nghếch! Tôi chẳng từng nói với anh là tôi thích thành công à? Tôi sẽ ghi lại trường hợp của anh vào quyển sách tôi soạn đấy, kèm với hàng tá hình ảnh và họa đồ…
- Dù có như vậy đi nữa, chị cũng phải cho phép tôi cám ơn chị, Anna ạ. Điều tuyệt vời là chị đã tiến hành ca mổ này hoàn toàn chỉ vì tình bạn, bỏ ngoài tai tất cả những lời gièm pha.
- Anh Duncan thân mến ạ, chị đột ngột cắt ngang, hóa ra anh lại phải giảng cho tôi một bài học triết lý à? Tôi nghĩ rằng tôi đáng được thưởng một cái gì hơn thế chứ?
- Hãy tha lỗi cho tôi, chị Anna ạ. Cũng vì tôi rất biết ơn chị nhưng lại có quá ít khả năng để chứng tỏ điều ấy.
- Anh có thể giúp tôi nhiều lắm, Duncan ạ. Tôi không hoàn toàn không lợi dụng như anh tưởng đâu. Tôi muốn anh hợp tác với tôi. Tôi muốn anh lo về phần cơ thể bệnh lý của các cuộc khảo cứu của tôi, tôi muốn anh trả nợ tôi bằng cách ấy đấy. Nhưng thôi, sau này chúng ta sẽ có dư thì giờ để bàn cãi chuyện này. Trong khi chờ đợi tay anh thật khỏe, tôi vừa chợt nghĩ là cô y tá chăm sóc anh đã lầm lẫn tai hại.
- Sao?
- Cô ấy đã gọi anh là “ông” Stirling. Trong khi đó, kể từ sáng nay, chức danh đúng của anh là “bác sĩ ” Stirling (chị mỉm cười với anh). Chính bác sĩ Inglis đã báo cho tôi hay tin ấy khi tôi tới đây. Ông ta rất náo nức về tin này. Duncan ạ, anh đã đạt hết các môn thi. Hơn thế nữa, anh còn được bằng khen của Ban Giám khảo.
Anna mở cửa, sau khi nhìn lại lần cuối bộ mặt sững sờ của Duncan, chị nhanh nhẹn bước ra khỏi phòng.
Duncan tựa vào gối và lặng đi một lúc lâu, rồi từ từ, anh mới hiểu ra tương lai của mình sẽ như thế nào. Một cách vô thức, anh cử động cánh tay trước đây đã bị bại liệt và nắm tay lại. Một cảm giác về quyền lực tràn ngập trong anh.
Thình lình, anh chống một tay lên và lôi từ trong cái ví cũ sờn của mình một tấm ảnh nhỏ và một cánh hoa rừng ép khô. Đó là tấm hình của Margaret và cành hoa rừng mà cô đã tặng anh cách đây hằng bao năm. Anh biết là cô ta đang đi nghỉ mát.
“Bây giờ ta đã có một cái gì đó để dâng hiến cho nàng khi nàng trở về ”, anh thầm nghĩ, lòng bỗng dâng lên một tình cảm thiết tha.
Một buổi sáng cuối tháng bảy đẹp trời, Duncan mặc áo blouse trắng, đứng chờ Overton ở cửa khoa của bác sĩ Inglis, tại bệnh viện Victoria.
Sáu tuần trước đó, khi Duncan xuất viện, bác sĩ khoa trưởng đã chỉ định anh làm bác sĩ nội trú trong khoa ông, khoa lớn nhất của bệnh viện Victoria.
- Tôi vẫn luôn tin tưởng vào tài anh, anh Stirling thân mến ạ. Ông vừa nói vừa vỗ vai anh.
Duncan cười thầm khi nhớ lại buổi gặp đầu tiên với bác sĩ Inglis, khi ấy vẻ bi quan của ông tí nữa đã phá vỡ hết mọi hy vọng của anh.
- Và nói riêng giữa chúng mình với nhau, ông nói thêm, tôi muốn nhấn mạnh lòng tin tưởng của tôi vào anh mặc dù gần như khắp nơi… trong tỉnh và… hừm, hừm… ở cả nhà tôi nữa, có những người đã cố khuyên tôi đừng giao cho anh chức vụ này.
Rồi, nắm lấy cánh tay Duncan, ông dẫn anh đến một phòng thí nghiệm trang bị theo những kỹ thuật tiên tiến nhất.
Duncan đã đến ở khu dành cho anh trong bệnh viện và giờ đây, thật là sung sức nhờ vào hai bàn tay đều lành lặn, anh đã lăn xả với tất cả sức lực của mình vào cái công việc mà từ bao lâu nay, anh vẫn hằng mong ước.
Những ngày làm việc của anh thật hào hứng và khẩn trương. Anh thức dậy lúc bảy giờ và ghi chép các quan sát của mình cho tới giờ ăn điểm tâm. Sau đó, buổi sáng được dành cho việc đi theo bác sĩ Inglis khám bệnh tại khoa, việc này là cả một bài tập tính kiên nhẫn ở Duncan vì tính chậm chạp của bác sĩ khoa trưởng đã trở thành truyền thuyết trong bệnh viện. Sau bữa cơm trưa ăn vội vàng, tiến hành một loạt các cuộc thử nghiệm sinh hóa thì đã sáu giờ chiều. Buổi tối, đi rảo lại khoa với Overton, bây giờ là phó giám đốc bệnh viện, một phó giám đốc rất hãnh diện về tầm quan trọng và bo bo giữ quyền lực của mình.
Sau sáu tuần lễ mệt phờ người, một nỗi bất mãn kỳ lạ đã làm giảm đi nhiệt tình của Duncan. Anh không để ý đến sự đều đặn nhàm chán của công việc, cũng bỏ mặc những biểu lộ hợm hĩnh nhỏ nhen của Overton, nhưng càng ngày, nỗi ước muốn tạo mối dây liên lạc thật sự giữa anh và bệnh nhân càng trở nên mong manh, và điều đó làm anh thất vọng.
Anh ngẩng đầu khi nghe tiếng bước chân vang lên trong hành lang. Thì ra là Overton. Anh đợi anh ta lại gần:
- Overton này, tôi muốn bàn với anh về ca Walters.
- Walters nào? Tớ đang bận, tớ sắp đi ăn cơm trưa.
- Việc này quan trọng đấy, Overton. Walters là anh chàng bệnh nhân ở giường số bảy, tôi thấy anh ta có những triệu chứng hô hấp hơi kỳ lạ. Tình trạng anh ta đã trở nặng nhiều lắm.
- Vậy cậu muốn tớ làm cái quỷ gì cho nó?
Duncan biết rằng đêm qua Overton đã đi khiêu vũ tới tận đêm khuya với cô y tá Damson, và vì những lý do có lẽ liên quan đến cô y tá xinh đẹp ấy, anh ta có vẻ bực bội.
- Bọn tớ đã làm tất cả những gì có thể làm được.
- Tất cả, ngoại trừ việc tìm ra cái gì không ổn (Giọng Duncan đanh lại) Trong tuần, ngày nào cũng thế, tôi cứ phải dành hết thì giờ để làm các xét nghiệm xuẩn ngốc không chút ích lợi nào, trong lúc ấy thì bệnh nhân cứ chết dần chết mòn.
- Chẩn đoán không rõ ràng, Overton nhanh chóng đáp, chúng ta không thể làm gì hơn. Ông sếp nghĩ là một ca thiếu máu ác tính.
- Theo ý tôi, đó đơn thuần và giản dị chỉ là một ca mủ màng phổi. Cần phải chọc dò màng phổi. Nếu không, bệnh nhân sẽ chết.
- Ai thèm hỏi ý kiến cậu? Nên nhớ đến chỗ đứng của cậu ở đây, Stirling ạ. Chỉ vì ý thích nhất thời nên bác sĩ khoa trưởng mới đem cậu vào đây. Có khối người nghĩ rằng đây không phải là chỗ dành cho cậu.
Và hắn ta tiếp tục đi. Duncan nhìn hắn bỏ đi xa, mặt căng ra vì giận.
Chiều hôm ấy, anh được một giờ rảnh. Như thường lệ, anh dùng nó với Anna. Anh có được nỗi thích thú tinh nghịch trong việc thách thức những lời gièm pha trong tỉnh.
Chị pha cho anh một ly cà-phê và ngạc nhiên về sự im lặng bất thường của anh.
- Có chuyện gì thế? Lại có ai nói gì về chúng ta à?
Anh lắc đầu:
- Không, đó chỉ là tôi đang thích thú về sự nhận môn của mình vào ngành y học cơ khí hóa. Thật là thú vị, anh giễu cợt nói tiếp, khi được chơi với ống hút, ống nghiệm, thử biến diễn cơ bản, trong khi đó, chỉ cần áp tai vào ngực một bệnh nhân khoảng mười phút là đã có thể nói anh ta mắc bệnh gì.
Chị chăm chú nhìn anh:
- Đừng coi thường những vũ khí của nền y học hiện đại, Duncan ạ.
Anh bùng nổ:
- Điều này đã làm tôi không yên từ bao tuần nay! Tôi muốn làm việc với hai bàn tay tôi chứ không phải với những ống nghiệm; chính những ống nghiệm đã làm tê liệt ngành nghề chúng ta! Đương nhiên một phần cũng do những bác sĩ bị thoái hóa bởi đồng tiền gây ra, nhưng đó chỉ là phân nửa của mối nguy hại. Điều tệ hại hơn cả là, trong hệ thống hiện nay của chúng ta, nhiều thầy thuốc đã không còn những đức tính thật sự quan trọng như cá tính, khả năng tạo niềm tin ở bệnh nhân, tài chẩn đoán chính xác. Họ không còn muốn tự mình làm việc gì nữa. Luôn luôn phải có một cô y tá, một cô xét nghiệm viên, và ngay cả một cái máy đa năng để làm hết mọi việc thay cho họ. Ngay lúc này, một người đang hấp hối trong khoa của tôi bởi vì sự thật bị bưng bít đằng sau một rừng họa đồ, đường biểu diễn, bài tính và xét nghiệm.
Sự im lặng của Anna rõ ràng là chống lại những điều Duncan vừa nói.
- Đã đến lúc anh cần có một quan điểm khoa học về công việc của anh hơn.
- Thế còn quan điểm nhân đạo thì sao? Chẳng lẽ tôi phải vứt bỏ nó à? Anh giận dữ hỏi.
- Tại sao không? Rồi anh sẽ thấy là nó chẳng quan trọng bao nhiêu khi anh bắt đầu với môn cơ thể học bệnh lý.
Sững người, anh nhìn chị.
- Chắc anh không quên là cả hai chúng ta sắp thành một tổ nghiên cứu? Tôi sẽ cần đến một chuyên gia về môn cơ thể bệnh lý trong cuộc nghiên cứu về mối liên lạc giữa các dây thần kinh – cơ.
- Cuộc nghiên cứu của chị?
- Cứ gọi là của chúng ta đi. Anh hãy nhớ là anh đã thật sự bị cột vào tôi (chị mỉm cười bí hiểm, và khéo léo chuyển câu chuyện sang một hướng khác). Còn bây giờ, thì hãy thoải mái thư giãn một chút. Để tôi đàn cho anh nghe vài bản nhạc của Bach.
Chị đã không giải quyết được những khó khăn của anh mà trái lại, còn tạo thêm một khó khăn mới.

oOo

Anh ra về sớm hơn thường lệ và đi thẳng vào bệnh viện. Anh dừng lại bên giường số bảy.
Bệnh nhân Walters là một thanh niên hai mươi hai tuổi, rõ ràng đang ở trong tình trạng nguy kịch: đôi môi khô nứt nẻ, đôi mắt dại đi, hơi thở ngắn, tất cả đã nói lên điều đó. Trong ánh sáng mờ của những ngọn đèn đêm, vẻ suy tư của Duncan tăng lên. Anh luồn tay dưới áo bệnh nhân và sờ vào bộ ngực đang thở hổn hển với sự nhạy cảm âm thầm của xúc giác.
Anh vội quay lại và ra dấu gọi cô y tá trực:
- Cô làm ơn đem cho tôi phim phổi của anh ta.
Năm phút sau, cô y tá quay lại đưa phim. Một cô y tá khác và hai cô phụ việc đi kèm, chiếc bàn đầy dụng cụ lấy máu, máy hấp, ly có khắc nấc, tất cả cái đám dụng cụ thường lệ.
Duncan vắn tắt ra lệnh:
- Tôi chỉ cần một cây kim chọc thôi, cô làm ơn đưa cho tôi.
Anh đang cúi mình trên bệnh nhân thì một tiếng mở cửa làm anh chợt ngẩng đầu lên. Bác sĩ Overton đang đi rảo khám đêm như thường lệ.
- Thế này là nghĩa gì?
Mặc dù nhỏ, nhưng giọng anh ta đầy gay gắt.
Duncan đứng thẳng lại:
- Nếu anh chịu khó kiên nhẫn một chút thì sẽ rõ.
Overton đỏ mặt lên:
- Cậu có điên không? Cậu không được phép điều trị bệnh nhân này khi chưa có lệnh của tôi.
- Có nhất thiết phải chờ lệnh của anh mới được cứu sống anh ta không?
Một khoảng im lặng bất bình xảy ra ở các cô y tá. Người bệnh rời cặp mắt khỏi bộ mặt tái nhợt của Overton và nhìn vẻ quả quyết và lạnh lùng trong đôi mắt Duncan. Anh ta yếu ớt định nắm lấy tay áo Duncan.
- Cứ làm đi, bác sĩ, anh hổn hển nói, tôi van anh, hãy làm tất cả những gì anh có thể làm được cho tôi nhẹ bớt.
- Tôi báo trước cho cậu biết…(giọng Overton to lên) là cậu phải chịu trách nhiệm.
Duncan ném sang anh ta một cái nhìn thách thức. Anh mạnh dạn cầm cây kim. Anh cảm thấy hai thái dương đập mạnh khi đâm cây kim chọc dò vào ngực bệnh nhân. Sau một thoáng chờ đợi, gần như không chịu đựng nổi, dòng mủ đặc và vàng vọt ra từ ổ abcès trong màng phổi với một lực mạnh đến nỗi dòng mủ như sẽ không bao giờ có thể cạn.
Walters thở một hơi dài thoát nạn. Mặt Overton tái đi và trán hắn ta lấm tấm mồ hôi. Duncan bình thản lau cây kim trên miếng gạc và ra lệnh cho cô y tá:
- Cô mang anh ta sang phòng E nhé. Sau một đêm ngủ ngon, anh ta sẽ khỏe hẳn đấy.
- Tôi đã cảm thấy khỏe rồi! (Những giọt nước mắt sung sướng lăn trên má Walters) Bây giờ tôi đã có thể thở được rồi. Cầu trời ban phước lành cho bác sĩ!

oOo

Sáng hôm sau, trong khi đi thăm bệnh, Duncan nhận thấy bác sĩ Inglis nhìn anh với vẻ khác thường. Khi họ chỉ còn một mình, vị khoa trưởng bối rối mời anh nghe ông nói. Sau khi đã nhiều lần hắng giọng, ông nhận xét:
- Hình như giữa anh và bác sĩ Overton không được hòa thuận cho lắm, phải không Stirling?
- Thưa thầy, đúng thế.
Nét mặt của vị khoa trưởng dịu xuống. Ông bật cười:
- Tôi cũng thế.
Rồi ông nghiêm lại và bảo thêm, với vẻ thận trọng cố hữu:
- Nhưng dẫu sao, Stirling thân mến ạ, tôi vẫn mong là anh đừng cãi lộn với đồng nghiệp của anh thì tốt hơn. Tôi không cần phải nói thì anh cũng hiểu là anh đang có nhiều thế lực chống đối. Và từ đó, hậu quả có thể gây phiền cho anh. Rất thật tình, tôi mong không có gì phiền phức xảy ra cho anh. Nhưng, trong tương lai, tôi đòi hỏi anh nên tôn trọng ngôi thứ hơn một chút.
Sự bình phục của Walters tiến triển nhanh chóng. Khi Duncan ký giấy xuất viện cho anh thanh niên mang nặng lòng biết ơn ấy, anh không thể ngăn nổi ý tưởng là nếu anh đã tôn trọng các ngôi thứ hơn thì giờ này, anh sẽ phải ký giấy khai tử thay vì giấy xuất viện.
Vào một buổi chiều của tuần sau đó, Duncan sửa soạn ra về sau khi đã hoàn tất các công việc trong ngày thì nghe tiếng gõ cửa. Trước khi anh kịp nói câu “Mời vào” thì cửa đã mở và Margaret hiện ra trước mặt anh.
- Anh thấy chưa, rồng đến nhà tôm đây này.
- Margaret! Anh nôn nao thốt lên, tôi không biết là cô đã về!
- Ba tôi phải trở về gấp vì có công chuyện. Vụ thành lập công ty điện lực mới đấy mà.
Anh chậm rãi nói:
- Cô thật là dễ thương khi đến thăm tôi!
- Ôi! (Cô ta cười nhẹ). Tôi đến nhắn một tin mới cho bác Inglis và luôn tiện ghé sang thăm anh.
Cô đưa mắt đánh giá anh trong chiếc áo blouse trắng.
Một làn sóng hạnh phúc bất chợt tràn ngập lòng Duncan. Anh đã nhớ cô ta biết bao! Anh đã mong chờ cô ta trở về với biết bao nôn nóng. Bây giờ, anh không còn phải bối rối tìm lời nữa. Anh không còn là anh chàng tàn tật khốn khổ, không có tương lai của ngày nào nữa. Hiện tại, anh biết là cao vọng của anh có thể mang anh lên tới đỉnh vinh quang.
- Margaret này, anh nói, tôi có chuyện muốn nói với cô.
Nghe giọng nói khác thường của anh. Margaret ngước nhìn anh, mắt tròn lên vì ngạc nhiên giả tạo:
- Gì thế? Miễn không phải là chuyện đời tư của anh.
Anh bước xích lại một bước:
- Đây không phải là chuyên mới về đời tư của tôi, nó đã có từ khá lâu rồi, Margaret ạ, từ lúc tôi hãy còn là một chú bé con cùng một nàng công chúa sống trong tháp ngà xa xôi.
Cô ta nhìn anh với nụ cười trên môi:
- Anh nói khéo thật! Thế ai là cô công chúa của anh?
- Cô không đoán ra ư, Margaret?
- Anh muốn nói là tôi sao?
Anh trả lời bằng cánh hoa rừng ép khô được rút ra từ ví mình.
- Cô không nhớ cành hoa này à? Cành hoa mà cô đã tặng tôi?
- Không.
- Lúc ấy ở gần bờ sông, một ngày tôi đi câu và gặp cô.
- À… đúng rồi! Thế ra anh đã giữ nó trong suốt ngần ấy năm?
Anh ra dấu thừa nhận. Margaret cảm thấy sự thận trọng khuyên cô nên dừng lại, nhưng tính hợm hĩnh của cô không thể ngăn cô tiếp tay thổi lên ngọn lửa tình yêu mà cô vừa cảm nhận ở anh.
- Tôi không thể nói hết cho anh nỗi hãnh diện của tôi.
Anh nắm lấy tay cô:
- Margaret, tôi đã chờ quá lâu cái phút tôi có quyền nói với cô điều ấy. Tôi yêu cô. Tôi hiểu là tôi sẽ thành công, và sẽ có thành công để dâng nó lên cô…
Anh trở nên gần như mù quáng, tiếp tục nói:
- Cô chịu nhận lời cầu hôn của tôi chứ? Khi tôi đã thành danh, khi tôi đã có một chỗ đứng trong xã hội, cho cả cô và tôi?
Margaret chịu đựng cái nhìn của anh lâu đến mức cô có thể chịu được. Rồi cô chợt thở dài và cúi mặt xuống:
- Đáng lý tôi không bao giờ nên để anh nói tiếp, cô nói thầm với vẻ bối rối giả tạo, thật ra tôi cũng rất có cảm tình với anh, và vì vậy, tôi rất thích nghe những lời anh nói với tôi.
- Thế tại sao cô lại định ngăn không cho tôi nói tiếp? Anh hỏi.
Margaret từ từ gỡ găng tay ra:
- Nhưng… thế anh không nhận ra là…
Cô giơ bàn tay ra, để lộ chiếc nhẫn đính hôn to mà cô đeo ở ngón đeo nhẫn.
- …Tôi ngạc nhiên là anh đã không để ý đến nó. Nó quá to mà… và quá đẹp nữa!
Duncan sững người. Cuối cùng anh mới có thể chậm chạp nói từng lời, khó khăn:
- Tôi dốt lắm về những chuyện này, Margaret ạ. (một khoảng thời gian dài im lặng) Đây là một cái nhẫn rất đẹp.
Anh lại im, cố gắng tìm lời:
- Thế anh ấy là ai thế?
Nhưng anh cũng đoán ra câu trả lời, trước khi nghe cô kịp nói:
- Thì… đương nhiên là Euen, bác sĩ Overton ấy. Chúng tôi vẫn yêu nhau từ hồi nào đến giờ. Chính vì vậy mà tôi đến đây gặp anh. Để anh chúc mừng tôi và chúc tôi được hạnh phúc.
Anh cố không để lộ nỗi đắng cay ra giọng nói:
- Tôi hết lòng chúc cô thật nhiều hạnh phúc và luôn may mắn.
- Hẳn anh cũng công nhận rằng chúng tôi đã tạo được một cuộc hôn nhân hoàn thiện về mọi mặt, cô nói tiếp, chúng tôi giống nhau ở rất nhiều điểm. Và chức vụ mới của Euen ở viện Wallace sẽ giúp cho chúng tôi sống ở Edimbourg. Ba tôi đã hứa cho một căn nhà thật tuyệt. Anh biết đấy, mọi người đều nghĩ là chỉ trong một vài năm nữa, anh ấy sẽ có cơ hội để trở thành giám đốc.
- Hai người sắp làm đám cưới?
- Tháng tới. Anh phải tới dự đám cưới chúng tôi. Tôi mời tất cả những người đã từng theo đuổi tôi đấy. Sẽ thật tuyệt anh ạ!
Vẻ hời hợt của cô xói vào lòng anh như một nhát dao và, trong một thoáng, anh chợt thấy lóe lên cái nhận thức về tính phù phiếm nhỏ mọn của cô. Nhưng nhận thức đó chỉ thoáng qua. Rồi ngay lập tức, nỗi đau buồn về tình yêu lại xâm chiếm lấy anh, và với giọng nói hoàn toàn thành thật, anh thốt lên:
- Nếu tôi có thể giúp được gì cho cô, bất cứ lúc nào, cô cứ việc bảo tôi, đừng e ngại gì cả.
Cô bóp nhẹ tay anh và định trả lời thì một tiếng còi xe vang lên bên ngoài.
- Euen đến đấy! Chúng tôi định đi chơi khúc côn cầu trước khi dùng trà.
Cô vui vẻ chìa tay cho Duncan và quay ra.
- Tạm biệt nhé! Thôi, anh khỏi mất công tiễn tôi ra cửa. Tôi phải đi vội đây, kẻo trời tối đến nơi rồi.
Duncan đứng bên cửa sổ, nhìn theo cho đến khi chiếc xe biến mất. Anh bực mình khi phải nhìn nụ cười đắc thắng của Overton, vẻ sở hữu bình thản của hắn khi giúp Margaret bước lên xe.

oOo

Tối hôm đó, anh có hẹn đưa Anna đi nghe buổi hòa nhạc của dàn nhạc thính phòng. Nhưng sau khi gặp Margaret, anh điện thoại cho bà Galt để nhắn với Anna là anh không đi được.
Tuy thế, khoảng mười giờ rưỡi, Anna bước vào phòng anh, không buồn gõ cửa. Chị quăng cái mũ xuống sàn và ngồi phịch xuống ghế. Rồi, không buồn để ý đến anh, chị vớ lấy tờ báo địa phương và chăm chú đọc.
Anh gượng hỏi:
- Buổi hòa nhạc hay chứ?
- Tôi cũng không đi nghe (giọng chị đầy hàm ý khác thường). Anh khỏi bắt mình phải giữ lịch sự với tôi. Cứ việc tự do nghiền ngẫm về nỗi bất hạnh của anh.
Anna giả tảng không để ý đến cái nhìn bực bội của Duncan và tiếp tục nói, không đổi giọng:
- Hãy nghe tiếng nói địa phương này, tiếng vang của dư luận quần chúng: “Bạn bè của cô Margaret Scott và bác sĩ Euen Overton sẽ vui mừng hay tin về lễ đính hôn của hai người, được bà Inglis, dì của cô Margaret, công bố chiều hôm qua. Cô Scott rất nổi danh trong câu lạc bộ của giới trẻ thanh lịch trong vùng, là con gái của Đại tá Scott, ở Stinchar Lodge”.
Chị ghê tởm vứt tờ báo xuống sàn.
- Thật kinh tởm. Anh chưa bao giờ thật sự yêu cô ta! Anh đã yêu một lý tưởng. Anh đã đặt cô ta lên bệ thờ và lê dưới gối cô ta để tôn cô ta thành thần tượng. Ở đâu cũng thế, ở xứ tôi, mỗi anh con tiều phu đều xây mộng quanh cô tiểu thư, con gái ông Schloss.
Anh nhìn thẳng chị, nhưng chị vẫn tiếp tục nói:
- Chẳng lẽ anh không thấy cô ta chỉ là một cô bé làm đỏm, ích kỷ và hời hợt à? Làm sao anh lại có thể nghĩ rằng mình có thể hòa hợp với cô ta, chịu đựng được những đòi hỏi không ngừng, những ràng buộc xã giao xuẩn ngốc, những buổi tiếp tân nhàm chán của cô ta?
- Anna!
Duncan chồm lên, trắng bệch ra vì cơn giận điên người.
- Tôi biết, tôi biết (chị đẩy anh ra với vẻ bất cần). Nếu tôi đã không mổ cánh tay anh thì ngay lúc này anh đã giết tôi. Còn tôi, nếu tôi không nghĩ đến một điều gì tốt đẹp trong anh, lẫn sau cái mớ tình cảm vụn vặt ấy thì ngay lúc này, tôi đã đứng dậy và không bao giờ thèm nhìn mặt anh nữa.
Anh chịu đựng cái nhìn của chị lâu hơn trước khi ngồi xuống ghế, bất lực.
- Đấy, như thế có phải tốt hơn không? - Chị tiếp tục nói, giọng lạc đi, tôi biết anh đang đau khổ. Tôi hiểu anh cảm thấy gì khi nghĩ đến việc cô ta đã chọn Overton (nụ cười ngạo mạn chậm chạp hiện lên môi chị). Anh đừng lo! Anh ta sẽ không hạnh phúc lắm đâu. Và cả cô ta cũng thế.
- Anna, cô im đi!
Anh đưa tay lên ôm đầu.
- Cô y tá Damson đã tự tử hồi tối.
- Sao?
Anh ngẩng đầu lên, ngạc nhiên. Rồi ý nghĩa của tin này ập lên anh như một cú đấm.
Anna gật đầu:
- Phải! Một mớ bòng bong. Anh có thể nào tưởng tượng nổi một cô y tá đầy kinh nghiệm lại chọn một bệnh viện để nuốt năm chục viên thuốc ngủ không? Chúng tôi đã phải rửa ruột cho cô ta như xả một cái máy bơm. Cô ta đã được gói ghém lại sạch sẽ và gởi trả về gia đình ở Perth.
Duncan vẫn nhìn chị.
- Sau chuyện này, đương nhiên phòng cô ấy rối tung lên. Nhưng tôi cũng đã tìm được cái này, tôi nghĩ giữ chúng lại sẽ có lợi cho chúng ta.
Chị ném tập thư cột trong sợi dây lên gối Duncan. Anh chậm rãi mở ra. Tất cả bức thư đều do Overton viết, chỉ cần vài phút cũng đủ hiểu nội dung của chúng.
- Đúng thế đấy, chị nhận xét khi anh ngẩng đầu lên nhìn chị. Anh bạn quý, rất quý của anh đang đứng trên miệng vực. Thật là thích thú khi thấy anh ta rơi xuống đáy.
- Không!
- Tại sao không? Dẫu sao, anh ta cũng không oan gì mà, sau khi đã thêu dệt tất cả những lời gièm pha dối trá mà anh ta gieo rắc quanh chúng ta. Anh ta, con người được coi là tấm gương đạo đức ấy, đã để các cô y tá yêu mình đến mức phải tự tử!
Anh nghiêm trang lắc đầu:
- Tôi không thể làm được, Anna ạ! Không bao giờ! Điều đó sẽ làm Margaret quá đau khổ. Tôi sẽ đấu tranh với anh ta, nhưng không phải bằng cách ấy.
Anna chăm chú quan sát Duncan, mắt hơi nheo lại và khéo léo đổi chiến thuật.
- Được rồi, anh có thể có lý. Tôi ưng anh đập nát hắn ta nhưng tôi cũng sẵn sàng tin là có những cách khác để làm điều ấy. Khi nào thì anh hết thời gian tập sự ở Victoria?
- Đầu tháng 10, nếu tôi không bị tống ra cửa trước đó.
- Tuyệt! Anh hãy đi nghỉ mát vào ngày 15 tháng 10. Một chút gió mát sẽ đuổi mối tình vụn đó ra khỏi tâm trí anh, anh bạn ạ. Và chỉ trong bốn tuần là anh sẽ hoàn toàn lành bệnh, tôi đoán chắc như thế, và khi ấy…
- Khi ấy thì sao?
- Khi ấy tôi sẽ sẵn sàng trao công việc cho anh.
- Sẵn sàng cho tôi?
- Hội đồng đề nghị tôi ở lại Edimbourg, tất nhiên điều này chưa được chính thức công bố, nhưng đã gần như chắc chắn. Tôi sẽ lãnh trách nhiệm về một trong những bệnh viện chính và tôi sẽ hưởng tất cả những thuận lợi liên quan đến viện Wallace. Đương nhiên, chị nói tiếp, giọng đầy tự tin, tôi có quyền chọn một đồng nghiệp để giúp tôi trong cuộc kháo cứu cơ thể bệnh lý.
Mặt Duncan căng ra:
- Cơ thể bệnh lý! Nhà xác! Trời đất! Nhưng chị biết là tôi căm ghét việc ấy?
- Đừng có khùng! Tôi rất có ảnh hưởng đối với hội đồng. Có thể tôi cũng đòi cho anh một ghế trưởng khoa cơ thể bệnh lý. Hãy nghĩ lại đi, ghế trưởng khoa ở vào cỡ tuổi của anh. Và hãy thử tưởng tượng xem Overton sẽ nghĩ gì khi điều ấy xảy ra.
- Quỷ tha ma bắt chị! Tại sao chị cứ luôn khơi dậy những ý nghĩ xấu xa nhất của tôi?
- Bởi vì phần lớn anh là sở hữu của tôi (chị nhẹ mỉm cười). Duncan rất quý mến ạ, bây giờ, hơn lúc nào hết.
- Chị là người phụ nữ ích kỷ nhất, khủng khiếp nhất mà tôi từng gặp.
Anna che một cái ngáp và giơ tay nhìn đồng hồ:
- Đúng, khi nào liên quan đến khoa học, thì tôi là như thế. Và cả hai chúng ta sẽ đi dưới lá cờ đó (chị ném cho anh cái nhìn lạnh lùng). Thôi hãy ngủ ngon nhé, anh chàng tiều phu trẻ tuổi, những ảo ảnh của anh về tình yêu đã chết rồi.
Khi đi ra cửa, Anna cúi xuống nhặt tập thư. Khi đã về đến phòng, chị cẩn thận xếp lại chúng và cất kỹ vào hộc bàn với một nụ cười bí hiểm trên môi.

oOo

Nôn nóng nhưng lại e dè, Duncan cuối cùng cũng đã tới tuần chót của thời gian tập sự ở bệnh viện Victoria.
Khí lạnh đã tràn tới với những đám tuyết rơi dày đặc, những luồng gió rét căm căm làm cứng cả mặt đất. Một buổi chiều, đúng lúc anh về sau khi đi rảo lần chót trong các trại, thì chuông điện thoại vang lên trong phòng anh. Tưởng đó là cô y tá trưởng, anh dửng dưng nhấc ống nghe lên.
Nhưng không phải giọng cô y tá trưởng. Giọng nói, dù từ xa đến, vẫn rất rõ. Anh giật mình khi nhận ra đó là giọng Jeanne Murdoch:
- Cha em bị bệnh.
- Ông bị sao thế?
- Viêm phế quản. Ở đây tuyết rơi rất nhiều. Suốt ba đêm, ông bị gọi đến Strath, ông vẫn cứ đi mặc dù đang bị cảm lạnh. Ông không chịu nằm nghỉ nhưng bây giờ, đành phải chịu vậy.
- Thế còn bệnh nhân?
- Đó chính là điều làm em lo lắng. Lúc này bệnh nhân rất đông.
Chỉ trong chớp nhoáng, anh đã có thể nhận ra tình trạng hiện tại ở khu làng hẻo lánh đó: bác sĩ thì ốm, làng mạc thì phủ đầy tuyết, bệnh nhân thì ở rải rác từng nơi.
- Cô cần phải có người thay thế?
- Vâng, ngay lập tức. Anh có quen ai không?
Cô ngập ngừng, rồi nói nhanh:
- Ôi! Duncan! Anh không thể đến một vài tuần ư?
Anh đã quyết định rồi. Thật ra nếu không có cuộc cãi vã giữa anh và bác sĩ Murdoch thì anh đã tự đề nghị trước khi cô kịp hỏi. Anh nhanh chóng suy nghĩ. Trong trường hợp như thế này thì chắc ông khoa trưởng cũng cho phép anh nghỉ trong những ngày cuối ở bệnh viện Victoria. Anh hỏi Jeanne:
- Chuyến xe ca cuối cùng khởi hành lúc mấy giờ?
- Chín giờ, ở Old Square.
- Tôi vừa kịp đủ giờ. Đợi tôi ở nhà khoảng 10 giờ.
Anh đặt máy xuống rồi gọi cho bác sĩ Inglis. Vài lời giải thích rõ ràng và sốt sắng đã khiến ông cho phép anh nghỉ. Anh không kịp soạn vali, chỉ kịp mang theo áo choàng và khăn quàng cổ, chụp cái mũ xuống tận mắt, anh chạy vội ra. Anh chạy dọc theo những khoảng đường vắng tanh và đến kịp lúc xe vừa chuyển bánh.
Bình thường thì xe đầy nghẹt người, nhưng tối nay, ngoài anh ra, chỉ còn có hai hành khách. Một thanh niên khoảng 25 tuổi, vẻ thanh lịch, với khuôn mặt đẹp kiêu kỳ, đang chăm chú đọc truyện. Duncan giật nảy mình khi nhận ra người khách thứ hai ngồi ngay cạnh anh. Mặc dù đã không gặp lại ông ta từ sáu năm nay, nhưng anh không thể lầm vào đâu được cái dáng phục phịch ấy, cái khuôn mặt có chiếc hàm to bè, cặp mắt nhỏ láu cá với những nếp nhăn hằn sâu, mái tóc thưa sắp xếp cẩn thận trên đầu ấy. Đấy chính là Joe Overton “người lương thiện”.
Lão già tỏ ra là đã không quên Duncan:
- Anh đấy à? Lão ta làu bàu. Anh làm gì ở đây vào đêm hôm thế này?
- Còn ông? Duncan hỏi lại.
- Tôi ấy à? Tôi đi thăm con trai. Tôi đã chẳng đi cái xe thổ tả này nếu xe tôi không bị hỏng. Tuột ốc. Tôi mà bắt được thằng tài xế chết tiệt của tôi, tôi cứ là vặn cổ nó ngay.
Lão ta lôi trong túi ra điếu xì gà, cắn mẩu đầu và sửa soạn đốt nó:
- Anh đi còn xa không?
- Tới Strath Linton, Duncan trả lời.
- À thế! Lão ta trả lời với một thoáng chú ý. Một thung lũng tuyệt thú! Chính tôi, tôi đã đi khá nhiều trong thung lũng ấy. Ở đấy tôi có một công trình lớn nhất đời tôi đấy: một đập ngăn nước, tuốc-bin, máy phát điện, vâng, tôi sẽ hoàn thành tất cả những cái đó và sẽ sử dụng trên một vạn nhân công. Tất cả những người quen của anh trong Hội đồng tỉnh Levenford đều đứng chung với tôi. Khi nào chúng tôi xong, chúng tôi sẽ cung cấp điện cho hết phân nửa các xã bao quanh thung lũng. Chúng tôi gần như độc quyền khai thác, ấy là chưa kể đến cái nhà máy đúc nhôm mà chúng tôi sẽ cung cấp điện luôn, một công hai việc.
Duncan ngồi im. Ngoài những điều mà Jeanne đã kể anh nghe, báo chí địa phương cũng đã bình luận rất nhiều về chương trình này. Một cuộc tranh luận dữ dội đã bùng lên liên quan đến kế hoạch này, vì tuy nó có đem lại lợi ích thật sự, nhưng sẽ hủy diệt vẻ đẹp của một thắng cảnh nổi tiếng đến hàng dặm xa bao quanh.
- Anh thấy cái tên con ông cháu cha ngồi đằng kia chứ? (Joe “người lương thiện” chỉ về phía người bạn đồng hành của họ, vẫn đắm mình xem truyện) Alex Aigle đấy, con trai ngài John Aigle. Trời đất! Anh không thể tưởng tượng được cái gia đình quỷ quái ấy đã gây phiền hà cho chúng tôi đến chừng nào? Đã làm hết bao nhiêu điều để phá hoại cái dự tính của chúng tôi nhằm cứu vãn cái phong cảnh cổ lỗ của họ! Nhưng rút cuộc tôi đã hạ họ.
Lão ta xoa tay khoái trá, rồi hướng đôi mắt xảo quyệt về Duncan, lão hỏi:
- Này, hãy tha lỗi cho tôi nếu tôi tò mò, có chuyện gì mang anh tới thung lũng Linton vậy?
- Tôi đến để thay thế tạm cho bác sĩ Murdoch.
- Murdoch! Kẻ đang tiếp chuyện Duncan ồn ào kêu lên, cái lão già rệu rã ấy à?
Duncan lạnh lùng hỏi:
- Ông biết bác sĩ Murdoch à?
- Quá biết, lão ta làu bàu, tôi đã nhờ lão xem giúp một vài trường hợp bảo hiểm xã hội. Một vài công nhân xuẩn ngốc của tôi mắc bệnh viêm ruột. Ấy thế là tất cả bọn chúng vội đòi tiền bồi thường. Và thay vì giúp tôi, cái lão quỷ ấy lại về hùa với chúng, kết tội căng-tin và dọa đem tôi ra tòa nếu tôi không chịu trả tiền bồi thường.
- Thế đương nhiên là ông đã sai? Duncan nhỏ nhẹ hỏi.
- Đúng hay sai, tôi cũng sẽ không bao giờ nhanh chóng bỏ quên lão đâu. Khi nào gặp lão, anh bảo lão là Joe Overton nhắn với lão điều ấy. Tôi rất vui khi hay tin lão đau ốm, đã đến lúc lão ngủm cho rồi. Người ta cần một bác sĩ hiện đại hơn ở Strath Linton và biết đâu lại chẳng chính tôi đem bác sĩ ấy lại?
- Ông sẽ phí thì giờ đấy, Duncan lạnh lùng bảo, mọi người ở Strath đều mê bác sĩ Murdoch.
Quay đầu đi, anh lấy quyển sách y khoa ra và bắt đầu đọc. Có một lúc, anh dường như bắt gặp một nụ cười mỉm đồng tình trên mặt Alex Aigle.
Mặc dù cố gắng tập trung vào quyển sách nhưng Duncan cũng thấy khoan khoái khi tới chặng chót của cuộc hành trình giá buốt của mình. Anh đi qua khu làng trắng như bông. Tuyết lạo xạo dưới chân và cái lạnh làm đông lại hơi thở của anh. Một cảm giác phấn khởi kỳ lạ tràn ngậo trong lòng, anh có cảm tưởng mình như một cậu học trò được về thăm nhà.
Đến cuối đường, ánh sáng lấp lánh từ nhà bác sĩ Murdoch tỏa ra. Anh bước lên những bậc đá và nhấc chiếc búa gõ cửa nặng nề lên nhưng, trước khi anh kịp buông nó rơi xuống thì cánh cửa đã mở toang, bóng dáng Jeanne hiện ra trong ánh đèn ấm áp của phòng ngoài.
- Mời anh vào, cô vội thốt lên, Ôi! Em thật mừng được gặp anh! Anh thật tốt khi nhận đến đây.
Cô giúp anh cởi áo choàng ra, mắt long lanh vì vui sướng.
- Tay anh sao rồi? Cô nhỏ giọng nói. Tuyệt lắm phải không?
Cô không nói nhiều về nó. Nhưng niềm hạnh phúc hiện lên trong giọng cô làm anh hết sức cảm động:
- Chưa tuyệt bằng cuộc tiếp đón của em đâu, Jeanne ạ.
Anh vẫn đứng đấy nhìn cô, không vội rời bỏ cái cảm giác ấm lòng mà sự hiện diện thân thương của cô đã đem lại cho anh.
- Bệnh nhân của chúng ta đâu? Cuối cùng anh hỏi.
- Ở trên lầu, trong phòng ông. Ông đang cáu kỉnh kinh khủng, chứng tỏ là ông không bệnh nặng lắm đâu.
- Dẫu sao, hãy để anh lên thăm ông ngay.
Anh mỉm cười với cô rồi từ từ lên cầu thang. Ông bác sĩ già đang ngồi trong chiếc ghế bành to, lưng dựa vào chồng gối phủ chăn, chai nước nóng ủ dưới chân. Má và trán ông đỏ au. Tuy vậy, mặc dù mắt long lanh vì sốt và kèm nhèm vì cảm, tia nhìn của ông vẫn soi vào Duncan với vẻ rắn rỏi không lay chuyển.
- Ra thế đấy, ông rít lên, chính con người vĩ đại cuối cùng đã đến, từ những phòng thí nghiệm và những áo blouse sáng bóng của người.
Duncan cố gắng giữ vẻ bình thản:
- Đáng lý bác phải nằm nghỉ ở giường, anh vắn tắt nói, bác sốt ít nhất cũng bốn mươi độ và người bác tím tái cả đấy.
- Tím tái. Bác sĩ Murdoch nhại lại. Chắc đấy lại là một trong những từ y khoa của anh. Cầu trời phù hộ cho tôi! Chỉ cần nghe nó thôi, tôi cũng đủ khỏi bệnh rồi!
- Cháu xin bác, đừng có bứt rứt như thế. Bác làm bệnh nặng thêm đấy.
- Có thể thế, bác sĩ Murdoch ấp úng, nhưng cám ơn bác sĩ, tôi có thể tự mình khỏi bệnh, không cần đến mớ kiến thức khoa học rối beng của ngài. Tôi… tôi đâu có mời bác sĩ đến, tại con bé Jeanne nó đòi thế đấy chứ. Và nếu anh mà cả gan cho tôi uống vài giọt cái thứ thuốc mới bào chế quỷ quái của anh, thì tôi, tôi vẫn còn đủ sức để đập vỡ đầu anh ra đấy!
Ông ngừng lại, rồi nói thêm, giọng đầy châm biếm:
- À, suýt nữa tôi quên, cô bạn quý của anh ra sao rồi?
Duncan nghiến răng:
- Chị ấy vẫn khỏe.
Bác sĩ Murdoch bùng nổ:
- Anh thật đã làm tôi thất vọng tột cùng, đồ nhóc con trơ tráo. Đáng lý, anh phải tự cảm thấy xấu hổ mới phải!
- Còn bác cũng thế, lão điên cứng đầu!
Nhưng Duncan cũng nhanh chóng nhận thấy là cuộc cãi vã này chỉ làm bệnh nhân xúc động mạnh, và anh ghìm lại cơn bực tức của mình.
- Bác cho cháu danh sách bệnh nhân cần phải khám vào ngày mai. Anh đơn giản hỏi.
Bác sĩ Murdoch làu bàu:
- Bảo Jeanne đưa cho.
- Cảm ơn bác.
Duncan quay lưng đi ra.
- Có một thiếu phụ bị bệnh ở Blain Dhu, bác sĩ Murdoch nói. Vợ của Mac Kebre, người gác rừng ấy. Cô ta sắp chết, tội nghiệp, cô ta bị sưng phổi hai bên. Kêu gọi một bác sĩ rởm đi thăm bệnh cô ta vào một đêm như thế này hẳn là một đòi hỏi quá đáng (ông tránh không nhìn ánh mắt của Duncan). Nhưng một con người, theo đúng nghĩa của nó, thì sẽ chịu đi.
- Blain Dhu ở đâu?
- Một góc hẻo lánh cách đây 15 cây số, trên núi, Hamish biết nhà.
Bác sĩ Murdoch ngưng nói và từ từ ngẩng nhìn:
- Anh định đi đấy à?
Duncan chỉ nhìn lại ông.
- Vậy thì phải nhớ là anh không thể giúp gì cho cô ấy đâu, bác sĩ Murdoch cau có bảo anh, nhưng sự hiện diện của anh ít ra cũng làm vừa lòng người chồng. Đừng có thí nghiệm những kiểu chữa trị độc đáo của anh lên một người phụ nữ sắp chết đấy, nếu không Mac Kebre sẽ đập bể đầu anh ra ngay.
- Cháu sẽ thử dùng bất cứ cách xử lý nào cháu thấy là hợp lý, Duncan đáp qua vai mình, quỷ tha ma bắt Mac Kebre và bác!
Anh đóng sầm cửa lại.
Xuống tới nhà dưới, anh bước vào phòng thuốc nhỏ - một vài kệ gỗ và lọ thuốc - gần như thảm hại trong sự trống rỗng của nó. Anh cầm lấy cái túi của bác sĩ Murdoch, một túi xách da đen cũ sờn bạc màu vì sương gió. Anh mở nó ra và thấy, sắp xếp cẩn thận và tỉ mỉ, những thuốc giản dị nhất, và cũng an toàn nhất cho mọi tình huống, một ống tiêm dưới da, Strychnine, Morphine, một cặp kim cũ kỹ, dây chỉ khâu, kim khâu. Nói tóm lại, một tập hợp vũ khí cổ lỗ sơ khai đến mức chúng như được dùng bởi chính ông tổ Hippocrate vào thời của ông.
Lòng hồi hộp kỳ lạ, Duncan mang túi thuốc ra xe và ngồi xuống cạnh Hamish. Xe lăn bánh. Tuyết lại rơi dày thêm. Ở những chỗ đã được quét, tuyết chất thành ụ rải bên đường. Nhưng khi họ ra khỏi đường cái để rẽ sang đường mòn vòng quanh đồi thì chiếc xe bắt đầu lội trong bùn.
Chung quanh họ, những cành thông phủ tuyết trắng như vải hiện đứng vươn lên như những xác ma. Mỗi lúc họ càng lên cao, khi quẹo quanh, những cơn gió bấc tạt vào họ, át đi tiếng rên xiết của tấm cản chắn và tiếng lạo xạo của bánh xe lăn trên tuyết.
Phải mất hơn một giờ Hamish mới lái xe tới trước một căn nhà nhỏ nghèo nàn. Có lẽ người ta đang đợi họ, vì cánh cửa đã mở ngang khi xe dừng.

oOo

Sau khi đã nhìn màu trắng quay cuồng của tuyết rọi sáng bởi đèn pha của xe trên đường đi, thì phần trong căn nhà nhỏ như tối sầm hẳn lại. Mắt bị chói, phải một lúc sau, Duncan mới nhận ra dáng người gác rừng. Đó là một người đàn ông trạc ba mươi, mặt hốc hác vì lo lắng. Cạnh lò sưởi là một bà cụ - có lẽ là người hàng xóm – nhìn Duncan bước vào, bên cạnh bà cụ là hai đứa bé lặng im. Mắt của bốn người chăm chú nhìn anh với vẻ chú tâm thầm kín và vẻ nghi ngờ được ghìm lại.
- Bác sĩ Murdoch bị bệnh, Duncan nói, tôi là bác sĩ Stirling.
- Tội nghiệp Annie.
Người đàn ông buông mình ngồi phịch xuống ghế và gục đầu vào hai bàn tay. Hai đứa bé òa khóc lên khi thấy cha chúng bị thất vọng. Bà cụ kéo chúng lại gần, cố gắng dỗ chúng, vẻ bi quan:
- Thôi đừng khóc nữa, các cháu mồ côi rồi.
Duncan cố hết sức cưỡng lại cảm giác nặng nề mà cuộc đón tiếp đen tối này tạo cho anh. Ở một góc xa trong phòng, anh nghe vọng lại tiếng thở nặng nhọc. Anh đặt túi thuốc của bác sĩ Murdoch lên bàn và bước lại góc người bệnh nằm.
Chỉ thoáng nhìn, Duncan cũng nhận ra tình trạng nguy kịch của người thiếu phụ. Ở đây chẳng cần đến tất cả cái đám thiết bị khoa học của những công trình khảo sát mới nhất của anh.
Người bệnh, còn trẻ và xinh xắn, mặc dù bị tàn phá bởi những cơn sốt, chắc chắn bị viêm phổi cả hai bên. Rõ ràng là chị ta sắp chết.
Một nỗi xúc động sâu xa trỗi lên trong lòng anh. Bản năng đấu tranh, không thể cưỡng lại trỗi dậy trong anh. Anh phải đấu tranh, cùng lúc với ước muốn trị bệnh, lòng anh tràn ngập cảm giác đầy quyền lực và vững tin vào sức mình. Người phụ nữ này đang có nguy cơ tử vong, nhưng hiện chị đang còn sống. Và anh sẽ không để cho chị ta chết. Anh không thể để chị ta chết.
Anh cởi áo choàng, áo veste và xắn tay áo sơ-mi lên. Anh gọi bà cụ ngồi bên lò sưởi:
- Tôi cần tuyết, anh bảo bà cụ, ít nhất cũng hai, ba xô.
Anh quay lại bàn và mở túi ra. Hiện rõ trước mắt anh chương trình cuộc chiến đấu: đầu tiên là chống lại cơn sốt, sau đó cố nâng đỡ cái sức tàn của chị cho đến khi mồ hôi vã ra.
Anh đặt bệnh nhân nằm thoải mái, chỉ còn giữ lại trên người chị một tấm chăn đắp. Không có sẵn đá nhưng thiên nhiên đã trang bị cho anh một vũ khí tương tự, nếu không muốn nói là tốt hơn. Sau khi tuyết được mang đến, anh lấy từng vốc chà lên cơ thể còn trẻ nóng bỏng và khô đét ấy.
Rồi anh lại lấy nhiệt độ. Cơn sốt đã hoàn toàn hạ. Anh cẩn thận sửa soạn một liều thật nhỏ Strychnine và dùng ống tiêm dưới da, tiêm cho người thiếu phụ.
Một giờ trôi qua. Hai đứa trẻ đã lăn ra ngủ trên chiếc ghế dài cũ bên cạnh lò sưởi. Bà cụ già đã thôi không than vãn và tia mắt bà chăm chăm nhìn Duncan không còn nghi ngại và chê bai nữa. Bây giờ, người ta có thể đọc ở đấy vẻ chú ý và kính nể đang tăng dần lên. Mac Kebre cũng vậy, có vẻ nhận thức rõ những cố gắng mà Duncan đang bỏ ra.
- Bác sĩ, anh ta thì thầm nói, anh có nghĩ là cô ấy có hy vọng qua khỏi không?
- Im nào, John Mac Kebre! Bà cụ cắt ngang. Để bác sĩ làm việc.
Chẳng mấy chốc đã ba giờ sáng. Ngồi bên giường, tóc tai bù xù, cổ áo banh ra, Duncan, tay nắm chặt mạch cổ tay bệnh nhân, cảm thấy choáng váng. Suốt hai giờ qua, anh đã tiêm Strychnine. Anh có cảm tưởng như mình đã lăn xả vào cuộc chiến đấu từ hàng chục giờ đồng hồ. Nhiệt độ bệnh nhân vẫn ổn định, nhịp thở không yếu đi, nhưng mạch đập mỗi lúc một yếu. Dưới những ngón tay đè chặt của anh, nhịp mạch mất đi, rồi yếu ớt xuất hiện, và ngừng hẳn…
- Than ôi! Bà cụ buồn bã nói thầm bên cạnh anh. Bác sĩ đã cố hết sức rồi, bác sĩ ạ. Nhưng chị ấy đã không qua khỏi.
Trong sự phản kháng với những lời khẳng định ấy, Duncan cảm nhận một sáng kiến tuyệt vọng. Anh nhanh nhẹn quay lại, lấy chai ê-te, rút đầy một ống, và tiêm nó vào ngực trái người thiếu phụ đang hôn mê. Rồi, với đôi bàn tay, cố hết sức mình, anh bắt đầu xoa bóp trái tim kiệt sức. Dưới những ngón tay của mình anh chợt cảm nhận một nhịp đập chậm chạp, nảy bật. Quả tim đập một lần, ngập ngừng, thử một cái đập thứ hai, rồi cái thứ ba, và từ từ tiếp tục nhịp đập yếu ớt.
Duncan e những ngón tay tê cóng của mình sẽ bị bể vụn, nhưng anh không dám đổi tư thế. Anh hiểu rằng mỗi giây trôi qua sẽ giúp anh có đủ thì giờ, chỉ cần duy trì được nhịp đập của của trái tim chị ta cho đến khi hạ cơn, cho đến khi mồ hôi vã ra.
Từ cơn ngất xỉu khủng khiếp vừa qua, chị ta đã nằm bất động. Nhưng bây giờ, thình lình chị cựa đầu trên gối với một tiếng rên yếu ớt. Một hy vọng cố gắng nảy sinh trong anh. Rồi anh thấy một giọt mồ hôi xuất hiện trên trán người thiếu phụ. Một giọt duy nhất. Như bị thôi miên, anh nhìn nó từ từ lăn trên má chị. Rồi nhanh chóng, nó được tiếp nối bởi một giọt nữa, rồi một giọt nữa. Và cứ thế, chỉ một lát sau, người chị ướt đẫm mồ hôi. Cơn sốt đã hạ, mồ hôi đã vã ra, chị đã được cứu sống.
Khi Duncan đứng dậy, những tia sáng đầu tiên của rạng đông đã xuyên qua cửa sổ. Mặc dù mệt mỏi, anh vẫn cảm thấy lòng tràn ngập một niềm hân hoan kỳ lạ. Anh chậm rãi lau mặt và tay, mặc áo veste vào. Chỉ mãi đến lúc này, anh mới giật mình, chợt để ý đến sự hiện diện của Mac Kebre.
Người gác rừng nhìn anh. Anh ta bắt đầu nói:
- Bác sĩ…
Nhưng giọng anh ta bỗng nghẹn lại. Không một lời ca tụng nào, một lời cám ơn nào có thể sánh được tiếng nấc lên đang được ghìm lại trong cổ họng người đàn ông.
- Thôi nào, thôi nào, anh cả! Đừng làm phiền bác sĩ chứ. Bà cụ xen vào, vừa khơi ngọn lửa.
- Mời bác sĩ lại đây, và ăn hộ tôi món xúp đậu này. Tôi có nấu một ít cho bữa ăn của lũ trẻ và bác sĩ sẽ là người được hưởng đĩa đầu tiên. Không một người đàn ông nào trên trái đất này đáng được hưởng hơn bác sĩ sau một buổi tối vất vả như thế.
Duncan nuốt món xúp ngon tuyệt vời được làm béo thêm bởi sữa kem. Anh có cảm giác là trước đây, trong đời anh chưa bao giờ được nếm một món ăn ngon đến thế. Mac Kebre cùng ăn với anh và Hamish, bước ra khỏi nhà kho mà tối qua anh ta đã ngủ, cũng ngồi xuống ăn cạnh họ. Những đứa trẻ cũng lần lượt thức dậy và sợ sệt bước đến bên giường mẹ chúng. Rồi chúng cũng ngồi vào bàn.
Khi họ lên đường thì tuyết đã ngừng rơi và mặt trời đã làm ửng hồng nền trời. Lần này, Hamish tỏ ra huyên thuyên khác thường. Rõ là những định kiến của anh ta về Duncan đã tan đi trong đêm qua và anh ta thân mật trò chuyện cho đến khi họ về tới làng.
- Tôi biết rõ một người sẽ vui hết sức về việc anh đã làm, anh ta tuyên bố, chính bác sĩ Murdoch ấy, ông đã đỡ Annie sinh và khi thấy chị ấy sắp chết ông đã thật khổ sở.
Duncan nhẹ bước vào nhà và rón rén leo lên cầu thang. Nhưng dù anh cẩn thận đến mấy, bác sĩ Murdoch cũng nghe thấy và ông gọi anh với giọng gay gắt. Anh đứng lại, rồi quyết định bước vào phòng người thầy thuốc già.
- Thế nào? Bác sĩ Murdoch hỏi với giọng khác thường. Anh đã giúp người đàn bà đáng thương ấy qua đời rồi chứ?
Duncan phác một cử chỉ mệt mỏi:
- Bây giờ chị ấy đã khá hơn rồi. Chị ấy đã hạ cơn vào lúc bốn giờ sáng. Quỷ tha ma bắt bác đi, chị ấy sẽ khỏe trước bác đấy.
- Anh không nói đùa đấy chứ?
- Không một tý nào, Duncan đáp lời, giọng mệt mỏi.
Nét mặt vị bác sĩ già vẫn không đổi. Nhỏ giọng, ông lầm bầm:
- Thôi anh đi nằm đi và hãy nghỉ khoảng hai giờ. Anh sẽ có một ngày vất vả đấy. Giờ khám bệnh bắt đầu từ lúc chín giờ.
Không có từ nào trong những lời ấy gây sự chú ý đặc biệt. Tuy vậy, cái vẻ mà bác sĩ Murdoch thốt lên đã tạo cho Duncan một sự hài lòng bất ngờ.