Trong năm đầu tiên của cuộc chiến tranh này, ngày lễ Cách mạng tháng Mười trôi qua một cách thầm lặng khác thường. Thậm chí cả diễu hành như thường lệ cũng không có nữa. Trước kia thường thì dân Taiset cả nhà kéo ra đường, và trong tiếng đàn phong cầm nhộn nhịp, họ cùng nhau đi về phía cửa hàng bách hóa, ngôi nhà gạch duy nhất của cả làng. Trước cửa hàng là quảng trường, trước đây vốn là địa phận duy nhất của nhà thờ. Mọi người chú ý lắng nghe các diễn giả phát biểu, mặc dù biết trước ai sẽ nói và nói gì. Bác công nhân Tikhôn Curơbat, cụt một chân, từng tham gia nội chiến, trong bất kỳ ngày lễ nào, cũng bắt đầu và kết thúc bài phát biểu của mình như nhau: - Chúng ta đã tống cổ cái thằng cha Cônsac và đóng cọc liễu hoàn diệp xuyên họng nó ở chỗ này, nơi bây giờ chúng ta, nghĩa là các đồng chí, tôi, vợ con chúng ta, đang đi theo tiếng đàn, vừa đi vừa hát. Chỗ chúng ta đứng đây là chỗ ở của lão cha cố trước kia. Hắn là đầy tớ của Nga hoàng, và cả của ông kia nữa - của Chúa - bác ta chỉ ngón tay trỏ lạnh cóng lên trời. Bác Tikhôn long trọng kết thúc bài phát biểu của mình, cố tình kéo dài những chữ cuối câu: - Các đồng chí! Thắng lợi của chúng ta là chính đáng! Nào vui lên, vui lên nữa trong ngày lễ này! Bây giờ chúng ta là chủ nhân của đất nước chúng ta. - Này, ông Tikhôn, làm gì mà rống lên như chó sói vậy - vợ bác trách. - Làm gì à? Cho sướng cái bụng, Xôphia ạ. Cho bõ cái công đánh thằng địch chứ! Bà xem kìa, mọi người đang vui làm sao! - Tikhôn trả lời, giơ tay chỉ vào đám người dự lễ. Nhưng năm nay thì không có diễu hành, buồn lắm, mặc dù từ sáng sớm cờ và khẩu hiệu đã được treo lên. Nhà nào cũng dọn sạch lớp tuyết vừa kịp lún xuống. Qua hệ thống truyền thanh địa phương, người ta báo tin là tối đến sẽ có mít tinh ở câu lạc bộ công nhân. Hai giờ trước khi bắt đầu đã có người lục tục kéo đến ngôi nhà của câu lạc bộ lạnh cóng, phủ đầy sương muối. Các bà nội trợ mang theo trẻ con, và khi bà già là những người đến sớm nhất. Khi chiếc hành lang hẹp của câu lạc bộ không còn đủ chứa hết người nữa, ông giám đốc mới mở cửa cho mọi người vào phòng chính. Trước khi mở ông giang đôi tay gầy gò tì vào khung cửa và bằng một giọng khàn khàn báo trước với mọi người: - Xin đồng bào giữ gìn sạch sẽ cho. Đừng để các cháu nhỏ trèo lên sân khấu. Trên ấy mọi thứ đã chuẩn bị sẵn cho buổi mittinh - Nói xong, ông húng hắng ho, tay ôm ngực. - Hình như Xibêri của ta không thích hợp với ông giám đốc lắm thì phải - một phụ nữ trẻ, má đỏ ửng, tay bế con nhận xét - Trông ông ta chẳng khác gì Đức Chúa Giêsu bị đóng đanh trên thánh giá. - Rồi cô cũng giống như thế nếu cô cũng mất hết cả gia đình, cũng đi đôi giày như của ông ta… Nếu ông ấy mặc ấm như cô xem..- Grunhia nói, tay giữ hai con, một trai, một gái. Trẻ con và phụ nữ ùa qua cửa. Trong gian phòng lạnh ầm ĩ tiếng người, tiếng ghế đập lách cách. Sương muối bám như những tua viền trên trần nhà và trên những tấm rèm cửa sổ đóng chặt, kiên cố. Grunhia cùng con ngồi cạnh thím Samsura, không ngớt phàn nàn về việc ba tháng nay không nhận được thư của bác Xtêphan. - Có lẽ anh ấy không được phép viết... Nếu không, đã viết rồi. Thì hai thằng nhà tôi cũng có thư từ gì đâu.. Một chốc sau cả phòng họp đã chật ních người. Nhiều người đứng ngay ở lối ra vào, trẻ con leo lên thành cửa sổ, líu ríu như một bầy chim sẻ và ngồi cả xuống cái bục dài, thấp ngăn sân khấu bé nhỏ hình móng ngựa với khán giả. Cuối cùng màn được mở ra. Những người ngồi ở hàng ghế đầu cựa mình, mỉm cười. Bỗng cụ Cudia kêu lên: - Bà con ơi, hôm nay chúng ta kỷ niệm ngày cách mạng! Mà kỷ niệm ra trò chứ chẳng chơi! Đấy, điều chủ yếu chính là ở đấy! Thế mà cha Hítle chết tiệt lại mơ dạo phố ở Matxcova! Có cho hắn ít kẹo đồng vào miệng thì được chứ, Matxcova à? Xung quanh mọi người cười phá lên, vỗ tay hoan hô. Có tiếng tán thưởng: - Phải đấy cụ Cudia ạ! - Nghĩa là chính quyền ta vững chắc! - Quẳng Hitle vào rừng Xibêri cho hắn nếm mùi lạnh của ta! Những công nhân được bầu làm chủ tịch đoàn buổi mít tinh đã lên bàn ngồi. Chủ tịch là Piốt Pêtrovich Xamarucop, đốc công xưởng cơ khí. Ông lấy bút chì gõ gõ vào miệng chiếc bình đựng nước uống, giọng hầu như bị đóng băng,rồi khẽ cất giọng khàn khàn, nói: - Tôi xin tuyên bố khai mạc buổi lễ trọng thể kỷ niệm hai mươi tư năm Cách mạng tháng Mười vĩ đại! Với chiếc kèn đồng trong tay, ông giám đốc câu lạc bộ đứng ra cạnh sân khấu, khập khễnh xách trống theo sau là Dưcốp cụt chân, trước chiến tranh chơi trong dàn nhạc của xưởng sửa chữa đầu máy xe lửa. Chắc các thành viên của đoàn chủ tịch không biết trước kế hoạch của ông giám đốc, họ ngạc nhiên hết nhìn nhau lại nhìn hai nhạc công kia. Ông giám đốc khẽ liếm đôi môi mỏng, thổi thổi vào miệng kèn rồi gật đầu ra lệnh cho Vaxia. Những nốt nhạc đầu tiên của bài Quốc tế ca bay ra từ chiếc kèn đồng, và mọi người có cảm giác là bài hát mà ai cũng thuộc này đang như ngân dài dọc theo những đường đầy tuyết lạnh của làng Taiset.. Bản nhạc Quôc tế ca vừa bắt đầu, như cùng một mệnh lệnh, mọi người đứng dậy lặng im trong giây phút thiêng liêng, cảm phục liếc nhìn hai nhạc công. Ông giám đốc thổi kèn rất đúng nhạc. Chiếc áo khoác mỏng của ông không cài cúc như thể người mặc đang nóng lắm. Còn Vaxia thì không ngờ được đón tiếp như vậy, lúc đầu hơi lúng túng, sau mạnh dạn dần và gõ đều chiếc dùi có hình một chiếc chùy lên mặt trống. - Thật chẳng khác gì hồi trước chiến tranh! - Piôt Pêtrovich nhận xét khi hai người ngừng chơi. Mọi người vỗ tay hồi lâu, sôi nổi bàn tán với nhau. Bọn trẻ con khoái chí huýt ầm ĩ, bị người lớn bạt tai nhưng không lấy thế làm khó chịu. Tối hôm ấy dân Taisét được người báo cáo viên cho biết là tại Hồng trường thủ đô Matxcova, đã tổ chức duyệt binh lớn, có cả các đơn vị Xibêri tham gia và duyệt binh xong đã đi thẳng ra mặt trận. - Nghĩa là ta sẽ đánh lớn, phải không nào! - Trên đường về nhà, cụ Cudia nói với các cậu - Phải suy nghĩ bằng đầu mới được. Bọn Đức tới được gần Matxcova, và cho thế là nước Nga đã đi đứt. Không, chúng nhầm rồi. Đấy, chúng ta vẫn duyệt binh ở Matxcova, và cánh mình ở đấy vẫn nghe Matxcova! Nếu không bị thím Samsura ngắt lời thì không biết cụ Cudia còn tiếp tục bình luận đến bao giờ mới thôi. - Giá cụ kiếm giúp cho thằng Giamin nhà cháu một việc gì đó thì hay biết mấy. Cụ xem, được thế thì nó sẽ có phiếu lương thực công nhân, và tám trăm gam bánh mì một ngày... Và nó sẽ có nghề nghiệp trong tay. - Cả thằng Côlia nhà cháu nữa - Grunhia phụ theo. - Cụ Cudia ạ, chính bọn cháu từ lâu cũng muốn thế...- Giamin nói - Thế thì tốt lắm, còn gì bằng! Ngày mai tới xưởng nhé! Kể ra lão cũng chỉ mới làm ở phân xưởng dụng cụ hai tuần thôi, nhưng không sao. Đốc công xưởng, Piôt Pêtrovich, chủ tịch cuộc mít tinh vừa rồi, là bạn cũ của lão. Lão đã nói với bác ấy, chắc là bác ấy không từ chối. - Cám ơn cụ - Grunhia vội nói. - Biết đâu họ vẫn còn chưa muốn nhận... - Thím Samsura vẫn chưa tin hẳn - Những chàng trai thế này mà không nhận à? Lão sẽ cùng đi với các cháu vào phòng tổ chức cán bộ. Ba mẹ con nhà Xôcôlốp dừng lại trước cổng nhà mình. Côlia leo qua hàng rào, mở then cổng. Cả ba khuất vào sau chiếc cổng hình vuông... Bóng Gôga như một quả bóng lăn tròn trên tuyết. Cái bóng đen ấy dừng lại trước một ngôi nhà cao. Tiếng leng keng của sắt thép vang lên trong không gian lạnh lẽo đầy ánh trăng. - Mình cũng sẽ vào xưởng làm việc - Gôga thì thầm nói một mình. - Ai đấy? Prônca hỏi, giọng ngái ngủ. Và cũng như lên tiếng hỏi, con Pôncan sủa lên mấy tiếng. - Con đây, bố ạ! - Gôga khẽ đáp. Một lần nữa tiếng sắt thép chạm nhau xoang xoảng vang lên. Chiếc cổng nặng nề mở ra. Con Pôncan mừng rỡ rít lên... - Lão đi gặp cánh đàn ông bây giờ, báo cho họ biết ông giám đốc thổi kèn hay ra sao. Còn Vaxia của chúng ta cũng khá lắm! Và duyệt binh nữa, duyệt binh! - Chân ngập trong tuyết, ông cụ rẽ về xưởng cơ khí. Mẹ con nhà Samilep còn lại một mình. - Mong sao cụ ấy lo được việc cho con - người mẹ thì thầm, áp má lạnh vào má con trai. - Họ sẽ nhận con, mẹ ạ. Cụ Cudia đã hứa thế mà - Được thế thì tốt lắm… Con xem kìa, yên tĩnh quá! Như là chẳng có chiến tranh.. Khi sắp ngủ, Giamin nghe mẹ thì thầm: - Lạy chúa.. “Mẹ cầu khấn gì thế nhỉ - cậu nghĩ thầm. - Để sáng mai hỏi mẹ xem sao”