Dịch giả: Mịch La
Tựa
Hạt giống sống sót
Phàm sự gì đều có thì tiết; mọi việc dưới trời đều có kỳ định
Sách truyền đạo 3:1

Tôi thức giấc, hoảng loạn. Trời  vẫn tối đen. Quá khứ lại săn đuổi tôi một lần nữa. Ký ức đã mang tôi trở lại trong các giấc mơ hãi hùng của mình, một người lữ hành bất hạnh, ngay cả khi tôi không còn ở Cambodia nữa. Trong các cơn ác mộng này tôi vẫn cố gắng giữ một lời hứa thưở thơ ấu mà tôi đã nói với hương hồn mẹ tôi, người đến với tôi trong giấc ngủ từ hai mươi năm trước. Một lời hứa nói ra trong giấc mơ mà cho đến hôm nay tôi vẫn phải trân trọng.
Trong giấc mơ này, tôi đã gào lên với Chúa xin giúp đỡ tôi tìm thấy Map, đứa em mới ba tuổi của tôi. Kẻ thù đang rình rập. Tôi nghe thấy một tiếng kêu thét. Không nghe rõ lờ, chỉ là nỗi sợ hãi của con người. Bây giờ tôi đi đâu? Câu hỏi của tôi bị vỡ vụn giữa âm thanh quen thuộc của tiếng súng, bởi một tiếng nổ nghe mơ hồ không thực, hay bởi tiếng rít của trọng pháo xa xa, như càng tăng thêm nỗi khiếp hãi vào trong mạch máu tôi. Âm thanh đó là từ Cambodia, nhưng quang cảnh lại ở đây, ở nước Mỹ ở tận Tây bắc Thái Bình Dương. Tiếng súng cất lên từ một nơi nào đó tôi không thấy được, phía sau khu rừng thông trong bóng tối của ngọn núi. Cả thế giới trở thành một bức tranh phong cảnh gồm sáng và tối. Quanh tôi một dòng sông người trôi chảy điên cuồng, hỗn loạn. Người ta chạy đi khắp nơi. Một người đàn bà vừa khóc nức nở vừa ẵm một đứa bé cùng bọc quần áo, chậm bước lại vì gánh nặng trên người mình. Tôi cứng người vì sợ hãi và chấn động.Trong những khuôn mặt mờ ảo quanh tôi, không có người Mỹ, chỉ toàn người Cambodia.
Tôi bị cuốn theo dòng người, tuy vậy tôi vẫn chỉ có một mình, không có gia đình. Map, đứa em trai bé của tôi đâu rồi? Tim tôi đập dồn dập còn đầu của tôi thì quay qua quay lại như cái quạt  gạt nước, cố tìm ra nó. Tôi không tìm thấy. Âm thanh của tiếng súng xoá đi tiếng người ồn ào quanh tôi. Càng lúc càng gần và lớn hơn. Hơi thở tôi dồn dập, tăng tốc và tôi bắt đầu há miệng cố nuốt lấy không khí. Phổi tôi gào thét, cả người bên trong tôi gào thét lên cùng với trí óc. Tôi không chạy được nữa và ngã quỵ xuống đất. Tôi cố hết sức gào lên: Không! Mình hứa! Mình không thể để mất thêm một đứa em khác nữa!Chúa ơi, giúp con!
 
°
Tôi đến Mỹ đã mười hai năm nay rồi. Từ nơi đây tôi nhìn lại một thời tuổi trẻ bị huỷ hoại bởi chiến tranh. Tôi có thể nhận ra âm thanh của chiến tranh từ lúc bốn tuổi, khi cuộc xung đột lan tràn buộc gia đình tôi phải rời bỏ quê nhà, nơi cha mẹ tôi sinh sống đến trú ngụ tại tỉnh Takeo giàu có phía Nam Cambodia. Vào tuổi lên mười, tôi bị cưỡng bách làm việc trong một trại lao động trẻ em, trong số hàng ngàn trẻ em khác bị tách rời khỏi cha mẹ, anh chị em bởi một hệ thống nô lệ xã hội được thiết lập nên bởi Khmer Đỏ, trong cuộc hành trình kỳ quặc của họ nhằm xây dựng một xã hội không tưởng.
Các mối liên hệ gia đình bỗng nhiên trở thành những điều đáng ngờ vực. Kiểm soát là  tất cả. Các ràng buộc xã hội, dẫu chỉ là một cuộc nói chuyện tình cờ, cũng là một mối đe doạ. Angka, tổ chức, bỗng biến thành mẹ, cha hoặc Chúa của bạn. Nhưng Angka là một bạo chúa. Hỏi bất cứ điều gì – tôi có thể chào mừng ai, tôi sẽ cưới ai, từ nào tôi sẽ dùng để gọi người thân, công việc tôi làm là gì – có nghĩa rằng bạn là kẻ thù của người cha mới này. Đó là luật của Angka.
Bất tuân lệnh là Kang Parawattasas, bánh xe lịch sử [1], sẽ nghiến nát bạn. Đó là điều họ bảo chúng tôi khi chúng tôi nhắm mắt, cúi mặt xuống dưới sức nặng của những lời đe doạ.
Không giống như nhiều đứa trẻ tôi làm việc chung với trên cánh đồng lúa bùn lầy và kênh thuỷ lợi, không giống với nhiều người trong gia đình của  chính tôi, tôi đã vượt qua được bánh xe lịch sử. Tôi đã sống sót qua đói kém, bệnh tật, lao động cưỡng bách và các trại tị nạn. Tôi đã sống sót trong cái thế giới của bạo lực và tuyệt vọng.
Tôi đã sống sót.
Từ năm 1981, nơi ở mới của tôi phần lớn ở Oregon, cũng xanh tươi như mảnh đất mà tôi đã rời bỏ, nhưng khác hẳn. Hàng dừa, đu đủ, những cây xoài mọc trước nhà tôi thưở thơ ấu, giờ thay bằng các rặng núi dày đặc thông và linh sam, những thung lũng cây cao che kín hai bên sườn, cùng những dòng suối lạnh và trong vắt. Từ những mỏm đá ven biển tuyệt đẹp cho đến các thác nước với các nút chặn hình đăng ten cung cấp nước cho dòng Columbia River Gorge, cả vị trí, quang cảnh và âm thanh nơi này đã trở th  ành hình ảnh của tôi về nước Mỹ. Lạ thay giờ đây nó trở thành quang cảnh nền trong những cơn ác mộng của tôi.
Ở Cambodia, từ ngữ để chỉ việc một đứa bé ra đời là Chhlong tonlé. Dịch theo nghĩa đen, nó có nghĩa là “vượt qua sông lớn”, hoặc “vượt qua cơn bão”. Nhìn lại, tôi thấy mình đã vượt qua sông một mình, không có mẹ tôi. Tôi đã bắt đầu một cuộc sống mới ở một xứ sở mới. Tôi đã học một ngôn ngữ mới và sống trong một nền văn hoá mới. Tôi đã nhập thể lại vào trong một thân xác mới, nhưng với một linh hồn cũ. Nó sống cộng sinh bên trong tôi.
Bằng nhiều cách, tôi bận rộn trong một thế giới của những đường biên không rõ nét. Từ mùa thu năm 1989, tôi tham gia nghiên cúu làm dự án cho thanh niên Khmer, một chương trình do liên bang tài trợ nghiên cứu về Rối loạn sau chấn thương – PTSD (Post traumatic Stress Disorder) – trong số 240 thanh niên Khmer đã trải qua 4 năm chiến tranh ở xứ này.
Nhu cầu nghiên cứu này được gợi ý từ quan sát của Dan Dickason, một giáo viên dạy tiếng Anh như là một sinh ngữ thứ hai – gọi là ESL – thuộc trường trung học Cleveland ở Portland, bang Oregon. Từ những năm đầu của thập niên 1980, trường Cleveland đã đón nhận một dòng thanh thiếu niên Cambodia di cư đến học. Ở những học sinh này, Dickason thấy có một điều gì đó không bình thường. Một lần, trong một chuyến đi đến thăm nhà của giáo viên của trường, một cô gái Cambodia đào chơi trên đất và moi ra một khúc xương. Cô bắt đầu lục lọi, gào lên rồi chạy lung tung. Dần dần các học sinh người Cambodia bắt đầu thổ lộ các câu chuyện của mình. Một người kể lại về chuyện ăn thịt người. Một người khác kể chuyện bọn Khmer Đỏ đã mổ người ra và ăn gan sống như thế nào. Vào thời gian này, người ta ít biết về những chuyện khủng khiếp đã diễn ra ở Cambodia. Chính Dickason cũng không tin cho đến khi chính ông xem một đoạn phim tài liệu trên bản tin của CBS vào tháng 5 năm 1983, chiếu một ngọn núi sọ người ở Cambodia. Thế là ông bắt đầu chú ý. Ngày hôm sau ông gọi cho bác sĩ David Kinzie, giám đốc chương trình Tâm thần Đông Dương tại viện đại học Health Sciences ở Oregon.
Tôi là một trong số những học sinh Cambodia ở trường trung học Cleveland. Khi ba nhà tâm thần học là BS William Sack, BS David Kinzie và BS Richard Angell đến trường để phỏng vấn chúng tôi, tôi hỏi họ tại sao họ lại quan tâm đến vấn đề này như vậy. Mục đích của họ là gì? Họ biết điều gì về Cambodia mà tôi không biết? Tôi nói với người anh em họ và một người bạn của tôi về nỗi sợ hãi khi nói chuyện với họ, sợ rằng mình không đủ mạnh mẽ khi nói về quá khứ. Sợ rằng tôi sẽ khóc trước mặt người lạ. Ngay cả trong cộng đồng người Cambodia ở đây, quá khứ là một cái gì mà chúng tôi cố gắng bỏ lại phía sau.
Phần lớn các vết sẹo của chúng tôi đều được dấu kín, gạt bỏ qua một bên trong cuộc chiến nhằm giành lấy thành công trong việc học hành. Trong số bốn mươi học sinh ở trường trung học Cleveland đã từng sống dưới chế độ Pol Pot thì có đến một nửa được chẩn đóan là bị “rối loạn vì áp lực sau chấn thương” và bị một dạng suy sụp tinh thần nào đó. Điều này nghe khá lạ bởi vì nhiều người từng là học sinh tích cực và một số có tên trong bảng danh dự. Vào lúc ấy những điều này dường như quá trừu tượng đối với tôi.
Bốn năm sau bác sĩ William Sack nhận được từ viện Sức khoẻ Tinh thần Quốc gia trên một triệu đô la để mở rộng chương trình nghiên cứu này. Lúc đó, người ta mời tôi giúp vào việc phiên dịch và phỏng vấn các đối tượng. Trong thời gian hai tuần, tôi bỗng phải quen thuộc với những từ ngữ mới toanh gồm những từ như Schizophrenia, Cyclothymia và Dysthymia [2]. Khó khăn hơn, tôi phải học cách hỏi những câu hỏi nhằm gợi dậy ký ức. Vào tuổi hai mươi bốn, tôi không hề có ý tưởng là mình sẽ dấn thân vào công việc gì. Giống như một người lính ra trận, tôi không biết mình mong chờ kết quả nào. Mà như thế có lẽ lại tốt hơn.
Tôi bắt đầu hiểu ra vào cuối khoá huấn luyện. Khi đó nhóm làm việc tập họp để xem một số phim tài liệu về Cambodia, gồm cả một phần trong cuốn phim được giải của Viện hàn lâm Nghệ thuật là phim Cánh đồng giết người. Sau khi xem được vài phút, tôi bật khóc nức nở. Tôi nhớ mình đã chạy trốn vào phòng vệ sinh, đứng dựa tường và khóc. Lần đầu tiên trong nhiều năm, tôi đã tự cho phép mình cảm nhận nỗi đau của quá khứ được chôn kín từ lâu trong tâm hồn tôi.
Mọi thứ đều quen thuộc biết bao: những cánh đồng chất đầy khúc xương gãy, những cánh tay, cẳng chân máu tuôn đầm đìa, xác chết ruồi, nhặng phủ kín; và cái mùi ngòn ngọt, hôi thối của da thịt đang thối rữa. Tôi cũng không cần xem phim tài liệu, hình ảnh để hiểu rõ hơn về những gì mà người dân Cambodia phải chịu đựng. Chính tôi đã từng sống trong đó. Tất cả những gì tôi cần làm là nhắm mắt và hoài niệm lại.
Thế là bắt đầu của đời song đôi. Là người nghiên cứu, công việc của tôi là quan sát về văn hoá. Tôi sẽ dùng kiến thức của mình về phong tục, văn hóa Cambodia và cả kinh nghiệm của riêng tôi về thời gian chiến tranh để thiết lập một mảnh đất chung với những người tị nạn kia. Về lý thuyết, họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi nói chuyện với một ai đó biết về những gì họ đã trải qua. Đó là một vai trò khá lạ lùng đối với tôi. Khi hướng dẫn các cuộc phỏng vấn những người bị bệnh tâm thần, tôi vừa là kẻ trong cuộc, người biết rõ vết thương, sự khổ đau của họ, và cũng là người ngoài cuộc, người nghiên cứu, chữa trị lạnh lùng. Tôi ngồi đó, cần mẫn ghi lại những chi tiết gợi dậy rất nhiều điều trong ký ức  khắc nghiệt của riêng tôi. Không giống như trong thời gian huấn luyện, tôi không thể bỏ chạy và trú ẩn ở trong phòng vệ sinh được nữa. Tôi không thể ngừng lắng nghe những câu chuyện bi thảm của các bệnh nhân, của cha mẹ hoặc người bảo vệ họ. Những câu chuyện làm thức dậy cảm xúc của tôi. Công việc của tôi là lắng nghe, ghi lại những câu trả lời, và tiếp tục đặt câu hỏi, cố ép cho đến khi một vài người trong họ bị kiệt sức vì họ phải đối mặt với những điều mà trước đây họ đã kiềm chế được.
Một kỷ niệm của thời này trở lại với tôi. Ngồi trong phòng C ở Gains Hall, tôi đang phỏng vấn một phụ nữ, mẹ của một bệnh nhân. Nhằm tạo sự tin cậy và thông cảm, tôi phỏng vấn bà về những điều mà con gái và chính bà đã trải qua. Người đàn bà bật khóc khi được hỏi về lý do tại sao gia đình ly tán. Bà nhìn kỹ mặt bàn như thể các câu trả lời được chiếu lên trên đó như một cuốn phim.Mặc dù chỉ ngồi cách tôi có vài tấc, trông bà thật xa xôi. Đối với bà, cũng như đối với nhiều bệnh nhân và cha mẹ của họ, đây là lần đầu tiên, kể từ khi rời bỏ khỏi Cambodia, bà có thể quay mặt nhìn lại sự tàn bạo bà đã bỏ lại đàng sau lưng mình.
Bà đã từng bị lính Khmer Đỏ tra tấnó chưa? Bà có từng chứng kiến người khác bị giết trong thời gian này? Bà có thấy xác chết trong thời gian này không? Bà có bị mất mẹ hay mất cha dưới thời Pol Pot cai trị không? Bà có chứng kiến người thân trong gia đình bị hành quyết không? Bà có bị thiếu ăn đến nỗi người gầy rạc, hai chân sưng phù, bụng ỏng ra? Bà có bị lính Khmer Đỏ bắt buộc làm những điều trái ý muốn của  mình?
Những câu hỏi ấy là những lò xo bén nhậy. Chúng vừa rời khỏi miệng tôi, chính tôi cũng tìm kiếm câu trả lời. Tôi quan sát khi nỗi đau tuôn trào qua âm thanh nức nở của tiếng khóc. Tất cả những gì tôi có thể làm là cố chống lại không cho nước mắt của mình tuôn ra. Điều này được nhận thấy. Cặp mắt đỏ và đẫm nước của người đàn bà nhìn thẳng vào mắt tôi trong một thoáng ngắn – cách nhìn thẳng này không thường gặp ở Cambodia. Bà xin lỗi vì đã làm ngắt quãng cuộc phỏng vấn, một dấu hiệu của sự nhã nhặn ở Cambodia còn sống sót sau những năm tháng bị chà đạp dưới chế độ Khmer Đỏ. Tôi luôn luôn ngạc nhiên thấy rằng một chút tình người vẫn sống lâu hơn Angka và vẫn mạnh hơn bánh xe lịch sử.
Thường thì các bệnh nhân gặp tôi nơi phòng y tế, nhưng đôi khi tôi được mời đến nhà họ. Tôi phải củng cố tinh thần trước phản ứng của họ khi tôi gọi họ để thu xếp cuộc phỏng vấn hoặc khi tôi sắp phỏng vấn họ. Đôi khi họ giận dữ hoặc trở nên hoang tưởng.Tôi cố chống lại điều này bằng cách tỏ ra quen biết và thân thiện. Chẳng hạn tôi bảo “Ồ, tôi có bà con với Sam mà, bà có biết Sam không?” Đôi khi họ cởi mở, ngạc nhiên vì thấy tôi đủ quan tâm để hỏi họ nói chuyện với tôi về các gia đình khác, không muốn dứt chuyện. Nhưng cũng có khi họ ngờ vực, nghi ngại. Vào năm 1990, Cambodia vẫn còn là nơi xáo động về chính trị. Các nhóm Khmer Đỏ vẫn còn chiến đấu. Và chúng tôi, những người tị nạn, hiểu rất rõ về sự lừa lọc của họ. Câu nói của Orwell [3]miêu tả thích đáng bọn Khmer Đỏ “ Anh Cả luôn luôn quan sát ngươi”. Ngay cả trên đường phố của Portland, tôi cũng phải ngoái đầu nhìn lại. Ở đây tôi đang đứng trên bậc cửa của những kẻ sống sót, yêu cầu họ khơi mở những kỷ niệm nhọc nhằn. Khmer Đỏ là một đại lục xa vời, nhưng không hẳn thế. Về mặt tâm lý, họ như loài ký sinh, như loài sán dây ngủ yên trong người bạn, sống thụ động lặng lẽ cho đến khi một điều gì đó khuấy động đưa nó trở lại đời sống. Và tôi đang hỏi các bệnh nhân này để đánh thức loài ký sinh đó.
 
°
Người đàn bà đó đang khóc nức nở làm cho cuộc phỏng vấn phải ngưng lại. Trong quá khứ bà thường bịa chuyện khi con gái của bà hỏi “Pa đâu rồi?” Bà không thể nào nói nổi rằng cha đứa bé đã bị Khmer Đỏ hành hình. “Ba đi xa rồi ba sẽ trở về ngay thôi mà”, bà sẽ nói như vậy. Tất cả những gì còn lại của chồng là một nỗi đau đón, chỉ được tạo thành bởi những câu hỏi của đứa con gái bà và giờ đây, bởi tôi. Tôi trấn an bà rằng về lâu về dài, nói về điều đó sẽ đỡ đi. Đau khổ chỉ là một thực tại.
Tôi nhớ đến giáo lý nhà Phật: Mean ruup mean tok, có nghĩa là “có thân xác thì có đau khổ”. Tôi từng nghe một nhà sư nói về điều này và lúc đó tôi nghĩ rằng như vậy là quá khắc nghiệt. Thế mà sống sót trong chế độ Pol Pot có nghĩa là chấp nhận giáo lý này như bạn phải chấp nhận sự thay đổi của thời tiết mùa màng, như cái chết của mùa đông và sự tái sinh của mùa xuân vậy.
Sau một vài giờ phỏng vấn,tôi thấy mệt nhoài. Tay tôi làm việc liên tục, ghi lại những hình ảnh của địa ngục theo từng chi tiết tinh tế. Ký ức về những cuộc hành quyết thô bạo – thấy một phụ nữ mang thai bị đánh đến chết bằng cuốc. Các bệnh viện dã chiến đầy phân thối; ruồi, chuột sục sạo tìm thức ăn, xác người, bất cứ thứ gì – mọi thứ. Ký ức về những thân người bị sưng phù lên, thái dương và gò má xẹp xuống vì đói. Tôi ghi lại hết. Cả thân xác và linh hồn tôi bị khô kiệt. Trong bốn bức tường này, tôi bị ném về lại Cambodia. Cánh cửa phòng này ngăn cách tôi với thế giới an toàn. Tôi bèn bước ra ngoài ánh sáng mặt trời, trong khuôn viên đồi cỏ xanh mướt của Viện đại học Health Sciences Oregon. Tôi nheo mắt tìm phương hướng. Tôi đã thoát khỏi Cambodia một lần nữa.
Một ngày khác, một cuộc phỏng vấn khác, một thực tế khủng khiếp khác. Lần này là câu chuyện về vụ thảm sát người tị nạn Cambodia, họ bị đẩy xuống hẻm núi. Vào năm 1979, lính Thái Lan tụ tập hàng trăm người Cambodia và bảo rằng sẽ mang họ đến một trại mới và họ sẽ được nhận trợ cấp. Dùng mũi súng, chúng lùa những người tị nạn chạy xuống bờ vực đối diện với nước Cambodia. Thế là họ chạy, trước mắt chúng là trẻ con, vợ chồng, người già lăn lông lốc. Cả một tấm thảm người tuôn xuống vực thẳm khi họ chạy như những hòn đá cuội trượt trên bờ đá. Một nạn nhân kể lại, họ bị bắn.
Tôi cần mẫn ghi lại cuộc thảm sát, tuy nhiên tâm trí tôi vẫn không chấp nhận điều ấy. Thế nhưng cuộc thảm sát vô nhân đạo này cũng được một phóng viên trên tờ Washington Post ghi lại. Trước đây tôi không nghe thấy chuyện này. Thật lạ lùng, tôi nghĩ, mình tìm thấy một bài học lịch sử về quê nhà mình tại đây, trên đất Mỹ. Càng lạ hơn khi nhận thức những điều có thể đã xảy ra trong cuộc đời của chính tôi.
Cuối cùng tôi chỉ biết là cuộc chiến đó không thể nào tránh khỏi trên thế giới chừng nào mà những lãnh tụ như Pol Pot còn được những người cùng loại với y trao quyền – và chừng nào mà những người dân vốn có thể làm khác đi bằng những hành động tốt, chọn lựa một cách nhìn khác. Còn dưới những điều kiện như vậy thì nhiều cuộc sống con người sẽ bị mất đi, và nhiều trẻ em hơn nữa sẽ trở thành mồ côi. Cái giá của chiến tranh là một di họa suốt đời của trẻ em.
Và tôi biết điều này: là một kẻ sống sót, tôi muốn xúng đáng với những đau khổ mà tôi phải chịu đựng khi còn bé. Tôi không muốn để cho những nỗi khổ đó không có giá gì cả, mà tôi cũng không muốn kẻ khác phải chịu đựng nó. Điều này có lẽ là thử nghiệm lớn nhất của chúng tôi: nhận thức được sức nặng của chiến tranh trên trẻ em. Nếu như giờ đây có hàng ngàn, hàng ngàn đứa  trẻ sẽ phải chịu đựng hoặc đang chịu đựng chiến tranh trên thế giới thì chúng ta phải chuẩn bị để giúp đỡ chúng. Thế nhưng thật là điên rồ nếu như chỉ nhìn vào tương lai mà không ngoái lại nhìn về quá khứ.
Cô bé gái trong tôi thường kêu lên gọi người lớn giúp đỡ và làm một thay đổi. Tôi cảm thấy mình có bổn phận phải giúp đỡ bác sĩ Sack, cũng như các đồng nghiệp, hiểu trẻ em Cambodia đã chịu chấn động nặng nề trong cuộc chiến tranh. Tôi cũng hy vọng rằng cuộc nghiên cứu của chúng tôi sẽ tạo nên những đóng góp có ý nghĩa về những yêu cầu điều trị cũng như yêu cầu xã hội của người tị nạn Cambodia và có lẽ cả yêu cầu của những người tị nạn khác, những kẻ đã hoặc sẽ phải chịu đựng một số phận tương tự.
Tôi cũng thích nghĩ rằng việc kể lại câu chuyện của mình cũng như việc tôi góp phần vào nghiên cứu PTSD là cách tôi trả thù bọn Khmer Đỏ. Đó cũng là cách tôi phản đối những chính quyền đã gây nên đau đớn và khổ nạn cho trẻ em vô tội, những kẻ mà lòng tin đã bị khai thác từ thời này sang thời khác trong suốt lịch sử: trong thời Khmer Đỏ, trong thời phát xít, trong thời Cách mạng văn hoá Trung Quốc, và gần đây hơn, trong những vụ gây hấn chủng tộc đẫm máu ở Bosnia và Rwanda.
Suốt cả một thời thơ ấu bị chiến tranh chế ngự, tôi đã học cách để sống sót. Trong một xứ sở đối diện với đổi thay dữ dội, cốt lõi của tâm hồn tôi quyết định không bao giờ để cho những hoàn cảnh khủng khiếp lấy đi phần tốt đẹp trong tôi. Về mặt tinh thần, tôi cưỡng chống lại những sức mạnh mà tôi xem là những cái ác bằng cách làm người ghi chép, lặng lẽ quan sát người chung quanh, ghi chú trong tâm trí về những chuyện chung quanh mình. Rồi sẽ có một ngày nào đó tôi sẽ chia xẻ những ký ức đó, cất tiếng nói của tôi nói thay cho những đứa bé không thể tự nói cho chúng được. Tôi cũng cất tiếng nói cho cha mẹ, chị em, anh em và những thành viên khác trong gia đình đã chết, và cho những người mà những gì còn lại nằm trong các nấm mồ tập thể vô danh rải rác khăp Cambodia, mảnh đất vốn thật dịu hiền.
Khi còn là một đúa bé, tôi tin vào quyền năng của phù phép. Tôi nhớ có lần ngồi trong phòng khách say sưa xem một cuốn phim Cambodia quay tại Himalaya. Nhân vật chính đi đến đó để tìm một nhà minh triết râu tóc bù xù biết một câu thần chú có thể cứu thoát được những người vô tội ra khỏi tay bọn người độc ác trong rừng sâu. Chỉ những lời đơn giản mà mạnh mẽ làm cho bọn cướp biến mất, tiêu huỷ hoàn toàn sức mạnh của cái ác. Lòng bàn tay áp vào nhau, đưa lên trước ngực, mắt nhắm nghiền, các nhân vật thì thầm câu thần chú. Túc khắc mọi việc được giải quyết tốt đẹp.Thật dễ dàng, tôi nghĩ. Mình chỉ cần làm điều đó trước rặng Himalaya. Đó rõ ràng là một nơi của những điều huyền diệu.
Cha tôi cũng biết phép thuật. Tôi tin điều này. Tôi đã thấy ông làm một điều thần bí khi một cơn suyễn ác nghiệt đè nặng lên phổi tôi. Tôi phải ngồi dậy và nuốt lấy không khí, nhưng mọi thứ đều tê liệt. Lập tức cha tôi mở ngăn kéo đựng dược phẩm Pháp, lấy một lọ thuỷ tinh và một ống tiêm. Rồi thì phép mầu được thực hiện, như nó luôn là như vậy. Nó cũng làm tôi kinh ngạc như vị hiền triết nọ ở Himalaya – một phút trước tôi đang thở hơi cuối cùng, phút sau tôi đã chạy chơi tung tăng.
Giờ đây ngồi trước máy tính, tôi cảm nhận cái phép thần bí xa xưa của thời thơ ấu, giờ đây như cái bóng của ký ức tôi. Chiến tranh đã dẫm nát niềm tin thơ ngây của tôi vào phép màu một cách gọn gàng và mau chóng như người ta dẫm nát con dế dưới gót  chân. Thoạt đầu tôi tìm cách  dấu mình dưới những phép thuật. Nó là nơi trú ẩn trước những thực tại phi thực của chiến tranh. Các bạn tôi và tôi sẽ giả vờ rằng có quyền năng dựng những người chết sống dậy. Tôi sẽ nói chuyện với những người bạn tưởng tượng của tôi trong vườn cây sau nhà. Cây ổi, xoài, mít sum suê vào ao nước sau nhà sẽ trở thành khu rừng thiêng tôi phải đi xuyên qua để đến được rặng Himalaya.
Tối hôm nay ánh sáng từ màn hình vi tính hắt một màu xanh tái lên mắt tôi. Tôi cảm thấy thể xác và linh hồn mình như phục hồi từ sau những áp lực, từ sau những tuần lễ học hành căng thẳng để dự kỳ thi MCAT – kỳ trắc nghiệm để vào trường Y kéo dài suốt ngày. Tuy nhiên, tôi bị một nhu cầu thôi thúc phải tiếp tục  viết. Thoạt tiên tôi cảm thấy đó là trách nhiệm của mình với tư cách là một kẻ sống sót. Nhưng bây giờ việc viết lách còn trở thành hành trình của tôi đến Himalaya, là cuộc tìm kiếm của tôi để nắm bắt lại cái phép thần chú đã bị đánh mất từ lâu trong đời tôi. Lần này tôi sẽ cố dùng quyền năng của ngôn ngữ để cảnh báo thế giới và đồng thời cũng để điều trị cho chúng tôi. Và vì thế mặc dù vừa trải qua một kỳ thi trắc nghiệm hóc búa nhất, tôi vẫn tìm kiếm từ ngữ, cái bùa chú ấy, để làm cho tâm hồn tôi được yên ổn.
Con tim đã thôi thúc tôi viết bất kể giờ giấc. Làm việc gắt gao trở thành cơn nghiện của tôi. Thoạt đầu đó là bài học cần thiết, là phương tiện duy nhất để tôi có thể sống sót dưới chế độ Khmer Đỏ, để vượt qua được bánh xe lịch sử.
Là một đứa bé phải cố chịu đựng chế độ Khmer Đỏ, tôi thường nêu lên những câu hỏi về cái thế giới xa lạ đã chụp xuống quê hương mình. Vào tuổi mười hai, dưới chế độ Khmer Đỏ, tôi hỏi Chea, chị của tôi, với hy vọng hiểu được nỗi đau khổ mà chúng tôi phải chịu đựng và hiểu được nỗi mất mát những người tôi yêu mến. Câu trả lời của chị trở thành hạt giống giúp tôi sống sót, hạt giống được gieo bởi người chị mà tôi coi như thần tượng.
“Chị Chea, làm thế nào mà cái thiện lại không thắng nổi cái ác? Tại sao bọn Khmer Đỏ lại chiến thắng nếu chúng là người xấu?”
Chea trả lời “Jchan baan chea preah chnae baan chean mea” có nghĩa là “Chúa sẽ thua, quỷ sẽ thắng”. Khi cái thiện có vẻ thua trận, thì đó là cơ hội cho người ta kiên nhẫn và trở thành giống Chúa. “Nhưng không lâu lắm đâu em ạ”, chị giải thích và nhắc đến một câu tục ngữ Cambodia nói về điều xảy ra khi cả cái thiện và cái ác đều bị ném xuống dòng đời. Điều thiện được tượng trưng bởi klok, một loại bí, còn điều ác được tượng trưng bởi armbaeg, những mảnh chai vỡ. “Rồi cái thiện sẽ chiến thắng cái ác. Bây giờ thì klok chìm xuống còn mảnh chai lại nổi lên. Nhưng armbaeg sẽ không nổi lâu đâu. Rồi thay vào đó klok sẽ nổi lên và cái thiện sẽ chiến thắng”.Mắt chị soi thẳng vào tôi cố làm thêm sức mạnh trong  câu nói của chị  “Em ạ, hãy đợi mà xem. Rồi điều đó sẽ xảy ra”.
Năm 1978, ở tuổi hai mươi hai, Chea vì bị sốt kéo dài và kiệt sức, chỉ ba tháng trước khi bộ đội Việt Nam tấn công và đẩy bọn Khmer Đỏ đến biên giới. Ở tuổi mười ba, không đủ sức cứu sống chị ấy, tôi giận mình vì đã không có được kiến thức y học của Pa, vì đã không học nơi ông. Như thể nói với linh hồn chị - khi xác chị được bọc lại và mang đi chôn trong rừng – tôi thì thầm “Chea ơi, nếu em sống được sau này, em sẽ học ngành Y. Em muốn giúp đỡ những người khác bởi vì em đã không thể giúp đỡ chị. Nếu em chết, em sẽ học ngành y trong kiếp sau.” Lời thề đó đã giúp tôi chống đỡ được nỗi bơ vơ của mình, nhưng lúc đó tôi không bao giờ biết sau này nó ảnh hưởng đến cuộc đời của tôi ở Mỹ.
Vào năm 1982, lúc tôi bắt đầu học trung học ơ/ Portland Oregon, lòng khao khát được học ngành y lại bùng  cháy trong tôi. Sau khi học xong khoá dự bị tại đại học Oregon năm 1991, tôi quyết định trở thành một bác sĩ y khoa. Đã mười ba năm kể từ khi chị Chea chết, giờ đây tôi muốn làm tròn lời hứa với linh hồn chị và tiếp tục công việc mà Pa đã để lại.
 Trong khi chuẩn bị để thi vào trường y, tôi đã cố gắng xếp lại ký ức, cẩn thận gạt chúng sang một bên để đầu óc có chỗ cho hóa học và sinh lý học. Thế mà chúng vẫn có cách để mà quay trở lại. Chẳng hạn việc học để biết cơ thể con người sử dụng carbonhydrat mỡ và protein làm năng lượng như thế nào, sẽ nhắc nhở tôi về căn bệnh phù thũng hoành hành tràn lan ở ngôi làng trong thời chiến. Sự thiếu muối trong bữa ăn cũng trở nên chết người, nó lấy đi khả năng sản xuất ra năng lượng của cơ thể chúng ta. Ở Cambodia chúng tôi có một từ để chỉ sự thiếu Vitamin A – tình trạng mà chúng tôi gọi là bệnh “quáng gà”. Không có dược phẩm trong tay, người ta chữa trị theo cách dân gian: lấy nước từ lá chuối hay lá sen nhỏ vào mắt người bệnh. Bây giờ ngồi học trong lóp và nhìn lại, tôi thấy đó không phải là những bài học trừu tượng.
Cũng như vậy, cảnh một ai đó mặc quần áo toàn màu đen luôn luôn làm thức dậy ký ức: đồng phục của bọn Khmer Đỏ. Và khi đó trong một lúc, nó có thể làm tôi tê liệt như thể bị bỏ bùa vậy. Đọc một tài liệu về Ethiopia trình bày cảnh trẻ con sắp hàng chờ phần ăn, tôi bỗng bị dội trở về với những cánh đồng lầy lội, quay trở về cái thời khi tôi chỉ là một em bé yếu đuối và kiệt sức như những trẻ em Phi Châu lạc loài kia, sống chỉ để chờ đợi thực phẩm. Nhiều khi ký ức đột ngột trở lại với tôi theo những con đường tôi không hề tưởng tượng ra nổi. Một lần dừng chân ở Hawaii, tôi bỗng trở về với những cảm giác kỷ niệm – mùi ẩm ướt, mùi cây cỏ, những cây xoài đơm trái, những chùm dừa đung đưa, nhịp uốn mình của hàng cây  cọ ở phi trường, cơn gió nhẹ mang theo hơi ẩm. Giác quan đã đánh thức dậy những kỷ niệm đã lãng quên từ lâu trong tôi.
 
°
Có những lúc tôi đã phải nhận ký ức của riêng mình, tôi bỏ quên đứa con gái bé nhỏ trong tôi. Tôi tự bảo, rồi sẽ có thời gian để mà đau buồn. Tôi đẩy ký ức xuống tận sâu dưới đáy lòng để mà theo đuổi những việc quan trọng hơn. Học hành. Trường Y. Tôi muốn làm một  điều gì khác trong thế giới này, làm những điều tốt đẹp, làm tròn ước muốn của một đứa bé. Rồi sẽ có thời gian cho ký ức, nhưng tôi không bao giờ dự báo, cũng như không bao giờ lục nó ra. Rồi sẽ có lúc mà.
Giờ đây tôi ngồi trong ánh sáng bí hiểm toả ra từ màn hình máy vi tính, cố ôn lại quá khứ, tôi biết đây chính là lúc ấy. Tôi mời mọc ký ức trở lại, lo âu nhưng háo hức đi tìm chúng. Và trong lúc cố gắng đi tìm hiểu được cái thôi thúc muốn nói cho người khác nghe những điều đang bùng cháy lên trong tâm trí, tôi nhận ra niềm tin và tham vọng của mình, những điều đã bắt rễ trong những con người đã cho tôi ra đời – cha mẹ tôi.
Chú thích
[1] Bánh xe lịch sử hoặc quá trình tiến hoá. Khmer Đỏ thường dùng những từ như vậy để đe doạ chúng tôi, bắt chúng tôi tuân theo luật lệ, theo cuộc cách mạng của chúng. Nếu không theo họ, bánh xe lịch sử sẽ cán lên chúng tôi. Điều này có nghĩa là bị trừng phạt hoặc chết.
[2] Tâm thần phân liệt. Tâm thần chu kỳ. Rối lọan  tâm thần
[3] George Orwell (1903-1950) nhà văn Anh, tác giả cuốn tiểu thuyết “1984” miêu tả viễn cảnh của một chế độ độc tài