Hành trung doanh của đức ông Hưng Đạo đóng trong một bản người Man Đại Hoàng vùng thượng đạo phủ Thiên Trường. Hành cung của hai vua đặt ở bản bên chỉ cách Hành trung doanh chưa đầy bốn dặm đường. Chung quanh nơi hai vua và đức ông Hưng Đạo đóng, người ta gặp gần đủ mặt những vương hầu giữ các chức vị trọng yếu trong triều: binh tướng tuỳ tùng của Hành cung và Hành trung doanh cũng rất đông, người đi kẻ lại tấp nập hối hả, voi gầm, ngựa hí, khói bếp bốc lên mù mịt. Trần Nhật Duật đến Hành trung doanh vào lúc giữa trưa, nắng như chàm lửa. Ông đến bằng đường thuỷ trên một chiếc thuyền nhẹ mười sáu cặp mái chèo. Chiếc thuyền nhẹ lướt như bay trên mặt con sông Bôi mùa này nước chảy lững lờ, màu nước xanh như màu lá rừng hai bên bờ. Ông gặp chiếc thuyền của đức ông Nhân Túc, quan lệnh phủ Tông Chính. Chiếc thuyền của đức ông Nhân Túc chở đầy bài vị thần chủ của các bậc tiên đế, tiên hậu, tiên vương, tiên phi... để đưa đi cất giấu. Nhân Túc vương nhìn thấy Trần Nhật Duật ở thuyền bên kia thì mừng quớ lên: - Ôi! Cháu Sáu! Cháu ta lẫm liệt quá! Trần Nhật Duật vái chào ông chú và nhận thấy cái mũi của đức ông Nhân Túc bớt đỏ đi. Chắc rằng đức ông Nhân Túc thiếu rượu. Trần Nhật Duật sai quân trạo nhi ghé sát thuyền vào thuyền của đức ông Nhân Túc và biếu ông chú một vò rượu mít với một bó cá mực khô, đặc sản của hương Hoằng. Trần Toàn cố chèo kéo cháu lên thuyền với mình để chú cháu vừa hàn huyên vừa nếm thử “tí hương rượu mít” nhưng Chiêu Văn vương thác việc quân bận lắm xin đi ngay. Hành trung doanh đang lúc đông người. Viên tướng coi quản quân tuỳ tùng của Hành trung doanh là Dã Tượng reo mừng khi thấy Chiêu Văn vương bước lên bờ: - Kính lạy đức ông! Chúc đức ông mạnh khoẻ! - Chào tướng quân, ta chào tướng quân! Quốc công ta đang ở đâu? - Thưa đức ông, Quốc công đang bàn việc cơ mật với đức ông Chiêu Minh trong lều trận treo màn cửa bằng vóc đỏ kia ạ. Dã Tượng đưa Chiêu Văn vương đến lều trận của Hưng Đạo vương. Viên tì tướng giám quân hô to: - Đức ông Phó đô tướng đã đến! Lính hầu vén màn vóc đỏ. Chiêu Văn vương bước vào lều trận, thấy hai đức ông Hưng Đạo, Chiêu Minh cùng các phó quan và một số tướng đang làm việc. Chiêu Văn vương chắp tay vái, miệng chào lớn, vui vẻ: - Kính lạy hai anh! Em đã đến! Trần Quốc Tuấn mừng rỡ đứng dậy, reo lên đáp lễ và bước ra tận chỗ Chiêu Văn vương đứng, cầm tay ông dắt lại bên văn án: - Nom em Sáu mạnh lắm phải không chú Ba? So ba đức ông, Chiêu Văn vương còn trẻ lắm. Ba người cách nhau mỗi người hơn mười tuổi. Trần Quang Khải cười nói: - Thưa anh trưởng, em Chiêu Văn có gầy hơn hồi ở Thăng Long. - Gầy một chút nhưng gân guốc cứng cáp hơn nhiều chứ. - Trần Quốc Tuấn ngả người ra đằng sau ngắm Trần Nhật Duật thêm một lát: - Nom khí phách lắm... Anh hùng lắm! Trần Quốc Tuấn như nhìn thấy chính mình ba mươi năm về trước. Ông tiếp: - Ta cứ tưởng em nhanh lắm cũng phải sớm mai mới tới đây được. Thế này càng hay. Chúng ta lập kế quyết chiến với giặc đây. Tả hữu dâng trà để các tướng giải khát. Rừng cây hầm hập gió tây thổi về. Ngoài rừng xa, tiếng con tu hú đầu mùa đã gọi hè về... Trần Quốc Tuấn mời mọi người uống trà. Trần Quang Khải hóm hỉnh nhìn Trần Nhật Duật: - Nom trán em sáng bóng thế kia, chắc sắp có tin mừng. Trần Nhật Duật gượng cười im lặng. Trần Quang Khải cũng thôi không nói nữa. Trần Quốc Tuấn thì hồn nhiên mời trà và ông nhắc qua lại thế quân đôi bên cho Trần Nhật Duật nghe. Theo lời ông thì đạo quân của Thoát Hoan đã mất sức nhanh hung hãn. Chúng bị thiếu lương, thiếu cỏ, quân tướng mỏi mệt, bệnh dịch phát sinh, hành hạ khổ sở, mỗi ngày người chết bó chiếu chôn không kịp, đứa ngắc ngoải nằm la liệt chốn quân doanh. Đường lương của chúng bị nghẽn hẳn. Ở mặt đông bắc, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng kiểm soát tất cả các đường bộ, còn trên mặt sông mặt biển, Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư chẹn giữ nghiêm mặt các cửa sông trọng yếu. Cả hai tướng đã gửi cáo về Hành trung doanh đem đầu mình ra đặt, cam đoan không để một xe, một thuyền vận tải nào của giặc đi lọt. Tính ra bây giờ giặc chỉ còn hơn tám nghìn thạch gạo chứa ở đồn A Lỗ. Số lương này không dùng được quá hai mươi ngày. Từ năm hôm nay, đức ông lưu thủ kinh thành là Trung Thành vương đã được lệnh xuất quân đánh liên tiếp các đồn lẻ của giặc chung quanh Thăng Long, đánh các ụ lửa, đánh các nêu cờ nêu đèn và đốt các kho lương kho cỏ của giặc. Dân binh Thăng Long đánh giỏi quá. Chỉ ba hôm sau, giặc đã rối loạn, các nêu cờ, nêu đèn báo tin loạn xị. Đến nỗi Thoát Hoan phải đem hai tu man kị sĩ Thát Đát ra đóng ở mé ngoài nam Thăng Long để ứng cứu cho những nơi bị quân ta đánh. Tu man quân cưỡi ngựa này đã từng đem lửa đi đốt tuyết châu Âu, bây giờ đến nông nỗi đi chữa lửa cho các đồn binh quân bộ. - Mà chữa cháy cũng không xong. Ngay chúng nó cũng dính mấy trận mai phục của em Trung Thành vương. Có một trận, voi bên ta đuổi chúng qua kẻ Mơ đến tận phường Hồng Mai làm cho binh tướng chúng nó phải cho nổ pháo hiệu gọi quân bên rừng đa sang cứu viện. Tóm lại, đạo quân Thoát Hoan tuy chưa bị tổn thất nặng nhưng đói ốm, tê liệt và rối loạn thế trận. Đạo quân của Toa Đô còn khốn khổ hơn thế nữa, Toa Đô đánh hai năm liền không đặt vững nổi chân lên đất Chiêm Thành mà còn bị liên quân Việt - Chiêm đánh cho tổn thất rất nhiều quân mã. Cuối cùng âm mưu chiếm Chiêm Thành dùng làm đất xuất quân đánh tập hậu vào nước Đại Việt không thực hiện được. Chiêu Văn vương toan từ biệt hai anh lên đường thì Trần Quang Khải hỏi ông: - Em đến đây bằng ngựa hay bằng thuyền? - Thưa anh, em đến bằng thuyền. Trần Quang Khải đưa em ra khỏi lều trận. Hai anh em im lặng đi bên nhau. Trần Nhật Duật tự nhiên thấy điều chi ngượng ngùng trong dáng điệu của anh. - Có một người hầu của An Tư trốn thoát từ chỗ thằng Thoát Hoan trở về. Phải nói người này rất can đảm và tài giỏi mới trốn thoát như thế. Nhưng cũng cần nói thêm rằng tất cả những người kia, kể cả An Tư cũng phải hi sinh tất cả thì người này mới trốn được. Cô ta mang theo những tin tức rất quý... Đột nhiên Trần Nhật Duật thấy bồn chồn trong lòng. Ông đứng hẳn lại nhìn sang anh. - Người ấy đến hành doanh trình diện. Ta kiếm một cớ sai người ấy xuôi hương Hoằng. Chẳng may... Trần Nhật Duật bủn rủn cả chân tay. Ông hỏi giọng lạc hẳn đi: - Người hương Hoằng? Anh ơi! Sao cơ? - Không, không, không. Không sao cả! Chỉ là vì cùng lúc đó, đức ông Hưng Đạo lại đòi em phải về đây gấp. Trần Nhật Duật thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Trần Nhật Duật chợt thấy chua chát, có những việc đáng ra phải làm xong rồi mà ông đã để quá muộn chỉ vì e ngại một chút máu khác nòi hoàng tộc. Nửa năm chinh chiến đã cho ông thấy cách nghĩ ấy thật lầm lạc, thậm chí còn đáng ghét nữa. Có đem thử lửa đi nữa vàng vẫn là vàng, thau vẫn là thau. - Đã đi hương Hoằng rồi à?