Hai tháng sau, quân mệnh đã đưa Trần Nhật Duật đến chống giữ ở một chiến trường khác hẳn và ở xa chiến trường Quy Hoá hàng ngàn dặm: Hành doanh của ông đặt ở một khu bán sơn địa nằm trên địa giới hai châu phía nam, châu Ái và châu Diễn. Lần này số quân dưới trướng ông rất lớn và được luyện tập kĩ lưỡng. Nếu kể cả năm ngàn quân gia đồng của phủ Chiêu Văn, đạo quân của Trần Nhật Duật lên tới bốn vạn quân mã, bộ, thuỷ, tượng. Các tướng dưới trướng cũng rất đông và có nhiều tướng giỏi. Trước hết phải kể Tá Thiên vương Trần Đức Việp, Văn Túc vương Trần Đạo Tái, con trai của Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, Hoài Văn vị thượng hầu áo tía Trần Quốc Toản... Có thể nói các tướng ở đạo quân này đều rất trẻ, chưa có tướng nào tới ba mươi tuổi, và tướng ít tuổi nhất mới mười bảy tuổi. Nhưng không hẳn tuổi trẻ chỉ là hiếu động, sôi nổi và tuổi già là trầm mặc, ưa tĩnh. Bây giờ bất kì ai gặp Chiêu Văn vương cũng đều nhận thấy đức ông hoàng Sáu khác xưa rất nhiều. Chinh chiến đã khắc sâu trên trán Trần Nhật Duật những nếp nhăn trí lự: đôi mắt to đen thêm thâm trầm sẫm màu. Nhưng người nào tinh ý lắm mới nhận ra khoé miệng Trần Nhật Duật kéo hơi trễ xuống rất trải đời, vừa độ lượng, vừa khinh mạn. Mấy chục ngày trận mạc vừa qua đã giúp Trần Nhật Duật gồm góp thêm biết bao kinh nghiệm quý báu. Lần này, đối thủ của ông không phải là một tướng vô danh tiểu tốt mà là một nguyên soái dày dạn kinh nghiệm đã từng lăn lộn trên bãi sa trường ở nhiều nước. Đó là nguyên soái Toa Đô, viên tướng già kinh nghiệm chiến đấu ở nơi xa, là thân vương Tích Lệ Cơ, là lão tướng Đường Cổ Đải... Toa Đô cầm một đạo quân đông trên dưới một chục vạn mã, bộ, thuỷ thiện chiến đã vào đất Chiêm Thành từ hai năm nay nhưng quân Chiêm được quân ta tiếp tay đã giam chân Toa Đô ở giải đất nhiều dừa và gió bể đó, đánh cho chúng bị hao mòn, đánh cho chúng mất ý chí chiếm đoạt, xâm lăng. Từ đầu năm nay, Toa Đô đành bỏ đất Chiêm Thành tiến quân lên phía bắc đánh tập hậu quân ta. Quân Toa Đô đã quen chịu mưa nắng châu Ô, châu Lý, đã quen đánh ở rừng, ở núi và đã hiểu một phần nào tài năng, tâm tình người Việt. Trần Nhật Duật nhận tướng mệnh đánh kìm chân Toa Đô, đánh mòn đạo quân ấy. Ông đã dùng mẹo nghi binh từ đốt khói, thả lá gói cơm ở suối cho trôi đến trước mặt trại giặc cho đến những cuộc diễu quân chập chờn trên đường phân thuỷ các dãy núi phía tây... Cho nên Trần Nhật Duật đã giam chân Toa Đô ở miền đất này hơn một tháng trời. Tình thực mà nói, đó là một cuộc vừa đánh vừa chuyển quân hết sức mệt nhọc đòi hỏi biết bao tâm huyết sức lực của cả quân lẫn tướng trong đạo quân của Chiêu Văn vương. Sau mấy tháng chinh chiến quyết liệt, Trần Nhật Duật bây giờ chỉ dùng một bộ quần áo chiến sơ sài may bằng vải dày nhấn chàm. Xưa kia ông không thích dùng đồ trang sức bằng vàng bằng ngọc, bây giờ ông cũng chỉ đeo trên ngực một tấm hộ tâm hình chữ nhật bằng đồng thau, loại hộ tâm của quân Thần Sách thường dùng. Lều trận của Trần Nhật Duật cũng là một lều trận thường dùng trong việc quân: một bộ khung bằng tre đực phủ vải gai nhuộm vỏ dà. Trong lều không có một vật trang trí nào đắt tiền cả. Chỉ thấy trên cây cột cái có treo một thanh kiếm Hồi Hột chiến lợi phẩm thu được trong một trận đánh úp giặc trên lộ Quy Hoá. Chân cột, Trần Nhật Duật dựng chiếc mộc vẽ tướng huy của ông là chòm sao Thiên Đồng. Nền lều trải hai lần chiếu cói và vứt rải rác những chiếc nệm thổ cẩm để ngồi. Quãng trưa, các tướng chỉ huy các quân, đạo đã về hành doanh đông đủ. Họ cùng đứng với nhau trên cái bãi trống trước cửa lều trận của Trần Nhật Duật chờ ông cho vào hầu. Một tì tướng trong hành doanh hô to lệnh triệu đòi. Các tướng theo chức vụ cao thấp lần lượt vào lều trận. Họ đều là hàng cháu của Trần Nhật Duật mặc dù ông chỉ hơn họ trên dưới mười tuổi. Hoài Văn hầu chắp tay chào ông: - Kính lạy đức ông, “mạt tướng” mãi sáng nay mới nhận được lệnh đức ông cho đòi nên đến muộn nhất. “Mạt tướng” xin đem đầu đến nhận lỗi. Trần Nhật Duật cười. Hoài Văn hầu là một tướng trẻ đáng quý. Từ bữa bị ông vặn hỏi ở Thăng Long cho đến nay, Trần Quốc Toản mau chóng trở thành người đĩnh đạc, nắm quân rất vững kể từ sở trường, sở đoản của mỗi dũng sĩ. Nhưng hầu tước trẻ tuổi này làm cái gì cũng quá mức cần thiết. Không biết anh ta “nhặt” được ở đâu mấy cái tiếng “mạt tướng” với “đem đầu” thế không biết? Trần Nhật Duật cho phép các tướng ngồi xuống nệm. Ông hỏi Hoài Văn hầu: - Này ông “mạt tướng”. Ông có chuyện gì mà mặt mũi trang trọng làm vậy? Trần Quốc Toản chắp hai tay, mắt mở tròn xoe: - Kính bẩm đức ông, “mạt tướng” đóng quân sát biển... - Ta biết, đó là nơi ta chỉ cho ngươi đóng. Sao nữa? - Bẩm đức ông, mờ sáng hôm nay, hơn hai trăm thuyền giặc đi qua chỗ mạt tướng... - Hả? - Bẩm hơn hai trăm thuyền giặc đi qua, bẩm thuyền lớn.... - Lên bắc hay xuống nam? - Bẩm lên bắc. - Lên bắc? - Bẩm vâng. Trần Nhật Duật nghiêm mặt. Đôi mày của ông chau lại, vầng trán tối sầm. Các tướng cũng hiểu ngay tin này là tin rất quan trọng. Trần Quốc Toản nói thêm là thuyền giặc không cắm cờ nhưng kiểu thuyền ấy chỉ bọn chúng mới dùng và những lá buồm của chúng nhuộm đen nhìn lúc mờ sáng rất rõ. Trần Nhật Duật sai quân hầu pha trà nam sâm đãi các tướng còn ông thì dựa gối xếp suy nghĩ rất lung. Các tướng dưới trướng Chiêu Văn vương sau mấy tháng cùng chiến đấu gian lao đã biết tính chủ tướng của họ. Mỗi lần Chiêu Văn vương suy nghĩ căng thẳng như thế này sẽ dẫn đến những quyết định hết sức cứng rắn. Chiêu Văn vương tính toán về thế cục giữa đôi bên. Hiện nay giặc đang có hai đạo quân lớn hoành hành trên đất nước ta. Đạo thứ nhất gồm cánh quân chính của Đại Nguyên soái giặc Thoát Hoan và cánh quân Ô Man của Vạn hộ hầu Nạp Tốc Lạt Đinh. Đạo thứ hai của Toa Đô từ Chiêm Thành đáp tập hậu nước Đại Việt. Nhiệm vụ tập hậu của đạo quân này đã bị ông phá rồi. Thoát Hoan đã dẫn quân tràn xuống đồng bằng nước ta. Quân cưỡi ngựa Thát Đát đánh xuyên ngang, đánh tạt dọc. Sức nhanh phi thường của giặc trong những mũi tấn công đã gây nhiều khó khăn tổn thất cho quân Việt. Các tướng ta ở cả hai mặt trận đông bắc và tây bắc đều đã quyết định rút lui để tránh tổn thất. Thế là giặc thừa cơ tràn xuống vùng trung du và đồng bằng. Hai vua rút khỏi kinh thành. Thăng Long tạm thời trong tay Thoát Hoan. Chiêu Văn vương rên thầm một tiếng dài. Thành Thăng Long, kinh thành chôn rau cắt rốn của ông, nơi ông đã sống những ngày kì diệu. Ông nhớ những phố phường đông đúc náo nhiệt kẻ bán người mua. Đã có lần ông la cà suốt cả ngày xem những người thợ khắc ván in đục chêm những chữ bé tí như hạt gạo trên một tấm gỗ mít mịn và nhẵn bóng. Bữa ấy thợ in chạm một trang trong cuốn Khoá hư lục của tiên đế Trần Thái Tông. Chữ mẫu của ông Thái học sinh bút thiếp nào đó khá bay bướm, hợp với ý thơ: “... Trôi giạt còn dài đời gió bụi Quê hương muôn dặm bóng xa khơi”. Thơ ấy chữ ấy có phải có những ngón tay ấy mới có được trang sách thơm quý. La cà ở phường in chán rồi, ông lại lần sang phường thợ thêu, phường thợ vẽ ở Tàng Kiếm. Ở Thăng Long có chợ cầu Đông bán hàng trăm ngàn sản vật, nhưng Trần Nhật Duật lại chỉ thích đi chơi ở cái búa nhỏ bên sông Cơ Xá. Cái búa này ở ngay cạnh bến đò ngang. Các cô thôn nữ mấy xóm rừng bên kia sông mang tới quả trám, vải gai, rượu mít, mật ong... và thuỷ sản vùng chằm lầy như ba ba, lươn, ếch, da rái cá... Ở cái búa này người ta mua bán không mặc cả. Người bán chỉ nói một giá mà người mua có cần hàng nào mới hỏi người bán. Cũng ở đây, Trần Nhật Duật hay gặp người quen ở những nơi ông hay đến ngủ đêm đi săn. Ông lại nhớ cả những đêm buông thuyền trên sông Tô Lịch chơi trăng. Ngoài cửa Giang Khẩu rộng mênh mang, trăng dường như sáng hơn, lồng lộng mặt người đi thuyền. Tiếng người kĩ nữ thuyền bên lảnh lót cất lên, câu nghe được rõ, câu chỉ đoán ra của một bài hành nổi tiếng... Rồi những ngày học trong Quốc Học viện, những ngày luyện bắn cung, luyện cưỡi ngựa trong trường bắn kinh thành, những đêm nghe giảng võ kinh, những buổi triều hội linh đình... Thăng Long lịch sự và tình tứ biết bao nhiêu! Thăng Long! Thăng Long, kinh thành yêu dấu của ông!... Khi ở Quy Hoá rút quân về, Trần Nhật Duật không được dừng lại ở đây quá một ngày. Ở phủ Chiêu Văn, viên quản gia thân tín đã cho thu xếp những đồ vật quý đưa xuống thuyền chở về lộ Đà Giang. Kinh thành Thăng Long khác trước rất nhiều. Người thưa vắng đi nhưng không khí chuẩn bị chiến đấu hừng hực khắp các phố phường. Chiêu Văn vương ra lệnh cho viên phó quan coi sóc việc đồn trú cho đội quân, còn ông sửa soạn mũ áo tiến triều. Lần này vào cung chầu hầu, ấn tượng không bao giờ mờ nhạt trong lòng ông. Bấy giờ các đức ông Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải đều không có mặt ở kinh thành, người thì đang chỉ huy chiến đấu ở mặt trận đông bắc, người đang chẹn đạo quân Toa Đô ở châu Hoan, người đang đi phủ dụ các lộ đồng bằng. Hai vua cần có người thân tín phò tá bên mình bèn cho triệu đức ông Chiêu Quốc ở lộ Đà Giang về triều... Khi Trần Nhật Duật tiến cung chầu hai vua, ông vừa hành lễ vừa cảm thấy lạ lùng xa xôi. Thoạt tiên, ông nghĩ rằng đó là cảm giác của một viên tướng phải lui quân bỏ đất cho giặc chiếm giữ... Thánh Tông vẫn vồn vã cho phép ông miễn lễ. Ông nhìn thấy trong đôi mắt thâm trầm của anh mình ánh lên một chút gì thương thương giận giận. Trong lúc đó vua Nhân Tông cũng ngắm ông. Vị vua trẻ, mặt gầy xanh, lo lắng và ngượng ngùng. Còn Chiêu Quốc vương ngồi im lặng trên chiếc đôn, vẻ mặt lạnh lùng và bí mật. Trần Nhật Duật nhớ lại hình như lúc đó ông vẫn hồn nhiên thi lễ với đức ông Chiêu Quốc. Rồi ông vẫn an Thượng hoàng và trách yêu Nhân Tông không giữ gìn sức khoẻ để cho gương mặt gầy xanh đi. Hình như tư thế hào hùng của những người từ chiến trường về đã lấy lại không khí thanh thoát thân thiết trong phần lớn những người có mặt. Nhân Tông là một vị vua trẻ, thượng võ nên hỏi nhiều về việc quân và chuyện đánh nhau trên mặt trận tây bắc. Nhà vua tỏ vẻ náo nức muốn được tham chiến ở một chiến trường. Trần Thánh Tông thì điềm đạm hỏi những câu rất ngắn về từng khía cạnh cụ thể. Địch bao nhiêu quân? Bao nhiêu tướng? Cách hành binh của chúng thế nào? Tinh thần binh tướng bên ta ra sao? Trăm họ giúp quân ta thế nào? Tài sản của trăm họ được cất giấu thế nào?... Trần Nhật Duật trả lời tường tận các câu hỏi đó. Trần Thánh Tông im lặng suy nghĩ giờ lâu nhưng vẻ thương thương giận giận trong đôi mắt của Thánh Tông mất dần đi thay vào đấy là một ánh sắc lạnh quyết liệt. Cách đây hai mươi bảy năm, Thượng hoàng mới là một thanh niên mười bảy tuổi, một thái tử rất trẻ rất vũ dũng, cả kinh thành ai cũng biết thái tử Hoảng rất thượng võ. Giặc Thát Đát dưới quyền tướng nổi tiếng Ngột Lương Hợp Thai tràn vào mưu chiếm nước ta. Thái tử Hoảng đã theo vua cha đi chiến đấu giữ nước. Thế giặc mạnh, quân ta tạm bỏ Thăng Long nhưng sau khi xếp sắp lại bộ ngũ, ta đem quân thuỷ bộ phản công. Quân ta đánh cực mạnh, giặc tan vỡ chạy quàng chân lên cổ. Trận thắng quyết liệt ấy sử sách chép là Chiến thắng Nguyên Phong. Đã trải qua những thăng trầm vị ngộ, Trần Thánh Tông hiểu được lòng người và hiểu được tình thế chiến trường Quy Hoá. Nhất là sau đó, Trần Nhật Duật tâu vua về cánh quân của Hà Đặc, Hà Chương và Triệu Trung đã được lệnh luồn ra sau lưng địch đánh chẹn đường thì vẻ mặt Thượng hoàng chăm chú và dần dần tươi tỉnh nhưng tươi tỉnh mà có chút gì ngỡ ngàng. Thượng hoàng nhìn qua đức ông Chiêu Quốc còn Chiêu Quốc vương vẫn ủ hai bàn tay trong ống tay áo rộng, im lặng, xét nét. Sau cùng Thánh Tông nói: - Ta mới ở Lục Đầu Giang về kinh. Ở mặt trận ấy, binh lực hai bên không chênh lệch nhau lắm nhưng không hiểu vì sao ta chưa muốn quyết chiến trên triền sông ấy. Vừa rồi em kể lại chuyện chiến trường Quy Hoá, ta mới hiểu ra tại làm sao ta băn khoăn về chiến trường kia. Thì ra binh lực hai bên không chênh nhau, bên ta trí dũng có thừa nhưng... nhưng chưa từng thao lược. Đúng thế, các tướng của ta chưa thao lược. Không hiểu sao đúng lúc ấy Trần Nhật Duật liếc nhìn Chiêu Quốc vương và ông thấy mặt đức ông Chiêu Quốc vương tái đi, cặp môi mỏng mím chặt lại. Ngay lúc đó, Thượng hoàng cho gọi quan Học sĩ vào chầu hầu và Đinh Củng Viên thảo ngay lệnh chỉ của Thượng hoàng cho đức ông Hưng Đạo phải tránh việc đưa tất cả binh lực ra quyết chiến ngay lúc này. Sau buổi triều hội, Trần Nhật Duật được lệnh đem quân vào Hoan, Ái để cùng đức ông Chiêu Minh, Tĩnh Quốc chặn đường tiến của Toa Đô, phá tan mưu đánh tập hậu nước ta, đồng thời làm dậy lên của cải giàu có, sức người đông mạnh của Hoan, Ái đem dùng trong cuộc chiến tranh giữ nước. Một số tướng cũng được đem quân đến dưới trướng ông, trong đó có hoàng tử Tá Thiên vương Đức Việp. Khi gặp Đức Việp ông mới được biết uẩn khúc lần triều hội Thăng Long. Thì ra lúc đó ở mặt đông bắc, tình thế diễn ra giống hệt tây bắc. Đức ông Chiêu Quốc đã tâu Thượng hoàng trị tội thật nặng các tướng trấn giữ hai mặt trận đó. Tá Thiên vương đã nhận xét một câu rất có lí: - Đòi trừng trị hai tướng nhưng chỉ nhằm riêng đức ông Hưng Đạo thôi. Ngay lúc ấy, Chiêu Văn vương cho rằng nhận xét của cháu là đúng nhưng về sau một mối hoài nghi cứ dần dà nảy nở trong lòng ông: “Thảng hoặc nhằm triệt cả hai thì sao?” Mỗi lần nghĩ đến đó thiên lương của Trần Nhật Duật lại giục ông xua đuổi vội vã ý nghĩ đó đi... Nhưng ông đuổi được ý nghĩ đó đi thì về lí trí một suy tính mới xuất hiện ngay: tại sao Chiêu Quốc vương không tấn công ra mặt sau của giặc? Và ông tìm chưa ra lí do thoả đáng. Trần Nhật Duật đến Ái châu hai ngày thì được tin quân ta rút khỏi sông Lục Đầu. Giặc tràn về đồng bằng, tràn về vùng phụ cận kinh thành và nhanh chóng hội sư với Nạp Tốc Lạt Đinh. Thoát Hoan vào Thăng Long, sau đó chiến thuyền của chúng chiếm thuỷ trại Chương Dương, các đường thuỷ đường bộ huyết mạch cũng bị chúng thả quân tuần tiễu. Từ đó đến nay đã ngót hai tháng trời giặc đem tinh binh lùng theo tung tích hai vua ta nhưng đạo thân binh tinh nhuệ phò hai vua tránh tất cả các đòn hiểm ác của giặc và đã về đóng ngự doanh trong vùng rừng núi của lộ Thanh Hoá Ngoại. Trong lúc đó, quân ta chặn đánh bằng nhiều trận cảm tử làm cho địch bị tổn thất lớn về người và nhất là về lương thảo. Nhưng chiến trường ngoài ấy đã xoay chuyển thế nào mà bây giờ Toa Đô bỏ ý định đánh chiếm Hoan Ái, tiến quân bằng đường biển lên phía bắc? Trần Nhật Duật hỏi lại Trần Quốc Toản: - Mấy trăm thuyền giặc? Trần Quốc Toản giở sổ quân kí mang theo ra tra đọc rồi trịnh trọng trả lời chắc nịch: - Bẩm đức ông, hai trăm sáu mươi chín thuyền, trong đó có một trăm năm mươi hai thuyền vận tải biển chở nặng. Trần Nhật Duật cười hỏi: - Tại sao cháu biết thuyền chở nặng? Trần Quốc Toản giật thót người suýt bật cười rồi ghìm được và hớn hở đáp: - Bẩm... bẩm đức ông, trong đội quân của “mạt tướng” có bốn mươi ba người tráng dũng trước đây làm nghề biển ở hương Hoằng. Toàn là những người chỉ nhìn dây lèo buồm cũng biết thuyền đang chở bao nhiêu thạch. Trần Nhật Duật thôi cười. Ông nghiêm mặt hỏi cháu: - Có người ở hương Hoằng à? - Ông đứng phắt dậy bảo Trần Quốc Toản: - Đưa ta đến chỗ họ! Trần Nhật Duật nhẹ nhàng thót lên yên. Con Bão Đêm vươn cổ hí một hồi dài vui vẻ. Đoàn người ngựa rầm rập lên đường về phía ven biển nơi Trần Quốc Toản đóng quân. Trên đường đi, Trần Nhật Duật vẫn mải mê suy nghĩ về việc địch giong thuyền về bắc. Càng nghĩ ông càng khấp khởi mừng thầm. Chắc rằng sau khi quân ta không dàn thành thế trận chặn giặc, các tướng đã bày quân theo chiều sâu sang hai bên đường, ém quân trong rừng, trong rú, trong làng, trong chạ, trong núi, trong chằm... Đường lương cỏ của địch ắt bị đánh úp luôn luôn. Quân giặc đi lẻ càng dễ bị diệt gọn. Thoát Hoan cũng giống như Toa Đô ở mặt châu Hoan, đã bị sa lầy. Kế sách đánh nhanh diệt sạch của giặc thế là không làm được. Tuy kế của ta là chọc sâu ra sau lưng địch cũng không thực hiện được do sự do dự của đạo quân ém ở Tam Đái nhưng phải nhận rằng thế chiến trường ngày một nghiêng về phía ta. Bây giờ tại sao Toa Đô lên phía bắc? Phải chăng nó bị sa lầy tới mức nguy cấp? Hay là nó được lệnh của Thoát Hoan về hội sư ở Thăng Long. Nếu có cái lệnh ấy thì Thoát Hoan đang bị sa lầy rất nặng. Thời cơ tiến đánh tiêu diệt của quân ta đã đến rồi. Tá Thiên vương Đức Việp và Văn Túc vương Đạo Tái cũng đoán rằng Thoát Hoan đang bị dồn vào bước bí. Có thể đức ông Hưng Đạo đang đe doạ cắt đường về của y ở triền sông Lục Đầu. Thế đứng chông chênh của tên hoàng tử nhãi ranh ấy rất nguy cấp trong một vùng sông ngòi chằng chịt mà thuỷ quân Việt thì như rồng thiêng mặc sức tung hoành trên sông dữ. Trần Đức Việp giục ngựa lên đi sóng đôi với Trần Nhật Duật. Chiêu Văn vương hỏi cháu: - Ngày ấy đức ông Chiêu Quốc có đem đạo quân sơn cước sông Đà về Thăng Long không cháu? - Bẩm có - Trần Đức Việp ngừng lại một chút rồi mới tiếp - Đức ông Chiêu Quốc bảo rằng đạo quân này vô kỉ luật mà không tinh luyện. Nhưng cháu xem ra thì đó là một đạo quân tinh binh nhưng khó dùng lắm chú ạ. Trên dưới chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Trần Nhật Duật sửng sốt nhìn cháu nhưng Trần Đức Việp tiếp luôn, lần này quả quyết hơn: - Thưa chú, cháu là bề dưới đâu dám hỗn hào xem xét người bề trên nhưng chú Năm và thằng Kiện giống nhau như đúc. Trần Nhật Duật phì cười: - Chú cháu mà không giống nhau thì giống ai nữa? Nhưng ông bỗng thôi cười và chau mày. Nhận xét của Trần Đức Việp đúng quá. Về Trần Kiện, ông đã nhận ra cái tính kiêu ngạo, khát vọng hết sức điên cuồng rồi nhưng ông chưa từng suy nghĩ sâu xa về Trần Ích Tắc. Bởi vì mỗi lần ý nghĩ ấy của ông sắp sa đà tới mặt không tốt trong tâm địa Trần Ích Tắc là ông đã vội xua đuổi ngay đi. Trần Ích Tắc đã tâu vua trị tội Trần Nhật Duật! Bây giờ thì ông mới dám nghi rằng lời tâu ấy không phải vì công tâm, không phải vì việc quân việc nước. Trần Ích Tắc thì không thèm lí gì đến chức tước quyền hành của Trần Nhật Duật bởi vì chúng còn kém chức tước quyền hành của Chiêu Quốc vương. Thế thì vì cái gì đây?... Trần Nhật Duật lo lắng nghĩ một cách rụt rè về bản tính kiêu sa đầy khát vọng của Chiêu Quốc vương. Đội quân thiếu niên hào kiệt nhộn nhạo của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cắm lều trận trong một rừng cây thưa ngoài ven biển. Bên ngoài chỗ trú quân, Trần Quốc Toản đã đặt những trạm viễn tiêu trên một vài quả núi nhỏ cắm chân xuống biển Đông. Mùa này biển lặng, nước xanh tím lại thật trầm mặc. Những tráng sĩ trong đội quân của Trần Quốc Toản nhanh chóng xếp thành đội ngũ. Họ giơ cao mác hô lớn: - Đức ông hoàng Sáu mạnh khoẻ! Đức ông hoàng Sáu mạnh khoẻ! Trần Nhật Duật ghìm ngựa, ông thét rất to: - Chào các ngươi! Ta chào các ngươi! Hỡi các dũng thủ trẻ tuổi! Tất cả đồng thanh dạ lên rất to, vẻ mặt hớn hở. -... Ta chào các ngươi. Chào các chàng trai Thăng Long! - Chúng tôi kính chào đức ông hoàng Sáu. Trần Nhật Duật xuống ngựa bước lại hàng quân. Ông nắm đai lưng một người lính trẻ và giựt thật mạnh nhưng cái đai lưng không xổ. Ông xem cung một người lính khác, xem độ sắc lưỡi mác của một chàng trai khác nữa... Tất cả đều không có gì đáng chê trách. Những người lính gia đồng của Hoài Văn hầu toét mồm cười ra cái đều... Chiêu Văn vương cũng cười lớn: - Ta hẹn các ngươi đến ngày về Thăng Long sẽ thưởng lớn. Một người lính đứng gần nhất hỏi ngay Chiêu Văn vương: - Thưa đức ông, chúng tôi đông thế này làm sao thưởng cho khắp được ạ? Những người lính khác lườm anh bạn táo tợn nhưng Trần Nhật Duật gạt đi và nói: - Bây giờ khó nhọc gian nan thế thì sau này phải thưởng chứ. Các ngươi cứ yên tâm ta sẽ có cách. Các ngươi cứ nhớ lời ta. Lều trận của Hoài Văn hầu nom rất oai. Đó là vì Hoài Văn hầu thích như thế. Chiêu Văn vương ngồi xuống ghế da báo, ông sai gọi những người lính trạo nhi quê ở hương Hoằng đến hỏi. Trần Nhật Duật đang phán đoán hai hướng đổ bộ của quân Toa Đô. Có thể chúng theo sông Cái về Thăng Long, có thể chúng vào lộ Thanh Hoá Ngoại bằng cửa Trường hoặc cửa Trào mà tên chữ là cửa Hội Triều. Nhưng dù chúng vào hướng nào chúng cũng có một mũi nghi binh đổ bộ thẳng lên lộ Thanh Hoá. Điểm chúng chọn có thể là hương Yên Duyên theo con đường thuỷ của con kênh Cổ Khê để đánh vào bến đò Cổ Bút. Bến đò này nằm trên con đường quan lộ huyết mạch chạy dọc theo đất nước. Những người lính hương Hoằng tả lại cho ông nghe địa thế của hai cửa biển này. Họ cũng nói về sức chiến đấu của dân binh hương Hoằng và các hương bạn chung quanh. Đó là một vùng ruộng lầy ven biển nước mặn, cỏ lác và cói, năn mọc bạt ngàn. Trần Nhật Duật cũng đã từng đi thuyền thúng rong chơi quanh vùng này và ông hằng mơ ước sẽ đến một lúc nào đó đem gia nô về khai phá một điền trang, lập nên một tổ ấm nơi đây. Ngót mười năm trước, ông đã có dịp nhìn tận mắt mảnh đất phì nhiêu này, một vùng hoang vu chờ bàn tay người làm lụng cần cù để trở thành trù phú. Trần Nhật Duật hỏi han về bà con trong hương, về những người ông quen biết. Họ cũng biết chuyện xưa của ông với hương Hoằng, họ kể cho ông nghe nhiều chuyện, kể cả những chuyện bình thường về nghề nông, nghề chài lưới, nghề trồng cói dệt chiếu... Cụ Bành đã về hương sau cuộc triều hội Diên Hồng. Viên đại tư xã đã cho gọi đinh tráng các làng đến nghe cụ Bành thuật lại chuyện triều hội và truyền cho mọi người hào khí cùng ý chí quyết đánh quyết thắng của triều đình và các bô lão. Các bô lão trong hương hỏi trai đinh về ý định của họ. Trai đinh trăm lời cùng thưa: “Quyết thắng giặc, thà chết không chịu để giặc xâm lăng đất nước”. Các đội dân binh lập tức được lập ra, thóc công, quỹ công làng chạ được bỏ ra nuôi quân, sửa sang binh khí. Các đội dân binh cử những người hăng hái, giỏi võ làm người chỉ huy. Hàng ngày, họ cắt cử người canh phòng trong hương, di chuyển lương cỏ cho quân doanh lộ Thanh Hoá Ngoại. Trong các hương lộ Thanh Hoá Ngoại, hương Hoằng là một hương hăng hái, góp nhiều công sức vào việc chung. Lẽ tất nhiên là họ cũng kể đến chuyện nhà bà Trương. Ông anh của bà nhũ mẫu bây giờ kiêm cả việc sổ sách của dân binh. Ông làm việc chu đáo hăng hái nhưng nàng Mơ, con gái của ông bị nghẽn lại ở Thăng Long trong khi mặt trận nhanh chóng lan đến. Trần Nhật Duật ngồi lặng đi. Ông dùng ý chí của mình kìm không để cảm xúc hiện ra mặt. Ông cảm ơn anh em hương Hoằng. Ông ra lệnh cho Hoài Văn hầu phát rượu và gạo nếp cho cả đội quân. Ông nói: - Bây giờ việc đánh giặc đang mải. Các ngươi cố gắng lên. Ngày ban sư sẽ có rượu thịt linh đình khao thưởng. Ông trở về hành doanh với đoàn tuỳ tùng. Các đội quân dưới cờ được lệnh chuẩn bị hành trang, binh khí để lúc có lệnh sẽ lên đường được ngay. Trần Nhật Duật thảo ngay một bản sớ để dâng vua và một bảo cáo để trình Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn về cuộc chuyển quân lên phía bắc của đạo quân Toa Đô. Ông dự đoán một là giặc sẽ theo sông Cái lên hội sư với Thoát Hoan, điểm hội sư sẽ nằm vào khoảng khúc sông Thiên Mạc; hai là chúng sẽ đổ bộ lên lộ Thanh Hoá Ngoại rồi tiến về Thăng Long bằng đường bộ theo lối cuốn chiếu qua phủ Thiên Trường và hương Tức Mạc có thể cuốn chiếu cả thuỷ cả bộ, có thể chỉ cuốn chiếu bằng bộ còn quân thuỷ sẽ ra bể dùng cho vùng các cửa sông. Ông xin Quan gia cho ông đem quân bản bộ ra chẹn giặc ở lộ Thanh Hoá Ngoại. Sớ và cáo vừa gửi đi thì một đội kị sĩ rầm rập phi ngựa về cửa lều của Trần Nhật Duật. Đến nơi, họ xuống ngựa, người nào người nấy mặt mũi phủ đầy bụi đường trường. Một người trong bọn họ xồng xộc tiến đến cửa lều trận của Chiêu Văn vương. Người này cao lớn, dáng điệu hiên ngang, thanh gươm vỏ ken mây đập vào đùi lách cách. Viên tì tướng trấn cửa chặn người mới đến: - Đứng lại. Đây là trướng cấm của đức ông thống lĩnh! Nhưng người mới đến phá lên cười, điệu cười thật ngang tàng: - Ngươi không nhận ra ta là ai sao? Viên tì tướng trố mắt nhìn một hồi rồi thốt reo lên: - Trời ơi! Tướng quân Hoàng Mãnh! Người mới đến chính là Hoàng Mãnh nhưng mà là một Hoàng Mãnh gầy guộc hơn nhưng gân guốc hơn, khí vũ hiên ngang hơn, bụi đường trường phủ trắng cả mi mắt. Đặc biệt là cái cười của Hoàng Mãnh vẫn là cái cười của hải tặc, của một hải tặc có đôi mắt nghịch ngợm, quỷ sứ. Hoàng Mãnh vén cửa lều trận, bước vào. Trần Nhật Duật đứng phắt dậy kinh ngạc mừng rỡ. Hoàng Mãnh cúi đầu thi lễ. - Kính lạy đức ông! Tiểu tướng ở ngự doanh về. Kính chúc đức ông sức khoẻ. Trần Nhật Duật bước ào tới. Hai anh em ôm choàng lấy nhau. Hai tấm hộ tâm phiến bằng đồng thau đính trên ngực áo chiến của hai người va vào nhau thành tiếng kim sắc, rợn. Hoàng Mãnh đem về cả tin mừng và tin buồn. Hoàng Mãnh mang về lệnh chỉ triệu Trần Nhật Duật ra ngay mặt trận phía bắc. Mờ sáng hôm sau, Trần Nhật Duật lên đường, dẫn theo cả đạo quân tinh nhuệ đầy hào khí Đông A trẻ trung của ông. Đội quân của Hoài Văn hầu đi tiên phong. Sáu trăm gã hào kiệt nhộn nhạo giương lá cờ sáu chữ hiên ngang, dùng ngựa tốt làm thông hiệu giữa các đô các vệ. Quân đi trong không khí hừng hực chiến chinh... Hoàng Mãnh đã kể lại cho Trần Nhật Duật nghe những tin tức chiến thắng mới nhất ở chiến trường Thăng Long. Quân địch sau những ngày hung hãn buổi đầu chinh thảo bây giờ phải dàn mỏng ra để che chở đường lương cỏ. Chung quanh hành trung doanh của Thoát Hoan ở ngoài Thăng Long, giặc phải lập một số đồn trại để phòng giữ. Nhưng quân ta ở khắp nơi đã dùng những đội quân không cần đông lắm mà đánh những trận hạ đồn nhanh chóng và đánh những trận mai phục kì diệu đến nỗi không một tên nào chạy thoát. Nhìn toàn cục mà nói, giặc mất hẳn cái linh hoạt vốn là điều mạnh nhất của giặc, còn ta tăng thêm thao lược chỗ thiếu nhanh chóng được thêm vào. Từ những trận đánh một vệ lên một quân vài ngàn người, các tướng đã mau chóng gom binh lực thành những đạo quân lớn, đánh dồn đánh ép tuyến đường huyết mạch của chúng từ Thăng Long về biên giới Việt - Nguyên. Tóm lại giặc mất quyền tấn công và bây giờ là quân ta ra tay, muốn đánh ở đâu, vào đâu, vào lúc nào, bằng bao nhiêu binh lực là do ta định. Nhưng Hoàng Mãnh cũng đem về những tin buồn. Trước hết phải kể đến gương hi sinh oanh liệt của Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng. Bằng một số quân ít chưa đầy năm trăm người, Trần Bình Trọng đã cầm chân đội quân giặc truy đuổi vua ta tới hơn một ngày. Thế quân chênh lệch quá, Trần Bình Trọng bị giặc bắt được và con người ấy đã ghi tên mình vào sử vàng của dân tộc bằng tấm gương tử tiết chứa chan hào khí Đông A. Nhà vua đã tặng tước vương cho tướng quân Bảo Nghĩa trước khi xuất trận. Tấm gương sáng của Bảo Nghĩa vương sẽ đời đời cho trai gái nước Việt soi chung. Bảo Nghĩa vương có một đứa em nuôi. Chú bé này vốn là một nô tì chăn ngựa của ông. Nhờ có chiến công và tính dũng cảm, chú bé được đức ông Bảo Nghĩa phóng thích khỏi kiếp nô tì và nhận làm em nuôi. Chính chú bé này đã đem lọt một mệnh lệnh cực kì quan trọng của Hành trung doanh vào Diễn Châu cho Thượng tướng quân Chiêu Minh Đại vương. Gương sáng ấy cũng cực kì chói lọi. Rồi đến tin Trần Ích Tắc, Trần Văn Lộng, Trần Tú Hoãn và vợ con đem nhau ra hàng tướng giặc Thoát Hoan. Theo sau lũ này còn có Tăng Uyên Tử, Tô Nghĩa Đông... những kẻ đầu hàng tới hai lần trong một đời người. Thật là một tin sét đánh ngang tai Trần Nhật Duật. Ông buộc Hoàng Mãnh phải kể lại một lần nữa tên những kẻ phản bội. Lần kể thứ nhất ông có cảm giác kinh hoàng và giận dữ, lần nghe thứ hai ông chỉ có khinh bỉ và ghê tởm. Cảm giác này lấn át cả những tin buồn khác. Trần Nhật Duật hỏi Hoàng Mãnh: “Quân thế đôi bên cũng có chênh lệch nhưng đã đến nỗi nào? Sao nhà ngươi không khuyên...?” Trần Nhật Duật ngập ngừng ông cũng không biết nên gọi Trần Ích Tắc bằng gì bây giờ. Hoàng Mãnh đăm chiêu: - Không! Đạo quân Đà Giang và Tam Đái Giang chưa có một tổn thất nào đáng kể. Trái lại nó đóng trong một vùng rừng núi kín đáo, giữ trận địa không khó cho lắm mà tiến sâu ra sau lưng địch như tướng mệnh không phải là không lập được công lớn. Rồi có thể từ chỗ đóng quân này dễ dàng đánh những trận xuyên hông quân giặc. Chỉ dùng một binh lực nhỏ nhưng vẫn thắng lớn được. - Thế thì... Hoàng Mãnh nhìn Trần Nhật Duật một lúc rồi tiếp - Chuyện đầu hàng xảy ra sau khi Thượng hoàng chẳng những không trị tội đức ông Hưng Đạo và anh mà còn giao thêm trọng trách. Thượng hoàng đã sai Minh tự Nguyễn Khoái đem hai quân túc vệ Thượng đô Tả và Hữu Thần Sách đến để đức ông sai phái. Từ lúc được tin ấy, em thấy ông ta mất hẳn vẻ thâm trầm, đâm ra vừa thảng thốt vừa bẳn gắt suốt ngày. Đến nửa đêm thì chuyện ấy xảy ra. Trần Nhật Duật gườm gườm nhìn Hoàng Mãnh. Ông không tiện hỏi dồn, cũng không tiện trách Hoàng Mãnh bởi vì Hoàng Mãnh chẳng có gì trách cứ được. Nhưng Hoàng Mãnh hiểu, vì Hoàng Mãnh còn lạ gì anh mình nữa. Hoàng Mãnh tiếp: - Chiều hôm ấy, ông ta ra lệnh gom các kho lương lập trong rừng đem xuống thuyền. Em đã trình ông ta là làm như thế lương sẽ dễ lọt vào tay giặc. Ông ta đã mắng em: “Mày là con nhà tôi tớ sao dám hỗn với ta?” (Trần Nhật Duật nhợt mặt ra). Em đáp: “Hiện nay tôi là phó quan lộ Đà Giang. Quan gia đã chẻ phù hình mây trao cho tướng mệnh này”. Em chìa nửa mảnh phù cho ông ta xem. Nhưng ông ta thét bọn tả hữu nanh vuốt của ông ta trói em lại. Cái thằng Đô Trâu, dũng thủ giáo luyện của ông ta trói em bằng dây cung tước nhỏ. Hoàng Mãnh im lặng. Trần Nhật Duật bồn chồn. - Cũng may, lúc chập tối, cái thằng ông mãnh Trịnh Mác thế mà tài, nó đem dũng thủ sơn cước sông Đà lọt vào hành doanh cướp được em ra. Nửa đêm ông ta đi. Đấy, việc như thế đấy. Như vậy bên cạnh sự hèn nhát phản bội của Trần Ích Tắc còn có một khát vọng cuồng nhiệt thầm kín mà xưa nay ông là em ruột cũng không biết. Hoàng Mãnh nói thêm: - Chẳng những thế, ông ta đã hiến một kế khốn nạn, vào cái lúc giặc vừa chiếm được Thăng Long. Khốn nạn đến thế nào ư? Ông ta tâu vua chọn mĩ nữ dâng Thoát Hoan để xin thằng này ngừng chiến. Đem cống mĩ nữ thì còn trời đất nào nữa? - Thế tả hữu không ai can anh ta à? - Anh lúc ấy đã lên đường đi châu Ái. Đức ông hoàng Ba thì đã ở Diễn Châu. Các tướng trí dũng phần lớn đang ở mặt trận cả. Quanh mình Thượng hoàng lúc đó chỉ có ông ta với bọn tham sống sợ chết. Cả cái thằng Tô Nghĩa Đông cũng hùn vào. Nó đem cái khí chất Nam Tống ra, lời nói thì như chuốt ngọc, yêu nước thương nòi mà kì thực thì chỉ xui người ta hèn nhát. Thành thử... - Sao? -...Thành thử Thượng hoàng nghe lời ông ta, Thượng hoàng sai cận thị Đào Kiên đem công chúa An Tư đi cống thằng Thoát Hoan... - Công chúa An Tư à? Trần Nhật Duật nhớ lại cô gái tài hoa xinh đẹp ấy, nhớ đến nước pháo song tiên, ngón đàn độc huyền, nhớ những vần thơ tình tứ ngang ngược của cô gái giả trai ra Phi Liêm hầu. Hoàng Mãnh chờ một lúc lâu. Anh ta hiểu tâm tính người anh đồng nhũ. Đã nói phải nói hết và sau đó có vì thế mà lòng dạ đau thương thì chí khí sẽ làm cho nó lành vết! - Theo hầu lệnh bà An Tư có sáu cô gái Thăng Long làm thể nữ. Một trong sáu người ấy là em Mơ. Trái với sự lo ngại của Hoàng Mãnh, Trần Nhật Duật chỉ hơi nhợt mặt đi, cặp mắt đẹp của đức ông hoàng Sáu thoáng cháy lên và ông ngồi im. Giờ lâu Trần Nhật Duật mới hỏi thêm: - Còn gì nữa? - Bẩm đức ông, hết rồi đó. - Hết rồi đó!... Hết rồi đó! - Trần Nhật Duật lẩm bẩm mãi mấy câu ấy... Đạo quân của Trần Nhật Duật đi mười hai ngày mới tới địa giới lộ Thanh Hoá Ngoại. Đội quân tiên phong cho thông hiệu về báo luôn một tin dữ nữa: Chương Hiến thượng vị hầu áo tía Trần Kiện và thằng phó quan Lê Trắc đã hàng Toa Đô rồi. Tên tướng giặc này đã đổ bộ vào lộ Thanh Hoá Ngoại và có một mũi nghi binh ở con kênh Cổ Khê. Nếu ở đây quan trấn thủ cũng đoán ra mưu giặc và không phải là Trần Kiện thì thằng Toa Đô phải tổn thất nhiều mới đặt chân lên nổi Thanh Hoá Ngoại. Chiêu Văn vương nổi giận, ông ra lệnh xốc cả đạo quân tiến lên Thanh Hoá Ngoại. Trời lúc đó đã sang đầu mùa hạ. Đợt gió tây đầu tiên trong năm đang thổi khô cây khô cỏ. Nóng như thiêu như đốt. Quân ta phải hành quân ban đêm, ăn ngủ ban ngày.