Một người Mông Cổ tên Minhuli có một đàn cừu. Một đêm sói lọt vào cắn chết quá nửa. Hôm sau, Minhuli đến vương đình kiện con sói. Khan (Nguyên Thái Tôn Uokhothai - người dẫn chú) hỏi con sói từ chỗ nào xông vào cắn đàn cừu? Đúng khi ấy đô vật Musolin bắt sống được một con sói ở ngay chỗ người kia nói, trói lại đem đến. Vương mua con sói với giá 100 soli, bảo người Mông Cổ: "Giờ giết con sói này cũng chẳng lợi gì cho nhà ngươi". Bèn cho Minhuli 1000 con cừu, nói: "Ta sẽ thả con sói này để nó kể lại câu chuyện với bạn bè và chúng sẽ đi nơi khác". Con sói được tha, dọc đường gặp lũ chó, bị xé xác, Vương cả giận, lệnh giết hết lũ chó. Khan nói với quần thần: "Ta cơ thể suy nhược, muốn cứu con vật để được trường sinh (trời) giáng phúc mà thoát nạn. Con sói không thoát khỏi lũ chó, ta cũng khó thoát khỏi hiểm nguy." (Ba Tư) Thixu Dodinh "Sử Tập. Uokhothai ký, phần ba" (Chu Lương Tiêu dịch chú) Cảm thấy ánh nắng xa lạ lọt qua khe hở cây cột chính, từ nóc lều chiếu xuống, Trần Trận mở mắt, nhìn thấy mảng trời xanh lạnh lẽo trên thảo nguyên. Cậu vùng dậy, khoác vội áo ngoài chui ra ngoài, đến chỗ con sói con. Vừa ra khỏi lều, cái nắng thảo nguyên khiến cậu lóa mắt. Quanbu cho đàn cừu mẹ cùng con ra khỏi chuồng. Không đợi dương quan hướng dẫn, đàn cừu bước chậm rãi, tự trèo lên sườn đồi trước mắt. Một đàn cừu khác cũng dẫn đàn con đến bãi cỏ phía tây gần đấy. Cừu chưa đẻ con rất ít, ì ạch bước đi. Trần Trận thấy Dương Khắc vẫn chưa đi, Quanbu đang bày cho Trương Kế Nguyên cách nhét cỏ khô vào bộ da sói hình ống. Hai bộ da đã được đặt trên chiếc xe bò bỏ không. Trần Trận lập tức đi về phía họ. Ông bố Quanbu ôm từ trong lều ra một ôm cỏ khô. Ông già cuộn cỏ khô thành từng nắm rồi thận trọng nhét vào bên trong bộ da cho đến khi căng phồng, to bằng con sói lúc sống. Ông già bảo, phải nhét căng để da không bị nhăn, ảnh hưởng tới chất lượng. Sau khi đã nhét đầy cỏ, Quanbu luồn sợi dây da nhỏ qua lỗ mũi con sói, hỏi Trương Kế Nguyên đã chuẩn bị cây thòng lọng bắt ngựa chưa? Trương Kế Nguyên nói đã chuẩn bị rồi. Ông bố Quanbu bước tới bên cỗ xe bò, chọn trong bốn năm cây sào gỗ lấy ra một cây thẳng nhất, dài khoảng sáu bảy mét rồi cột sợi dây da ở mũi bộ da sói lên đầu sào, sau đó đào một lỗ cách lều ba bốn mét, dựng cây sào có bộ da sói lên. Hai bộ da sói được phơi theo kiểu như thế, bay trước gió như cờ lệnh. Ông già nói: Phơi kiểu này vừa hong khô bộ da, vừa có ý khoe thành tích săn bắn của thợ săn Mông Cổ. Trước đây, khi nhìn thấy loại cờ hiệu này, bọn trộm ngựa, bọn thổ phỉ không dám đến gần. Hai ngọn cờ sói lạ lùng hấp dẫn tới mức Trần Trận, Dương Khắc và Trương Kế Nguyên không muốn đi nữa. Hai lá cờ sói bị gió xuân nâng lên theo phương nằm ngang trên không trung, những sợi lông rối bù được vuốt thẳng ép xuôi chiều trên mặt da, trông như một cặp sói sống đang phi trên thảo nguyên với tốc độ chóng mặt. Trần Trận hít hà: Sói chết, nhưng hình ảnh sói, linh hồn sói không chết. Hai con này vẫn như đang xung phong, khí thế hừng hực khiến mình sợ quá. Trần Trận giọng cảm khái, nói với Dương Khắc và Trương Kế Nguyên: Nhìn hai lá cờ sói này, mình lại nghĩ đến lá quân kỳ gắn hình đầu sói bằng vàng của tộc Độc Quyết ngày xưa. Xung phong hãm trận dưới lá quân kỳ này, các kỵ binh của thảo nguyên với dòng máu sói trong người, học từ sói ý chí kiên cường và sự gan dạ đi chinh phục thế giới. Trong lịch sử thế giới, kỵ binh Đột Quyết khôn ngoan dũng mãnh. Tây Đột Quyết sau khi bị nhà Đường đánh bật khỏi Trung Quốc, đã rất nhanh tìm được địa bàn mới và dần trụ vững, vài trăm năm sau đột nhiên quật khởi, thế như chẻ tre, đánh chiếm những nơi mà ngay cả Mông Cổ cũng chưa bao giờ chiếm được như thủ đô La Mã và Ai Cập cổ, thống nhất Trung và Tây Á, dựng nên một đại đế quốc Oxman trải dài từ Á sang Âu, chặt đứt con đường thông thương Âu - Á, dùng sức mạnh của quốc gia và sức mạnh quân sự đè đầu cưỡi cổ phương Tây trong khoảng một trăm năm không ngóc đầu lên nổi. Tất cả những nền văn minh tiên tiến bị xua đuổi. Sói rừng phương Tây bị sói đồng cỏ phương Đông đuổi ra biển Đen, ra khơi, ra đại dương, trở thành sói biển càng hung dữ. Họ đi trên những con thuyền già cỗi của châu Âu hoặc thuyền của bọn hải tặc vượt đại dương, tìm đường sang phương Đông. Kết quả, trong cái rủi có cái may, họ phát hiện ra đại lục mới - châu Mỹ, cướp được đất đai giàu có gấp mấy lần châu Âu, những con tàu chở vàng bạc của người Inca và người Indian tích lũy nguyên thủy cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Kết quả, sói biển phương Tây trở thành sói tư bản, sói công nghiệp, sói kỹ thuật, sói văn hóa lớn nhất thế giới, phản công trở lại phương Đông, đập tan đế quốc Oxman, cuối cùng đánh bại sói thảo nguyên già cỗi, còn con cừu nông danh phương Đông thì chẳng cói gì đáng bàn... Trương Kế Nguyên nói: Giờ đây tôi cũng cảm thấy khoa học về sói là một bộ môn lớn, đụng chạm đến nhiều vấn đề, chả trách cậu mê sói đến thế. Dương Khắc nói: Ba chúng mình đừng tự học chương trình đại học, đi sâu vào đề tài này cũng hay đấy. Quanbu nhìn ngọn cờ sói hồi lâu không chịu đi, nét mặt kính cẩn. Người già bảo: Dùng gió chải sạch bụi bặm trên lông sói nên lông không bị rụng. Gió thổi vài hôm là rất mượt, màu rất sáng, có thể chạy được rồi... Các cậu xem, hai con sói như đã sống lại, cùng nhau bay lên trời... thuận buồm xuôi gió nhé! Quanbu nhìn lần nữa hai ngọn cờ sói bằng ánh mắt thành kính, rồi mới đi thu dọn chuồng cừu. Trần Trận, Dương Khắc, Trương Kế Nguyên rối rít cảm ơn. Gió xuân trên thảo nguyên thổi mạnh, rít ù ù bên tai như tiếng gào khóc của đàn sói xa xa, lại như tiếng rên rỉ trầm lắng của chiếc đại phong cầm trong giáo đường Kito ở Bắc Kinh, khiến Trần Trận thấy lòng tê tái. Hai bộ da sói đón gió bay ngang trời, sắc lông vàng rộm, mượt như nhung, rực rỡ dưới nắng, đẹp như trang phục lễ hội. Hai con sói đùa rỡn ben nhau dưới bầu trời xanh, chốc chốc lại ôm nhau mà nhào lộn, thanh thản vì được giải thoát. Trần Trận không hề có cảm giác bên trong con sói toàn cỏ khô, trái lại, cậu chỉ thấy chúng có hồn và đầy sức sống. Khói bếp thoát ra từ nóc lều cuồn cuộn bay qua, hai con sói như đang rẻ mây bay lên trời, lên chòm sao Thiên Lang, lên thiên đường tự do mà chúng hằng ngưỡng mộ, đem theo linh hồn người thảo nguyên. Trần Trận ngước nhìn hai con thiên lang đến nỗi không còn nhìn thấy gì xung quanh, núi đồi, lều trại, xe bò và cừu đều không thấy, trong mắt cậu chỉ có cột cờ và cặp sói đang bay. Dòng suy nghĩ của cậu bị ngọn cờ cao vút dẫn dụ rời đồng cỏ, bay lên trời xanh. Cậu nghĩ, chẳng lẽ người ta trồng cây cờ sói chỉ để khoe thành tích chiến đấu? Phải chăng đó là một phương thức Saman theo một truyền thống xa xưa, nhằm siêu độ cho linh hồn sói, phải chăng đây là một nghi thức thiêng liêng mà dân tộc này biểu thị sự tôn sùng với tôtem. Trần Trận nhận ra cái cách cậu đứng nghiêm ngửa mặt lên trời cũng là một nghi thức, cậu đặt mình dưới bóng tôtem mà ngước nhìn lên. Tinh thần thảo nguyên và tín ngưỡng như không khí bao vây xung quanh cậu, chỉ cần linh hồn đang khát vọng là lập tức cảm thấy. Dương Khắc và Trương Kế Nguyên cũng ngước nhìn đến mỏi cổ. Trương Kế Nguyên nói: Chúng mình ăn mặc, sinh hoạt không khác dân du mục là mấy, ngay cả sắc mặt cũng giống. Nhưng tôi vẫn cảm thấy chúng mình chưa thật giống người thảo nguyên, căn lều của chúng mình có cái gì đấy chưa phải Mông Cổ. Bây giờ có cây cờ này, nhìn từ xa ai chẳng bảo căn lều chúng mình không phải lều Mông Cổ... Trần Trận xoa xoa cái cổ mỏi dừ, nói: Trước khi rời Bắc Kinh, mình vẫn thường hình dung Mông Cổ "trời cao ghê, đất rộng ghê, gió đè ngọn cỏ thấy cừu dê", cực kỳ thanh bình yên ổn... Sau đó mới biết "xalaca" là một bài ca của tộc Tiên Ty, thảo nguyên đích thực khắc nghiệt lắm, tinh thần thảo nguyên thực ra tập trung hết ở sói. Dương Khắc gật đầu: Tôi nghĩ rằng những bài ca phản ánh thật sự về tinh thần thảo nguyên không được lưu truyền, chỉ những bài hợp gu người Hán mới được sao chép truyền lại đến bây giờ. Tôi có hỏi một số mục dân, không ai nghe nói có bài ca đó. Trương Kế Nguyên mắt vẫn nhìn lá cờ sói, chân dạo quanh cột cờ mấy vòng, vẻ bức xúc: Ai cũng biết hai con sói này bị chó cắn chết. Mình là một mã quan Ơlon, nhất quyết phải tự tay giết một con sói, nếu không làm sao được mã quan? Nhị Lang thấy hai con sói bị nó cắn chết giờ đang bay trên trời thì nổi cáu, đứng trên hai chân sau mà sủa, nhưng hai con sói không sợ, tiếp tục bay. Con Nhị Lang đành chào thua, gương mắt mà nhìn hai con sói, nhưng ánh mắt đã dịu, hình như nó bắt đầu thích tấm chiến bào trên mình con sói. Đàn cừu đang đẻ đi xa dần. Dương Khắc khoác cái đẫy đựng cừu lên vai, lên ngựa đuổi theo. Đàn cừu có con nhỏ đang tản khai nhưng vẫn trong tầm nhìn của người và chó. Trần Trận bảo Trương Kế Nguyên: Cậu chỉ nhớ mỗi truyện diệt sói! Diệt sói! Đi, đi xem con sói con! Hai người đi về phía cái hố nhốt con sói. Trần Trận bê tảng đá chặn miệng hố ra chỗ khác, gỡ miếng ván. Con chó dưới hố vẫn ngủ ngon lành trên tấm da cừu, không hề nhớ giờ ti sữa mẹ. Nhưng con sói con thì đã ngồi xổm ngước nhìn trời, sốt ruột đợi ăn. Ánh sáng lọt xuống đáy hố khiến con sói rất phấn chấn. Nó đứng trên hai chân sau, dùng hai chân trước bám thành hố trèo lên, được vài tấc, rồi ngã lộn nhào xuống đáy. Nó nhổm ngay dậu, dốc sức trèo tiếp, những cặp vuốt còn non ghim chặt thành hố như con thạch sùng bò trên tường. Thành hố đất mủn, con sói lại rớt xuống, nó cáu tiết, ngước nhìn cái bóng đen trên miệng hố, giận dữ tru thành tiếng, trách bóng đen sao không đưa nó lên. Trương Kế Nguyên cũng là lần đầu trông thấy sói con sống, định đem nó lên xem cho đã. Trần Trận nói: Gượm hẵng, để xem nó trèo lên được không, nếu lên được phải đào sâu hơn chút nữa. Con sói sau hai lần ngã không dám trèo nữa. Nó bò quanh đáy hố, vừa bò vừa nghe ngóng như đang nghĩ cách. Bò mấy vòng, chợt phát hiện ra con chó, nó lập tức trèo lên lưng rồi lên mặt lên đầu con chó để lấy đà lên mặt đất. Đất vụn rơi đầy mặt đầy người con chó cún. Nó sực tỉnh, rên rỉ, rùng mình rũ bụi đất khiến con sói đứng trên mình nó ngã lăn. Con sói nổi cáu, quay lại nhe răng nhe lợi gầm gừ với con chó. Trương Kế Nguyên cười, nói: Con sói này tuy nhỏ nhưng chất sói không nhỏ. Xem ra nó rất thông minh. Trần Trận thấy mới có hai ngày mà màng mắt con sói đã mỏng đi nhiều tuy vẫn còn nước, nó đã lờ mờ nhìn thấy những gì trước mắt, huơ tay trước mặt, nó đã có phản ứng. Trần Trận xoè bàn tay chuyển sang đông, đầu con sói cũng ngoảnh sang đông; bàn tay chuyển sang tây, đầu con sói cũng ngoảnh sang tây. Để tập cho nó phản xạ có điều kiện, Trần Trận gọi nhỏ: Sói... con... ăn... cơm... nào! Con sói nghiêng đầu có vẻ sợ nhưng rất háo hức. Trương Kế Nguyên nói: Để mình xem nó còn ấn tượng gì về họ hàng nhà sói không? Nói rồi cậu khum lòng bàn tay che miệng, bắt chước tiếng tru của sói: U...u...u...! Con sói rúm người lại như bị động kinh, rồi sau đó điên cuồng dẫm đạp lên mình chó để trèo lên. Ngã xuống mấy bận, con sói đành cuộn mình nép sát vách hố như định rúc vào nách mẹ. Hai người cảm thấy bất nhẫn, lẽ ra không nên cho nó nghe thấy tiếng gọi của thế giới sói. Trương Kế Nguyên nói: Mình thấy nuôi con này không dễ. Sói ở vườn thú Bắc Kinh cách ly hoàn toàn với thế giớ nhà sói, có thể giảm dần sói tính. Còn trong điều kiện du mục nguyên thủy như ở đây, đêm nào cũng nghe sói hú sói gào, làm sao sửa được tính sói? Con này lớn lên không cắn người thì chớ kể! Cậu phải cẩn thận với nó. Trần Trận nói: Mình không chủ trương làm mất sói tính của con sói, nếu vậy chả còn ý nghĩa gì nữa. Mình chỉ muốn gần gũi con sói, có thể sờ mó nó, hàng ngày quan sát nó từ cự li gần, tìm hiểu đến nơi đến chốn chất sói của nó. Không vào hang sói làm sao bắt được sói con? Bắt được sói con rồi, càng không sợ sói cắn. Mình sợ nhất dân du mục không cho nuôi. Con sói vẫn cố trèo. Trần Trận nắm gáy xách nó lên. Trương Kế Nguyên nâng con sói trên lòng bàn tay, ghé mắt quan sát kỹ, lại còn dùng một tay vuốt ve. Lông con sói không thể chải mượt, vừa buông tay ra, chúng lại dựng đứng như cũ. Trương Kế Nguyên nói: Hay thật! Một mã quan như mình mà lại được vuốt ve con sói ở chỗ một dương quan như cậu. Mình đã hai lần cùng Lanmutrac đi đào bắt sói, nhưng đều về tay không. Ở Trung Quốc mà một người Hán có thể sờ mó một con sói sống tại thảo nguyên Mông Cổ thì thật hi hữu, chục vạn người chưa chắc đã có một. Người Hán ghét sói, ghét luôn cả tài năng của sói. Học được bản lĩnh của sói chỉ có dân du mục. Trần Trận tiếp lời: Trong lịch sử thế giới, người phương Đông mà đánh sang tận phương Tây, chỉ có ba tộc: Hung Nô, Đột Quyết, Mông Cổ. Còn người phương Tây đánh sang tận phương Đông đều là con cháu của các tộc du mục. Xây dựng thành La Mã cổ đại là hai anh em trai được sói mẹ nuôi, đến nay hình ảnh sói mẹ và sói con vẫn được gắn trên thành La Mã. Sau đó, các tộc Điều Đốn, Nhật Nhĩ Man, Anglo Xacxong càng hung tợn hơn, dòng máu sói chảy trong huyết quản các dân tộc lớn. Vậy nên tính cách nhu nhược của người Hoa Hạ chúng ta cần phải bổ sung dòng máu tiến thủ mạnh mẽ của sói. Không có sói, không thể có lịch sử thế giới như ngày nay. Không hiểu sói thì không hiểu được tinh thần và tính cách dân du mục, càng không thể phân biệt sự khác nhau và mặt yếu mặt mạnh của tộc du mục và tộc nông canh. Trương Kế Nguyên nói: Mình quả thực muốn biết vì sao cậu nuôi sói? Mình sẽ làm hộ mọi công việc đội giao cho cậu. Trần Trận ôm con sói đi về phía ổ chó. Khi con Ilua phát hiện con sói đang ti sữa của nó, nhân lúc Trần Trận không phòng bị, nó lập tức đứng dậy, quay đầu định cắn. Nhưng con sói ngậm chặt vú không nhả, bám dai như đỉa, rất giống cái bình đeo dưới vú, con Ilu xoay mấy vòng, con sói lủng lẳng xoay theo, Ilua mất bao công sức mà không sao ngoạm trúng. Trần Trận và Trương Kế Nguyên đứng bên vừa tức cười vừa bực. Trần Trận bóp nhẹ miệng con sói cho nó nhả vú ra. Trương Kế Nguyên cười, nói: Đúng là con quỉ hút máu! Trần Trận giữ con Ilua cho con sói bú no rồi đứng lên, bảo: Giờ là lúc cho chúng chơi với nhau. Hai người ôm bốn con béo mũm mĩm ra chỗ cỏ khô. Trần Trận thả con sói vào giữa đàn chó. Vừa tiếp đất, con sói bò rất nhanh về phia không có chó và người. Lũ chó con còn chưa đứng vững, bụng sát đất, bốn chân như bơi chèo, y hệt những con rùa có lông. Một con cún đực bò theo con sói, nó quay lại nhe răng gầm gừ đe dọa. Trần Trận giật mình: Khi đói thì ai có sữa nó nhận là mẹ, no rồi thì phớt tỉnh, không nhận nữa. Tuy chưa mở mắt nhưng mũi đã biết phân biệt, mình biết mũi sói cực thính. Trương Kế Nguyên nói: Mình nhận thấy con sói không coi đây là nhà của nó, chó cái không là mẹ của nó, lũ chó con cũng khôg phải là anh chị em nhà nó. Trần Trận nói: Lúc mới đào lên, nó còn giả chết nữa kìa! Hai người đi theo con sói một khoảng cách chừng bốn năm mét, tiếp tục quan sát hành vi của nó. Con sói bò càng nhanh trên tuyết vụn và cỏ khô được vài chục mết thì dừng lại, bắt đầu ngửi mọi vật xung quanh: phân ngựa, phân bò, khúc xương, tất cả những thứ nổi cộm trên cỏ khô. Có thể nó chỉ ngửi thấy mùi phân và nước tiểu của chó nên bỏ qua, tiếp tục ngửi. Trần Trận và Trương Kế Nguyên đi theo con sói hơn trăm mét, nhận thấy con sói không bò vu vơ, nó có mục tiêu rõ rệt: Tránh xa các lều trại, chuồng cừu, hơi người, hơi chó, hơi súc vật. Trần Trận cảm thấy con sói chưa mở mắt mà đã có đầy đủ bản năng và thiên tính đáng sợ và đáng nể trọng. Trong giới sinh vật, Trần Trận khâm phục loài chim sẻ, nổi tiếng vì không thuần dưỡng được. Hồi nhỏ, cậu đã từng bắt chim sẻ về nuôi, lớn nhỏ có đến mười mấy con, nhưng chúng đều nhắm mắt tuyệt thực kể cả nhịn uống nước, không còn tự do thì chúng thà chết chứ không chịu nhục. Trần Trận chưa nuôi sống đuọ chim sẻ dù chỉ một con. Nhưng sói thì lại khác. Sói coi trọng tự do và cũng coi trọng mạng sống. Bị bắt, sói vẫn ăn ngủ như thường, không những không nhịn, trái lại ăn càng khoẻ, ngủ càng đẫy, và chỉ rình thời cơ để chạy trốn, giành lấy cuộc sống mới và tự do. Trần Trận thấy chỉ các đấu sĩ bị giam trong các hang động bẩn thỉu mới có tính cách và phẩm chất ấy. Nhưng họ so với cả tộc người thì chỉ là những hạt vàng trong cát, còn tính cácn này ở sói thì rất phổ biến, thấm từ trong máu, đời trước truyền cho đời sau, không một ngoại lệ. Mà những con sói có đầy đủ tính cách ấy lại là thần linh, tôtem, thần chiến tranh và tôn sư, thì khó có thể tưởng tượng ảnh hưởng của chúng đối với dân tộc đến mức nào. Thường nói sức mạnh của tấm gương là vô cùng vô tận, nhưng sức mạnh tinh thần của tôtem còn cao hơn tấm gương nhiều, nó được đặt ở vị trí thần linh. Trần Trận nhìn con sói mà sinh lòng cảm kích. Tấm thân tuy bé nhỏ nhưng nó đã dẫn đường cho cậu vén lên bức màn che khuất nghìn đời, đi thẳng vào những bí mật lớn của thảo nguyên. 0O0 Quanbu phóng ngựa tới gọi Trần Trận đối chiếu số cừu non. Đa số những con cừu non đang ngủ giữa đàn cừu, cừu mẹ thì đang tha thẩn gặm cỏ. Trần Trận đem con sói về chỗ ở của nó, rồi lên ngựa tới chỗ đàn cừu. Hai người gom đàn cừu lại. Gần hai nghìn con cừu lớn nhỏ, cừu mẹ gọi cừu con, cừu con gọi cừu mẹ, tiếng be động trời như có sói xông vào đàn. Hai người dùng thòng lọng cản hướng đàn cừu định đi, sau đó thu nhỏ lại thành một cửa khẩu, gần một ngàn con cừu non, cừu mẹ nào nhận đúng con rồi thì cho qua, cừu mẹ nào nhận sai thì bắt quay lại tiếp tục tìm. Trần Trận đã nhận biết chính xác con cừu mẹ nào nhận sai con. Chỉ cần nhìn con nào be rầm lên mà không ngó ngàng đến con cừu non bên cạnh, thì dứt khoát không cho qua. Từng cặp mẹ con sau khi qua cửa khẩu, cừu non liền quỵ hai chân trước ngẩng lên ti sữa mẹ, cự mẹ nhìn con bằng ánh mắt hiền từ. Hai người chỉ cần bỏ ra một tiếng đồng hồ là khớp xong mẹ con đàn cừu, ngày hai lần, mỗi lần khớp một lần cho bú. Nếu không khớp thì những con cừu không mẹ sẽ chết đói. Khớp đàn cũng là lúc đếm cừu, tìm ra những con sợ nắng, rúc vào hang chuột để ngủ. Không đếm thì mất cừu lúc nào không biết. Có lần Trần Trận thấy thiếu, liền đi tìm quanh, cuối cùng lôi ra ba con ngủ trong hang chuột. Quanbu rất bằng lòng về đàn cừu. Anh nói: Ơlon cỏ nước đầy đủ, cừu mẹ nhiều sữa đều nhận con, đỡ tốn sức cho một lần khớp đàn. Nếu như cỏ xấu, cừu mẹ không sữa, không nhận con để cho bú, thì dù có huy động tất cả lao động hát bài khuyến mãi ca, giỏi lắm một ngày chưa bú được một lần. Một trận bạch mao phong tràn về, mấy chục nghìn con cừu chỉ vài ngày là chết đói chết rét, họa sói có lớn đến mấy cũng không bằng tai họa do con người và thiên tai gây ra. Ban lãnh đạo cũ của Ơlon giỏi, hiểu thảo nguyên, hiểu sói, mối quan tâm lớn nhất là cỏ, là đồng cỏ, chứ không phải đàn cừu. Vấn đề then chốt mà tốt thì những chuyện như khớp đàn sẽ tốt theo. Các dương quan ở Ơlon đừng lo, vài ngày nữa một mình tôi có thể khớp đàn... Trần Trận hiểu ra, Quanbu không cần đến từng nhà mà vẫn nắm vững tình hình của cả mục trường.