Trần Tạo tự Quý Thường, người đời nhà Tống, quê ở Vĩnh Gia. Vợ của Trần họ Liễu vốn có tính ghen dữ ghê gớm. Quý Thường rất sợ vợ nhưng rất có lòng tôn sùng đạo Phật. Hằng ngày ngồi đọc kinh, vợ lấy làm bực, la hét om sòm, nhưng Trần vẫn điềm nhiên, không dám cự một tiếng.Tính của Trần cũng hào hoa, bằng hữu nhiều, nên ở nhà thường có yến tiệc. Để tăng phần hứng thú, long trọng của buổi tiệc, Trần chiều khách, mời kỹ nữ xướng ca. Liễu Thị trong phòng mượn điều này, điều nọ, quát tháo om sòm. Trần có lúc hốt hoảng, cầm gậy nơi tay bỏ rơi mất gậy. Bạn thân của Trần là Tô Đông Pha, nhân đó làm một bài thơ đùa cợt: Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền, Đàm không thuyết pháp dạ bất miên. Hốt văn Hà Đông sư tử hống, Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên.Tạm dịch: Ai hiền bằng thầy đồ Long Khâu, Đọc kinh thuyết pháp suốt đêm thâu, Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống, Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu."Hà Đông sư tử" chỉ người đàn bà ghen dữ tợn.Tô Đông Pha dùng hai tiếng "Hà Đông" là mượn câu thơ của Đỗ Phủ: "Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu" (cô gái Hà Đông người họ Liễu) vì vợ của Quý Thường cũng họ Liễu. Và tiếng "Sư tử" do lời trong kinh Phật: sư tử là chúa loài thú, mỗi khi rống lên thì các thú vật đều khiếp đảm để vừa chỉ tính ghen dữ của Liễu Thị, vừa chỉ Quý Thường là một tín đồ đạo Phật.Tú Xương trong bài thơ vịnh cảnh lấy lẽ, có câu: Hậu hạ đã cam phiền cát lũy, Nhặt khoan còn ỏi tiếng Hà Đông.