Nước Nam vào thời kỳ Nam Bắc phân tranh (1528-1788). Từ Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê đến nhà Lê trung hưng, nước Nam lại chia làm hai miền: Bắc thuộc họ Trịnh, Nam thuộc họ Nguyễn. Dưới quyền khống chế của họ Trịnh, vua Lê chỉ còn hư vị. Nguyên từ khi họ Trịnh giúp nhà Lê trung hưng lên ngôi chúa về sau, đất kinh kỳ chỉ dùng lính ở ba phủ: Thiệu Thiên, Tỉnh Gia và Hà Trung thuộc tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An gọi là lính Tam Phủ hay cũng gọi là Ưu Binh để làm quân túc vệ. Lính này rất cậy công làm nhiều điều trái phép. Đối với họ Trịnh, nhứt là chúa Trịnh Tông, lính này tỏ ra "dày công hãn mã" hơn nữa, nên chúng càng hoành hành. Vì Trịnh Sâm say đắm nàng Đặng Thị Huệ (tục gọi bà Chúa Chè), bỏ con trưởNg là Trịnh Tông mà lập con của Thị Huệ là Trịnh Cán làm chúa. Bọn lính Ưu Binh này phò Tông, làm một cuộc đảo chính, giết Quận Huy (Hoàng Đình Bảo), lật đổ Cán, đưa Tông lên ngôi. Thôi thì từ đó, lính Ưu Binh có tiếng gọi là Kiêu Binh, mặc sức hống hách. Ngay đến chúa cũng sợ họ như cọp. Hàng ngày họ họp nhau lại một chỗ để cùng làm việc triều đinh. Rồi họ viết giấy đệ vào triều nói thẳng việc này nên để, việc kia nên thay. Nhiều khi những việc vô lý, họ cũng bắt buộc triều đình phải làm. Họ lại còn xin gia ơn này ơn khác, không biết thế nào là đủ. Trong triều có ai bàn chuyện phải chăng thì họ dọa sẽ phá nhà, đánh chết. Những lúc xử kiện, có khi họ nhận bên nguyên cáo là người của họ; có khi họ nhận bên bị là người quen rồi ép các người đương sự thay đen đổi trắng. Những người có quan hệ đến họ, nếu có kiện ai, thì họ bắt luôn người ấy và tự đưa ra xử đoán, không cần gì đến quan chức! Các quan đều phải nhịn hơi nuốt tiếng, không dám động chạm đến họ. Triều đình bàn nên xét công ban thưởng trọng hậu, tỏ ý đền ơn cho họ để họ đều được mãn nguyện, rồi sau sẽ dùng phép vua trị họ dần dần. Bọn Kiêu Binh được trọng thưởng bấy giờ mới bảo nhau: - Chúng ta đã phò ông ấy làm chúa thì cũng đừng làm quấy nhiễu quá, để cho ông biết làm chúa là vui. Chớ xem sau này dần dần thuận cảnh, ông ấy cư xử ra sao. Nếu mà gàn rỡ thái quá, bấy giờ mình sẽ liệu cách mà trị. Quyền mình nguyên vẫn là lính kia mà. Một hôm trong đám Kiêu Binh có 4 tên lính cưỡng bách một người lái buôn ở Đông Hà để mượn chiếc thuyền bị người đội trưởng phát giác. Cả bốn tên đều bị xử chém. Bọn Kiêu Binh thán oán cho là hình phạt quá nặng, nhưng vì việc đó tự họ trót bới ra nên đành phải im. Triều đình tự đắc cho là họ đã nép oai, trừng trị họ được. Nhân thái tử Lê Duy Vĩ bị bịnh, Trịnh Sâm bức thắt cổ chết, con là Duy Kỳ bị bắt giam trong ngục Đề Lĩnh, khi Kiêu Binh lập Tông làm chúa thì đem kiệu đến tận nhà giam đón Kỳ về. Tông bị ép nên cùng triều đình lập Kỳ lên ngôi Đông cung, tức Hoàng tự tôn. Kiêu Binh nhân đó kể công, làm giấy tâu lên vua Lê để cầu ân huệ. Nhà vua tuyên chỉ ủy lạo cả bọn. Lại truyền đãi tiệc và bàn cách thưởng công. Giữa lúc bọn Kiêu Binh họp ở trên điện ăn uống, có người chạy đi báo tin với chúa Trịnh Tông. Tông bàn với Quốc sư Nguyễn Khản và Quốc cựu Dương Khuông (em của Dương Thái phi, cậu của Tông). Cả hai chủ trương đem quân vây bắt và giết đi. Tông liền sai Chiêm Vũ hầu đi bắt. Chiêm Vũ vốn có can đảm và sức khỏe, xách gươm ra thẳng cửa phủ. Vừa đi vừa tuốt gươm ra, Vũ sờ vào lưỡi gươm, tự hào nói: - Sắc. Gươm ta sắc. Gươm ta chém được đầu Kiêu Binh. Đoạn dẫn quân đến bao vây. Bọn Kiêu Binh còn đương ăn uống chè chén, nghe tin có lính bắt, ai nấy hỏa tốc chạy trốn. Chiêm Vũ bắt được 7 tên đem về phủ. Tông nghe lời Khản và Khuông đem ra xử tử. Lúc ấy trong triều, ngoài quê đều lấy làm khoái! Bọn Kiêu Binh cả thảy lấy làm oán tức. Họ lại họp nhau bàn bạc. Có người nói: - Ngày nay được có triều đình, khiến cho vua tôi ngồi yên mà hưởng phú quí đều là sức của chúng mình. Thế mà... chẳng ơn thì chớ lại còn xem là kẻ thù, động một tí là cho đè nén. Nếu cứ nấn ná nén nhịn, khiến cho cái mưu "bẻ đũa" của họ được thành, thì rồi bọn mình không mặt nào sống sót. Lại có người chêm vào: - Chúng ta không biết "bẻ", chỉ biết "đả". Vậy hãy mau mỗi người đấm cho bọn họ một cái để họ đi theo Quận Huy, thử xem họ có bẻ nổi hay không? Rồi họ hẹn hôm sau, khi tan triều sẽ khởi sự. Các quan trong triều bắt được tin, bán tín bán nghi. Sáng lại, Dương Khuông và Chiêm Vũ hầu đi lén vào phủ chúa. Nguyễn Khảm đóng cửa nằm nhà, không dám vào triều. Tan triều, bọn Kiêu Binh chia nhau đi vây các dinh. Vào nhà Dương Khuông và Chiêm Vũ hầu không thấy hai người, bọn họ tức thì hò nhau phá nhà. Chỉ trong chốc lát cả hai tư dinh đó hóa thành đất bằng. Nguyễn Khảm bắt được hung tin, hoảng hốt thay đổi y phục, theo ngõ tắt chạy trốn thoát được. Còn nhà cửa đều bị Kiêu Binh phá tan tành. Không bắt được ba người, lòng càng căm tức. Họ dò được tin quốc cựu Dương Trung và Chiêm Vũ hầu trốn trong phủ chúa, bèn cùng chia ra chắn kín cửa phủ. Đoạn cho một bọn kéo vào phủ đường đòi Tông đưa hai người ra cho họ. Tông bảo là không có. Họ nói: - Hai thằng ấy trốn vào phủ, đã có người thấy rõ ràng. Người ta còn nhớ cả giờ chúng đi vào nữa, thế mà chúa còn chối à? Xưa nay chúa nói dối bao giờ? Dương Thái phi vừa khóc vừa nói: - Cái thân góa bụa nhờ có ba quân phò chúa mới được thế này. Xin chư quân hãy tha mạng hắn cho già được vẹn tình cốt nhục. Bọn Kiêu Binh quát to: - Tha mạng cậu cấy à? Thế còn hôm nọ bảy mạng chết, ai tha? Nếu còn cố giấu, cung khuyết sẽ hóa thành tro lập tức. Tông và Thái phi hoảng sợ quá cùng ngồi xuống đất, chấp tay vái lạy. Bọn Kiêu Binh lại nói: - Không nói chuyện với đàn bà, chỉ nói chuyện với nhà chúa mà thôi. Tông nói: - Bức nhau thế này, thà rằng đừng lập làm chúa cho rảnh. Họ lại nói: - Tưởng rằng chúa muốn nên mới cố lập. Không muốn thì có ai ép. Một người trong bọn chêm vào: - Nói làm gì nữa? Hãy hạ xuống bệ... Tông sợ quá không dám hó hé. Bấy giờ trời sẩm tối, bọn Kiêu Binh bảo nhau giải tán. Trước khi ra về, họ còn nói dọa: - Bắt chúng ví như bắt cá. Nước sâu thì cá còn lặn. Ngày mai tháo cho cạn nước, thử xem nó có mà bay lên trời. Đêm ấy, họ canh phòng cửa phủ rất cẩn mật. Tông bàn với Thái phi là phải mất nhiều của tiền đút cho chúng, may ra mới xong. Thái phi đồng ý. Biết có tên thư lại tên Nhưng Thọ vốn đứa xảo quyệt, bọn Kiêu Binh bàn việc gì cũng phải hỏi nó, nên Tông đưa cho một ngàn lượng bạc, nhờ nó làm sứ giả phân chia cho chúng. Tông còn hứa "công việc xong sẽ còn trọng thưởng." Hôm sau, Kiêu Binh lại kéo sát vào phủ. Tông và Thái phi lại ra yêu cầu. Họ nói: - Việc gì phải lắm lời. Cứ vào cửa cấm lùng khắp tòa phủ rồi túm búi tóc lôi ra, hỏi xem cái nắm đũa ấy bẻ được mấy chiếc. Nhưng Thọ ra hòa giải. Quân lính vốn sẵn tham lợi nên dịu giọng nói: - Đã thế thì tha cho em ruột Thái phi. Nhưng còn Chiêm Vũ là người giữa trời, chúng tôi phải xin mỗi người một miếng thịt để nhắm rượu, rồi sẽ giải tán ngay. Tông nói: - Tha thì tha cả. Sao lại còn phân biệt người nọ người kia. Bọn họ giận nói: - Nhà của chúa nếu còn quanh co che chở Chiêm Vũ, hễ chúng tôi điên tiết thì cả Quốc cựu cũng không thể thoát. Tông sợ quá cho người đến an ủi Chiêm Vũ và khuyên phải ra. Chiêm Vũ trốn trên Lân Các bất đắc dĩ phải trèo xuống thang ra mắt Tông và nói: - Chết thì chết, nhưng thần xin đôi tay đôi thanh kiếm, đánh với chúng nó một trận, giết chơi vài ba trăm đứa cho hả cái giận của nhà chúa. Tông khuyên giải: - Không nên. Như thế chỉ làm cho Thái phi kinh sợ, quả nhân cũng chẳng được yên. Tông khóc, đoạn hứa với Chiêm Vũ là sau khi Vũ chết, sẽ cấp một ngàn mẫu ruộng làm của nối đời, và phong làm phúc thần, bắt dân 10 làng thờ cúng. Tông lại tự viết 6 chữ "Trung nghĩa tráng liệt đại vương" đưa cho Chiêm Vũ. Vũ quỳ xuống nhận lấy, vo tròn mà nuốt rồi lạy tạ Tông bước ra. Khi qua điếm Tiểu Bút, Chiêm Vũ bị bọn Kiêu Binh lôi kéo hỏi: - Gươm sắc của mày ra sao? Chiêm Vũ đáp: - Ta không thể dùng thanh gươm đó chém đầu chúng bay là theo lịnh chúa và vì xã tắc đó thôi. Nhưng mà chẳng lâu gì đâu! Chúng toan đánh. Vũ bảo: - Đây là cấm địa, không thể làm việc vũ phu. Hãy để tao ra cửa phủ ngồi yên, tha hồ chúng bay muốn làm gì thì làm. Rồi Chiêm Vũ khoan thai bước đến cạnh cầu đá, ung dung ngồi xuống mặt đường, bảo bọn Kiêu Binh: - Đứa nào muốn làm gì tao, cứ việc mà làm. Bọn Kiêu Binh lấy gạch đá đập mãi vào đầu. Máu chảy đầy mặt. Chiêm Vũ ngồi yên không động, khẽ lấy tay lau mặt, vừa cười vừa nói: - Bây giờ tao không thi võ nhưng vẫn còn thi can đảm. Một tên Kiêu Binh đứng sau dùng dao đâm thẳng vào lưng, bấy giờ Chiêm Vũ mới ngã chết. Vậy mà chưa hả giận, bọn Kiêu Binh lại buộc chúa Trịnh Tông phải xử án trước. Tông bất đắc dĩ phải thi hành. Nguyễn Khản, Dương Khuông đều bị bãi chức làm dân. Bảy tên Kiêu Binh bị chém ngày trước đều được đền mạng. Từ đó bọn Kiêu Binh càng ngông nghênh. Tại các đường phố, họ cứ dắt tay nhau đi. Các vị vương hầu vừa thấy bóng dáng của họ từ xa là phải quay xe lại đi đường khác. Oai tợn như thế đó, nhưng rất buồn cười là khi chúa Tây Sơn Nguyễn Huệ đem binh từ miền Nam đánh ra, chúng nghe hơi đã run, chưa thấy bóng dáng là đã cuốn vó co giò phóng chạy. Dân chúng đã sẵn căm thù, nên chúng lẻ tẻ chạy đến đâu là bị dân bắt giết. Hợp cũng không oai danh mà rã cũng không oai danh!