Buông đũa đứng dậy, Phong nói: - Ăn mãi mấy món này chắc chết quá Thi ơi! Mai đổi món gì khá khá hơn coi. Tròn mắt lên, Thi ấm ức: - Ba món canh, xào, mặn đầy đủ mà anh còn chệ Đúng là quý tộc thời đại. Phong lên giọng kể cả: - Quan trọng là chất lượng. Đĩa đậu xào của em có được ba miếng thịt mỡ, hai con tép. Ai ăn cho nổi, sắp thi tới nơi mà không được bồi dưỡng, làm sao có sức học chứ? Minh Thi chan canh vào chén: - Anh nói với mẹ ấy. Tiền thì ít mà đòi cao lương mỹ vị. Anh thử đi chợ một ngày cho biết. Phong xoa cằm: - Tao không nói cho tao, chỉ tội ông Quang dạo nầy ốm nhách kìa! Đang cắm cúi ăn. Quang ngừng đũa: - Anh chả đòi hỏi gì hết. Đừng lấy anh ra làm bình phong. Dạo này buôn bán ế ẩm, mẹ lo đủ thứ, đừng bắt mẹ lo thêm nữa. Ăn uống như vậy là đủ rồi. Móc trong ví ra một xấp tiền, Phong bảo: - Em cầm lấy mà mua thêm đồ ăn. Minh Thi kêu lên: - Sang nha... nhưng tiền ở đâu vậy? Tới tủ lạnh rót cho mình ly nước, Phong có vẻ tự hào: - Mánh mung chút đỉnh với bạn bè là có ngay. Quang nhíu mày: - Mánh gì vậy? Phong cười cười: - Bí mật! Cầm xấp tiền lên, Minh Thi đếm rồi la: - Năm trăm ngàn! Xịn thiệt ta ơi! Quang hất hàm:- Trả lại cho nó! Phong xụ mặt: - Kỳ không, tiền mà chê à? Quang đanh giọng: - Tao muốn biết mày làm gì ra tiền? Dạo này mày ăn diện dữ đấy? Phong cáu kỉnh: - Làm ăn thì phải lịch sự, bảnh bao. Tôi không làm gì phạm pháp đâu mà anh hỏi. Quang hăm he: - Tuần sau ba về. Mày liệu stop cái mục đi đêm lại đi. Ba thấy mấy thằng bạn đeo bông tai của mày là không ổn đâu! Phong khinh khỉnh: - Ấy vậy nhưng bạn tôi không có vấn đề như bạn anh đâu. Quang nhíu mày: - Mày định ám chỉ điều gì? Phong khinh khỉnh: - Bạn anh, thằng Lâm đó, nó là người thế nào? Anh biết không mà hết dẫn vào ăn phở tới đưa về nhà vậy? Câu hỏi bất ngờ của Phong không chỉ làm Quang chú ý mà cả Minh Thi cũng quan tâm. Cô buột miệng: - Ảnh là người thế nào? Anh nói đi! Phong vênh mạt lên: - Nó là một dạng sống bám vào đàn bà... Quang nuốt vội miếng cơm trong miệng: - Sao mày biết? Vẫn giọng chắc như bắp, Phong nói: - Thì tôi gặp nó với bà bạn dì Út. Minh Thi vội hỏi tới: - Sao anh lại gặp được? Phong cao giong: - Tao tới nhà đưa thuốc dì Út mua giùm và thấy nó ở trỏng. Chiễm chệ, lạnh lùng như ông chủ nhỏ, nó nhìn tao bằng cái nhìn ác cảm lẫn nghi ngờ, ganh tức. Quang thở hắt ra: - Chỉ vậy thôi sao mày bảo Lâm bám vào đàn bà? Khịt mũi, Phong trả lời suông sẽ: - Vì người đàn bà đó là hạng thích cặp với con trai mà, nhớ tới ánh mắt Lâm nhìn bà ấy rồi nhìn tôi mà ớn... Thấy Quang và Thi như nghi ngờ lời mình, Phong làm ra vẻ cáu kỉnh: - Không tin cứ hỏi dì Út về bà Tuyên, bạn dì đi thì biết! Hừ! Hôm đó chắc nó cũng tưởng tôi như nó... Minh Thi đứng dãy: - Em không tin anh Lâm là người như anh nói. Phong cười khẩy: - Mày thì biết gì về bọn đàn ông thời buổi bây giờ chứ! Quang im lặng, anh nhớ tới thái độ của Lâm trước đây mà xốn xang. Đúng là Lâm không bình thường khi anh đề cập tới chuyện... bám váy đàn bà. Nhưng nếu Lâm đúng như thế, tội vạ gì hắn phải làm thêm ở công ty xuất khẩu Phong Lan? Giọng Phong lại vang lên thật sốc: - Anh liệu mà lo bản thân anh đi. Ba sẽ nghĩ gì khi thấy anh sắp thi tốt nghiệp đến nơi, nhưng anh lại đàn đúm với hạng như thằng Lâm? Quang thấy nóng mặt vì những lời có vẻ lên lớp của em trai. Anh cứng rắn: - Tao sẽ tìm hiểu xem có phải Lâm là người như mày nghĩ không. Dù sao cho tới bây giờ nó vẫn là thằng bạn tốt của tao. Chơi với nó, tao học được nhiều cái haỵ Dù đó ba có hỏi, tao vẫn an tâm vì chả có vấn đề gì hết. Phong xoa cằm: - Khi có vấn đề là đã muộn rồi. Quang lạnh lùng: - Chuyện bạn bè của tao, không cần mày mách lẻo với ba mẹ. Phong nghênh lại: - Bạn bè của tôi cũng thế. Đừng bao giờ nghĩ anh là người lớn, còn tôi là con nít nghen. Dứt lời Phong nghênh ngang bước lên nhà trên vẻ mặt tức tối của Quang và hoang mang của Minh Thi. Cô rụt rè hỏi: - Những lời của ông Phong nói có nên tin không? Quang nhăn mặt: - Chậc! Anh không biết tại sao Phong lại nói thế, nhưng đúng là có nhiều điều anh chưa rõ về Lâm. Dù sao anh cũng tin vào trực giác của mình. Thi ngập ngừng: - Em cũng vậy! Quang nhún vai: - Tiếc rằng trực giác là một thứ mơ hồ nhất. Em phải đa nghi mới sống được ngốc ạ! Minh Thi im lặng. Cô máy móc dọn dẹp bàn ăn, máy móc rữa chén bát. Những lời của hai ông anh khiến Thi có cảm giác Lâm hết sức xa lạ với mình, dù thỉnh thoảng gặp nhau trong sân trung tâm sinh ngữ, cô và anh vẫn trò chuyện với nhau. Tiếc rằng qua những lần trò chuyện ấy, Thi vẫn chưa hiểu hơn về Lâm. Chuông điện thoại vang lên từng hồi kéo Thi khỏi cơn mê không lối thoát. Cô nhấc máy và nghe giọng bà Điệp vang lên: - Minh Thi phải không? Đừng có đi đâu nhé! Một lát dì sẽ ghé đấy! - Nhưng mà... Thi chưa nói hết câu bà Điệp đã gác máy. Quang từ trên lầu hỏi vọng xuống: - Ai gọi vậy? - Dì Út bảo một lát sẽ ghé. - Chi vậy? Minh Thi nhún vai: - Em không biết! Hy vọng dì ấy đừng lôi mình vào trò chơi mới nào nữa. Em sợ các trò ú tim của dì Út lắm rồi. Quang bước xuống cầu thang: - Anh lại cho rằng những trò chơi nghịch ngợm ấy hợp với em. Chẳng phải là hôm trước em rất khoái mang quà sinh nhật đến cho ông Thuần sao? Minh Thi cong môi: - Giờ nghĩ lại em thích chơi trò chơi của chính mình bày ra hơn. - Như trò chơi gì? Thi ngập ngừng: - Chẳng hạn em vờ nói với Lâm rằng bà Tuyên tới nhà mình chơi. Bà ấy không tiếc ca tụng Lâm trước anh Phong và mọi người. Quang nghiêm mặt: - Em định đùa với lửa chắc? Thi phụng phịu: - Vậy thì thôi! Rồi cô ấm ức nói tiếp: - Đùa với lửa mới có cảm giác mạnh chứ! - Chỉ sợ em chưa biết cảm giác ấy thế nào đã bị lửa thiêu cháy rồi. Tóm lại với Lâm, em không nên đùa, cũng như đụng chạm đến cõi riêng tư của hắn. Minh Thi chưa kịp cãi lại Quang thi chuông ngoài cổng reo vang: Cô ngồi xuống salon: - Anh mở cửa cho dì Út đi! - Sao lại là anh? - Thì anh lớn... Quang ngồi xuống ghế đối diện: - Lớn mới miễn làm gác cổng. Em ra mở cửa đi tiểu nha đầu! Khoang tay lại, Thi thách thức: - No! Chuông cửa lại reo vang, Minh Thi liếc Quang một cái rồi dùng dằng đứng dậy giọng lầu bầu: - Có được hai ông anh, ông nào cũng sanh ranh với em từng chút. Rõ chán! Mở rộng cửa ra, Thi bất ngờ khi thấy người vừa bấm chuông không phải dì Út, mà là Lâm. Vẫn nụ cười kêu ngạo cố hữu, anh thản nhiên nhìn Thi và hỏi: - Có Quang ở nhà không cô bé? Thi chớp mắt: - Có ạ! Mời anh vào! Vừa đi, cô vừa gọi to: - Anh Hai ơi! Bạn tìm kìa! Giọng Quang vọng ra: - Thật hông đó nhóc? Ai mà tìm anh vào đúng ngọ thế nhỉ? Lâm lặng lẽ bước vào phòng khách trưóc sự ngạc nhiên của Quang. Anh đứng dậy kéo ghế cho Lâm: - Vậy mà tao tưởng Thi chọc tao chớ. Có gì rắc rối hả? Lâm ngồi xuống: - Không! Tao đi ngang, tiện đường mang tới cho mày mấy băng nhạc, mấy tuyển tập truyện ngắn. Quang nhíu mày: - Ủa! Tao mượn mày hồi nào vậy? Lâm chưa kịp trả lời. Minh Thi đã nói: - Em mượn đó! Quang hấp háy mắt: - Thì ra là vậy! Minh Thi cao giọng: - Bộ hổng được hả? - Được quá đi chớ! Anh chỉ thắc mắc không biết Lâm tìm em hay anh đây? Thi vội vã nói: - Ảnh tìm anh và luôn tiện cho em mượn những thứ này. Trả lời như vậy ổn rồi chứ? Lâm lãng đi: - Bác gái chưa về à? Quang gật đầu: - Ờ! Thằng Phong cũng đi. Ở nhà chỉ có hai anh em tao. Giờ có thêm mày, mình đấu khẩu tay ba cũng vui. Thấy Minh Thi mân mê những cuốn sách, Lâm liền nói: - Hy vọng những tựa sách này hợp gu của em. Minh Thi hớn hở: - Toàn là những truyện em thích, cám ơn anh! Quang nhắc nhở: - Người ta đội nắng đạp xe đến đây khát cả cổ rồi kìa! Thi đứng bật dậy: - Em làm nước ngay mà! Quang nhìn theo cô vào bếp và hỏi trỏng: - Nó vẫn là con bé con phải không? Lâm trầm tỉnh: - Tao hiểu ý mày. Nhưng đứa bé nào rồi cũng trở thành người lớn. Minh Thi đang chứng tỏ mình là người lớn đó. Quang thẳng thắn: - Dù có đúng nhu vậy, tao cũng đề nghị mày để Minh Thi yên, nó không thích hợp với mày đâu. Có thể lời này làm mày tổn thương, nhưng buộc lòng tao phải nói thật những điều mình nghĩ. Tao và Phong chỉ có một đứa em gái. Phong rất thương nhỏ Thi, nó sẽ không bỏ qua cho ai muốn đùa với con bé. Lâm nhìn trừng trừng trước mặt: - Phong đã nói gì với mày? Quang hơi nhỏm người lên: - Một đôi điều. Những điều đó không ảnh hưởng đến tình bạn của tụi mình. Tao tôn trọng những riêng tư của người khác. Ngay lúc đó, Minh Thi bước lên với một cái khay đựng hai ly nước me màu nâu. Quang kêu lên với giọng cò chút gì giả tạo: - Trông... đã quá! Thi khoe: - Báo mực tím dạy làm đó. Anh Lâm uống thử xem. Lâm bưng ly nước lên nhấp nháp từng chút: - Ngon lắm! Nhưng vì là me nên chua vẫn chua. Minh Thi xịu mặt: - Chẳng biết anh khen hay chê nữa! Lâm ngước mắt nhìn cô, không đáp. Quang cầm băng nhạc cho vào máy: - Nghe thử xem có... phê không? Giọng Braxion trong bài Un-break My Heart vang lên nức nở như muốn xé trái tim người nghe làm nhiều mảnh khiến cả ba ngồi im lặng. Khi nhạc chuyển qua bài khác. Minh Thi mới nói: - Âm nhạc đúng là thứ ngôn ngữ chung dễ hiểu nhất mà mọi người nhờ nó xích lại gần nhau hơn. Lâm có vẻ giễu cợt: - Vậy em hiểu gì về người khác qua bản nhạc này? Thi nói không do dự: - Tôi có thể đồng cảm, chia xớt với người hát hay thích nghe bài hát này về một tình yêu tan vỡ trong đời họ. Lâm lắc đầu phê phán: - Không ngờ em đa cảm quá! Nhưng trong chừng mực nào đó, đa cảm đồng nghĩa với bất hạnh đấy. Thi phật ý: - Sao anh lại nói vậy? Quang chen vào: - Tại cậu ta cũng là người đa cảm mà. Minh Thi bĩu môi đầy cố ý: - Em không tin, vì trông anh Lâm khô như đá tảng ấy. Quang lại... chót chép: - Đá cũng biết khóc... Nếu không đã chẵng cò bài "Lệ đá" cho em nghêu ngao suốt ngày. Thi gân cổ lên: - Nhưng từ giờ trở đi em sẽ không hát bài đó nữa. Lâm nói: - Nếu tôi là đá, thì cũng là thứ đá ngây ngộ Minh Thi làm tôi nhớ đến đoạn cuối trong ca khúc của Trịnh Công Sơn "Bắt đầu bước qua phố xưa lòng tôi nhớ. Đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô... " Mắt Thi ánh lên tia ranh mãnh: - A... anh muốn nói anh chai đá như đá chớ không phải khô như đá cứ gì? Nhưng làm cách nào để thấy được hàng trăm vết thương của lòng anh nhỉ? Quang thủng thỉnh trả lời thay Lâm: - Phải cùng hệ mới được. Lốc chốc như em làm sao hiểu được Lâm để thấy được vết thương của hắn. Minh Thi tằng hắng: - Em phải nhắc lại lời anh Phong. "Đừng bao giờ nghĩ anh là người lớn, còn tôi là con nít nghen". Quang so vai: - Chỉ có con nít mới đòi người lớn thôi nhóc ạ! Thi phụng phịu: - Lúc nào anh cũng kê em hết. Quang hấp háy mắt: - Chỉ đôi khi thôi, chớ đâu cũng lúc nào cũng... Chuông ngoài cổng lại reo vang. Anh mau mắn đứng dậy: - Lần này để cho anh. Minh Thi cười khúc khích: - Em không dành lấy điểm của dì Út với anh đâu. Lâm ngạc nhiên: - Dì em đến à? Thi gật đầu: - Vâng! Dì Út của em vừa ở Mỹ về thăm nhà. Thi vừa dứt lời thì bà Điệp vào tới. Đi với bà còn một người đàn bà khác. Vừa thấy bà ta, Lâm đã xụ mặt quay đi. Người đàn bà ấy hơi khựng lại một chút, nhưng cũng nhanh chóng lấy lại vẻ tự nhiên. Thi vừa gật đầu chào vừa quan sát bà ta thật kỹ. Người đàn bà này trạc tuổi dì Út nhưng trông đẹp, sang trọng và quyến rũ hơn dì Út nhiều. Cảm giác ập đến với cô khi nghe bà Điệp giới thiệu: - Đây là bà Tuyên, bạn thân của dì thời còn trẻ... Minh Thi liếc vội về phía Lâm lúc bà Tuyên vồn vã bắt chuyện: - Dì đã gặp Phong, bây giờ mới gặp hai đứa, Minh Thi trông giống bố ghê! Dù đang xốn xang trong lòng, Thi cũng phải hỏi: - Dì biết cả ba cháu à? Bà Tuyên mỉm cười: - Biết chứ! Hồi đó... Bà Điệp ngắt ngang bằng một câu tò mò về Lâm: - Bạn của con hả Quang? Quang chưa kịp trả lời, bà Tuyên lại nói tiếp: - Người nhà của tôi đó! Mày nhíu lại, bà Điệp thắc mắc: - Người nhà là sao? Bà Tuyên chép miệng - Là nợ, là nần chớ sao nữa! Không ngờ trái đất này vừa tròn vừa bé để quanh quanh quẩn quẩn chúng ta cứ gặp nhau. Lâm đứng bật dậy: - Xin lỗi tôi về trước vậy! Rồi không đợi ai nói lời nào, Lâm hấp tấp bước ra sân. Quang vội vã chạy theo sau. Bà Tuyên thản nhiên: - Tánh nó là như vậy, lúc nào cũng làm khổ người khác, nhất là tôi. Như dò đoán được người vừa bỏ đi là ai, bà Điệp la lên: - Lâm phải không? Nghe chị nói, tôi không nghĩ nó trông... bảnh trai đến thế. Chà! Nó lại là bạn của mấy đứa cháu tôi nữa chứ. Thế giới này quả là chật hẹp. Ở đâu cũng gặp người quen. Minh Thi hết nhìn bà dì mình đến nhìn bà Tuyên. Những câu hai bà nói với nhau thật khó hiểu. Nhưng rõ ràng Lâm và bà Tuyên có quan hệ hết sức thân thiết. Thân đến nỗi bà ấy phải tâm sự với đi Út về anh chàng. "Phải đa nghi mới sống được!" Lời lý sự cùn của anh Quang chợt vang vang trong tâm trí cô: Minh Thi bỗng thấy mệt mỏi đến mức không muốn nghĩ gì nữa, cô ước được vùi đầu vào gối và chìm vào một giấc ngủ không mộng mị vô cùng. Vừa thở than với bà Điệp, bà Tuyên đã quay sang Thi với giọng như thân thiết tự đời nào: - Lại đây ngồi với dì. Năm nay cháu tròn hai mươi tuổi đúng không? Thi dè dặt tới ngồi gần bên bà: - Dạ đúng ạ! Bà Tuyên lại nói tiếp: - Cháu sinh vào tháng sáu, tháng của mùa mưa không dứt, ngày cháu được sinh ra mưa cứ rơi tầm tã. Mưa đến mức muốn đón một chiếc xích lô cho mẹ cháu cũng khó nữa... Minh Thi ngạc nhiên: - Thế mà cháu không hề biết, mẹ cũng không bao giờ kể. Không ngờ dì lại nhớ rõ về cháu. Bà Tuyên mỉm cười: - Chính vì vậy dì mới muốn xem con mèo ướt của... mùa mưa năm nào bây giờ ra sao. Chút ác cảm với bà Tuyên bỗng vơi đi, Thi bẽn lẽn xoa hai bên má: - Chắc cháu vẫn mãi là con mèo ướt? Bà Tuyên lắc đầu, tay vuốt nhẹ tóc cô: - Khối đàn ông sẽ chết vì con mèo ướt này. Không biết thằng con trời gầm của dì có mắt tinh đời hay không nữa... Lúc nào nó cũng quạu quọ khó chịu... Bà Điệp tằng hắng ngắt lời: - Con bé có chỗ có nơi rồi, chị đừng hòng ngắm nghé mất công. Nhìn bà Điệp, Minh Thi thầm cảm ơn lời nói dối đúng lúc của dì. Cô không tưởng tượng nổi con của bà Tuyên như thế nào! Có quậy như bà không? Mà dù có hay không, Thi cũng không thể chấp nhận cái gã con trai nào đó của bà ta. Bà Tuyên giả lả: - Tôi đùa thôi chớ chắc chắn gì hai đứa không có duyên với nhau đâu. Minh Thi rụt rè đứng dậy: - Để cháu làm nước mời hai dì... Bà Điệp khoát tay: - Thôi! Dì đi ngay đây mà. Bà Tuyên có vẻ phật ý: - Vội dữ vậy? Tôi vẫn chưa hỏi chuyện con bé xong. Nhìn đồng hồ, bà Điệp nói: - Tôi có hẹn, không tới trễ được. Hôm nào rảnh, tôi hứa sẽ đưa Minh Thi tới nhà chị chơi. Bà Tuyên tiếc nuối đứng lên: - Đành phải thế chứ sao bây giờ. Nhẹ véo gò má Minh Thi, bà mím đôi môi mỏng: - Với tôi Minh Thi rất có ý Nghĩa. Hai cánh mũi bà Điệp khẽ run lên: - Thật vậy à? Bà Tuyên nhìn bà Điệp và Minh Thi bằng đôi mắt sáng rực: - Nếu không tôi đã không ép chị đưa tôi tới gặp con bé. Bây giờ thấy nó xinh đẹp, trưởng thành, tôi mản nguyện rồi. Vỗ nhẹ vào cằm Thi, bà ta dài giọng: - Dì về nhé con mèo ướt! Rồi không đợi bà Điệp, bà Tuyên lững thững bước ra cửa trước. Bà Điệp đứng lại với vẻ nghĩ ngợi: - Dì sẽ điện thoại cho cháu sau nhé! Minh Thi tò mò: - Dì cần nói chuyện gì nữa à? Bà Điệp hơi gượng gạo: - À!... Dì muốn nói là những lời bà Tuyên vừa nói không quan hệ gì tới con hết. Chẳng qua dì ấy đang nhớ về những kỷ niệm riêng của mình mười mấy, hai mươi năm về trước. Trong những kỷ niệm hỗn độn đó có một ngày mưa dì ấy đã đưa mẹ con đi sanh. Thế là dì ấy đòi gặp con cho bằng được. Minh Thi dò dẫm hỏi: - Dường như dì Tuyên không được ổn định về mặt tình cảm? Bà Điệp nói: - Con nhận xét hay lắm! Đúng là vậy!... Thôi dì phải đi đây... Minh Thi bước chậm theo sau bà Điệp, đợi hai người lên chiếc taxi chờ sẵn ngoài cổng xong, cô mới đóng cửa lại. Có lẽ anh Quang đã đi với Lâm. Ngôi nhà bỗng dưng vắng ngắt, Thi buông mình xuống salon, lòng đầy trắc ẩn khi nghĩ tới tất cả mọi việc vừa xảy ra...