Ðơn kháng án của Lựu gửi lên được phúc đáp ngay tức khắc.
Rõ ràng, bàn tay sắt thép của bà phó chánh án đã có hiệu lực. Tòa gọi hai người ra đối chất. Nhưng Vũ Sinh hầu như không nói gì cả. Anh im lặng hoặc đáp rất khẽ: Vâng, hoặc không.
- Anh có công nhận rằng anh có quan hệ với chị Hạnh Hoa trong khi chưa ly hôn với chị Lựu không?
- Không.
- Vậy theo anh, việc anh yêu chị Hạnh Hoa là hợp lý?
- Vâng.
- Việc ly hôn giữa anh với chị Lựu không dính líu gì tới quan hệ yêu đương mới?
- Vâng?
- Vậy tại sao suốt chín năm chung sống, hai người không đặt vấn đề đó ra?
-...
- Nếu không hợp, anh và chị không thể kéo dài quan hệ vợ chồng và sinh hai cháu: Anh chị xây dựng trong thời kháng chiến, do đoàn thể tổ chức, có nghĩa là trên nguyên tắc tự do và tự nguyện, không bị gia đình ép buộc, không chịu sự chói buộc của lễ giáo phong kiến. Ðúng không?
-...
- Vì vậy, vấn đề ly hôn giữa hai anh chị xảy ra khi anh có quan hệ yêu đương bất chính. Nói cách khác, anh đã phụ bạc người vợ là chị Lựu, anh phải chịu trách nhiệm về sự tan vỡ hạnh phúc gia đình, tương lai của người phụ nữ và hai đứa trẻ. Anh rõ chưa?
-...
- Chúng tôi yêu cầu anh suy nghĩ lại, không lên vì một phút bồng bột mà để xảy ra chuyện vợ chồng cha con ly tán. Về phía pháp luật, tòa sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ.
Vũ Sinh lặng im, đưa mắt nhìn mọi người. Anh nghe giọng chan chát, đanh thép của nữ công tố viên nhưng hầu như anh chẳng hiểu gì hết. Anh nhìn ông chánh án, bà phó chánh án, các công tố viên... Người đàn bà đang nói sang sảng kia có một gương mặt dài, sống mũi đỏ có mụn ruồi chót cánh mũi bên phải. Chị ta có tài diễn thuyết, nhưng trông chị khô cứng. Bà phó chánh án nghiêm nghị nhìn về phía trước. Còn ông chánh án đang dò ngón tay trên những dòng chữ trong quyển sổ tay trước mặt... Người ngồi kia là vợ anh, Lựu đấy. Người đã đẻ với anh hai đứa con, như trong một chuyện hoang đường. Khuân mặt chị bẹt, hai gò má cao, có những mụn nho nhỏ, sần sần. Hàm răng đều và trắng. Chị đang ngồi kẹp hai bàn tay vào đùi, mắt nhìn xuống. Tóc cặp sau lưng, mấy sợi tóc lòa xòa trên má và rơi xuống đôi vai rộng, hơi đổ về phía trước. , người đó đã từng là vợ anh?... Sao anh thấy chị xa lạ thế. Dường như chị là một người đàn bà nào đó anh đã gặp trên một chuyến tàu mấy năm về trước?... Tòa vừa tuyên bố gì nhỉ? Xóa quyết định chấp thuận ly hôn của tòa án huyện, anh phải trở lại sống với Lựu, theo đúng danh nghĩa của một cặp vợ chồng hợp pháp. Anh phải chịu trách nhiệm về tương lai của người phụ nữ với những đứa bé. Anh phải xóa bỏ những tình cảm bồng bột thiếu suy nghĩ, để trở lại... v.v...
Tòa án ngừng làm việc lúc nào anh cũng không biết.
Có người hỏi anh:
- Anh có cần kháng nghị điều gì không?
- Không.
Vũ Sinh đáp như đáp lại một câu mời của một bà bán qùa rong trước cửa trường huấn luyện sáng sáng. Anh thấy mọi người đứng lên xung quanh mình. Nhớ là đã đến giờ về, anh đứng dậy cầm mũ bước ra. Lựu ra trước, dắt xe đạp chờ anh ở cổng khu nhà tòa án. Chị cố ý đợi anh cùng về. Nhưng Vũ Sinh lên xe từ trong sân, đạp lướt qua không để ý tới chị. Anh không nhìn ai cả. Lựu đạp xe theo chồng. Từ thị xã về tới huyện của họ ở hai mươi bảy cây số. Vũ Sinh đi trước, Lựu theo sau. Chị định dấn lên đạp xe song song cùng chồng nhưng không dám. Nhìn anh, chị biết rằng anh hoàn toàn không để ý tới chị, hoàn toàn không biết chị đã có ý chờ đợi anh và đi cùng đường về với anh. Trở về nhà, nơi họ đã từng chung sống và có hai đứa con. Dù sao anh cũng phải nhớ ra là pháp luật đã ràng buộc hai người và anh không có quyền từ bỏ chị. Dù sao, anh cũng phải nhớ ra rằng chị đã là vợ anh và hiện tại cũng đang là vợ anh. Chị là người phụ nữ mới. Chị phải kiên quyết bảo vệ hạnh phúc của chị, của những đứa con... Dẫu những ý nghĩ rất mạnh bạo và rành mạch. Lựu vẫn không đủ can đảm gọi:
- Anh ơi, đợi em với...
Ðể buộc anh phải nhìn thấy chị và nói chuyện với chị suốt chặng đường, chị cứ luẩn quẩn với những suy nghĩ của mình. Vũ Sinh mỗi lúc mỗi bỏ xa chị hơn. Mặt anh lạnh lùng, u uất. Anh cũng đang nghĩ ngợi điều gì đó, nhưng chắc chắn không cùng ý nghĩ với người vợ của anh.
Anh về nhà được chừng mười phút thì chị về. Lựu dựng xe, bước vào, cố gắng lấy giọng điệu thản nhiên với chồng:
- Anh đạp xe nhanh thế? Em đuổi mướt mồ hôi mà không kịp.
Vũ Sinh đang ngồi ở bàn, trước chén nước chè bố anh rót cho đã nguội. Anh ngước mắt nhìn lên:
- Chị nói gì nhỉ? Chị hỏi tôi gì nhỉ?
Gương mặt anh, đôi mắt anh lạnh ngắt.
Chị thấy hai má nóng ran vì tủi nhục. Nhưng chính chị đã là người viết đơn kháng án. Chính chị là người đã cố vớt tìm hạnh phúc trong ngôi nhà này với con người này. Với tâm trạng của một kẻ khùng đã đâm lao thì phải chạy theo lao, chị gằn giọng, nói với anh:
- Tôi nói với anh, nói với chồng tôi, anh nghe rõ chưa?
Và mặt chị hiện lên vẻ trâng tráo thảm hại. Vũ Sinh im lặng không trả lời. Anh xoay lưng, ngả người nằm trên chiếc ghế tràng kỷ. Ông bố anh bỏ ra ngoài. Gốc gác là thày đồ, ông già không thể chịu được cảnh tượng đó.
*
Những chùm qủa soan còn đeo lại trên cành vì lá đã rụng hết. Chim không ăn quả soan. Nên các chùm soan cứ phơi ra trên những cành cây trần trụi, từ màu xanh ngả sang vàng hườm, vàng sậm rồi hóa nâu. Người làng bảo nhau hái qủa soan xuống đốt cùng rơm nếp và vài thứ lá khác lấy tro. Tro đó khuấy nước gạn kỹ được một thứ nước trong như lọc, bốc mùi thơm ngát. Ðổ nước vào chum, đậy lại. Chờ tới Tết Nguyên đán ngâm gạo gói bánh tro. Ðó là món qùa được chuộng nhất trong ngày Tết vì ăn bánh không ngấy, không đầy bụng, vừa ngọt thanh vừa dễ tiêu. Những tấm bánh nhỏ, trong suốt, màu xanh vàng hoặc hổ phách đặt lên đĩa sứ trắng ăn với đường cát mịn hoa mai hoặc mật đố thì tuyệt. Tết năm nào, mẹ đại úy Vũ Sinh cũng gói tới năm cân gạo bánh tro và anh rất thích ăn món bánh dân giã đó.
Năm nay, bà cũng gói năm cân, nhưng gói từ trước Tết. Gửi người mang lên trường huấn luyện cho con cùng bánh ngũ vị và chè lam vì đứa con trai báo tin sẽ không về.
Cả hai ông bà đều hiểu nguyên do sự vắng mặt của anh là vì có Lựu. Từ buổi ở tòa án tỉnh về, anh lên trường huấn luyện luôn cho tới tận ngày bà ngâm gạo gói bánh, rang bỏng làm chè lam. Mấy đứa trẻ vui thêm vì có mẹ thì lại vắng bóng bố. Hai ông bà buồn vì không được gặp con. Dẫu sao, người già cũng quen chịu đựng. Nhất là những người vốn có lòng khoan dung và nhân ái như bố mẹ Vũ Sinh. Con dâu đi vắng, hai vợ chồng già ngồi thì thầm, than thở với nhau. Họ không hiểu vì sao bỗng dưng dở chứng từ bỏ người sắp lấy chị mà quay lại phá án. Anh chàng Mộc đó chất phát, cù mì và hợp với Lựu. Còn Vũ Sinh, giọt máu duy nhất của hai ông bà, lại khác. Dẫu là một sĩ quan, quanh năm quen với thao trường và súng đạn, anh vẫn mang trái tim đa cảm của một ông đồ hay thơ, nhiều tâm sự, anh vẫn mang dòng máu hào hoa của một thôn nữ xinh đẹp, nổi tiếng hát hay và dệt cửi giỏi. Trước khi lấy chồng, phải làm hàng xay hàng xáo để nuôi chồng nuôi con, bà đã từng khiến trai cả tổng phải thay áo, đổi quần, đeo khăn gói tới xem mặt, thầm thương trộm nhớ... Ngay từ khi mang cau trầu tới hỏi Lựu về cho Sinh theo sự bố trí của tổ chức, hai ông bà đã biết sự chênh lệch đẫn tới nỗi bất hạnh trong cuộc sống của họ, sau này cặp vợ chồng ly hôn, ông bà buồn một chút theo thói thường con người bùi ngùi trước những cuộc chia tay, nhưng trong thâm tâm hai người cùng vui mừng vì con trai họ sẽ kiếm tìm được hạnh phúc. Sự tình xoay chuyển, họ không có cách gì giúp được con ngoài việc chăm sóc dìu dắt mấy đứa cháu. Tuy bất bình trước hành động của Lựu, khi có mặt con dâu, hai ông bà vẫn đối xử nhẹ nhàng, chu tất. Nhưng ngay cả cử chỉ đó cũng không đủ cho Lựu bớt nỗi tủi nhục. Càng ngày, chị càng thấy mình lạc lõng trong cảnh cô đơn giữa gia đình chồng. Niềm vui được gần gũi con trở thành nhạt nhẽo trước những nỗi căm giận ngấm ngầm đối với Vũ Sinh. Anh đã đi thẳng, ngay cả về thăm con ba tuần một lần như trước anh cũng không còn giữ. Anh không dửng dưng với chị mà trở lên thù địch với chị. Trước đây, dẫu ơ hờ, đôi khi anh còn kéo tay chị, gọi:
- Lựu ơi, ra xem con nó tắm kìa.
Hoặc:
- Lựu làm gì trong bếp đấy? Ra sân giúp tôi một tay...
Bây giờ, anh không buồn nhìn mặt chị. Và khi chị hỏi, anh đáp lại rõ ràng:
- Chị hỏi gì tôi nhỉ? Tôi không biết... Tốt hơn cả là chị đừng hỏi gì tôi nữa...
Tết Nguyên đán anh không về. Tới ngày tết mồng ba tháng ba, anh cũng không về. Lần này cũng như lần trước, bà mẹ anh lại lụi hụi làm bánh, nấu xôi gửi người mang lên cho con. mười hai cây số, nhiều nhặn gì đâu?... Nhưng anh quyết không thèm gặp mặt chị. Lựu biết mình trở thành vật chướng ngại trong tình cảm của bố mẹ chồng với đứa con duy nhất. Ðiều đó vừa khiến chị ân hận vừa thỏa mãn ý muốn trả thù: Chị biết chồng rất yêu bố mẹ và ngược lại, ông bà cụ rất thương anh. Chị hằn học nghĩ: "Ðáng kiếp. Lý ra, ông bà cụ phải dạy bảo anh ấy chứ. Anh ấy vẫn là chồng mình cơ mà?... Pháp luật quy định trên giấy trắng mực đen... Mình có theo không anh ấy đâu?...
Ông bà già chắc không biết ý nghĩ tối tăm của chị. Mà giá có biết, họ cũng chẳng chấp. Chíng chị, là kẻ khổ nhất, tủi nhục nhất. Lựu biết thế. Bố mẹ chồng chị cũng biết thế và đó là lý do khiến họ nương nhẹ với chị trong mọi cử chỉ cũng như lời ăn tiếng nói. Mặc dù, đôi khi, vì lòng căm hận không chút ra được, chị ăn nói cạnh khóe, xấc xược và vô cớ đánh đập chửi bới những đứa con.
Làn gió xuân xanh ngăn ngắt cứ thổi qua cánh đồng. Tết bánh trôi bánh chay vừa xong, ngoảnh đi nhoảnh lại đã đến tháng tư, ngày phật đản, bà nội đưa hai đứa cháu lên lễ chùa. Lựu cũng được nghỉ. Ngồi nhà một mình, nghĩ ngợi chán, chị lấy xe đạp tông tốc lên trường huấn luyện tìm anh. Chưa đầy một giờ, đã tới nơi. Người gác cửa hôm đó là hạ sĩ Ðỏ. Ðỏ biết hết mọi chuyện của Vũ Sinh. Anh ta không cho Lựu vào ngay mà bảo chị đứng chờ rồi nhắn một hạ sĩ khác vào thông báo cho thủ trưởng biết.
- Thủ trưởng mời chị vào.
Anh học viên trở ra, nghiêm trang nói với chị như vậy. Nói xong, anh đợi Lựu dắt xe đạp, đưa chị vào. Vũ Sinh chờ chị trong phòng khách. Anh ngồi sau chiếc bàn rộng, phủ khăn ni lông hoa. Một bình thủy tinh cắm hoa sim núi mẫu đơn đỏ chót. Bốn chén nước trên bàn đều rót đầy. Chiếc ấm pha chè sẵn đặt bên cạnh. Cảnh tượng lạnh lùng. Gương mặt anh lạnh lùng hơn. Chờ người học viên dẫn đường chào, quay đi, anh cất tiếng hỏi:
- Chị lên tìm tôi có việc gì?
Lựu tấm tức như muốn òa khóc. Nhưng chị không thể mất thể diện trước mặt anh, chị cất tiếng hỏi lại hách dịch như giọng nữ công tố viên buộc tội anh ở tòa án:
- Sao ngày nghỉ anh không về?
Vũ Sinh đáp:
- Tôi bận.
Lựu nói:
- Hôm nay là chủ nhật. Trước đây cứ hai tuần anh về một lần cơ mà?
Người chồng đáp:
- Trước khác, bây giờ khác,
Lựu căng thẳng:
- Trước đây anh là chồng tôi, bây gời cũng thế, không khác được.