Nhà thơ Tô Hà không qua được cái ngưỡng đời khắc nghiệt "Năm ba" (tức 53 tuổi). Ông để lại vài tập thơ trong đó có tập sưu tầm những câu thơ, trong đó có tập sưu tầm những câu thơ hay rất đáng nhớ. Còn bản thân Tô Hà cũng có những câu thơ hay, có câu cứ trở đi trở lại ký ức mỗi người khi xuân về, mỗi khi gặp một làn sương, áng khói mông lung vô định với lòng người:Chẳng thấy trời đâu thấy nước đâuBờ xuân mờ mịt cả chân cầu...Người không sương khói mà sương khóiQua lại mơ hồ dáng dấp nhau.Không hiểu ông viết những câu thơ lãng đãng mơ hồ ấy vào lúc nào, và chân cầu ấy là chân cầu nào? Thê Húc đỏ son đã vài trăm tuổi, có 15 đôi chân cắm chặt vào lòng hồ vận tuổi của Thăng Long ngàn tuổi, hay chân cầu ấy là con tầu sông Cái, cầu Paul Doumer đổi tên thành ra cầu Long Biên, dựng bằng sắt thép từ thủ đông Ba Lê của nước Pháp ánh sáng, cũng đến đúng hôm nay là tròn đầy trăm tuổi (1902-2002), có 19 chân, cộng hai mố hai bên thành hăm mốt đỡ lấy 20 nhịp lưng rồng tạo hình uyển chuyển như mây rồng đùa giỡn mà dù thương tích đầy mình trong tơi bời khói lửa chiến tranh cũng vẫn là kỳ tích huy hoàng của người Hà Nội. 19 hay là hăm mốt chân cầu Long Biên ấy đã nâng bao nhiêu bàn chân con người qua lại từ bến Đông Ngàn qua đất Đại La, nâng bao nhiêu đoàn tầu xình xình đầu máy chạy than hơi nước, đầu tầu chạy dầu hôi... chở những người nông dân đồng bằng Bắc Bộ chân lấm tay bùn hay là chở những nàng gái Hàng Đào, Hàng Bạc, những ông đốc tờ cử nhân từ đầu thế kỷ, có người của làng làm quan Chèm, Vẽ, có người của đất hoa Ngọc Hà, của làng rượu Hoàng Mai, của thôn tóc rối đổi kẹo Triều Khúc, Kim Lũ, của làng xanh mướt cốm vòng Dịch Vọng, của tỉnh Đông, tỉnh Đoài, của Sơn Nam, bến Đông, của trăm phương đổ lại đô thành.... và cả những đoàn quân một thời điệp trùng ra trận. Những chân cầu một mình hay nói cách khác chỉ là đơn lẻ.... dù thế nào nó cũng cứ vững chãi, thách thức với thời gian.Cầu Thăng Long hiện đại có bao nhiêu chân cầu? với 15 nhịp chính, không kể phần cầu dẫn hai bên lên xuống thì nó phải có 14 chiếc chân và 2 mố, nếu không có mố như những cây cầu tạm gọi là cổ điển thì nó phải có 16 chiếc chân sừng sững gấp bao nhiêu chân con voi khổng lồ mà tuổi thơ ta từng gặp trong những câu chuyện cổ tích của mẹ, của bà... Cho đến cây cầu dây văng hiện đại Mỹ Thuận làm đổi thay bộ mặt cả vùng châu thổ đồng bằng Năm Bộ cũng không thể thiếu chân cầu. Hình như cầu và người đồng cảm, cùng chung số phận. Nếu cầu không có chân thì không thể có mặt, khác chi đâu con người, nếu không có cha mẹ, tông tổ, nếu không có nòi giống sinh thành....Còn chiếc cầu tre lắt lẻo, cây cầu khỉ đung đưa, cả chiếc cầu ao bắc bằng ba đoạn tre vươn ra mặt ao, hoặc do thói quen, có nơi còn vớt mảnh ván thôi dùng để chắn chuồng lợn, lâu ngày đem bắc cầu ao, bảo làm thế mới trừ được ma quỷ những đêm động trời, lòng người u ám, hay có bệnh thời khí phát ra. Những chiếc cầu mong manh và đơn giản ấy có bao nhiêu chân nhỉ? Có khi chỉ có một chân (gồm hai khúc tre gắn liền nhau) như cầu ao cạnh vườn, nơi chị gái băm bèo, rửa rau, giặt chiếu, hoặc tuỳ thích mà dăm bẩy chiếc chân như chiếc cầu khỉ cheo leo, cho ta cảm giác nước dưới chân cầu không ào ào nhưng lay động, ta đi trên cầu mà đúng là đi trong nước, đi trong sóng, đi trong một thế chênh vênh bất ổn...Nước ta có rất nhiều sông rạch, có nhà nghiên cứu cho rằng cứ mỗi km2 đất đai màu mỡ tốt tươi. Như thế làm sao thống kê cho hết được số cầu qua sông, qua rạch, qua kênh, kể cả con mương đầu làng mỗi trận mưa rào nước đỏ như son, có ông kéo vó ngửa mình kéo nặng mong con tép, con rô đầy giỏ.Phải là kẻ xa quê lâu ngày, giang hồ thứ nữ, lang bạt trăm phương, rồi một ngày nào có dịp trở lại quê hương, gặp được cây cầu đầu làng... ta mới thấy cây cầu hiện lên những gì mong nhớ suốt bấy nhiêu năm trong lòng, ta mới càng yêu đôi chân cầu đỡ bàn chân kẻ tha hương trở về....