Ở tuổi con nít tôi chẳng nhớ được gì. Mọi chuyện đều nghe kể lại. Lúc nhỏ, tôi là đứa bé trầm lặng, hay ỷ lại, thích nghe người lớn kể chuyện. Theo ba mẹ kể lại, lúc nhỏ tôi rất ngoan nhưng hay xấu hổ, sợ gặp người lạ, hễ trong nhà có khách, thì tôi trốn biệt. Thử phân tích, tôi thấy thời thơ ấu mình rất tự ti. Nói về tính tự ti, tôi cảm thấy ba tiếng ấy cứ đeo bám đời tôi mãi cho đến giờ, khiến tôi có cảm giác cứ nhúng tay làm việc gì, tôi luôn bị sai lầm. Tuổi niên thiếu của tôi không được đẹp như mẹ hy vọng, tôi kém xa nàng công chúa tuyết một trời một vực. Mắt tôi không được to, mũi không được thẳng, chỉ có cái miệng là may ra còn coi được. Có lẽ đó là cái may của tôi để mẹ khoe với mọi người: - Mấy người có thấy không? Miệng con Phượng Hoàng nhỏ đến mức nhét cái núm vú cũng không vào! Mẹ nói vậy kể cũng hơi khoa trương một chút, vì tôi không biết nút núm vú mà chỉ bú bằng ống hút, gần hai tháng trời. Tôi sanh ra vốn không được đẹp, tôi cảm thấy mình có điều không phải với mẹ, vì không trở thành niềm kiêu hãnh của mẹ. Còn một điều làm tôi rất buồn phiền là phía trên gò má phải của tôi có một cái bớt rất lớn. Hồi nhỏ, mỗi lần dì hoặc mợ ẵm tôi thường nói: - Eo ôi, trên mặt có cái bớt to quá, lớn lên ế chồng mất thôi. Sau này, lúc tôi lên sáu, tôi theo ba mẹ trốn lính Nhật. Có lần, cả nhà đi xe hơi chạy than qua đoạn đèo núi hiểm trở, có biệt danh là "cua bảy mươi hai", về hướng Quí Châu. Đang chạy, ai dè qua cua, xe thắng gấp, khiến cánh cửa bật tung, hất tôi xuống đường. Ba mẹ hết hồn, tưởng tôi không chết thì cũng bị thương nặng. Xe dừng lại, mọi người nhào tới, ngạc nhiên thấy tôi đang ngồi khóc dưới vách núi, khắp người chỉ trầy sướt chút đỉnh, chỉ sống mũi là bị một vết thương lớn. Đang đi lánh nạn, lại ở nơi hoang dã làm gì có bệnh viện, tìm đâu ra thuốc. Mẹ tôi đành lấy bột kem đánh răng rắc lên vết thương để tiêu độc. Từ đó, trên mũi tôi bị thêm một cái sẹo. Người thân trong nhà lại càng thương cảm tôi hơn: - Eo ơi, eo ơi, trên mặt có bớt, trên mũi có sẹo, mai mốt lớn lên có ma nào thèm, ế chồng mất thôi! Lúc nhỏ, điều tôi lo nhất là bị ế chồng. Tôi bi quan vô cùng (về sau, cái sẹo trên mũi cứ mờ dần theo thời gian rồi mất tiêu không thấy nữa, nỗi âu lo còn lại là cái bớt trên mặt, nên đến lúc hai mươi tuổi, tôi học được cách hóa trang làm mờ nó đi. Mãi đến giờ, mỗi khi có ai chụp hình, thì tôi có thói quen giấu nó đi bằng cách quay nửa mặt bên trái về phía ống kính ). Câu chuyện hơi lạc đề, tôi trở lại trước lúc lên bốn tuổi. Tuy không phải là một cô bé kiều diễm, nhưng tôi vẫn là cục cưng của mẹ tôi. Bỏ qua tập tục lúc bấy giờ là trọng nam khinh nữ, tuy đã thuê vú nuôi, nhưng để công bằng mẹ tôi đã đặt thành nếp, cứ mỗi tháng tôi và Kỳ Lân thay phiên nhau bú sữa mẹ một đợt. Mẹ và vú nuôi đổi nhau nuôi hai đứa tôi. Mẹ tôi suy nghĩ cặn kẽ là vậy, ai dè nuôi được sáu tháng, tôi đã biết nhận dạng, lại đang phiên bú sữa của vú nuôi, tôi không chịu đổi sữa nữa, do vậy, vú nuôi cho tôi bú đến lớn, Kỳ Lân thì bú sữa mẹ cho đến khi mẹ dứt sữa. Trước lúc lên bốn tuổi, điều duy nhất tôi còn nhớ là vú nuôi. Và vú nuôi cũng thương tôi như con đẻ của mình. Mỗi lần tôi và Kỳ Lân đánh lộn, vú nuôi cứ quát lên: - Kỳ Lân sai rồi, Kỳ Lân đánh Phượng Hoàng trước! Cứ thế, Kỳ Lân bị mẹ đánh đòn. Tôi được tiếng là con bé "ngoan" cũng chính từ miệng vú nuôi nói ra với mọi người. Tôi và Kỳ Lân được hai tuổi, thì mẹ lại có mang. Lúc này mẹ tôi đã hiểu và cũng đã thích nghi với thiên chức làm mẹ, nên bà yên tâm chờ đón một đứa bé nữa chào đời. Tôi và Kỳ Lân đều đã biết nói, biết gọi mẹ mẹ, ba ba. Khi được hai tuổi rưỡi, mẹ tôi bị cảm phải nằm liệt giường. Tôi thường lân la bên gường mẹ, những lúc đó mẹ lấy cuốn giáo khoa thư của ba, chỉ tay lên hai chữ "quốc văn" dạy tôi nhận mặt chữ, sau này nghe mẹ nói lại, tôi đã nhận được hai chữ quốc văn từ hồi đó. Kể cũng hơi quá, nhưng chính mẹ nói vậy thì tôi cũng nghe vậy. Mùa thu năm 1940, em trai thứ ba của tôi là Xảo Tam ra đời. Tên Xảo Tam cũng là do ba đặt. Tên Tam, vì em là đứa con thứ ba trong nhà, lại sanh đúng ngày mười ba tháng tám dương lịch. Âm lịch là mồng mười tháng bảy, cũng vừa đúng là sau ba ngày nếu so với dương lịch. Dì và cậu của tôi cho rằng cái tên đó nghe có vẻ con gái quá. Ở tít tận Hồ Nam, ông nội tôi cho biết được gia đình có thêm một cậu cháu trai nữa thì mừng vô kể. Năm ấy cuộc chiến tranh chống Nhật đã bước sang năm thứ tư, cả nước ai cũng ngóng chờ ngày thắng lợi. Ông nội gửi thư đặt tên cho em trai thứ ba là "Đào Thắng" cái tên này nghe oai phong như một quân nhân. Từ đó, em tôi có đến hai tên: Đào Thắng và Xảo Tam. Bé Tam cân được ba kí lô tám, tròn trịa, bụ bẫm, mặt mày khôi ngô, tuấn tú, ai ai cũng thích. Phải nói, tôi và Kỳ Lân kém xa em. Vì Xảo Tam vừa lọt lòng nên ba mẹ chăm sóc hết sức kỹ lưỡng. Tôi và Kỳ Lân trở thành người giúp việc vặt cho vú nuôi. Lúc này, chúng tôi đã biết tự mở cửa đi chơi, ra sân ngắm hoa quì, ra ngõ mua bánh ăn. Thường là ăn xong, không biết trả tiền, chỉ còn cách quẹt quẹt miệng rồi chạy vô nhà. Nghe mợ năm của tôi sau này nói lại: - Thằng bán bánh kia cũng là con nít, mới tám chín tuổi, không dám đòi tiền, nó đành theo các cháu đến ngồi trên bậc cửa chờ, chờ mãi, cho đến khi có người lớn đi vào, mới năn nỉ nói: - Hai chị em sanh đôi nó ăn bánh của con! Cho đến bây giờ, mỗi lần nhớ Thành Đô, tôi nhớ đến mùi bánh nướng bán trước cửa nhà, nhớ cuộc chia tay đẫm đầy nước mắt của mẹ với vú nuôi. Hai người cứ ôm lấy nhau, không thể nào rứt ra được. Lúc chia tay vú nuôi, tôi vừa đúng bốn tuổi. Chiến tranh chống Nhật đang vào thời kỳ ác liệt, khói lửa bao trùm. Nhưng Tứ Xuyên còn được trời che chở, coi như hậu phương lớn, nên người các tỉnh nườm nượp kéo về, mỗi ngày thêm đông đúc. Ở đây cả nhà tôi đến Thành Đô từ trước, sống tạm ổn định, lý ra, ở luôn tại đây cũng được. Nếu gia đình tôi đừng bỏ Thành Đô ra đi thì làm sao có cảnh sinh ly tử biệt, vui buồn lẫn lộn. Sau này chúng tôi xa Thành Đô năm 1942, về quê hương Hồ Nam đoàn tụ với ông nội, và chính cuộc đoàn tụ này mới cuốn hút cả nhà tôi vào những tháng ngày khói lửa chiến tranh bao trùm trời đất. Nguyên là, khi tôi và Kỳ Lân vừa lên bốn thì em trai út cũng lên hai, đời sống ở Thành Đô mỗi ngày một đắt đỏ, vật giá leo thang. Ba tôi lúc đó làm giáo viên chủ nhiệm Đại Học Quang Hoa, vừa dạy ở Đại Học Quang Hoa vừa dạy học ở Đại Học Hoa Tây, tuy được mấy suất lương liền vẫn không đủ duy trì cuộc sống một gia đình, năm miệng ăn. Đúng vào dịp ấy, ông nội nhớ cháu nội yêu quí chưa được gặp mặt. Ông cứ viết thư ba lần bảy lượt cho ba mẹ, thôi thúc ba mẹ sớm sắp xếp về thăm quê hương Hồ Nam để ông cháu gặp nhau, có lấy một ngày sum họp. Ba mẹ phân tích, suy ngẫm, nào chiến tranh kháng Nhật quyết không thể lan tới Hồ Nam, nào vật giá ở Thành Đô mắc mỏ, và quan trọng nhất là lời khẩn cầu của ông nội, chuyển cả nhà về Hồ Nam! Tôi không thể chia tay với vú nuôi. Tôi nhớ là vú nuôi ẵm tôi, khóc vật vã. Nghe nói tôi cũng khóc dứt hơi, quấn chặt lấy mẹ hỏi: - Tại sao chúng ta không để vú đi cùng? Tại sao phải chia tay vú? Con không muốn xa vú đâu. Chúng ta đưa vú cùng đi! Đương nhiên là chúng tôi không thể nào đưa vú nuôi cùng đi được. Thế rồi khóc, khóc và khóc... khóc liền mấy ngày trời, rốt cuộc rồi cũng đến lúc chia tay vú nuôi. Ấy là lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu được thế nào là "biệt ly", và đó cũng là ký ức sớm nhất in đậm vào tuổi thơ của tôi. Mẹ nói, những ngày liền sau đó, cứ nửa đêm là tôi tỉnh dậy khóc, mần mò tìm vú nuôi.