PHẦN MỘT
Chương 9
Đại Đội Trưởng họ Tăng

Đại đội trưởng họ Tăng là nhân vật tôi nhớ suốt đời mình. Trong lần chạy nạn đó, số phận  đã dong duổi chúng tôi gặp con người ấy, nếu không lịch sử cả nhà tôi phải viết lại tất cả.
Đại đội trưởng Tăng là con người như thế nào?
 Sau khi xuyên qua vòng phong tỏa của quân Nhật, một con đường lớn đã trải ra trước mặt  ánh sáng chói chang, từng tốp từng tốp quân Trung Quốc di chuyển xuống phía nam. Chúng  tôi không phải trốn chui trốn nhủi quân Nhật nữa, không còn lo bị bắt bớ, giết hại, có trời biết  chúng tôi sung sướng dường nào. Những ngày ấy, chúng tôi vẫn được gánh đi dọc chuyến  đường sắt Tương Quế hướng về Quảng Tây. Đi chưa được mấy ngày thì sự tình hoàn toàn  không giản đơn như chúng tôi tưởng tượng.
 Trước hết, dọc tuyến đường, dân lánh nạn thưa thớt, ai cần đi, họ đã đi từ lâu rồi, chỉ còn  lại những người không muốn xa rời mảnh ruộng miếng vườn. (Người Hồ Nam rất coi trọng  ruộng đồng, không muốn rời quê hương xứ sở). Bọn trẻ chúng tôi thì ngồi trong thúng, người  nhà thì ăn mặc chẳng giống ai cả. Thứ đến, chúng tôi đang đuổi theo cuộc đại rút lui trên  tuyến đường Tương Quế, các ngã đường có quân Quốc dân Đảng đồn trú đang rút khỏi Hồ Nam, suốt tuyến đường, nào kỵ binh, hậu cần, nào bộ binh, và có cả thương binh, từng tốp  từng tốp không biết cơ man nào là người là ngựa. Quân Quốc dân Đảng hành quân rất nhanh,  không khỏi làm cản trở bước chân của họ. Cả nhà dìu nhau, đẩy nhau, kéo nhau cùng đi, dần  dà rồi tụt sau hàng quân tốp này đi qua, tốp sau dồn lên đẩy bật chúng tôi tụt lại phía sau.
 Mẹ tôi từ nhỏ đến lớn chưa đi như vậy bao giờ, chẳng mấy chốc hai bàn chân đều phồng  dộp, hai ngày sau, những chỗ phồng bị dập bể, rướm máu phải đau đớn lê từng bước một. Hai  người gánh thúng, không muốn gánh tiếp bắt đầu càu nhàu và xin thoái thác, cha tôi đành năn  nỉ họ, tăng thêm tiền công cho họ. Còn bọn trẻ chúng tôi phải "chịu trận" suốt ngày dưới nắng  thiêu và gió bụi cũng dần dần đuối sức. Cứ thế, chúng tôi đi càng lúc càng chậm chạp.
 Trong cuộc hành trình gian khổ này, máy bay ném bom của quân Nhật xuất hiện, tiếng  gầm rít từ xa đến gần, rồi như xé không khí bay vút qua đầu chúng tôi. Tuy rút lui, nhưng  quân Quốc dân Đảng kỷ luật rất nghiêm minh, trên lưng đều ngụy trang bằng rơm rạ, máy bay  oanh tạc lượn lại, họ lăn xuống đất, giống như một đám rạ. Máy bay Nhật rất ít ném bom,  (phần lớn chúng đi ném bom các thành phố và thị trấn), họa hoằn mới bắn vài loạt, đó là điều  đáng sợ và dễ gặp rủi ro.
 Nguy cơ ngày một tăng. Vài hôm sau, chúng tôi nhận được tin quân Nhật đang truy kích  dọc theo đường sắt Tương Quế, quân Quốc dân đảng được lệnh bảo toàn thực lực, ra sứt rút  về Quảng Tây, tránh đụng độ. Thế là tốc độ hành quân càng nhanh, không cách nào khác.
Lính Quốc dân đảng từng xông pha trận mạc, nếm đủ mùi gian khổ nên rất bực bội, cáu gắt,  khi bị chúng tôi cản trở cuộc hành quân, những lời cộc cằn không ngớt văng ra:
 - Tránh ra, tránh ra, nhân dân đừng cản trở đường quân đội.
 - Các người không hiểu hay sao? Quân đội từng đánh bao nhiêu trận cho nhân dân, vậy  mà các người còn ở đây làm nát hết việc!
 Chúng tôi bị xô tới trước rồi đẩy ra sau, thật khốn khổ hết chỗ nói.
 Một buổi trưa, máy bay địch lại ầm ầm bay tới, lính tráng đều nằm xuống, đồ đoàn và  ngựa được đưa vào chỗ ẩn nấp. Cả nhà tôi không có chỗ trú ẩn đành phải nép mình bên gốc  đại thụ dưới lưng núi, đưa mắt nhìn theo từng chiếc máy bay địch bay vụt qua đầu.
 Quanh gốc cây, đâu chỉ có người nhà tôi, mà còn có mấy sĩ quan mang theo khí giới nữa.  Trong đó có một sĩ quan tay dắt ngựa nhìn chằm chằm vào chúng tôi. Thực tình, tôi chẳng  chú ý vị sĩ quan kia bằng chú ngựa nâu cao lớn, đẹp dáng, mũi luôn phun hơi phì phì.
 Ba tôi nhìn máy bay địch vụt qua, nhìn đoàn quân dày đặc mặt đường, rồi nhìn chúng tôi,  thở dài, nói:
 Không biết phải đổi một giá đắt đến bao nhiêu.
 Trông dáng bộ ba mặc áo nông dân ăn nói bộc bạch, vị sĩ quan kia buộc ngựa vào gốc cây  sải bước đến chỗ chúng tôi, nhìn ba tôi, hỏi:
 - Các người không phải nông dân bình thường chứ?
Đối với một sĩ quan Trung Quốc, ba không cần che giấu thân phận làm gì, trả lời rất điềm  nhiên:
 - Tôi là một giáo viên.
 - Thầy giáo dạy học? Mắt vị sĩ quan sáng lên, lại nhìn sang phía mẹ tôi: - Bà kia là vợ của  ông?
 - Vâng, cô ấy cũng là một giáo viên - ba tôi đáp
 - Ồ! Nét mặt vị sĩ quan đầy vẻ trân trọng, ông ta nhìn ba mẹ rồi nhìn chúng tôi, hỏi ngắn  gọn nhưng rành rọt: - Các người muốn đi đâu bây giờ?
 - Tứ Xuyên!
 - Tứ Xuyên à? Vị sĩ quan như nghe điều gì lạ lùng lắm, liền nói lớn: - Ông có biết đến đó  bao nhiêu xa không?
 - Tôi biết. Ba tôi đáp lại thản nhiên nhưng kiên quyết. Rời quê hương, tôi biết con đường  này dài lắm, nhưng tôi phải đi, tôi không thể ở lại nơi này để quân Nhật làm ô nhục.
 Vị sĩ quan nọ nhìn chằm chằm ba tôi. Lúc này tôi mới để ý tới ông ta, khuôn mặt chữ điền, tai lớn, mắt to, chân mày rậm, thân hình cao lớn, lưng dài vai rộng... diện mạo ông ta  cũng như con ngựa kia, hiên ngang, lịch lãm, một quân nhân điển hình, từng xong pha trận  mạc. Nhìn ba tôi hồi lâu, ông ta mới hỏi:
 - Ông định gánh con đi Tứ Xuyên như thế này à?
 - Có xe lửa chở người lánh nạn thì đi xe lửa, không có xe thì đi bộ thôi!
 Viên sĩ quan lắc đầu rõ lâu.
 - Các người không đi nổi đâu.
 - Không đi nổi cũng đi bằng được!
 Viên sĩ quan lại cau mày ngờ vực. Ông ta chăm chú quan sát chúng tôi, dường như suy  ngẫm điều gì đó liên quan đến chúng tôi rồi đột nhiên nói:
 - Người có học thức như mấy người kỳ lạ thật, tôi không được học, bình sinh tôi rất phục  người có học! Thôi thế này nhé, để tôi mách cho các người một con đường. Để các người đi  lộn xộn trong hàng quân thế này là không ổn, tôi chú ý đến mấy người lâu rồi, chúng tôi đang  rút lui, tinh thần quân đội sa sút, tính khí cộc cằn, sớm muộn gì rồi các người cũng bị đụng  chạm. Cách duy nhất bây giờ là các người nên tìm đến bộ đội Quảng Tây, để họ giúp đỡ mấy  người đến Quảng Tây vậy, tuyến đường của bộ đội Quảng Tây cùng hướng với mấy người, có  quân đội bảo vệ, các người sẽ không bị hà hiếp, cũng không bị tụt hậu, như vậy mới đi đến  nơi được!
 - Bộ đội Quảng Tây? - Nãy giờ yên lăng, mẹ tôi vụt nói xen vào: - Bộ đội nhiều như thế,  làm sao biết cánh nào là bộ đội Quảng Tây, thưa ông?
 - Tôi là bộ đội Quảng Tây. Viễn sĩ quan nọ đẩy đẩy cái mũ, nói lớn: - nếu mấy người đồng  ý, tôi sẽ đưa mấy người đi Quảng Tây!
 Lúc đó, ba mẹ tôi đều đứng ngây người, trao đổi với nhau bằng ánh mắt. Trong thời ly  loạn, lòng người khó dò, ba mẹ tôi đứng trước một quyết định, vị sĩ quan này là một người tốt  hay người xấu? Trong chốc lát, ba tôi quyết định ngay. Ba đưa tay ra, tự nhiên và thành thật:
 - Tôi họ Trần, Trần Chí Bình. Chúng tôi thành tâm tiếp nhận sự giúp đỡ của ngài. Rất cảm  kích trước lòng tốt của ngài.
 Vị sĩ quan kia chìa tay thô táp bắt chặt tay ba tôi, lắc mạnh, nói với vẻ đầy hứng khởi:
 - Tôi họ Tăng, tên Bưu, đại đội trưởng đại đội hậu cần trung đoàn 27!
Đó là đại đội trưởng Tăng. Từ đây, chúng tôi là dân được ông ấy bảo vệ. Đi theo bộ đội  của ông ta, ăn quân lương của ông ta, uống nước trong bình tong của ông ta... Đại đội trưởng  Tăng làm thay đổi vận mạng cả nhà chúng tôi!
 Những ngày đi với đại đội trưởng Tăng là những chuỗi kỷ niệm mãi mãi không bao giò  quên.