1. Sự tách rời của đảng phát xít khỏi nhà nước. Không thể xây dựng được chế độ phát xít hoàn chỉnh, nếu không có sự thống trị chính trị tuyệt đối của đảng phát xít; cũng như không thể tiêu diệt được sự thống trị này nếu đảng phát xít không bị tách rời khỏi nhà nước. Bằng cách nào để thực hiện được điều này - theo con đường chiến tranh như ở Ðức và Italia, hay theo con đường hoà bình như ở Tây Ban Nha- là vấn đề phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Trong mọi trường hợp, nếu không có sự tách rời của đảng phát xít khỏi nhà nước này, thì không thể thực hiện bước chuyển đổi từ chuyên chính một đảng quyền đến nền dân chủ tư sản truyền thống với cơ cấu đa đảng, với những quyền tự do chính trị và tự do công dân ( tự do ngôn luận, ấn loát, lập hội, lao động, nơi cư trú...) Tại Tây Ban Nha, quá trình này diễn ra trong những điều kiện hoà bình, do những biến đổi mang tính quy luật của các mâu thuẫn bên trong. Do đó "phương án Tây Ban Nha" mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó thể hiện bước chuyển tiếp thuần chất từ chế độ phát xít đến nền tự do dân chủ, không bị ảnh hưởng của ngoại cảnh, như ở hai trường hợp của Ðức và Italia, những ngoại cảnh đã làm biến dạng đáng kể logickhách quan của các sự kiện, làm mất tính chính xác và triệt để. Hơn thế nữa, những biến động quân sự điên cuồng vào Chiến Tranh Thế Giới Thứ II đã không cho phép những quá trình đó diễn ra trọn vẹn. Chúng chỉ sống dậy trong khoảnh khắc hoặc bị giữ lại ở dạng phôi thai, vì thiếu thời gian hoặc những điều kiện cần thiết. Thí dụ, thật khó có thể đoán trước sự tan rã của đảng phát xít sẽ diễn ra thế nào, sau khi nó bị cách ly và tách rời khỏi nhà nước. Tại Tây Ban Nha, chúng ta có thể quan sát chính xác được diễn biến của quá trình này, chậm chạp nhưng không thể tránh khỏi, bắt đầu phát triển từ sau năm 1955. Những cán bộ Falanga dần dần bị sa thải khỏi các cơ quan đầu não của nhà nước và đảng này mất dần ảnh hưởng đối với nhà nước. Nhà nước không còn là sở hữu riêng của Falanga. Sự thống nhất giữa nó và nhà nước bị phá vỡ và đảng này mất dần nhựa sống. Vào năm 1956, Areze, đương kim Bộ Trưởng, Bí Thư Ðảng Falanga, lo lắng báo cáo với Hội Ðồng Dân Tộc ( Ban Lãnh Ðạo Trung Uơng Ðảng) rằng đảng này chỉ còn chiếm 5% trong các cơ quan đầu não của nhà nước, và đề nghị phục hồi lại vị trí trước đây của Falanga. Vì yêu cầu này, Areze bị Franco sa thải. Vào năm 1957, sau khi chuẩn bị đầy đủ điều kiện, tướng Franco thực hiện một bước ngoặt quan trọng quyết định từ chế độ phát xít đến nền chuyên chính quân sự. Franco chuyển chỗ dựa của mình từ đảng Falanga sang giới quân sự và lực lượng cánh hữu của nhà thờ Thiên Chúa Giáo, được tập trung trong tổ chức Opuxdei. Falanga không còn được xem là chỗ dựa chính trị quần chúng tin tưởng của chế độ như mấy chục năm trước đó. Một mặt, đảng này đã bị thoái hoá về chính trị - tinh thần vì những quan hệ với đảng quốc xã Ðức và đảng phát xít Italia, đến mức bản thân tên gọi "Falanga"bị xem như điều xấu hổ và sỉ nhục. Vì vậy chính phủ phải đổi tên cho Falanga thành " Phong Trào Dân Tộc ". Mặt khác, Falanga trong quá trình tan rã đã đánh mất ảnh hưởng của mình và quần chúng đảng viên liên tục rời xa nó. Nếu như trước đây, theo nhân chứng của Aibl Plen, đảng này có tổ chức tại mọi làng, bản, thì ngày nay nó đã bị mất phần lớn những cơ đảng đầu tiên của mình:trong 9 nghìn làng ở Tây Ban Nha có tới 5-6 nghìn làng không còn tổ chức của đảng này. Việc cách ly dần dần của Falanga khỏi các cơ quan nhà nước được thể hiện rõ ràng nhất trong hai lần cải tổ nội các chính phủ. Trong cuộc cải tổ lần thứ nhất (vào năm 1962) số lượng các tướng lĩnh tăng từ ba người lên bảy người (26-105); đồng thời Franco sa thải một loạt các phần tử của đội cận vệ Falanga cũ, trong đó có Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng Thành Phố và Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Ariax Xalgado. Hoxe Garxia đã viết về cuộc cải tổ nội các này như sau: " Trong 18 bộ của chính phủ cũ có tới 8 bộ bị thay đổi. Trong chính phủ năm 1957, Falanga giữ ba bộ chính thức thì nay chỉ còn một bộ. Phần lớn các bộ trưởng là những đại diện của tổ chức Opux Dei, ngoài ra trong chínhd phủ còn được bổ sung thêm năm tướng lĩnh và hai thuỷ sư đô đốc. Ðiểm dặc biệt nhất là trong chính phủ mới, Ðại Tướng Munox Grandec được bổ nhiệm chức Phó Thủ Tướng chính phủ. Cựu chỉ huy Quân Ðoàn Xanh trở thành người lãnh đạo nhà nước thứ hai sau Franco."(20-454) Cuộc cải tổ nội các lần thứ hai vào năm 1965 cũng nhằm đánh vào Falanga. Franco tăng ảnh hưởng của giới tư bản tài chính; các Bộ Trưởng mới gồm:Bộ Trưởng Tài Chính Huxi Hoxe Expinoxa - phần tử tích cực của Opux Dei, Bộ Trưởng Bộ Thương Mại Fauxtino Garxia Minho - cũng thuộc tổ chức Opux Dei và có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà băng, Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp Adolfo Ambrona - một đại địa chủ, Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp AtonioMaria Orion -i-Urkito - một trong những đại diện có thế lực nhất của giới tư bản tài chính Tây Ban Nha. Những thực tế này cho thấy, chế độ Franco thực sự đã thay đổi chỗ dựa cơ bản của mình, bằng cách chuyển từ Falanga sang bộ phận quân sự của giới tư bản tài chính. Ðồng thời những thực tế này cũng chỉ ra sự tan rã và đổ vỡ của nền chuyên chính, bởi vì chỗ dựa cơ bản của nó- Falanga, đảng điều hành và chỉ huy đất nước - đã bị thay thế. Tách đảng phát xít ra khỏi nhà nước, tức là phá vỡ chỗ dựa căn bản của nhà nước độc tài, và tiếp theo đó, nhà nước này sẽ không tránh khỏi bị sụp đổ hoàn toàn. Ðảng phát xít là nhà thờ của nhà nước độc tài phát xít, nó đánh giá tư tuởng- chính trị cho mọi biểu hiện trong nhà nước này. Ðây không phải là sự so sánh ngẫu nhiên, mà xuất phát từ sự tương ứng sâu sắc giữa nhà nước phát xít thế kỷ XX và nền phong kiến thời Trung Cổ. 1) Nếu như nền quân chủ phong kiến lấy nhà thờ làm chỗ dựa tư tưởng thì nhà nước phát xít cũng có chỗ dựa tư tưởng là đảng cầm quyền độc đoán. 2) Nếu nhà thờ là đại diện cho tinh thần phản động trong nhà nước Trung Cổ, thì đảng phát xít cũng là đại diện cho tinh thần phản động trong nhà nước độc tài. 3) Giống như nhà thờ Trung Cổ có cơ quan đặc biệt để theo dõi các đối thủ tưtưởng và tà giáo dưới danh nghĩa Toà án Giáo Hội, đảng phát xít cũng có cơ quan tư tưởng đặc biệt để chống lại những kẻ thù của "nhà nước và dân tộc "trên danh nghĩa an ninh quốc gia và kiểm duyệt phát xít tổng thể. 4) Giống như nền quân chủ phong kiến dựa trên chính sách cưỡng ép kinh tế, cương ép chính trị, nền kinh tế của nhà nước phát xít cũng được củng cố trên chính sách cưỡng ép chính trị thuần tuý: trong cả hai trường hợp, người công nhân đều bị xem là sở hữu của nhà nước và có nghĩa vụ phải phục tùng nhà nước. 5)Giống như trong bước quá độ từ chế độ phong kiến đến xã hội tư sản, nhà thờ bị cách ly khỏi nhà nước( điều mà mọi cuộc cách mạng tư sản vẫn làm), bước quá độ từ chuyên chính phát xít đến nền dân chủ cũng đòi hỏi có sự tách rời của đảng độc tài khỏi nhà nước. Aỏ tưởng của một bộ phận trí thức quốc gia rằng, chế độ phát xít sẽ tiến dần đến nền dân chủ không được thể hiện ở Italia cũng như ở Tây Ban Nha. Kinh nghiệm cho thấy nhà nước phát xít không thể tự dân chủ hoá hay "tự do hóa" (một thủ đoạn mà Franco thường tuyên cáo trong giai đoạn cuối đời ông).Từ nhà nước phát xít đến nền dân chủ chỉ tồn tại một con đường duy nhất - đó là sự sụp đổ của chế độ phát xít. Thời điểm quan trọng nhất trong quá trình này là, sự tách rời của đảng khỏi nhà nước và bước chuyển tiếp đến cơ cấu đa dảng. 2. Ðảng phát xít trở thành xu thế chống đối nhà nước Ngay sau khi bị tách rời khỏi nhà nước, đảng phát xit bắt đầu bị phân rã do những mâu thuẫn bên trong. Sự thông nhất chính trị tinh thần trước đó (thống nhất tuyệt đối), điều mà mọi đảng phát xít đều lấy làm tự hào giờ đây bị tan thành mây khói, thay vào đó là những mối bất hoà, cạnh tranh nội bộ, bè phái, vây cánh. Ðây là lẽ đương nhiên. Với việc tách rời khỏi nhà nước, đảng phát xít đánh mất những đòn bẩy quan trọng nhất cho việc giữ gìn sự thống nhất trong đội ngũ của mình: quyền được chia các vị trí nhà nước, cũng như bộ máy khủng bố, an ninh quốc gia, thông qua chúng giới lãnh đạo đảng huỷ diệt mọi biểu hiện bất hoà trong đảng. Trong cuộc sống nội bộ của đảng phát xít có một dấu hiệu đặc biệt là, không tồn tại những cuộc tranh chấp nội bộ. Ðảng phát xít đã từng thống nhất như một đội quân. Ban lãnh đạo chỉ huy, còn các binh sỹ thi hành mệnh lệnh. Biểu hiện" dân chủ" cao nhất trong các đảng phát xít là, đôi khi giới lãnh đạo thông báo cho các cơ sở đảng cấp dưới về bước ngoặt chính trị nào đó. Và nếu giả sử ở đâu đó xuất hiện những bất hoà trong đảng, thì giới lãnh đạo đảng và chính phủ sẽ dùng bộ máy khủng bố để huỷ diệt ngay lập tức. Trước đây giới cầm quyền Falanga thực hiện vấn đề này thông qua công an của đảng và nhóm trừng phạt. Tất cả những lực lượng này đều do nhà nước cai quản. Giờ đây, sau khi đã mất quyền điều hành nhà nước, Falanga không còn những công cụ để giữ gìn bộ máy khủng bố của mình. Nó không còn có quyền chia địa vị, giúp dỡ và trợ cấp để giữ cơ sở xã hội rộng rãi và tin tưởng của mình. Falanga trở thành một đảng chính trị thông thường, bắt buộc phải giải quyết mọi mâu thuẫn nội bộ bằng tranh luận và bàn bạc công khai. Sau khi bị tước bỏ những ưu ái vật chấtvà tinh thần của chính quyền, Falanga bắt buộc phải trở thành xu hướng đối lập với nhà nước để tự bảo vệ mình như một lực lượng chính trị. Trước đây nó có chỗ dựa xã hội thông qua nhà nước ( chia địa vị, chia lợi ích...) thì giờ đây Falanga chỉ có thể đặt niềm tin vào quần chúng với lòng căm thù chính quyền hiện hành. Nhưng để có thể tìm được chỗ dựa trong quần chúng, Falanga trong chừng mực nào đó phải trở thành đại diện cho tinh thần chống đối nhà nước của họ, nghiã là phải trở thành xu hướng đối lập công khai với nhà nước. Ðó là con đường của Falanga từ một đảng cầm quyền độc đoán chuyển thành một đảng đối lập. Hoxe Garxia viết: "Một bộ phận của Falanga trong thời gian đầu đã từng cộng tác với Franco, nay tự rời bỏ chế độ và trở thành xu hướng đối lập."Quần chúng "của Falanga thụ động quan sát cuộc đấu đá trên thượng đỉnh và có cảm tình với những người chuyển sang xu hướng đối lập. Như vậy đa phần các đảng viên Falanga cuối cùng đã trở thành những đối thủ của nền độc tài Franco, thành những người tiên phong của "đổi mới", "cải cách", "tự do", với mục đích thay chế độ Franco bằng một chế độ khác, phản ánh được "quyền lợi dân tộc". Falanga trở nên không cần thiết cho tướng Franco và ông ta đã chia tay với nó không chút tiếc rẻ."(20-436,437) Mặc dù tất cả những mâu thuẫn nội bộ với nhiều xu hướng và phe phái khác nhau, Falanga vẫn thống nhất trong một vấn đề: đó là lòng căm thù đối với nhà nước Franco trong thời kỳ sau. Các đảng viên Falanga đều công kích chế độ một cách có hệ thống, không phụ thuộc là cánh tả hay cánh hữu, xu hướng tiến bộ hay bảo thủ. Sau đây là lời công kích của Luix Gonxalex Vixen, một trong những thủ lĩnh có uy tín nhất của những ngườiFalangist cánh tả, cựu đội trưởng đội cận vệ của Franco: "Trong đảng Falanga, những mầm mống của "phong trào" không còn nữa. Có thể khẳng định rằng Falanga và ""phong trào" là đồng nghĩa, điểm khác biệt duy nhất là chúng có những sách lược không giống nhau. Những nhóm mạnh nhất đã từng nắm giữ trong tay mọi quyền lực của Tây Ban Nha tự xem mình là đại diện cho các lực lượng cánh hữu và giới tư sản. Do đó đương nhiên chúng có xu hướng bài bác những quan điểm tự do và những nguyên tắc tiến bộ của Falanga trong lĩnh vực kinh tế. Kết quả là hiện tại Tây Ban Nha tồn tại hai xu hướng khác biệt: một bên là những người Falangist mong muốn tự do và cách mạng kinh tế xã hội, và một bên là "phong trào" bao gồm các lực lượng cánh hữu cố tình gây trở ngại cho sự tiến bộ trong lĩnh vực kinh tế... Các lực lượng cánh hữu Tây Ban Nha có hai mục đích: chúng đã và sẽ làm rối loạn, chia rẽ phong trào cách mạng, phong trào có ý định làm cuộc cải cách kinh tế trong nước, đồng thời chúng tuyên bố chống lại những tư tưởng có thể dẫn đến việc cấu thành các quyền tự do".(20-435) L.Gonxalex Vixen thực chất là muốn phục hồi lại đảng Falanga " thực sự" trước đây từ thời Hoxe Antonio Primo De Rivera (người sáng lập Falanga) mà trong cương lĩnh từng có một vài xu hướng chống tư sản. Ðây là một tham vọng hão huyền vì sau một phần tư thế kỷ cộng tác với nhà nước, Falanga đã bị thoái hoá trầm trọng và không thể còn phục hồi lại trên cơ sở chính trị tư tưởng thuần chủng ban đầu. Ðiều lý thú ở đây là sự dối lập và lòng căm thù của những người Falangist cánh tả. Sự đối lập này còn được thể hiện rõ ràng hơn trong một bài báo khác cũng của Vyxen: "" chúng ta chống lại mọi chính phủ độc tài và ngẫu nhiên... chúng ta chống lại chính phủ, với chiêu bài củng cố nền kinh tế đất nước đã làm cho những giai cấp nghèo khó nhất càng trở nên bần cùng hơn." (20- 436) Xu hướng đối lập của những người Falangist cánh tả đôi khi sử dụng cả những cách thức gay gắt và liều lĩnh. Trong lễ tưởng niệm người sáng lậpFalanga, một người tên Hoxe Ramon Alonxo Urdialex đã hét thẳng vào mặt Franco:"Ðồ phản bội!" và vì thế bị tuyên án 12 năm tù trong ngục tối (26-96). Nhà báo Falangist, Antonio Himenex Pericax, bị tuyên án 10 năm ngục tối. Anh sinh viên Hoxe Antonio Xantrex Maxax Ferloxio, con trai của một trong những người sáng lập Falanga tên là Xantrex Maxax, bị ra toà vì ""tuyên truyền bí mật"... Labade Otermin, một trong những đại diện của Ðội Cận Vệ Falanga trước đây, thành viên Hội Ðồng Dân Tộc Falanga và đã nhiều năm là tòan quyền vùng Axtuaria, tuyên bố chống lại các tổ chức công đoàn quốc gia rằng, chúng đã" đánh mất vai trò và ý nghĩa của mình, đã bị chuyển thành công sở của chính phủ, bị chính phủ xử dụng như những công cụ chính trị và không còn thể hiện được nguyện vọng của các tầng lớp lao động."(26-98). Ðồng thời Labade Otermin đề nghị cái tổ các tổ chức công đoàn sao cho " đường lối bầu cử thay thế cho đường lối áp đặt chính trị hiện hành." (26-98) Ngoài những công kích cá nhân nói trên, những người Falangist đặc biệt là cánh tả, đã kết hợp với công nhân tổ chức tuần hành, biểu tình tập thể... Trong cuộc diễu hành nhân kỷ niệm ngày 1-5 của giai cấp công nhân vào năm 1963, xu hướng công đoàn đối lập nhận thấy, " tại một vài nơi có cả những người Falangist cánh tả tham gia, những người đang tự cảm thấy xa rời chế độ". " Những người Falangist cánh hữu" công khai công kích chính phủ. 52 người bao gồm cả chủ tịch" Hội Nghiên Cứu Hoxe Antonio" và 7 nghị sĩ đã gửi thư cho Hoxe Xolix Ruix trong đó có đoạn viết: "Trong sáu năm gần đây, chính sách của chính phủ đã khiến những người công nhân không còn phục tùng nữa, đã không trao cho họ công cụ nào khác ngoài việc nổi loạn, kết quả là Tây Ban Nha và toàn thế giới biết được sự bất bình đối với nền chính trị này..." (26-97) 3. Sự tan rã của hệ thống tổ chức quần chúng quốc gia. Sau đảng Falanga, hệ thống tổ chức quần chúng quốc gia không còn phải chịu sự chỉ đạo và kiểm soát chính trị cũng bắt đầu tan rã. Sự tách rời của đảng phát xít khỏi nhà nước và đặc biệt là lòng căm thù của nó đối với chế độ đã nhanh chóng vạch trần bản chất phản bội giai cấp công nhân của các ""nghiệp đoàn thăng tiến". Sụp đổ toàn bộ vỏ bọc tư tưởng, được Falanga xây dựng công phu suốt mấy chục năm trời, với mục đích duy nhất là để che dấu bản chất và vai trò thực sự của ""các nghiệp đoàn thăng tiến". Các tổ chức này cũng bắt đầu xa rời và tuyên bố chống lại nhà nước. Trước đây trong quá trình phát triển, nhà nước phát xít đặt các tổ chức quần chúng dưới sự kiểm soát của mình và biến chúng từ chỗ là vũ khí của giai cấp công nhân thành vũ khí chống lại chính giai cấp này. Giờ đây một quá trình ngược lại đang diễn ra: khi tách rời và chống lại nhà nước tư sản, các tổ chức công đoàn lại trở thành vũ khí của những tầng lớp lao động, và nhà nước bắt buộc phsỉ dùng quân đội và cảnh sát để đàn áp. Quá trình này rất đa dạng - từ biểu tình đến hội họp chính trị đến việc thành lập những tổ chức quần chúng mới. Xu hươứng cơ bản là xoá bỏ những nguyên tắc của các tổ chức quốc gia, xây dựng những tổ chức quần chúng mới của các tầng lớp lao động và thanh niên, dựa trên những nguyên tắc dân chủ và hoàn toàn tự nguyện. Thí dụ, tổ chức nghiệp đoàn thanh niên SEU được Falanga thành lập từ năm 1936, và là tổ chức công đoàn phát xít bắt buộc của sinh viên Tây Ban Nha. Những yêu sách không đổi trong các cuộc biểu tình của sinh viên từ năm 1956-57 là: Xoá bỏ SEU và thành lập những tổ chức công đoàn tự do, phục hồi quyền tự trị của các trường đại học, và trả lại quyền tự do chính trị, tự do công dân cho đất nước..." vào cuối năm 1964, rất nhiều tổ chức sinh viên từ bỏ SEU." (26-39) Các tổ chức sinh viên từ bỏ SEU và thống nhất lại với nhau trong Ðại Hội Sinh Viên Tự Do, và trong quá trình đấu tranh, tổ chức này được hình thành như một phong trào thanh niên dân chủ mới. Ðại hội sinh viên lần thứ tư vào đầu năm 1965 đã ra thông cáo và đồng thời cũng là cương lĩnh của phong trào sinh viên mới: a/ Quyền tự do công đoàn, tức là thành lập tổ chức công đoàn tự chủ, dân chủ, đại diện, tự do và độc lập, không chịu bất kỳ một sự áp đặt chính trị hay tinh thần nào; b/ Ðại ân xá cho tất cả sinh viên đang bị theo dõi, bị phạt hoặc bị tù đày c/ Tự do tư duy trong các trường đại hoạc; d/ tự do lập hội trong các trường đại học; e/ Ðoàn kết với các tầng lớp lao động đang đấu tranh cho những yêu sách dân chủ tương tự." ( 26-40, 41) Ngày 27-2-1965 trong một cuộc họp trên giảng đường của trường đại học tổng hợp Madrit, Ðại Hội Sinh Viên lần thứ tư tuyên bố là" tổ chức đại diện cao nhất của phong trào sinh viên dân chủ và độc lập." (26-41) Tất cả những cuộc biểu tình, bãi khoá hay tuần hành đều được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Ðại Hội Sinh Viên. Ngày 2-3-1965, tức là ngày lễ của sinh viên, theo quyết định của Ðại Hội Sinh Viên lần thứ tư, hàng nghìn sinh viên ở Madrit đã biểu tình chống lại sự khủng bố và chiến dịch bài bác của cơ quan ấn loát Falanga. Trước trụ sở toà soạn, sinh viên xé nát và chà sát trên mặt đường những tờ báo chính thức của Falanga. Cảnh sát vũ trang đã can thiệp để giải tán cuộc biểu tình này. ...Các sự kiện tiếp tục diễn ra. Tại Barxelona ngày 22và 23-3-1965, Hội Nghị Sinh Viên Dân Tộc lần đầu tiên được triệu tập, bao gồm đại diện sinh viên của các trường đại học ở Madrit, Barxelona, Bilbao, Xalamarc... Ðó là các đoàn đại biểu của những trường đại học đã tuyên bố từ bỏ SEU. Họ đã thông qua tyên ngôn trong đó nhấn mạnh rằng, "" đối với sinh viên, SEU đã chết từ lâu". Ðồng thời thông qua tuyên bố về những nguyên tắc cho cấu trúc tổ chức của Công Ðoàn Sinh Viên Dân Tộc Ðộc Lập Dân Chủ và Tự Do. Chính phủ Franco bắt buộc phải công nhận sự phá sản của SEU. Ngày 2-4-1965, Hội Ðồng Bộ Trưởng thông qua cái gọi là ""Sắc Lệnh Hiện Thời Về Những Hiệp Hội Công Ðoàn Sinh Viên".Mục đích của nó là xoá bỏ tên gọi xấu xa, hình thức công nhận ban lãnh đạo của các hiệp hội sinh viên từ trên xuống dưới và thử bảo vệ hệ thống kiểm soát của chính phủ đối với toàn bộ các tổ chức sinh viên. (26-41, 42) Tất nhiên, các tổ chức sinh viên tự do đã bác bỏ hoàn toàn sắc lệnh nói trên của chính phủ, và trên thực tế lúc này, tại các trường đại học Tây Ban Nha, song song với SEU ""đã chết" tồn tại các hiệp hội công đoàn sinh viên độc lập - dân chủ - tự do, thể hiện quyền lợi cho các sinh viên. Những sự việc tương tự cũng xảy ra đối với xu hướng công đoàn đối lập. Song song với các ""nghiệp đoàn thăng tiến" mà nhà nước cưỡng ép công nhân phải tham gia, giai cấp công nhân trong các công đoàn quốc gia tự lựa chọn" Hội Ðồng Công Nhân" của mình. Các tổ chức này thể hiện quyền lơi thực sự cho họ, hoạt động trên danh nghĩa của họ, khi cần phải cô lập ban lãnh đạo ép buộc trong thời gian bãi công, tẩy chay hay biểu tình chính trị. Theo quan điểm nhà nước, những Hội Ðồng Công Nhân này là bất hợp pháp. Nhưng khi những Hội Ðồng Công Nhân tổ chức và lãnh đạo những cuộc bãi công lớn, các chủ nhà máy và chính quyền bắt buộc phải đối thoại với chúng và như vậy trên thực tế đã phải công nhận các tổ chức này là đại diện cho giai cấp công nhân. Khi nói về sách lược của những Hội Ðồng Công Nhân trong những năm 60, X.Garxia đã đưa ra những nhận xét rất chính xác: "Giai cấp vô sản Tây Ban Nha đã tìm được công cụ hữu hiệu để thay thế những tổ chức công đoàn phát xít bằng các tổ chức của mình và đấu tranh bắt chế độ phải công nhận chúng như ""sự đã rồi". Ðây là một trong những thắng lợi quan trọngcủa giai cấp công nhân Tây Ban Nha. Nhờ có những Hội Ðồng Công Nhân này, xu hướng công đoàn đối lập không cần được công nhận chính thức đã không còn phải hoạt động bí mật." (20-463) Xantiago Carilo, Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Tây Ban Nha lúc bấy giờ trong tác phẩm Sau Franco - Hướng đi nào? đã đạt rất nhiều hy vọng vào những Hội Ðồng Công Nhân này như vũ khí của giai cấp công nhân để tiêu diệt hệ thống nghiệp đoàn: " Các nghiệp đoàn thăng tiến đang trong cơn hấp hối. Bằng những Hội Ðồng của mình, giai cấp công nhân đã tạo điều kiện để xây dựng những tổ chức công đoàn dân chủ, thống nhất, tự do và độc lập, nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân và đấu tranh vì một xã hội không có người bóc lột người." (46-44) Xu hướng công đoàn đối lập trên thực tế đã chứng minh rằng, nó là người lãnh đạo thực sự của giai cấp này. Xu hướng công đoàn đối lập đã chịu trách nhiệm lãnh đạo các cuộc bãi công lớn vào những năm 1957,1958, 1961 - 1962 và đặc biệt vào năm 1964, bắt buộc chính phủ phải dùng cảnh sát và quân đội để trấn áp. Thực chất, ý nghĩa của cuộc đấu tranh nhằm chuyển hoá các tổ chức công đoàn quốc gia thành vũ khí của các tầng lớp lao động chống lại nhà nước, được thể hiện rõ ràng nhất trong yêu sách của sinh viên Madrit: " Cho đến nay, SEU là đại diện cho chính phủ trước sinh viên. Chúng tôi muốn những tổ chức công đoàn của chúng tôi đại diện cho sinh viên trước chính phủ." (20-456,457) 4. Chuyên chính quân sự - bước quá độ từ chế độ phát xít đến nền dân chủ. Trong những năm 50 và 60, trên thực tế Tây Ban Nha đã trải qua giai đoạn tan rã của nhà nước phát xít khi nó đánh mất chỗ dựa xã hội quần chúng của mình và những đặc thù quan trọng nhất: đảng phát xít và các tổ chức quần chúng. Lúc này nhà nước phát xít đã bị chuyển đổi thành nền chuyên chính quân sự thông thường, dựa chủ yếu vào cảnh sát và quân đội. Rõ ràng, để chống lại các cuộc bãi công và biểu tình lớn trong thời giain này, chính phủ chỉ còn biết dùng cảnh sát và quân đội, vì không còn công cụ nào khác. Một nước trong đó cho phép có thể tổ chức bãi công hay biểu tình thì không còn có thể xem là nhà nước độc tài theo ý nghĩa chính xác của từ này. Nhà nước độc tài phát xít nắm trong tay những công cụ để không chỉ có thể tiêu diệt mọi mầm mống chống đối, mà còn hoàn toàn không cho phép tổ chức bất kỳ một cuộc biểu tình nào. Do đó trong nhà nước độc tài thực sự hoàn toàn không tồn tại những khả năng chống đối, đến mức xuất hiện những ảo tưởng rằng không có người bất bình với chế độ, vì không có ai dám đứng lên đấu tranh. Lý do không tồn tại những điều kiện cho đấu tranh đã giải thích tất cả những điều này. Tờ báo tư sản Stampa số ra ngày 18-7-1922 đã tiên đoán rất chính xác về nền chuyên chính phát xít tương lai như sau: "Chủ nghĩa phát xít - đó là phong trào nhằm xử dụng mọi công cụ hợp pháp và bất hợp pháp để điều khiển nhà nước và bắt toàn bộ dân tộc phải phục tùng, và để thiết lập quyền chuyeen chính vô hạn và không thể tách rời của mình. Phương tiện căn bản để dạt được những mục đích này, theo cương lĩnh và tinh thần của các thỉ lĩnh và những kẻ ủng hộ tích cực, là huỷ diệt triệt để mọi quyền tự do công dân và tự do cá nhân, nói cách khác - huỷ diệt mọi quan điểm và mọi thành quả tự do của Rixodjiment (3) - Ytalia. Khi nền chuyên chính này đã được thiết lập bền vững đến mức chỉ có thể tồn tại những suy nghĩ, hành động và lời nói, xuất phát từ tinh thần phục tùng và hy sinh vô điều kiện cho chế độ phát xít, khi đó chế độ sẽ tạm dừng những hành động khủng bố vì lúc này không còn đối tượng cho chúng. Nhưng chế độ vẫn giữ những quyền này và bất kỳ những thời điểm nào cũng có thể áp dụng trở lại, nếu xuất hiện những dấu hiệu chống đối." (2-213) Ytalia và Ðức đã khẳng định toàn bộ những lời tiên đoán trên về chủ nghĩa phát xít, được nói ra ngay từ buổi bình minh của nó, đúng đến từng chi tiết. Tại đỉnh cao nhất của quá trình phát triển, chúng đã đạt được nền chuyên chính triệt để, đến mức trên thực tế không tồn tại những biểu hiện đối kháng. Tình tiết rằng, trong những năm 50 và 60, nhà nước phát xít Tây Ban Nha thường xuyên phải chống lại các cuộc bãi công, biểu tình hay tuần hành, không có nghĩa là khủng bố được tăng cường, mà chỉ đơn giản là nó đã trở nên rõ ràng hơn trước mắt đại chúng. Ðiều này chứng tỏ đã có những điều kiện để tổ chức đấu tranh chống lại nhà nước và nhà nước bắt buộc phải ngày càng lộ rõ bản chất phản bội giai cấp công nhân và phi dân chủ của mình. Ðôi khi ở nền chuyên chính quân sự, khủng bố có thể mang những hình thức tàn klhốc nhưng nó không bao giờ đạt được mức độ toàn diện và tổng quát như trong chế độ phát xít. Nếu nhà nước độc tài có thể đồng thời và một cách hệ thống xử dụng khủng bố tư tưởng ( thông qua tuyên truyền độc đoán và giáo dục), chính trị (thông qua hệ thống tổ chức quần chúng) và cảnh sát quân sự, thì trong giai đoạn chuyên chính quân sự nhà nước chỉ còn có thể dùng hình thức khủng bố sau cùng. Chuyên chính quân sự bị cả xã hội liên tục tấn công thông qua các tổ chức quần chúng, và để bảo vệ mình chế độ bắt buộc phải xử dụng lực lượng khủng bố. Chúng ta hãy lấy một thí dụ minh hoạ đặc trưng cho giai đoạn mới này của nhà nước độc tài. Một năm sau cái chết của Hulian Grimau, xung quanh tên tuổi củ thiếu tá Manuel Fernandex Martin, người buộc tội chính trong vụ án này đã dấy lên một vụ kiện lớn. Người ta phát hiện ra là Martin không có bằng luật học, mà theo điều 63 của luật quân sự thì thì bát buộc phải có. "Tất cả những điều này được phát hiện một cách ngẫu nhiên. Sau vụ án của Hulian Grimau, Martin tham gia một phiên toà dân sự xử một vị tướng. Vị tướng này đã ""tự ái" và nói thẳng là Martin không có bằng luật học. Ngay sau đó Martin đi thẳng đến trường đại học tại Xevilia với hy vọng là sẽ nhận được bằng, nhưng Khoa Trưởng Luật Học đã từ chối thẳng thừng và không đưa bằng cho kẻ mạo nhận này. Vụ kiện này đã gây nên làn sóng bất bình trong giới luật học và các luật sư ở Madrit, Barxelona và trong quân đội. Nhưng chính quyền Franco từ chối không xét lại vụ án của Hulian Grimau và những vụ án khác mà Martin đã từng tham gia xet xử." (26-103) Những sự kiện tương tự liệu có thể xảy ra trong chế độ phát xít không? Chắc chắn trong những trường hợp như vậy, đảng phát xít sẽ ra lệnh cho Khoa Trưởng Luật phải cấp bằng luật sư cho thiếu tá Martin, vì nười này đã từng tham gia xét xử tới bốn nghìn vụ án chính trị và rõ ràng đã có những cống hiến không nhỏ cho đảng phát xít. Một thí dụ khác cũng trong giai đoạn này là, việc ra đời bản tuyên bố của 1160 nhà trí thức có tên tuổi nhất ở Tây Ban Nha nhằm bảo vệ các tù chính trị. Trong nhà nước độc tài không bao giờ có được những sự kiện tương tự. Vì chỉ sử dụng khủng bố thể chất, chuyên chính quân sự trên thực tế chỉ dựa vào một lá bài duy nhất, và nếu mất lá bài này nó sẽ không tránh khỏi đổ vỡ. Bởi thế trên quan điểm chính trị, nền chuyên chính quân sự có thể xem như một chế độ bi quan, không hy vọng và tất yếu sẽ bị diệt vong, đặc biệt khi nó là kết quả trong quá trình tan rã của nhà nước phát xít. Bản thân chính sách chính trị" tự do hoá" mà chính phủ Franco tuyên cáo là bằng chứng không thể chối cãi của quá trình tan rã này. Nhà nước độc tài phát xít không thể tự do hoá và dân chủ hoá mà không bị tan rã. Từ chế độ này đến nền dân chủ chỉ có một con đường duy nhất - con đường tan rã, và chuyên chính quân sự chỉ là giai đoạn quá độ, là bước chuyển tiếp trung gian. 5. Xu thế dần tiến tới cơ cấu đa đảng. Sự tan rã của chế độ phát xít và tác động kích thích của các lực lượng đối lập không tránh khỏi dẫn đến việc phục hồi những vũ khí chính trị quen thuộc trong xã hội: các đảng phái, những tổ chức và hiệp hội quần chúng. Chúng là lối thoát tự nhiên cho nguồn năng lượng xã hội khổng lồ mà nhà nước phát xít luôn giữ bên mình trong một thời gian dài, thông qua hệ thống chính trị đặc thù của nó. Hoxe Garxia viết, trong giai đọan này tại Tây Ban Nha " tồn tại nhiều đảng phái, những tổ chức công đoàn và thanh niên hơn cả thời quân chủ và cộng hoà."( 20-432) Hơn bao giờ hết, tại Tây Ban Nha bắt đầu xuất hiện hàng chục đảng phái và tổ chức từ mọi thành phần - cách mạng và phản cách mạng, vô sản và tư sản, quân chủ và cộng hoà, thiên chúa giáo và nghiệp đoàn vô chính phủ. Thành lập các liên hiệp của những đảng phái khác nhau và những phong trào của các lực lượngchính trị riêng biệt. Ðây là quá trình khó khăn và phức tạp, minh chứng trước hết cho những hoạt động tích cực của các lực lượng chống phát xít bí mật và cho sự xuất hiện rất nhiều các đảng phái bán công khai. Nền chuyên chính không còn đủ khả năng để ngăn cản được quá trình này."(20-420) Những đảng phái đáng kể xuất hiện trong thời gian này là: 1.Ðảng quân chủ Liên Hiệp Tây Ban Nha thành lập năm 1959, đứng đầu là Hoahin Xatruxteti. 2.Ðảng Quân Chủ Lập Hiến - muốn một chế độ quân chủ, thiết lập thông qua tuyển cử. 3. Ðảng Hành Ðộng Dân Chủ. 4. Liên Hiệp Truyền Thống Dân Tộc Giữa Các Ðảng Quân Chủ - đảng bảo thủ nhất, muốn có nhà vua điều hành đất nước với sự tham gia của nhân dân, muốn phân chia công bằng thu nhập quốc dân. 5. Ðảng Dân Chủ Thiên Chúa - Xã hội, thành lập năm 1960. 6. Ðảng Dân Chủ Thiên Chúa cánh tả. 7. Ðảng Hành Ðộng Thiên Chúa. 8. Ðảng Thiên Chúa Dân Chủ. 9. Ðảng Hành Ðộng Cộng Hoà Vì Nền Dân Chủ Tây Ban Nha thành lập năm 1959. 10. Ðảng Xã Hội Công Nhân Tây Ban Nha. 11. Liên Hiệp Nghiệp Ðoàn Dân Tộc và Liên Hiệp Vô Chính Phủ Iberia. 12. Ðảng Cộng Sản. Cùng với các đảng phái, một số lượng khổng lồ các tổ chức hiệp hội và các nhóm xã hội cũng xuất hiện. Trong những năm 60 và đầu những năm 70 các tổ chức này hoạt động dưới hình thức bán công khai mặc dù không công nhận sự tồn tại hợp pháp của những tổ chức này nhà nước cũng không còn có thể huỷ diệt chúng để bắt xã hội trở lại trạng thái trước đây. Xu thế của xã hội Tây Ban Nha về cơ cấu đa đảng được thể hiện không chỉ ở số lượng khổng lồ các đảng phái chính trị, mà còn cả trong cương lĩnh của những đảng này. Không một đảng phái chính trị nào, kể cả những đảng quân chủ, còn mong muốn một cơ cấu đảng quyền. Bởi vì cơ cấu này dã bị Franco làm tha hoá đến mức nếu một đảng nào còn có ý đồ đó, thì ngay lập tức sẽ không còn những người ủng hộ. Cơ cấu một đảng quyền khiến người ta liên tưởng đến nền chuyên chính phát xít, bởi vì đó là bước đầu tiên để xây dựng nhà nước này. Bảo vệ tích cực nhất cho cơ cấu đa đảng là những người Thiên Chúa Giáọ Giáo dân Himenex De Parga, giáo sư về quyền chính trị tại trường tổng hợp ở Barcelona, công khai tuyên bố chống lại việc cấm đoán các đảng phái chính trị ở Tây Ban Nha: " Theo bản chất của mình, con người là một thực thể quảng giao nhưng hoạt động không đơn độc, mà nhờ các liên tưởng. Vì lý do này, các quyền chính trị của con người trên thực tế được thể hiện dựa vào những liên tưởng chính trị, và căn bản là thông qua các đảng phái chính trị...Nhưng đây không phải là những liên tưởng được chính quyền và chính phủ tạo ra và các công dân có thể hoặc bắt buộc tham gia. Ở đây muốn nói đến quyền được cấu thành những liên tưởng như tthế, những liên tưởng mà bản thân các công dân cho là cần thiết và hoàn toàn tự do, kể cả sự tồn tại, cũng như mục đích của chúng."(26-88) Những người cộng sản cũng bảo vệ quan điểm này, Xantiago Carilo viết: "Nhận thức của chúng ta về nghị viện đương nhiên là đề xuất một cơ cấu đa đảng. Tuyên truyền chính thức ở nước ta bài bác và phỉ báng cơ cấu đa đảng. Việc này không đáng để cho chúng ta tranh luận: ý đồ của nó thật rõ ràng. Những người Tây Ban Nha chúng ta đã có kinh nghiệm cay đắng về những gì xảy ra cho đất nước khi nguyên tắc đa đảng bị huỷ diệt. Có thể nói rằng đây là bài học xương máu cho chúng ta. Bất kỳ một chế độ nào đảm bảo được quyền tự do đảng phái thì dù với tất cả những khuyết điểm của nó, vẫn nghìn lần tốt hơn chế độ hiện hành. ... Thậm chí với những yếu điểm rõ ràng, các đảng phái vẫn là biểu hiện dân chủ trong đời sống chính trị của một đất nước, vì chúng phản ảnh những quyền lợi và xu hướng đa dạng của các giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau. Thậm chí cả những đảng phái mà ban lãnh đạo phục tùng giới tư bản lũng đoạn, khi thành lập những phong trào quần chúng rộng rãi, trên dư luận xã hội và trước các đảng viên, vẫn phải để ý ít nhiều đến nguyện vọng của nhân dân. Mặt khác, sự tồn tại các đảng phái chính trị và công tác tuyên truyền của chúng khiến đại công chúng quan tâm đến hay ít nhiều tham gia vào đời sống của đất nước, nghĩa là chống lại cái mà chúng ta gọi là vô bản sắc chính trị của nhân dân, điều mà giới tư bản lũng đoạn quan tâm và khuyến khích."(46-88) Theo Xantiago Carilo, cơ cấu đa đảng không chỉ cần thiết cho giai đoạn sau Franco mà còn cho cả công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa: "Chúng ta đã nói không chỉ một lần rằng, ở Tây Ban Nha cơ cấu đa đảng là cần thiết cho cả công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Ðây không phải là sách lược chắp vá cho đất nước chúng ta, mà là chiến lược tư duy tổng thể."(46-89) Vấn đề này được xác định từ tình tiết rằng,"ngày nay công cuộc xây dựmg xã hội chủ nghĩa không chỉ là nhiệm vụ riêng biệt của giai cấp công nhân, mà còn là của những nhóm và tầng lớp xã hội khác; tư tưởng cho luận điểm này là, ngày nay cùng với các lực lượng Mác xít Lê Nin Nít, phản ánh thế giới quan của chủ nghĩa xã hội khoa học, được thể hiện thông qua đảng cộng sản, còn tồn tại nhiều xu thế xã hội khác, được phản ánh trong các đảng phái chính trị khác, mà sự cống hiến của chúng là tuyệt đối cần thết cho việc xây dựng một xã hội mới, không có người bóc lột người." (46-89) Ngay cả những "nghiệp đoàn thăng tiến", mặc dù thật ngượng ngùng cũng tuyên bố chống lại một đảng quyền. Báo Pueblo vào tháng 2-1963 đã viết: "Một đảng duy nhất không phải là phương án nhà nước tốt nhất, vì trong xã hội còn tồn tại vô số những tư tưởng và ý niệm; cũng như phương án tồn tại một đảng phái vẫn chưa phải là đúng đắn, vì sẽ dẫn đến hỗn loạn chính trị. Do đó cần thiết phải có một giới hạn nhất định, trong đó những ý niệm khác nhau có thể ttồn tại trên một hệ tư tưởng cơ bản. Bởi thế cần phải sử dụng cả những ưu điểm của độc nhất và đa dạng." (46-99)
Hết