Ðặc thù tổ ng quát của nhà nước độc tài
Phần III

1. Nhà nước độc tài có thể bị lật đổ "từ dưới" không?
Theo cấu trúc, nhà nước độc tài là hệ thống toàn diện và hoàn thiện nhất để đàn áp các cá nhân và nhân dân. Nó không chỉ đàn áp, khủng bố mà còn lôi kéo cả dân tộc tham gia vào những tội ác chống lại chính dân tộc đó; không chỉ hành dộng trên danh nghĩa dân tộc - điều đó thì nước nào cũng làm- mà là hành động thông qua dân tộc. Dân tộc trở thành vũ khí của nhà nước chống lại chính dân tộc đó và những đại diện xứng đáng nhất- những người bảo vệ quyền dân chủ, quyền tự do công dân và tự do chính trị.
Thâu tóm tổng thể nhân dân vào các tổ chức quốc gia, nhà nước độc tài dễ dàng khiến nhân dân bằng chính tay mình hủy diệt những người chống lại nền chuyên chính trong hàng ngũ của mình. Còn sự thống nhất nào sâu sắc hơn giữa nhân dân và nhà nước, khi nhân dân bảo vệ nhà nước và tiêu diệt những kẻ thù của nó.
Thậm chí, khủng bố cũng không chỉ giới hạn trong vấn đề thể chất (nhốt trong hầm ngục của Zetapo và lao động khổ sai trong trại tập trung), mà còn có cả khủng bố tư tưởng một cách hệ thống thông qua đài phát thanh, phim ảnh, báo chí, tổ chức quần chúng...
Nếu như SS và Zetapo tiêu diệt những người mang tư tưởng dân chủ còn sót lại từ thời nền Cộng Hòa Vaimar, thì tuyên truyền và các tổ chức quần chúng nhổ tận gốc cả những mầm mống tự do suy nghĩ, đồng thời nhồi nhét giáo lý của hệ tư tưởng quốc gia.
Trong hoàn cảnh như thế không tồn tại những điều kiện và con người cho một cuộc đấu tranh quần chúng chống lại nền chuyên chính phát xít. Không thể thành lập được một tổ chức quần chúng với ý đồ khởi nghĩa vũ trang nhằm lật đổ nhà nước phát xít, vì do thám tổng thể sẽ nhanh chóng phát hiện ra mạng lưới bí mật và lực lượng khủng bố sẽ hủy diệt nó. Do đó cho đến tận giờ phút cuối, tại nước Ðức - Hitler không hề có được một tổ chức bí mật hoàn chỉnh để có thể khởi nghĩa vũ trang.
Ðiều lớn nhất mà những người Ðức chống phát xít đã đạt được là thành lập những nhóm bí mật trong các nhà máy, hoàn toàn cách ly lẫn nhau và hoạt động tuyệt đối bí mật. Cá biệt chỉ có một vài nhóm liên kết được với nhau. Các nhóm này xuất hiện trong giai đoạn khủng hoảng của phát xít Ðức, khi chiến tranh đã đẩy đất nước này đến gần thảm họa không tránh khỏi (nhóm của Xefcov- Iacob- Bectlain, nhóm của Teo Noibauer, nhóm của Georgi Suman- tất cả đều đã bị Zetapo phát hiện và hủy diệt trước khi kết thúc năm 1944) 
Nhìn chung, số lượng người tham gia những tổ chức bí mật chống chế độ quốc xã không vượt quá "vài nghìn" và với một nước như Ðức, con số này quả là khiêm tốn. Tất nhiên, nói như thế không phải là có ý làm giảm uy tín của Ðảng cộng sản Ðức và chủ nghĩa anh hùng của những con người dũng cảm đã tiến hành cuộc đấu tranh trong chín tầng địa ngục. Nhưng điều đó chỉ ra rằng, không thể tổ chức một cuộc đấu tranh vũ trang để lật đổ chế độ độc tài.
Thật ngây thơ nếu nghĩ rằng, tại nước Ðức- Hitler không có nhiều người căm thù và sẵn sàng đấu tranh lật đổ chế độ. Nhưng những người này đã không hành động, bởi vì họ nhận thức được sự thất bại tất yếu trong cuộc đấu tranh này. Trong điều kiện không có tính công khai, thậm chí cả chủ nghĩa anh hùng cũng trở nên vô nghĩa, vì không thể trở thành tấm gương hy sinh hay một hình thức tuyên truyền cho những tư tưởng chống lại nhà nước.
Những ai bị rơi vào nanh vuốt của Zetapo sẽ mãi mãi là tù nhân của nó. Sẽ không còn ai thông báo hay nhắc nhở một tí gì về những người này. Họ sẽ bị chết dần mòn sau những bức tường dày dưới lòng đất. Iamar Saht, một trong những người sáng lập nhà nước quốc xã, vào năm cuối cùng của chế độ này đã bị rơi vào trại tập trung cải huấn và sống sót một cách ngẫu nhiên, tại tòa án Niurnberg đã nói như sau: "Những khổ đau mà con người phải chịu đựng trong cuộc đấu tranh chống khủng bố sẽ có lợi ích gì, nếu nhân dân không có khả năng biết tới và không thể trở thành tấm gương cho những người khác noi theo." (84-590)
Ðây có lẽ là lý do tâm lý cơ bản cho việc không tồn tại cuộc đấu tranh quần chúng chống nhà nước quốc xã. Ðiều này có thể giải thích một hiện tượng, mà mới thoạt nhìn tưởng như khó hiểu: quần chúng không hài lòng, có nhiều người căm ghét chế độ trong bối cảnh tan rã của nó, thế nhưng vẫn không tồn tại lực lượng chống đối hay một cuộc đấu tranh thực sự.
Tóm lại, nhà nước phát xít khó có thể bị lật đổ từ dưới bằng cuộc khởi nghĩa vũ trang do các lực lượng cánh tả tổ chức và lãnh đạo. Trước hết vì chắc gì lực lượng này đã được tổ chức và vũ trang đầy đủ. Với bộ máy khủng bố khổng lồ, do thám và tuyên truyền tổng thể, cùng việc thâu tóm triệt để nhân dân vào các tổ chức quốc gia, nhà nước phát xít có thể hủy diệt mọi ý đồ chống đối từ lúc còn trứng nước, trước khi các lực lượng này đạt được tính quần chúng rộng rãi và đe dọa được nó. Nếu trong một nhà nước phát xít có thể tổ chức lực lượng quần chúng chống đối, chẳng hạn như phong trào du kích, thì điều này chỉ có nghĩa: nhà nước đó đã không còn là nhà nước phát xít, mà chỉ có một vài cơ cấu nào đó được xây dựng như chế độ phát xít.
Trong nền chuyên chính phát xít, công tác chống đối bí mật mang một mâu thuẫn không thể vượt qua: càng giữ bí mật bao nhiêu thì càng khó bị phát hiện bấy nhiêu. Nhưng như thế nó lại xa rời với mục đích chính; chiếm được lòng tin của quần chúng để có thể lật đổ chế độ. Mặt khác, càng mang tính quần chúng rộng rãi bao nhiêu càng dễ bị phát hiện bấy nhiêu.
 
2. Ba lực lượng vũ trang của nhà nước phát xít.
Nhà nước độc tài có ba lực lượng vũ trang, mà trong những điều kiện nhất định có thể tách rời và hoạt động độc lập: đảng phát xít, cảnh sát và quân đội. Bình thường, các lực lượng này nằm trong mối quan hệ phụ thuộc tương hỗ: cảnh sát (bí mật và công khai) và quân đội phải phục tùng đảng phát xít. Mặt khác, cảnh sát và quân đội là hai chỗ dựa căn bản của đảng phát xít trong nhà nước này. Cảnh sát bao gồm những phần tử trung thành và ràng buộc với chế độ, là bộ phận được vũ trang của đảng phát xít và được xem là chỗ dựa vững chắc nhất.
Nhưng quân đội thì không được tin tưởng như thế, vì theo luật quân sự, mọi công dân đến tuổi đời nhất định đều phải xung lính, không phụ thuộc vào quan điểm của họ. Hơn thế nữa, quân đội là mối hiểm họa cho nhà nước trong những hoàn cảnh khó khăn ( chiến tranh, khủng hoảng) vì quân đội có quân số khổng lồ lại được trang bị những vũ khí hiện đại (xe tăng, xe bọc thép, máy bay), nếu xảy ra đảo chính, cảnh sát không bao giờ có thể chống trả được trước sức tấn công của nó.
Ðiều này dã bắt buộc đảng phát xít phải đặt quân đội dưới sự kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt: huấn luyện quân đội chính quy một cách có hệ thống theo tinh thần tư tưởng của đảng, đào tạo đội ngũ cán bộ sĩ quan trung thành với đảng, bổ nhiệm Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng - vô bản sắc và trung thành tuyệt đối với giới lãnh đạo đảng, tổ chức mạng lưới do thám để thăm dò tinh thần các sĩ quan.
Sự kiện ngày 30-6-1934, "Ðêm Của Những Lưỡi Gươm Dài", là một minh chứng rằng quân đội là mối hiểm họa đáng sợ nhất cho đảng phát xít. Cuộc đảo chính ngày 20-7-1944 càng khẳng định thêm kết luận này. Cuộc đảo chính này không thành công chỉ vì cách tư duy hạn chế của các tướng lĩnh Ðức: không muốn phản bội lời thề của mình trước Thống Lĩnh, hoặc vẫn bị ràng buộc bởi những nguyên tắc tư tưởng mà chủ nghĩa quốc xã đã nhồi nhét cho họ.
Nhưng dù sao, điều này vẫn chỉ ra một sự thật lịch sử là: chỉ có quân đội mới có thể chống lại và lật đổ đảng phát xít.
Cuộc đảo chính quân sự ở Ytalia vào tháng 7-1943 là dẫn chứng thuyết phục hơn.
"Một cuộc họp phát xít lớn được triệu tập vào ngày 24-7-1943 và sau 10 giờ tranh luận liên tục, với kết quả 19 phiếu thuận và 7 phiếu chống để đi đến kết luận: buộc Muxolini phải yêu cầu nhà vua chấp thuận những quyết định của Bộ Chỉ Huy Quân Sự Tối Cao..." (45-736)
Hai ngày sau, 26-7-1943, bị cách ly khỏi những người ủng hộ mình, trong đó có con rễ là bá tước Trao, Muxolini đã phải xin từ chức. Và trước đó, ngày 25-7, Muxolini đã bị bắt. Như vậy là cuộc đảo chính đã được thực hiện được. Chính phủ quân sự mới, đứng đầu là nguyên soái Badolio, giữ bí mật tuyệt đối việc bắt Muxolini và giam ông ta ở đảo Ponxa. Chính phủ không tấn công cảnh sát và đảng phát xít, chỉ vì bối cảnh đặc biệt của nước này: lúc bấy giờ tại Ytalia có mặt nhiều sư đoàn quân Ðức (mùa hè năm 1943 có 7 sư đoàn quân Ðức đóng ở Ytalia) (113-195), các sư đoàn Ðức có thể dễ dàng lật đổ chính phủ mới và phục hồi Muxolini để giữ Ytalia như một nước đồng minh của mình. Mặt khác do sự tồn tại của các sư đoàn Ðức, một cuộc tấn công như thế có thể gây ra cuộc khởi nghĩa phát xít, vì bộ máy đảng và nhà nước vẫn trung thành với Muxolini.
Trong hoàn cảnh đó, chính phủ Badolio chỉ có thể ra thông cáo, trong đó tuyên bố vẫn đứng về phía Ðức trong cuộc chiến tranh; đồng thời giữ bí mật nơi giam giữ Muxolini để quân Ðức không thể phát hiện ra, cho đến khi quân đồng minh tạo điều kiện cắt đứt quan hệ với Ðức.
Ðảo chính quân sự trong những điều kiện của nhà nước độc tài, là bước chuyển tiếp từ chuyên chính phát xít đến chuyên chính quân sự, đặc trưng bằng việc kém ổn định và khủng bố tổng thể (nhưng không dã man!). Một cuộc đảo chính quân sự không thể là bước chuyển tiếp thẳng từ chế độ phát xít đến nền dân chủ tự do vì những mâu thuẫn chính trị khổng lồ mà nó giải phóng. Những mâu thuẫn này có thể biến thành một cuộc khởi nghĩa chống phát xít hay phục hồi phát xít, và sẽ dễ dàng dẫn đến một cuộc nội chiến. Trong mọi trường hợp, những người đảo chính sẽ đánh mất quyền kiểm soát chính trị và sẽ trở thành nạn nhân cho những lực lượng mà họ vừa giải phóng.
Do đó, một cuộc đảo chính quân sự thông thường phải chuyển thành chuyên chính quân sự, để có thể giữ được chính quyền mới và để khỏi xảy ra cuộc khởi nghĩa chống hay phục hồi phát xít.
Vì vậy, sau cuộc đảo chính, nguyên soái Badolio tuyên bố giới nghiêm, cấm các đảng phái và những tổ chức dân chủ chống phát xít hoạt động, vỗ về các tầng lớp công nhân.
Ðồng thời do sự có mặt của các sư đoàn Ðức, chính phủ không thể giải tán đảng và công an phát xít, mà chỉ cố gắng đặt chúng dưới quyền kiểm soát của mình, bằng cách sát nhập công an vào với quân đội và phong cấp sĩ quan cho những cán bộ lãnh đạo đảng phát xít.
Mặc dù vậy, trong 45 ngày cầm quyền, từ 29.7 đến 5.8.1943, Badolio đã thi hành hàng loạt chính sách nhằm phá vỡ cấu trúc của chế độ phát xít: ban hành các sắc lệnh giải tán đảng phát xít, giải tán Hội Ðồng Phát Xít Tối Cao, xóa bỏ Tòa Án Ðặc Biệt, giải tán hệ thống nghiệp đoàn... (118-327)
 
3. Sự khác nhau giữa nhà nước phát xít và nền chuyên chính quân sự.
Ðể làm sáng tỏ bản chất nhà nước phát xít như một chế độ độc tài, chúng ta cần so sánh nó với nền chuyên chính quân sự.
Trên thực tế, hai khái niệm này thường bị đồng nhất và do đó, các nền chuyên chính quân sự cổ đại đều bi xem là chuyên chính phát xít hay chế độ phát xít. Người ta ngấm ngầm công nhận rằng, dấu hiệu đặc biệt của nhà nước phát xít chỉ là những cuộc đàn áp, khủng bố chính trị trắng trợn, cấm biểu tình, hội họp, hủy diệt quyền tự do công dân.
Thậm chí đôi khi người ta xem dấu hiệu đặc biệt của nhà nước phát xít là bản chất chống cộng của nó.
Thực tế thì giữ nhà nước phát xít và nền chuyên chính quân sự có nhiều điểm khác nhau về cơ bản:
1/ Chế độ phát xít thiết lập cơ cấu một đảng quyền, đảm bảo sự thống trị chính trị toàn diện của đảng mình; trong khi đó chuyên chính quân sự là chế độ không đảng phái, nó giải tán tất cả mọi đảng phái không từ đảng nào, "đảng" duy nhất có quyền tồn tại là quân đội.
2/ Chế độ phát xít không chỉ xử dụng khủng bố thể chất trắng trợn, mà còn chú trọng đến việc củng cố quần chúng nhân dân (đặc biệt là tầng lớp tiểu tư sản), thâu tóm nhân dân vào những tổ chức quốc gia khác nhau. Còn nền chuyên chính quân sự chỉ dựa vào khủng bố trắng, hoàn toàn không xây dựng được cơ sở chính trị và xã hội.
3/ Chế độ phát xít thành lập các tổ chức quần chúng, thâu tóm tổng thể nhân dân, trong khi chuyên chính quân sự cấm và theo dõi mọi tổ chức, hiệp hội trong ý nghĩa tổng quát, quân đội là tổ chức quần chúng duy nhất được phép tồn tại.
4/ Chế độ phát xít đồng hóa thành công đời sống tinh thần xã hội, bắt xã hội phục tùng hệ tư tưởng phát xít, trong khi chuyên chính quân sự chỉ biết khủng bố.
5/ Chế độ phát xít xây dựng nhà nước độc tài, thông qua đó mà kiểm soát toàn xã hội, trong khi nền chuyên chính quân sự không phải bao giờ cũng xây dựng được nhà nước uy tín- điều mà các nền chuyên chính quân sự thông thường đều mơ ước.
Tất cả những điểm khác nhau này làm cho nền chuyên chính quân sự không ổn định. Chỉ dựa vào khủng bố, chuyên chính quân sự dễ dàng bị phá vỡ, một khi điểm tựa duy nhất này bị mài mòn. Khác với chuyên chính quân sự, chế độ phát xít cơ động hơn nhiều, tùy thuộc vào từng trường hợp mà sử dụng khủng bố hay công tác tư tưởng, tuyên truyền.
Do đó chuyên chính quân sự đứng trước hai con đường: hoặc quay lại với những nguyên tắc tư sản truyền thống, hoặc chuyển sang chuyên chính phát xít với cơ cấu độc tài tương ứng. Nếu tồn tại lâu hơn thời gian mà bản chất chính trị của nó cho phép, chuyên chính quân sự thường bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính quân sự mới.
Về mặt ổn định, chuyên chính phát xít bền vững hơn nhiều. Với việc thiết lập chỗ dựa trong xã hội, nó loại bỏ được mọi khả năng đảo chính quân sự trong những điều kiện bình thường. Chỉ khi có khủng hoảng chính trị sâu sắc, do thất bại trong chiến tranh, quân đội mới có thể làm đảo chính, cướp chính quyền từ tay đảng phát xít. Thí dụ, ai có thể dám làm đảo chính quân sự ở Ðức vào những năm 1937 hay 1938? Bản thân nhân dân sẽ đứng lên bảo vệ cho Hitler và chế độ quốc xã.
4. Sự khác nhau giữa nhà nước phát xít và nhà nước uy tín.
Trong văn học, các khái niệm "nhà nước uy tín" và "nhà nước phát xít" thường bị sử dụng lẫn lộn hay thay thế nhau như những từ đồng nghĩa, đặc biệt là các năm 30 và 40. Khi nghiên cứu phát xít Ytalia, thậm chí có tác giả đã sử dụng cùng một lúc cả hai lhái niệm này.
Thực chất, việc sử dụng thuật ngữ như vậy là không chính xác. Ðiều này xuất phát từ những phân tích bề mặt, nhầm lẫn hình thức với nội dung, còn nội dung thì bị che khuất. Mặt khác, sai sót này không phải ngẫu nhiên; nó có cơ sở khách quan trong sự tương ứng thực sự giữa nhà nước độc tài và nhà nước uy tín.
Tất cả mọi nhà nước phát xít đều là nhà nước uy tín, nhưng không phải mọi nhà nước uy tín đều độc tài. Uy tín là nguyên tắc cơ bản cấp quan liêu: Bởi vậy, mọi nhà nước quan liêu đều ít nhiều là nhà nước uy tín. Thí dụ, nền quân chủ hay chuyên chính quân sự là những nhà nước uy tín, nhưng không phải là những nhà nước độc tài.
Sự khác nhau giữa nhà nước phát xít và nhà nước uy tín là, nhà nước phát xít phân chuyển nguyên tắc của mình trên toàn bộ đời sống xã hội: không chỉ trên bộ máy nhà nước mà còn cả trong đảng, các tổ chức quần chúng, trong văn học, nghệ thuật, khoa học... Trong nhà nước phát xít không còn tồn tại quyền tự chủ của xã hội. Tất cả các công dân đều là những người lính của nhà nước, bắt buộc phải thi hành và phục tùng mọi mệnh lệnh quốc gia. Những ai không tuân theo nghĩa vụ này sẽ bị xem là phản bội, lừa dối và xứng đáng để nhà nước chà đạp và tiêu diệt.
Nhà nước phát xít là trại lính, trong đó không có các thường dân, không có những quyền lợi cá nhân độc lập trước nhà nước. Ðối với nhà nước này, xã hội là hình thái tiếp diễn và là bộ mặt của nhà nước, phục tùng toàn bộ vào nền chuyên chính.
Từ đây dẫn đến những tham vọng của nhà nước độc tài nhằm đồng nhất bản thân mình với dân tộc (không đơn giản là với "quyền lợi dân tộc" - điều đó thì nhà nước nào cũng làm như thế - mà là với chính bản thân của dân tộc đó!), với xã hội, quê hương... Và trên thực tế nhà nước này đã lợi dụng danh nghĩa dân tộc, quê hương, xã hội... để hủy diệt mọi biểu hiện chống đối nhà nước như "chống lại nhân dân", "chống lại xã hội"...
Và cũng vì lý do này, những kẻ mị dân thường gắn cái mác "nhân dân" cho các công sở hành chính. Thí dụ, ở Ðức có Tự Vệ Nhân Dân, Những Công Dân Trẻ, Tòa Án Nhân Dân...
Như vậy, nhà nước phát xít có thể xem như hình thái cao nhất của nhà nước uy tín, như nhà nước uy tín hoàn thiện, thi hành một cách tổng thể nguyên tắc của mình trên mọi lĩnh vực xã hội và đời sống cá nhân. Khác với nhà nước phát xít, nhà nước uy tín thông thường chỉ phân chuyển nguyên tắc của mình trong bộ máy nhà nước (viên chức, quân đội, cảnh sát). Ngoài những lĩnh vực này, nguyên tắc đó không còn giá trị. Vì lý do này, trong nhà nước uy tín vẫn còn tồn tại sự chống đối công khai của xã hội đối với nhà nước. Ðiều này không có nghĩa rằng, nhà nước uy tín không muốn kiểm soát xã hội công dân và phân chuyển trên đó những nguyên tắc của mình. Ngược lại, nhà nước uy tín cũng có tham vọng về một nền chuyên chính tổng thể, nhưng vì những lý do khách quan, nó không bao giờ đạt được điều đó. Bởi vì nhà nước này không có những tổ chức quần chúng đặc thù như nhà nước phát xít, để thông qua đó mà nắm giữ xã hội và mọi cá nhân trong tay mình. Thí dụ điển hình về nhà nước uy tín là nền quân chủ Pruxia trong nửa đầu thế kỷ XIX. Pruxia kiểm soát xã hội công dân và tư tưởng của họ, đồng thời tự xem mình là người thể hiện và chịu trách nhiệm cho hệ tư tưởng của nhân dân _ Ðạo Thiên Chúa. Nhưng trên thực tế nó không có những tổ chức quần chúng để thực hiện việc kiểm soát này, mà chỉ sử dụng cảnh sát như một cơ quan khủng bố. Và vì không có khả năng kiểm soát tổng thể, nên ngay cả một nhà nước uy tín như Pruxia vẫn tồn tại những hiện tượng chống đối, đi ngược lại những lợi ích của nhà nước.
Trong thời gian này Ðavid Straux đã xuất bản cuốn sách Cuộc Ðời Jiêsu lật đổ mọi huyền thoại về Ðức Chúa. Việc này đã gây nên những giông tố công phẫn của nhà thờ trong nước, cũng như thế giới "học vấn" bên ngoài, và mặc dù vậy vẫn không có gì nguy hiểm xảy ra cho chính tác giả. Tác phẩm vẫn được xuất bản và phát hành.
Vào năm 1841, L.Foierbah còn viết một cuốn sách còn tà giáo hơn nữa Sự Thật Về Ðạo Thiên Chúa. Tác phẩm này đã tẩy chay không những riêng đạo Thiên Chúa mà còn cả mọi thứ tôn giáo khác, và trên cơ sở tư liệu lịch sử khổng lồ, nó chứng minh rằng thế giới siêu hình không có gì khác hơn là ảo ảnh tưởng tượng hay hình chiếu của thực thể con người lên bầu trời. Tác phẩm này có thể xem như một cuộc đảo chính tư duy của thế hệ trẻ ở Ðức; vì nó mà Foierbah không được nhận vị trí giảng dạy trong trường tổng hợp Berlin và theo lời Angel, đành phải mài mòn cuộc đời mình nơi tỉnh lẻ. Nhưng nhà nước cũng chỉ có thể trừng phạt đến thế. Tác phẩm của Foierbah vẫn được phát hành và manh lại vinh quang cho tác giả tại nước Ðức cũng như trên toàn thế giới.
Trong thời gian này ở Ðức còn xuất hiện nhiều biểu hiện của tự do tư tưởng và tà giáo khác trong các lĩnh vực triết học, văn học... và nền quân chủ Pruxia đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Như một nhà nước uy tín, nó không có những công cụ cần thiết để chống lại hoặc ngăn chận triệt để những biểu hiện này.
Những sự việc tương tự liệu có thể xảy ra ở Ðức một thế kỷ sau, khi nó đã là nhà nước độc tài phát xít? Liệu có thể xuất bản những tác phẩm chống lại tư tưởng quốc gia hiện hành, mà các tác giả vẫn được tự do và vinh quang của họ như những chiến sĩ tự do vẫn được tỏa sáng trong nước và trên thế giới?
Câu trả lời hiển nhiên là không thể. Trước hết vì trong nước Ðức - Hitler không có người trí thức nào lại viết và xuất bản những tác phẩm như thế. Họ biết trước là sẽ phải trả giá của cuộc đời mình cho hành động đó và đây là sự hy sinh vô nghĩa.
Nhưng thậm chí giả sử vẫn tồn tại những tác giả như vậy, thì cũng không có nhà xuất bản nào dám đánh đố cuộc đời mình vì một quyển sách. Là thành viên của hội các nhà xuất bản quốc gia, họ sẽ bảo với Zetapo để cứu mạng mình, hơn là đưa lưng chịu hậu quả việc xuất bản tác phẩm như thế, điều mà rõ ràng sẽ dẫn họ đến ngục tù hay trại tập trung cải huấn.
 
5. Nhà nước phát xít bắt buộc thế giới cũng phải độc tài hóa.
So với nền dân chủ tư sản, nhà nước độc tài có rất nhiều ưu thế quân sự. Do bản chất phản động, nó luôn luôn là mối đe dọa cho các nước láng giềng. Trong vài giờ, nhà nước độc tài có thể tập trung mọi lực lượng quân sự và tiến hành tấn công. Với cơ cấu một đảng quyền, với những hạn chế tổng thể đối với xã hội công dân và tuyên truyền tư tưởng độc đoán nó là nhà nước quân sự hay bán quân sự, luôn luôn sẵn sàng cho chiến tranh.
Nhà nước độc tài có thể lợi dụng những mặt yếu của nền dân chủ, trong khi nền dân chủ không thể có khả năng đó:
1/ Nền dân chủ tự do cho phép mọi đảng phái chính trị tồn tại, kể cả đảng phát xít - đảng đối lập với cơ chế đa đảng. Nhưng sự có mặt một đảng phát xít trong nhà nước dân chủ tự do luôn luôn là bè lũ gián điệp của nhà nước phát xít ("Ðội Quân Thứ Năm"). Ðối với Ðức, "Ðội Quân Thứ Năm" ở Áo là bọn quốc xã Áo, ở Tiệp - đảng thân Ðức của Heinlain, ở Bỉ - bọn quốc xã Bỉ, ở Anh - đảng phát xít Moxli... Ngày nay chúng ta đã biết vai trò của đảng này trước khi chuẩn bị chiến tranh thế giới thứ hai và trong cuộc chiến này. Chúng đã mở đường cho quân đội Ðức, cộng tác với chính quyền đô hộ...
2/ Việc tồn tại các quyền tự do công dân và tự do chính trị tại nền dân chủ tư sản, dù có thể chỉ là hình thức, vẫn tạo điều kiện cho nhà nước độc tài mở rộng tuyên truyền có lợi cho nó: thông qua đảng phát xít tương ứng trong nước này, mua chuộc một bộ phận diễn đàn của nước láng giềng... Theo nhân chứng của Curt Rix, đến năm 1937 Gobelx chịu trách nhiệm kiểm soát khoảng 330 tờ báo phát ra nước ngoài bằng tiếng Ðức. (102-161)
Ngược lại, nền dân chủ tự do hoàn toàn không có khả năng thực hiện tuyên truyền tại nhà nước phát xít. Kiểm duyệt phát xít tổng thể không cho phép nhập những ấn phẩm văn hóa mang tư tưởng ngoại lai, không cho phép các đảng dân chủ tồn tại, không cho phép tiếp xúc tự do giữa các công dân. Nó gây nhiễu sóng các đài phát thanh của những nước dân chủ và trong thời gian chiến tranh còn cố định các sóng radio để chỉ nghe được đài dân tộc.
3/ Trong lĩnh vực kinh tế, nhà nước phát xít có nhiều công cụ hữu hiệu. Trên thực tế, nó có thể liên tục giảm mức sống bằng cách tăng thuế, bổ sung nhiều loại thuế mới, tăng giá hàng và giảm giá trị thực của đồng lương. Nói cách khác, nhà nước phát xít có thể dễ dàng thi hành những chính sách mà không một chính phủ dân chủ nào dám mong ước.
Ðồng thời nhà nước phát xít chi những khoản kinh phí khổng lồ cho vũ trang quân sự, xây dựng những công trình quân sự lớn, mở rộng tuyên truyền và do thám.
Nếu một chính phủ trong nhà nước đa đảng tăng giá hàng vì yêu cầu bức thiết, nó sẽ bị phản đối và bị bắt buộc từ chức. Ðối với nhà nước phát xít, điều đó hoàn toàn không bao giờ xảy ra: chính phủ có thể cùng một lúc giảm mức sống của nhân dân về nhiều mặt hàng mà không sợ phải chịu những hậu quả xấu. Nhân dân luôn luôn "ủng hộ" các chính sách của chính phủ, vì không có cách nào để thể hiện sự bất bình của mình.
4/ Sau cùng, trên quan điểm quân sự tuần túy, nhà nước phát xít cũng có rất nhiều ưu thế lợi hại. Nó có thể giữ bí mật triệt để những ý đồ chuẩn bị chiến tranh. Ðiều này có thể thực hiện dễ đàng, do không có diễn đàn đối lập và quyền tự do ngôn luận.
Với những "ưu thế" này, nhà nước phát xít luôn luôn là mối đe dọa cho các nước láng giềng - mối đe dọa rất dễ chuyển thành những hành động ăn cướp. Ðiều này đặc biệt nguy hiểm cho các nước dân chủ, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng hay rối loạn nội bộ, những việc mà bọn phát xít không chỉ lợi dụng mà thường còn khơi mào.
Bởi vậy, để có thể hạn chế được mối đe dọa thường xuyên của tên kẻ cướp phát xít độc tài, các nước dân chủ láng giềng bắt buộc phải tự độc tài hóa, giảm bớt quyền tự do chính trị và tự do công dân. Việc có mặt của nhà nước độc tài biến những ưu điểm của nền dân chủ thành những yếu điểm và đe dọa an ninh của nó. Như vậy, nhà nước độc tài bắt các nước láng giềng cũng phải tự độc tài hóa, từ bỏ những chính sách dân chủ.
Thí dụ, nước Anh - đại diện tiêu biểu của nền dân chủ tư sản quê hương của nghị trường - trước khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đã bắt buộc phải hạn chế hoạt động của đảng phát xít Moxli. mặc dù điều này mâu thuẫn với những truyền thống của cơ cấu đa đảng. Trong thời gian này, đảng phát xít Moxli định cải tổ theo kiểu mẫu của đảng quốc xã (có thủ lĩnh đứng đầu, có đảng phục, thành lập các đội vũ trang), nhưng chính phủ đã không cho phép những thay đổi này.
 
6. Những cơ sở kinh tế của nhà nước phát xít.
Thật sai lầm nếu nghĩ rằng, việc tập trung quyền lực tuyệt đối trong tay nhà nước phát xít không liên quan gì đến vấn đề kinh tế. Một thượng tầng kiến trúc tập trung tuyệt đối không thể dựa trên hạ tầng cơ sở phân rã; thượng tầng kiến trúc độc tài đòi hỏi một nền kinh tế độc tài do nhà nước kiểm soát triệt để.
Không cần xóa bỏ sở hữu cá thể hình thức đối với công cụ sản xuất, nhà nước phát xít là người điều hành nền kinh tế quốc dân. Nhà nước xác định những vấn đề như sau trong nền kinh tế:
a/ Phương hướng của nền kinh tế - sản xuất để phục vụ cuộc chiến tranh tương lai hay cho nhu cầu tiêu dùng; nền kinh tế quốc dân có liên kết với các nước khác hay không, hay sẽ xây dựng trên nguyên tắc tự cung tự cấp.
b/ Cấu trúc sản xuất - sẽ sản xuất cái gì, số lượng bao nhiêu. Người sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của nhà nước.
Chúng ta hãy lấy thí dụ về những luật lệ nông nghiệp trong nhà nước quốc xã. Tất cả điền chủ nhận kế hoạch sản xuất từ nhà nước, nhà nước xác định cho những người này phải sản xuất bao nhiêu khoai tây, sữa, trứng, thịt... đồng thời định giá sản phẩm mà họ phải bán cho nhà nước. Họ không được bán sản phẩm của mình cho ai khác ngoài nhà nước. Như vậy trên thực tế, nhà nước là người điều hành thực sự nền kinh tế, còn những người sản xuất chỉ là những ông chủ hình thức.
c/ Nhà nước can thiệp vào quyền thừa kế gia sản - ở Ðức với sắc luật về "quyền thừa kế ruộng đất" ban hành ngày 29-9-1933, gần 5 triệu rưỡi điền chủ, mỗi người có ít nhất là 10 hecta ruộng đất, được tuyên bố là có toàn quyền sở hữu. Những ruộng đất này không chỉ con trưởng được thừa kế, mà trước hết phải là người được nhà nước phát xít công nhận là xứng đáng (tất nhiên là về mặt chính trị).
Valter Ðare viết, "Theo hướng dẫn của Bộ Nông Nghiệp, nếu không có người thừa kế xứng đáng, quyền sở hữu gia sản của điền chủ có thể bị tước bỏ và chuyển giao cho một cán bộ phụ trách nông nghiệp nào đó. Ðiều luật ngặt nghèo này đã bắt buộc những người nông dân phải giữ gìn phẩm giá của mình." (13 -223)
Nhà nước quốc xã cũng đặt toàn bộ nền kinh tế công nghiệp dưới sự kiểm soát của mình. Nó nhà nước hóa Ban lãnh đạo và điều hành công nghiệp, không chỉ thể hiện bằng việc thành lập các ban quản lý chịu sự chỉ đạo của bọn quốc xã sừng sỏ, mà còn trong việc sử dụng phần lớn lợi nhuận cho vũ trang quân sự và những mục đích có lợi cho nhà nước khác.
Trong lời phát biểu trước công nhân các nhà máy công nghiệp quân sự ngày 10-12-1944, Hitler đã nói về vấn đề này như sau:
"Tôi lấy một thí dụ, các nhà tư sản Anh có thể đóng góp 76, 80, 85, 100, 160 phần trăm lợi tức công nghiệp cho vũ trang quân sự.
... Tôi nghĩ rằng, đối với chúng ta chỉ cần 6 phần trăm, thậm chí từ 6 phần trăm này chúng ta có thể thu được một nửa, và nửa còn lại người ta cần phải đưa cho chúng ta những bằng chứng là đã được sử dụng vì lợi ích của cộng đồng dân tộc. Ðiều này có nghĩa là, cá nhân không có quyền dùng những cái mà đáng lẽ phải giành cho nhà nước. Nếu cá nhân sử dụng phần đó một cách có suy nghĩ thì điều đó đáng hoan nghênh, còn ngược lại cần phải có sự can thiệp của nhà nước quốc xã." (128- 379)
Hệ thống hợp tác xã nông nghiệp là đòn bẫy quan trọng nhà nước quốc xã sử dụng để kiểm soát nền kinh tế nông nghiệp. Các hợp tác xã này được hình thành ngay từ năm 1933. Vào năm 1939, số lượng các hợp tác xã đã đạt tới 45545 đơn vị. 73 phần trăm sản phẩm sữa, 61 phần trăm sản lượng trứng và phần lớn sản phẩm nông nghiệp là do các hợp tác xã này sản xuất.
Việc can thiệp thô bạo của nhà nước vào quyền sở hữu được thể hiện bằng sắc luật tịch thu tài sản của những công dân sống tỵ nạn ở nước ngoài và có quan điểm chống đối chế độ. Ðiều luật này tồn tại trong tất cả các nhà nước phát xít. Thí dụ, biệt thự mùa hè của Ainstain tại Capute cùng với phần đất quanh đó bị chính quyền Pruxia tịch thu theo "Sắc Lệnh Quốc Xã về thu hồi sở hữu của những người cộng sản và kẻ thù của nhà nước" ban hành vào năm 1933.
d/ Ðiều hành độc đoán sức lao động quốc dân - tại nước Ytalia phát xít, chính sách này được thực hiện hóa thông qua hệ thống nghiệp đoàn. Và sau đó, chính sách này cũng được áp dụng ở Tây Ban Nha (thông qua "Các Công Ðoàn Thăng Tiến"). Ở Ðức, vai trò tương tự cũng được Mặt Trận Lao Ðộng Ðức đảm nhận. Thông qua hệ thống nghiệp đoàn, nhà nước thiết lập sự kiểm soát toàn diện của mình đối với giai cấp công nhân, đồng thời cấm họ không được bãi công. Bằng cách đó, nhà nước bắt buộc giai cấp công nhân phải phục vụ cho những lợi ích của nó. Nhà nước không chỉ cấm công nhân không được bãi công, mà còn bắt họ phải làm việc cho nó, phục vụ cho những tham vọng của nó. Vấn đề này cần phải hiểu thật cặn kẽ. Ðây không chỉ đơn giản tiêu diệt khả năng phản kháng của công nhân, làm cho họ không còn có khả năng bãi công - điều đó nền chuyên chính quân sự thông thường vẫn làm, mà là thâu tóm giai cấp công nhân vào các tổ chức quần chúng quốc gia, và thông qua những tổ chức này, "thu hút" họ về phía nhà nước để kiểm soát họ chặt chẽ hơn. Nói cách khác, không cần thể hiện những quyền lợi thực sự cho giai cấp công nhân, nhà nước phát xít vẫn đứng ra đại diện cho họ và trở thành ông chủ độc đoán của sức lao động.
Nói gọn hơn, trong lĩnh vực kinh tế nhà nước phát xít thiết lập hệ thống lao động gần giống như của chế độ phong kiến. Hệ thống này được đặc trưng bằng những dấu hiệu: trên thực tế, nhà nước cai quản phương tiện sản xuất và sức lao động của xã hội; bãi bỏ quyền tự do lao động và thay thế bằng chính sách lao động cưỡng ép kinh tế ngoại lệ. Hay là, từ cưỡng ép kinh tế thuần túy của xã hội tư sản tự do, chế độ phát xít quay trở lại với hệ thống cưỡng bức chính trị và kinh tế ngoại lệ của chế độ phong kiến.
Nhờ đó, chế độ phát xít ép buộc được những người lao động làm việc trong mọi điều kiện, không đếm xỉa gì đến quyền lợi của họ. Họ trở nên gần như một đội quân lao động của nhà nước. Mọi biểu hiện không phục tùng sẽ bị trừng phạt nặng nề, bị xem là đào ngũ hay phản bội.
Do sự thống trị của nhà nước đối với sức lao động, công nhân không có quyền lựa chọn công việc theo bậc thợ và nghề nghiệp của mình, nếu điều đó không có lợi cho nhà nước. Thí dụ, bọn phát xít Ðức tước bằng của các tất cả các họa sĩ hiện đại, cấp cho họ sổ lao động, bắt họ làm việc như những người đào đất thông thường; đồng thời buôn bán những tác phẩm của họ trên thị trường thế giới.
Với việc bãi bỏ quyền tự do lao động và thiết lập hệ thống cưỡng bức kinh tế ngoại lệ, nhà nước phát xít đã loại bỏ được nạn thất nghiệp, giống như không có những người thất nghiệp trong chế độ phong kiến hay trong các trại tập trung.
Thông thường, người ta giải thích tiềm năng kinh tế "thần kỳ" của chế độ quốc xã bằng sự phát triển điên rồ của nền công nghiệp, quốc phòng. Ðiều này hoàn toàn đúng, nhưng vẫn chưa phải là nguyên nhân thực sự của vấn đề. Bởi vì trên cơ sở giải thích như thế có thể đặt một câu hỏi ngược lại: bằng cách nào để chế độ phát xít có thể chi những khoản ngân sách khổng lồ cho quân sự? Tại sao nền dân chủ tư sản thông thường không thể hoặc không cho phép những hành động tương tự? Trả lời những câu hỏi này sẽ không tránh khỏi dẫn chúng ta đến với những nguyên tắc kinh tế chung của nhà nước phát xít, mà nguyên tắc cơ bản là bắt xã hội quay trở lại với hệ thống cưỡng ép ngoại lệ: nhà nước cưỡng ép người công nhân làm việc bằng cách dùng tòa án đe dọa; ấn định thời gian lao động; ấn định mức lương thu nhập; cấm người công nhân không được tự do bỏ việc; cấm không được bãi công: bắt làm việc theo ca kíp; cấm không được bỏ đi tìm việc làm ở các nước khác,v.v... Nói gọn hơn, nhà nước đơn phương khống chế mọi điều kiện lao động của người công nhân, đặt họ vào vị trí như của một người tù.
Ðể có thể hiểu rõ cơ cấu bãi bỏ nạn thất nghiệp (ở Ðức vào năm 1933, con số này kên tới 5,5 triệu người), ta cần nhớ lại là nhà nước phát xít có thể luôn luôn giữ mức sống rất thấp và vẫn liên tục tăng cường sản xuất. Thông qua bộ máy khủng bố và hệ thống tổ chức quần chúng quốc gia, nhà nước làm tiêu tan mọi ý đồ chống đối ngay từ khi còn trứng nước; còn thông qua tuyên truyền toàn diện và độc đoán, nó "thuyết phục" được cho chính sách kinh tế đúng đắn của mình.
Một khi lao động đã là bắt buộc, giá trị sức lao động đối với nhà nước phát xít không còn là vấn đề lưu tâm. Nhờ đó, nhà nước này luôn có trong tay sức lao động vô hạn và rẻ mạt. Do đó, khác với chế độ tư sản tự do, nó có thể dùng những sức lao động khổng lồ cho những nhà máy không có lợi ích kinh tế, nhưng có giá trị quân sự quan trọng; nó có thể xây dựng nền kinh tế tự cung tự cấp dù tốn kém hơn nhiều so với khi sử dụng các nguyên liệu nhập ngoại. Kết quả là, trong nhà nước phát xít, một nền kinh tế quân sự hiện đại nhất được phát triển, điều mà các nhà nước tư sản truyền thống thậm chí không dám mơ ước.
Tại hội nghị các nhà kinh tế nói tiếng Pháp năm 1938, Rapard đã có những suy nghĩ rất sâu sắc về nền kinh tế quốc xã: "Nếu chúng ta công nhận rằng, tiêu chuẩn để đánh giá thành công sức là sức lao động lớn nhất cho một thu nhập nhỏ nhất, thì thí nghiệm của người Ðức là một lễ khải hoàn; nhưng nếu chúng ta xem giá trị của một hệ thống kinh tế được đo bằng mức thu nhập lớn nhất từ một sức lao động nhỏ nhất, thì điều đó sẽ bị đổ vỡ hoàn toàn... Người ta nói rằng, nền kinh tế tự cung tự cấp của Ðức đã tiêu diệt được nạn thất nghiệp; và cả điều này cũng không làm chúng ta ngạc nhiên vì trong nhà tù thì làm gì có người thất nghiệp." (155-57)
7. Nhà nước phát xít - con đẻ của xã hội công nghiệp.
Sự thâu tóm và phục tùng tổng thể của toàn xã hội đối với nhà nước- dấu hiệu đặc thù của chế độ phát xít- hoàn toàn không thể được thiết lập trước thế kỷ XX. Ðiều này có nghĩa là cả nhà nước phát xít cũng không thể xuất hiện trước khi thời đại của chúng ta phát minh ra những cơ sở kỹ thuật cần thiết và trước hết, đó là những phương tiện giao tiếp và tuyên truyền hiện đại: đài phát thanh, phim ảnh, điện thoại, loa phóng thanh.
Albert Speer viết trong lời khai tại phiên tòa Niurnberg, "Chuyên chính Hitler khác hẳn với những nền chuyên chính trước đó trong lịch sử. Ðây là nền chuyên chính đầu tiên của nhà nước công nghiệp, trong thời đại kỹ thuật hiện đại, nó thống trị triệt để và toàn diện trên dân tộc mình và kỹ thuật. Nhờ đó những phương tiện kỹ thuật như đài phát thanh, loa phóng thanh, quyền độc lập suy nghĩ của 80 triệu người bị tước đoạt và phải phục tùng nguyện vọng của một người duy nhất. Ðiện tín, điện thoại,radio cho phép những tổ chức cao cấp có thể truyền mệnh lệnh trực tiếp xuống các cơ sở, và tại đây nhờ uy tín của chúng, các mệnh,lệnh này được thi hành vô điều kiện..." (89 - 299, 300)
Các phương tiện giao tiếp hiện đại gây nên những biến đổi quan trọng trong cấu trúc truyền thống của chuyên chính và trước hết là trong cơ cấu hoạt động của nó. ở dạng chuyên chính cũ, mọi mệnh lệnh hay sắc luật phát ra từ trung tâm được thi hành theo từng bậc từ trên xuống dưới. Mọi mắt xích trung gian đều có vai trò xác định như một cơ cấu thành phần, và nếu không có sự tác động tương hỗ của nó, nguyện vọng của trung tâm không đạt được yêu cầu như đã định. Trong những thời điểm cấp thiết, nếu mắc xích trung gian này từ chối không hoạt động, sắc lệnh của trung tâm sẽ không được thực hiện, vì lúc này đường dây liên lạc đã bị đứt.
Như vậy đối với cơ cấu chuyên chính cổ truyền, các mắc xích trung gian có vai trò quan trọng đến mức trong mọi trường hợp, trung tâm đều trở nên phải phụ thuộc vào chúng, không thể bỏ qua chúng, khi thực hiện những kế hoạch của mình. Trung tâm có thể thay đổi cơ cấu trung gian, phê phán hoặc cải tổ, nhưng không thể từ chối sự cộng tác của nó.
Cái mới mà nhà nước phát xít thu nhận được nhờ các phương tiện giao tiếp hiện đại là, khả năng có thể bỏ qua các mắc xích trung gian nói trên, hoặc nếu không bỏ qua thì trong mọi trường hợp, đều có thể sử dụng cả đường đây trực tiếp giữa trung tâm và các cơ sở. và nếu một mắc xích nào đó từ chối không hoạt động, thì điều đó không có nghĩa là sắc lệnh của trung tâm không được thi hành. Radio đã loại bỏ được mọi hiểm họa này. Tính chất đặc biệt này của nhà nước phát xít không chỉ giúp nó thông tin một cách nhanh chóng, tuyên truyền mang tính quần chúng sâu rộng, mà còn tác động đến cả bản thân bộ máy nhà nước và cơ cấu hoạt động của nó.
Thông qua radio, trung tâm có thể kiểm tra chính bộ máy này và mức độ khẩn trương trong khi thi hành các mệnh lệnh của cấp trên. Như vậy mỗi một trạm trung gian của cấu trúc đẳng cấp, nằm giữa trung tâm và cơ sở, bị đặt dưới hai tầng kiểm soát, từ trên xuống và từ dưới lên, vì trung tâm có thể thông tin trực tiếp đến cơ sở nhờ hệ thống radio. Trong trường hợp này, các mắc xích trung gian đánh mất vai trò tự chủ khi thừa hành mệnh lệnh, cũng như quyền độc lập tương đối của mình. Radio đã thay đổi bản chất của mắt xích trung gian, biến nó thành cơ cấu vô bản sắc của hệ thống, chỉ biết truyền đúng toàn bộ mệnh lệnh.
Như vậy, nhờ có các phương tiện giao tiếp hiện đại, bộ máy nhà nước đã được cơ giới hóa và tạo nên những kết quả quan trọng khác: thứ nhất, bãi bỏ được tính chậm chạp và quan liêu trong hoạt động và trở nên linh hoạt hơn; thứ hai, bộ máy trở nên dễ điều khiển và làm việc tốt hơn.
Chúng ta hãy lấy ví dụ về vụ ám sát hụt trong ngôi biệt thự lớn của Hitler ở miền đông Pruxia. Staufenbert quay trở lại Berlin bằng máy bay và thông báo với những người âm mưu đảo chính là Hitler đã chết. Một số người nghi ngờ muốn xác định lại sự thật về cái chết của Thống lĩnh để quyết định hành động. Nhờ có radio, chỉ hai giờ sau vụ ám sát hụt, Hitler đã phát biểu trên đài phát thanh và những người đảo chính hết nghi ngờ. Nếu không có radio như phương tiện thông tin nhanh chóng, thì dù Hitler còn sống, binh lính ở Berlin đã có thể khởi nghĩa. Tất nhiên, đây không phải là nguyên nhân thất bại căn bản của cuộc đảo chính, nhưng nó đã tạo nên khả năng có thể xử sự kịp thời, mà trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Tóm lại, hoàn toàn không phải phóng đại khi khẳng định, chuyên chính phát xít là con đẻ của xã hội công nghiệp. Kỹ thuật hiện đại của thế kỷ XX không chỉ là hoàn thiện nền chuyên chính, mang lại cho nó những công cụ tinh vi, mà còn tạo nên những cơ sở mà thiếu chúng, nhà nước phát xít không thể được hình thành trên phương diện kỹ thuật. Không có radio, điện thoại, điện tín và phim ảnh, thì những đặc thù quan trọng sau đây của nhà nước độc tài trở nên không tưởng: tuyên truyền mang tính quần chúng và tổng thể; do thám tổng thể; cơ giới hóa bộ máy nhà nước; xây dựng và chỉ huy quân đội chính quy, cơ động.