Như đã nói ngay từ đầu cuốn sách này, nguyên nhân khiến tôi dấn thân vào công việc, cũng như đạt được nhiều sự nghiệp trong hơn 40 năm qua, không có gì khác ngoài sự âm thầm nỗ lực không ngừng. Để làm được như vậy theo tôi cần phải hội đủ ba điều kiện. Đó là phải nỗ lực để thấy thích công việc mình đang làm. Tiếp đến là không ngừng suy nghĩ và sáng tạo. Và cuối cùng là tìm thấy niềm vui và cảm xúc trong công việc. Ngoài ba điều trên, tôi còn nói thêm với mọi nhân viên của Công ty Kyoto hai điều nữa. Đó là “Thích nơi mình làm việc” và “Ông Trời sẽ giúp người nào gắng công”. Lúc mới bước vào đời, công ty đầu tiên tôi đến làm việc là một công ty liên tục thua lỗ, nên muốn thích cũng không thể thích nổi. Tôi phải tự trấn an mình bằng cách cố gắng không để tâm lý chán ghét công ty vương vấn trong đầu. Và khi gạt bỏ đuợc tâm lý đó cũng là bước khởi đầu để tôi thấy thích công việc về sau. Khi không được vào làm việc ở một nơi mình mong muốn, mà phải chọn nơi người ta nhận mình, thì con người ta hay nảy sinh tâm lý đứng núi này trông núi nọ. Thấy cái gì ở trường đó hoặc công ty đó cũng tốt, còn chỗ mình thì cái gì cũng dở. Nhưng điều quan trọng là phải nhanh chóng gạt bỏ và thoát khỏi não trạng “tôi không sao thích nổi công việc chán ngắt này”, “tôi không thể thích nổi chỗ làm này” hoặc “tôi không thích học ở trường này”. Thoát khỏi đuợc não trạng thái đó thì cuộc đời ta mới có thể có những thay đổi to lớn. Nếu ai đã từng phải nỗ lực đến tột cùng và trăn trở đến tột cùng về một việc nào đó thì sẽ hiểu đuợc điều tôi nói: “Ông Trời sẽ giúp người nào gắng công”. Khi đề ra mục tiêu để nỗ lực phấn đấu, người ta thường tự chất vấn và tự trả lời. Đại thể là “Muốn đạt được thì phải làm như thế nào?”, hay “Mình làm như thế đúng hay sai?”. Thông thường do không tìm được lời giải, người ta hay rơi vào tâm trạng lo lắng, lúng túng. Trong tình cảnh đó, nếu không chán nản hoặc buông xuôi giữa chừng mà vẫn tiếp tục trăn trở, nỗ lực tột cùng để tìm lời giải thì nhất định sẽ có một sức mạnh dường như bất chợt hiện ra, nâng đỡ và thúc đẩy mình đi tới. Đó chính là “tâm ngôn” phát ra từ đáy lòng của các bạn. Và sức mạnh đó chính là món quà, là lời giải đáp mà ông Trời ban cho những ai đã và đang nỗ lực đến tột cùng. SỐNG HẾT MÌNH MỖI NGÀY. Từ khi còn trẻ, tôi vẫn luôn tự nhủ: Phải thường xuyên suy nghĩ, trăn trở và sáng tạo trong công việc. Cùng một thí nghiệm thì hôm nay phải hơn hôm qua. Và ngày kia phải hơn ngày mai… Bao giờ tôi cũng cố gắng dụng công hơn, sáng tạo hơn mỗi khi bắt đầu một thí nghiệm mới: “Hôm qua mình đã thế này. Hôm nay, mình sẽ thử cách khác, công phu hơn xem sao. Chắc chắn dữ liệu sẽ đầy đủ hơn và kết quả sẽ tốt hơn.” Ngày nay tôi đắm chìm vào công việc. Thế nhưng tôi chưa bao giờ lập ra một “kế hoạch dài hạn” nào cho mình. Kể từ khi mới ra đời cho đến giờ, Công ty Kyocera chưa bao giờ có một kế hoạch dài hạn nào hết. Trong giới kinh doanh, người ta thường khuyên nhau: “Hãy lập kế hoạch kinh doanh trong 5 năm hoặc 10 năm”. Nhưng trường hợp của tôi thì khác. Từ trước tới nay tôi chỉ sống bằng những mục tiêu ngắn hạn. Phương châm của tôi là “Cố gắng hết mình cho ngày hôm nay”. Vì sao vậy? Bởi vì dù có lập ra một kế hoạch to tát vĩ đại, nhưng nếu không thực hiện đúng được như kế hoạch thì người ta dễ rơi vào tâm trạng mệt mỏi, chán chường. Đôi khi còn khiến họ thối chí và buông xuôi đầu hàng. Nguy cơ đó khiến cho suy nghĩ trở nên tiêu cựa. Vì thế, tôi bao giờ cũng chỉ lập kế hoạch rõ ràng cho một ngày và cố gắng hết mình đạt được mục tiêu đã đề ra trong ngày ấy. Tôi thường xuyên bị người ta hỏi: “Vì sao ông không lập kế hoạch dài hạn?”. Đối với tôi, cách sống của tôi là: hãy cố gắng hết mình cho ngày hôm nay thì sẽ nhìn thấy ngày mai. Cố gắng hết mình cho tháng này thì sẽ nhìn thấy tháng sau. Cố gắng hết mình cho năm nay thì sẽ nhìn thấy năm sau. Vì vậy, tôi sống hết lòng cho ngày hôm nay - để không ân hận – hơn là cứ phải trằn trọc, trăn trở cho những việc chưa diễn ra trong 5 năm sau hay 10 năm sau. Tôi tuân theo và thực hành tâm niệm này suốt 40 năm trời, và chưa khi nào thấy chán nản trong công việc. Có lẽ các bạn trẻ ai cũng mang trong mình ước mơ và hy vọng sẽ làm được điều gì đó vĩ đại trong cuộc đời. Nhưng, trước hết, các bạn nên biết rằng điều vĩ đại chỉ sinh ra từ những nỗ lực âm thầm từng bước. Nếu chỉ vẽ lên ước mơ to lớn mà không âm thầm nỗ lực thực hiện thì suốt cả đời ước mơ cũng chỉ là mơ ước mà thôi. Không có chiếc thang máy tiện lợi nào dành riêng cho cuộc đời mình cả. Chỉ có thể đi lên bằng đôi chân của chính mình và bằng sức lực của chính mình. Đừng ảo tưởng sẽ có con đường đi tắt, đừng ảo tưởng sẽ có thủ đoạn chớp cơ hội để biến ước mơ thành hiện thực. Phương pháp tốt nhất thực hiện giấc mơ là tiến từng bước, từng bước chắc chắn như con ốc sên trên con đường thực hiện giấc mơ. Đọc đến đoạn này, có lẽ các bạn trẻ sẽ kêu lên rằng: “Bước từng bước như lời ông khuyên thì có mất cả đời cũng chưa chắc đã đi hết một con đường”. Không, không phải như các bạn nghĩ đâu. Trên thực tế, quá trình tích tụ từng bước, từng bước sẽ tạo ra hiệu quả cấp số nhân như thể có phép thần vậy. Chính những thành quả nhỏ nhoi sinh ra nhờ nỗ lực âm thầm mỗi ngày sẽ kéo theo những thành quả và nỗ lực mới, rồi đến một ngày bạn chợt nhận thấy nó chất cao như ngọn núi sừng sững không thể ngờ tới. Đó là một phương pháp xác thực để biến giấc mơ trong học tập, trong thể thao hay trong công việc thành hiện thực.