Trên bước đường đấu tranh gay go phức tạp.

Ngay từ khi lên ngôi vua tôi đã nghĩ đến vấn đề độc lập của Campuchia. Tôi được chọn làm Vua ngày 25-4-1941 sau khi cụ tôi là Quốc vương Sisowath Monivong băng hà. Lúc đó tôi mới mười tám tuổi, đang học ban tú tài khoa Triết trường Trung học Chasseloup Laubat của Pháp tại Sài Gòn và đang về nước nghỉ hè. Tôi chưa bao giờ nghĩ, và mẹ tôi cũng không khi nào nghĩ rằng tôi sẽ nối ngôi cụ nội. Tôi cho rằng, người ta sẽ chọn cha tôi là Hoàng tử Norodom Xuramarit, hoặc ông trẻ tôi là Hoàng thân Sisowath Mônirét. Theo thông tục, việc chọn người kế vị sau khi vua băng hà là công việc của Hội đồng ngôi vua, gồm các vị đứng đầu hai phái Đại thừa và Tiểu thừa đạo Phật, vị đứng đầu đạo Bà-la-môn, vị Chủ tịch Hội đồng Hoàng gia và một vài thành viên chính phủ. Đây là lần đầu tiên Hội đồng này lại do Khâm sứ Pháp là Tibađô chủ toạ. Chính ông Tibađô đã quyết định tôi sẽ lên ngôi vua chứ không phải là Hoàng thân Mônirét, mặc dù Hoàng thân là con trai cả Vua Monivong, đáng lẽ phải nối ngôi vua cha mới đúng. Quả là nếu người Pháp không can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi thì việc nối ngôi ở Campuchia cũng như tại các nước theo chế độ quân chủ vẫn theo truyền thống cha truyền con nối.
Quốc vương Ang Dương, người châm mồi lửa yêu nước chống thực dân từ thế kỷ 19, có hai con trai là Norodom và Sisowath. Năm 1860, vua Ang Dương băng hà, con trai cả là Thái tử Norodom đã nối ngôi theo đúng tục lệ đặt ra từ lâu đời. Triều đại Norodom tương ứng với thời kỳ thực dân Pháp đánh chiếm thuộc địa. Nhà vua đã chống lại một cách tuyệt vọng. Năm 1904 Vua Norodom qua đời, người con trai đầu là Thái tử Yucantor vì tham gia kháng chiến đã bị thực dân lên án phải trốn đi biệt xứ, đáng lẽ người con thứ hai là Hoàng tử Xutharôt phải được nói ngôi mới đúng. Nhưng người Pháp lại chọn Hoàng tử Sisowath là em trai vua Norodom lên nối ngôi. Đó là một hành động rõ ràng trái với truyền thống, gây bất bình cho dòng Norodom cũng như trong nhân dân. Vì vậy, khi vua Sisowath từ trần vào năm 1927 người Pháp lại phải quay về với tập tục truyền thống, tức là chọn con trai cả của vua Sisowath là Thái tử Sisowath Monivong đặt lên ngai vàng. Nhưng dư luận vẫn không hài lòng vì nhân dân đều muốn chọn dòng họ Norodom có truyền thống yêu nước. Người Pháp buộc phải chọn cơ hội để làm yên lòng dân. Sau khi vua Monivong qua đời, người Pháp đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là con trai cả của Cựu vương Norodom tức Thái tử Xutharôt lúc đó đã bẩy mươi chín tuổi, hoặc là con trai của Thái tử Xutharôt là Hoàng tử Xuramarit, ông thân sinh ra tôi.
Nhưng tại sao người Pháp lại chọn tôi? Chắc hẳn vì cha tôi thuộc dòng họ Norodom và mẹ tôi thuộc dòng họ Sisowath. Hai dòng họ này kết hợp với nhau, tức là triệt được nguồn tranh giành, bất mãn. Hơn nữa lúc đó tôi đang còn rất trẻ, lại hiền lành, chăm học. Người Pháp nghĩ rằng tôi sẽ dễ bảo, dễ uốn nắn hơn ông trẻ tôi là Môniret đã từng phục vụ trong đội quân Lê Dương của Pháp, nổi tiếng là một tay cứng rắn. Theo nhận xét của nhà văn Đức Claodơ Mê-nét người Pháp chọn tôi làm vua có lẽ vì nghĩ rằng tôi sẽ là một chú “cừu non”, nhưng rồi sau đó đi ngược những hy vọng của Pháp tôi lại trở thành một “con cọp”. Thật vậy, trong vấn đề đòi độc lập cho Campuchia, tôi đúng là một con cọp, nhưng lúc đặt lên ngai vàng mới chỉ là một con hổ bé con.
Cuộc đụng đầu dữ dội giữa tôi với thực dân Pháp mở đầu bằng việc tôi muốn giành độc lập cho cá nhân tôi. Đó là lúc Khâm sứ Pháp Gióoc-giơ Gôchiê muốn đứng làm chủ hôn, ép tôi kết duyên với một cô gái con quan nhà giàu, do ông ta chọn mặc dù tôi chống lại quyết liệt. Đây là lần đầu tiên tôi bị cưỡng ép tước đoạt quyền tự do cá nhân. Sự việc này đã ghi lại trong tôi một kỷ niệm cay đắng.
Thời kỳ đó Đô đốc Đơ-cu đang giữ chức Toàn quyền Đông Dương. Đối với Đô đốc Đơ-cu, tôi lại biết ơn vì ông thường khuyên tôi nên đi thăm các địa phương trên đất nước Campuchia để tìm hiểu tình hình.
Tôi đã nghe theo lời ông đã đi đến cả những vùng chỉ có thể tới được bằng cách ngồi trên lưng voi. Đó là những dịp tôi được tiếp xúc với nông dân, ngư dân, được khám phá những cảnh tươi đẹp của đất nước. Kết quả của sự khảo sát này đi ngược lại ý định của Toàn quyền Đơ-cu, bởi vì càng hiểu biết người dân và những vấn đề của dân tôi càng bất bình với luật pháp thuộc địa và càng quyết tâm một ngày nào đó phải giành bằng được độc lập cho Campuchia.
Thời kỳ đó, Campuchia là một xứ bảo hộ của Pháp. Tôi đã phát hiện ra tất cả sự mỉa mai của từ “bảo hộ” này khi chính quyền Pháp dâng Campuchia cho Nhật, hồi tháng 12-1941. Nếu những người Pháp dường như lúc đó cũng bắn vài ba phát đạn để tự bảo vệ thì họ lại chẳng bắn một phát súng nào để bảo vệ Cung điện Hoàng gia Campuchia. Trong những năm đầu tiên chiếm đóng Campuchia, người Nhật vẫn cai trị qua hệ thống thực dân của Pháp mà họ đã duy trì. Vì vậy, tôi chẳng có quan hệ gì với đạo quân chiếm đóng.
Đến ngày 9-3-1945, người Nhật làm đảo chính hất căng Pháp, tự nắm lấy quyền cai trị trong tay, lúc đó họ mới báo cho tôi là Campuchia đã được độc lập trong những cuộc tiếp xúc đầu tiên với tôi. Lúc đó tôi đã hết sức ngạc nhiên sửng sốt chẳng khác gì trước kia người Pháp báo đã chọn tôi làm Vua, hồi bốn năm trước. Và tôi cũng phát hiện được ngay là người Nhật đã đòi tôi phải trả giá cho sự độc lập này bằng cách huy động tất cả mọi nguồn nhân lực, của cải phục vụ cho Nhật Bản.
Quả là lúc đó tôi không có ý định phục tùng nhưng tôi đã quyết định lợi dụng qui chế mới này để dành độc lập cho Campuchia. Vì vậy, tôi đã đề nghị với Bộ Tổng chỉ huy quân đội Nhật Bản tuyên bố rõ ràng bằng văn bản để nền độc lập của Campuchia có cơ sở pháp lý. Thế là bắt đầu một loạt cuộc đàm phán thương lượng đi lại giữa Tokyo và Phnompenh, cuối cùng tôi đã tránh được cho Campuchia thoát khỏi chiến tranh và có được văn bản “độc lập” trong túi để sau này tiếp tục đấu tranh với Pháp. Trong khoảng thời gian đàm phán kéo dài năm tháng, Sơn Ngọc Thành được người Nhật đưa từ Tôkyô về nước đặt lên. ghế Thủ tướng và không ngừng quấy rối tôi. Điều mà Thành thèm khát chính là tham vọng uy quyền cá nhân. Chính vì vậy cho nên khi Pháp quay trở lại Đông Dương với sự giúp đỡ của Anh hồi tháng 9-1945, Sơn Ngọc Thành đã bị Pháp bắt giữ kết án tử hình về các tội ác và phản bội (nhưng sau đó Thành đã được tôi giải thoát, sống lưu vong ở nước ngoài).
Người Pháp sau khi trở lại Đông Dương với sự giúp đỡ của Anh quốc hồi tháng 9-1945 đã yêu cầu tôi cử một phái đoàn tới gặp Đô đốc Đácgiăngliơ vừa được cử làm Cao uỷ Đông Dương.
Không cần phải là một nhà tiên tri cũng có thế đoán biết cuộc tiếp xúc này có liên quan đến những vấn đề gì. Tôi đã trả lời bằng một công hàm ngày 28-9-1945 như sau:
“Đề nghị Đô đốc vui lòng cho biết đoàn đại biểu do chúng tôi chỉ định có được coi là những đại diện của một quốc gia độc lập hay không. Campuchia đã được độc lập từ ngày 9-3-1945. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với Pháp và thiết lập với Pháp những quan hệ hữu nghị trên các lĩnh vực chính trị, kinh tê, văn hoá. Những quan hệ này phải được xác định trên thực chất là không uy hiếp nền độc lập của đất nước chúng tôi”.
Công hàm này không được trả lời. Cuộc tiếp kiến Đô đốc Đácgiăngliơ cũng không có. Sau đó ít lâu, người Pháp giải thích rõ là họ chỉ dự định nối lại những quan hệ với Campuchia dựa trên các điều khoản đã ghi trong Hiệp ước Bảo hộ năm 1863, là bản hiệp ước đã áp đặt đối với Campuchia sau khi Pháp gửi tối hậu thư cho cụ nội tôi là Quốc vương Norodom buộc phải chấp nhận trong vòng hai mươi bốn giờ. Một pháo hạm của Pháp đã tiến sâu vào sông Mê công, cắm neo ngay trước mặt Hoàng cung, chờ đợi Nhà vua trả lời.
Sau khi đã chấp nhận bản Hiệp ước Bảo hộ năm 1863, Quốc vương Norodom lại còn phải ký nhận thêm bản Thoả thuận năm 1884, một bản thoả thuận rất nhục nhã, áp đặt bằng các thủ đoạn còn tàn bạo hơn nữa đối với Campuchia.
Nếu hiểu theo nghĩa đàm phán mà người Pháp đề nghị với tôi thì có lẽ phải thương lượng ngay từ đầu, từ các điều khoản áp đặt trong Hiệp ước Bảo hộ năm 1863 mới đúng.
Nhiều người hoài nghi cho rằng tôi đã cường điệu khi nói đến những điều sỉ nhục đối với nhân dân Campuchia trải qua những triều đại trước đây. Những kẻ thù địch với tôi thì lại mỉa mai chế giễu, gọi tôi là “quá khích”, là “bốc đồng” khi nói về các vấn đề có liên quan đến phẩm giá dân tộc và cá nhân tôi. Nhưng, chỉ cần nêu lên một thí dụ có thật, đã xảy ra trong triều đại trước, để trả lời họ.
Năm 1900, Quốc vương Norodom đã cử Thái tử Yucantor đi Pháp mang theo một bản kháng nghị tới chính phủ Pháp. Người Pháp đã tiếp đón Thái tử rất long trọng, dâng biếu nhiều món quà quý giá với hi vọng Thái tử sẽ không làm theo lời Vua căn dặn, sẽ thay bản kháng nghị bằng bài diễn văn đa tạ nước Pháp. Thái tử cám ơn Pháp về sự đón tiếp nhưng lại nói thêm, ở Campuchia, nhân dân đang bị đối xử tồi tệ.
Trong bài diễn văn đọc trước chính phủ Pháp, Thái tử Yucantor nói:
“Tôi xin trân trọng chuyển tới nước Pháp những lời chào mừng của Quốc vương cha tôi đồng thời cũng xin được nói thẳng ra đây những nỗi đau của đất nước.
Chính phủ Pháp hiểu rõ hơn ai hết họ đã dùng những biện pháp nào để đạt được mục đích quyền lực của Triều đình Campuchia phải chuyển giao sang tay người Pháp vào năm 1887. Trước đó, tức là năm 1884, Hoàng cung đã bị quân đội Pháp tiến công, binh lính Pháp đã dí lưỡi lê vào cổ họng Quốc vương, đe doạ đưa đi đầy biệt xử nếu không quy thuận. Đến năm 1887 một lần nữa Pháp lại sử dụng vũ lực uy hiếp. Toàn quyền Đông Dương hồi đó là ông Đume (Doumer) dù ít tàn bạo hơn người tiền nhiệm, nhưng vẫn không kém phần tàn nhẫn, đã buộc Campuchia phải tuần tự nhường cho Pháp quyền chỉ đạo về hành chính, kinh tế và lãnh thổ.
Thống sứ Pháp hồi đó là ông Vecnêvin (Verneville) và cả người tình của ông ta là Mi Mun đã tỏ ra rất quá quắt mọi người dân đều biết rõ sụ lộng hành của nhân vật này. Thống sứ Vecnêvin rất căm ghét Quốc vương Norodom vì Nhà vua thường kháng nghị chống lại sụ áp bức bóc lột của Pháp đối với nhân dân Campuchia. Ông ta đã vu cáo Nhà vua bị điên, đã bắt giam và sau khi đe doạ chặt đầu đã quyết định đưa Vua đi đầy ở Côn Đảo. Toàn quyền Đume đã can thiệp để cứu sống Quốc vương, nhưng đổi lại đã buộc Quốc vương phải sửa lại các điều khoản trong Hiệp ước 1884 một cách có lợi cho Pháp nhiều hơn nữa. Từ đó trở đi cả Triều đình lẫn nhân dân Campuchia đều phải hoàn toàn phụ thuộc vào Thống sứ pháp.
Chính nhân dân Campuchia là người đầu tiên phái trả giá cho sự việc này. Nông dân là tầng lớp đau đớn nhất vì phải chuyển giao nhiều đất đai cho quan Thống sứ Pháp. Trên lý thuyết cổ truyền, toàn bộ đất đai Campuchia là thuộc về nhà vua. Trên thực tế, ruộng đất thuộc về người dân đang cày cấy trên đó. Điều này cũng phù hợp với lời răn của đạo Phật với Triều đình. Hiển nhiên, đất đai là thuộc về Trời Phật, Trời Phật lại uỷ thác cho Vua và Nhà vua là người quyết định trao cho những ai có thể chăm sóc đất đai, ruộng vườn.
Nhưng người Pháp đã ban hành luật sở hữu tư nhân, và chính người Pháp đã chiếm đoạt những vùng đất đai rộng lớn của Campuchia đế lập đồn điền. Chính do người Pháp mà nhân dân Campuchia bị bần cùng hoá. Chính bằng bạo lực và vũ khí, người Pháp đã tước đoạt của nhân dân Campuchia quyền lợi khai thác ruộng đất mà các triều đình trước kia đã ban hành bằng các đạo luật”.
Trong khi đọc bản kháng nghị, Thái tử Yucantor đã nêu lên rất nhiều dẫn chứng cụ thể tố cáo sự đàn áp dã man của Pháp đối với nhân dân Campuchia và nhấn mạnh:
“Những cuộc đàn áp, bắt bớ, lưu đầy, giam giũ trong ngục tối, chặt đầu mà lại có thể được gọi là những biện pháp chính trị được hay sao? Sự thù hằn, điên khùng của các quan chức người Pháp, đặc biệt là khi họ bị ảnh hưởng bởi rượu cồn, thuốc phiện và cả những lời quyên rũ của những người tình bản xử đã gieo rắc sự khủng bố tràn lan trong nhân dân Campuchia. Cả tự do đến mạng sống của họ đều bị thử thách nêu họ dám kêu ca, phàn nàn”.
Thái tử Yucantor cũng thông báo với chính phủ Pháp là Thống sứ Pháp tại Campuchia đã đe doạ bắt giữ khi Thái tử nhận lệnh vua cha mang bản kháng nghị tới Pháp. Thái tử nói: “Họ đe doạ tôi, bởi vì họ sợ tôi nói lên sự thật mà có lẽ sẽ có người nghe ra”. Thái tử cũng cho biết, vua cha rất đau buồn vì những điều xỉ nhục và bạo lực mà nhân dân Campuchia đang gánh chịu. Quốc vương đã nói: “Có lẽ ta đến chết vì phiền muộn mất?”.
Có thể, có người nghĩ rằng, chính phủ Pháp là một nước được coi là tinh tế trong thế giới phương Tây có lẽ sẽ mủi lòng, xúc động trước bản tường trình dũng cảm và cao thượng về những sự việc đang diễn ra trên mảnh đất tận cùng của đế quốc Pháp. Phản ứng của chính phủ Pháp hồi đó như thế nào? Họ đã hạ lệnh bắt giam Thái tử Yucantor nhưng Thái tử đã may mắn trốn được sang nước Anh rồi từ Anh tìm đường trở về Xiêm (nay là Thái Lan) rồi ba mươi bốn năm sau đã qua đời trên đất nước này. Nếu còn được sống thêm, hẳn là Thái tử sẽ được nối ngôi vua vì bốn năm sau đó vua cha tạ thế. Một năm trước khi qua đời, vua Norodom cho xây chùa Bạc ngay trong khuôn viên Hoàng cung, tự thân trông nom việc xây dựng. Từ ngày buộc phải ký bản Thoả thuận 1884 Đức vua không ra khỏi Hoàng cung nữa. Sau khi chùa Bạc hoàn thành việc xây dựng, Nhà vua thỉnh cầu Đức Phật ngự trị trong chùa để chứng kiến niềm tuyệt vọng của mình và để chứng giám việc tụng kinh niệm phật do chính Vua đảm nhiệm. Đức Vua căn dặn gìn giữ ngôi chùa cho con cháu về sau là những thế hệ “có thể sẽ giành được nền độc lập và sự vinh quang cho Campuchia”.
Mọi người dễ dàng hiểu ngay tôi đã phẫn nộ như thế nào khi phát hiện thấy bản kháng nghị do Thái tử Yucantor tuyên đọc trước Chính phủ Pháp, được cất giữ cẩn thận trong tập Hồ sơ lưu trữ của Hoàng gia Campuchia. Tôi đã đọc lại bản kháng nghị này vào tháng 9-1945 khi người Pháp cũng đang gây sức ép để thiết lập lại hệ thống thuộc địa một cách thản nhiên, coi như không có chuyện gì xảy ra trong quá khứ. Cũng không lấy gì làm lạ, khi ngay từ lúc được chọn để nối ngôi cụ nội tôi năm 1941 tôi đã thề sẽ đấu tranh cho sự nghiệp thiêng liêng mà cụ khởi xướng. Tôi đã tích cực với mọi khả năng có thể của mình để giành lại độc lập nhất là từ khi Pháp âm mưu chiếm lại toàn bộ Đông Dương năm 1945. Có điều tôi đã tránh không đấu tranh vũ trang để không phải đổ máu. Dĩ nhiên, nhiều đồng bào của tôi không muốn đi theo con đường này và một số đã sát cánh chiến đấu bên cạnh Mặt trận Việt Minh của Hồ Chí Minh.
Hồi đó, do sự giáo dục từ thời thơ ấu và do thuộc dòng dõi Hoàng tộc tôi không muốn đi theo Việt Minh. Nhưng bây giờ tôi lại rất vui mừng khi nhận thấy nhiều đồng bào của tôi đã học được nhiều kinh nghiệm chiến đấu du kích trong hàng ngũ Việt Minh. Họ đã xây dựng được một số căn cứ kháng chiến ở trong nước và chính những căn cứ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển phong trào kháng chiến sau cuộc đảo chính 18-3-1970. Còn tôi, tôi đã mở đầu cuộc đấu tranh bằng các biện pháp hợp pháp, hợp hiến mà tôi có được.
Năm 1946 và tiếp đó là năm 1948 tôi được theo học các khoá quân sự của trường Ky binh Xômuya ở Pháp. Tướng Lănglat là hiệu trưởng, đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm của tôi. Sau khi phát hiện thấy tôi bắt đầu đi khá gần đến các vấn đề độc lập của đất nước, Chính phủ Pháp liền cử Tướng Lănglát làm Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương để chế ngự tôi. Chắc hẳn, hồi đó chính phủ Pháp nghĩ rằng tôi đã là học trò ngoan của Tướng Lănglát ở trường Cao đẳng quân sự Xômuya sẽ tiếp tục dễ bảo khi trở về làm Vua và sẽ lại phục tùng Lănglát. Nhưng tôi lại nghĩ dù cho Tướng Lănglát có làm Vua ở Xômuya đi nữa, thì tôi cũng là Vua ở Campuchia. Năm 1949, tôi chuyển tới chính phủ Pháp bản kiến nghị, yêu cầu:
1. Trao quyền tự trị cho Campuchia.
2. Cho Campuchia được thiết lập quan hệ với các cường quốc chủ yếu và có đại diện ở Liên Hợp Quốc.
3. Nhanh chóng tuần tự thu hẹp các khu vực quân sự của Pháp ở Campuchia, để quân đội Campuchia thay thế dần quân đội Pháp.
4. Tổng đại xá cho tất cả những người kháng chiến.
5. Khoan hồng, tiến tới trả lại tự do và ân xá cho các tù chính trị và những người bị lưu đầy, trong đó có Sơn Ngọc Thành.
Cuối cùng những kiến nghị của tôi đã được ghi nhận trong bản Thoả thuận mới. Campuchia được tham dự Hội nghị quốc tế Xan Phranxitcô tháng 9-1951. Đây là lần đầu tiên, Campuchia được coi như một thực thể tách rời Pháp, được đặt bút ký vào bản Hiệp định Hoà bình đối với Nhật Bản, cùng với bốn mươi bẩy quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, tôi cũng như nhân dân Campuchia vẫn chưa thật sự hài lòng với bản Thoả thuận ký năm 1949 với Pháp. Dù đây là một bước tiến dài, chúng tôi vẫn còn xa mới đi được tới đích cuối cùng là: Độc lập vô điều kiện. Trong thông điệp gửi nhân dân Campuchia ngày 15-6-1952, tôi hứa trong vòng ba năm nữa sẽ giành được độc lập hoàn toàn. Trên thực tế, vấn đề còn lại chỉ là đấu tranh đòi Pháp phải trao trả nốt cho Campuchia một số quyền lực mà người Pháp vẫn muốn nắm giữ tới cùng hằng mọi giá vin vào lý do cần phải tiếp tục chiến tranh chống Việt Minh. Tôi đã trình bầy dứt khoát rõ ràng với Pháp: Tôi không muốn Việt Minh có mặt trên lãnh thổ Campuchia. Còn Việt Minh làm gì trên đất Việt Nam thì tôi tuyệt đối không can thiệp. Vì vậy tôi từ chối việc sử dụng Campuchia làm bàn đạp quân sự tiến đánh Việt Minh. Một lần nữa, tôi lại nài Pháp trao trả độc lập cho Campuchia.
Ngày 25-3-1953 tôi được Tống thống Pháp Ôriôn mời ăn cơm trưa. Trước khi đi tôi đã được thông báo, chính phủ Pháp đã chăm chú nghiên cứu lập hồ sơ về Campuchia do tôi vừa chuyển tới. Tôi rất phấn khởi như được động viên thêm. Tuy nhiên, cuộc thảo luận trong bữa ăn hoàn toàn không đạt được chút kết quả nào. Cuối cùng Tổng thống Pháp đã cố tình gợi ý là ông rất mừng nếu tôi rời khỏi Pháp càng sớm càng tốt. Thậm chí, trong bản Thông cáo chung người ta còn ghi một câu: “Quốc vương Sihanouk nên trở về Phnompenh trong vài ngày tới”. Bộ trưởng Bộ các nước liên kết với Pháp là ông Lơtuốcnô thân chinh tới gặp tôi để khẳng định những lời thỉnh cầu của tôi nhằm giành độc lập cho Campuchia là “không thích hợp trong lúc này”.
Dù sao, tôi cũng còn may mắn hơn ông cụ trẻ của tôi là Thái tử Yucantor hồi nửa thế kỷ trước, tức là đã được rút lui an toàn. Nhưng tôi vẫn không chịu để cho Pháp đối xử như vậy. Tôi quyết định quay sang cầu cạnh Mỹ giúp đỡ. Tôi nghĩ có lẽ tại Mỹ là nước tự coi là thành trì của tự do, đối lập với mọi âm mưu thực dân hoá Đông Dương, tôi sẽ tìm được sự thông cảm và có được sự ủng hộ mà tôi đang cần. Bộ trưởng Lơtuốcnô đánh hơi thấy những dự định sắp tới của tôi, đã thông qua ông chú thân Pháp của tôi là Hoàng thân Sisowath Mônirét báo cho tôi biết, chiếc “ngai vàng” của tôi sẽ bị đe doạ nếu tôi phát đi những lời “tuyên bố phiêu lưu chống Pháp” ở nước ngoài. Lúc này, cuộc tranh cãi giữa tôi với chính phủ Pháp đang xoay quanh vấn đề “Campuchia cần phải tham gia cùng với Pháp trong cuộc chiến tranh chống Việt Minh” (là vấn đề tôi đã từ chối thẳng thừng) và về việc Campuchia cần có mặt trong khối Liên hiệp Pháp.
Tôi đã nói thẳng với Tổng thống Pháp Ôriôn:
“Nước Pháp không có lý do gì để bận tâm đến số phận của tôi cũng như ngôi vua, cũng không cần phải quan tâm đến vận mệnh của nền quân chủ Campuchia. Chỉ cần chính phủ Pháp trao trả độc lập cho Campuchia đơn giản thế thôi. Sau đó, dù Pháp có hoàn toàn bỏ rơi Campuchia cũng được”.
Trong thời điểm quyết định này của lịch sử Campuchia và cũng là thời điểm quyết định những quan hệ giữa Campuchia với Pháp, tôi buộc phải lựa chọn giữa việc theo Pháp hay theo đồng bào của tôi. Tất nhiên là tôi phải theo đồng bào Campuchia của tôi Tôi không hiểu tại sao nước Pháp vừa mới thoát khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức hồi đó lại có thể dửng dưng trước những khát vọng tự do, độc lập của Campuchia cũng như của nhân dân toàn Đông Dương. Nhất là thái độ thản nhiên này lại xuất phát từ một Tổng thống thuộc Đảng Xã hội Pháp, là điều làm cho tôi càng khó hiểu. Người ta đang đe doạ là tôi có thể sẽ “mất ngôi vua” nếu đi quá xa trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Nhưng làm thế nào mà người ta tước đoạt được cái mà người ta không có?
Ngày 13-4-1953 tôi bay đi Mỹ, qua Canada, mang theo một bản giác thư trong đó yêu cầu Mỹ ủng hộ nền độc lập của các nước Đông Dương, trước hết là Campuchia. Tôi nhấn mạnh rằng Campuchia chưa thể nào tham gia vào các hoạt động dân chủ chừng nào chưa được độc lập thật sự và hoàn toàn. Các nước khác ở Đông Dương cũng vậy. Đó cũng là chủ đề mà tôi thảo luận trong cuộc đàm thoại kéo dài suốt một giờ với Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét. Phản ứng của ông Đa-lét quả là cay đắng đối với tôi ông ta tuyên bố: “Các ông trước hết phải đánh bại chủ nghĩa cộng sản trong khu vực của mình đã. Lúc đó chúng tôi sẽ gây sức ép để Pháp phải làm cái gì cần làm”. Thế thì còn nói gì nữa! Ý đồ rõ ràng của Mỹ là sự cấp bách phải tiêu diệt Việt Minh, và Campuchia phải đóng góp phần quan trọng vào đó. Ông Đa-lét nói tiếp:
“Kẻ thù chung của chúng ta là Việt Minh. Campuchia các ông phải hiểu rằng nếu Việt Minh không bị tiêu diệt thì họ có thể sẽ quét sạch nền quân chủ của Campuchia, cả nền văn hoá ngàn năm và nền dân chủ Khơme nữa. Chừng nào nguy cơ tai hại đối với chúng ta đó chưa bị gạt bỏ thì chúng tôi không thể làm điều gì để Pháp nản lòng vì hiện Pháp đang chịu nhiều hy sinh to lớn ở Đông Dương để bảo vệ nền tự do chung của chúng ta. Chiến tranh đang bước vào thời điểm quyết định. Chúng tôi phải chiến thắng. Hơn bao giờ hết chúng ta phải đoàn kết phối hợp chặt chẽ mọi lực lượng, mọi phương tiện của chúng ta chứ không phải để cãi vã, gây chia rẽ. Bất đồng giữa các ông với Pháp sẽ có lợi cho kẻ thù chung. Nếu không có quân đội Pháp đóng trên đất Campuchia, đất nước các ông sẽ bị bọn Đỏ thôn tính, nền độc lập của Campuchia cũng bị tan biến hoàn toàn”.
Tôi đã trả lời Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét giống như những điều đã nói với Tổng thống Pháp Ôriôn, là không nên quá quan tâm vào những chuyện nội bộ của chúng tôi. Bây giờ nhớ lại những lời tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét năm 1953, đối chiếu với thực tế năm 1970, quả là nực cười: Ai là người đã quét sạch nền văn minh truyền thống của Campuchia, nếu không phải là những người kế tục sự nghiệp của ông Giôn Phôxtơ Đa-lét trong học thuyết “dùng người châu Á đánh người châu Á”. Tôi không cùng chung hệ tư tưởng với Việt Minh, nhưng tôi có thiện cảm với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nếu đã tự nhận là một người Campuchia yêu nước thì làm sao có thể nghĩ khác được? Chúng tôi cùng chung mục đích, nhưng chỉ khác nhau về con đường đấu tranh để đạt tới mục đích đó. Tôi đã cố giải thích cho ông Đa-lét rõ, nhưng ông không chịu nghe, lại còn bác bỏ bằng cách trả lời: “Thôi, Hoàng thân hãy quay về đi và hãy giúp tướng Pháp Nava chiến thắng cộng sản!”. Về cái gọi là “sự đe doạ của cộng sản”, tôi đã trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Thời báo New York, số ra ngày 19-4-1953: “Trong những năm gần đây, giới trí thức Campuchia ngày càng nhận rõ cộng sản Việt Minh chỉ chiến đấu để giành độc lập cho nước họ”. Tôi cũng nói thêm người Campuchia nhận thức rõ vấn đề, không muốn “chết vì nước Pháp và giúp Pháp ở lại Campuchia”. Điều mà tôi không đạt được khi trình bầy với ông Ôriôn và ông Đa-lét đã có tiếng vang sau khi bầy tỏ trên tờ Thời báo New York.
Bốn ngày sau khi báo phát hành, Chính phủ Pháp đề nghị Campuchia cử một phái đoàn tới Paris thảo luận tiếp những vấn đề đang treo lơ lửng.
Lúc đó, tôi đang trên đường từ Mỹ trở về Campuchia, đã ghé lại Nhật Bản chờ đón kết quả cuộc đàm phán. Đúng lúc này tôi lại nhận được một bức điện của ông Đa-lét đề nghị tôi “cố gắng hợp tác với Pháp trên tinh thần hoà hợp cao nhất” và Mỹ sẽ làm tất cả mọi việc tuỳ theo khả năng nhằm tăng cường viện trợ cho Campuchia để cùng ngăn chặn sự xâm lăng của cộng sản”. Bức điện đó đã làm cho tôi suy nghĩ: Campuchia chỉ có thể dựa vào chính sức mình để giành độc lập. Lúc đó, tôi đã thoáng nghĩ tới đấu tranh vũ trang. Những kẻ gièm pha bài xích tôi thường xuyên tạc là trong quá trình đấu tranh tôi đã được Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai tẩy não. Nhưng trên thực tế chính Vanh-xăng Ôriôn, Giôn Phôxtơ Đa-lét và sau này thêm cả Risớt Nixon mới thật sự là các giáo viên phản diện huấn luyện chính trị cho tôi. Cũng đúng vào lúc tôi đe doạ sẽ đấu tranh vũ trang và được nửa triệu người Campuchia hưởng ứng lời kêu gọi, khi đó Pháp mới chịu đàm phán nghiêm chỉnh.
Tháng 9-1953 sau khi Pháp đã chấp nhận sẽ trao lại cho Campuchia tất cả quyền lực về quân sự, cảnh sát, tư pháp, tôi chỉ thị cho Thủ tướng Pen Nouth gửi một thông điệp tới các lực lượng Việt Minh và Khơme Issarac, trong đó nêu rõ: “Dù chúng tôi không phải là cộng sản, nhưng chúng tôi cũng không chống lại chủ nghĩa cộng sản ở bên ngoài lãnh thổ Campuchia. Chúng tôi không chú ý đến tình hình diễn ra ở Việt Nam”. Tôi cũng đảm bảo, nước Campuchia độc lập không trở thành bàn đạp quân sự nhằm tiến công Việt Minh. Lời tuyên bố này cũng là định hướng đầu tiên cho đường lối trung lập của Campuchia và đã vấp phải phản ứng của Mỹ. Thượng nghị sĩ Mỹ Uyham Naolen cùng với đại sứ Mỹ ở Sài Gòn là Đônan Hít lập tức tới thăm Campuchia, cố thuyết phục tôi phải để cho Pháp tiếp tục giữ vai trò chủ chốt ở Campuchia nhằm hoàn thành sứ mệnh trọng đại hàng đầu là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Sirik Matak hồi đó giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia dễ dàng ngả theo những lý lẽ thuyết phục của Naolen, nhưng tôi vẫn tỏ ra không thể nào khuất phục nổi.
Chuyến đi của Thượng nghị sĩ Naolen mở đầu cho một thời kỳ dài Mỹ ngày càng can thiệp vào tình hình Campuchia, đỉnh cao là việc Tổng thống Mỹ Nixon đã tiến quân vào Campuchia năm 1970. Hồi đó, cả Naolen lẫn Đônan Hít, được Sirik Matak ủng hộ đã cố đưa ra tất cả những lý lẽ tưởng tượng và bịa đặt, nhằm thúc ép tôi ủng hộ “sự nghiệp chung”. Nhưng quyết định của tôi là không thể đảo ngược. Họ đã phải ra về với bàn tay trắng.
Ngày 17-10-1953, Pháp và Campuchia thảo luận những điểm cuối cùng trong vấn đề chuyển giao quyền lục quân sự và đến ngày 9-11-1953, chúng tôi đã nắm trong tay mọi yếu tố của nền độc lập, dù một số đơn vị nhỏ quân đội Pháp mới chịu rút hết khỏi Campuchia.
Tôi đã biết lợi dụng sức ép ngày càng mạnh của Việt Minh đối với Pháp trên đất Việt Nam và Lào cộng với sức ép có thể có một cuộc kháng chiến nữa của Campuchia ngay trên lãnh thổ Campuchia để giành được thắng lợi. Trong buổi lễ chính thức bàn giao quyền lực ở Campuchia, tôi đã gặp lại Tướng Lănglát, huấn luyện viên về khoa cưỡi ngựa, ông thầy cũ rất kính mến của tôi. Tướng Lănglát nói:
- Thưa Đức vua, ngài vừa cho chúng tôi một cái tát mạnh mẽ!
Tôi đáp:
- Thưa tướng quân, không phải thế. Đó là vì tôi muốn tỏ ra xứng đáng với những gì tướng quân đã dạy dỗ tôi. Thắng lợi của tôi xét cho cùng cũng là thắng lợi của tướng quân, bởi vì tướng quân đã dạy tôi nghề võ.
Ông Lănglát vẫn nói tiếp:
- Ngài không được lịch sự lắm đối với giáo sư của ngài.
Tôi trả lời:
- Thưa tướng quân, tôi cần phải chứng minh khả năng của mình, với tư cách là một học trò cũ. Tôi không thể thua trong một trận đấu mà đất nước của tôi bị đem ra đặt cược.
Một sĩ quan nói nhỏ với Tướng Lănglát:
- Nhà vua điên rồi. Ông ta đuổi chúng ta ra khỏi Campuchia. Nhưng không còn Pháp thì Campuchia sẽ bị Việt Minh nghiền nát mất.
Tướng Đờ Lănglát quay lại phía tất cả các sĩ quan đang đứng và nói to:
- Có thể là Nhà vua điên. Nhưng trong trường hợp này, đây là một sự điên cuồng rất sáng suốt.
Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương năm 1954 đem lại cho chúng tôi sự công nhận chủ quyền và sự đảm bảo tôn trọng nền độc lập của Campuchia của cộng đồng quốc tế, nhưng trên thực tế Campuchia đã giành được độc lập từ ngày 9-11-1953. Đó là kết quả của một quá trình đấu tranh trên chặng đường dài đầy khó khăn trắc trở.
Tôi biết, đây mới chí là giai đoạn đầu của cuộc chiến đấu còn phức tạp hơn tất cả những cuộc đấu tranh mà tổ tiên tôi cũng như bản thân tôi đã trải qua, kể từ ngày một cường quốc đầu tiên ban cho Campuchia sự “bảo hộ”, cách đây một thế kỷ.
Trong buổi dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi được vinh dự đứng túc trực bên cạnh linh cữu. Tôi lại sực nhớ đến câu nói của Người mà tôi cho rằng không gì đúng hơn. Đó là câu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cụ Hồ là một bậc cách mạng lão thành, xuất thân từ tầng lớp bình dân. Tôi là một nhà quí tộc thuộc dòng dõi quân chủ lâu đời nhất ở Campuchia. Cụ với tôi không cùng chung thế hệ, bởi vì Cụ hơn tôi tới ba chục tuổi. Nhưng Cụ và tôi đều cùng chung nguyện vọng muốn cho nước nhà độc lập. Để đạt mục đích này, Cụ đã chọn con đường cách mạng gay go ác liệt. Còn tôi, một con người trẻ tuổi lại rất sợ đổ máu. Nhưng cuối cùng chính Cụ đã dạy chúng tôi bài học là tất cả các thế lực đế quốc chỉ cho các dân tộc bị chúng áp bức một con đường duy nhất để giành lại tự do. Đó là con đường đấu tranh vũ trang mà Hồ Chí Minh đã xác định.
Ngày 2-3-1955, tôi gửi một băng cát xét đã ghi sẵn bài nói của tôi tới Đài Phát thanh Phnompenh, dặn kỹ đến buổi trưa mới được mở và phát vào buổi thông tin giữa lúc mọi người đang ăn cơm. Những người nghe đã rất sửng sốt khi thấy tôi tuyên bố từ bỏ ngôi vua. Các thành viên trong Hoàng tộc và Chính phủ cũng rất ngạc nhiên. Tôi đã suy nghĩ kỹ một mình, không hỏi ý kiến bất cứ một ai và đã tự quyết định thoái vị.
Hiến pháp năm 1947 của Campuchia qui định, trong trường hợp Nhà vua tự nguyện rời bỏ ngai vàng thì Hội đồng Ngôi vua phải chọn người kế vị trong số nam giới thuộc dòng dõi Ang Dương, tức là dòng họ Sisowath hoặc Norodom. Cha tôi là Norodom Xuramarit lúc đó sáu mươi tuổi, đã được chọn. Còn tôi thì cũng đã ba mươi tư tuổi và đã trị vì được mười bốn năm.
Tại sao tôi đi đến quyết định này? Và tại sao lại quyết định vào thời điểm này? Đó là do nhiều nguyên nhân, kể cả khách quan lẫn chủ quan.
Năm 1952, tôi cam kết sẽ đẩy mạnh đấu tranh giành độc lập trong vòng ba năm, việc này đã hoàn thành, nếu so với lịch 1955 thì còn sớm hơn đôi chút. Ngày 7-2-1955 tôi chỉ thị tổ chức trưng cầu ý dân và 99,8% dân chúng đã trả lời “tán thành” để nhà vua được miễn nhiệm khi tự nguyện yêu cầu. Trong thời gian này, tôi đã học được cách đương đầu với các chính khách và tích luỹ được những kinh nghiệm quý báu đối với những người thuộc cùng lứa tuổi với tôi. Tôi không còn ngây thơ như trước, vào thời điểm còn tin là Pháp hoặc Mỹ có thể có một chính sách “không vụ lợi”. Đối với tôi, vai trò của Nhà vua là rất phù hợp trong cuộc thập tự chinh đấu tranh giành độc lập. Nhưng nay đã độc lập rồi, vai trò đó không còn thích hợp để thúc đẩy đất nước tiến lên.
Lúc này Uỷ ban kiểm soát, giám sát đình chiến (thành lập từ Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương) gồm đại diện ba nước Ấn Độ, Ba Lan, Canada đang hoạt động trên đất Campuchia như một tổ chức siêu chính phủ. Người Ba Lan coi tôi như một tên quý tộc, kẻ thù của tiến bộ và cánh tả. Người Canada, bảo vệ những quyền lợi của Mỹ, đã nhắm mắt làm ngơ trước việc các khu vực biên giới giữa Thái Lan và Nam Việt Nam của chúng tôi bị vi phạm. Các thế lực chính trị phe phái ở Campuchia không ngừng xung đột lẫn nhau và muốn tôi chỉ là một kẻ tượng trưng trên ngai vàng. Chính vì vậy cho nên tôi quyết định từ bỏ vai trò tượng trưng mà người ta đang muốn gán ghép, rời bỏ ngai vàng, bước xuống đấu trường chính trị.
Các thế lực bên ngoài đang gây sức ép để buộc Campuchia chấp nhận cái “ô bảo hộ” của khối liên minh quân sự Đông Nam Á do Mỹ cầm đầu. Đối với một số thế lực cánh hữu trong nước, cái “ô bảo hộ” này là cứu cánh để thoả mãn các tham vọng chính trị của họ. Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét công khai bộc lộ ý định sẵn sàng gửi các sĩ quan đến Campuchia làm huấn luyện viên quân sự “miễn là Campuchia để họ được hoàn toàn thực hiện nhiệm vụ và Pháp không cản trở họ”. Có nghĩa là Mỹ muốn “lấp chỗ trống” sau khi quân đội Pháp rút khỏi Campuchia.
Tôi cũng muốn thử thách khả năng của mình trong lĩnh vực chính trị trước các đối thủ của tôi mà không cần phải dựa vào uy thế kiểu cha truyền con nối. Đảng Dân chủ Campuchia được Mỹ nâng đỡ đang muốn thiết lập một chế độ dân chủ nghị viện thân phương Tây theo kiểu Pháp. Còn những người Ba Lan trong Uỷ ban quốc tế lại muốn bảo vệ lợi ích của nhóm Pracheachon thân cộng sản. Năm 1947 tôi đã chuyển chế độ quân chủ chuyên chính thành quân chủ lập hiến, có nghị viện. Sau đó tôi chợt hiểu rằng chế độ này vẫn chưa vận hành tốt bởi nhân dân Campuchia hồi đó chưa hiểu biết gì về kiểu dân chủ hình thức này mà nội dung chỉ là thỉnh thoảng lại đi bầu và bầu cho những người có những lời tuyên bố hứa hẹn lôi cuốn. Năm 1952 tôi đã quyết định giải tán nghị viện đầu tiên được bầu theo kiểu này để tập trung quyền lực vào việc đấu tranh giành độc lập trong vòng ba năm như đã cam kết. Lập tức tôi nhận được một bức thư lời lẽ cháy bỏng của một sinh viên lên án tôi đã bóp chết nền dân chủ ngay khi mới đang nằm trong nôi. Cậu sinh viên đó là Hou Youn, hiện nay là một trong ba Bộ trưởng Chính phủ kháng chiến chống Lon Nol đặt trụ sở ở trong nước. Sự thật này chứng tỏ, chúng tôi chưa có kinh nghiệm hoạt động chính trị và trong chúng tôi lúc đó chưa ai biết phải làm gì để đạt được một nền dân chủ lâu dài, có sức sống. Nhiều nước sau khi giành được độc lập cũng gặp những khó khăn như vậy. Nhất là khi đó trong nghị viện Pháp lại xuất hiện sự tranh cãi hỗn loạn vô chính phủ, tháng nào cũng thay đổi chính phủ càng làm cho người ta ngán cái chế độ dân chủ kiểu này.
Ngày 19-2-1955, tức ba tuần trước khi tôi rời bỏ ngôi vua, tôi đã cho bổ sung vào Hiến pháp năm 1949 một điều khoản là các xã có thể bầu đại biểu đi dự hội đồng cấp tỉnh. Các hội đồng cấp tỉnh có quyền hạn rộng rãi trong việc giải quyết các vấn đề thuộc địa phương mình và bầu đại biếu tham gia Quốc hội. Các chính đảng vẫn được tồn tại nhưng các ứng cử viên Quốc hội chỉ được lấy danh nghĩa cá nhân chứ không được mang danh các đảng phái. Quốc vương sẽ chọn trong số những người đã được bầu vào Quốc hội để thành lập chính phủ. Đại biểu Quốc hội sẽ bị miễn nhiệm nếu một nửa số cử tri xét thấy không làm tròn chức trách của người được bầu. Ý định của tôi khi quyết định hệ thống chính trị mới mẻ này là cốt để người dân có thể bầu đại diện cho mình ngay từ cấp xã, trên cơ sở đã hiểu biết các hoạt động của người đó ở ngay cấp cơ sở chứ không phải chỉ qua việc nghe những bài diễn thuyết hoa mỹ. Các đảng phái đối lập đã chỉ trích đề xuất này của tôi và còn tố cáo tôi trước Uỷ ban quốc tế là tôi đã vi phạm các qui định của Hiệp nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương. Trước sự hung hăng của một số cuộc tiến công chính trị, và trước lời vu khống hèn hạ đối với tôi tôi đã buộc phải từ bỏ qui chế quân chủ của mình sau khi suy nghĩ, hoặc là tôi cứ làm vua đặt mình lên trên tất cả mọi lời công kích, hoặc là tôi trở thành một nhà chính trị sẵn sàng đấu tranh.
Tuy nhiên, khi giải thích cho mọi người về sự thoái vị này, tôi nhấn mạnh đến những khó khăn của một ông vua trong việc thường xuyên tiếp xúc với dân chúng mà tôi luôn luôn coi là thiết yếu. Tôi muốn thuyết phục giới thanh niên, sinh viên là tôi muốn cống hiến nhiều cho đất nước, phục vụ đất nước chứ không phải để làm một “đức Hoàng thượng” ngụp lặn trong sự xa hoa của những ưu tiên trong Hoàng cung. Tôi nói với họ:
“Quyền lực của một nhà vua rất cần thiết trong cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của nước ngoài. Tôi cần có danh hiệu đó, tự coi như người đại diện cao quý hợp pháp của nhân dân. Nếu không, người Pháp sẽ nói là tôi không đại diện cho toàn bộ đất nước Campuchia được. Ngày nay, tình hình đã thay đổi. Vấn đề chủ yếu hiện nay là chính trị nội bộ. Nếu tôi cứ ngồi trong cung cấm tách biệt với bên ngoài thì không thể nào biết rõ được tình hình thực tế và những thói lộng hành mà nhân dân là nạn nhân. Tôi biết một cách đau buồn là trong buổi tiếp dân trong cung điện, người dân ngại ngùng sợ hãi không dám bộc lộ hết những nỗi niềm đau khổ của mình. Chung quanh tôi có quá nhiều cận thần, họ sẽ quy trách thậm chí trừng phạt những người đến khiếu tố về một vấn đề gì đó Ai biết được những người vừa đến gặp tôi trong cung cấm, khi quay về nhà số phận sẽ ra sao”. Tôi nhấn mạnh: “Trong cung cấm chật ních những quan lại có nhiều thủ đoạn giống như những con đỉa bám chặt lấy chân voi. Tôi chán ngấy cái cảnh giam mình trong các hàng rào lễ nghi vây bọc bởi đám nịnh thần chỉ muốn cầu cạnh ơn huệ. Nếu tôi muốn đi thị sát một địa phương nào đó, thì lập tức địa phương đó được báo tin trước. Khi tôi tới nói cái gì cần giấu giếm đã bị giấu hết trơn. Chuyến đi nào, tôi cũng chỉ gặp những người dân mặc quần áo đẹp, đứng dưới cổng chào vẫy cờ hoan nghênh và đám quan chức ngăn cách tôi với thực tế xã hội. Tôi rất ghét những cảnh như vậy nhưng vẫn phải phục tùng nghi lễ bởi vì tôi là Thiên hoàng”.
Lúc này Campuchia đã được hơn bốn mươi nước trên thế giới công nhận. Vì là Thiên hoàng, tôi còn phải tiếp các đại sứ trình Quốc thư, các chính khách tới thăm, chủ trì các yến tiệc chiêu đãi, tham dự các buổi trình diễn ca múa và một loạt các nghi thức khác, choán khá nhiều thời gian, làm cho những chuyến đi của tôi tới các địa phương trong nước bị hạn chế. Chính vì những lý do đó, tôi đã quyết tâm rời bỏ ngôi vua để dành tất cả thời gian và năng lực vào việc chăm lo cuộc sống cho dân.
Một tháng sau khi tuyên đọc bản “Chiếu thoái vị” tôi tuyên bố ý định thành lập một tổ chức chính trị mang tên Sangkum Reastr Niyum, có nghĩa là “Cộng đồng xã hội chủ nghĩa bình dân” coi như nòng cột của khối đoàn kết dân tộc mà tôi quyết định thực hiện. Tôi kêu gọi các đảng phái trong nước hãy chôn vùi hết những bất đồng nội bộ, gia nhập tổ chức mới thành lập này mà tôi hi vọng sẽ là một mặt trận, hoặc một phong trào hơn là một đảng chính trị. Mục đích của Sangkum là cho ra đời một nước Campuchia “thật sự dân chủ bình đẳng, xã hội chủ nghĩa nhằm phục hưng sự lớn mạnh của Tổ quốc”.
Khoảng hai tháng sau khi tôi ra lời kêu gọi, Ban chấp hành ba đảng cánh hữu là Đảng Phục hưng Khơme của Lon Nol, Đảng Vì dân của Sam Sary, Đảng Dân chủ quốc gia của Un Chơhana Xun tuyên bố tự giải tán để các thành viên gia nhạp Sangkum. Các đảng phái cánh tả như Đảng Dân chủ, Đảng Pracheachon, Đảng Tự do và một số tổ chức khác tuyên bố sẽ đưa đại biểu ra tranh cử trong cuộc bầu cử dự định tổ chức vào ngày 11-9-1955. Từ cuộc bầu cử này các ứng cử viên của Sangkum đã giành được 91 ghế Quốc hội. Sangkum giành được 83% số phiếu, Đảng Dân chủ 13%, Đảng Pracheachon chỉ giành được 3% số phiếu bầu. Hai tuần sau ngày bầu cử Quốc hội, Sangkum tiến hành Đại hội lần thứ nhất, thông qua những quyết định lịch sử: phụ nữ được quyền đi bầu; tiếng Thơm là ngôn ngữ chính thức (Vấn đề này là một trong những bất hoà giữa tôi với Pháp. Ông Gôchiê trước kia đã từng giữ chức Khâm sứ Pháp tại Campuchia và đã bắt ép tôi phải kết hôn với người con gái do ông chọn, cũng là người định La tinh hoá chữ Khơme, quả quyết với tôi là nếu chọn tiếng Thơm là ngôn ngữ chính thức thì Campucllia không thể nào trở thành một nước hiện đại được). Từ đó trổ đi, mỗi năm Sangkum đều tiến hành đều dặn hai kỳ đại hội.
Ngoài ra còn tổ chức những cuộc họp bất thường trong trường hợp đất nước gặp khủng hoảng.
Chỉ trong vòng tám năm, Campuchia đã chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chính sang quân chủ lập hiến, có nghị viện do dân bầu và nay lại có thêm một hình thức dân chủ độc đáo là Cộng đồng xã hội chủ nghĩa bình dân (Sangkum). Theo sáng kiến do tôi đề ra vai trò của Quốc vương hoàn toàn chỉ còn ý nghĩa tập trung; quyền hành pháp nằm trong tay Thủ tướng và nội các, chế độ này đã vận hành không gặp trở ngại vấp váp suốt 5 năm tiếp theo.
Ngày 3-4-1960, tức sáu tháng sau vụ nổ bom giấu trong quà biếu tại Hoàng cung, cha tôi qua đời, thọ sáu mươi nhăm tuổi. Hội đồng ngôi vua lại tiến hành chọn người nối ngôi trong số một trăm tám mươi Hoàng tử hậu duệ của hai người con trai Cố vương Ang Dương. Mặc dù Quốc hội đã chấp nhận để phụ nữ được đi bầu, nhưng trong việc kế tục ngôi vua chỉ có nam giới được chọn, nếu không nhất định mẹ tôi sẽ lên làm vua.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng ngôi vua tôi đã gợi ý, cống hiến to lớn của nền quân chủ là ngôi vua phải tiêu biểu cao nhất cho tính đoàn kết dân tộc, nhất là trong tình hình lúc này, có một nhóm đang vận động “làm suy yếu cuối cùng dẫn đến thanh toán Hoàng tộc để dựng lên một nền Cộng hoà đứng đầu là Sơn Ngọc Thành.
Một số thành viên Hội đồng ngôi vua đề nghị tôi trở lại ngai vàng, nhưng tôi kiên quyết giữ vững việc tôi đã quyết định thoái vị. Nhiều người đề nghị chọn con trai cả của tôi nhưng tôi cũng phản đối và nói:
“Không súc mạnh nào trên đời có thề ép tôi cho phép con mình ngồi trên ngai vàng. Qua kinh nghiệm bản thân, tôi đã qui rõ những trách nhiệm nặng nề nặng chĩu trên đôi vai Quốc vương, và tôi cũng đã biết rõ, thêm vào đó còn có mọi thử mánh khóe thủ đoạn, tham vọng, ganh ghét mà tôi đã tùng chống chọi trong suốt thời kỳ trị vì. Vì vậy, các vị dễ dàng thông cảm tôi không muôn bất cứ đứa con nào của tôi làm vua. Tôi cũng muốn trước hết, tránh cho đất nước bị xâu xé vì những mâu thuẫn dòng họ trong việc tranh giành quyền lực có thể dẫn đến nội chiến.
Đồng thời, tôi cũng hiểu rõ là, với lập trường này tôi có thể làm cho chế độ quân chủ bị bãi bỏ, dù nền quân chủ hiện chỉ là hình thức. Nhưng dù sao nền quân chủ Campuchia cũng tiếp tục duy trì sự đoàn kết dân tộc, một sự thay đổi đột ngột chỉ có lợi cho kẻ thù. Do đó, tôi xin nói thêm là, cho tới khi nào nền quân chủ không còn là “cái khung hoà hợp và hữu hiệu” để tập hợp dân chúng, thúc đẩy đất nuộc đi lên, đến lúc đó tôi sẽ không ngần ngại đưa ra sáng kiến từ bỏ nền quân chủ để dẫn dắt đất nước theo những con đường khác và giúp thực hiện trong hoà bình, không đổ máu, con quãng cách mạng đã được chọn lựa”. (Bài nói này của tôi đã được đăng trên tờ báo Thực tế Campuchia, số ra ngày 3-8-1962.
Cuối cùng, do không chọn được người tiêu biểu, người ta đành phải thành lập một Hội đồng nhiếp chính, do ông chú tôi là Hoàng thân Sisowath Môniret làm Chủ tịch. Ngày 4-4-1960, ông đã tuyên thệ trước Quốc hội. Cuộc khủng hoảng lãnh đạo vẫn tiếp diễn. Khắp mọi nơi trong nước, nhân dân đề đạt nguyện vọng tôi trở lại ngôi vua, hoặc đề nghị tôi đề ra một giải pháp quyết định. Giải pháp đã được tìm ra bằng cách sửa đổi Hiến pháp, cho phép Hội đồng ngôi vua được “căn cứ vào ý nguyện của dân trao những quyền hành của một Quốc trưởng cho một nhân vật xuất chúng, thông qua trưng cầu dân ý”.
Ngày 5-6-1960, cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức và giải pháp trên được hai triệu phiếu tán thành so với vài trăm phiếu không đồng ý. Điều 122 của Hiến pháp sửa đổi ghi rõ, sau khi được bầu “Quốc trưởng sẽ có đầy đủ quyền hạn và đặc quyền như một Quốc vương”. Điều khoản này được nhất trí thông qua trong phiên họp toàn thể
Quốc hội ngày 9-6-1960 và năm ngày sau, tức ngày 14-6 tôi được nhất trí cử vào chức vụ vừa mới đặt ra là Quốc trưởng Campuchia.
Mẫu hậu, mẹ tôi, vẫn là biểu tượng của nền quân chủ, còn tôi là người đùng đầu Nhà nước. Với giải pháp này chúng tôi đã chấm dứt cuộc khủng hoảng lãnh đạo.
Điều 53 của Hiến pháp mới ghi nhận: “Cá nhân Quốc trưởng là tuyệt đối thiêng liêng và không thể xâm phạm” có nghĩa là Quốc hội không được truất phế Quốc trưởng. Điều khoản trên cũng quy định, tất cả các đại biểu Quốc hội đều phải tuyên thệ trung thành với bản Hiến pháp mới. Có thể nói, trong cuộc đảo chính ngày 18-3-1970. những kẻ giơ ray truất phế tôi đều chính là những người đã tuyên thệ trung thành với bản Hiến pháp sửa đổi năm 1960. Điều khoản ghi rõ “cá nhân Quốc trưởng là tuyệt đối thiêng liêng, bất khả xâm phạm” đã hai lần bị vi phạm, lần đầu là truất phế tôi, lần thứ hai là xử vắng mặt tôi vào tội tử hình. Điều rất mỉa mai là, chỉ hai năm sau, trong khi cái gọi là chế độ cộng hoà của Lon Nol - Sirik Matak - Cheng Heng đang gặp khó khăn bế tắc và rối loạn thì chính Mỹ năm 1972 đã khuyên họ nên tìm cách khôi phục lại chế độ quân chủ Lý do là vì, cái chế độ cộng hoà vừa mới dựng lên đã đồng nghĩa với tham nhũng, vi phạm các quyền dân chủ, đi đôi với những thất bại về chính trị và quân sự.
Thế là, cường quốc tự nhận là dân chủ nhất thế giới tức là Mỹ lại khuyên chư hầu Campuchia tìm một ông vua để tái hồi chế độ quân chủ? Mới đầu, họ chọn Hoàng thân Môniret đang còn mắc kẹt ở Phnompenh nhưng ông cậu tôi không thiết tha lắm, hẳn vì ông nghĩ rằng cái ngôi vua này không có tiền đồ. Người ta lại chạy đi tìm con trai cả của ông là Hoàng thân Sisowath Ratnara. Thật là một sự trùng hợp lịch sử. Người Pháp trước kia đã đặt Sihanouk lên ngôi vua mà đáng lý ra ngai vàng phải thuộc về cha tôi là ông Hoàng Xuranarit. Bây giờ, người Mỹ lại chọn Ratnara là con trai của Hoàng thân Moriret Ratnara bắt đầu công danh từ một viên chức Bộ Ngoại giao của Lon Nol, là một nhân vật cánh hữu, chống Cộng và thân Mỹ. Đó là một ứng cử viên lý tưởng vì Lon Nol quen, thân vôi Ratnara. Sau khi làm đảo chính, chuyến công du nào của Lon Nol ra nước ngoài Ratnara đều được đi theo. Nhưng lại xuất hiện một điểm nút khó giải quyết. Dù rất thân với Ratnara, Lon Nol vẫn không muốn nhường chỗ cho Ratnara vì hiện Lon Nol trên thực tế đang giữ vai trò của “Ông Vua Cộng hoà”? Giải pháp “Ratnara” cuối cùng đã không được thực hiện và rơi vào bế tắc như mọi giải pháp khác của Mỹ bầy ra cho bọn Lon Nol.
Trong khi đó, tôi tự coi như một con người sung sướng vì đang trên đường kháng chiến chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp.