Sau khi vãi nốt gánh phân cuối cùng để có được năm điểm ghi vào sổ hợp tác, tôi quẳng đôi quang gánh vào đâu đó rồi lên đồi nằm vật vờ trên vạt cỏ mua đất. Bên cạnh tôi, những ngôi mộ cũ cùng những bụi sim chằng chịt dây tơ hồng. Trời càng lúc càng tối sẫm, văng vẳng tiếng người gọi nhau trở về từ phía làng, nghe như tiếng gọi của những con người lạc nhau trong chiều hôm. Từ một ngôi mộ nào đó rất gần cất lên tiếng kêu đơn điệu, cô độc của một con dế. Tiếng kêu nghe lúc xa như kẻ hụt hơi, lúc gần đến chói tai. Cánh đồng tháng tám, cánh đồng có cái tên nghe muốn rớm nước mắt, trải ra một vùng tím ngát nối vùng đồi với dòng sông ngầu đục, con sông chảy cắt đôi làng tôi làm hai nửa không đều nhau, bên tả ngạn đang bồi, còn bờ kia đang lở. Phía bờ ngòi, một người đàn bà nách cắp chiếc rổ, xắn quần ngang đầu gối, hối hả chạy, bước thấp bước cao như có ma đuổi. Tôi bứt một quả sim muộn bỏ vào miệng nhai, vị chát ngấm dần vào lòng. Nỗi buồn tạm lắng, lại được dịp trào lên, tôi úp mặt vào hai cánh tay, nằm sấp trên cỏ... Trước mắt tôi hiện ra cánh đồng đục nước, và sau khi gặt lúc ba giăng (ba trăng - tức ba tháng, cấy xen vào giữa hai vụ chiêm mùa), tôi đùn chiếc cầy quấn đầy rạ tươi, đến bờ không nhấc nổi, nỗi nghẹn ngào muốn rơi nước mắt. Trong túi tôi còn một củ khoai. Tôi có ba củ khoai của bữa sáng. Một củ tôi ăn trước cửa chuồng trâu, chờ cho con trâu thức dậy. Một củ, tôi ăn trên đường ra đồng trong ánh trăng già hạ huyền, bước thập thõm trên bờ ruộng gầy ngặt. Khi nào thả cầy, con trâu tìm gặm cỏ là lúc tôi ăn nốt củ khoai cuối cùng của mình. Thế là tôi đã chấm dứt quãng đời niên thiếu tuổi học trò của mình, vương vấn quá! Trời càng tối sậm khi lưỡi trăng non như một cái lá cỏ bay dạt trong sương xanh lành lạnh. Cả một trái đồi lừng lững in vào góc trời đen thâm như một ngôi mộ ngàn kiếp im lìm hoang vắng. Chợt tôi rùng mình khi có người vỗ vai. Ai? Bàn tay vỗ nhẹ và dừng lại, truyền cho tôi một chút hơi ấm. Nếu không có cái hơi ấm ấy, chắc chắn là một hồn ma nào đó vừa từ dưới một ngôi mộ gần đấy chui lên. Tôi từ từ ngẩng lên và nhận ra khuôn mặt một người con gái, lờ nhờ trắng trong chiều tàn. Mái tóc đen và dài chảy xuống cổ và mặt tôi, toả một mùi hương dịu ngọt rất lạ lùng, nhưng lại đầy vẻ quen thuộc. Tôi vùng dậy ôm choàng ấy người con gái ấy và khóc. Mãi lâu sau, để cho tôi nguôi bớt cơn khóc, giọng người thiếu nữ thoang thoảng: -Nín đi, em! Khóc thế đủ rồi... Tôi ngước lên lóa mắt trong ánh trăng chiều, rồi gục đầu vào ngực người thiếu nữ ấy: -Em buồn quá, chị Nga ơi!... Chị Nga nhìn tô bằng cái nhìn của người đang nhìn một con thú bị thương, cái nhìn đầy thương cảm, nhưng bất lực. Tôi tiếp tục nức nở: -Em biết làm thế nào bây giờ?... Bố mẹ em cũng buồn, nhưng em phải nghỉ học thôi! -Cả chị, cả bố chị cũng buồn cho em... em trai của chị! Chị không biết làm gì khi biết em phải bỏ dở chuyện học hành. Bố chị thì tiếc cho em lắm... Chị Nga là con gái thầy Hoan. Mẹ chị mất sớm, mất ngay từ khi chị mới lọt lòng. Chị không biết gì nhiều về người mẹ của mình, chỉ có thầy Hoan biết, nhưng thầy một mực giữ kín trong lòng. Đó là một câu chuyện tình của người xưa, thấm đẫm máu và nước mắt. Tôi ước gì có thể kể cho bạn nghe! Thầy Hoan bế chị trong một cái áo chàm được bọc thêm bằng một cái áo trấn thủ, may chần chéo những hình quả trám, loại áo của các anh Vệ quốc đoàn. Chị im lặng, không khóc, và cũng rất ít cười mà cứ lớn lên bình thản. Lúc ấy thầy Hoan mới ngoài ba mươi tuổi, và cái lý do khiến thầy đậu lại ở làng tôi (cũng như cha ông tôi đã đậu lại trên mảnh đấy khó nhọc này) là thầy gặp bà ngoại tôi. Thầy gọi bà ngoại tôi bằng bá, vì bà người cùng làng quê với thầy. Cuộc trường chinh tha hương của thầy không hẳn là cầu thực. Có thể là một niềm say mê rủ rê con người ta ra đi, và cũng như thể để trốn tránh một cái gì đó của riêng họ, để rồi đến một tuổi nào đó, họ nhận ra mình đầy rẫy những nỗi niềm lầm lỗi. Những người có chức sắc làng tôi cũng vui vẻ chấp nhận thầy, và thầy Hoan được đề nghị trân trọng làm thầy giáo dạy đám học trò học chữ sau ngày hoà bình. Căn nhà rạ một gian hai chái của cha con thầy giáo làng nằm trên cùng với một mảnh đất nhà tôi, lẩn khuất sau bóng cây si già bên bờ ao Sen. Lúc nhỏ, chị Nga là một đứa bé sài đẹn, ốm yếu. Nhưng chi cứ thản nhiên lớn dần lên trong sự lãng quên của làng xóm. Một lần tôi nghe được câu chuyện giữa thầy Hoan và bà ngoại tôi: -Anh giáo xa làng lâu chưa? Bà ngoại tôi hỏi. Thầy Hoan im lặng một lúc, hai tay mân mê cây cời bếp: -Cháu không nhớ nữa, nhưng hình như từ lúc cháu còn bé. Cứ thế theo người ta đi, cũng chẳng biết đi đâu. Sau được làm con nuôi một gia đình khá giả. Nhờ thế, cháu cũng được đi hoc, bá ạ! Cứ tưởng đời mình được may mắn, nào ngờ, tạ hoạ ập đến… Đó là một câu chuyện thê lương. Trong cuộc chạy đua vào chức phó lý, gia đình bố nuôi của thầy Hoan trở thành khánh kiệt. Hơn thế nữa, họ đã gây ra mối oán thù giữa những kẻ có của, hãnh tiến. Ông cụ bố nuôi của thầy bị hàm oan, và đã chết trong nhà lao. Rồi bà mẹ cũng ốm đau dặt dẹo rồi qua đời. Anh em ly tán, tất nhiên thầy Hoan cũng phải tìm đường bán xứ. Tóm tắt là thế, nhưng đó là những tháng ngày tuyệt vọng dài đằng đẵng của một anh học trò trường làng. Năm ấy thầy mới mười lăm tuổi, bắt đầu cuộc hành trình lưu lạc mới. -Cuối cùng thì thị xã Phú Thọ là nơi cháu dừng lại. Quãng hai năm sau, cách mạng nổ ra, cũng nhờ công ơn ông bà cha mẹ nuôi, có được ít chữ, cháu trở thành anh giáo bình dân học vụ… -Thế ra anh giáo cũng là người trôi lạc, bôn ba nhỉ? Mà nghĩ cho cùng, cái thời buổi ấy, trăm người được mấy ai thoát khỏi cảnh tha hương, bán xứ. Nghĩ mà tủi, biết bao giờ mới ngó lại được nơi chôn rau, cắt rốn… -Cháu cũng muốn về làng một lần, bá ạ! Cái làng Sen Hồ của mình ấy, không biết bá có còn ai không, chứ cháu chỉ còn một người anh cùng mẹ. Năm nọ nghe anh ấy gả chồng con gái, là nghe mấy người đi buôn họ nói thế... -Anh giáo là đàn ông, còn có thể đi đây đi đó, tôi là đàn bà, theo phận nhà chồng, lại già cả rồi, nào dám nghĩ đi được đến đâu... Bà ngoại tôi lẳng lặng đem ra một bát bánh đúc tấm và một bát tương: -Anh ăn đi. Tôi hỏi nhá, thế mẹ cháu Nga người ở đâu ta? -Người Trại! Ở bên trên Phúc Thuận một quãng. Chỗ nông trường bộ đi vào... -Thế anh cứ định ở vậy mãi à? Tôi nghĩ có đám bên Thống Hạ... Thầy Hoan xắn một miếng bánh đúc bỏ vào bát tương, chống đũa: -Thôi bá ạ, cháu có con Nga là đủ lắm rồi. Đèo bòng làm gì cho khổ thêm mình, lại khổ cả cháu. Bá còn lạ gì thói đời dì ghẻ con chồng, bánh đúc nào có xương... Bà ngoại tôi cười: -Có đấy! Năm nay thóc ao gạo kém, tôi nấu bằng gạo đầu, ăn thì để ý mà nhằn, kẻo lại hóc. Cháu Nga rồi nó lớn, cũng phải đi lấy chồng. Lúc bấy giờ còn mình anh, ai đỡ đần, nâng giấc? Năm nay cháu mười mấy nhỉ? Mười sáu à? Cũng sắp sắp rồi đấy. Trông trẻ nó lớn mà thấy mình già... -Bá nấu bánh đúc( ) ngon quá! Cứ như thể là ăn ở làng mình ấy! Bá nói sao? Cháu Nga nó lấy chồng thì cháu chọn thằng nào ở rể. Cháu thành dong thế này cũng chả đến nỗi khó tính. Ăn uống kham khổ, đạm bạc quen rồi, chẳng cầu kỳ... Câu chuyện của thầy Hoan và bà ngoại tôi ngày đó mà tôi nghe hóng được tôi đem khoe với chị Nga. Chị bảo chị chẳng thèm lấy chồng, cứ ở nhà với bố. Tôi cũng tin như thế. Lúc này đây, trong ánh trăng mờ, tôi thấy chị thánh thiện quá. Nhớ lại câu chuyện cũ, tôi hỏi: -Thế chị có định lấy chồng không? -Không! Chị đã nói với em một lần rồi mà. Này, nhưng sao em không là con gái nhỉ? Để chị em mình cùng... không thèm lấy chồng! Nhưng mà thôi, em cứ là con trai cũng được, để chị còn thương em... Tôi vùi sâu mái tóc khét nắng của mình vào lòng chị Nga. Trái tim tôi dần dần nóng lên một cách khó hiểu. Tôi nghe thấy cả tiếng đập của nó, nặng nề ở đâu bên thái dương. Tôi nói mà nghe thấy tiếng nói của mình như giấu kín trong tà áo chị Nga: -Chị em mình mãi mãi bên nhau nhé? Chị im lặng, không nói. Bàn tay chị lùa vào mái tóc tôi, những ngón tay chị cứ ngập ngừng, như muốn nói "ừ!", mà cũng có thể là "không!". Tôi làm sao hiểu được chị? Không, sẽ chẳng bao giờ tôi hiểu! Tôi thì trẻ thơ mà giờ đây chị đã là một thiếu nữ, là người chị, người bạn cuả tôi, hơn thế nữa, chị còn là cô giáo dạy tôi môn địa lý lớp bảy. Đây là lần đầu tiên từ khi tôi lớn lên, trong cơn tuyệt vọng, tôi gục đầu vào ngực chị để được khóc. Chị cứ để yên như thế, để mái đầu khét nắng và trái tim của một thằng trai mới lớn ngủ yên trên ngực chị. Tiếng dế đàn lập tức từ các kẽ đá của những ngôi mộ đồng loạt cất lên, nghe hào hứng và rạo rực lạ thường. Tôi từ từ tĩnh tâm lại, ngước lên nhìn vào mắt chị Nga: -Chị ơi! Sao người ta không thể làm chủ số phận của mình được nhỉ? Chị không trả lời mà âu yếm bảo tôi: -Đưa bàn tay của em đây, bàn tay kia, tay trái ấy... Chị Nga nắm lấy bàn tay tôi đưa ra dưới ánh trăng. Trăng non mờ quá lại sắp lặn, tôi nhìn bàn tay mình mà chẳng thấy gì cả. Nhưng chị vẫn lấy ngón tay của mình chỉ vào lòng bàn tay tôi, giọng xa vắng: -Bàn tay em đẹp lắm, không phải của người cầm cày, cầm cuốc mà là có dáng của một thư sinh cầm bút. Nhưng đường học vấn bị đứt ngang, như vậy là chuyện học của em có nhiều dang dở... -Hay là tại số hả chị? -... Có học được cũng chật vật lắm, mà rồi cũng chẳng đi đến đâu, học nghề này lại đi làm nghề khác! Em còn muốn học không? -Muốn lắm! Tôi ngồi thẳng dậy, hào hứng như một cậu học trò thuộc bài, tự tin. -Có cách này. Em làm hồ sơ xin vào học trung cấp sư phạm, như chị ấy. Được học văn hóa, lại có học bổng, gia đình không phải lo... Tôi không tiếp lời chị Nga, chỉ im lặng cắn một ngọn cỏ đắng. Học hết lớp bảy phổ thông trường huyện (ngày ấy cả huyện tôi chỉ có một trường cấp 2 - 3) chị Nga vào học trung cấp sư phạm. Ra trường chị được một sự ưu tiên vô cùng quý giá là về dạy ở quê nhà, để trông nom cha già là thầy Hoan, cũng là một nhà giáo đã nghỉ dạy. Ở trường chị dạy tôi môn địa lý. Buổi học cuối cùng chấm dứt, ngày mai chúng tôi thi tốt nghiệp, ra trường và ngày kia, ngày kia nữa... để rồi câu chuyện học hành của tôi chấm dứt buổi chiều nay. -Có học toán, học văn không hả chị? Tôi lạnh lùng hỏi lại chị Nga. -Có chứ! Nếu em học ban tự nhiên, em sẽ học toán lý hoá, còn ban xã hội, sẽ được học văn-sử-địa, như chị ấy! -Em học văn! Em sẽ làm nhà thơ! Tôi hồn nhiên hào hứng. Chị Nga cúi xuống nhìn tôi: -Em cũng làm được thơ à? Đọc nghe nào! Tôi ngồi lên đọc bằng một giọng ngân nga: "Dù anh đi một ngàn đêm sương gió Vẫn thương em khi nhạt ánh chiều Anh sẽ đi làm màu xanh bãi cỏ Cho em ngồi tình tự với người yêu!" Đọc xong, tôi ngước nhìn chị Nga, chờ đợi những lời khen ngợi, thán phục. Nhưng chị chỉ ngồi im nhìn xa vắng về phía giòng sông, yên lặng. Mãi sau chị nói nhỏ, bâng quơ: -Yếu đuối quá! Thôi, chị em mình về đi, chị lạnh rồi! Tôi đứng dậy theo chị Nga. Chị cuốn mái tóc xõa xuống lưng, vuốt lại tà áo. Lúc này, nhìn chị tôi mới nhận ra chiếc áo chị mặc, không phải chiếc áo trắng chị vẫn mặc. Cái áo hôm nay chị mặc cũng màu trắng nhưng nhuộm đẫm màu biếc của trăng non, và hình như ánh lên màu sáng xanh của ánh lân tinh, nhìn như trong suốt. Tôi cứ bước thấp, bước cao trên bờ ruộng, còn chị Nga cứ băng băng như lướt trên cỏ, trên đồng và trên cả ánh trăng giãi tràn xuống đôi chân trần của chị. Đến đầu làng, nơi có cây gạo già nua, chị bảo tôi: -Em về trước đi, chị đi có tí việc rồi chị về sau! Tôi chưa kịp nói gì thì bàn tay chị đã rời khỏi tay tôi. Tôi quay lại nhìn cái bóng trắng có pha màu dạ quang lướt nhẹ về phía góc làng. Ở đó, ban ngày dưới bóng mát của ngôi mộ đá Chúc Anh Đài (thật ra là mộ của một người Tây) và những cây dứa ma, đám trẻ vẫn thường tụ nhau đánh chuyền, đánh chắt... Hôm sau, không chờ được đến tối, sáng ra tôi đến trường tìm chị Nga. Thấy tôi chị hỏi: -Em đi đâu đấy? Tìm chị à, có việc gì vậy? -Về việc tối hôm qua...Em... em muốn đi sư phạm! -Được để chị hỏi Ban tuyển sinh cho em. nhưng mà muộn rồi. Đã khai giảng khóa mới, có lẽ phải chờ sang năm... Tôi chạy ào về nhà, lòng cay đắng hờn trách chị Nga, dù tôi biết chị chẳng có lỗi gì. Tôi còn phải ở nhà một năm nữa với ba củ khoai của mình trên cánh đồng Lưu Lạc cấy lúa ba trăng và vụ màu tái giá. Năm sau,vào một buổi trưa cuối hè, anh Định Khiểng, người giao thông xã đút qua hàng rào cho tôi bức thư đặc biệt- nó to hơn những lá thư mà tôi thường thấy, lại được làm bằng giấy báo, và được dán lên một mảnh giấy vuông vuông màu vàng đề tên và địa chỉ người nhận là tôi. Tôi giật thót tim: giấy gọi vào học trường trung cấp sư phạm! Tôi chạy ào qua vườn, qua dõng sắn, băng trên những chà gai xấu hổ, xộc thẳng vào phòng chị Nga. Chị đang ngủ, vầng trán thanh tú của chị giãn ra nhẹ nhõm. Dưới lớp chăn mỏng cùng với nhịp thở đều đều, vòm ngực nhỏ bé của chị cũng nhịp nhàng dâng lên, hạ xuống thanh bình. Tôi đứng lặng đi trong một giây, giùng giằng, nửa muốn xộc vào đánh thức chị, nửa muốn quay ra. Sau cùng tôi xoay bước, khẽ khàng không làm động giấc ngủ trưa thanh thả, hiếm hoi của chị. Tôi vừa quay ra thì có tiếng chị: -Này, nhà thơ! Em có chuyện gì thế? Tôi ngoảnh lại và thật kinh hoàng khi nhìn thấy một bên vai áo chị trễ xuống, một vòm ngực sáng và mịn như được nặn bằng đất sét thạch cao màu ngà lóe lên. Tôi từ từ tiến đến, chìa ra trước mặt chị cái giấy báo nhập học. Chị hất mái tóc ra sau, xốc lại áo, rồi nắm tay tôi, kéo ngồi xuống bên cạnh. Chị đọc xong, liếc nhìn tôi, mỉm cười: -Mừng không? -Em cũng không biết nữa. Chị có mừng không? Là em hỏi cái ngày chị nhận giấy báo nhập học, chị có mừng không? -Thích lắm. Nhưng chị lại thương bố. Chị đi rồi bố ở nhà một mình... Tôi hào hứng: -Em chẳng phải nuôi ai. Thế mới thích. Ừ mà em mà lại làm được thầy giáo, chị nhỉ? -Làm được chứ có gì mà không làm được. Ở nhà, đã ai biết chưa? -Chưa! -Về đi, về báo cho bố em biết! Lần đầu tiên tôi được đi ra khỏi cái làng Sơn Cốt bé bỏng và đầy những nghịch cảnh của mình. Theo lời dặn trong giấy, mẹ tôi phải bán hơn bốn chục cân thóc, lấy giấy chứng nhận của phòng lương thực huyện đem lên trường ăn gạo nhà nước. Cũng theo lời ghi chú trong giấy báo, học sinh phải đem theo một loại vũ khí thô sơ: dao găm hoặc mã tấu, tôi lôi ra thanh kiếm cùn trong đống đồ nghề thợ bạc của ông ngoại tôi. màn đi mài lại cho đến sáng loáng. Tôi được mẹ sắm thêm cho một cái quần gụ may theo kiểu chân què. Khốn nỗi, phiếu vải không còn, mẹ mua ngoài chợ của ai đó một tấm vải đầu cây, còn ghi những con số khó hiểu đánh dấu mẫu mã của xúc vải. Chỗ ấy được bà An may xuống gấu quần, những hàng số bằng sơn màu vàng, không thể nào giặt sạch trông như số của người tù. Kệ nó, tôi tự nhủ! Trước ngày lên trường chị Nga ngồi với tôi một buổi chiều, chị dặn dò từng li, từng tí, ăn ở ra sao, nói năng thế nào, những thầy nào, cô nào, tính khí ra sao chị cho tôi nghe bằng hết. Đến lúc tôi đem ra khoe vói chị cái quần có số, chị cười: -Em mặc vào cho chị ngắm xem nào! Tôi vào trong buồng một lúc rồi trở ra lùng thùng trong cái quần có số màu gụ, chị Nga tự dưng cứ rũ ra mà cười: -Trông em như người Cao Lan ấy. Thôi, không sao, càng đỡ phải giặt xà phòng... Nhìn tôi lúc đó, chắc phải buồn cười lắm. Nặng bốn mươi mốt cân, cao một mét bẩy mươi, diện một cái quần "âm lịch" có đánh số dưới gấu, lếch thếch cái hòm gỗ - nguyên là cái hòm đựng xà phòng của Liên xô và lủng lẳng bên hông một thanh gươm... ra đi học làm anh giáo, gõ đầu trẻ. Và đúng như ước muốn của tôi, tôi học ban xã hội với các môn văn-sử-địa. Đến nửa năm thứ ba, nghĩa là còn một học kỳ nữa, qua một đợt thực tập là ra trường, tôi đã kịp hình dung ra tôi, một anh giáo làng, cần mẫn và an phận. Nhưng, một hôm người ta đánh xe ô tô đến, họ chở nào cân, nào túi thuốc, nào bảng chữ cái khám mắt đến dựa ngổn ngang cạnh các gốc cây. Tỉnh đội đến khám sức khỏe, tuyển bộ đội! Chúng tôi được thông báo, và được gọi đến khám tuyển. Tôi đã trúng tuyển ngay lần khám đầu! Dĩ nhiên là chúng tôi rất hào hứng. Lòng hân hoan, những miền đất xa xôi, đầy hứa hẹn và lãng mạn đã cuốn hút tôi, mà không hề hình dung ra những gian nan, cực khổ của cuộc chiến tranh đang chờ đợi. Trong khi tôi đang hí húi viết những giòng lưu niệm cho bạn bè thì nhận được thư chị Nga. Chị lấy chồng! Tôi phải về, phải về ngay! Không thể nào chần chừ được nữa. Lúc này, tôi đã đủ lớn, đủ sức suy nghĩ để hiểu rằng, không có hạnh phúc nào lớn lao bằng tình yêu đôi lứa. Rằng, người con gái phải lấy chồng, họ phải có một gia đình riêng, một cuộc sống riêng. Nhưng sao, lại là chị Nga của tôi? Chị lấy ai? Người chồng của chị có yêu chị không? Chị có yêu anh ta không? Và, cả tôi nữa, anh ta có làm cho tôi yêu mến không hay cũng lại là những tay đàn ông đầy lòng tự ái, vũ phu, gia trưởng và ngu xuẩn mà tôi đã thấy? Cái cảm giác mất chị tràn ngập trong ý nghĩ. Buổi chiều, tôi ra nhà bố Tiễu, - bố nuôi tôi, theo quy định của nhà trường, chúng tôi kết nghĩa làm con nuôi một gia đình nào đó trong địa phương nơi trường đóng chân, tôi làm con nuôi ông bà Tiễu người Thái Bình lên khai hoang - mượn được một chiếc xe đạp cũ kỹ. Suốt đêm ấy, từ nơi trường sơ tán, tôi đạp xe gần một trăm cây số về dự đám cưới chị Nga. Khoảng gần mười hai giờ đêm tôi về đến nhà. Trời lạnh, gió tạt cắt da, nhưng hai bên tai tôi lúc nào cũng nóng phừng phừng. Bố mẹ tôi ngạc nhiên lắm khi thấy tôi về nhà vào nửa đêm thế này. Tôi bảo: -Con đi bộ đội đây! Trên trường họ khám, con trúng rồi. Mẹ tôi lo lắng: -Thật không con? Bố tôi không nói gì, ông lặng lẽ bước ra sân, ngoài ấy một màn sương trắng đục đang la đà, tràn ngập vườn tược, cây cối. Lát sau, bố tôi vào nhìn tôi: -Được về mấy ngày? -Con trốn về. Xe đạp con mượn của bố Tiễu... Trưa mai con phải lên để kịp ra tỉnh đội tập trung! -Sao không cho con người ta về nhà gặp gỡ, chia tay với gia đình? Làm gì mà gấp gáp cứ như là bắt lính thế hở con? Mẹ tôi đặt đứa em rồi trở dậy cứ đứng nhìn tôi trân trân. -Con không biết nữa! Thời chiến mà. Thôi con ngủ một tý đây. Bố mẹ cũng đi ngủ đi. Tôi ra giếng ngó sang nhà thầy Hoan. Bên ấy vẫn còn sáng đèn. Tôi muốn lao vào mà ôm chầm lấy chị Nga quá. Nhưng nghĩ thế nào, tôi vào nhà chui vào chăn vói thằng em. Tôi vùi chăn kín đầu, còn nghe tiếng bố tôi: -Ở nhà mai dự đám cưới chị Nga đã chứ! Tôi vùng ra: -Lấy ai hả thầy? -Thằng Kỳ, con nhà Tuân! Tôi lặng lẽ hạ gối xuống. Một làn khói từ đâu kéo đến cay gắt mắt tôi. Trên bàn thờ, ba nén hương cháy đỏ, bố tôi đã thắp lên từ lúc nghe tin tôi nhập ngũ. Sáng hôm sau là ngày dẫn dâu, tôi sang nhà thầy Hoan từ sớm. Chị Nga vẫn còn gánh nước tưới su hào ngoài bãi, nhìn thấy tôi chị lắc đầu: -Lạnh quá! Em về tối qua à? Tôi không nói, lặng lẽ cầm lấy cái chổi quét một vũng sân. Thầy Hoan ho dưới bếp. Không khí ảm đạm cho mãi đến khi bạn bè của chị Nga, là các thầy cô gíáo kéo đến lục tục. Đám phụ nữ lôi chị Nga vào trong buồng, còn tôi pha nước bóc thuốc mời cánh đàn ông. Tôi thèm nói chuyện với chị Nga quá, nhưng chẳng còn một phút thời giờ nào dành cho tôi. Khi nhà trai đến, chú rể là anh Kỳ, một người cùng xã vói chúng tôi. Chị Nga từ trong buồng bước ra, tôi thấy đôi mắt chị ngấn nước. Và, cái áo chị mặc ngày đi lấy chồng vẫn chỉ là cái áo chị mặc khi lên lớp. Sao chị không mặc cái áo mà chị đã mặc hôm lên đồi tìm tôi? Cái áo trắng, pha màu biếc của ánh trăng mà tôi mới chỉ thấy một lần. Tôi đứng dựa cột chìm đắm trong tiếng ồn ào, lao nhao tiếng cười nói của hai họ. Khi chuẩn bị theo chồng, chị nhìn xung quanh như kiếm tìm ai. Tôi rời cây cột đến trước mặt chị. Chị nắm lấy tay tôi: -Em đưa chị đi chứ? Tôi lắc đầu: -Em không đưa chị đi được đâu. Mười hai giờ trưa em phải về trường rồi... -Có chuyện gì gấp thế? -Em về từ biệt chị. Sáng mai, em phải có mặt để xe chở lên tỉnh đội. Em... nhập ngũ! Bất ngờ chị ném cái khăn mù soa vào tay một ai đó, hai tay chị nắm lấy cổ tay tôi, nghẹn nấc. Mãi sau chị mới nói, rất nhỏ: -Ừ thôi, em đi đi, chân cứng, đá mềm... Chị chẳng có gì tặng em! Tôi đẩy nhẹ chị ra: -Em cũng thế, chẳng có quà mừng ngày chị đi lấy chồng. Đây... tôi móc trong túi ngực áo, em có mấy đồng bạc người ta cho em để nhập ngũ, chị cầm lấy... Tôi bỏ nửa chừng câu nói, nghẹn ngào quay lưng bước ra ngoài. Tiếng chị Nga gọi tên tôi phía sau, rất nhỏ nhưng day dứt quá. Tôi về nhà chào bố mẹ rôi vác xe ra cổng đạp mải miết... Và, tôi cũng không ngờ rằng, chúng tôi xa nhau từ ngày ấy mà phải đến tận hai mươi bảy năm sau, khi cả hai chị em đã luống tuổi mới lại được gặp nhau!