1. Tử viết: “Phù Dịch hà vi dã giả? Phù dịch khai vật thành vụ, mạo thiên chi đạo, như tư nhi dĩ giả dã. Thị cố thánh nhân dĩ thông thiên hạ chi chí, dĩ định thiên hạ chi nghiệp, dĩ đoán thiên hạ chi nghi” Dịch: Thầy (Khổng) nói: “đạo dịch để làm gì vậy? để mở mang trí và chí cho loài người, tạo thành muôn việc; gồm hết các đạo lý trong thiên hạ, chỉ có vậy mà thôi. Cho nên thánh nhân dùng nó để thông cái chí của thiên hạ, thành tựu những việc trong thiên hạ, quyết đoán sự ngờ vực trong thiên hạ.? 2. Thị cố thi chi đức viên nhi thần, quái chi đức phương dĩ trí, lục hào chi nghĩa dịch dĩ cống. Thánh nhân dĩ thử tẩy tâm, thoái tàng ư mật, cát hung dữ dân đồng loạn, thần dĩ tri lai, trí dĩ tàng vãng. Kỳ thục năng dự ư thử? Cổ chi thông minh duệ trí, thần vũ nhi bất sát giả phù? Dịch: Cái đức của cỏ thi tròn trịa (biến hoá, không nhất định) mà thần diệu, cái đức của quẻ bói vuông vức (nhất định) mà sáng suốt, cái nghĩa của sáu hào biến đổi để chỉ bảo chúng ta. Thánh nhân dùng ba đức ấy mà rửa lòng (cho trong sạch), lúc vô sự thì cất giấu đạo đức ấy ở đáy lòng, lúc hữu sự thì biết được tốt xấu mà với dân cùng vui, cùng lo, (vừa), thần minh để biết trước việc sẽ tới (vừa) sáng suốt để chứa cất những kinh nghiệm cũ. Ai có thể được như vậy? Chắc chỉ có những cổ nhân thông minh sáng suốt dùng uy vũ một cách thần diệu mà chẳng tàn sát (1) là được vậy thôi. Chú thích: (1) Mấy chữ “thần vũ nhi bất sát” chúng tôi dịch theo Phan Bội Châu. Chu Hi giảng là “hợp lẽ mà không đối vật nào”. Wilhelm dịch là “cái thần quyền không giảm của mình”. 3. Thị dĩ minh ư thiên chi đạo nhi sát ư dân chi cổ, thị hưng thần vật dĩ tiền dân dụng. Thánh nhân dĩ thử trai giới dĩ thần minh kỳ đức phù. Dịch: cho nên (thánh nhân) làm rõ đạo trời mà hiểu nguyên cớ (tình cảnh?) của dân, mới tạo thần vật đó (tức bói Dịch), để dân lúc cần tới thì dùng. Vì thế mà thánh nhân (khi làm việc đó phải) trai giới để cho đức của mình được thần diệu, sáng tỏ. Chú thích: tiết này Phan Bội Châu lại bỏ. 4. Thị cố hạp hộ vị chi Khôn, tịch hộ vị chi Càn. Nhất hạp nhất tịch chi biến, vãng lai bất cùng chi vị thông, hiện nãi vị chi tượng, hình nãi vị chi khí, chế nhi dụng chi vị chi pháp, lợi dụng xuất nhập, dân hàm dụng chi vị chi thần. Dịch: đóng cửa gọi là Khôn (vì khí âm – khôn có tính cách thu liễm, cất (giấu), mở cửa gọi là Càn (khí dương – Càn – ngược lại với khí âm). Một lần đóng, một lần mở gọi là biến, qua lại không ngừng gọi là thông; lẽ biến thông đó khi hiện ra ở sự vật thì gọi là “tượng”; mô phỏng cái tượng đó mà tạo ra hình thì gọi là đồ dùng, cách chế mà dùng đồ đó gọi là “phép”; khi ra khi vào (nghĩa là trong đời sống hằng ngày) mọi người đều dùng nó, như vậy mới gọi là thần (vạn năng). 5. Thị cố Dịch hữu thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Dịch: dịch có thái cực, thái cực sinh ra lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tứ tượng sinh ra bát quái. Chú thích: Những từ ngữ lưỡng nghi, tứ tượng được giảng ở phần I, Chương I. Quan niệm thái cực, thời Văn Vương, Chu Công chưa có, thời Chiến quốc hay Hán mới xuất hiện; tới đời tống lại thêm quan niệm vô cực nữa (các tiết từ đây trở xuống, Phan Bội Châu đều bỏ). 6. Bát quái định cát hung, cát hung sinh đại nghiệp. Dịch: Tám quẻ để định cát hung, có cát hung rồi sinh ra nghiệp lớn. 7. Thị cố pháp tượng mạc đại hồ thiên địa; biến thông mạc đại hồ tứ thời; huyền tượng trứ minh mạc đại hồ nhật nguyệt; sùng cao mạc đại hồ phú quí, bị vật trí dụng, lập (1) thành khí dĩ vi thiên hạ lợi, mạc đại hồ thánh nhân; thám trách sách ẩn, câu thâm trí viễn dĩ định thiên hạ chí cát hung, thành thiên hạ chi vỉ vỉ giả, mạc đại hồ thi qui. Dịch: Làm mẫu mực và hình tượng (2) thì không gì lớn bằng trời đât, về biến thông thi không gì lớn bằng bốn mùa, về hình tượng treo ở trên trời và sáng rỡ thì không gì lớn bằng mặt trời mặt trăng; được tôn sùng, cao cả thì không gì lớn hơn giàu sang (3) chuẩn bị sự vật để dùng, tạo lập (1) khí cụ làm lợi cho thiên hạ thì không ai lớn hơn thánh nhân; dò cái thâm u, tìm cái kín đáo, thấu cái sâu, đạt được cái xa, mà định sự cát hung cho thiên hạ khiến cho thiên hạ đều gắn gỏi (4), thì không gì bằng cỏ thi và yếm rùa. Chú thích: (1) Chu Hi ngờ rằng sau chữ lập này, sót một chữ. (2) Wilhelm dịch “pháp tượng” là hình tượng thiết yếu nhất. (3) Chu Hi chú thích: giàu sang ở đây trỏ ngôi vua vì vua có cả thiên hạ và quí nhất trong thiên hạ. (4) Chu Hi giảng: khi ngờ vực thì người ta không ham làm, nhờ bói mà người ta tin tưởng, quyết định, lúc đó mới cố gắng. 7. Thị cố thiên sinh thần vật, thánh nhân tắc chi; thiên địa biến hoá, thánh nhân hiệu chi; thiên thùy tượng, hiện cát hung, thánh nhân tượng chi; Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, thánh nhân tắc chi. Dịch: Cho nên trời sinh ra thần vật (Hà đồ, Lạc thư) thì thánh nhân áp dụng theo; trời đất biến hoá thì thánh nhân bắt chước; trời bày ra hình tượng, hiện ra tốt xấu thì thánh nhân phỏng theo mà nảy ra ý tượng; ở sông Hoàng Hà hiện ra bức đồ, ở sông Lạc hiện ra hình chữ (lạc thư) thì thánh nhân áp dụng theo. 9. Dịch hữu tứ tượng sở dĩ thị dã; hệ từ yên sở dĩ cáo dã; định chi dĩ cát hung sở dĩ đoán dã. Dịch: Dịch có tứ (1) tượng để cho người ta thấy, có những lời (đoán) ghép vào (mỗi quẻ, mỗi hào) để chỉ cho người ta ý nghĩa lại định thế nào là tốt là xấu để người ta quyết đoán. Chú thích: (1) R. Wilhelm không dịch chữ “tứ” này, có lý. Coi chú thích tiết 2 Chương sau. (Chương này đề cao dịch về phương diện bói toán, không có tư tưởng gì sâu sắc. )