1. Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo. Dịch: Kinh dịch (vì có đủ cái đạo của trời đất, cho nên) cùng làm chuẩn đích với trời đất; do đó mà chỉnh đốn, sửa sang được đạo của trời đất. 2. Ngưỡng dĩ quan ư thiên văn, phủ dĩ sát ư địa lý, thị cố tri u minh chi cố. Nguyên thủy phản chung, cố tri tử sinh chi thuyết. Tinh khí vi vật, du hồn vi biến, thị cố tri quỉ thần chi tình trạng. Dịch: (Thánh nhân trước khi làm Dịch) ngửng lên mà xem thiên văn, cúi xuống mà xem địa lý, cho nên biết cái cơ sở dĩ u và minh (1). Suy nguyên từ trước, trở lại về sau, nên biết cái thuyết sống chết (2). Tinh và khí là vật chất hoạt động, hồn tan mà biến, nên biết được tình trạng quỉ thần (3). Chú thích: (1) U là tối, lúc mà vạn vật chưa có hình tích rõ ràng, ngược lại là minh, là sáng. (2) Suy nguyên từ trước là từ khi âm dương hoà hợp, tụ lại thành hình, tức là biết thuyết sinh (sinh ra); trở lại về sau là về lúc âm dương tiêu kiệt, khí tán, hình tán, tức lúc chết, do đó mà biết được thuyết tử (chết). (3) Quỉ, thần ở đây khác hẳn nghĩa ngày nay. Âm dương ngưng tụ lại mà thành hình, thành chất, đó là tình trạng thuộc về thần; khi hồn tan rồi, chỉ còn một khối tử vật, đó là tình trạng thuộc về quỉ (Giải thích của Phan Bội Châu). 3. Dữ thiên địa tương tự cố bất vi; trí chu hồ vạn vật nhi đạo tế thiên hạ, cố bất quá, bàng hành nhi bất lưu, lạc thiên tri mệnh cố bất ưu; an thổ đôn hồ nhân, cố năng ái. Dịch: (Trên nói về trời đất, đây nói về thánh nhân) (thánh nhân) giống với trời đất cho nên không trái với trời đất, đức trí (sáng suốt) soi khắp vạn vật, mà đạo (nhân của thánh nhân) giúp khắp thiên hạ, cho nên không bao giờ quá (luôn luôn hợp với đạo trung); biết quyền biến (bàng hành) mà không lưu đãng (không mất lẽ chính đáng) vui lẽ trời, biết mệnh trời (1) cho nên không lo lắng; yên với cảnh ngộ, đôn đốc về đức nhân, cho nên thực hành được bác ái. Chú thích: (1) chữ tri mệnh ở đây tức là chữ tri mệnh trong luận ngữ: ngũ thập nhi tri thiên mệnh. Mệnh không phải là số mệnh, mà là cái luật, cái đạo trời. 4. Phạm vi thiên địa chi hoá nhi bất quá, khúc thành vạn vật nhi bất di, thông hồ trú dạ chi đạo nhi tri, cố thần vô phương nhi dịch vô thể. Dịch: (Thánh nhân) lấy sự biến hoá của trời đất làm khuôn mẫu mà không quá (vẫn giữ đạo trung), uốn nắn mà thành tựu được vạn vật, chẳng bỏ sót vật nào, thông suốt đạo ngày đêm mà hiểu nó (tức đạo u mình, sinh tử, quỉ thần) ; do đó thấy sự huyền diệu của bậc chí thần là không có phương sở mà biến hoá của Dịch không có hình thể (không hạn lượng được). Chú thích: Hai tiết sau, R.Wilhelm cho là vẫn nói về đạo Dịch, chứ không nói về đạo thánh nhân, và tiết cuối này ông dịch như sau: “Trong Dịch có hình thức và phạm vi của mọi vật trong trời đất, không gì thoát ra ngoài được. Trong Dịch mọi vật ở mọi nơi được hoàn thành, không sót vật nào. Cho nên, nhờ Dịch chúng ta có thể thấu được đạo ngày đêm mà hiểu nó. Cho nên cái thần trí (spirit) không bị giới hạn ở nơi nào cả mà Kinh Dịch không bị giới hạn ở hình thể nào cả”.